Nghiên Cứu & Bình Luận
“Thoạt kỳ thủy” dưới góc nhìn tâm thức hiện sinh
10:06 | 30/09/2014

PHẠM TẤN XUÂN CAO

Cầm tay chưa muộn nối lời
Nghiêng mình gửi mộng mây trời lang thang

                               (Bùi Giáng)

“Thoạt kỳ thủy” dưới góc nhìn tâm thức hiện sinh
Ảnh: internet

Đi tìm lời giải thích cho một văn bản, cũng là lúc chúng ta có dịp được tiếp xúc với một thế giới mới. Thế giới ấy, lại là sự hiện thân cho chính cái nhìn của tác giả về những gì mà anh ta đã trải nghiệm và không ngừng sáng tạo nên nó. Thông qua văn bản, chúng ta tìm cách khai thông cho mình một con đường để đến với thế giới đó. Nhưng liệu rằng, trong sự khai thông vừa nhắc đến chỉ có thể có duy nhất mỗi một con đường cho bất kỳ ai tự nguyện là một khách lữ hành dấn thân trên con đường ấy hay không? Quả nhiên, sẽ rất khó để có thể tồn tại một con đường đầy mộng tưởng về tính tuyệt đối như thế. Mỗi con đường là một giải pháp mà theo từng cá nhân sẽ là khả thi để họ chọn lấy khi tiến hành phân tích tác phẩm. Con đường đến với khát khao khám phá trong kỳ vọng thông hiểu tác phẩm một cách đầy đủ nhất. Và tác phẩm để khám phá sẽ không thể được trưng ra một cách ngẫu nhiên như bản thân nó vốn chẳng có điều gì đó đáng chú ý cả. Một đòi hỏi thiết yếu là nó phải chứa đựng những thách thức, tỏa ra từ chính nội lực của bản thân nó - mang đậm tính khiêu khích. Thoạt kỳ thủy - một tác phẩm độc đáo của Nguyễn Bình Phương, theo chúng tôi, là một tác phẩm đủ nội lực để hấp dẫn như thế. Và giải pháp mà chúng tôi chọn lấy để tiến hành khai thông tác phẩm này không khác đi trong một chiều hướng phân tích dưới góc nhìn tâm thức hiện sinh (hiện tượng luận hiện sinh).

Chúng tôi đã cố gắng gạn lọc toàn bộ tác phẩm để qua đó có thể nêu lên những câu hỏi sơ yếu về nội dung của nó. Và các câu hỏi được đặt ra đóng vai trò như mỗi một luận điểm quan trọng, đồng thời, như là mỗi bước đi vững chắc để có thể tiến đến nhằm chỉ ra ý nghĩa của tác phẩm muốn nói nên điều gì. Thông qua thao tác lần mở và phơi bày, chúng ta sẽ được dẫn dắt từ từ qua những nẻo đường thâm u của Thoạt kỳ thủy mà đích đến của nó lại như một sự neo buộc về với những gì quang đãng mà nhân bản nhất.

1. Tính là ai? - Sự trôi dạt bản ngã như là tiếng gọi thê lương của tồn tại

Tính là nhân vật chính trong truyện. Vừa mới sinh ra Tính đã thấy trăng. Nỗi sợ hãi khi nhìn thấy trăng đã theo Tính suốt cả cuộc đời. Ngay khi mới lọt lòng, nhìn thấy trăng Tính đã sợ, co lại, thét lên và choáng ngợp trước thứ ánh sáng lạnh lẽo, rên xiết ấy. Con người này đã bị ám ảnh trước thứ ánh sáng vàng trắng kia. Một nỗi ám ảnh tai ương ngay từ thuở bình minh của đời người. Nỗi ám ảnh ấy là dấu hiệu cho những úy kỵ về sau, khi lớn lên, Tính đã bộc lộ ra. Bản thân Tính bị coi là điên, điều đó là sự thật. Một sự thật không chờ đến khi Tính giết đứa bé điên ở làng Thổ, dúi diêm đốt cháy nhà ông Điện hay đâm chết ông Khoa, mà trước đó, với những biểu hiện không bình thường người đọc đã có thể biết được Tính là một người điên. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào Tính với một sự điên loạn như thế, thiển nghĩ, cũng khó có thể hiểu được điều gì còn khuất lấp đằng sau những triệu chứng không bình thường ấy của Tính. Tiếng gọi thê lương của tồn tại luôn được cất lên một cách dai dẳng trong suốt cả cuộc đời của Tính. Một tiếng kêu xé lòng đối với một đời người. Tiếng kêu đấy lâng lâng, miên man có khi rống lên như một sự gào khóc của phần người bên trong bản thân Tính. Và khi đi tìm những gì còn khuất lấp đằng sau cuộc đời hiện thực đấy, ta mới thấy được sự hiện sinh của Tính chua chát đến như thế nào.

a. Một sự trình hiện thất bại của bản ngã (self)

Bản ngã của một người, khi người ấy trình hiện trước thế giới, với những sức mạnh nội lực như là điều kiện để cho bản ngã chính thực của người đó được biểu lộ. Ở Tính có sức mạnh ấy không? Rõ ràng là không, với một kẻ sinh ra thấy trăng đã sợ hãi, thất thần và bị nhấn chìm trong thứ ánh sáng hư huyễn kia thì không thể nào hàm chứa trong mình một sức mạnh dù là nhỏ nhoi trong ý nghĩa nội lực được. Và đó như là một định mệnh của Tính, sự sợ hãi gieo rắc lên trên toàn bộ tinh thần Tính, khả năng lôi cuốn cho sự hiện trình của bản ngã ở Tính đã thất bại một cách thê thảm. Cái bản ngã ấy, nếu có, chỉ là một cái gì đó mờ nhạt, lay lắt. Sự thất bại hiện trình bản ngã đích thực của một con người trong mong muốn trình hiện ra ở thế giới đã kéo con người vào trong hố đen của những điều phi lý tưởng chừng như không bao giờ có thể thoát ra khỏi đó được. Và sự thật cay đắng là bản thân Tính đã bị quẳng ném một cách không thương tiếc vào trong hố đen phi lý đó. Bản ngã của Tính không còn là một sự hiện diện đầy đặn cho con người như nó vốn quy định nữa. Khi tuổi thơ chỉ biết bắt công cống hay kiến để giết. Một sự thất bại trong nỗ lực trình hiện cái bản ngã đó đã không thành cũng vì do ở nội lực đó đã không tiềm tàng một chút sức mạnh nào cả. Giết kiến hay giết công cống chính là cách mà Tính muốn có được sức mạnh ấy, nhưng đó không phải là một thứ nội lực hữu ích để tạo điều kiện trình hiện cho chính bản ngã của Tính. Khả năng trình hiện đích thực của bản ngã đó đã bị vùi sâu vào bở thửa của một sự lưu đày nhân tính trong con người Tính. Một sự thất bại ê chề của cả một cuộc đời u ám.

b. Một sự tham dự mờ nhạt của bản chất (essence)

Chính sự lưu đày nhân tính trong con người Tính đã tạo nên một hệ lụy nghiêm trọng trong bản chất của Tính. Bản chất ấy khó có thể được xem như đó là bản chất của một con người. Một con người bình thường bao giờ cũng là sự tham dự đậm nét của nhân tính đóng vai trò như là bản chất cố hữu của con người. Và bản chất đó của Tính đã được ông Phùng thốt ra qua câu nói về Tính nghe như nửa đùa nửa thật: “Thằng Tính là thanh gươm không có vỏ”[1]. Rồi đến lượt ông Điện nói về Tính khi ông không cho Tính đi mổ heo cùng nữa: “Thằng này lớn lên nguy hiểm lắm.” Chính trong một sự tiêu biến bản chất người bên trong Tính mà cả ông Phùng và ông Điện đều đã có linh tính báo trước được về con người của Tính. Một sự chìm nghỉm trong nhận thức có lẽ không bao giờ tồn tại khái niệm phản tỉnh. Bản chất con người Tính vì thế mà bị thao túng đến cùng cực. Sự tham dự của bản chất con người ngập tràn nhân tính là một điều gì đó vô cùng xa xỉ đối với Tính. Thứ bản chất ấy dường như là một sự méo mó trong cùng tính chất gần gũi với chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia). Bản chất con người Tính đã bị xóa sổ đi trong mọi ý nghĩ của Tính. Sự di căn từ những hình ảnh lúc đi chọc tiết lợn cùng với ông Điện, đã ghi dấu vào thâm sâu nơi con người Tính, để rồi đến nỗi phần đời còn lại của Tính chỉ gói gọn trong ý nghĩ “chọc tiết”. Một sự ấn kí tàn nhẫn lên trên tâm trí một đứa trẻ non dại, những hình ảnh man rợ cứ theo nó đi hết cả cuộc đời héo úa, lụi tàn.

c. Một sự nhập cuộc vô nghĩa của tồn tại (being)

Sự tồn tại của Tính là sự tồn tại của một kẻ lưu vong biệt xứ. Tồn tại không được nhận dạng trong một ý nghĩa của hai chữ con người. Đó là một sự tồn tại khiếm khuyết mà bản thân Tính không bao giờ có ý định chối bỏ nó. Tính là một kẻ lạc loài, một kẻ sống như người mà chẳng phải người. Khi mà bản tính điên loạn âm ỉ ngày một dữ dội hơn thì biểu hiện của Tính càng lộ rõ. Cái ánh mắt dán chặt vào yết hầu của những ai mà Tính để ý dường như gần giống với một sự thèm khát được thực hiện thông qua hành động chọc tiết lợn, theo cách ông Điện đã làm trước đây. Tồn tại của Tính bị phủ lấy một màu đen xám xịt, tù mù của những bấn loạn triền miên mà không hề vơi bớt một biểu hiện nào đó có thể dung hòa lại mọi thứ. Nó là cả một sự xáo trộn không ngừng nghỉ của những động cơ gàn dở đến hắc ám. Phản ứng sau khi giết thằng bé điên, đó là những phản ứng của kẻ đang xảy ra những xung đột nảy lửa tận bên trong tâm lý hỗn loạn của chính hắn. Và rồi lần lượt là những con lợn bị chọc tiết, bản tính điên loạn ấy đã được đẩy đến độ cao trào. Tồn tại của Tính ngập tràn trong máu và chọc tiết. Thứ tồn tại cực kỳ vô nghĩa đối với một con người. Bản tính ấy đã là một sự triệt hạ toàn bộ mọi thứ có ý nghĩa thuộc về phần người của Tính. Một sự nhập cuộc vô nghĩa của tồn tại đối với Tính mà giờ này đã được chủ động một cách triệt để cho những sự định hướng về một công thức rất đơn giản: máu và chọc tiết.

d. Một sự chìm đắm dị dạng của Dasein (hiện thể)

Nhìn vào Tính, sự lẫn lộn giữa vật và người đã tạo nên một cái nhìn đau đớn cho thân phận ủ dột ấy. Đó là sự thống ngự của phần con choán chỗ hết tất cả những ảnh hưởng của phần người. Đó là một sự rỉ tai của thú tính vào cơ chế hành động của Tính. Do đó, sự lẫn lộn về bản chất của Tính là một điều khó tránh khỏi. Dasein không khoác lên con người Tính một ranh giới đàng hoàng của hiện sinh trong cái nhìn của một nhân vị. Nó là một sự lệch lạc nghiêm trọng đi ra ngoài khả năng ảnh hưởng của Dasein - yếu tố tiêu biểu của hiện hữu người. Dasein chỉ có ở một con người, một hiện hữu đúng nghĩa. Trong khi đó, ở Tính, ranh giới để phân định rằng Tính là người hay là thú dường như mờ nhòa trong một sự thiên lệch về phía thú tính của chính hắn. Điều gần gũi trong một sự đồng lõa với những kiểu cách hành xử của Tính kéo bản thân hắn xa rời về tầm mức không thể trì giữ được của những giới hạn an toàn đối với một sự bám víu về lại với nhân tính. Dasein trong phần người nhỏ nhoi còn lại của Tính đã chìm đắm trong sự dị biệt khó tìm được một giải pháp hàn gắn khả thi. Một sự hiện sinh mà Dasein trở nên dị dạng thì coi như đó là một sự hiện sinh chua chát đến dường nào. Tính là hiện thân cho một sự đau đớn của quần sinh (humanity), vì hắn “đã không đảm nhận được những nền móng hiện hữu của mình, và Dasein của y chạy trốn nỗi lo âu hiện hữu vẫn bám víu vào những lý tưởng không thể đạt tới”[2]. Hẳn là Tính sẽ không bao giờ có thể ý thức được điều đó, bởi vì ý thức của Tính đã chết từ lâu lắm rồi. Một sự thắng vượt đã trở nên trì giữ lâu đời khi hướng đến đích nhắm tạo ra một hậu cảnh tối tăm kiểu đó, Dasein không bị ruồng rẫy thì cũng đã được an bài nơi mộ táng. Dường như nó đã ngán ngẩm đến ê chề trước lịch trình của chọc tiết, từ máu lợn và không loại trừ luôn cả máu người, cứ thế chảy suốt như vậy.

2. Linh Sơn ở đâu? - Mê cung huyền ảo như là một sự bẽ bàng của ý thức

Linh Sơn là một địa danh có thật trong thực tế, đã được Nguyễn Bình Phương chắt lấy rất nhiều những cảm hứng khi viết nên Thoạt kỳ thủy. Để trả lời cho câu hỏi này thì với việc nêu tên địa điểm nhằm trả lời câu hỏi ấy thì quả thật quá ư ngây thơ và khờ khạo. Mà trên hết, việc đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi kia chính là việc thâm nhập vào một chốn ải biên cương của thâm u, tịch mịch, nó tiêu biểu cho chính những ngóc ngách ẩn giấu đằng sau những gì đang có ngay đây thôi. Chúng ta sẽ không loại bỏ khả năng quy chiếu quá trình tìm ra câu trả lời đối với câu hỏi ấy trong một liên hệ gần gũi với những điều đương diễn này.

a. Ý thức đứt đoạn trong dòng chảy tự trầm của không gian kỳ bí

Không gian ở Linh Sơn là biểu tượng cho những điều còn được tham chiếu trong sự cùn mòn đủ dạng của nhân sinh. Chúng ta sẽ lấy thước đo ý thức để dóng đến việc mô tả và phân tích không gian ở vùng đất này. Một dải trình của ý thức đứt đoạn và chắp nối. Một thứ ý thức khúc khuỷu và tràn đầy những biến cố khó lường. Không gian kỳ bí luôn nhuốm sặc một màu sắc của ý thức đứt đoạn. Chuyển tải trong một lưu động tự trầm ngẫu nhiên, nhưng không kém phần uẩn khúc. Sự lờ mờ như được vẽ ra trong những nét MIÊU TẢ ĐỐI VỚI VUNG ĐẤT NAY ĐA PHAN NAO CHO THẤY TÍNH CHẤT KY BÍ CỦA NÓ ĐƯỢC thể hiện ra sao. Đó là những “rặng bạch đàn rì rầm đen”, là “một mớ hỗn độn, bùng nhùng” khi trăng đến. Tất cả chiều ngang ở Linh Sơn đã hiện ra trong những kích thước không cùng của bí hiểm. “Ao Lang đen thẫm, lầm lì, bí ẩn như khuôn mặt người câm.” Không gian ở đây là hiện thân cho chính ý thức của con người nơi đây. Ý thức phả vào và không gian đã được tái hiện trong một chiều kích hướng về phía phác họa nên những điểm xuyết cho chính ý thức đang thoi thóp, đang rối rắm kia của con người ở Linh Sơn (các nhân vật trong truyện). Ở đây, không gian không còn là một sự hiện diện ngang bằng với thiên nhiên trong vai trò phô diễn các đặc điểm của mình nữa. Nó đã bị nhuốm một màu sắc của chính ý thức đang tham gia vào quá trình tạo tác nên cái không gian ly kì ở trong truyện. “Trời trong veo ở phía Đông, còn bên Tây lại đục ngầu, sôi ùng ục.” Bản thân ý thức thể hiện được sức sống tự nhiên của con người. Bây giờ, nó đã trở nên đứt đoạn và do đó quá trình vận hành của nó, dường như ở đó chẳng qua chỉ là một sự vận hành ì ạch trong thói quen, trong tập quán của nó mà thôi. “Trời bừng lên màu đỏ bầm rồi ánh sáng tắt hẳn. Đêm tràn lan theo các lùm cây. Mặt đất loang lổ.” Mối tương quan giữa ý thức và cảnh vật đã trở nên một sự tự định hình cho những lỗi lầm mà ý thức mắc phải. Để trong một chiều kích vươn ra và tỏa rộng theo chiều hướng của nội tại, nó đã phải khoác lên trên mình những gam màu của mênh mông, man dại. Cứ như thế nó chìm nghỉm trong một dòng chảy của lạnh lùng và bí hiểm.

b. Ý thức hỗn mang trong tham chiếu kì cùng của thời gian huyền thoại

Chỉ có thời gian huyền thoại mới đáp ứng được yêu sách này trong Thoạt kỳ thủy. Thời gian trong Thoạt kỳ thủy không phải là một thứ thời gian tuyến tính như trong thực tế - một chiều thứ tư của không gian vật lí. Nó là diễn trình sóng đôi của các sự kiện. Nó cho phép được tái hiện, được vi phạm mọi quy tắc tuyến tính mà thời gian thực không cho phép. Làm sao mà chỉ trong vòng 45 phút để nói về chuyện con cú bị bắn rơi, trôi theo dòng nước, rồi lại bay lên trong khi đó là một sự sóng đôi với cả cuộc đời của Tính, cả những biến đổi to lớn đối với những người dân ở Linh Sơn? Thời gian trong truyện đã cho phép tái bố trí những sự kiện mà chính những sự kiện ấy đảm bảo được tính hợp lý của chúng, trong chiều kích của thời gian huyền thoại. Cái thứ logic riêng biệt của nó chỉ có thể chu cấp cho những tham chiếu cật lực để qua đó giúp ta hình dung về mối quan hệ tác động giữa hai phía. Đó là một sự mở ra trong yếu tố phi lịch sử, nhưng không vì thế mà nó lại trở nên phi lý trong tính chất sử tính của sự kiện. Nó là sự vận hành của đại bộ phận những phân bố, những sắp đặt không có trật tự trong quá trình hiện diện hóa các sự kiện diễn ra như thế. Thông qua quá trình hiện diện của các sự kiện, trong một tính chất bắc cầu về với những sự sắp đặt khó bám víu vào trong cái được gọi là một trình tự đúng nghĩa. Những sự sắp đặt vô hồn ấy, hay là những trình tự biểu kiến đó cho ta thấy ý thức của con người Linh Sơn đang bấn loạn theo nhịp điệu mà các sự kiện tạo ra. Đó không như là một điều đơn giản mà các biến cố góp sức vào nhằm thay đổi các sự kiện theo những chiều hướng khác đi nhưng đó lại là một sự gia công thêm vào để cho trình tự các sự kiện diễn ra trong truyện đượm màu huyền thoại hơn nữa. Một sự hỗn mang đang nung nấu trong tâm can mỗi con người nơi đây. Trình tự sự kiện cho ta biết được cái cách mà thời gian được xây dựng như thế nào. Và đấy chính là nút thắt và lại ngang bằng với trung tâm của những neo buộc chính đáng đối với thao tác tham chiếu kì cùng của thời gian huyền thoại, để như một đáp ứng cho những trình tự được thỏa mãn một bộ quy tắc dựng sẵn nào đấy mà nó có đầy đủ lý do để diễn ra trong nhịp điệu vận hành đầy ma mị của nó, nhưng sơ yếu, nó vẫn là một thứ âm bản của ý thức hỗn mang mà các nhân vật đã thiết lập nên.

c. Lương tri hủ lậu hay là một sự biến tính (denatured) ý thức giữa điên và tỉnh

Đó như là một sự toa rập lầm lỗi giữa những thứ mãi mãi không thuộc về nhau. Nhưng ở đây, nó lại bắt cặp đến kinh hãi trong một thứ keo dính bám chặt như thế. Một sự toa rập mà giới hạn của nó là ở đâu, chẳng ai biết. Chỉ biết đó là một sự phủ bày của cảm trạng điên loạn vào trong trạng thái bình thường. Do đó, đã vẽ ra một kết cục của sự biến tính ý thức hay là chính sự biến tính ấy đã tạo nên một sự toa rập kỳ cục đó? Đấy là đám người điên ở làng Thổ, là Hưng như là những biểu hiện của chính cái sự toa rập nhập nhằng ấy. Bởi nguyên nhân không nằm ngoài con người họ mà nó xuất phát từ chính sự nhận thức đúng đắn đã bị thao túng đi, để rồi đem lại một kết quả không gì khác của một thứ lương tri hủ lậu chẳng đáng một xu bỏ túi. Đó là một sự nhọc nhằn cho việc lắng đục khơi trong đối với những trường hợp như thế này. Một sự song hành bộ đôi giữa điên và tỉnh, các câu nói của những người điên ở làng Thổ cũng đã phản ánh nên ở đó một sự lay lắt khó hiểu trong con người họ, trong cộng đồng mà họ đang sống ấy - một Linh Sơn trùng mộng. Và cả Hưng nữa, một đứa con thiếu tháng của sự biến tính ý thức trong chính hắn. Trong một đường hướng quan hệ không xa, dường như Hưng đã phần nào tác động lên Tính, để cả hai cùng dạt vào một hoang đảo đầy rẫy những vướng mắc, những toa rập của cả hai thứ vốn chẳng bao giờ chịu ngồi lại cạnh nhau cả. Một thứ triệu chứng về vấn đề tâm lý đã đè nặng lên đôi vai của ý thức con người y, để coi như đó là một sự xả bỏ thả cửa cho những nguy nan mà xác thân hắn gánh chịu lấy. Một thứ lương tri èo uột đến mẫn cảm nhưng lại hết sức bình thường đối với những con người nơi đây. Và cũng chính vì sức căng hiện diện của thứ lương tri đó mà ý thức đã bị biến tính một cách không thương tiếc. Một sự hủ lậu hay là tia nhìn ma quái vào gáy ông Phùng, cuối cùng cũng đã đổ sập trong một sự chống đỡ yếu ớt của lý tính, vì chính ý thức đã được an phận yên nghỉ rồi.

d. Cơ năng (mechanism) hư đốn hay là một sự thao túng ý thức giữa mộng và thực

Mắt chó vàng như trăng”. Có thể xem đây là câu cửa miệng của Tính. Một câu nói tưởng chừng như vờ vĩnh nhất lại được đem ra đáp lại khi Tính đi mua rượu ở nhà bà Ất. Bám theo nó, để ta chơi trò bập bênh với chính những ảnh tượng mà nó tạo ra. Một thứ ý nghĩa kỳ quặc không khác đi nhiều lắm so với chính những hành động trì độn của Tính, một thứ cơ năng hư đốn đến mưng mủ. Những cái cười vô duyên hay là những nỗi sợ hãi khi thấy ánh trăng, trong một liên hệ không xa lại một lần nữa khiến Tính quay về với tuổi thơ, từ cái lúc mới sinh ra đã choáng ngợp trước cái thứ lân tinh lạnh nhạt ấy. Để rồi, Tính lấy đá ném trăng. Ở đây, bên trong bản thân Tính đang là một cuộc hội ngộ giữa hai thế giới: mộng và thực. Chúng song trùng nhau như là hành động mà mỗi bên muốn thu hồi chủ thể tạo tác của mình vào trong địa giới mà mỗi trung khu điều lệnh kiểm soát. Đó là những giấc mơ lạ lẫm của Tính, và đó là cả những hành động khù khờ của một chủ thể đang bị xé đôi ra trong sự giao tranh, nhằm phân mảnh chính con người của hắn, với mục đích vứt bỏ vào trong một xoáy sâu thăm thẳm, của sự thao túng ý thức về với mỗi địa giới được kỳ vọng là thắng thế ở từng giai đoạn. “Thiếu một thực tại độc đáo để kính ngưỡng, phản ánh và siêu việt, chuyển động duy nhất khả thi là sự hoán vị theo chiều ngang từ một thế giới sống này đến một thế giới sống khác.”[3] Một sự níu giữ giữa hai lựa chọn, dừng lại tất cả để chuyển sang dòng độc thoại nội tâm lếch thếch những tủn mụn vật vờ của suy nghĩ, hay như là những hành động chọc tiết trong giấc mơ, máu và con dao, như một sự lừa phỉnh để lôi kéo rồi ghì chặt Tính vào trong vẻ choáng ngợp, khi ý thức bị dí chặt vào đấy, vào cái thứ mộng ảo mơn trớn ấy. Để rồi mới thấy được rằng, cơ năng hư đốn trong đời thực của Tính chẳng qua cũng chỉ là nạn nhân xấu số cho những điều tiết xuất phát tận trong sâu thẳm của bản năng, của vô thức chính hắn. Đó là một sự thao túng ý thức thành công ngoài cả mong đợi đối với nó - vô thức. Sức ngự trị của nó đã đẩy Linh Sơn vào cái thế đầy ắp những bí ẩn điêu tàn của quần sinh (humanity). Linh Sơn đã được đổ đầy trong một tác động nội tại của cái thứ đục ngầu vô lối ấy. Linh Sơn ở ngay đây thôi, không xa lạ gì cả. “Mắt chó vàng như trăng.

3. Vì sao Tính chết? - Tha nhân u uẩn (dark) như là một sự tự đào thải (self- rejection) của bi kịch làm người

Cái chết của Tính, một cái chết có thể coi như một sự minh chứng cho bi kịch làm người. Cái sự làm người đối với Tính dường như là quá khó và mãi mãi chúng ta không biết được những cố gắng, cũng như những nỗ lực của Tính, trong mong muốn hướng đến cái sự làm người ấy có hay không. Công thức đơn giản đó: máu và chọc tiết, giờ này đã hoàn tất chương trình của nó, nó chỉ dừng lại khi chính con người tạo ra công thức đó bị chính công thức ấy triển khai mà thôi. Tội lỗi có thể coi như đổ dồn lên đầu Tính được không? Cái chết đó có được truy vấn về nguyên nhân của nó hay không? Chết đã là một bi kịch, nhưng trong đương lượng ngang bằng với một sự tự đào thải thì cái chết đó còn hơn là một bi kịch nữa. Đó là bi kịch của kẻ thất bại trong hành trình làm người của chính mình. Chính cái sự tự đào thải ấy mà ta cố gắng thông cảm cho Tính, thông cảm cho một thân phận bi kịch, một kiếp người chua chát. Số phận đã mua bán đời Tính cho sự mông muội man khai nhất có thể, và rồi là một sự đổ dồn liên tục vào những lát cắt u mê ám chướng, một sự đọa đày cay đắng cho một con người còn chưa đi hết nửa đời. Cái chết ấy đã rũ bỏ hiện hữu và cũng như là một lời hối lỗi muộn màng. Kết thúc, cái chết ấy gợi cho ta những trầm uất lê thê tựa hồ như cái chết ấy ta đã may mắn không mắc phải, bởi ta được đặc ân hơn, vì con đường ta đi quang đãng hơn con đường của Tính đã đi rất nhiều.

a. Sự điêu toa của những điều hổ lốn hay là con người của những biểu hiện thấp hèn.

Dai dẳng của cái thứ mãi mãi không chịu quân bình - u uẩn nhân tính. Đó là điều mà chúng ta ngao ngán nhất. Nó là cái gì mà lại ghê tởm như thế? Cái thứ u uẩn ấy, nó điều động để chi phối cơ năng hành động của chúng ta, nó rắp tâm báng bổ lại tất cả, những giá trị được xô đổ vào cống nước thải cũng chỉ vì cái thứ hổ lốn ấy. Nó muôn hình vạn trạng, vây bủa, ngụy trang để rồi tự trát vữa cho nó một bộ mặt điêu toa không bao giờ cảm thấy xấu hổ cả. Và do đó, chính nó đã kéo con người Tính đi theo hết vết xe đổ này đến vết xe đổ khác. U uẩn nhân tính đó đã làm ý thức chúng ta luôn đề cao cảnh giác để duy trì cái sự quang minh của chính mình, nhưng tiếc thay, cái phần quang minh đó, trong con người Tính không có đủ sức mạnh để thắng vượt trước sự áp chế của cái phần u uẩn ấy. Và cái thấp hèn đã được đem lại khi nhìn nhận về Tính một cách đơn điệu như thế, chẳng giống với việc e dè một chút nào cả khi xem như đó là sự chỉ định của cái thứ u uẩn đó. Nó hổ lốn không cùng, trên mỗi bước đi nó đã bắt Tính thú tính hóa một cách từ từ. Nỗi u uẩn ấy đã hồ hởi ghi lại âm thanh ông Điện đưa dao đi vào cổ con lợn một cách sừn sựt, và cái yết hầu đã trở thành như một hình ảnh thường trực đối với Tính, từ đó nó phả ra như một cơ chế co thắt, giải nén vậy. Nó huy động cái cơ năng phù hợp với nó, và Tính đã trở thành một thằng đồ tể ngoan ngoãn nhất. Cái sự vấy máu của Tính khi lần mò từ những con công cống, những con kiến, để rồi đến những con lợn nhà hàng xóm và cuối cùng là những con người. Cái thứ u uẩn ấy không biết dừng lại và tự quy định đâu là những giới hạn của chính nó, nó biến cơ năng hành động thành kẻ nô lệ cho một sự thỏa mãn - một sự thỏa mãn khi ý thức đã tịch diệt từ lâu. Một thứ âm ỉ quay quắt, nó rỉ máu đến tận bàn tay của chính mình, để tự kết liễu đời mình. Giải pháp đó là quá đúng đắn và thiết yếu nhưng lại là một sự phạm quy và gian lận trong cuộc chơi nếu như không có điều đó chắc cũng sẽ triền miên lâu dài trong cái thứ u uẩn, hổ lốn này. Phạm quy và gian lận đó ngang bằng với một sự tự đào thải thông qua cái chết của Tính - để thấy đó, chọc tiết có thể tự chọc tiết luôn cả mình được nữa, một sự tự đào thải của kẻ lạc loài, một điêu linh rạn vỡ.

b. Số phận đọa đày trong dị chủng (impureness) hay là niềm tin vào những điều không thực (ngụy tín)

Một lối đi đã nhàu nát trên bước đường của Tính đến với đời. Trăng luôn là biểu tượng của những nét đẹp, của nguồn sống trong tâm thức con người. Nhưng đối với Tính, trăng hiện lên như một biểu tượng tràn đầy chết chóc, nó chẳng qua cũng chỉ là cái thứ ánh sáng vàng nhạt để rồi thẫm một màu đen đúa đến ngây dại. Đó là một cái nhìn về trăng đầy ám ảnh từ Tính. Một cái nhìn đã đẩy đối vật vào trong những sắp đặt và chu cấp bởi những niềm tin giả trá, tồi tệ hơn là một sự sợ hãi đến độ quẫn trí trước biểu tượng ấy - trăng. Số phận Tính tạo ra cũng đi theo một niềm tin không thực như thế, vào sức mạnh của bản thân muốn đối diện với chính cái thứ bị mình coi như là ma quái ấy. Và cả cái thánh giá đeo trên cổ của ông Khoa cũng không là ngoại lệ. Tính chả biết nó với ý nghĩa đúng thực ra làm sao, trong mắt Tính những thứ như trăng và tượng Chúa đều là những biểu mẫu của sự hướng đến từ một niềm tin ngụy tạo. Và bởi vì một điều rằng, bản thân Tính đã bị đọa đày trong một thứ bản mệnh dị chủng của mình quá sớm nên những thứ đó đối với Tính, cơ bản là vô nghĩa. “Đi tìm cuộc sống trong thế giới khả dụng, Dasein đã dần dần không còn biết đến bản ngã chân thực của mình mà chỉ biết những gì thực ra là do đời tạo ra.”[4] Và do đó mà giải pháp Tính chọn lựa là đi theo tập quán của cơ năng hành động chính mình. Chính con người Tính đã sản sinh ra những hành động quái đản để phô bày bản mệnh dị chủng đó của bản thân. Dị chủng là thứ không thuần nhất, cái bản mệnh bị nó choáng ngợp chính vì thế nên không thể đặt niềm tin vào đâu cho được, để hứng lấy sự dấn thân của mình vào trong những lý tưởng. Bản mệnh đó chờ đợi một sự phục sinh để ôm ấp nó, để giúp nó có thể chiến thắng đối với sự đọa đày thê thảm ấy. Nhưng sự phục sinh thì không đến, vì thế mà bản mệnh con người Tính đã èo uột như cái thuở đầu đời hắn đã phải như vậy. Ngụy tín đó đã làm cho Tính trỗi lên một sự thúc bách cùng quẫn qua cơ năng chọc tiết của mình. Khi “chiếc thánh giá bắt nắng vụt lóe lên rọi thẳng vào mắt Tính” thì cũng là lúc Tính lắp bắp từ “Trăng”, và ông Khoa bị chọc tiết. Một sự liên hệ minh chứng cho bản mệnh dị chủng đó của Tính. Một thứ bản mệnh đã chịu sự đọa đày đến thê thảm, khi biến mình thành một kẻ giết người là không thể chấp nhận được khi coi kẻ đó như một con người. Một sự phũ phàng khi cố gắng đến với máu để tìm cho mình hơi ấm từ máu, nhằm xóa đi cái cảm giác lạnh lẽo ấy của bản thân. “Lạy mày đừng vàng nữa. Lạnh lắm.” Chỉ có cách trung hòa ấy mới cho Tính một sự cân bằng, nhưng đó lại là một sự cân bằng phải trả giá quá đắt. “Máu của Tính trào ra, ấm, nóng.” Cái giá ấy đem cho Tính một sự thí mạng như thế thật tàn nhẫn. Cái chết của ông Điện, rồi đến ông Khoa, một người cho Tính thấy những gì u ám, và một người cho Tính thấy những gì quang minh. Thế nhưng, Tính đã không chọn lấy cái nhìn thiện cảm đối với ông Khoa, Tính chọn cái nhìn về phía ông Điện, cái nhìn đáp ứng bản mệnh của Tính, và do đó niềm tin mà Tính tạo ra đối với biểu tượng quang minh - chiếc thánh giá - là hoàn toàn phờ phạc. “Tính cười khoái trá, khụy đầu gối, mặt gục lên chiếc vại đựng nước.” Cái thứ bản mệnh dị chủng đó đã được thỏa mãn trong sự sung sướng, ở vào sự cáo chung của chính mình.

c. Nỗ lực để hiện tồn đúng nghĩa hay là sự nhạt nhẽo trong niêm kết (adherent) tinh thần

Tha nhân u uẩn, ở đây, không phải tha nhân trong con mắt của Sartre, tha nhân là địa ngục. Mà tha nhân là người khác, một sự tự phân thân của chính con người Tính, nó vong thân theo kiểu Hegel. Con người Tính khước từ chính bản thân hắn để hướng đến một thứ tồn tại không phải là con người hắn như hắn đã có đó. Nỗ lực để hiện tồn đúng nghĩa không có trong ý nghĩ của Tính, hắn đã bị tha hóa, đã bị chính hắn tha hóa vì bản thân không tìm đến một lý tưởng. Như đã nói, sức mạnh nội lực bên trong con người Tính không đủ để có thể tạo nên một sự tồn tại đúng nghĩa con người. “Chạy trốn trước hăm dọa của sợ, người ta sẽ bị đời thôi miên và do đó từ bỏ mình, mất hết tinh thần tự chủ và không còn làm chủ được hoàn cảnh.”[5] Bởi cội nguồn sâu xa là sự buông lỏng đối với mối liên kết tinh thần trong con người Tính. Một sự tự tạo để hình thành nên những thước đo cho lý tưởng đã bị quẳng ném đi. Đó không phải là một sự dính chặt (niêm kết) mà đó là một sự rời rạc đến tột độ những bấn loạn để hiện tồn theo cách mà Tính đã chọn lấy. Một sự lạc lõng trong tinh thần và đó cũng chính là thực tế của một sự lạc loài của Tính. Bản thân Tính đi trên con đường mà chẳng có ai là khách bộ hành trong cùng một chuyến đi. Chuyến đi ấy đầy bất trắc và trở ngại, chuyến đi ấy chỉ dành cho những ai bị lưu đày.

d. Lựa chọn để trở thành con người hay là chấp nhận bi kịch của chính nó

Một sự tự đào thải được diễn ra như một sắp đặt không thể nào khác đi. Một sự kết thúc của những điểu u uẩn, một sự an bài cho sự tự đào thải đã cố gắng làm như thế trước mọi nỗ lực để được xem là con người đúng nghĩa. Cái chết của Tính là một sự phơi bày đa đoan của quần sinh (humanity). Mà đa đoan là bi kịch, không thể khác đi trong một truy tìm đến với bi kịch để tự đào thải ra khỏi cuộc đời. Cái chết của Tính không cho phép ta nhìn nhận về Tính như là một cái chết của sự chấm dứt hiện sinh. Vì cái Dasein của Tính đã chìm đắm trong dị dạng từ rất lâu rồi. Chết không là một sự lìa đời đúng nghĩa mà đó đơn giản chỉ là một bi kịch. Bi kịch đó chỉ dành cho những kẻ bị ghẻ lạnh, và kẻ đó không riêng gì Tính, mà còn có cả Hưng nữa. Dường như sự lựa chọn để được là con người chính là cái chết. Chết mới chấm dứt mọi cơ năng hư đốn do chính bản thân mình tạo tác nên mà thôi. Cái chết mới giúp cho Tính đánh đổi lại được một giá trị của hai chữ con người. Đó là cố gắng để Tính có thể làm được khi muốn trở về với chính con người của mình. Một sự đa đoan thừa thãi của kiếp người. Nó không thiếu ở trường hợp của Tính mà nó đầy rẫy giữa thế gian. Sự đa đoan đó rất đơn giản với một luật chơi vô đối, chấp nhận sự tự đào thải của cá nhân anh, có như thế anh mới hoàn thành trọn vẹn được trò chơi này, và cái phần thưởng mà anh nhận lấy không gì khác đi là một sự tìm lại đúng nghĩa với bản chất của anh. Liệu rằng hơi ấm từ máu của Tính có giúp Tính thức tỉnh được không? Chúng ta không thể biết được điều này một cách rành rọt vì Tính đã chết. Nhưng trước khi chết Tính đã nở nụ cười khoái trá. Nụ cười được chia sẻ cho cả hai. Cho cái thứ bản mệnh dị chủng của chính mình và cũng là cho cái phần thưởng xứng đáng của trò chơi mà Tính đã tham gia. Tham gia để nhận lấy bi kịch, để không còn nữa, mãi mãi xa lìa; nhưng cốt yếu là để tìm lại được những gì mình đã không bao giờ được chạm đến nó. Tính gục xuống và một sự tự đào thải bi kịch cứ thế cũng kết thúc trong não nề.

4. Thoạt kỳ thủy là gì? - Đường về cái tôi như là tiếng kêu lạc lõng giữa một hư vô bất tận

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này chính là chỉ ra được bản chất ý nghĩa mà tác phẩm chứa đựng. Thoạt kỳ thủy, ta có thể hiểu đó là thời kỳ hồng hoang của loài người, thời kỳ man di và mông muội của quần sinh. Hay chăng, ta có thể hiểu thoạt kỳ thủy là một trạng huống của tinh thần con người, nó chẳng khác gì so với một sự thao túng của vô thức lên trên đời sống tinh thần của con người cả. Ở trường hợp trước, thoạt kỳ thủy được nhìn về trong vị thế của một danh từ, và ở trường hợp thứ hai, thoạt kỳ thủy được nhìn về trong vị thế của một tính từ. Tuy nhiên, để cố gắng gạn lọc ra được ý nghĩa của tác phẩm, thiển nghĩ, chúng ta cũng nên cần có một sự nhìn về bản chất của câu hỏi thoạt kỳ thủy là gì trong vị thế của nó là một động từ.

a. Nẻo đường heo hút của Dasein (hiện thể) hay là hành trình phiêu bạt về lại với cái tôi

Một sự cộng sinh với đời bất khả thành. Trong sự neo đậu của Dasein trên cõi đời, con người thực hiện một sự dấn thân. Và sự dấn thân đó, khi hiện thể còn mù lòa trước những chốn neo đậu, nó trở nên lênh đênh hơn trong sự nhập cuộc với số phận ấy. Thoạt kỳ thủy là hành trình phiêu bạt về lại với cái tôi khi đường đi của Dasein trở nên heo hút như thế. Sự bán thân vào lầu xanh ma mị đã cướp đi một nội tại bị rửa trôi những bản chất cao thượng vốn thuộc về con người, được xem là điển hình của hiện thể. Thoạt kỳ thủy đưa đẩy Tính như một nạn nhân bị cầm tù ở trong đó. Một sự trơ trọi chua cay giữa quần sinh. Hành trình cứ kéo dài để bản thân Tính cứ thế đi mãi, và dẫu cho hắn có chạy thật nhanh cũng không bao giờ đi hết nẻo đường ấy. Cái xoáy nước đã làm con cú dồn hết sức lực để không bị rơi tõm vào trong đó. Cuối truyện, là hai sự kiện trái ngược nhau. Tính chết, còn con cú thì đập cánh và bay “chẳng cần biết tới phương nào.” Bản thân con cú lúc này như là một sự cố gắng về lại với cái tôi của Tính thể hiện dưới dạng âm bản. Nó bay đi và mang theo một dấu ấn về cái thứ âm bản mà nó đã được đặt như một đối cực với Tính. Thoạt kỳ thủy cũng chính vì thế mà đã được vọng lên từ chính cái đập cánh ấy của con cú. “Bay, cứ bay, miễn là bay.” Nhưng hy vọng đường bay của nó sẽ đến nơi mà nó neo đậu được an toàn, cũng như thể nó sẽ nguôi ngoai đi từ tiếng cười đó của Tính, một phần nào đó trong tiếng cười khoái trá ấy là hiện thân cho sự phiêu bạt về với chính mình, nó đau đớn biết chừng nào!

b. Vết nứt muôn đời của bản mệnh (subsistence) hay là một sự phù phiếm trong hoang đàng (mythical)

Chính cái thứ bản mệnh dị chủng đó chứ không phải là cái thứ bản mệnh nguyên ủy của con người mình đã khiến Tính rơi vào màn sương mờ lòa trắng đục trong những giấc mơ của hắn. Thứ bản mệnh ấy đã tạo nên một vết nứt không sao hàn gắn được đối với cuộc đời của Tính. Nó nứt ra và một sự phù phiếm trong hoang đàng ập đến, Tính lặn ngụp trong đó. Thoạt kỳ thủy chính là sự nứt ra của cái thứ bản mệnh dị chủng như thế. Vết nứt muôn đời ấy đã tự sắp đặt cho một định mệnh gắn kết với hư tưởng. Con dao chọc tiết lợn xuất hiện trong những giấc mơ của Tính là hiện thân cho chính cái thứ bản mệnh bệnh hoạn ấy đang chuẩn bị chuyển hóa thành cơ năng hư đốn của chính con người Tính. Một sự hành động ngoan ngoãn, luôn nghe theo lời chỉ bảo của cái thứ bản mệnh dị chủng đó, nó là vết nứt sâu thăm thẳm của cõi đời. “Biểu tượng được tạo nên trong sự tưởng tượng khả kiến của thần thoại và trong những tư biện theo quan niệm.”[6] Sự phù phiếm đấy lại là một vết nứt, và đồng thời, thoạt kỳ thủy lại chính là sự nứt ra đó của cái thứ bản mệnh như thế. “Con dao chuyển màu trắng đục.” Đó chính là sự lưu chuyển đến hồi đỉnh điểm của cái thứ bản mệnh trong con người Tính, hoang đàng dàn trải trong cả giấc mộng cũng như bên ngoài đời thực của chính hắn. Một chốn ải hoang đàng nhẫn tâm, âu cũng là do chính cái vết nứt khốn nạn đó gây ra.

c. Tục lụy (mundane) của nhân gian hay là sự thẩm thấu (osmose) huyễn mộng (phantasmal) của cõi người

Một cách thế vào đời của mỗi người khi từ cái thuở đầu tiên của chính hắn lại là một sự nhập cuộc sơ khởi của thẩm thấu huyễn mộng. Nó như một sự chuyển mạch từ nơi mà nó thoát ra khỏi cái bào thai và có mặt ở đời. Có cái huyễn mộng ấy như thể nhắc nhở bản thân mỗi người không bao giờ quên đi cái cội nguồn phảng phất huyền thoại đấy của hắn. Rồi huyễn mộng không vì thế mà dừng lại, nó bung tỏa đi hết cả cuộc đời. Huyễn mộng ấy đau đáu hơn khi nhận ra nhân gian này là một xứ sở của tục lụy không hơn không kém. “Thấy mình không biết từ đâu tới và sẽ đi về đâu, chỉ biết rằng mình tại thế, mình bị ném vào một thế giới xa lạ, phi ngã, trong đó mình không có sự chống đỡ và nền tảng nào khác ngoài chính hoàn cảnh mình sống, người không khỏi đồng thời cảm thấy mình cô đơn, ghẻ lạnh. Đó là ý nghĩa thứ nhất của ruồng bỏ.”[7] Vì cái cảm giác ruồng bỏ đó luôn thường trực bên trong mình mà con người đã neo thắt vào cái huyễn mộng ấy. Cái huyễn mộng của đường lối hướng về với mong muốn kiếm tìm một nền tảng. Trong truyện, oái oăm thay, Tính lại bị chính cái huyễn mộng đó thôi miên đi. Và sự thôi miên đấy lại dai dẳng trong suốt cả một phần đời của Tính. Tục lụy của nhân gian không chỉ thấy Tính như một thằng điên, một đứa bị tâm thần, dở hơi mà hơn nữa nó lại như một cái shadow chùng chình trên thân phận của hắn. Thoạt kỳ thủy có chăng cũng chính lại là sự thẩm thấu không cùng ấy.c. Hiện sinh nhân bản trong lay lắt cõi đời hay là dòng chảy hoang vu của thoạt kỳ thủy

Đến đây, thoạt kỳ thủy đã nghiễm nhiên hoàn tất lộ trình của chính nó. Quanh đi quẩn lại, trên đường về với cái tôi, dòng chảy hoang vu của thoạt kỳ thủy đã phủ lấp lên trên số phận của nhân vật chính trong truyện - Tính. Dòng chảy đó mang theo dấu ấn của một sự cắt đứt dứt khoát với chính con người của mình, để rồi cất bước đi về và tìm lại cái bản ngã đấy là một sự hoài công vô ích. Thoạt kỳ thủy được nhìn về trong ý nghĩa của một động từ nhưng không vì thế mà nội hàm của cả hai ý nghĩa trong cách nhìn về nó mang nghĩa của danh từ và tính từ lại bị bỏ quên đi. Cả hai cách nhìn đấy đã bổ túc cho chính cái nhìn chủ đạo về thoạt kỳ thủy được hiểu như là một động từ. Nhưng trên hết chính cái dòng chảy hoang vu của thoạt kỳ thủy trong một sự bất tận để về với cái tôi, về với những gì vốn sinh ra, nó đã thuộc về mình. Để rồi, “chúng ta không ngừng thiên di đến những cảnh giới xa lạ và chúng ta cũng không ngừng quay về với những lối cũ đường xưa.”[8] Nhưng dù là đi đến đâu chăng nữa chúng ta cũng không thể xa lìa khỏi sự có mặt của mình trong cõi đời lay lắt của chính mình. Đối với Tính, dòng chảy hoang vu của thoạt kỳ thủy đã chảy qua cả cuộc đời của hắn và cuối cùng hòa quyện với chính “dòng máu đang tràn theo hàng khuy áo” của Tính. Chỉ với một lý do đơn giản, Tính là một kẻ lưu vong lạc loài đến kiệt cùng như thế.

Thoạt kỳ thủy vẽ ra một kết cục từ sự xa lìa nhân chủng (human nature) của quần sinh (humanity). Nó giúp ta nhận ra chốn ải thâm u đó của cõi đời. Quang đãng như là điểm đến khi ta lên đường giải mã tác phẩm, ngang đây, đã hiển lộ ra. Đó là một sự đối chiếu về lại với chính bản thân của chúng ta, một sự phản tỉnh của chúng ta trước những rắp tâm u ám trỗi lên từ uẩn khúc bên trong con người mình và kể cả những gì mà người khác đem đến cho chúng ta. Để cho mỗi người không bị lọt thỏm vào trong những hố đen diệu nghệ của một sự lừa phỉnh đến tinh ranh như thế. Thoạt kỳ thủy là một hành trình của sự đày đọa, nhưng nó cũng có thể lại là một hành trình để thức tỉnh những con người, những thân phận rẻ rúng tránh sa vào chốn ải hoang vu bất tận của nhân quần (mankind).

Huế, 29/07/14
P.T.X.C
(SH307/09-14)

---------------------
1. Nguyễn Bình Phương (2004), Thoạt kỳ thủy, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn. Mọi trích dẫn trong bài viết, nếu không đánh chú thích thì đều được trích ra từ tác phẩm này.
2. Trần Nhựt Tân (2006), Tâm lý học, Hà Nội: Nxb. Lao Động, tr 80.
3. Remo Bodei (2011), Triết học thế kỷ XX, Phan Quang Định biên dịch, Hà Nội: Nxb. Thời Đại, trang 208.
4. Lê Thành Trị (1974), Hiện tượng luận về hiện sinh, Sài Gòn: Trung tâm Học liệu, trang 356.
5. Lê Thành Trị, sđd, trang 356.
6. Jaspers K. (2008), Chân lý và Biểu tượng, Tuệ Hạnh dịch, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Phương Đông, trang 79.
7. Lê Thành Trị, sđd, trang 351.
8. Remo Bodei, sđd, trang 206.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng