Nghiên Cứu & Bình Luận
Thơ và giọng điệu thơ thời công nghiệp
08:57 | 31/03/2009
INRASARATham luận tại Hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, Hội Nhà văn Việt Nam, Đồng Nai, 8-1-2009.


1
. Nghĩ rằng cứ đưa vào thơ tháp, Apsara, ginơng, baranưng, phum, sóc, thắng cố, thổ cẩm... là đảm bảo chúng ta đã đậm đà bản sắc dân tộc; hay tưởng mãi ở lại với tư duy giản đơn, tiếng Việt ngọng nghịu thì mới chính hiệu sắc tộc; hoặc cứ lục bát mượt mà mà ru nhau hay thơ tự do vần điệu mới đích thị truyền thống - là những ngộ nhận đáng buồn. Ngôn ngữ, thể thơ của nhiều nhà thơ trong những năm gần đây, may thay, đã vượt qua định kiến ngây thơ đó. Nhưng tinh thần/ tư duy và giọng điệu của nó vẫn còn vướng kẹt. Ở quê. Đó là một thành kiến khác mà chúng ta - các nhà thơ hôm nay, không loại trừ tôi - vẫn chưa dứt ra được. Có lẽ chúng ta, nói như Nguyễn Duy, chưa dám vứt bỏ cái đẹp rất nên thơ như dáng đòn gánh tạo hình vào trời chiều quê hương!

Đẹp lắm bóng thiếu nữ Chăm ngồi dưới ánh đèn dầu đưa thoi từng sợi tơ dệt tấm thổ cẩm! Nhưng người dân Chakleng đang cần rất nhiều thợ dệt lành nghề, nhà tạo mẫu giỏi, kẻ nghiên cứu cải tiến khung dệt, và trên hết, con người có khả năng tổ chức để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động hầu đưa thổ cẩm ra ngoài thị trường lớn hơn, từ đó thu nhập của bà con cao hơn, đời sống đỡ khốn khó hơn.
Đẹp lắm dáng cô gái Bana gùi củi lội qua suối, vừa đi vừa hát nhẹ dù lưng áo đang ướt đẫm mồ hôi; sáng mai gùi củi kia sẽ được mang xuống chợ đổi lấy chục ngàn đồng bạc. Nhưng nét đẹp ấy cần phải mất đi càng sớm càng tốt!
Đẹp lắm tiếng “khèn”, lời “then” trong những đêm lễ hội dân gian ở vùng rừng núi dân tộc miền Tây Bắc! Nhưng sẽ đẹp hơn nhiều, nếu tiềm năng văn nghệ kia được tổ chức, bồi dưỡng, nâng cao (miễn đừng phản bản sắc hay giả bản sắc) để nó có thể mang niềm vui, vẻ đẹp nghệ thuật đến nhiều làng hơn nữa, biểu diễn trên nhiều sân khấu của các thành phố lớn hơn nữa, và - tại sao không? - chen vai thích cánh cùng hội, đoàn văn nghệ các nước trên thế giới.
Vân vân…
           
Sự hướng vọng miền quê nói lên một tâm thế bảo thủ mang tính xã hội, xem vườn tre, mái nhà gianh, mảnh vườn,… là bản sắc, thậm chí nâng cấp chúng thành “quê hương” (“Quê hương là chùm khế ngọt...”, - Đỗ Trung Quân). Bảo thủ, nên sợ cái mới, dị ứng với công ty, hợp đồng, tiệc tùng, càphê cóc, quán bar… Bảo thủ, ta đóng cửa lại trước những thay đổi. Ở Việt Nam, người nông thôn rời bỏ cái cuốc cái cày, đã và đang tràn vào thành phố, góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước; trên thế giới, sự phát triển ồ ạt của mạng thông tin toàn cầu biến thế giới thành một làng: làng toàn cầu. Đóng cửa, ta đẩy tư duy dấn thêm một bước rất lệch lạc: từ bỏ mảnh vườn, ao nhà là “bán quê hương”! Làm như thế giới mãi đứng yên một chỗ! Làm như xã hội Việt Nam chưa hề nhúc nhích, hơn hai thập kỉ qua!
Tâm lí hoài niệm quá khứ không là chuyện lạ; càng không lạ khi qua đó, hình thành dòng thơ hoài niệm, đôi khi - xuất phát từ mặc cảm - nó chỉ là một hoài niệm giả tạo. Khi văn minh hiện đại đã xé môi trường nông thôn nát ra từng mảnh; nhà máy, nhà hàng, trường tư thục, tòa soạn báo chí,… mọc lên khắp nơi như thứ vòi rồng cuốn hút thanh niên nông thôn rớt vào vòng xoáy của nó. Họ tự nguyện hay bị đẩy vào môi trường khác hẳn môi trường ông cha họ từng sống, tiếp nhận nền văn hóa khác xa nền văn hóa truyền thống, học tập, làm việc và ăn-chơi khác, đối mặt với những vấn đề khác với những gì ông cha họ từng đối mặt; từ đó lối nghĩ, lối sống của lớp người mới cũng khác hẳn. Trong lớp người mới kia, không ít kẻ theo nghề cầm bút viết văn, làm thơ. Chúng ta hòa nhập vào dòng chảy đời sống thị thành, vui vẻ thụ hưởng các thành tựu giàu sang, tốt lành nó mang lại cùng lúc chịu đựng khổ ải mới mà nó đẻ ra. Không vấn đề gì cả! Thế nhưng, khi làm thơ, các thi sĩ thuộc thế hệ mới ấy vẫn cứ “cánh đồng”, “lưỡi cày” với “mùi rơm rạ” mà ru nhau.

Tại sao?
Đây là câu hỏi nền tảng mang tính mĩ học của thơ hôm nay. Giữa bề bộn, sôi động của cuộc sống thời hiện đại, thơ chúng ta mãi vướng kẹt ở quê. Và, chúng ta xem vướng kẹt là bản sắc! Bản sắc này có thể đậm nhạt ở đây, kia, nhưng nó luôn đeo dính chúng ta, khó thoát ra được. “Lời nói được xã hội hóa do tính quy ước hiển nhiên” quy định lối suy nghĩ của chúng ta, điều kiện hóa lối viết và lối thưởng thức thơ của chúng ta. Và, như tự đánh lừa, bởi không hiếm thi sĩ hiểu/ thấy đằng trước, đằng sau và xung quanh rằng, đất nước đang thay đổi, thế giới đang thay đổi và, thi ca đang chuyển động nhanh và mạnh, nhưng ta cứ tiếp tục vô tư để cho bị vướng kẹt. Vuốt ve sự vướng kẹt! Chỉ khi ý thức sâu thẳm, nỗ lực vượt thoát không ngưng nghỉ, nhà thơ hôm nay mới hy vọng đưa thơ đi chệch khỏi đường ray hệ thẩm mĩ nông nghiệp đã khá lạc thời.

2. May thay, thời hậu đổi mới - tạm lấy mốc thời điểm văn chương mạng ra đời vào đầu thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên - thơ Việt đã khác, rất khác. Thử xét ba nhà thơ Lê Vĩnh Tài, Phan Trung Thành và Jalau An
ưk.
Họ không nhìn nông thôn qua con mắt duy mĩ nữa mà, bằng cái nhìn thực và gần hơn, cái nhìn phản tỉnh đầy tính phê phán. Hãy nghe tiếng kêu thảng thốt của chàng thi sĩ đất Tây Nguyên trước biến mất gần như là đột ngột của rừng:
đỉnh núi không còn rừng nhô ra đỉnh vú…
trên rơm rạ đời ta rừng từ giã cõi đời
…con sông trào lên nước mắt của rừng…
Yàng đã tan vào rừng
…rừng đã thành chớp mắt
xa đâu rồi rừng ơi…

            (Vỡ ra mưa ấm (trường ca), NXB Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2005).
Từ đó, thế hệ mất rừng ra đời, một/ một vài thế hệ lạc lõng. Không còn sự ôm ấp ấm áp của rừng, các thế hệ đi tới khó tiếp nhận được văn hóa rừng đã từng nuôi nấng tâm hồn ông cha họ. Và, họ ngoảnh mặt chối bỏ tất cả, có thể lắm chứ! Đấy chính là nguy cơ. Cả những lúc “rừng đã thành huyền sử”, “rừng đã thành tĩnh vật”. Truyền thống bị đứt mạch. Buồn! Nói theo cách của Lê Vĩnh Tài, đó là: “nỗi buồn tro than nỗi buồn của lửa/ nỗi buồn di dân chật cả giấc mơ”. Một lời oán trách gió bay hay tiếng nói truy cứu trách nhiệm? Anh biết: anh, tôi, họ và cả “Quê hương còn món nợ với trò chơi vô tăm tích” này. Chúng ta có trách nhiệm với sự mất mát quá to lớn của rừng cao nguyên, của văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cũng là của chính chúng ta.

Phan Trung Thành đưa thơ chuyển dịch sang hướng khác. Khác về đề tài, từ đó - khác cả phong cách, giọng điệu. Con sông phố với bạt ngàn “cuộc vui thừa mứa những quầy bar vỏ chai nấm mồ” vẫn còn đó, nhưng anh đã bỏ lại sau lưng, để tìm đối mặt vấn đề thời sự của hôm nay. Thách thức hơn, gây đau lòng hơn.
Tôi phản đối những kẻ thô bạo
những kẻ mất nhân tính
chà đạp cô dâu Việt
ôi xứ sở tôi lầm than vì mưa bom
xứ sở rên xiết vì nghèo hèn
nhưng
không thể tha thứ cho kẻ chà đạp nhân phẩm
kẻ ích kỷ đốn mạt
kẻ vì đồng tiền lóe mắt
kẻ a dua …
đừng đến đây lũ hung bạo
đem gái Việt vứt ra đường
trong mùa giá rét
chúng giam trong hầm
chúng làm nô lệ hơn mọi nô lệ
(Đồng hồ một kim, NXB Hội Nhà văn, H., 2008)

Dưới kia, nơi miền cực Nam Trung Bộ, Jalau Anưk tự phản tỉnh để phê và tự phê:
Thuở ấy tôi đi
Với
hào quang trước mắt
ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì
ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.
Thuở ấy tôi đi…
mang nông nổi thời trai trẻ
bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức
nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ.
(Jalau Anưk, “Tạ lỗi”, Tagalau 4, 2005)
Ngọn tháp là của ngày xưa
ngôn ngữ đẹp là của Ariya ngày xưa
điệu múa kì ảo, say đắm lòng người là của ngày xưa
bản đồng dao hay mà em hát cùng anh thuở thiếu thời
là của ngày xưa
của ngày xưa tất …
bây giờ lai căng..
(Jalau Anưk, “Dưới bầu trời là những mái nhà”,
trong Tagalau 7, 2006)

Thi sĩ nhạy cảm với cái mới, thức tỉnh và làm cho mọi người tỉnh thức về các tai họa. Bài thơ về sự cả nể của Lê Vĩnh Tài rất quyết liệt trong cảnh báo. Nhà thơ buộc chúng ta mở to mắt nhìn trừng vào thực tế đời sống. Vô ích, ở đó cứ mãi vỗ nhau về “bản sắc văn hóa”, về cái đẹp thơ mộng phi thực, cái đẹp đã làm cổ tích:
chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa
cùng đóng lại ước mơ
với một ly cà phê Highland bốn mươi ngàn
khuyến mãi máy lạnh
quên mất người trồng cà phê ở Tây Nguyên
bốn năm rồi sáu ngàn một kí
khuyến mãi mồ hôi
khuyến mãi đôi mắt thất thần bất ngờ siêu thị
... 
lẽ ra phải kêu lên nỗi đau cành cây gãy
chúng ta cứ hát ca ban mai mưa lá ướt…
lẽ ra phải gánh nặng dự báo tro than và lửa
…chúng ta cứ hát ca ánh sáng
mơ cánh rừng cổ tích ngày xưa
     (Lê Vĩnh Tài, “Bài thơ về sự cả nể”, trong Liên tưởng, 2006)

Từ bỏ huyễn tưởng và nhẹ nhõm lên đường, hội nhập với thế giới bao la ngoài kia:
Đi đi em!
phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể
sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui
phố cũng thích Xaranai
phố cũng say đắm lòng tháp cổ
phố cũng rộn ràng với Ginơng
phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara
phố cũng hiểu Ariya
phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể
         (Jalau Anưk, “Dưới bầu trời là những mái nhà”,
                           trong Tagalau 7, 2006)

3. Tôi gọi đó là loại thơ trữ tình thế sự. Khi một chân trời khép lại và chân trời khác mở ra, mênh mông hơn, mới lạ và đầy bắt trắc nhưng nhiều hứa hẹn hơn. “Khi đời sống bắt đầu ló dạng/ kết thúc một kẻ bị thương...”, thơ phải khác. Nó đòi hỏi tiếng nói quyết liệt của văn nghệ sĩ. Nhưng các nhà văn, nhà thơ lâu nay được cho là đại biểu của lương tâm thời đại, đang ở đâu?
Ở thành phố? Nói như Phan Trung Thành, hay họ mãi lo làm thứ văn nghệ hám tiền, văn chương bám váy báo chí, mãi im lặng lếu láo, á khẩu trước nỗi bất hạnh của “bọn thấp cổ” bị “ông to, bà lớn” đè đầu khắp nơi. Và cả miền Trung của những ngày bão xa, bão gần nữa. Chúng có mặt ở đâu trong trang thơ văn hôm nay? Bao câu hỏi cấp tập đặt ra, buộc nhà thơ nhìn lại mình. Và nhập cuộc. Một thứ thơ dấn thân đựng chứa bao nhiêu đề tài với những con số biết nói, hàng vạn cô dâu Việt bị chà đạp nơi xứ người, với xứ sở rên xiết vì nghèo hèn, mấy bờ Thanh Đa sụt lở. Cùng muôn ngàn hệ lụy khác.
Xá Lợi
xá lợi
xá xá lợi
lẩu kèo
lẩu kèo
lẩu lẩu kèo
tại sao xá lợi bên lẩu kèo?
hay lẩu kèo neo bên xá lợi?
zô zô zô
li này mừng anh thắng thầu mặt ruộng
li này chúc anh trúng đậm mặt tiền
li này em “đậu” Đài Loan
li này em “dính” sếp trên
li này...
(Đồng hồ một kim, NXB Hội Nhà văn, H., 2008)

Nhịp thơ ở đây trúc trắc và chông chênh hơn, ngôn ngữ thơ góc cạnh và trực diện hơn, hơi thơ khỏe khoắn và dứt khoát hơn.
Nhưng đã có mấy nhà thơ nhập cuộc, ở đó?
Ở nông thôn và vùng sâu miền xa? Khi không gian văn hóa xã hội nông thôn đã bị phá vỡ, những cánh đồng lúa phì nhiêu khi xưa đã thu hẹp, hàng ngàn hàng vạn cô gái quê tràn vào thành phố kiếm sống, hình ảnh đó ở đâu trong thơ hôm nay?
Sáng nào cũng vậy
túi xách simili rẻ tiền
trước cửa Trung tâm môi giới việc làm, các nàng đến
ngơ ngác nhìn/ hỏi/ đưa mắt dáo dác tìm
rồi đi.

Hệt nhau
chỉ quần jean rộng hơn hay chật hơn
mái tóc dài hơn hay ngắn hơn.

Hệt nhau - nơi đi, điểm đến
từ những số phận đi tìm những số phận
hi vọng sẽ khác.

Sáng nào cũng thế. Tôi thấy những số phận
đi theo đoàn hay đơn lẻ
bằng dáng đi sụp đổ
biến hút vào trưa.

Biến hút vào trưa
tôi thấy những số phận
cửa sau thành phố.

  (Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, NXB Hội Nhà văn, H., 2002)

Về phía sáng, phía tích cực, ở
đâu trong thơ hôm nay, Nhà máy điện Đồng Nai 4, Đồng muối Cà Ná bạt ngàn, những con đường nhựa plây nối plây, những lối bê tông sóc nối sóc, đường dây điện vào tận rừng sâu,...? Cùng bao nhiêu chuyển động hướng về phía trước nữa? Chúng cũng đã từng có mặt, rải rác đây đó, bằng lối thơ... cũ. Rù rì, mượt mà, chải chuốt... của một thời xa lắc. Phan Trung Thành, Jalau Anưk,... đã khác.
Cả khi nói về điều riêng tư nhất: tình bạn, Lê Vĩnh Tài rất khác. Vũ “ngồi nghe bằng cách riêng của Vũ”, nghe “thời cuộc lắp bắp” qua tiếng thơ lắp bắp. Tôi ủng hộ lối nói lắp bắp này. Dù chúng chưa “có thành tựu đáng kể” nào như lối nhận định đầy hời hợt và dễ dãi, nhưng đây là các giọng thơ đã dũng mãnh từ bỏ sáo mòn khuôn thước, để đi tìm giọng nói mới, khác. Thời đại khác, giọng thơ cũng phải khác. Bài thơ dài về tình bạn này của Lê Vĩnh Tài, thực chất là một kĩ thuật tạo thêm nhân vật thứ hai để trữ tình của tác giả về thời cuộc “qua những lỗ thủng trên mặt đường PMU 18” không bị rơi vào độc thoại kêu cứu sáo mòn.

Hay Jalau Anưk trộn lẫn tiếng Kinh - Chăm, Việt - Anh trong một bài thơ ngắn đầy tính cảnh báo vừa xót đau vừa phẫn nộ về một thế hệ mới hứa hẹn nhiều tương lai nhưng cũng ẩn náu không ít nguy cơ về sự vong thân, tha hóa:

Ai như em - dán dính mình bằng quần Jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?
Ai như em - bập bẹ Chăm, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm - avian flu?
Ai như em - ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas?
(Jalau Anưk, “Ng.”, Tagalau 6, 2006)

Hoelderlin từng thống thiết hỏi: “Và để làm gì thi sĩ trong thời đại cô liêu khốn quẫn? (Et pourquoi des poètes en temps de détresse?). Câu hỏi vọng xuyên qua hai trăm năm thời gian, vẫn chưa có lời hồi đáp.
thơ mang khuôn mặt buồn của người
nông dân bỏ quê ra phố
… thơ ngất xỉu khi ngang qua cây cầu sập
còng lưng chảy máu mẹ nghèo


Khuôn mặt nghèo và buồn của những “đêm”. Đêm tiếp nối đêm. Giáp mặt đêm, nhà thơ cảm nhận chúng, đặt câu hỏi về/ với chúng. Đó là những câu hỏi của và cho hôm nay. Hay lắm lúc anh sắp ngược lại cả một đoạn thơ, chỉ để nói về sự lặp lại và nhàm chán của những lời hứa nước bọt:
nhưng câu thơ biết sợ lâu rồi
nhưng lâu rồi câu thơ biết sợ
nhưng rồi lâu câu sợ biết thơ


Hình ảnh cô gái Bana gùi gủi, bà mẹ Chăm đội giành đồ gốm băng đồng, anh thanh niên Raglai ngực trần đốt rẫy xa xưa ấy, nếu được chớp và trưng bày trong bảo tàng thì rất đẹp; thế nhưng cái đẹp ấy nên biến mất đi càng sớm càng tốt! Thực tế đã vậy rồi. Quay nhìn ra sau lưng là điều vừa bất khả nếu không nói là, phản [chuyển] động. Cần phải học biết chấp nhận định phận. Nhận phận và yêu phận, như tinh thần của F. Nietzsche: Amor Fati! Yêu mệnh để cải mệnh. Chính bắt nhịp được tinh thần bi tráng ấy, Lê Vĩnh Tài đã cho ĐamSan - hiện đại - “chàng ĐamSan không bao giờ đêm tối/ không bao giờ xuôi tay” chôn vùi huyền thoại cũ, tạo dựng một huyền thoại mới:

gió đã bước sang thế kỉ 21
bếp lửa chúng ta nhỏ bé và chật hẹp
nhỏ bé và chật hẹp cả bài khan cổ tích…
đêm không ngủ với niềm vui mới
niềm vui đứng trên vai những gã khổng lồ
huyền thoại xoay vòng tròn cối xay gió
làm mưa…

Từ huyền thoại mới này, một thành phố Banmê mới sẽ ra đời:
niềm vui Banmê chênh vênh mõm đá
thành phố dịu dàng nỗi đau ngược gió.

(Vỡ ra mưa ấm, NXB Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2005).

Sài Gòn, 1-1-2009
I.R.S.R
(241/03-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng