Nghiên Cứu & Bình Luận
Sự gặp gỡ của một số motif trong tiểu thuyết 'Giữa vòng vây trần gian' (Nguyễn Danh Lam) và 'Người đàn bà trong cồn cát' (Kobo Abe)
08:07 | 26/08/2015

NGUYỄN THÁI HOÀNG    

Đi từ triết học đến văn học, quan niệm về hiện tồn phi lí trở thành cảm thức phổ biến của con người hiện đại trước tình thế tồn tại chông chênh, mù mờ bất khả giải.

Sự gặp gỡ của một số motif trong tiểu thuyết 'Giữa vòng vây trần gian' (Nguyễn Danh Lam) và 'Người đàn bà trong cồn cát' (Kobo Abe)
Nhà văn Kobo Abe - Ảnh: internet

Người đàn bà trong cồn cát (1962) của Kobo Abe - một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Nhật Bản thế kỉ XX, là huyền thoại về thân phận phi lí của con người trong xã hội công nghiệp, bị quên lãng song không ngừng nỗ lực tìm lại tự do và ý nghĩa đời sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bi đát nhất. Giữa vòng vây trần gian (2005) của Nguyễn Danh Lam là cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc phi lí, thể hiện quan niệm về cõi nhân gian vừa là chốn lưu đày vừa là lẽ sống. Nghệ thuật thể hiện cái phi lí trong hai tác phẩm này có nhiều điểm tương đồng khá thú vị. Ở đây, chúng tôi chỉ khảo sát sự gặp gỡ trong việc sử dụng một số motif để thể hiện tính chất phi lí của đời sống và thân phận con người ở hai tác phẩm.
 

1. Motif lạc vào xứ sở kì lạ

Người đàn bà trong cồn cát Giữa vòng vây trần gian đều được xây dựng trên motif lạc đường. Lạc đường, các nhân vật bị đẩy vào một thế giới kì quặc để thấm thía nỗi cô đơn của cá nhân không thể hòa nhập cộng đồng. Kiểu motif này cho thấy tính cạm bẫy và ngẫu nhiên đến phi lí của đời sống. Nhân vật đột ngột lâm vào tình thế nghiệt ngã đơn giản chỉ như tai bay vạ gió, không lường được và không thể lí giải. Trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Kobo Abe, nhà côn trùng học Niki Jumpei bắt đầu bi kịch bằng những bước chân đi lạc. Trong lúc đi tìm mẫu côn trùng anh ta đã lạc vào xứ cát, bị buộc phải ở lại trong hố cát với người phụ nữ có chồng con chết trong trận bão cát kinh hoàng, ngày ngày làm công việc đào cát phi lí. Trong Giữa vòng vây trần gian, nhân vật Thữc chạy trốn bởi một lí do phi lí (một nhóm người không biết là ai đột nhiên đến lục tung căn phòng không biết vì lí do gì trong một đêm anh ta vắng nhà) và lạc vào thế giới không bình thường mà anh ta dần dần nhận ra bắt đầu từ sự kì lạ của nhịp thời gian.

Triết học hiện sinh quan niệm người “vốn là vật bị bỏ rơi”(1) giữa cõi đời trầm luân. Con người và cuộc đời là một cái gì ngẫu nhiên, phi lí đến tàn nhẫn. Lạc vào thế giới kì lạ thực ra cũng chỉ là việc bước từ cõi lưu đày này vào cõi lưu đày khác bởi cuộc sống của Thữc khi anh ta chưa chạy trốn vốn cũng đã bệ rạc, hôi hám như “luôn có một cái gì đó phân hủy trong mình”(2). Cuộc sống thành thị của Niki Jumpei dù không được nhắc đến nhiều nhưng cũng đủ để người đọc biết đó là một cuộc sống nhàm chán, nặng nề vì trách nhiệm và sự biến mất của anh ta chỉ như vệt khói tan loãng dưới vòm trời rộng lớn mà không hề để lại chút dấu vết. Câu chuyện về Thữc hay Niki Jumpei đều phi lí như cách nó bắt đầu. Thế giới mà họ lạc đến và bị giam cầm chính là kiếp nhân sinh biến ảo khôn lường, thậm chí nhân vật Thữc cũng không biết mình còn sống hay đã chết. Xứ sở Thữc bước vào chập chờn hư thực, âm dương lẫn lộn. Những kẻ hiếm hoi anh ta gặp như người lái xe, hai ông già trên thuyền với cuộc tìm kiếm kì lạ, hai mẹ con cô gái không rõ là người hay ma. Ngay cả lời nói của các nhân vật (ông già đen, ông già trắng, cô gái) cũng mang tính chất nước đôi, chập chờn, lấp lửng, cách họ trả lời câu hỏi của Thữc chỉ càng làm anh ta rối bời, hồ nghi, căng thẳng. Nhân gian là cõi vắng nhuốm màu phi lí tàn bạo. Một vài con người không tên tuổi xuất hiện chập chờn trong cuộc trốn chạy ấy (người lái xe, ông già đen, ông già trắng, người phụ nữ) như kẻ đưa đường không tin cậy, làm cho Thữc càng cô độc hoang mang. Vùng đất Niki Jumpei lạc đến cũng “có một cái gì là lạ trong cách sắp xếp không gian”(3), những ngôi làng “nom nhỏ mà trải rộng ra tới mức không ngờ”(4), con đường “mỗi lúc một cao dần” trong khi lẽ ra nó “phải thấp xuống mới hợp lẽ tự nhiên”(5)… Con người ở đây cũng lạ lùng, cần mẫn với lẽ sống kì dị dành cho những ngôi nhà lún sâu trong hố cát, ngủ ngày, thức đêm - “sống chỉ để dọn cát”(6). Đó là thế giới của những con người bị quên lãng, thế giới đọa đày dù theo như lời kể của nhân vật thì có vẻ không cách con đường lớn quá xa. Ở xứ sở mang tính chất ảo tưởng của Kobo Abe và Nguyễn Danh Lam hoạt động sinh hoạt hằng ngày cũng trở nên phi lí, hoài công, vô nghĩa như anh chàng Sisyphus bị trừng phạt trong huyền thoại. Trong Người đàn bà trong cồn cát, người phụ nữ và dân làng thức suốt đêm dọn cát để đến hôm sau cát lại đổ xuống vùi đến nửa ngôi nhà. Sống trong hố cát, con người chỉ còn “như một loài côn trùng nào đó”, một “tâm hồn quá nhỏ bé”(7), “một sự tồn tại đều đều buồn bã nằm gọn trong tầm mắt của ta”(8). Trong tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam, cuộc sống của cô gái và “dân làng” cũng xoay trong vòng luẩn quẩn phi lí như thế. Nhà cửa tạm bợ, mỗi mùa gió cuốn cát về xóa sổ tất cả, người dân kéo nhau vào trốn trong núi, hết mùa gió trở về cùng nhau dựng lại nhà, “dựng lại, để rồi nửa năm gió lại phá đi. Năm sau lại thế”(9). Phi lí đến cả sinh hoạt của cô gái: “Cô gái cầm lên một cây chổi, bắt đầu quét quanh. Sân nhà bạc trắng cứt gà (…). Cô gái cứ cầm chổi quét mãi. Quét đến đầu sân, cuối sân đã lại bạc trắng cứt gà. Cứ thế quét đến gần trưa”(10).

Nếu trong huyền thoại, xứ sở kì lạ là vùng đất kì diệu, nhân vật lạc đến như một giấc mơ đẹp thì trong hai cuốn tiểu thuyết này, xứ sở các nhân vật lạc đến lại kì dị, lạ lùng như trong cơn ác mộng. Họ đến và không có ngày quay về như nhân vật huyền thoại. Sử dụng motif cổ, xây dựng nên thế giới siêu thực song cho thấy lối nhìn của các tác giả về đời sống con người hiện đại đầy bất trắc và phi lí.

2. Motif chạy trốn

Motif bị bắt và chạy trốn là một motif phổ biến trong truyện cổ. Trong truyện cổ, người chạy trốn thường được hỗ trợ bởi một sức mạnh nào đó còn trong tiểu thuyết của Kobo Abe và Nguyễn Danh Lam con người cô đơn tuyệt đối.

Motif chạy trốn thể hiện khao khát thoát khỏi đời sống vô nghĩa, khao khát tự do mãnh liệt. Các cuộc trốn chạy của nhân vật cũng làm dấy lên nỗi đau xót về hình ảnh con người cô độc, giãy giụa, quay cuồng trước cạm bẫy đồng loại đã giăng ra. Con người là một tồn tại phi lí, số phận thuộc về quy tắc không rõ ràng của “họ”, những người không biết ở đâu, chưa bao giờ ra mặt nhưng có mặt ở mọi nơi, biết tất cả mọi chuyện (Giữa vòng vây trần gian), của đám đông dân làng với luật lệ riêng mà luật pháp không thể chạm tới (Người đàn bà trong cồn cát). “Họ” mang thứ quyền lực vô hình của Klamm trong Lâu đài của Kafka. “Họ” là ẩn dụ về những định chế xã hội ràng buộc con người, ẩn dụ về những bất trắc lơ lửng đe dọa tồn tại. “Con người là một sự kiện trần trụi, mù lòa. Nó ở đó, như vậy đó, chả có nghĩa lí gì cả”(11). Vì “trần trụi, mù lòa” nên nó “run rẩy và sợ hãi” (tên một cuốn sách của Heidegger). Vây quanh con người là những mối đe dọa có thực và cả vô hình đang nhòm ngó, đang dõi theo, truy đuổi và chực bủa lưới. Bởi vậy họ phải trốn chạy, phải đào thoát khỏi thế giới đó, có thể bằng cái chết như Thữc hoặc bằng trí tuệ, sự sáng tạo, niềm say mê như Niki Jumpei.

Trải qua bao cung bậc cảm xúc, từ ngạc nhiên, tò mò, tức giận đến khấp khởi hi vọng rồi cùng cực tuyệt vọng, Niki Jumpei không ngừng từ bỏ nỗ lực tìm kiếm lối thoát trong những cuộc trốn chạy bất thành. Hôm đầu tiên anh tìm cách trèo lên miệng hố nhưng cứ leo lên lại tuột xuống và bị hất rơi trở lại đáy hố; rồi xúc cát ở chân tường để cát ở phía trên trút xuống dần, làm cho bức tượng cát bớt dựng đứng; giả vờ ốm để được thả; trói người phụ nữ để bắt dân làng kéo mình lên; ngừng xúc cát; lấy vải tết một sợi dây trèo lên được nhưng lại rơi vào bẫy của dân làng, phải quên đi nỗi xấu hổ để cầu xin cứu giúp. Đến bước đường cùng con người trở nên tha hóa, tàn nhẫn giăng bẫy lẫn nhau. Vì không đủ người dọn cát khi mùa bão cát đang đến, dân làng trở thành những tay thợ săn lão luyện đánh bẫy những người lạc bước tới đây. Họ lừa anh xuống hố rồi rút thang, khi anh trói người đàn bà và bắt dân làng kéo anh lên để cứu người đàn bà ấy, dân làng giả vờ thỏa hiệp, kéo lên nửa chừng rồi buông sợi dây thừng để anh rơi tõm xuống hố cát với “cơn giận và nỗi nhục nhã sôi trào trong người”(12); anh không xúc cát, họ ngừng cung cấp nước uống; khi anh leo lên được hố cát, dân làng đuổi theo rồi lừa cho anh sa vào vùng cát lún. Hoặc kể cả anh, để thoát ra khỏi hố cát Niki Jumpei cũng rất phũ phàng, thậm chí để được đi dạo anh đã không ngần ngại cưỡng hiếp người phụ nữ, mua vui cho dân làng. Cuối cùng anh phải chấp nhận thực tại, ở lại nơi khốn cùng này, nhập vào đội ngũ những con dã tràng xe cát mà ban đầu anh thấy vô lí, kì cục đến bực tức. Ngay chính khi đó anh lại tìm thấy tự do với phát minh lấy nước từ cát. Hóa ra, sức mạnh để con người thoát khỏi thực tại phi lí, thoát khỏi nỗi cô độc chính là trí tuệ, lao động. Đời sống không còn là cõi lưu đày khi con người làm chủ tình thế, nói cách khác, không thể chạy trốn khỏi đời sống luôn đầy bất trắc và trói buộc mà chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa trong hoàn cảnh đó bằng sự say mê và sáng tạo.

Thữc trong Giữa vòng vây trần gian cũng điên cuồng trốn chạy đến suy kiệt tinh thần và thể xác giữa thế giới hư hư thực thực với nỗi sợ hãi choáng váng về những thế lực vô hình cho đến khi chết mất xác trong một đêm tối giữa rừng sâu. Nếu mối đe dọa trong Người đàn bà trong cồn cát là cụ thể, hữu hình thì trong tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam nhân vật trốn chạy kẻ thù vô hình với nỗi sợ hãi mơ hồ mà kinh hồn bạt vía. Thữc cô đơn chạy trốn con người trong cõi nhân gian hoang vắng. Thần kinh luôn căng lên nghe ngóng, rồi điếng người trong hoảng loạn, nhân vật trải qua những cơn tuyệt vọng liên miên không dứt. Thân tàn ma dại, Thữc “mất dần cảm giác đói khát. Mất dần cả ốm đau bệnh tật”, “chẳng còn khác mấy với cỏ cây, gạch đá vô tri”(13). Cảm giác sống không còn gì ngoài nỗi sợ hãi, thậm chí đến lúc nỗi sợ hãi cũng mất, cái chết tinh thần đến trước tiếp sau là cái chết thể xác là điều không tránh khỏi.

Đời sống bi thảm nhưng với khát vọng hiện tồn mạnh mẽ, con người vẫn bám vào đời sống ở ngay chính mảnh đất đọa đày ấy. Trong tiểu thuyết của Kobo Abe, sau bao khao khát và nỗ lực vượt thoát không thành, cơ hội đến khi người phụ nữ ở cùng anh có thai ngoài tử cung phải đưa đi cấp cứu, lưỡng lự giữa ra đi và ở lại, cuối cùng Jumpei chấp nhận ngụ cư ở chốn này. Nhân vật của Nguyễn Danh Lam cũng vậy, lạc bước đến đây, Thữc luẩn quẩn chạy trốn rồi muốn “ra trình diện”, muốn được xác nhận sự tồn tại, muốn làm những việc như dân làng ở đây, dù phi lí, để gây dựng sự sống ở chính nơi hoang vắng xa xôi này bằng đời sống vợ chồng với cô gái.

Cùng sử dụng motif chạy trốn, Kobo Abe và Nguyễn Danh Lam đều cho thấy quan niệm cuộc đời là hành trình trốn chạy không ngừng không thể thoát được, và khi thoát ra có nghĩa con người chạm đến cái chết. Trần gian là một “vòng vây” vừa đe dọa vừa quyến rũ, dù phi lí, dù bi thương con người cũng vẫn phải chấp nhận, thích ứng để có thể tồn tại.

3. Motif mê cung vòng tròn

Motif mê cung được sử dụng trong Người đàn bà trong cồn cát Giữa vòng vây trần gian để chuyển tải tính chất bấp bênh, hỗn độn, khó đoán định của kiếp người đầy bất trắc. Thế giới mê cung là thế giới mang bầu không khí của cơn ác mộng, mọi thứ đều bất ngờ, lấp lửng.

Mê cung trong hai cuốn tiểu thuyết này là kiểu mê cung vòng tròn, đưa nhân vật vào khung cảnh rối rắm không lối thoát. Trong Giữa vòng vây trần gian, trên đường chạy trốn Thữc đi nhờ một chiếc xe tải, khi xe sa xuống hố, gã tài xế sai Thữc đi lấy nước, từ đó anh ta lạc vào một mê cung. Mê cung Thữc lạc vào là mê cung hình tròn, mỗi lần quyết định rẽ (từ trên bờ xuống thuyền, từ thuyền lên bờ để vào ngôi làng…) anh ta cũng không biết con đường ấy dẫn tới đâu, cuối cùng Thữc mới kinh hoàng nhận ra rằng anh ta đang lạc vào mê cung. Con người bị quăng quật vào đó mà không thể lí giải, thậm chí không kịp lí giải cho biến cố này đã bị đẩy đến thảm kịch khác trong một vòng tròn phi lí, “kiến bò miệng chén” như cách so sánh của Hồ Anh Thái trong bài viết Sự đền bù cho một ý thức in đầu cuốn sách. Thữc luẩn quẩn thoát thân từ con sông, vào ngôi làng kì lạ, vào khe núi rồi từ khe núi chạy ra bến sông rồi từ sông quay trở lại làng, từ làng lại vào khe núi và kết thúc cơn ác mộng bằng cái chết trong núi khi bí ẩn về cô gái ít nhiều được hé lộ. Trong mê cung vòng tròn, tâm của mê cung sẽ là cái chết. Đời sống là cõi lưu đày, song đường về không có, dự định, mơ tưởng mịt mù nhưng Thữc không thể quen, không thể quên được, anh vẫn thắc mắc, hoài nghi, bởi vậy, kể cả chốn lưu đày này cũng không dành cho anh. Cũng có thể, qua những trải nghiệm sinh tồn, bao thống khổ và hoài nghi, Thữc đã thấu hiểu đời sống, một chốn khác xứng đáng hơn với người đã thoát khỏi cõi mê, thấu hiểu bản ngã như Thữc. Bởi vậy, cái chết đến với anh ta là một tất yếu.

Trong tác phẩm này, Nguyễn Danh Lam xây dựng mê cung vòng tròn vô hình, tạo nên bởi sự lựa chọn của nhân vật. Cõi nhân gian là mê cung và con người, bằng hành động và lựa chọn đã đặt mình vào mê cung đó. Trong Người đàn bà trong cồn cát, mê cung con đường và ngôi làng là mê cung hữu hình. Cõi nhân gian là cái bẫy có sẵn chỉ chờ con người lạc chân đến. Lạc vào mê cung cát, mọi cố gắng đánh dấu đều bị vô hiệu hóa. Nhất là khi Niki Jumpei leo được khỏi hố cát nơi có ngôi nhà của người phụ nữ, mọi tính toán tưởng chừng rất cẩn thận, thấu đáo của anh bị thất bại thảm hại bởi mê cung không lối thoát này. Lấy ánh đèn trong làng làm tiêu điểm, giữ ngôi làng luôn ở về phía bên phải nhưng càng đi ngôi làng lại ở về phía trái nhiều hơn và dù đã băng qua ba cồn cát cao ánh đèn đó lại chẳng có vẻ gì tiến lại gần hơn, “tựa hồ anh đang tiến theo hình vòng tròn ở cùng một chỗ vậy”(14). Mê cung không chỉ là những con đường, những đụn cát nối tiếp vô tận mà còn là những hố cát sâu thẳm, tượng trưng cho cuộc sống bị giam cầm, ngột ngạt, cô đơn của con người.

Cảm quan về đời sống phi lí, trói buộc là cơ sở để motif mê cung xuất hiện trong tác phẩm. Con đường khám phá bản ngã là con đường vượt qua mê cung do chính nhân vật tạo ra. Tự vây bọc lấy mình bằng nỗi cô đơn vĩnh cửu, dù vẫy vùng đến kiệt quệ họ vẫn không thể giữ cho mình không lạc lối trước những ngã rẽ bất ngờ, may rủi. Song mỗi ngã rẽ ấy lại chính là một cơ hội để nhân vật bộc lộ mình, tìm lại giá trị đời sống, giá trị bản ngã, để lại “vết xước” trên thực tại.

Như vậy, việc sử dụng các motif giữa hai cuốn tiểu thuyết của Kobo Abe và Nguyễn Danh Lam có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên cách xây dựng các motif vẫn có điểm khác biệt khá thú vị. Với Kobo Abe những motif được xây dựng một cách ảo tưởng song mang tính hiện thực. Tình thế giả tưởng nhưng mọi sinh hoạt, mọi chi tiết được miêu tả rất thực. Còn trong tác phẩm của nhà văn Việt Nam Nguyễn Danh Lam, các motif được tái tạo trên nền thế giới ảo tưởng mang tính tâm linh. Những nhân vật không rõ người hay ma, không rõ sống hay đã chết, cuộc tìm kiếm kì lạ của hai ông già trên thuyền, biểu tượng “con sông” (quan niệm chết là “sang sông”), cô gái đã chết mượn khuôn mặt cô gái Thữc định chung sống để hiện hồn… tạo cho tác phẩm màu sắc hư ảo đậm đặc. Kobo Abe và Nguyễn Danh Lam đều sử dụng bút pháp siêu thực trên nền tư tưởng mang dấu vết của chủ nghĩa hiện sinh trong cách đặt vấn đề về đời sống, đưa đến cho người đọc những trải nghiệm khó khăn song xứng đáng, để thức tỉnh, để tìm lại giá trị nhằm xác lập cuộc hiện sinh đích thực.

N.T.H
(SH318/08-15) 


--------------------
(1) Lê Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa xuất bản,  Sài Gòn, 1969, tr. 349.
(2) (9) (10) (13) Nguyễn Danh Lam, Giữa vòng vây trần gian, Nxb. Hội Nhà văn, 2005, tr.16, 229, 82, 281.  
(3) (4) (5) (6) (7) (8) (12) (14) Kobo Abe, Người đàn bà trong cồn cát (Nguyễn Tuấn Khanh dịch), Nxb. Văn  học, 2010, tr. 204, 23, 24, 56, 90, 86, 125, 210.
(11) E. Mounier, Những chủ đề triết hiện sinh (Thụ Nhân dịch), Nxb. Nhị Nùng, 1970, tr.46.   




 

Các bài mới
Các bài đã đăng