Thuở nhỏ, Vũ Duy Thanh đã có tiếng thông minh, sáng dạ. Tuổi thiếu niên đã biết làm thi phú, văn chương. Sau khi đỗ cử nhân, Vũ Duy Thanh tiếp tục thi Hội, nhưng lần đầu tiên dự kỳ thi này, ông đã bị đánh trượt. Năm Tự Đức thứ tư (1851), lần thứ hai, Vũ Duy Thanh vào Kinh đô Huế dự thí và trúng Ất Bảng (Phó Bảng). Cũng vào mùa hè năm này, vua Tự Đức cho mở Chế khoa Bác học Hoành tài (là khoa thi đặc biệt do vua tổ chức để tuyển chọn nhân tài, kỳ thi này được tổ chức bất thường, tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện, sự cần thiết mà mở khoa thi, không theo sự quy định về thời hạn như các kỳ thi Hội). Trong lần dự thi này, Vũ Duy Thanh được ban đỗ Đệ nhất giáp Cát sĩ Cập đệ Đệ nhị danh. Khoa thi Bác học Hoành tài này đích thân vua Tự Đức ra đề văn sách và chấm điểm.
Sau khi đỗ bảng nhãn, Vũ Duy Thanh được nhập hàm Hàn Lâm Viện Thị độc(1), sau làm việc tại Tập Hiền Viện(2), rồi được bổ làm Tư nghiệp(3) ở Quốc Tử Giám, sau đó lại được thăng bổ tiếp làm Tế tửu(4) Quốc Tử Giám.
Giai đoạn quan trường, Vũ Duy Thanh được xem là vị quan thanh liêm, giản dị. Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Vũ Duy Thanh đã nhìn thấy những bất hợp lý trong giáo dục và đào tạo đương thời, đó là cơ sở thực tế để ông đưa ra những quan điểm, những ý kiến tích cực về giáo dục.
Ông từng dâng sớ có những quan điểm về chỉnh đốn ngành giáo dục như muốn được thực tài phải khôi phục phép dạy của cổ nhân, Vũ Duy Thanh liệt ra tám mục: Cẩn trọng trong giáo dục từ các trường ở làng, xã; kén chọn tổng lý và tá lại; dựng xã thương; giữ nguyên phép dạy ở các trường phủ huyện; nghị đổi lại phép thi Hương; mở rộng phép dạy ở các trường thuộc về Quốc học; chọn thầy, chọn bạn cho các tôn sinh; sửa định lại việc ban phát kinh sách. Ngoài giáo dục, ông còn dâng sớ đề nghị triều đình cải cách công tác quốc phòng, kinh tế rất sâu sắc... Ngay cả khi lâm trọng bệnh, ông vẫn còn để lại một bài trần tình đề nghị triều đình chỉnh đốn nhiều mặt để đối phó với tình hình chính trị, xã hội bấy giờ, khi mà thực dân Pháp đã trực tiếp xâm phạm bờ cõi Việt Nam.
Những quan điểm thẳng thắn ấy đã tạo cho Vũ Duy Thanh những uy tín trong triều đình, người ta không chỉ nể ông là người học rộng, hiểu nhiều mà còn khâm phục ông về tư chất của một vị quan bộc trực thẳng thắn.
Ca ngợi tài năng và khí tiết của một người học rộng tài cao, các nho sĩ Ninh Bình đã làm một bài thơ tưởng niệm Vũ Duy Thanh như sau: Bảng vàng bia đá bậc tam khôi, Giấc mộng phù sinh luống ngậm ngùi. Nền Hạnh mây mờ sao điểm tối, Rừng Quỳnh nắng rọi đoá mai rơi. Vài tờ chương sớ nghìn thu để, Hai chữ châu phê chín bệ soi. Trên chốn đô môn ngày vĩnh quyết, Tình này cảnh ấy thuở nào nguôi.
Cũng như nhiều trí thức phong kiến khác trong lịch sử Việt Nam, ngoài những công việc quan trường thường nhật, ngoài những công việc chăm lo sự nghiệp giáo dục trong tư cách là một công bộc mẫn cán, chắc chắn Vũ Duy Thanh còn có những khoảng riêng tư để biên soạn trước tác, xướng hoạ thi phú. Vũ Duy Thanh có các tác phẩm văn học tiêu biểu như Bồng Châu Vũ tiên sinh thi văn, Trừng phủ thi tập...
Bài thơ Xuân hứng của ông là một minh chứng xác thực nhất. Đây là một bài thơ rất đặc biệt, phản ánh khá rõ sự tài tình của người sáng tác bởi lối chơi chữ đạt đến độ cao siêu, trác việt. Bài Xuân Hứng được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú (thuận nghịch độc: đọc xuôi và ngược). Điều đáng nói ở đây là chỉ một bài thơ nhưng dùng theo lối thuận nghịch độc, nhưng đọc xuôi là chữ Hán; đọc ngược lại là chữ Nôm, chữ Nôm ấy cũng là bản dịch của bài thơ chữ Hán (đọc xuôi).
Do vậy, chúng tôi tạm gọi bài thơ này là thuận Hán nghịch Nôm (hay là đi Hán về Nôm) trong ý nghĩa hình thức. Xin giới thiệu nguyên văn cả hai vòng đọc Hán và Nôm như sau:
- Đọc xuôi (chữ Hán): Phiên âm: XUÂN HỨNG Thi đàn tế liễu lộng hoa hài Khách bộ tuỳ sương ấn bích đài Kỳ cuộc đả phong thanh áp trận Tửu biều nghinh tuyết bạch hoà bôi Sơ liêm thấu nguyệt hương ly cúc Yến tịch lăng hoa vị át mai Phi phất thảo am đầu tĩnh điếm Ư tình cố ý thuộc quyên ai.
- Đọc ngược (chữ Nôm): Phiên âm: Ai quen thuộc ấy có tình ưa Đêm tĩnh đầu am thảo phất phơ Mai át mùi hoa lừng tiệc yến Cúc lìa hương nguyệt thấu rèm thưa
Bôi hoà bạch tuyết nghiêng bầu rượu Trận áp thanh phong đánh cuộc cờ Rêu biếc in sương tuỳ bước khách Giày hoa lỏng lẻo tới đàn thơ. (HỨNG XUÂN).
Bài Xuân hứng của Vũ Duy Thanh quả là diệu bút, tài tình vì nhiều lẽ, vừa là một bài thơ chữ Hán, vừa là bài thơ chữ Nôm, bài Nôm lại là bản dịch thơ của bài Hán, nhưng vẫn đảm bảo tất cả những quy định của một bài thất ngôn bát cú Đường luật, gồm nhiều yếu tố như vần, niêm, luật bằng trắc, đối ngẫu... Đây là một trường hợp chơi chữ hi hữu, phản ánh rõ cái tài chữ nghĩa của người xưa.
H.T ------- (1) Viện hàm cao cấp trong Viện Hàn lâm, được dự vào việc giảng dạy và biên soạn sách vở ở Quốc Tử Giám, viện Tập Hiền... (2) Một tổ chức giáo dục chuyên giảng sách kinh điển, chính trị... cho vua và các quan đầu triều, chế độ giảng dạy được tổ chức định kỳ trong mỗi tháng, có khai giảng và bế giảng theo thể thức triều nghi. (3) Tư nghiệp tương đương Hiệu phó (4) Tế tửu tương đương Hiệu trưởng
(167/01-03) |