LGT: Bản dịch của chúng tôi lấy từ lời giới thiệu của Cheryll Glotfelty trong “Tuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học” do Cheryll Glotfelty và Harold Fromm chủ biên.
Cuốn sách này được công nhận là tài liệu nhập môn của phê bình sinh thái. Nữ sĩ là học giả đầu tiên nhận được danh hiệu “giáo sư văn học và môi trường” (professor of literature and environment). Vị giáo sư trường đại học Nevada này là một trong những người khởi xướng “Hội nghiên cứu văn học và môi trường”, cũng là một trong những thành viên sáng lập ra tạp chí “Nghiên cứu liên ngành văn học và môi trường”. Bài giới thiệu cùng với định nghĩa của bà trở thành kinh điển cho phê bình sinh thái.
Trần Thị Ánh Nguyệt dịch
Nghiên cứu văn học trong kỉ nguyên hậu hiện đại của chúng ta lâm vào một trạng thái bất biến. Những năm gần đây, dường như, giới nghiên cứu của Anh đang “vẽ lại những đường biên” để “sắp đặt lại” một cách nhanh chóng diễn biến của sự thay đổi của lĩnh vực này. Một hướng dẫn có căn cứ tới nghiên cứu văn học hiện đại gồm 21 bài về những cách tiếp cận phương pháp phê bình của các phương pháp luận và lí thuyết khác nhau. Nó giới thiệu:
Nghiên cứu văn học ở Anh đang trong giai đoạn thác ghềnh, thỉnh thoảng mất phương hướng. Không một phương pháp phê bình nào trong giai đoạn này, từ phân tâm học, phê bình Macxit, tới lí thuyết tiếp nhận và phê bình văn hóa giữ nguyên sự ổn định; vì vậy không một lĩnh vực nghiên cứu nào cũng như và nhánh nghiên cứu nào trong lịch sử nghiên cứu văn học Anh và Mĩ giữ nguyên được khả năng xem xét lại… [Bài luận trong cuốn sách này] làm sáng tỏ một số điểm mà học thuật đáp ứng được áp lực hiện tại(1).
Thật kì lạ, trong các tác phẩm được coi là bao hàm đầy đủ sự hiểu biết của giới nghiên cứu, không có một bài viết nào liên quan đến cách tiếp cận phương pháp sinh thái để nghiên cứu văn học. Mặc cho sự đòi hỏi của học thuật phải “đáp ứng được áp lực hiện tại” thì dường như nó vẫn phớt lờ hầu hết sự nhấn mạnh đến vấn đề đang tranh cãi, được gọi là, khủng hoảng môi trường toàn cầu. Sự vắng mặt của bất cứ dấu hiệu nào của viễn cảnh nghiên cứu văn học đương thời để đưa ra một đề nghị là dù có “năng lực xem xét lại”, học thuật vẫn giữ nguyên tính hàn lâm trong ý thức “khoa học dẫn tới điểm thiếu hiểu biết về thế giới bên ngoài” (Từ điển di sản Hoa Kì).
Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng chủng tộc, giai cấp, và giới tính trở thành những vấn đề nóng bỏng vào những năm cuối thế kỉ XX. Thế nhưng, bạn cũng sẽ không bao giờ biết được rằng sự sống của Trái đất - cái nền tảng đang làm nhiệm vụ chống đỡ tất cả những hệ thống ấy - là cái đang nằm sâu bên dưới tất cả những giao tranh căng thẳng đó. Thật vậy, có thể bạn sẽ không bao giờ biết được rằng, dù thế nào, trên tất cả những điều ấy, là chúng ta chỉ có duy nhất một Trái đất mà thôi. Ngược lại, nếu bạn đọc kĩ tên các bài báo của giai đoạn này, sẽ nghiên cứu về hiện tượng tràn dầu, sự nhiễm độc chì và khoáng chất, sự ô nhiễm độc hại, sự tuyệt chủng của các loài chưa từng có từ trước tới nay, những cuộc chiến tranh giành đất đai, sự chống chọi với chất thải hạt nhân, sự gia tăng lỗ hổng tầng ôzôn, nóng lên toàn cầu, mưa axit, xói mòn, sự phá hủy của những trận mưa nhiệt đới, cuộc tranh luận về vết đen trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, cháy rừng ở vườn quốc gia Yellowstone, kim tiêm y tế tràn bờ biển Đại Tây Dương, việc tẩy chay cá ngừ, hành động khai thác quá mức lớp nước ngầm ở phương Tây, sự xả thải bất hợp pháp ở phương Đông, thảm họa của những lò phản ứng hạt nhân ở Trecnôbưn, sự phát tán những chuẩn tự động mới, nạn đói kém, hạn hán, lũ lụt, bão tố, một hội nghị quốc gia đặc biệt về môi trường và phát triển, công bố của tổng thống Mĩ là những năm 1990 - “thập kỉ môi trường” và dân số thế giới đạt mức kỉ lục 5 tỉ người. Thông qua tạp chí xuất bản định kì, bạn thấy rằng vào năm 1989, đoạt giải thưởng năm của tạp chí Time là bài viết “Trái đất đang lâm nguy” (The Endangered Earth).
Trong quan điểm trái ngược nhau giữa các sự kiện hiện thời và thiên kiến của giới văn chương, những đòi hỏi về sự uyên thâm của văn học phải đáp ứng được áp lực hiện tại càng trở nên khó khăn để bào chữa. Cho tới mãi gần đây, vẫn chưa có dấu hiệu nào mở ra hướng nghiên cứu văn học có ý thức về khủng hoảng môi trường. Chẳng hạn như không có tạp chí, thuật ngữ, công việc, tổ chức chuyên nghiệp nào cũng như không có những nhóm tranh luận hay hội nghị nào trong lĩnh vực văn chương và môi trường. Trong khi những ngành khoa học nhân văn khác như lịch sử, triết học, luật pháp, xã hội học và tôn giáo đã “nghiên cứu xanh” từ những năm 1970 thì nghiên cứu văn học hình như vẫn bỏ ngỏ mối quan tâm đến môi trường. Trong khi, những hoạt động xã hội như là dân quyền, phong trào giải phóng phụ nữ của những năm sáu mươi, bảy mươi đã làm biến đổi nghiên cứu văn học thế nhưng sự xuất hiện của phong trào môi trường cùng thời gian này lại ít có tác động đến nghiên cứu văn học.
Nhưng ngay cả sự xuất hiện, phê bình sinh thái có thể làm chúng ta thất vọng. Trên thực tế, như những xuất bản định kì trong của một vài bài nghiên cứu trong hợp tuyển này đã chứng minh, cá nhân những nhà nghiên cứu văn học và văn hóa đã phát triển lí thuyết và phê bình về phương diện sinh thái từ những năm bảy mươi. Mặc dù vậy, trái với những hệ thống ràng buộc chặt chẽ được đề cập trước đây, họ không tạo thành một nhóm để có thể nhận diện. Vì thế, những nỗ lực khác nhau của họ cũng không được thừa nhận như một phong trào phê bình rõ rệt. Những nghiên cứu cá nhân xuất hiện trong một bối cảnh rộng và được phân loại trong một hợp tuyển dưới các các tiêu đề như nghiên cứu Mĩ, tôn giáo, sinh hoạt nông thôn, biên giới, sinh thái học nhân văn, khoa học và văn học, tự nhiên trong văn học, phong cảnh trong văn học, hoặc là tên do các tác giả đặt. Một dấu hiệu của tình trạng không thống nhất của những nỗ lực trước đó là các nhà phê bình này hiếm khi trích dẫn tác phẩm của các tác giả khác. Họ không biết rằng nó tồn tại. Trong ý thức, mỗi nhà phê bình phát minh ra một phương pháp tiếp cận môi trường tới văn học theo một cách riêng. Mỗi nhà phê bình là một tiếng nói trong cảnh hoang vu ảm đạm. Kết quả là, phê bình sinh thái không trở thành một phong trào đứng đầu của một tổ chức có sức hút trong giới nghiên cứu như Hiệp hội ngôn ngữ hiện đại. Những sinh viên tốt nghiệp quan tâm đến phương pháp tiếp cận môi trường tới văn học cảm thấy dường như không thích hợp, đã không giao lưu với các nhà nghiên cứu để tham dự và đã không tìm thấy những thông báo trong lĩnh vực chuyên môn của họ.
SỰ KHAI SINH CỦA NGHIÊN CỨU VĂN HỌC MÔI TRƯỜNG
Cuối cùng, vào giữa thập niên tám mươi của thế kỉ hai mươi, giới nghiên cứu bắt đầu đảm nhận công việc cộng tác các dự án, lĩnh vực nghiên cứu văn học môi trường đã ra đời và phát triển vào đầu thập niên chín mươi. Năm 1985, Frederick Owaage biên tập cuốn sách mang tên Giảng dạy văn học môi trường: tài liệu, phương pháp và Tiềm năng phát triển (Teaching Environmental Literature: Materials, methods, Resources) bao gồm đủ các loại chiều hướng của mười chín nhà nghiên cứu khác nhau và cố gắng thúc đẩy “một vóc dáng to lớn hơn của sự thức nhận và quan tâm tới vấn đề môi trường trong văn học”(2). Năm 1989, Alicia Nitecki viết “Bản tin văn học Mỹ về các đề tài tự nhiên” (The American Nature Writing Newsletter) mục đích của bà là để công bố các bài luận vắn tắt, điểm sách, những ghi chú khóa tốt nghiệp và những thông tin liên quan đến nghiên cứu cách viết về tự nhiên và môi trường. Một số khác chịu trách nhiệm về những tranh luận đặc biệt về môi trường của các tạp chí văn học uy tín(3). Một vài trường đại học đã bắt đầu đưa vào trong các khóa văn học của họ chương trình giảng dạy về nghiên cứu môi trường, một vài chương trình và học viện về tự nhiên và văn hóa mới được thành lập; một số khoa tiếng Anh đã bắt đầu yêu cầu những chương trình nhỏ hơn về văn học môi trường. Năm 1990, trường Đại học ở Nevada, Reno đã tạo ra môi trường hàn lâm của văn học và môi trường.
Cũng trong năm này, một vài phiên họp đặc biệt liên quan đến các sáng tác viết về tự nhiên hay văn học môi trường là bắt đầu xuất hiện trong chương trình của Hội nghị văn học thường niên. Có lẽ, phiên họp đặc biệt nổi tiếng nhất của Hội nghiên cứu ngôn ngữ học hiện đại (MLA) vào năm 1991 được thành lập bởi Harold Fromm có chủ đề “Phê bình sinh thái: Xanh hóa nghiên cứu văn học”. Năm 1992, Hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Văn học Mỹ do Glen Love chủ trì với chủ đề là “Sáng tác về tự nhiên của văn học Mỹ: những ngữ cảnh mới, những phương pháp mới” (American Nature Writing: New Contexts, New Approaches). Năm 1992, tại hội thảo thường niên của Hội Văn học Miền Tây, một hội mới của văn chương và môi trường là Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường (the Association for the Study of Literature and Environment), viết tắt là ASLE được thành lập, Scott Slovic được lựa chọn là chủ tịch đầu tiên của hiệp hội này. Sứ mệnh của ASLE là “để thúc đẩy việc trao đổi ý tưởng và thông tin liên quan đến văn học xem xét mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên” và khuyến khích “cách viết về tự nhiên, các phương pháp học thuật truyền thống và sáng tạo về cách tiếp cận văn học môi trường, nghiên cứu môi trường liên ngành”. Trong năm đầu tiên, số thành viên của ASLE hơn 300 người; sang năm thứ hai, con số đó lên gấp đôi và đã tạo ra một sự kết nối bằng thư điện tử một cách thuận tiện giữa các thành viên; đến năm thứ ba, năm 1995, các thành viên của ASLE đã là 750 người và tổ chức hội nghị lần đầu tiên ở Fort Collins, Colorado. Năm 1993 Patrick Murphy đã xuất bản tạp chí mới, là Nghiên cứu liên ngành Văn học và Môi trường (ISLE: Interdisciplinary Studies in Literature and Environment) để “cung cấp một diễn đàn nghiên cứu phê bình văn học và thi hành nghệ thuật xuất phát từ hoặc quan tâm tới lí do môi trường. Tạp chí cũng bao gồm cả lí thuyết sinh thái, môi trường luận, quan niệm về tự nhiên và sự miêu tả của họ, sự lưỡng phân giữa con người/ tự nhiên cũng như lợi ích của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên”(4).
Năm 1990, sau đó, nghiên cứu văn học sinh thái đã nổi lên như một trường phái phê bình có thể nhận diện được. Sự phân tán rời rạc trước kia của các học giả đơn lẻ đã nối kết sức mạnh với những học giả trẻ tuổi và những sinh viên tốt nghiệp trở thành những nhóm quan tâm mạnh mẽ với khát vọng thay đổi giới nghiên cứu. Khởi nguyên của phê bình sinh thái như là một phương pháp phê bình tính lùi lại chính là sự kết hợp của hơn hai mươi năm.
ĐỊNH NGHĨA PHÊ BÌNH SINH THÁI
Vậy, phê bình sinh thái là gì? Nói đơn giản, phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Cũng giống như phê bình nữ quyền xem xét ngôn ngữ và văn học từ góc độ giới tính, phê bình Marxit mang lại ý thức của phương thức sản xuất và thành phần kinh tế để đọc văn bản, phê bình sinh thái mang đến phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm để nghiên cứu văn học.
Phê bình sinh thái và các nhà lí thuyết đã đặt ra nhiều vấn đề: tự nhiên được hình dung như thế nào trong các bài thơ trữ tình? Vai trò của bối cảnh tự nhiên trong cốt truyện của tiểu thuyết? Các giá trị thể hiện trong kịch có nhất quán với trí tuệ sinh thái? Làm thế nào chúng ta có thể mô tả cách viết về tự nhiên như một thể loại? Ngoài chủng tộc, giới tính nên đặt điểm nào trở thành danh mục phê bình mới? Nhà văn nam viết về tự nhiên khác nhà văn nữ như thế nào? Cách đọc nào chịu ảnh hưởng của mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên? Ý niệm về sự hoang dã sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới? Những cách nào và những tác động gì mà khủng hoảng môi trường thấm vào văn học đương thời và văn hóa đại chúng? Quan niệm về tự nhiên nào đã thấm nhuần trong các báo cáo của chính phủ Mĩ, những quảng cáo của các doanh nghiệp, các tài liệu tự nhiên của truyền hình và những gì ảnh hưởng một cách rộng rãi? Những hướng đi nào khoa học sinh thái học hướng đến trong nghiên cứu văn học? Khoa học mở ra như thế nào trong việc phân tích văn học? Sự trao đổi lẫn nhau giữa những khái niệm không giống nhau có thể có giữa nghiên cứu văn học và diễn ngôn môi trường trong mối quan hệ liên ngành như lịch sử, triết học, tâm lí, lịch sử nghệ thuật, đạo đức?
Mặc dù phạm vi rộng lớn của những vấn đề đặt ra và mức độ khác nhau của sự phức tạp, toàn bộ phê bình sinh thái chia sẻ những giả thuyết cơ bản mà văn hóa con người kết nối với thế giới tự nhiên, ảnh hưởng tới nó và chịu ảnh hưởng của nó. Phê bình sinh thái đặt ra vấn đề quan hệ nối kết giữa tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là sự tạo tác văn hóa của ngôn ngữ và văn học. Như là một quan điểm phê bình, phê bình sinh thái đặt một chân ở văn học và chân kia trên mặt đất; như là một diễn ngôn lí thuyết, phê bình sinh thái dàn xếp giữa con người và (thế giới) phi nhân.
Phê bình sinh thái có thể được hình dung rõ hơn bằng việc chỉ ra sự khác biệt nó với phương pháp phê bình phê bình khác. Lí thuyết văn học, nhìn chung, nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà văn, văn bản và thế giới. Trong hầu hết các lí thuyết văn học, “thế giới” đồng nghĩa với xã hội - phạm vi xã hội. Phê bình sinh thái mở rộng khái niệm “thế giới” bao gồm toàn bộ sinh quyển. Nếu chúng ta đồng ý với Barry Commoner rằng nguyên tắc đầu tiên của sinh thái là “Mọi sự vật đều có sự liên kết với nhau”, chúng ta có thể kết luận rằng văn học không lơ lửng ngoài thế gới chất liệu của bầu không khí nghệ thuật, đúng hơn là góp một phần vào hệ thống trái đất vô cùng phức tạp ở nơi mà khả năng, vấn đề, và ý tưởng tương tác lẫn nhau.
Nhưng tên gọi mang tính phân loại chi nhánh xanh của nghiên cứu văn học này vẫn được coi như là một sự thỏa thuận. Trong cuốn “Hài kịch của sự sinh tồn: những nghiên cứu trong sinh thái học văn học” (The Comedy of Survival: Studies in Literary Ecology, 1972), Joseph Meeker giới thiệu thuật ngữ: sinh thái học văn học (literary ecology) ám chỉ “sự nghiên cứu chủ đề sinh thái và những mối liên hệ xuất hiện trong tác phẩm văn học. Đồng thời, nó cũng là một sự thử nghiệm để khám phá ra vai trò của nó là gì với văn học trong sinh thái học của loài người”(5). Thuật ngữ ecocriticism có lẽ xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1987 bởi William Rueckert trong một khảo luận tên là “Văn học và sinh thái học: Một thử nghiệm mới trong phê bình sinh thái” (Literature and Ecology: An Experiment in Ecocriticism) (được in lại trong tuyển tập này). Phê bình sinh thái (ecocriticism) theo Rueckert có nghĩa là “việc ứng dụng sinh thái học và các thuật ngữ sinh thái học vào nghiên cứu văn học”. Định nghĩa của Rueckert có liên quan đặc biệt với khoa học sinh thái học và theo đó đã giới hạn lại thành một thuật ngữ được đề xuất trong tuyển tập này, có thể bao gồm tất cả mối quan hệ giữa văn học và thế giới tự nhiên(6). Nhiều thuật ngữ khác cũng thường được sử dụng như “thi pháp sinh thái” (ecopoetics), “phê bình văn học môi trường” (environmental literary criticism), hay “phê bình (văn hóa) xanh” (green (cultural) studies).
Nhiều nhà phê bình viết phê bình môi trường không muốn và không cần đến một cái tên đặc biệt cho nó. Một số khác tranh luận rằng tên gọi là quan trọng. Hoàn toàn đúng như vậy bởi vì các nghiên cứu trước đây thiếu một chủ đề chung khiến cho chúng phân tán quá rộng, không thể dựa vào nhau và trở nên khó tiếp cận đồng thời bỏ qua tác động của chúng đến giới nghiên cứu. Một số học giả thích thuật ngữ ecocritism vì nó ngắn gọn và có thể dễ dàng tạo thành dạng thức khác là ecocritical (tính chất phê bình sinh thái) và ecocritic (nhà phê bình sinh thái). Thêm nữa, họ thích tiền tố “eco-” (sinh thái) hơn tiền tố “enviro-” (môi trường) bởi vì tương tự khoa học sinh thái học, phê bình sinh thái nghiên cứu mối quan hệ giữa các sự vật, trong trường hợp này, giữa văn hóa và thế giới tự nhiên. Hơn nữa, theo nghĩa rộng, tiền tố “enviro” (môi trường) mang tính chất con người là trung tâm và có tính nhị nguyên, ngụ ý rằng, con người chúng ta là trung tâm, tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta là môi trường. Ngược lại, tiền tố “eco-” (sinh thái) ám chỉ các cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau, những hệ thống hòa hợp và sự kết nối mạnh mẽ giữa các bộ phận cấu thành. Rốt cuộc, dĩ nhiên, việc sử dụng sẽ chỉ ra thuật ngữ được chấp nhận. Nhưng nghĩ thế nào cho thuận tiện là nó sẽ được đặt vào cơ sở dữ liệu máy tính và có một thuật ngữ duy nhất nhập vào cho sự tìm kiếm chủ đề của bạn…
KHOA HỌC NHÂN VĂN VÀ SỰ KHỦNG HOẢNG MÔI TRƯỜNG
Bất kể là tên gọi gì, hầu hết tác phẩm phê bình sinh thái đều có chung một động cơ: đó là nỗi day dứt rằng chúng ta đã đi tới thời đại môi trường cạn kiệt, một thời đại mà hậu quả hành động của con người đang tàn phá hành tinh. Chúng ta đã tới thời đại đó. Hoặc là chúng ta phải thay đổi chính mình hoặc sẽ phải đối mặt với thảm họa toàn cầu. Con người đang tàn phá vẻ đẹp tự nhiên và đẩy vô vàn sinh vật đến bên bờ tuyệt chủng trong cuộc chạy đua điên rồ của chúng ta tới ngày tận thế. Rất nhiều đồng sự trong các trường đại học trên thế giới đã nhận thức được rằng chúng ta đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khí chất và tài năng của chúng ta đã kí thác trong các khoa văn học, nhưng khi những vấn đề môi trường càng trở nên tồi tệ hơn, công việc lệ thường dường như phù phiếm quá đỗi. Nếu chúng ta không là phần của đáp án, chúng ta là phần của vấn đề.
Làm thế nào chúng ta có thể góp phần khôi phục môi trường, không chỉ trong không gian và thời gian của chúng ta mà tự bên trong khả năng của chúng ta với tư cách như là các chuyên gia văn học. Câu trả lời nằm ở sự thức nhận rằng các vấn đề môi trường hiện nay chủ yếu là do chính chúng ta tạo nên, hay nói cách khác, là một sản phẩm của văn hóa. Như nhà sử học Donald Woster lí giải:
Khủng hoảng toàn cầu mà ngày nay chúng ta đang đối diện có nguồn gốc không phải bởi hệ thống sinh thái mà ở hệ thống văn hóa của chúng ta. Vượt qua được cuộc khủng hoảng này cần đến sự lí giải về tác động của văn hóa đến tự nhiên, thậm chí dùng tri thức đó để cải cách văn hóa của chúng ta. Các sử gia cùng với nhà nghiên cứu văn học, nhân loại học, và các triết gia không thể trực tiếp thực hiện cuộc cách mạng, tất nhiên, nhưng họ có thể mang lại sự hiểu biết.(8)
Trả lời cho cái gọi là sự hiểu biết, các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn khắp nơi đang tìm cách thêm vào chiều kích môi trường những môn học riêng của họ. Worster và những sử gia khác viết về lịch sử môi trường, viết về mối quan hệ tương hỗ giữa con người và địa lí, đừng coi tự nhiên như là sân khấu cho vở diễn của con người, mà là một diễn viên ngang hàng trong tấn kịch ấy. Họ tìm thấy nguồn gốc của các mối quan hệ giữa hoàn cảnh môi trường với các phương thức sản xuất kinh tế và các ý tưởng văn hóa xuyên thời gian.
Các nhà nhân loại học từ lâu quan tâm tới mối quan hệ giữa văn hóa và địa lí. Công việc của họ trên các nền văn hóa nguyên thủy đặc biệt có thể giúp phần còn lại của chúng ta không chỉ tôn trọng quyền sống của con người mà còn để suy nghĩ về hệ thống và nghi thức đã giúp những nền văn hóa này tồn tại vững bền.
Tâm lí học một thời gian dài cố tình lời đi tự nhiên trong những lí thuyết về trí óc con người. Một ít các nhà tâm lí học hiện nay, dù vậy, đã khám phá ra sự nối kết giữa hoàn cảnh môi trường và sức khỏe tinh thần, một số liên quan đến sự xa rời hiện tại đối với tự nhiên như căn bệnh cơ bản của tâm lí và xã hội chúng ta.
Trong triết học, ở những nhánh nghiên cứu khác nhau như đạo đức môi trường (environment ethics), sinh thái bề sâu (deep ecology), sinh thái nữ quyền (ecofeminism), sinh thái xã hội (social ecology)
Nhiều nhánh nghiên cứu đã hình thành nhằm tìm hiểu và phê bình những nguyên nhân dẫn đến suy thoái môi trường và tạo ra những góc nhìn khác về sự sống mà có thể cung cấp nền tảng đạo đức và kiến thức cho cách hiểu đúng đắn về tương quan giữa các tồn tại trên trái đất.
Trong khi một số học giả Thiên Chúa Giáo dòng Do Thái giáo cố gắng tìm kiếm các cứ liệu trong kinh thánh chứng minh con người đã từng làm chủ trái đất một cách khôn ngoan, hợp lý, các học giả khác đặt lại vấn đề Chúa là chủ thể sáng tạo tất cả và coi bản thân trái đất là thiêng liêng. Còn có các học giả khác hướng về tôn giáo cổ đại thờ Nữ thần Đất mẹ, hoặc các truyền thống tôn giáo phương Đông, hoặc tôn giáo của người Mỹ bản địa - các hệ thống tôn giáo chứa đầy các tín điều sáng suốt về tự nhiên và thế giới tinh thần(9).
Những nhà nghiên cứu văn học là những chuyên gia về các vấn đề giá trị, ý nghĩa, truyền thống, điểm nhìn, ngôn ngữ và ở trong những lĩnh vực này, họ góp phần đáng kể cho tư tưởng về môi trường. Nhận thức rằng khủng khoảng môi trường trở nên trầm trọng bởi cách phân chia rời rạc và chuyên môn hóa thái quá của chúng ta về sự hiểu biết thế giới, các học giả nhân văn đã nỗ lực hơn để thay đổi chính họ trong khoa học và chấp thuận phương pháp liên ngành.
NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH SINH THÁI Ở MĨ
Dưới tán rộng của phê bình văn học sinh thái tụ tập rất nhiều dạng phê bình, và nên như thế, bởi lẽ văn học và môi trường là một chủ đề lớn. Vài năm trước đây, khi tôi đang nỗ lực tạo ra hệ thống một hệ thống phân nhánh giúp cho sự tích hợp này trở nên dễ hiểu, Wallace Stegner - tiểu thuyết gia, sử gia, nhà phê bình văn học - đưa ra lời khuyên sáng suốt rằng nếu ông làm điều đó, ông sẽ thiên về những chủ đề vẫn còn “rộng, mơ hồ, nhiều hàm ý, mở chỉ vì văn học và môi trường cũng như tất cả những cách chúng ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng, chứ không cố gắng để mã hóa và hệ thống hóa. Hệ thống có thể ví như là tấm da sống ẩm ướt”, ông cảnh báo “khi chúng khô chúng kìm hãm những gì mà chúng kết lại thành hệ thống rắn chắc”(10). “Nhiều hàm ý và mở” chính xác là những gì mà phê bình sinh thái cần có nhưng theo trình tự, để tránh tình trạng lộn xộn trong khảo sát ngắn gọn sau đây về các tác phẩm phê bình sinh thái, tôi sẽ không làm công việc mã hóa. Do vậy, chúng ta hãy đồng ý rằng hệ thống không phải là sự bó buộc. Tuy nhiên, mô hình ba giai đoạn trong phê bình nữ quyền của Elaine Showalter có ích trong việc sắp xếp theo hệ thống ba giai đoạn của phê bình sinh thái(11).
Bước đầu tiên của phê bình nữ quyền, phê bình ‘hình ảnh người phụ nữ’, chú ý đến việc người phụ nữ được khắc họa như thế nào trong văn học kinh điển. Những nghiên cứu này tác động thiết yếu tới nhận thức nữ quyền thông qua việc phân tích các mẫu thể hiện thành kiến phân biệt giới tính - như phù thủy, mụ đàn bà xấu xa, gái điếm, và bà cô không chồng - cũng như nghiên cứu sự vắng mặt của phụ nữ trong các tác phẩm đó, và đặt vấn đề nghi vấn sự phổ quát có dụng ý đó, thậm chí cả giá trị mĩ học của các tác phẩm văn chương bóp méo hoặc phớt lờ cuộc sống, suy nghĩ của một nửa nhân loại. Nhiều nghiên cứu phê bình sinh thái khám phá sự thể hiện tự nhiên trong văn chương. Cũng như trong phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái nghiên cứu các mẫu lặp lại - vườn địa đàng, Acadia, vùng đất nguyên sơ, đầm lầy chướng khí, vùng hoang dã - cũng như nghiên cứu cả sự thiếu vắng hình ảnh tự nhiên trong văn bản văn học nhất định nào đó. Nhưng bản thân tự nhiên không phải là đối tượng duy nhất của phê bình sinh thái. Các chủ đề khác bao gồm biên giới, động vật, thành phố, các khu vực địa lý cụ thể, sông, núi, hoang mạc, thổ dân, khoa học kĩ thuật, rác rưởi, và thân thể.
Giai đoạn thứ hai của phê bình nữ quyền, giai đoạn văn học truyền thống của nữ giới, tương tự việc phục vụ các chức năng quan trọng của ý thức nâng cao việc khám phá lại, tái bản lại, xem xét lại văn chương nữ giới. Phê bình sinh thái cũng cố gắng hồi sinh những thể loại bấy lâu nay bị lãng quên, phớt lờ của văn chương viết về tự nhiên: truyền thống văn chương phi hư cấu viết về tự nhiên đã được khởi nguồn ở Anh từ cuốn Lịch sử tự nhiên của Selbourne (A Nature History of Sebourne) do Gilbert White viết năm 1789 và mở rộng ra ở Mỹ tới Henry Thoreau, John Burroughs, John Muir, Mary Austin, Aldo Leopold, Rachel Carson, Eward Abbey, Annie Dillard, Barry Copez, Terry Tempest Williams và nhiều người khác nữa. Sáng tác viết về tự nhiên lấy làm kiêu hãnh về một quá khứ giàu có, một hiện tại đầy sức sống và một tương lai đầy triển vọng. Các nhà phê bình sinh thái rút ra từ nhiều lí thuyết phê bình hiện nay - Phân tâm học, Phê bình mới, Phê bình nữ quyền, Bakhtin học, Giải cấu trúc - những lợi ích của sự hiểu biết và thúc đẩy sự phát triển của chính bản thân văn học. Bằng chứng cho thấy sáng tác về tự nhiên là chiếm lĩnh thị trường văn học, chứng kiến số lượng đáng kinh ngạc của tuyển tập được xuất bản trong những năm gần đây(12). Trong sự gia tăng của đô thị, những sáng tác về tự nhiên đóng vai trò sống còn trong việc giáo dục chúng ta về những giá trị của thế giới tự nhiên.
Một nỗ lực khác để phát hành các tác phẩm khai sáng môi trường là nghiên cứu nhiều xu hướng thể loại, nhận dạng các tác giả tiểu thuyết, thơ ca mà tác phẩm của họ thể hiện ý thức sinh thái. Những tác giả như Willa Cather, Robinson Jeffers, W. S. Merwin, Adrienne Rich, Wallace Stegner, Gary Snyder, Mary Oliver, Usula Le Guin và Alica Walker đã nhận được nhiều sự chú ý, như là những nhà văn tự nhiên của Mỹ, nhưng đường chân trời của những khả năng vẫn còn để ngỏ. Tương tự như sự quan tâm của phê bình nữ quyền tới cuộc sống của các nhà văn nữ, các nhà phê bình sinh thái cũng nghiên cứu những điều kiện môi trường đối với cuộc sống của một nhà văn - sự chi phối của không gian sống tới khả năng hư cấu của các tác giả - chứng minh rằng nơi mà nhà văn đã từng lớn lên, từng trải qua và viết là chỗ thích đáng để hiểu về tác phẩm của họ. Một số nhà phê bình đã tìm thấy giá trị của những chuyến tham quan tới những nơi mà nhà văn đã sống và viết; ví dụ, hồi tưởng về những bước chân của John Muir đã in trên Sierra là trải nghiệm bản thân về một trạng thái tuyệt vời; hoặc những tư liệu về sông Merrimac cho thấy rõ hơn về những bối cảnh tự nhiên trong mục đích những chuyến lang thang của Thoreau.
Giai đoạn thứ ba mà Showalter nhận ra trong phong trào phê bình nữ quyền là giai đoạn phát triển lí thuyết, điều này khá là xa tầm với và phức tạp, cần phải nhờ cậy đến đủ các loại lí thuyết để đề xuất các vấn đề cơ bản của cấu trúc biểu tưởng của phái tính và giới tính trong phạm vi diễn ngôn văn học. Tương tự, công việc trong phê bình sinh thái cũng bao gồm cả sự nghiên cứu các cấu trúc biểu tượng của các loài. Các diễn ngôn văn học định nghĩa loài người như thế nào? Sự phê bình đó đặt nghi vấn thuyết nhị nguyên trong tư tưởng Tây phương - vốn tách ý nghĩa ra khỏi vấn đề, ý nghĩ ra khỏi thân thể, phân biệt rạch ròi nam giới và phụ nữ, cũng như làm phân li nhân loại với tự nhiên. Một nỗ lực liên kết đang được thực hiện mang tên là “sinh thái nữ quyền” (ecofeminism), một diễn ngôn lí thuyết mà chủ đề của họ là nối kết giữa sự áp bức phụ nữ và sự thống trị tự nhiên. Chưa có một dự án lí thuyết nào khác thử phát triển thi pháp sinh thái, lấy khoa học về sinh thái, với tư tưởng hệ thống sinh thái làm cơ sở cho lí thuyết đó cũng như tầm quan trọng của nó tới các mối quan hệ nối liền nhau với dòng chảy năng lực tiềm tàng, như là một ẩn dụ cho cách mà thơ ca thực hiện chức năng với xã hội. Các nhà phê bình sinh thái cũng xem xét đến hiểu biết triết học hiện nay như sinh thái bề sâu (deep ecology), một triết lí phê phán tận gốc rễ tư tưởng con người là trung tâm, để từ đó khám phá những hàm nghĩa cần thiết cho nghiên cứu văn học.
TƯƠNG LAI CỦA PHÊ BÌNH SINH THÁI
Điểm nổi bật của phê bình sinh thái chính là sự nghiệp có giá trị mở đầu bởi vì nó trực tiếp chú ý tới những vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ. Việc nâng cao ý thức là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nếu chúng ta không bắt đầu suy nghĩ về vấn đề môi trường thì làm thế nào chúng ta có thể giải quyết được vấn đề đó?
Ở trên, tôi đã nói rằng các nhà phê bình sinh thái có khát vọng thay đổi giới nghiên cứu. Có lẽ tôi nên viết rằng tôi đã có tham vọng mạnh mẽ như vậy với phê bình sinh thái. Tôi mong muốn thấy phê bình sinh thái trở thành một chương của cuốn sách “vẽ lại những ranh giới phê bình của nghiên cứu văn học”. Tôi mong muốn thấy một chuyên ngành về văn học và môi trường trong mọi khoa Văn học. Tôi mong muốn thấy cuộc chạy đua của các thí sinh trên diễn đàn xanh bầu chọn cơ quan cao nhất trong các hiệp hội nghiên cứu của chúng ta. Chúng ta đã chứng kiến phong trào phê bình nữ quyền và phong trào phê bình đa dân tộc đã biến đổi tận gốc rễ giới nghiên cứu, thị trường việc làm và các giá trị. Khi họ thay đổi giới nghiên cứu, họ giúp thay đổi thế giới.
Một tiếng nói mạnh mẽ trong giới nghiên cứu cho phép các nhà phê bình sinh thái ảnh hưởng đến sự thay đổi nhiệm vụ quan trọng trong các tiêu chuẩn, chương trình và các chính sách của trường đại học. Chúng ta thấy những quyển sách như Niên giám về đất nước sa mạc (A sand country almanac) của Aldo Leopold và cuốn Người ẩn dật sa mạc (Desert Solitaire) của Edward Abbey trở thành những cuốn sách chuẩn mực cho các khóa học văn học Mỹ. Những cuộc trao đổi văn học của sinh viên và các khóa học sáng tác sẽ khuyến khích suy nghĩ một cách nghiêm túc về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên; về vấn đề đạo đức hay thẩm mĩ đặt ra do sự khủng hoảng môi trường; về việc làm thế nào ngôn ngữ và văn học truyền giá trị của những hàm ý sinh thái sâu xa. Các trường đại học và cao đẳng của thế kỉ XXI sẽ yêu cầu tất cả sinh viên hoàn thành ít nhất một khóa học liên ngành về nghiên cứu môi trường. Một số Tổ chức giáo dục đại học sẽ dành một ngày làm việc bằng giấy tái chế - một số viện khác cũng sẵn sàng làm như vậy.
Trong tương lai, chúng ta có thể mong rằng phê bình sinh thái trở thành liên ngành, đa văn hóa và mang tính quốc tế chưa từng thấy từ trước tới nay. Công tác liên ngành cũng được tiến hành và có thể được tạo điều kiện hơn nữa bằng cách mời các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để làm diễn giả tại các hội nghị văn học và bằng việc đăng cai nhiều hơn những hội thảo liên ngành về các vấn đề môi trường. Phê bình sinh thái chủ yếu là một phong trào phê bình do các nhà phê bình da trắng thực hành. Nó trở thành một phong trào đa quốc gia khi sự kết nối mạnh mẽ hơn được tạo nên giữa môi trường và kết quả của sự công bằng xã hội; khi sự đa dạng của các tiếng nói được khuyến khích để tranh luận. Tiêu điểm của cuốn sách này là những tác phẩm phê bình sinh thái ở Mỹ. Tuyển tập tiếp theo có thể là tuyển tập tác phẩm quốc tế về các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay và tình trạng phân tán của chúng ta sẽ cần đến sự cộng tác trên phạm vi toàn thế giới(13).
Năm 1985, Coren Acton, một chàng trai ở trang trại Montana quay thiên văn năng lượng mặt trời đang bay trên phía tàu vũ trụ con thoi Challenger Eight. Những quan sát của anh có thể phục vụ để nhắc nhở chúng ta về bối cảnh toàn cầu của công việc phê bình sinh thái:
“Nhìn ra bên ngoài bóng tối của không gian, rải vẻ lộng lẫy huy hoàng của vũ trụ ánh sáng, tôi cảm thấy vẻ uy nghi, nhưng điều đó không mang lại cho tôi niềm vui. Bên dưới là một hành tinh chào đón. Ở đó, chứa đựng trong cái vỏ mỏng, chuyển động và cực kì mong manh của sinh quyển là tất cả những gì thân yêu, tất cả mọi tấn kịch và bi kịch của con người”(14).
(SH305/07-14)
............................................................
1. Stephen Greenblatt and Giles Gun, ed., Redrawing the Boundaires: The Transformation of English and American Literary Studies (New York: MLA, 1992) 1- 3
2. Frederick Owaage, ed., Teaching Environmental Literature: Materials, methods, Resources, (New York: MLA, 1985) viii.
3. Information on The American Nature Writing Newsletter, Interdisciplinary Studies in Literature and Environment (ISLE), and the Association for the Study of Literature and Environment (ASLE) can be found in the Periodicals and Professional Organizations section at the back of this book.
5. Joseph Meeker, The Comedy of Survival: Studies in Literary Ecology (New York: Seribner s, 1972)
6. Wendell V. Harris, “Toward an ecological critism: contextual versus unconditional literary Theory” (College English 48.2 [February 1986] 166 - 31)
8. Donald Woster, The Wealth of Nature Enviromental History and the Ecological Imagination (New York: Oxford University Press, 1993) 27
10. Wallace Stegner, letter to the author, 28 May 1989.
11. Elaine Showalter, “Introdution: The Feminism Critical Revolution”
The New Feminism Criticism: Essay on Women, Literature and Theory, ed., Elaine Showalter (New York: Patheon, 1985) 3 – 17
13. The Cultrure of Nature: Approaches to the study of Literature and Enviroment, ed. Scott Slovic and Ken-ichi Noda (Kyoto: Minerva Press, 1995)
14. The Home Planet, ed. Kevin W. Keeley (New York: Addison Wesley, 1988)
*Các chú thích 4, 7, 9, 12 tác giả đưa ra hệ thống các tác phẩm bàn đến từng vấn đề, chúng tôi không chú thích lại vì khá dài.