Nghiên Cứu & Bình Luận
Thơ thế hệ thứ tư
15:33 | 04/05/2009
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH1- "Thơ trẻ- Những giá trị mới" là một "mưu mô" của nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn và nhóm "Văn nghệ mới" (bao gồm Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương... và một số người khác) dự tính tập hợp, tuyển chọn 1 tuyển thơ của 10 (hay nhiều hơn) tác giả trẻ từ 30 tuổi trở xuống, xuất hiện trong vòng 3 năm cuối cùng của thế kỉ để trình làng giới thiệu chân dung thế hệ mình.

Dự kiến táo bạo này được hình thành nhân dịp các nhà thơ trẻ gặp nhau trong Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc (8.2001) do Hội Nhà văn VN tổ chức lần 6 tại Hà Nội. Cùng thời gian này, tôi được biết có thêm 3 tuyển thơ trẻ do 3 nhóm khác tiến hành khá uy tín. Một nhóm do 2 nhà thơ "chủ soái" trên thi đàn hiện nay là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Người bảo vệ đến cùng những giá trị mới của thơ trẻ kể cả khi bị lăng nhục) và nhà thơ Hoàng Hưng (Một con "Ngựa Biển", một kẻ "Đi Tìm Mặt" mình trong cuộc cách tân thi (ca). Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ông sẽ có cách làm riêng để đưa ra được những gương mặt mới cho nền thi ca VN. Công việc này ông đã rải rác làm từ lâu nay và đã nếm chịu không ít búa rìu từ dư luận. Nhóm thứ 2 gồm 3 nhà thơ trẻ hơn: Mai Văn Phấn (Hải Phòng), Ngô Tự Lập (Hà Nội) và Trần Tiến Dũng (Sài Gòn). Nhóm này "toả rộng" đối tượng. Không câu nệ vào tuổi tác mà chỉ tập trung kiếm tìm những gương mặt thơ "cách tân hình thức". Tuyển "Viết Thơ" (Nxb Thanh Niên 2001 gây tranh cãi, tốn không ít giấy mực của báo chí vừa qua (tiêu biểu như ở tờ Người Hà Nội) là thể nghiệm đầu tiên của họ. Nhóm thứ 3 độc nhất... 1 người là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Theo tiết lộ của anh, Nguyễn Quang Thiều chủ đạo làm 1 tuyển riêng. Anh giới thiệu khoảng 10 thi sĩ trẻ VN từ góc nhìn của mình. Bên cạnh thơ chọn của tác giả là những chuyên luận kĩ càng (có thể lên đến 30, 40 trang) anh viết về thơ họ. Từ cách làm độc đáo này hy vọng thi sĩ "châu thổ mới" sẽ đem đến nhiều bất ngờ cho thơ trẻ. Bên cạnh các tuyển thơ trẻ đang tiến hành trong nước thì đã có việc trích dịch, giới thiệu thơ trẻ VN ra nước ngoài của các nhà văn, nhà thơ Ngô Tự Lập, Lý Lan mà đặc biệt là nhà thơ, dịch giả người Mỹ gốc Việt: Đinh Linh. Đinh Linh đã từng dịch khá nhiều hiện tượng đặc sắc của văn học VN với người yêu văn học Mỹ như truyện ngắn Bảo  Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, thơ Nguyễn Quang Thiều, Phùng Cung. Đặc biệt cả thơ Hồ Xuân Hương. Đầu tháng 2.2002 này, anh tiếp tục giới thiệu thơ của 3 nhà thơ trẻ VN là Văn Cầm Hải, Nguyễn Quốc Chánh và Phan Nhiên Hạo.

2- Những giá trị nào đã thực sự được đặt ra trong thơ trẻ? Qua các cách làm, tuyển chọn, giới thiệu trong và ngoài nước cho thấy trẻ tuổi chưa hẳn là đối tượng.  Thơ VN với nhiều cột mốc, giai đoạn đã có nhiều đột phá, cách tân cả nội dung lẫn hình thức. Không kể thành tựu lớn, rực rỡ của thơ mới (vì thành công này đã in một dấu ấn sâu đậm vào văn học sử) thì các thể nghiệm thơ tiếp theo ít được ghi nhận thành một giai đoạn, thậm chí một trào lưu. Với các nhóm Thơ Chui, Thơ Vỉa Hè, Dạ đài... của các nhà thơ Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Đinh Hùng, Dương Tường, Phùng Cung, Lê Đạt, sau hơn một chút xíu là Hoàng Hưng, Trúc Thông, Thanh Thảo, Tạ Vũ... trước đây đều để lại sức ám ảnh dai dẳng về một "hiện tượng thơ" "thoát lề" xã hội. Tuy nhiên nhìn trở lại khách quan thi ca VN "trẻ" hơn rất nhiều với thời gian này. Sự tìm tòi, nỗ lực về hình thức, bùng nổ sức mang chứa cá nhân... Thơ trở thành "một lỗ thủng" (chữ của nhà thơ Thanh Thảo) giải phóng mọi năng lượng nén trọng trong ức chế tâm hồn con người. Một là thơ, "Thơ như chưa bao giờ, ngay bây giờ hoặc không lúc nào", hai là cái chết (Đúng nghĩa của một thi sĩ). Trong tình thế hiểm nghèo ấy, thơ không còn là sự lựa chọn nếu như nó không phải là một phản đề, nổ cầu chì, phá bỏ mọi ranh giới, đề tài, trách nhiệm mà thành kiến áp đặt lên cho Thơ.

Thơ trẻ không chỉ ám chỉ những người trẻ làm thơ mà thơ mang đến "một trạng thái sống mới" (chữ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo). Đó là thơ có khuynh hướng biểu biện, mang tinh thần của một thời đại. Tôi rất tâm đắc một tứ thơ của Antonio Porchia:- "Tất cả những gì thay đổi để lại sau mình một vực thẳm sâu ở nơi thay đổi". Tính phát hiện, dò tìm "vịn câu thơ mà đứng dậy" (Phùng Quán) cho thấy sự không yên ổn trong tinh thần sáng tạo của nhà thơ. "Chúng ta làm tổ trong da thịt mình" (Nguyễn Quang Thiều). Cuộc đối thoại, tìm tới kẻ khác mãi mãi không có điểm dừng, cũng như biên giới của thơ bao giờ cũng được mở. Sự cộng hưởng, giao tiếp của các trào lưu đẩy thơ tới giáp ranh của triển hạn: "Tôi phá vỡ các trường phái để dựng thành một trường phái..." Người đọc còn tìm thấy "dấu vết" mới, "trẻ" ở trong thơ các nhà thơ thế hệ thứ ba không còn trẻ nữa như Nguyễn Khắc Thạch, Bùi Hoằng Vị, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Đạt, Nguyễn Quốc Chánh, Thận Nhiên, Đoàn Huy Giao... Những hình tượng "Dòng Sông Một Bờ", "Mưa Hai Mặt" (Nguyễn Khắc Thạch), "Căn cước của ẩn dụ", "Cơn Mê Đầm Lầy" (Nguyễn Quốc Chánh)... không còn ngợi ca chung chung hay sáo mòn, đẹp, tình cảm một cách vô dụng. Thơ như bứt lên từ gốc rễ của suy tưởng. Hình ảnh, ngôn từ "cắt lớp" vào nhau, thức tỉnh trong ý niệm mới, lan tỏa sâu xa.

3. Thơ trẻ của các nhà thơ "Thế hệ thứ tư" hôm nay trên bề mặt chung cùng lúc đạt được cả 2 phương diện: Trẻ về tuổi đời (29,30 tuổi trở xuống), và trẻ về thi pháp thơ. Nhưng như tôi đã trình bày ở trên (và cả bài viết "Một góc nhìn vào thơ Việt Nam từ một thế hệ" đăng trên tạp chí Tia Sáng số 1.2002), sự mới mẻ của thơ họ không có gì xa lạ, tách rời hay phản bội cha anh họ mà còn khởi nguồn, kế thừa từ một dòng chảy "đứt đoạn" nào đấy. Dòng chảy ấy có thể âm thầm, không chính thống nhưng mỗi thi sĩ đều phản tỉnh lương tâm, nói tiếng của riêng mình, tiếng nói cá nhân, có chính kiến chứ không hoà theo một giọng hỗn hợp, bầy đàn, trơn tru của cộng đồng thơ. Họ làm được điều ấy, tạo được diễn đàn về điều ấy ngoài tài năng còn những thuận lợi khách quan của xã hội. Ở Hội nghị Nhà văn trẻ VI-2001, trong hội thảo "Thơ trẻ với tâm hồn Việt Nam" tại Hoà Bình nhà thơ Hữu Thỉnh có phát biểu đại ý "Chúng tôi (có lẽ là Hội Nhà văn VN) hoàn toàn ủng hộ mọi sự tìm kiếm, mọi thay đổi, cách tân về thơ của các bạn. Mỗi thế hệ đều cần có đóng góp của riêng mình..." Ngay bản thân tôi khi đọc thơ của ông Tổng thư kí Hội Nhà văn VN, tôi cũng thấy khá mới mẻ, hình tượng, đặc biệt là "Thơ viết ở Biển" hay nhiều bài khác trong tập "Thư mùa đông". Quyền nỗ lực cho thơ không thuộc về ai, thế hệ nào mà chính là phẩm chất thi sĩ của họ.

Những yêu cầu nào đặt ra của "Thơ thế hệ thứ tư", tinh thần Văn nghệ Mới? Đề cao vai trò thơ, khước từ cái cũ, thơ nhuồn nhuộc, nhập nhờ, đủng đỉnh theo một thói quen, rập khuôn nhàm chán. Những tay súng thơ với những khoảng ngắm lạ bắn vào đường biên hình thức, những giá trị hạn hẹp mà Thơ Mới vô hình đặt ra, nghiễm nhiên ngự trị gần thế kỉ. (Tính đến thời khắc bây giờ và chưa biết còn kéo dài bao lâu nữa). Thơ Mới với những tên tuổi bất tử Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Tế Hanh... đã đi vào ngôi đền Thi ca. Từ tài năng cộng với sở học, rút tỉa tinh hoa của thi ca Pháp, pha trộn 3 trường phái (siêu thực, tượng trưng, lãng mạn) họ đã dựng nên thành tựu "Thơ Mới" khai tử thơ Đường luật trước đó. Tuy nhiên lại tích chứa một phản đề bên cạnh "đỉnh thơ" của thế hệ mình họ đã ném ra những cái lưới quá lớn mà các thế hệ "đàn em" làm thơ tiếp theo hầu hết là những "con cá" mắc và giãy dụa trong lưới họ. Những con cá có thể khoe khoang với nhau sự óng ánh li ti, thích mắt của vài cái vảy nhỏ trên đuôi nhưng tất cả đều không tin số phận mình được cất chung một mẻ lưới. Rốt cuộc thì trên đại dương thơ, "Cá" thì quá nhiều mà chẳng có bấy nhiêu "Ngư Ông" thơ câu Cá cả.

Thơ trẻ, Văn nghệ Mới hay Thơ thế hệ thứ tư còn là cuộc tuyên chiến vào tư duy cảm tính. Tại sao thơ chỉ đề cao Mỹ + Cảm + Hiện Thực (1) mà không dấn sâu vào các lãnh địa khác phiêu lưu và quyến rũ không kém là Cái phức tạp + siêu hình + logic?(2). Thực chất cả hai phương trình (1) và (2) cũng chỉ là 2 mặt của vấn đề nhưng rõ ràng đã khai phóng, bộc lộ một thế giới hiểm trở, một ý thức mới sâu xa hơn. Chúng ta đang cố bắt kịp nhịp thời đại bằng cách đẩy mạnh công cuộc khoa học Vitin học công nghệ thì tại sao thơ hiện đại của chúng ta chỉ là những hơi thở xa xôi, hoang mang bên những cánh đồng lúa? Hay các nhà thơ ngơ ngác giữa ngã ba đường với con diều lục bát thả trên tay? Dù các nhà thơ muốn trì kéo bao nhiêu thì thời đại vẫn không chờ đợi. Thông tin văn học qua mạng Internet, sách báo ngoại ngữ, kĩ thuật tin học như những cơn bão  lớn thổi vào nền thi ca Tiểu Nông. Nơi ẩn nấp cuối cùng của những thi sĩ không đổi thay chính mình để lên đường, vẫn can tâm mơ tưởng một "chỗ ngồi" yên ổn trên chiếu văn (dù nó đã cũ mèm, mục ruỗng), đặt mông rung đùi vênh váo kênh kiệu kiểu ông Hương ông Xã. "Ta về ta tắm ao ta" là một thiện chí nhưng chậm trễ thông tin, giả mù, "ngủ quên" trước các trào lưu mới của văn học, thi ca thế giới (tiêu biểu như Văn học trên mạng, Hậu hiện đại, văn học Hypertext, Hyperfiction...) can tâm bơi lội trong cái "Ao Nhà" "dù trong dù đục" là phản trí thức, phản sáng tạo.

Cập nhật tri thức với những thuận lợi, yêu cầu của xã hội đương đại là điểm phác lộ đang gây chú ý của thơ trẻ - Thế hệ thứ tư. Đó là cái tôi tính Dục-Bản Nguyên của Vi Thuỳ Linh (Qua 2 tập KhátLinh), theo đuổi hình tượng của Văn Cầm Hải, tiếng nói dự cảm giữa nhà thơ đối thoại trực diện với những vấn đề hỗn loạn xung quanh mình của Phan Huyền Thư, bùng vỡ tinh tế khi yêu của Ly Hoàng Ly, Lê Thị Mỹ Ý, cắt lát giữa truyền thống - hiện đại, bảo vệ tâm hồn quê kiểng của Nguyễn Quyến, theo đuổi sức gợi của lý trí, tìm kiếm những phản đề từ triết học của Vương Huy, Phan Bá Thọ, thông minh, nhạy cảm của Nguyễn Vĩnh Tiến, sẵn sàng đối thoại với những vấn đề xã hội của Lý Đợi... tất cả hoà ca với sự lên ngôi của Thơ Tự Do - thơ với những cuộc kiếm tìm từ bản thể chính mình, tiếp nối một cách bản lĩnh tinh thần sáng tạo các thế hệ trước. Tất cả cũng chỉ để làm nên chính họ - Thế hệ thứ tư của thi ca VN. Đó là điều rất đáng để đặt niềm tin. Đợi chờ và hy vọng.

Đà nẵng-Huế, 3.2002
N.H.H.M
(169/03-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng