Nghiên Cứu & Bình Luận
Thiếu Sơn với phê bình và cảo luận
17:05 | 04/02/2009
HƯƠNG GIANG - PHẠM PHÚ PHONGLịch sử nói chung phán xét những gì đã qua, nhưng lịch sử nghệ thuật thì  phán xét những gì còn lại. (Thái Bá Vân)

Những gì làm nên diện mạo một giai đoạn văn học không chỉ có sáng tác mà còn có cả lý luận phê bình văn học. Vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, bên cạnh sự cuộn chảy dữ dội của sáng tác văn học với một đội ngũ các tác giả đông đảo làm nên Phong trào thơ mới và Tự lực văn đoàn, không thể không kể đến đội ngũ những nhà phê bình văn học chuyên nghiệp, thế hệ mở đầu cho phê bình văn học ở nước ta như Lê Tràng Kiều, Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh... nhất là với Thiếu Sơn, người "được coi là một trong những người mở đầu cho phê bình văn học bằng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam"; "tác giả của cuốn sách phê bình văn học đầu tiên ở nước ta: Phê bình và cảo luận, Văn học Tùng thư in năm 1933". Điều quan trọng đáng nói hơn là Phê bình và cảo luận không chỉ mang ý nghĩa mở đầu cho một nền phê  bình văn học, mà những gì Thiếu Sơn đặt ra trong đó cách đây đã hơn bảy mươi năm, vẫn còn nóng hổi tính thời sự, còn nguyên giá trị khoa học, cho đến bây giờ.

Nhà văn, nhà phê bình văn học Thiếu Sơn tên thật là Lê Sỹ Quý, sinh năm 1907 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống học vấn. Năm 1927, sau khi tốt nghiệp Thành chung, ông vào làm công chức ở Sở Bưu điện Gia Định- nơi khởi đầu và là trung tâm báo chí của nước ta thời bấy giờ. Chính nơi đây, vùng đất sôi động đầu sóng ngọn gió những năm đầu thế kỷ XX đã góp phần phát huy bản lĩnh năng động vốn có, hình thành chân dung nhà báo, nhà văn, nhà phê bình văn học Thiếu Sơn. Sự khơi thông nguồn mạch tâm hồn và những khát vọng về truyền thống văn hóa dân tộc, lòng yêu nước và tự tôn về nền văn hóa dân tộc, được hâm nóng trong bầu không khí sôi động dữ dội của thời đại mà các giá trị mới vừa hình thành, như các lý tưởng về bình đẳng, bác ái, dân chủ, văn minh... là hệ quả của cuộc cọ xát giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây. Thiếu Sơn bắt đầu cộng tác với các tờ báo và tạp chí có tiếng thời bấy giờ như Nam Phong tạp chí, Phụ nữ tân văn, Đuốc nhà Nam, Tiểu thuyết thứ bảy, Đại Việt tạp chí, Nam Kỳ tuần báo... Không chỉ với tư cách là nhà văn, nhà phê bình văn học mà còn là nhà bình luận thời sự chính trị, văn hóa, tư tưởng,Thiếu Sơn hăng hái tham gia các hoạt động chính trị xã hội, từng tham gia Đảng xã hội Pháp. Bên cạnh những tập tiểu luận phê bình gây chấn động thời bấy giờ như Phê bình và cảo luận (1933), Đời sống tinh thần (1933), Câu chuyện văn học (1933), Giữa hai cuộc cách mạng (1947)... ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn in trên các báo, tạp chí và tiểu thuyết Người bạn gái (1942)...

Sau năm 1945, ông làm báo công khai hợp pháp ở nội thành Sài Gòn. Ngoài một số bài báo chính trị tiến bộ, Thiếu Sơn hầu như thôi hẳn sự nghiệp văn học. Ông trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng cùng với các văn nghệ sỹ, trí thức yêu nước chống Pháp và chống Mỹ, đứng trong hàng ngũ "lực lượng thứ ba", đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, tiếp tục "dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ" trên các tờ Thần chung, Điện tín, Công lý... Năm 1971, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt đày đi Côn Đảo. Ai đã từng sống trong bầu không khí ngột ngạt của sự khủng bố, đàn áp của chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ, đã chịu đựng chế độ lao tù "địa ngục trần gian" ở nhà tù Côn Đảo, mới thấu hiểu hết tấm lòng kiên trung vì quốc gia dân tộc và thái độ tự dấn thân, bản lĩnh và sự chọn lựa của một thế hệ trí thức miền Nam thời bấy giờ. Đó cũng là mục tiêu suốt đời Thiếu Sơn đeo đuổi... Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông được" trao trả tù binh" tại Lộc Ninh. Thiếu Sơn trở ra miền Bắc, rồi sang Pháp để vận động Việt kiều ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Cuối năm 1975, ông trở về nước sống tại thành phố Hồ Chí Minh và ba năm sau trái tim đầy nhiệt huyết của ông ngừng đập vì một cơn tai biến mạch máu não, nhưng bản lĩnh, nhân cách con người và sự nghiệp văn học của ông vẫn còn có ý nghĩa với nhiều thế hệ mai sau, nhất là những người làm phê bình văn học.

Không phải đến Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn nước ta mới có phê bình văn học. Trong các thể phê bình phổ biến như tiểu luận, điểm bình, tùy bút, lời tựa, chân dung, thì hầu như trước đó trong văn học cổ nước ta chỉ xuất hiện điểm bình, lời tựa có tính chất thù tạc, tâng bốc lẫn nhau của những người cùng giới hoặc những lời bình chú tùy hứng hay thi thoại xen lẫn trong những cuốn biên khảo để bình giá tác phẩm chứ chưa tồn tại như một bộ môn khoa học độc lập, chưa có phê bình chuyên nghiệp, phê bình hiện đại. Một nền phê bình văn học mang tính chuyên nghiệp, hiện đại chỉ có thể ra đời và phát triển trên cái nền của đời sống báo chí sôi động, nó bám rễ vào công luận, vào dư luận xã hội, vào tiếp nhận xã hội đối với văn học. Hơn ai hết, với tư cách là nhà báo, Thiếu Sơn hiểu rất rõ điều đó. Vì vậy, ông đánh giá rất cao sự tác động của báo chí đối nền văn học hiện đại. Một trong nhưng tư tưởng nền tảng, làm tiền đề cho Phê bình và cảo luận, Thiếu Sơn cho rằng: "Trong những nước văn minh, văn học ra đời trước báo chí, nhưng ở Việt , chính báo chí đã tạo nên nền văn học hiện đại".

Phê bình và cảo luận
chia làm ba phần chính: phê bình tác giả, phê bình tác phẩm và cảo luận, đề cập đến hầu hết những hiện tượng gây xôn xao dư luận đương thời, đặt ra nhiều vấn đề cho đến nay còn có ý nghĩa thời sự với văn học và báo chí. Ở phần cảo luận, Thiếu Sơn đề cập đến tầm quan trọng của chữ quốc ngữ trong sự phát triển của văn học và xã hội, vai trò của báo chí trong việc nâng cao dân trí, mối quan hệ giữa báo chí và văn học. Đề cập đến những vấn đề nóng hổi của thời đại như việc canh tân đất nước, tiếp thu tư tưởng phương Tây và bảo tồn văn hóa dân tộc, Thiếu Sơn cho rằng: "Tiếng nước mình, chữ nước mình nó vẫn hòa theo tinh thần của người mình. Dùng nó mà thâu nạp cái tư tưởng của người ngoài, nó không thể nào thâu nạp được hẳn mà vẫn có chỗ khác của nó ở trong. Cái chỗ khác đó chính là tiềm tàng giúp cho bước nhân đồng của mình có chỗ nghịch dị với người. Dùng nó mà tư tưởng, mà diễn thuật, thì các công dụng của chỗ cách dị lại thêm lên nhiều lắm, quốc học khả dĩ nhờ ở đấy mà phôi thai, rồi sẽ cũng ở đấy mà tấn hóa nữa...Càng bàn đến quốc học ta càng rõ cái giá trị của quốc văn, mà càng nghĩ đến quốc học ta càng thấy nó có quan hệ đến sự tồn vong của Tổ quốc". Về câu chữ đôi khi còn hạn chế, do hạn chế chung của chữ quốc ngữ vừa mới hình thành. Nhưng đọc Thiếu Sơn, dù không gặp người, ta vẫn có thể nhận ra vóc dáng tâm hồn ông, chân dung con người đau đáu vì quốc hồn, quốc túy của ông.

Thiếu Sơn không chỉ nhìn thấy vai trò quan trọng của báo chí trong sự hình thành và phát triển của văn học mà báo chí còn góp phần vào việc định hình, chuẩn hóa tiếng Việt, thông qua việc truyền bá chữ quốc ngữ. Báo chí có thể đem lại cho đời sống hàng ngày của mọi người những tri thức văn hóa của phương Đông lẫn phương Tây. Đó là trường hợp Nam Phong tạp chí, một trong những tạp chí có tác động mạnh mẽ đến tinh thần, ý thức xã hội của nước ta từ những năm đầu thế kỷ XX (1917-1934): "Có những kẻ không hiểu biết gì về văn chương Pháp và Trung Hoa, nhưng với tạp chí Nam Phong, họ có thể có được một trình độ tri thức cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Những học giả chỉ cần đọc tạp chí này cũng có được một kiến thức rộng rãi. Và trong khi đọc tờ Nam Phong, người ta cũng có thể học hỏi được nền văn hóa phương Đông". Một trường hợp khác, tờ Phụ nữ tân văn, trong sự kiện thực dân Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Bái: "Hồi có cuộc khởi nghĩa Yên Bái và vụ xử án những nhà cách mạng Việt Quốc dân đảng. Chính độc giả ngoài Bắc lại trông đứng trông ngồi vào những số Phụ nữ tân văn trong Nam gửi ra, để được nghe những lời nói can đảm. Bênh vực những kẻ hy sinh cho giống nòi đất nước". Hóa ra ở đâu, trong bất kỳ trường hợp nào ông cũng thường xuyên bộc lộ thái độ của một nhà văn hóa dân tộc, một trí thức yêu nước, nói lên tiếng nói bảo vệ giống nòi. Xuất thân là trí thức "Tây học", nhưng ngọn nguồn tư tưởng của Thiếu Sơn vẫn xuất phát từ nền móng văn hóa, từ cốt cách dân tộc. Ông cho rằng, học tập những thành tựu của nước ngoài là để nhằm phát huy bản sắc văn hóa của mình, chứ không phải để  đánh mất mình: "Nước Pháp có chịu cái giáo hóa của Hy Lạp mà từ cái ngày có học thuyết của  Décartes ra đời, dân Pháp càng  biết đến cái lý trí của mình hơn là Platon hay Socrate..."

Nếu ở phê bình tác phẩm,Thiếu Sơn đề cao tiểu thuyết Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật), bênh vực cho tư tưởng mới, tự do luyến ái trong Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách)... những quyển tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học hiện đại sau Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887), thì đến phần phê bình tác giả, ông có sự đánh giá hết sức khách quan về những tác giả đương thời như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Tương Phố... Mỗi người, ngoài những đóng góp cho nền văn học, văn hóa dân tộc, ông đều không thoát khỏi hệ quy chiếu vì lợi ích quốc gia dân tộc, nhất là xét về hành trạng cuộc đời. Về cách ứng xử, lối sống và nhân cách của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, ông viết: "Cụ rất lịch sự trong phép xã giao nhưng không nhân nhượng khi giữ vững lập trường...Cụ nghiêm khắc với nhiều người, gắt gao với những hạng tịch đàm vong tổ và nhất định không thèm tiếp những hạng người đó...". Chỉ có một bản lĩnh, một nhân cách cường tráng như thế mới có thể đứng ra thành lập báo Tiếng dân (1927), tờ báo quốc ngữ đầu tiên của miền Trung, tuy bản thân mình, cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc ấy chưa biết chữ quốc ngữ. Cụ phải vừa làm vừa học, tự nâng mình lên, tự hiện đại hóa mình để khắc phục những so le lịch sử. Bởi vì "đối với cụ thì không có cái mỹ thuật nào hơn được cái cảnh trí non sông, mà cũng không có cái văn chương nào hơn cái văn chương làm cho dân khôn nước mạnh".

Về thái độ và cách thế dấn thân của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, ông viết: "Thường con nhà cầm bút hay mắc bệnh háo danh, thích được người ta khen ngợi, không phân biệt thù hay bạn. Do đó mà coi thù như bạn rồi sẳn trớn để cho họ chiêu hồi(...) Hiện ta có nhiều kẻ ăn dơ nhưng vẫn làm màu, làm mè, thương nước yêu dân và thỉnh thoảng lại còn bày đặt những trò kỷ niệm này nọ để người ta tưởng rằng họ cũng trong sáng như tiền nhân". Đối với những trí thức tuy có ít nhiều đóng góp nhưng do mưu lợi của bản thân có những sai lầm lệch lạc, ông cũng phân định rạch ròi giữa công và tội, giữa được và mất. Ông đánh giá rất cao những đóng góp của Phong tạp chí gắn liền với công lao của Phạm Quỳnh-nhà báo, nhưng với Phạm Quỳnh-nhà chính trị, ông sẵn sàng vạch rõ những sai lầm: "Giờ đây Phạm Quỳnh ra làm chính trị. Chủ nghĩa quân chủ lập hiến của ông tuy có giá trị đấy nhưng ta lo ngại rằng nó không dễ dàng áp dụng, như là viết nó trên giấy. Sự thực hiện lý thuyết này không có ích lợi gì cho đồng bào, nó càng làm thương tổn cho văn nghiệp của ông. Bấy giờ người ta không thấy hậu quả của việc làm ấy. Điều hiển nhiên là từ khi ông chủ nhiệm ra đi, ai nấy đều nhận thấy rằng giá trị văn chương của Phong trở nên sa sút. Tại sao có chuyện ra đi? Phải chăng ông chủ nhiệm đã bỏ rơi tờ báo để đi làm chính trị".

Có người cho rằng: "Phương pháp phê bình của Thiếu Sơn còn võ đoán, cảm tính", là phương pháp phê bình xã hội chứ chưa phải phê bình thẩm mỹ. Nhưng làm sao đòi hỏi mọi điều ở một tác phẩm mở đường, tác phẩm đi tiên phong cho nền phê bình văn học nước nhà, nhất là ở thời điểm chưa có ý thức một cách đầy đủ về phương pháp, chưa có khoa học phương pháp đối với khoa học về văn học. Nhưng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, từ hệ quy chiếu của mục tiêu vì dân vì nước, Thiếu Sơn tỏ ra sòng phẳng, công bằng, không hề bỏ sót đóng góp, dù nhỏ, của bất kỳ ai. Chẳng hạn, ghi nhận tâm huyết của "bộ ba" Lê Hữu Phúc, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn đối với sự phát triển của báo chí nước nhà, trong Phê bình và cảo luận ông kể lại: "Cách đây 20 năm, hai thanh niên Việt Nam, người thứ nhất sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, người thứ nhì đã là ký giả đã cương quyết bỏ trường học và bỏ nghề để qua Pháp mà học hỏi thêm về cách làm báo của Tây phương. Ký giả Hoàng Tích Chu lo trau dồi nghề nghiệp, Đỗ Văn thì nghiên cứu kỹ thuật ấn lóat. Lúc lưu trú bên Pháp, hàng tháng họ được một số tiền trợ cấp của người bạn thân là Lê Hữu Phúc, giáo sư trường Trung học Albert Sarraut. Học xong, họ trở về nước, tới lượt giáo sư Lê Hữu Phúc qua Pháp học thêm về văn chương và triết ở trường Đại học Aixen Provence . Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn chờ đợi khi Lê Hữu Phúc về thì " bộ ba" sẽ lập ra một tờ báo vói sự phân công rõ rệt: Hoàng Tích Chu làm quản lý, Lê Hữu Phúc lo về tòa soạn và Đỗ Văn lo việc nhà in. Kế họach khá đẹp và thực tế ấy đã bị gãy vì khi học thành tài, giáo sư Lê Hữu Phúc mất ở bên Pháp. Bởi vậy, ở trang nhất ở số ra mắt (tờ Đông Tây), Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn đã viết một bài ai điếu, khóc người bạn của mình"...

Có thể nhận ra một vóc dáng tâm hồn luôn hướng về quốc gia dân tộc thông qua những trang viết của Thiếu Sơn. Ông ngợi ca những người có tâm huyết với đất nước (cho dù chưa có đóng góp gì như trường hợp Lê Hữu Phúc), phê phán những người thờ ơ, lãnh cảm với số phận của dân tộc và lên án những kẻ trục danh trục lợi. Tư tưởng ấy, tinh thần ấy nhất quán trong toàn bộ thế giới tâm hồn, tư tưởng và hành trang cuộc đời của ông từ khi tham gia viết văn làm báo, tham gia các tổ chức yêu nước, bị địch bắt bớ tù đày, cho đến khi kẻ thù bất lực buộc phải trả tự do, được ra nước ngoài với tư cách là nhân sĩ trí thức yêu nước đi tuyên truyền về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Sinh thời ông từng tâm sự: "Bản thân tôi không phải là người cách mạng, nhưng tôi đã theo cách mạng cho tới ngày đất nước sạch bóng quân thù...".
Trên những chặng đường phát triển của lịch sử văn học nước nhà, vẫn còn thấp thoáng bóng dáng chân dung người mở đầu cho  nền phê bình văn học hiện đại - một chân dung đẹp  thể hiện bản lĩnh của người trí thức đồng hành với dân tộc, với thời đại.
    12. 2004
 H.G-P.P.P

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng