Nghiên Cứu & Bình Luận
Thi pháp "so đũa ngắt dòng" trong Lục bát đồng dao
15:20 | 24/04/2015

NGUYỄN KHẮC THẠCH

Không biết ngẫu nhiên hay cố ý mà tập thơ sẽ in riêng của nhà thơ Trần Lan Vinh lại mang tên với chữ đầu là Lục (sáu) – Lục bát đồng dao? Thôi thì cứ nói theo khẩu ngữ nhà Phật là tùy duyên nhưng điều quan trọng lại không phải ở phần cứng đó mà ở phần mềm hoặc không ở chỗ thể mà ở chỗ dụng của danh xưng.

Bởi vậy, có thể nói, tập thơ lục bát này, bằng phương pháp ngoại suy, từ chữ lục đã thấy rằng, nó là sự cảm biến tương liên giữa lục căn với lục trần, là sự khế hợp đồng cư giữa lục thức với lục dục qua sở niệm trì căn mật hạnh và tỉnh chỉ mật ngôn của chủ thể sáng tạo. Nếu chữ lục tách ra khỏi từ lục bát được “vận vào” nhiều nghĩa khác thì chữ bát đứng riêng cũng không kém. Trong tâm thức người đọc thuộc dòng văn hóa lịch sử phương Đông thì sự liên tưởng chữ bát có thể là Bát quái trong dịch lí hay Bát chánh đạo trong kinh điển Phật giáo đại thừa. Bát chánh đạo là con đường của pháp hành qua tám cửa ải nằm trên thân - khẩu - ý của con người mà bất cứ ai muốn giác ngộ giải thoát đều phải bước qua. Bước qua đó cũng có nghĩa là bước qua chính mình để ra khỏi lục đạo luân hồi sinh tử dự phần cảnh giới Niết Bàn. Như đã nói trên, nếu câu lục đang dùng dằng với đời thì câu bát lại dung dăng với đạo. Là một cấu trúc chỉnh thể của hình thức mang tính nội dung, Lục bát đồng dao vẫn là dấu trường ngân giáo nghĩa Phật thừa như tập Thiền mây mà tác giả Trần Lan Vinh đã cho ra mắt trước tập thơ này. Sơ chú về từ lục bát đại thể là thế, còn từ đồng dao dường như đơn giản hơn. Song ở đây, nó dễ bị y báo trong nghĩa đen của từ là lời bài hát truyền khẩu của trẻ em. Nhưng đâu phải vậy. Tập thơ vẫn dành cho người đọc mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Nó viên dung giữa, giữa sự, giữa bình dân với bác học. Từ đó, với cú pháp đoạn chương thủ nghĩa, Lục bát đồng dao không chỉ là tên riêng (biệt tự) của tập thơ mà nó còn sở vọng định danh một thể loại văn học, một thể loại thơ như thế. Thơ Lục bát Việt Nam đã đạt đến mẫu mực và bất hủ như Truyện Kiều mà có lúc người ta đã khởi xướng suy tôn nó là quốc hồn của dân tộc. Nó là thể thơ đặc thù, trường thọ và luôn đồng hành với đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Dù vậy, trên hành trình cách tân cải dạng thơ, đã không ít người cố sức tìm tòi làm mới lục bát nhưng cũng chỉ luẩn quẩn trong bút pháp ngắt dòng, đảo vận chứ không Dám đem trần cấu dự vào bố kinh phá vỡ cấu trúc nguyên thủy của nó. Về mặt bố cục, dòng thơ từ một đến hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy chữ đều được sử dụng và nó bất định, tùy cảm hứng và quan niệm thẩm mĩ của mỗi tác giả. Riêng Lục bát đồng dao của Trần Lan Vinh lại được đặt định trùng điệp theo hình thể mỗi dòng hai chữ, đều đặn. Như vậy, câu lục được ngắt thành ba dòng và đương nhiên câu bát là bốn dòng.

Con về
Theo tiếng
Mõ đưa

Lộc sen
Ai chấm
Lưa thưa
Mặt hồ
    (Lộc sen)

Mặc dù khi đọc, theo thói quen, người ta thường nhiếp hơi theo sự ngắt dòng nhưng trọng âm vẫn rơi vào chỗ gieo vần. Cứ tiếp nối nhịp nhàng tương tục như một dòng chảy triền miên vọng vang âm hưởng làn điệu những khúc hát đồng dao. Có lẽ đây là chỗ khác biệt mang tính áp đặt khuôn mẫu theo nguyên tắc đồng đẳng nội tại của thi ca để manh nha một thể loại thơ mang tên Lục bát đồng dao. Ít nhất thì với sự biểu đạt bâng lâng ấy, tập thơ cũng đã diễn hóa được một hình thức mới lạ cho lục bát. Ngoài thủ pháp ngắt dòng, thảng hoặc đôi chỗ cũng có kết hợp với sự vắt dòng. Vắt dòng vốn không có gì mới so với thi ca Việt Nam nhưng nó được coi như một đặc trưng của thơ Tân hình thức ở phương Tây.

Khuyết đầy      
Hỏi cõi                       
Đa đoan                 

Nợ thương                 
Nợ nhớ                   
Nợ hoan                 
Hỷ cười                  

     (Tìm thanh tao)              

hoặc     

Trời quang
Lại sợ
Sương mù

Trời mưa
Lại sợ
Nắng lừ
Đừ say
      (Nọ kia)

Trong tập không ít những câu thơ hay, những biểu tượng thơ ngơ ngác, ngỡ ngàng, bàng bạc một không gian thiền na tĩnh mạc.

Bước về              
Cát vỡ                   
Chân chim                
Già nương                 
Bóng gậy                 
Nắng chìm                
Vạt sương                    
      (Cháu gọi bà)               

hoặc

Bút nghiên
Bao sái
Tam tòa
Gió dâng
Sen Trắng
Mõ đà
Tụng sương
      (Gieo đồng)

Lục bát đồng dao nói riêng và thơ Trần Lan Vinh nói chung không bị tạp nhiễm bởi những tập khí khinh khi ngã mạn của tri thức như trò chơi trí tuệ thi ca ở nền văn minh kỹ trị. Với thơ, sự trình diễn những biến ảo của tri thức không bao giờ vượt khỏi giới hạn của những gì đã biết và cũng không bao giờ chạm vào được những gì đang là. Cái đã biết là vay mượn sự cũ mòn, cái đang là là sự trực khởi trực giác hiện tiền nên luôn mới lạ. Thơ Trần Lan Vinh thuộc dòng trực giác. Trực giác là sự biết không nhân danh một bản ngã nào hay sự biết không có ý thức quy ngã rằng ta đang biết . Ta đang biết là thuộc tính của cái thức phân biệt và nó luôn đồng lõa đồng hành với cái tôi/ bản ngã. Bản ngã vốn không có thật nên cái tôi đại diện cho nó cũng chỉ là sự hư cấu của hư cấu. Nói theo quan niệm giáo lí đại thừa thì đó là một cơ chế giả hợp giả danh. Thơ trữ tình cũng như thơ tự sự, cái tôi bản ngã thường được cấu hình ngôn ngữ với cú pháp đại từ nhân xưng số ít ngôi thứ nhất. Trong thi phẩm Trần Lan Vinh không thấy cái tôi nhân xưng này. Nó mô phỏng nét đặc trưng của nghệ thuật vô ngã. Nghệ thuật vô ngã là một khoảng trống mơ hồ chủ thể gây hiệu ứng cộng sinh đối với những người thụ hưởng. Hầu như các tác phẩm lớn, về mặt tu từ chữ tôi được ẩn dấu đâu đó như một chiêu thức quyền biến để người đọc thời duyên tùy nghi chia sẻ. Khi thi hào Nguyễn Du thốt lên Đau đớn thay phận đàn bà thì cái tôi nào đau? Phải chăng là chúng ta - tất thảy những người đọc đồng cảm đều đồng thanh tương ứng? Cái vô ngã ấy đôi khi lại được hoán dụ bằng cái ta huyễn tượng “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô”như trong tình khúc Rừng xưa đã khép của Trịnh Công Sơn hoặc “Nhắc chi ngày xưa đó đến xe buồn lòng ta” trong Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Nó gợi ra một cảm giác nao nao, dùng dằng, quyến niệm. Bởi vậy, ma lực truyền cảm, lay động ở nghệ thuật vô ngã dường như là vô ngại. Con đường nghệ thuật nhân loại đi từ vô ngã qua bản ngã rồi lại về vô ngã. Nếu vô ngã khởi đầu bước vào bản ngã thì vô ngã sau cùng lại bước ra từ bản ngã. Điều này, nó tương ưng với cảm thức của thiền nhân. Khi chưa tu thì thấy sông là sông, núi là núi. Khi vào tu thì thấy sông không là sông, núi không là núi. Khi tu xong rồi lại thấy núi là núi, sông là sông.

Rõ ràng nghệ thuật vô ngã thuộc về tâm chứ không thuộc về trí. Dòng thơ Trần Lan Vinh không mang dấu ấn của trí năng bởi nó được bừng nở trong tuệ giác. Đấy cũng là đặc trưng của thơ cội nguồn, thơ truyền thống. Thơ hiện đại hay hậu hiện đại thường được phóng chiếu từ tri kiến mà tri kiến là cái thấy sự vật hiện tượng một cách phiến diện, không thật như chính nó bởi sự phủ dụ và khúc xạ của các quan năng phàm tục lục thức trong chủ thể sáng tạo. Nếu thơ là sản phẩm của tri kiến thì chẳng khác gì những sinh linh được phôi thai bởi công nghệ nhân bản vô tính. Nhà triết học, nhà nghiên cứu khoa học nhân văn lỗi lạc người Nga M. Bakhatin từng mỉa mai rằng đấy là sự đề cao “con điếm trí óc”. Hệ hình nghệ thuật tân thời coi thơ là một hành vi chính trị cao quý phản ảnh hiện thực khách quan như một trò chơi. Quan niệm “trò chơi” ở đây dễ chấp nhận với bách tính bởi nội hàm co dãn và tính chất cởi mở của nó. Lẽ vậy, thơ Trần Lan Vinh - một dòng thơ sạch đã giải thoát tri kiến và tịnh hóa tự ngã cũng có thể thông dự vào trò chơi huyền viễn này. Dẫu rằng nó chỉ là tiếng ú ớ mê sảng như cơn mộng du diễu hành những cảm hứng hư không. Nhưng hư không là thực tướng của vạn vật, là phương tiện thiện xảo bản nhiên kết nối cùng thực tại. Nếu hỏi tác giả thơ là gì thì chắc chị cũng chỉ có câu trả lời như Blaga Dimitrova đã viết trong Ngày phán xử cuối cùng Ôi, nếu biết thơ là gì thì cả đời tôi, tôi chẳng đau khổ thế này. Quả vậy, khổ không chỉ là phẩm chất hay căn bệnh của những kẻ đa mang mà nỗi đời xưa nay vốn vậy. Khổ là một trong bốn chân lí (Tứ diệu đế) mà Đức Phật đã chỉ rõ. Dù chia ra tam khổ hay bát khổ thì cũng thế. Cổ Đức nói Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn (Biển khổ mênh mông, quay đầu lại là bờ) nhưng với nhà thơ, với những người Đã mang lấy nghiệp vào thân thì dù biết thế, họ vẫn cứ bơi, bơi như triền sóng biết nửa vời tan vỡ vẫn dâng lên...

Lục bát đồng dao của Trần Lan Vinh là sự thể nghiệm cách tân truyền thống bằng thi pháp so đũa ngắt dòng, cứ từng đôi, từng cặp, hai chữ trên một dòng. Đây không phải tác giả chiểu theo mốt thời thượng của nghệ thuật sắp đặt hay trình diễn mà chỉ là sự tùy kì tự nhiên. Và dù sao, chị cũng đã dọn ra mâm cỗ với bát đũa riêng của chính mình trong lâu đài thơ cổ kính trang nghiêm.

N.K.T  
(SH314/04-15)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bến xuân (16/04/2015)