Hãy xem mấy dòng mở đầu của Lê Quý Kỳ: "Văn học là nhân học, là khoa học về con người. Có lẽ đến bây giờ không ai nghi ngờ gì về định nghĩa đó của người xưa". Thực ra, cái ý văn học là nhân học chính là của nhà phê bình Nga nổi tiếng V.G.Biêlinxki (1811-1848), có gì phải mù mờ phiếm chỉ "định nghĩa của người xưa". Tôi không rõ anh dùng chữ người xưa là như thế nào? Còn anh viết văn học "là khoa học về con người" thì chung chung quá thể, không biết anh dẫn từ đâu, có khác gì cách nói "y học là khoa học về con người"! Thêm nữa, nếu quả thật "Có lẽ đến bây giờ không ai nghi ngờ gì về định nghĩa đó của người xưa" thì anh còn đặt lại vấn đề làm gì, còn "có lẽ" để làm gì? Rồi cứ với đà mù mờ phiếm chỉ như thế, Lê Quý Kỳ hăng hái cưỡi ngựa kỳ ngựa ký múa gươm tấn công vào KHÔNG AI CẢ- "có người cho rằng", "có người chợt phát hiện ra rằng", "vừa qua có một số người", "các nhà phục chế", "họ quay ra phục chế", "ai đó ngộ nhận", "họ lấy làm tiếc", "họ chia tay", "họ tự phong"... Xin cứ xem như Lê Quý Kỳ không thuộc số văn nhân cô tình- lạc lõng- ngộ nhận trên kia, cứ giả định tin vào bầu nhiệt huyết, nhãn quan nhìn xa trông rộng và vốn kiến thức đong vừa đầy nhất thốn của Lê Quý Kỳ trước những người KHÔNG AI CẢ, thì đến lượt anh, thử hỏi anh có đề xuất gì mới?
Phù hợp với cách nói mập mờ, anh thường nêu vấn đề to đùng bằng cả trăm voi rồi ngay đó lại chạy làng, bỏ lại lời hứa hẹn dư nửa bát nước ốc. Chẳng hạn, trước vấn đề cái tôi trong văn học dân tộc mà các tác giả Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương là đại diện còn chưa được lý giải thấu đáo thì riêng Lê Quý Kỳ hạ một câu ngon hề: "Những nhà thơ này đã đòi và bảo vệ quyền do tạo hóa ban ra con người như thế nào, thiết nghĩ không cần dẫn ra đây, bạn đọc cũng thừa thấy, thừa hiểu"...Nhưng đấy là anh giao cho bạn đọc phải "thừa thấy, thừa hiểu" chứ thực tình anh có trình bày sự thấy, sự hiểu của mình ra thế nào đâu! Khi khác anh tự nêu câu hỏi và tự trả lời: "Vậy nội dung của cái tôi thời Đổi mới và Mở cửa này là gì? Đây là cả một chuyên luận dài khác, khó có thể kết hợp vào đây được". Thế còn nói làm gì, bởi cái điều thiết yếu nhất tự anh nêu ra và bạn đọc đang chờ lý giải thì anh khất lần hò hẹn- Bao giờ cho đến tháng mười!...
Điều đáng bàn hơn, bên cạnh những lời hô hào sáo rỗng, bài viết của Lê Quý Kỳ còn bộc lộ quá nhiều sai sót về kiến thức, nhiều nhận định lạc hậu và lạc điệu. Xin nêu một vài dẫn chứng.
1- Sau khi lược dẫn đôi dòng về con người trong văn học là con người ý thức, con người xã hội, con người của vô thức, của bản năng, Lê Quý Kỳ viết: "Con người xã hội hay con người bản năng thì cũng chỉ là những khái niệm hết sức mơ hồ". Tôi không hiểu tại sao trước những khái niệm cơ bản, phổ cập và xác định như thế mà Lê Quý Kỳ lại hồ mơ đến mức không thể nhận thức nổi, đánh đồng và bỏ chung vào cái rọ "hết sức mơ hồ". Song liền sau đó anh lại khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Con người trong tác phẩm văn học phải là con người đại diện cho một giai tầng nào đó, con người có tính giai cấp". Điều này cho thấy đặc điểm lối tư duy tuỳ tiện và nhận thức bất nhất, đầy mâu thuẫn của anh Kỳ.
2- Chẳng cần tìm hiểu, xét đoán, Lê Quý Kỳ hùng hồn phân chia ngôi thứ: "Tại sao quyền đó, hay nói chính xác hơn là cái tôi, chỉ xuất hiện trong Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm..., mà không xuất hiện trong Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu... chẳng hạn?". Đây quả là sự phân chia tuỳ tiện, chưa từng có tiền lệ- một phát hiện độc đáo và gây sửng sốt cho giới nghiên cứu vào đúng năm đầu thiên kỷ mới.
3- Lê Quý Kỳ có cách hình dung khá là kỳ quái về mối quan hệ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn: "Hai dòng tư tưởng này xoắn bện vào nhau như hai tao trong một sợi dây thừng, tạo thành sợi dây tư tưởng dân tộc. Tuỳ ở sự biến thiên của lịch sử mà lúc thì tao yêu nước hiện lên phía trước và tao nhân đạo lặn ra phía sau và lúc khác thì ngược lại"... Quả đúng là với sự song hành và xoắn bện này thì chẳng khó khăn gì mà anh Kỳ không "lặn" được vào sợi dây thừng lịch sử để giải mã tư tưởng dân tộc!...
4- Lê Quý Kỳ có cách nhìn quá mức cực đoan, phi lịch sử, lạc hậu và lạc điệu về vai trò cái tôi trong Thơ mới và Tự lực văn đoàn khi anh xác quyết: "đấy chỉ là một thứ bùa mê, thuốc lú", "cái tôi lạc lõng của thời Thơ mới và Tự lực văn đoàn", "trước sau Thơ mới và Tự lực văn đoàn, với cái tôi cá nhân, ích kỷ, lấy hưởng lạc làm lẽ sống, vẫn là những đứa con lạc loài"... Bất chấp trình độ và thực tế đời sống văn học đương đại, bất chấp mọi nỗ lực của cả giới nghiên cứu và chính các tác giả thời Thơ mới và Tự lực văn đoàn trong việc soát xét lại các giá trị quá khứ, Lê Quý Kỳ một mực qui kết: "Trong khi chờ một trào lưu như thế tái thế, họ quay ra phục chế, tôn tạo và khai thác triệt để những giá trị cũ đó, bằng vô số hình thức, như xuất bản các tập và tuyển tập của từng tác giả, từng thể loại, tổ chức các cuộc nói chuyện, các đêm thơ, các chương trình truyền hình..." và xem như đây chính là gốc nguồn của mọi điều tệ hại: "khiến nhiều "chàng" và "nàng" không những được sống lại, mà còn được nhân bản sang nhiều thế hệ khác- chủ nhân của những quán Ka-ra-ô-ke, những vũ trường đang làm náo loạn xã hội"... Như vậy, Lê Quý Kỳ đã cố tình làm ngơ, không hề biết đến thực tế nhiều tác phẩm Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông các cấp, trở thành đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và đâu có là nguyên nhân đích thực của hiện tượng "những vũ trường đang làm náo loạn xã hội"!...
5- Khi đem đối lập cái tôi của Thơ mới và Tự lực văn đoàn với nhân vật của dòng văn học hiện thực phê phán, Lê Quý Kỳ nhiệt liệt tung hô anh Chí như một mẫu hình của lý tưởng dân tộc: "Trái lại, chỉ là một con người cố cùng, người không ra người, ngợm không ra ngợm, hễ có dịp là rạch mặt ăn vạ, thì cái tôi của anh ta lại là những tượng đồng, bia đá không những sừng sững trong lịch sử văn học dân tộc, mà còn sừng sững cả trong lịch sử văn học thế giới. Bởi vì, như ta đã biết, cái mà Chí Phèo đòi đâu phải chỉ là quyền sống của mỗi một cá nhân anh ta, mà còn là quyền làm người của cả một dân tộc"... Có điều, nếu nói rằng Chí Phèo là nhân vật điển hình của một kiểu người nông dân cùng đường ở làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám thì còn khả dĩ, nhưng nếu coi con người "ngợm không ra ngợm, hễ có dịp là rạch mặt ăn vạ"- kể cả cái chết liều lĩnh cùng đường trong tăm tối, bế tắc kia- thì quyết không thể là lý tưởng và biểu tượng cho "quyền làm người của cả một dân tộc". Lê Quý Kỳ có thể nương theo quyền làm người kiểu anh Chí mặc lòng song quyết không thể tựa theo cách hiểu của anh mà giảng dạy cho học sinh cũng như phổ biến ra đông đảo bạn đọc.
6- Trong phần cuối bài viết, Lê Quý Kỳ còn có một lập luận đầy mâu thuẫn và dưới tầm ấu trĩ. Sau khi mô tả thực trạng và mối nguy hại của các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, tham nhũng, buôn lậu, hối lộ, ức hiếp quần chúng..., Lê Quý Kỳ viết tiếp: "Đây là điều kiện xã hội để cho chủ nghĩa nhân văn có dịp lên tiếng; và việc các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận- phê bình chọn cái tôi để gửi gắm những nhận thức, những kiến giải của mình về cuộc sống, cuộc đời là hoàn toàn tự nhiên và chính đáng"... Hỡi ôi, có tệ nạn xã hội rứa thì phê phán, bài trừ, xoá bỏ- như toàn Đảng, toàn dân ta đang kiên quyết thực hiện - nào có tốt lành chi mà coi đây là "điều kiện xã hội để cho chủ nghĩa nhân văn có dịp lên tiếng"! Đương nhiên các nhà văn, với trách nhiệm công dân và khả năng nghề nghiệp của mình cần tích cực tham gia cải tạo cơ sở đã nảy sinh những tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng hoàn cảnh đời sống thực tại trở nên "nhân đạo hơn", chứ quyết không bao giờ mong ước việc "chọn cái tôi để gửi gắm những nhận thức..."- càng không cần giành cái quyền "hoàn toàn tự nhiên và chính đáng" trước cái thứ "điều kiện xã hội" tiên quyết kiểu Lê Quý Kỳ. Với nhận thức duy tâm như thế, Lê Quý Kỳ đã "trồng cây chuối" trên mớ lý luận cái tôi hoa cà hoa cải của mình. Hơn nữa, ngay cả việc "chọn cái tôi để gửi gắm những nhận thức, những kiến giải của mình về cuộc sống, cuộc đời" đầy sắc màu duy tâm chủ quan cũng đâu phải là phương thức hữu hiệu trong việc cải biến điều kiện xã hội như Lê Quý Kỳ lầm tưởng!...
7- Do thiếu một căn bản lập trường học thuật vững vàng nên Lê Quý Kỳ thường bị sa lầy trong câu chữ, trong hình thức tư duy rối rắm, tiền hậu bất nhất. Ngay trong cách đánh giá về văn học đương đại, có khi anh vừa xác định "chọn cái tôi" làm điểm tựa nhưng liền đó lại qui kết, nói ngược: "Vừa qua có một số người cố tình làm ầm ĩ về chuyện cái tôi xuất hiện lại trong văn học và xem đó như là sự chỉnh trị dòng chảy văn học dân tộc...", rồi ngay đó lại khẳng định, hô hào, kêu gọi cuộc thánh chiến tử vì đạo cho một cái tôi: "Đây là một yêu cầu, một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bởi vì không phải ai cũng đồng cảm được với nhận thức này, khi quyết định dùng cái tôi làm cuộc cách mạng trong văn học!". Chưa ai rõ hình hài "cuộc cách mạng trong văn học" lần này rồi sẽ đi tới đâu, nhưng riêng lời hiệu triệu của Lê Quý Kỳ thì đã sớm chết chìm trong mớ câu chữ tiền hậu bất nhất kia...
Chỉ với bốn cột chữ trong một bài báo ngắn mà Lê Quý Kỳ đã bộc lộ quá nhiều sai sót về nhận thức, về lập luận, về cả những qui kết cũng như khi gióng trống phất cờ "quyết định dùng cái tôi làm cuộc cách mạng trong văn học"! Ngoài ra, anh cũng bộc lộ quá nhiều ngộ nhận khi sử dụng thuật ngữ và mắc nhiều lỗi trong diễn đạt. Chẳng hạn, anh viết: "văn học giai đoạn 1930-1945, với hai trào lưu điển hình là Thơ mới và Tự lực văn đoàn" (có thể duy danh phong trào, trào lưu Thơ mới nhưng Tự lực văn đoàn chính là một tổ chức); anh tưởng tượng ra kiểu nhà văn có một không hai: "Họ tự phong cho mình là những nhà Hiện thực khoa học chủ nghĩa, Hiện thực hiện đại chủ nghĩa"; có khi anh hồn nhiên bảo kê cho những môn đệ ảo của lối thơ siêu thực và các thứ chủ nghĩa hiện đại khác: "Chỉ có điều là họ không viết theo Chủ nghĩa ấn tượng của thế kỷ 19, mà theo Chủ nghĩa siêu thực của thế kỷ 20, và các thứ chủ nghĩa hiện đại khác, thế thôi!". Không rõ anh Kỳ cho lai sinh sản hữu tính vô tính thế nào mà nhìn ở xứ ta thấy Doly cừu-thơ "các thứ chủ nghĩa hiện đại khác" lắm đến thế - trong khi anh không lý giải và cũng tịnh không đưa ra lấy một chứng tích nào!
Đọc qua bài viết của anh Lê Viết Kỳ, tôi thực sự thất vọng. Công việc nghiên cứu, phê bình bao giờ cũng đòi hỏi vốn kiến văn sâu rộng, phẩm chất trung thực và cả sự nghiêm túc nữa. Người ta không thể cứ liều mình như chẳng có, cứ "thử bàn" ào trước mọi lĩnh vực, nhất là về vấn đề cái tôi trong văn học...
N.S (167/01-03) |