Nghiên Cứu & Bình Luận
Ai đã giết thơ?
09:44 | 29/09/2015

JOSEPH EPSTEIN

Có một số thứ ở đó sự tầm thường là không thể được dung thứ: thơ, nhạc, họa, hùng biện.
                                (La Bruyère).

Ai đã giết thơ?
Joseph Epstein - Ảnh: internet

LGT: Tiểu luận “Who Killed Poetry?” (Ai đã giết thơ?) là một tiểu luận nổi tiếng của Joseph Epstein được viết vào năm 1988, và đã được hầu hết những nhà phê bình & nghiên cứu tham chiếu và trích dẫn, như một tổng quan về thơ tự do (tác giả gọi chung thơ tự do từ thập niên 1910 tới cuối thập niên 1980 là thơ hiện đại. Vì thuật ngữ hậu hiện đại, chỉ do những nhà phê bình vào những năm sau 1990, gán cho những phong trào thơ từ thập niên 1950s tới 1980s, chứ bản thân những phong trào thơ và những nhà thơ đó không bao giờ họ tự nhận là hậu hiện đại, ngay cả phong trào thơ ngôn ngữ, thập niên 1980, là một phong trào gần với những quan niệm về ngôn ngữ của hậu hiện đại nhất). Thơ tự do Mỹ là một trường hợp điển hình của thơ tự do phương Tây, với những phong trào tiền phong, tạo nên tiến trình tìm kiếm thi pháp sôi nổi. Tuy nhiên, trong suốt gần một thế kỷ, cuộc tìm kiếm đó đã không tới đâu. Đọc tiểu luận này, chúng ta sẽ có được những câu trả lời tại sao.
SH



Tôi sẽ không nói về thơ như Marianne Moore từng nói, rằng “Tôi cũng không thích nó”, bởi lẽ không chỉ vì việc đọc thơ mang lại cho tôi kiến thức và niềm vui thích lớn, mà còn vì tôi đã được dạy dỗ để tán dương nó. Hoặc chính xác hơn, tôi đã được dạy rằng thơ chính là thứ được tán dương. Không có thể loại văn học nào gần gũi điều thần thánh siêu phàm cho bằng thơ; trong nghề trước tác một người viết chỉ có thể bay vút lên cao khi sáng tác thơ. Khi người viết tiểu thuyết hay người soạn kịch được truyền thứ lửa của nguồn cảm hứng ở mức cao nhất, thì tác phẩm của người đó được cho là “được thơ chạm tới”(1) - hiểu theo nghĩa “được Chúa Trời chạm tay vào”. “Người đọc đúng nghĩa, khi được đọc một bài thơ hay,” Robert Frost nói, “có thể cho biết lúc mà bài thơ đó tác động mạnh vào mình, khiến người đó phải chịu một vết thương đời đời kiếp kiếp - mà người đó sẽ chẳng bao giờ được chữa lành.” Thứ ngôn ngữ như vậy, có tính chất gần như là tôn giáo, để diễn tả về thơ, thì không phải là khác thường; trước đây không lâu, nó khá phổ biến. “Chức năng của thơ,” Robert Graves đã viết, “là cầu khẩn Nàng Thơ theo nghi lễ tôn giáo; lợi ích của nó là trải nghiệm về sự pha trộn niềm phấn khích với nỗi kinh hoàng kích động bởi sự hiện diện của Nàng Thơ”.

Cả hai trích dẫn trên và một số trích dẫn khác cũng trong tinh thần đó được in ở phần cuối cuốn A Little Treasury of Modern Poetry (ấn bản được duyệt lại) của Oscar Williams, một cuốn sách nhỏ nhưng dày, có dáng vẻ một cuốn sách kinh dùng cho lễ Misa, hoặc một kinh sách tôn giáo nào đó. Thậm chí Delmore Schwartz, không phải người nổi tiếng về thứ tu từ gây kích động hoặc về sự xuất thần nhập định vào cõi trống vắng, cũng nói về nhà thơ như về “một loại tu sĩ.” Đối với những người mà với họ văn chương, và văn hóa nói chung, ngày càng được xem như thứ thay thế cho tôn giáo, thì thơ - và đặc biệt là thơ hiện đại - chính là bộ phận cốt lõi của Giáo hội.

Tuyển tập của Oscar Williams mà tôi có trong tay có tác quyền được ghi là năm 1950, và chính trong những năm 1950’s là thời khoảng cuối cùng mà thơ có được vầng hào quang đậm màu tôn giáo. Nhiều “tu sĩ” thuộc hàng cao cấp của lòng sùng bái vừa nói trên - T. S. Eliot và Wallace Stevens, Robert Frost và William Carlos Williams, E. E. Cummings và W. H. Auden - khi đó vẫn còn sống và còn sáng tác, cho dù những tác phẩm xuất sắc nhất của họ đã ở sau lưng họ. Ngay từ thời đó số lượng người đọc thơ cũng chẳng phải là nhiều: số lượng đó đã giảm đi nhiều kể từ thời của Browning và Tennyson. Điều này một phần là do thơ ngày càng khó đọc dần; và về điều này, năm 1921 T. S. Eliot từng nhận xét: “Xem ra có khả năng là những nhà thơ trong nền văn minh của chúng ta, như nó đang hiện hữu, vào thời điểm này, phải là những nhà thơ khó đọc.” Eliot biện minh cho sự khó đọc này như sau - một sự biện minh dường như chưa từng là thuyết phục - rằng thơ thì phải phức tạp như nền văn minh mà thơ mô tả, và nhà thơ hiện đại phải trở nên “toàn diện hơn, bóng gió hơn, gián tiếp hơn”. Tất cả những điều đó cũng khiến cho nhà thơ hiện đại càng riêng biệt hơn, là điều mà, với những người trong chúng ta vốn sùng bái (một từ được chọn lựa cẩn trọng) thơ hiện đại, là điều hoàn toàn ổn thỏa. Thơ hiện đại, với sự tiến tới của chủ nghĩa hiện đại, đã trở nên một nghệ thuật dành cho thiểu số tinh tuyển đầy hạnh phúc [happy few], và cũng phải nói thêm rằng thiểu số đó hiếm khi được hạnh phúc hơn nữa khi nó lại là thiểu số hơn nữa.

Nhưng gạt sang một bên những nhận xét hợm hĩnh đó, phải thừa nhận rằng những thế hệ các nhà thơ từ W. B. Yeats (1865 - 1939) tới W. H. Auden (1907 - 1973) đã sản sinh ra một khối lượng thơ rất gây ấn tượng - thuộc loại thơ mà, theo cách nói của Frost, đúng là gây “một vết thương đời đời kiếp kiếp”, một khi đã đọc, ta không thể hoàn toàn quên đi. Cũng không phải là những nhà thơ đó rất đỗi khó đọc: Yeats không khó đọc, Robert Frost cũng vậy. Bài thơ khó đọc nhất, Cantos của Ezra Pound, với năm tháng qua đi, dường như trượt ra ngoài tiêu chuẩn dành cho những bài thơ hiện đại được nhìn nhận là lớn lao, để chỉ được xem như những đoạn rời của một ông bầu văn hóa lớn - một thứ Diaghilev(2) của chủ nghĩa hiện đại về thơ - là người tất bật sấp ngửa để cuối cùng phản bội cả tổ quốc của mình lẫn chính mình. Trừ một vài ngoại lệ, những nhà thơ kể trên không từng giảng dạy. Về mặt nghề nghiệp, có người là y sĩ (William Carlos Williams), người thì biên tập sách báo (Marianne Moore), người là quản trị viên ngành bảo hiểm (Wal- lace Stevens); về phong cách cá nhân, thì có người sống theo nghi thức truyền thống (T. S. Eliot), người thì sống phóng túng không nề nếp (E. E. Cummings), người thì tuyệt vọng tới mức tự sát (Hart Crane). Nhưng dù tất cả mọi dị biệt giữa họ, không một ai từng nghĩ tới việc mô tả họ như là những con người của giới học thuật, hàn lâm.

Tuy thế họ là những thi sĩ đầu tiên ngay trong buổi sinh thời được giới học thuật nghiên cứu tỏ tường. Những tác phẩm của họ được mổ xẻ trong các lớp học, những quí san [3 tháng 1 lần] dành cho giới trí thức đăng những bài tiểu luận thật trang trọng về họ ngay cả khi vẫn tiếp tục đăng những bài thơ của họ, những công trình nghiên cứu về họ dài bằng cả một cuốn sách đã được viết ra và cho tới nay vẫn còn được viết ra. Họ không nổi tiếng đối với quần chúng nói chung, cũng như đối với giới làm giàu là giới ngưỡng mộ Ernest Hemingway và William Faulkner - nhưng trong vòng môi trường đại học thì họ được tôn sùng. Vào thời kì đó, không có loạt bài phê bình văn học nào hữu hiệu hơn loạt bài của T. S. Eliot, người mà những tiểu luận phê bình của ông có thể tác động tới danh tiếng - tức vị thế trong “tàng kinh các” [canon: kho kinh điển], theo cách nói hiện nay của các nhà hàn lâm - của những tác giả ra đời trước đây ba trăm năm. Theo quan điểm của F. R. Leavis, thì Eliot cùng với Samuel Johnson, Coleridge, và Matthew Arnold, là bốn nhà phê bình văn học lớn của tiếng Anh; riêng với Eliot, nếu không nhờ vào sự nghiệp thi ca của ông, thì rõ ràng là phần phê bình văn học của Eliot không được đánh giá lớn như vậy.

Nhưng bằng chứng rõ rệt nhất về sự sùng bái những nhà thơ đó là ở cách mà họ được tôn thờ bởi một thế hệ những nhà thơ, hoặc ít nhất là những nhà thơ ở Mĩ, là những người nối nghiệp họ. Randall Jarrell, Robert Lowell, John Berryman, Delmore Schwartz không chỉ viết ra một số bài tiểu luận sáng giá nhất về những nhà thơ mà họ sùng bái, mà ngay trong cuộc sống thực của họ, họ cho thấy là từng bị những nhà thơ đó ám ảnh. Khi còn trẻ, Robert Lowell đã dựng một căn lều trên bãi cỏ sân nhà Allen Tate, để có cơ hội học tập “dưới chân thầy”. Delmore Schwartz nhìn T. S. Eliot như một người hùng văn hóa, và không chỉ thế thôi, và trong những thư từ và những hội thoại ông trao đổi với những người khác, ta thấy tràn ngập những điều ông trích dẫn từ Eliot. Randall Jarrell, sau khi viết về những điểm yếu kém vào giai đoạn cuối đời của Wallace Stevens, đã kết thúc bài phê bình của mình rằng Stevens “là một trong những nhà thơ đích thực của thế kỉ chúng ta sống, một nhà thơ mà thế giới sẽ tiếp tục đọc các tác phẩm của ông, cũng như sẽ tiếp tục nghe nhạc của Vivaldi hoặc Scarlatti, tiếp tục xem tranh của Tiepolo hoặc Poussin.”

Bất kì ai từng đọc nhiều về Jarrell, Lowell, Berryman, Schwartz đều không thể lầm về nhận định này: rằng bốn nhà thơ đó đều là những người tràn đầy tham vọng. Nếu như những tham vọng của họ được đặt vào địa hạt thương mại hoặc chính trị hoặc bất kì địa hạt nào khác trừ thơ - và trong số những nhà thơ thì cả bốn nhà thơ đó là những người chăm sóc kĩ lưỡng nhất tới sự nghiệp của họ - hẳn họ đã không kết thúc cuộc sống một cách buồn thảm như mọi người đều biết: liên tục bị suy nhược về tinh thần, nghiện rượu, chết sớm, và tự sát. Tôi tin rằng chính thơ đã dự phần vào cuộc đời đầy tai họa của họ ở chỗ họ đã bắt tay vào việc tạo dựng một sự nghiệp sáng chói giống như một vài nhà thơ đi trước họ mà họ sùng bái nhưng họ biết rằng, vì nhiều lí do phức tạp, họ đã không thể thực hiện tham vọng đó. Jarrell có viết một tiểu luận tựa đề “Sự Tối nghĩa [trong tác phẩm] của Nhà Thơ” (The Obscurity of the Poet), sự tối nghĩa mà ông khẳng định là cần phải được khắc phục nếu nền văn minh cứ tiếp tục đà phát triển hiện đương của nó, và một bài tiểu luận khác tựa đề “Thị hiếu của Thời đại” (The Taste of the Age), một thị hiếu mà ông coi là vô giá trị, rác rưởi. Còn Delmore Schwartz thì đã viết những tiểu luận về “Sự Cô lập của Thơ Hiện đại” (The Isolation of Modern Poetry), “Thiên hướng của Nhà Thơ” (The Vocation of the Poet), “Quan điểm của một Vĩ cầm thủ dãy Thứ Nhì, Trả lời một số Câu hỏi về việc Sáng tác Thơ” (Views of a Second Violinist, Some Answers to Questions about Writing Poetry) [* Người dịch chú thích: Second violinist: Trong một dàn nhạc, những first violinists chủ yếu tấu giai điệu (melody) của bản nhạc, còn những second violinists tấu hỗ trợ những first violinists về hòa âm (harmonically) và nhịp điệu (rhythmically)], và “Tình trạng Hiện nay của Thơ” (The Present State of Poetry), một tình trạng mà, nói một cách nhẹ nhàng, ông nghĩ là không truyền cảm hứng. Những nhà thơ hiện đại thuộc hàng chủ chốt đã sáng tác với lòng tự tin sâu thẳm và vững chắc như thể họ biết rõ giá trị của họ và rằng một ngày kia hậu thế cũng biết về họ như vậy. Nhưng những nhà thơ kế tiếp họ thì không có được niềm tin tưởng đó; họ hiểu rằng đã có điều gì đó sai lạc. Và họ đã đúng. Quả là đã có điều gì đó sai lạc.

Trước khi tôi cố gắng tiếp cận được điều tôi tin rằng đã xảy ra, có lẽ tôi phải mô tả cái mà tôi cho là tình hình của thơ đương đại (situation of contemporary poetry). Nếu phải đúc kết tình hình này trong chỉ một câu thôi, tôi sẽ viết như sau: Thơ đương đại tại Mĩ đang nở rộ trong một khoảng không (Contemporary poetry in the United States flourishes in a vacuum). Ngày nay có hơn 250 trường đại học có những chương trình dạy viết-sáng-tác (creative-writing), và tất cả những chương trình này đều có bộ phận thơ, có nghĩa là những trường đại học đó không chỉ đào tạo những người có tham vọng trở thành nhà thơ, mà còn mướn những người, nam cũng như nữ, từng có tác phẩm thơ đã được in ra, để dạy dỗ họ. Nhiều người trong số đó, nam cũng như nữ, trước đó là sinh viên học một chương trình dạy viết lách rồi sau trở thành người dạy của một chương trình viết lách khác - mà không có được những kiến thức cơ bản về thơ, bạn có thể nói là họ như người chân không chạm đất, không đứng vững được. Còn những trường cao đẳng và đại học nào không có những chương trình chính thức dạy việc viết lách thì thuê mướn những nhà thơ để dạy một hoặc hai khóa dạy viết-sáng-tác; và khóa dạy sáng tác thơ cũng đã trở thành mục chính trong danh mục các khóa học của các trường cao đẳng/đại học cộng đồng và các cơ sở giáo dục dành cho người lớn (adult-education). Không một vị thế nào nêu trên nâng những nhà thơ ngang bằng với những Helmsley và Trump(3), nhưng có thể đào tạo một số lớn các nhà thơ - hơn 6,300 nhà thơ và những người viết khác được lên danh mục trong ấn bản mới nhất của Danh bạ các Nhà Thơ và các Tác giả Hư cấu Mĩ (Directory of American Poets and Fiction Writers) - là những người sống được nhờ vào công việc liên hệ chặt chẽ với nghề đó của họ. Khoảng ba chục năm trước đây, chỉ có một nhúm nhỏ nhà thơ ở tầm vóc cao nhất mới có nổi loại công việc giúp sống được như thế.

Robert Frost, vào độ tuổi ngoài tám mươi và là người rất thường được mời đi lưu diễn đọc thơ, đã nghĩ rằng thật là điều tốt đẹp nếu những nhà thơ trở thành những người dạy “trong cả ngàn hoặc hai ngàn trường cao đẳng/ đại học,” và ông nói thêm rằng những trường cao đẳng và đại học đã cung cấp cho những nhà thơ “những đám thính giả thơ tốt nhất chưa từng có trong thế giới này.” Được viết năm 1985, trong một bài tiểu luận có tựa đề “Đọc Thơ: Cuộc Công diễn/Hành động Riêng tư” (Poetry Reading: Public Performance/Private Act), nhà thơ Donald Hall đã lưu ý: “Ba mươi năm trước đây, việc đọc thơ vốn hiếm xảy ra, đã trở thành dạng công bố tác phẩm chủ yếu của các nhà thơ Mĩ. Hàng năm có cả trăm ngàn thính giả lắng nghe cả chục ngàn buổi diễn đọc.” Đại đa số những buổi diễn đọc đó diễn ra trong khuôn viên các trường cao đẳng/đại học, nhưng cũng có nhiều buổi khác diễn ra tại những trung tâm văn hóa như tại Đường số 92 Y ở New York, Trung tâm Thơ tại Viện Nghệ thuật Chicago, Diễn đàn Thơ Quốc tế tại Pittsburgh, đó là chưa kể tới những nơi khác như những nhà thờ, những giáo đường Do Thái, các quầy rượu (bars), các phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, các tiệm sách, và những diễn đàn công cộng khác. Donald Hall nhắc nhở cho chúng ta biết rằng những nhà thơ như Vachel Lindsay, Carl Sandburg, và Robert Frost đã có những buổi đọc thơ vào các thập niên 20’s và 30’s, nhưng chính Dylan Thomas vào cuối thập niên 40’s và đầu thập niên 50’s, với lối trình diễn rất tuyệt cộng thêm sức lôi cuốn do cung cách ứng xử kì quặc của ông, đã thực sự làm cho việc diễn đọc thơ trở nên quan trọng.

Những buổi đọc thơ có thể diễn ra bất kì nơi đâu, với từ một nhúm sinh viên đã thật đáng cảm động đầm mình dưới mưa để lắng nghe, cho tới đám cử tọa đông vài trăm người, thuộc giới giàu có, hợp thời trang. Danh tiếng của nhà thơ diễn đọc là yếu tố quyết định. Danh tiếng cũng định đoạt tiền thù lao cho người đọc thơ. Donald Hall, vào năm 1985, khẳng định rằng mức chuẩn của một thù lao khá hậu là $1,000, tuy nhiên tôi ngờ rằng đa số các nhà thơ nhận được số tiền ít hơn mức đó khá nhiều, trong khi vài nhà thơ khác - như Allen Ginsberg, Adrienne Rich, John Ashbery - xứng đáng được nhận số tiền nhiều hơn. James Dickey khẳng định đã nhận được $4,500 cho mỗi lần diễn đọc. Đôi khi hai hoặc ba trường cao đẳng/đại học gần nhau mời cùng một nhà thơ, và nhà thơ đó nhận được hai hoặc ba món tiền thù lao, trong khi các trường đó chia nhau trả tiền chuyến bay của nhà thơ. Nhưng trong nội bộ, giữa các nhà thơ với nhau, có những tranh luận rằng liệu những buổi đọc thơ đó có làm hỏng các nhà thơ. Một số người khẳng định rằng việc đọc quá thường xuyên có thể khiến nhà thơ có khuynh hướng sáng tác những bài thơ có nội dung đơn giản hơn, bỡn cợt hơn, để người nghe dễ lĩnh hội, trong khi đó với những bài thơ phức tạp - thử tưởng tượng khi nghe bài “Le Monocle de Mon Oncle” (Kính Một mắt của Chú tôi) của Wallace Stevens mà chưa từng được đọc nó - thì khó có thể có sự thành công trong việc diễn đọc chúng. Tuy nhiên việc đọc thơ cũng giúp về mặt tài chính cho nhiều nhà thơ hoặc không có nghề dạy học hoặc không muốn dạy học. Mặt khác, buổi diễn đọc cũng là dịp giao lưu với người nghe, khiến vỗ về cái tôi của nhà thơ, vì có nhiều tác phẩm thơ, kể luôn của những nhà thơ từng có nhiều tác phẩm được in ra, hầu như chẳng hề được nói tới trong các mục điểm sách, và tác giả của chúng hầu như chẳng nhận được thư phản hồi của người đọc.

Không có ai lưu giữ những ghi chép chính xác về những vấn đề vừa nêu trên, nhưng có một cảm nhận chung rằng hiện nay có nhiều tác phẩm thơ được ấn hành hơn là trước đây. Không phải là những tác phẩm đó được in ấn và phát hành rộng rãi bởi những nhà xuất bản lớn, chủ chốt, ở New York và Boston, dù rằng những nhà xuất bản này quả có in ấn tác phẩm của một vài nhà thơ đương đại. Vấn đề là nhiều nhà xuất bản của các trường đại học đã bắt đầu công cuộc xuất bản những tác phẩm thơ và sách viết về thơ, một số nhà đã làm việc đó từ nhiều năm trước. (Tôi còn nhớ là Howard Nemerov, nhà thơ mới được vinh danh của chúng ta, có tác phẩm đã được nhà xuất bản của Trường Đại học Chicago ấn hành từ khá lâu rồi.) Cuối cùng thì những nhà xuất bản được gọi là “những nhà xuất bản nhỏ” (small presses) đã ấn hành một số lượng khá lớn những tác phẩm thơ. Một số nhà này - như David R. Godine ở Boston chẳng hạn, hoặc North Point Press của Berkeley - thực sự không phải là nhỏ, nhưng những nhà khác như Dragon Gate hoặc Aralia Press thì đúng là nhỏ. Câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi rằng những tác phẩm thơ đó có bán được không có lẽ là: “Không khả quan lắm”. Người ta thường được nghe nói rằng nhà thơ Mĩ nghiêm túc, quan trọng duy nhất có thể sống nhờ vào việc bán các thi phẩm là Robert Frost, nhưng theo Donald Hall, thậm chí cả Frost cũng chỉ có thể sống nhờ việc bán đó vào lúc cuối đời.

Tuy nhiên không thiếu những đại lí, những cửa hàng tiêu thụ thơ. Tạp chí New Yorker có in ấn phát hành các tác phẩm thơ, và nhiều nguyệt san và quí san văn học cũng làm việc đó: Tờ Poetry, do Harriet Monroe sáng lập năm 1912, cũng bị cuốn theo phong trào in thơ. Ngoài ra còn có nhiều tạp chí nhỏ đã đăng tải một số lượng lớn các tác phẩm thơ. Những tạp chí này thường chỉ in vài trăm số, không phải vài ngàn. Hầu như tất cả những tạp chí này sẽ bị phá sản nếu không có tài trợ. Có quá nhiều tạp chí nhỏ khiến người ta phải tạo ra một tổ chức - một “tổ chức làm dù che”, nói theo ngôn ngữ quan liêu bàn giấy - gọi là Hội đồng Phối hợp các Tạp chí Văn học (The Coordinating Council for Literary Magazines). Bản thân Hội đồng này cũng được tài trợ dồi dào, phần lớn do Cơ quan Quốc gia Quyên tặng các ngành Nghệ thuật (National Endowment for the Arts). Đôi khi [người ta có cảm tưởng là] dường như không có một bài thơ nào được viết ra trong đất nước này mà lại không được tài trợ hoặc được bao mua hết bởi một món tiền trợ cấp đến từ một cơ quan tài trợ hoặc từ chính quyền hoặc tiền lương giảng dạy hoặc một hội ái hữu hoặc một học bổng thuộc dạng này hoặc dạng khác.

Và vậy là, như người D.J [người giới thiệu, bình luận nhạc cho đài truyền hình] nói, nhịp điệu đó cứ thế tiếp diễn. Có sự giả đò rằng chẳng có gì sai lạc, rằng công việc vẫn tiến triển như thường lệ. Tỉ dụ như hiện nay có rất nhiều giải thưởng: những giải Pulitzer, Lamont, National Book Critics Circle, và Yale Younger Poets, và Rome Fellowships of the American Academy and Institute of Arts & Letters, và Guggenheims and National Endowment for the Arts Fellowships, và Library of Congress Consultantships, và Lilly Prize, và nào là một nhà thơ được nhà nước vinh danh, và thậm chí còn có - làm sao mà ông ta, người nhiều tham vọng hơn cả trong số các nhà thơ, lại có thể cười nhăn nhở trước tin này - Giải thưởng Tưởng niệm Delmore Schwartz. Các nhà thơ đều đặn đi diễu hành như thể những nam hoặc nữ phát ngôn viên cho bộ tộc hoặc chủng tộc hoặc khuynh hướng chính trị của họ. Một số ít các nhà thơ - như Robert Penn Warren, và có lẽ Richard Wilbur sẽ sớm đạt tới vị thế này - có nhiều huy chương hơn cả Baron von Richthofen(4).

Và rồi cũng không thiếu những bằng danh dự, những món tiền thù lao, những vụ việc ấn hành thi tập có thể xảy đến, những cơ hội để thu thập lòng ngưỡng mộ của người đọc. Căn cứ vào tất cả những điều kể trên, có thể nói được rằng thơ đương đại đang trên đà nở rộ.

Nhưng còn khoảng không [vacuum] mà tôi đề cập bên trên, thì sao? Tôi xin nói rằng một cách tổng quát như sau: mặc dù có nhiều bài thơ đương đại có thể được tán tụng, thế nhưng ở bên ngoài một nhóm người rất nhỏ thì chúng hầu như không được đọc. Thơ đương đại không còn là một phần của món ăn chính thức hàng ngày để bồi bổ về trí tuệ. Những người có những mối quan tâm về mặt trí tuệ nói chung cảm thấy rằng họ phải đọc hoặc ít nhất phải biết, nếu không sẽ hối tiếc (compunction: mặc cảm tội lỗi), về những tác phẩm nói về xã hội hiện đại, hoặc về lịch sử mới đây, hoặc những cuốn tiểu thuyết cố gắng truyền đạt điều gì đó về cách sống hiện nay của chúng ta; những người đó nay không còn cảm nhận cũng niềm hối tiếc đó khi bỏ qua thơ đương đại. Những đám đông ở Luân Đôn từng đứng kiễng chân để được thấy Tennyson đi ngang qua; ngày nay một nhân vật giống như Tennyson có thể sẽ không sáng tác thơ và thậm chí có thể không đọc thơ. Thơ đã bị đẩy - nó tự đẩy? - khỏi sân khấu trung tâm. Dường như thơ không còn chỗ đứng trong văn học. Thật sự là nó bắt đầu có dáng vẻ của một hoạt động bên lề, có phần giống như khoa chữa bệnh bằng xoa bóp, nắn khớp (chiropractic) hoặc khoa châm cứu so với y khoa dòng chủ lưu - bất thường, kì lạ, nhưng lại có một nhóm nhỏ những người sùng bái nó, rất tin tưởng vào nó.

Người ta có thể phản bác rằng thơ cũng đã ở trong tình trạng tương tự khi những nhà thơ hiện đại bắt đầu dấn mình vào cuộc phiêu lưu nghệ thuật đầy tham vọng của họ. Họ đã cho ấn hành những tác phẩm của họ nơi những tạp chí chỉ có vài trăm người đọc; tên tuổi họ nói chung là không được giới có học biết tới; những người ủng hộ họ có thái độ sùng bái họ. Nhưng ngoài vài điều kể trên thì không còn điều gì khác để so sánh. Động lực thúc đẩy những nhà thơ hiện đại là một tầm nhìn rộng, và vài người trong số họ có cả một chương trình - và còn là một niềm tin, rằng bản chất của cuộc sống đã thay đổi tận nền tảng và rằng giờ đây những nghệ sĩ cũng phải thay đổi theo, sao cho phù hợp. Thơ tự do, cú pháp đứt đoạn, những nối kết hoàn toàn vỡ vụn, những cách nói lóng, dùng những đề tài mà trước đó mọi người cho rằng không thể đưa chúng vào thơ - đó là một số những kĩ thuật và phương pháp được những nhà thơ hiện đại sử dụng. Cũng mới mẻ, là thái độ của họ đối với người đọc, một thái độ có lẽ xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử: một cách triệt để, họ chọn lựa thái độ bất chấp người đọc. Họ không nhằm mục đích làm kinh ngạc, lòe trộ (épater) người đọc. Nếu điều họ viết ra là khó đọc một cách không thể thỏa hiệp, thì họ không xem đó như là vấn đề của họ. Họ nghĩ rằng phải viết như thế nào, thì họ viết ra như thế ấy; còn về sự khó đọc của thơ họ, vấn đề chỉ là, theo cách nói của Henry James, sự khó đọc đó có phải là “sự khó đọc nhưng truyền được cảm hứng” hay không (“the difficulty that inspired”). Mượn cách nói của James, tôi muốn nói tới sự khó đọc thuộc loại truyền được cảm hứng để người đọc vượt qua nó, bởi lẽ người đọc cảm nhận được cái phần thưởng rõ ràng là bõ công, là xứng đáng để chiến đấu chống lại rồi vượt qua nó. Bằng cách này hay cách khác, thông qua phẩm chất của tác phẩm của họ, thông qua thẩm quyền của những hi sinh mà họ dành cho nghệ thuật của họ, thông qua hào quang của sự nghiêm túc của người thành niên được truyền đạt trong cả tác phẩm lẫn cuộc sống của họ, cuối cùng thì những nhà thơ hiện đại đã giành được thắng lợi. Những gì thuộc về họ, là sự khó khăn; những gì thuộc về chúng ta, là sự [được] truyền cảm hứng.

Trong khi người ta có khuynh hướng nhìn nhận nhà thơ hiện đại như một nghệ sĩ - cho dù người đó làm việc tại một ngân hàng ở Luân Đôn, hoặc tại một công ti bảo hiểm ở Hartford, hoặc trong một văn phòng bác sĩ tại Rutherford, New Jersey - thì người ta lại có khuynh hướng xem nhà thơ đương đại như một tay nhà nghề: một nhà thơ chuyên nghiệp. Giống như một nhà chuyên nghiệp thực thụ, người đó sống khá là cách li, chỉ trong thế giới của những nhà chuyên nghề “cùng hội cùng thuyền”. Đại đa số những nhà thơ thời nay sống trong một bầu không khí hầu như hoàn toàn có tính hàn lâm, học thuật, nhưng là hàn lâm, học thuật với một sự khác biệt như sau: không phải là thế giới của khoa học và của những học giả uyên bác, mà là thế giới của chương trình dại sáng tác và của xưởng-viết-lách (writing workshop). (Tất cả những sai lạc trong thế giới kể từ Thế Chiến II, Kingsley Amis từng lưu ý, đều có thể tóm gọn trong chỉ một từ thôi: từ “xưởng” [work- shop].) Những nhà thơ nào rời ra khỏi bầu không khí đó sẽ trở nên lạ lẫm cả trong cuộc sống học thuật lẫn trong thế giới nói chung; họ không hoàn toàn là những nhà học thuật, cũng chẳng hoàn toàn là những nghệ sĩ. Họ cho ấn hành những tác phẩm của họ chủ yếu là trong các tập san được bảo trợ bởi các trường đại học, họ đáp máy bay quanh quẩn trong nước để đọc thơ và dự những hội thảo tại những trường cao đẳng và đại học khác. Họ ăn bận quần jean(5) nhưng luôn mang theo bản lí lịch trong người. Tôi đã được thấy rất nhiều bản lí lịch, chúng đại khái có nội dung như sau:

“James Silken [một cái tên tôi bịa ra] đã cho xuất bản tập thơ đầu tay, Stoned Jupiter, nhà xuất bản của Trường Đại học Florida. Tập thơ thứ nhì của ông, The Parched Garden, sẽ được Black Bear Press xuất bản vào đầu năm tới. Một chapbook [một tập thơ mỏng, nhỏ (booklet) thường được rao bán dạo, do những người bán hàng rong] Apaches and Parsley, đã được nhà Wainscotting Books xuất bản năm 1983. Những bài thơ và những bài điểm sách của ông đã xuất hiện trên những tập san như Poetry Northwest, News Letters, The Arizona Review, TriQuarterly, và Worcester Review. Ông đã diễn đọc thơ tại các trường đại học Iowa, Michigan, Drake University, và tại Bread Loaf. Mùa hè tới ông sẽ trở thành thành viên của Oregon Center for the Creative Arts. Là người quê quán ở Tennessee, ông hiện sống tại Tempe, nơi ông điều khiển chương trình dạy viết lách của Trường đại học Arizona State.”

Được thôi, đó cũng là một cách kiếm sống vậy.

Năm 1941 Delmore Schwartz, trong tiểu luận đăng lần đầu tiên trên tờ Kenyon Review có tựa đề “Sự Cô lập của Thơ Hiện đại”, đã viết rằng “Sự kiện nhà thơ không có người đọc không phải là một vấn đề đơn giản, vì điều đó là một hậu quả, không phải một nguyên nhân, của đặc tính của thơ hiện đại.” Đặc tính mà Schwartz muốn chỉ ra, là sự khó đọc của nó (theo nghĩa mà Henry James nói tới). Trong tờ Partisan Review, năm 1949, Schwartz viết thêm, “Bất kì ai muốn hiểu thơ hiện đại phải bỏ công sức nhọc nhằn cỡ nửa công sức để học một ngoại ngữ, hoặc để có được một kĩ năng mới, hoặc để giỏi chơi bài brít.” Nhưng thực ra, trừ một ngoại lệ đặc biệt (người ta nghĩ ngay tới sự tối tăm trong nhiều bài thơ của John Ashbery), thơ đương đại không phải ngày càng tăng mà là càng giảm sự khó đọc, thế nhưng vẫn không có người đọc.

Nếu Delmore Schwartz trách cứ sự tối tăm của thơ hiện đại là do nó khó đọc, thì Randall Jarrell, trong bài thuyết trình tại đại học Harvard có tựa đề “Sự Tối tăm của Nhà thơ”, lại đổ lỗi cho nền văn hóa của đất nuớc. Jarrell nói “Nhà thơ hiện sống trong một thế giới ở đó tất cả báo, tạp chí, sách, phim ảnh, truyền thanh truyền hình thảy đều triệt hủy nơi rất nhiều người chính cái khả năng thấu hiểu bất kì thể loại thơ, nghệ thuật đích thực nào.” Trong những năm gần đây, các nhà thơ đi thêm một bước xa hơn để trách cứ nước Mĩ vì khuynh hướng phản tri thức và phản nghệ thuật trong sinh hoạt của đất nước nói chung. John Berryman từng nói với Eileen Simpson, bà vợ đầu tiên của ông, rằng “Pushkin đã có thể trông cậy vào những công nhân ngành đường sắt vì họ hiểu được thơ ông. Hãy nghĩ về điều đó! Còn nay ở Mĩ thì có ai đọc thơ?” Có người còn khẳng định là các trường tiểu học, trung học và cao trung ở Mĩ đã giảng dạy sai lạc về thơ. Đôi khi những nhà xuất bản lớn cũng bị trách cứ vì hiếm khi chịu ấn hành những tác phẩm thơ. Nói chung thì chủ nghĩa tư bản cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm, một phần vì đã khuyến khích việc bán sách theo đường lối kinh tế thị trường, phần khác vì đã sai lầm khi đề cao những mẫu mực: Có loại xứ sở nào ở đó Lee Iacocca lại được biết tới nhiều hơn là A. R. Ammons?(6)

Tóm lại, mọi thứ, chỉ trừ nước uống, đều bị trách cứ.

Một số nhà thơ lại chỉ trích chính cái nguồn mạch đã nuôi dưỡng họ: họ trách cứ những trường đại học, họ lập luận rằng do sự xuất hiện của quá nhiều chương trình dạy viết-sáng-tác, nhiều nhà thơ đã tạo dựng nhóm người đọc riêng của họ như một trường phái riêng, nuôi dưỡng người đọc chỉ bằng những món ăn tinh thần hợp với khẩu vị của họ, khiến người đọc đòi hỏi rất ít nơi họ, trong khi điều cần thiết đối với nhà thơ là phải duy trì được tham vọng của chính mình về mặt chữ nghĩa. (Một nhà thơ và cũng có giảng dạy về thơ là Greg Kuzma đã viết rằng “Trong vòng năm năm nữa thôi, là sẽ có chương trình dạy viết-sáng-tác sẵn có cho bất kì người nào ở bất kì nơi đâu trên nước Mĩ, cách nhà không xa và lái xe đi về an toàn.”). [chữ inbred: có tổ tiên là những người closely related. Giao phối của cùng một giòng giống.] Cũng theo lập luận vừa nói trên, những chương trình dạy viết-sáng-tác không chỉ sản sinh ra quá nhiều người tưởng mình là nhà thơ, nhiều nhà thơ mà đất nước Mĩ này hoặc đất nước nào khác cần có,, thông qua bầu không khí mang tính cổ vũ và phần nào mang tính trị liệu của những xưởng dạy viết lách nói chung, chúng còn hạ thấp cái chuẩn mực vốn là cao của việc viết lách - với bất kì ai quan tâm tới thơ thì chuẩn mực cao là đòi hỏi nghiêm chỉnh duy nhất về thơ.

Phạm Kiều Tùng dịch
(Còn tiếp kỳ sau)

(SH319/09-15)


-------------------
1. [“touched by God”] [*người dịch chú thích: Matthew 8:3: And Jesus put forth his hand, and touched him, saying, I will, be thou clean. And immediately his leprosy was cleansed. Đức Chúa Jesus giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Tức thì người phung [=cùi] được sạch. Mark 1:41: And Jesus, moved with compassion, put forth his hand, and touched him, and said unto him, I will, be thou clean. Đức Chúa Jesus động lòng thương xót, giơ tay rờ người và phán rằng… Luke 5:13: And Jesus put forth his hand, and touched him, saying, I will, be thou clean. And immediately the leprosy departed from him. … Tức thì, bịnh phung liền hết. Matthew 8:15: And he touched her hand, and the fever left her. Ngài bèn rờ tay người bịnh, rét liền biến mất. Và nhiều nữa: Mark 10:13; Luke 18:15; Luke 7:14; Luke 22:51; Mark 7:33; Mat- thew 9:29; 20:34; Matthew 17:7; Mark 5:27, etc; Mark 3:10; Luke 6:19; Luke 7:39].

2. Sergei Pavlovich Diaghilev (1872 - 1929), người Nga, là nhà phê bình nghệ thuật, ông bầu, người tổ chức các buổi múa Ballet, và nhà sáng lập ngành múa Ballet Nga, từ đó nổi lên những vũ công và vũ đạo múa nổi tiếng.

3. Tỉ phú người Mỹ Harry Helmsley và vợ là Leona Helmsley, kinh doanh bất động sản. Ông xây dựng Helmsley Palace trên đại lộ Madison, tòa nhà Empire State, phát triển bất động sản bao gồm các Park Lane Hotel (New York), New York Helmsley Hotel, Helmsley Palace Hotel, khách sạn ở Florida và các tiểu bang khác. Vào đầu năm 1989, hai mươi ba khách sạn trong chuỗi được kiểm soát trực tiếp của Leona Helmsley. Donald Trump, tỉ phú nhà đầu tư địa ốc Mỹ, từng có ý định tranh cử tổng thống Mỹ 2012.

4. Baron von Richthofen (1892 - 1918), Phi công huyền thoại người Đức trong thế chiến I, đã chiến thắng 80 trận không chiến với Anh và Pháp, và khoảng 17 cuốn sách nghiên cứu về ông sau khi ông chết.

5. Họ không ăn bận tươm tất (những luật sư, bác sĩ… họ luôn luôn ăn bận theo đúng chức năng nghề nghiệp, nhưng những nhà thơ thì ăn mặc không có gì là chuyên nghiệp, quần jean áo sơ mi, xuề xòa, có lẽ dịch là ‘họ ăn bận xuề xòa’ cũng được, tùy anh.

6. Lee Iacocca là một nhà doanh nghiệp, là chủ tịch và là CEO của hãng xe hơi Chrysler từ 1978; Archie Randolph Ammons (1926 - 2001) là nhà thơ Mĩ, đoạt hai giải National Book Award về Thơ: năm 1973 và 1993.




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng