Trong mảng thơ văn viết về cuộc chiến tranh vệ quốc, bên cạnh những tác giả lớn như Sôlôkhốp, Phađêép, Suxcốp, Chikhônốp, Becgôn, Tvácđốpxki, Akhmatôva..., K. Ximônốp cũng trở thành một nghệ sĩ lớn với những tác phẩm văn xuôi (Những người sống và những người chết, Người ta sinh ra không phải là lính, Mùa hè cuối cùng) và thơ ca (Đợi anh về, Aliôsa nhớ chăng...) viết về hình tượng người chiến sĩ Hồng quân, trong đó Đợi anh về là một bài thơ nổi tiếng.
Bài thơ Đợi anh về ra đời vào những năm tháng ác liệt nhất của năm bắt đầu chiến tranh (1941). Đây là giai đoạn thử thách gay go quyết liệt đối với người dân Xô Viết, cũng là thời kỳ đòi hỏi sức mạnh đoàn kết toàn dân và niềm tin vững chắc vào chiến thắng ngày mai của dân tộc. Những cuộc chia ly sáng ngời “sắc đỏ” của những người vợ, người yêu tiễn chồng ra mặt trận diễn ra trong khung cảnh chiến tranh thật hào hùng. Niềm tin chiến thắng của những người lính Hồng quân gắn liền với tình yêu và lòng thủy chung của những người ở hậu phương đối với người ở tiền tuyến. Đó là bối cảnh để bài thơ Đợi anh về của K. Ximônốp ra đời.
Xuất hiện lần đầu tiên trên báo Sự thật vào năm 1942, ngay sau đó được đăng tải trên nhiều báo Trung ương và địa phương, được chép chuyền tay nhau trong chiến hào nóng bỏng thuốc súng, Đợi anh về thực sự trở thành người bạn tâm tình của những người lính Hồng quân. Bài thơ là một khúc ca về tình yêu và lòng chung thủy của lứa đôi làm lay động trái tim của triệu triệu com tim người lính Hồng quân ngoài mặt trận và cả của những người ở hậu phương: “Đợi anh về đối với biết bao người ở tiền tuyến và hậu phương - những lời đó trong bài thơ của Ximônốp đã trở thành lời thề chung thủy với tình yêu, thành biểu tượng tình vợ chồng thiêng liêng, thành khẩu lệnh của niềm hy vọng và nỗi tuyệt vọng. Không phải ngẫu nhiên mà những mảnh báo Sự thật có đăng bài thơ đó đã được những người đàn ông và phụ nữ giữ gìn cẩn thận trong các túi ba lô quần áo, dán vào các cuốn sổ ghi chép và học thuộc lòng” (2, tr.221).
Nhận xét về điều này, nhà nghiên cứu văn học Nga X.P. Kônheskin cho rằng: “Có lẽ trong lịch sử thơ ca thế giới chưa có một bài thơ nào như vậy. Bài thơ Đợi anh về... đã được gửi từ hậu phương ra mặt trận và từ mặt trận về hậu phương. Nó đã gieo niềm hy vọng cho cả những người tin rằng họ đang được chờ đợi trở về và những người đang bền lòng chờ đợi” (dẫn lại theo Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6 - 1996, tr.221). Nhà thơ Xlôbôxki, trong một lần trò chuyện về văn chương đã nhớ lại những ký ức của mình về bài thơ Đợi anh về trong chiến tranh thật cảm động: “Các đồng chí chính ủy, các đồng chí kỵ binh và chống xe tăng rút từ trong túi áo ra mảnh giấy cắt từ báo Pravđa, trong đó có bài thơ Đợi anh về của Ximônốp. Bài thơ nói lên niềm tin và tình cảm mãnh liệt của người chiến sĩ Hồng quân đối với người yêu, người vợ ở hậu phương và đối với ngày thắng lợi cuối cùng của đất nước” (1, tr.721). Như vậy, bài thơ Đợi anh về là một hiện tượng văn học đặc biệt cuốn hút được sự mến mộ của đông đảo bạn đọc trong nước và cả những độc giả ở các quốc gia khác. Ở Việt Nam, các thế hệ người đọc đầu tiên đã biết đến bài thơ này vào năm 1947 qua bản dịch nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu (được in trong Tuyển tập Việt Bắc). Chính bài thơ Đợi anh về, cũng trở nên thân thiết, gần gũi với người chiến sĩ Việt Nam thời chống Pháp và chống Mỹ, nói hộ tình cảm của họ với người vợ, người yêu ở hậu phương, góp phần khẳng định niềm tin vào chiến thắng.
2. Trong văn học thời kỳ chiến tranh vệ quốc, bên cạnh hình tượng người anh hùng, hình tượng Tổ quốc và người chiến sĩ Hồng quân luôn gắn liền với hình tượng người yêu, người vợ, người mẹ già tóc bạc đang mỏi mòn chờ người con từ mặt trận trở về. Nằm trong mạch chung về chủ đề đó, cùng với Đợi anh về của Ximônốp là những bài thơ như Nước Nga của Prôcôphiép, Kachiusa của Inxacốpxki, Đôi bờ của Pôgiênhian và nhiều tác phẩm khác. Trong bão lửa khốc liệt của chiến tranh, những “con chim sơn ca vẫn hót và thơ trữ tình Xô Viết vẫn cất lời ngọt ngào, dịu dàng, ấm áp niềm tin và tình thương mến” (1, tr.271).
Đợi anh về trước hết là một bài thơ trữ tình chan chứa tình cảm được cất lên từ trái tim của Ximônốp: một thi sĩ - một chiến sĩ Hồng quân. Toàn bộ bài thơ nổi bật hai hình tượng nhân vật trữ tình, đó là anh chiến sĩ Hồng quân và người yêu (hay người vợ) ở hậu phương. Bài thơ viết dưới hình thức như một bức thư của người mặt trận gửi cho người thân ở quê hương. Chính bằng hình thức đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc của mình. Vì thế, toàn bộ bài thơ là lời tâm tình, nhắn nhủ của người lính đối với người yêu, người vợ ở hậu phương. Bằng những lời thơ chan chứa tình yêu, Đợi anh về đã làm nổi rõ mối tình thủy chung và niềm tin mãnh liệt vào ngày trở về chiến thắng của những người chiến sĩ Hồng quân. Những người lính đi ra mặt trận để bảo vệ Tổ quốc để lại sau lưng biết bao tình cảm đối với người thân, gia đình và quê hương làng xóm. Và có thể trong số họ sẽ có người không trở về, mãi mãi nằm lại ở “tuổi mười chín”. Họ không hề sợ nguy nan, thậm chí cả cái chết để giành giữ từng tấc đất cho Tổ quốc. Bởi khi Tổ quốc không còn thì hạnh phúc lứa đôi và mỗi con người cũng trở thành vô vọng. Vì thế, những người chiến sĩ Hồng quân đã ý thức được rằng, họ bảo vệ đất nước đồng nghĩa với bảo vệ cả hạnh phúc gia đình của mình. Và họ sẽ vượt qua tất cả để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Niềm tin mãnh liệt vào sự thủy chung, sự chờ đợi của người yêu ở hậu phương đã chắp thêm nghị lực để người lính trở về trong ngạo nghễ.
Mở đầu bài thơ là một lời nhắn nhủ thủ thỉ: Em ơi đợi anh về Đợi anh hoài em nhé
Hai câu thơ mở đầu thật trữ tình chan chứa tình yêu đã gieo vào lòng người đọc một ấn tượng sâu sắc. Sự chờ đợi được tác giả nhắc lại nhiều lần trong một bài thơ và phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại không chỉ do thời tiết mang lại (mưa dầm dề, tuyết rơi gió nổi, nắng cháy) mà còn cả sự thất vọng thậm chí sự dèm pha của người đời (tin anh vắng vẻ. Bạn cũ quên rồi, hồn anh yên nghỉ nấm mồ xanh...). Những thử thách của hoàn cảnh như là thước đo về niềm tin và lòng chung thủy của lứa đôi. Người con gái phải vượt qua những trở lực của thiên nhiên, con người mà cao hơn là vượt qua chính mình để giữ vững niềm tin. Chính niềm tin vững chắc vào sự chờ đợi của người vợ ở hậu phương xa xôi đã tiếp thêm sức mạnh của người lính nơi biên thùy xiết chặt cây súng: Đợi anh hoài, em nghe Tin rằng anh sắp về Đợi anh, anh lại về
Người chiến sĩ chiến thắng trở về trong ánh hào quang của ngày sum họp: Tan giặc bước đường quê Anh của em lại về!
Sự trở về trong vinh quang của người lính Hồng quân phải đâu là một sự “sống sót” hay “may mắn”. Vì sao “trong chết cười ngạo nghễ” và “anh chẳng chết” trong chiến tranh? Không phải phép mầu nhiệm nào của thần thánh cứu sống anh mà chính là em - người con gái hậu phương biết chờ đợi, biết vững tin và giữ lòng chung thủy đã cứu anh thoát chết. Sức mạnh tinh thần và niềm tin của con người khi đã biến thành sức mạnh vật chất thì trở nên mạnh mẽ vô cùng.
3. Để chuyển tải nội dung trên, bài thơ Đợi anh về được tác giả cấu trúc theo một cách khá đặc biệt với một hệ thống ngôn từ khá đặc sắc. Toàn bộ bài thơ được cấu trúc thành ba đoạn (ba khổ thơ), mỗi đoạn gồm 12 câu và bắt đầu mỗi đoạn là câu: Đợi anh, anh sẽ về. Ba câu thơ ấy được lặp lại trong phần mở đầu của mỗi khổ thơ tạo thành một điệp khúc như sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ. Nó vừa có ý nghĩa làm tăng nhạc điệu bài thơ vừa nhấn mạnh ý của tác giả. Trong Đợi anh về, tính chất thống thiết, nồng nàn của nhân vật trữ tình và sự lo lắng buồn phiền được lặp lại nhiều lần theo nhịp độ tăng dần thông qua các ngữ điệu, tạo nên sự căng thẳng, thiết tha. ở đó, “đợi” là động từ chủ đạo của bài thơ được tác giả sử dụng đến 16 lần. Trong đó, động từ “đợi” ở dạng mệnh lệnh thức được sử dụng 11 lần, nguyên thể 2 lần và các dạng khác 3 lần. Xét về mặt cấu trúc và ngữ nghĩa, việc lặp lại động từ “đợi” trong cấu trúc câu thơ ở các dạng khác nhau đã tạo nên một trường nghĩa mang tính hình tượng tác động thẩm mỹ đến người đọc và người nghe. Mặt khác, trong Đợi anh về, nhà thơ cũng sử dụng lối cấu trúc câu thơ lặp lại và đặt trong thế đối lập, tương phản:
Cứ đợi khi... Cứ đợi lúc... Mặc cho... Mặc dù...
Việc lặp lại về sự chờ đợi được nhấn mạnh cả về phương diện thời gian lẫn không gian càng làm tăng thêm ý nghĩa của bài thơ. Giọng điệu cuối bài thơ như bị phân đôi. Đó vừa là lời của nhân vật trữ tình - anh chiến sĩ Hồng quân, đồng thời vừa là lời của tác giả. Sức mạnh của sự chờ đợi đã cứu sống người con trai ngoài mặt trận và tình yêu là cội nguồn của niềm tin cho sự gặp gỡ ngày mai.
Bài thơ Đợi anh về trở thành người bạn tâm tình của những người ra trận và của cả những người ở hậu phương. Niềm tin và lòng chung thủy của tình yêu là cội nguồn cho hạnh phúc lứa đôi, đồng thời là động lực rất quan trọng để người chiến sĩ Hồng quân chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Năm tháng đã qua đi, cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân Xô Viết đã đi qua 60 năm, nhưng thế hệ những người cầm súng năm xưa và thế hệ trẻ hôm nay vẫn đọc, hát và tự hào về những vần thơ chan chứa tình yêu ấy. Đợi anh về là bài thơ bất tử viết về chiến tranh của Ximônốp.
H.V.L (201/11-05)
---------------------- Tài liệu tham khảo
1. Nhiều tác giả, Lịch sử văn học Nga, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997. 2. Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6 - 1996. |