Nghiên Cứu & Bình Luận
Cái biểu lộ và cái che giấu trong xã hội: quan hệ giao thương của Đại Việt với Nhật Bản và những hệ lụy của nó với mẫu hình tài tử - giai nhân
15:14 | 23/12/2015

NGUYỄN QUANG HUY

- Để tìm hiểu không gian xã hội của những người sản xuất văn hóa, cần phải tư duy theo mô hình quan hệ.
- Sự việc, hiện tượng bản thân nó không quan trọng, mà chính quan hệ giữa chúng mới có ý nghĩa.
                        (Pierre Bourdieu)

1.

Mối quan hệ giữa thương mãi và nghệ thuật, giữa tiền bạc và mẫu người văn hóa, giữa trải nghiệm đô thị và tính cách của nền nghệ thuật, v.v. đôi khi, trong cái nhìn bề ngoài, ít cho người ta cảm tưởng về sự liên đới với nhau. Vậy mà trong lịch sử văn minh nhân loại, ví dụ như trường hợp tiền xu chẳng hạn, người ta tìm thấy trên nó dấu vết của nghệ thuật tiểu họa, hình ảnh những con vật biểu trưng văn hóa (ví dụ như tiền xu Hi Lạp trước công nguyên, mặt trước in hình nữ thần Athena và mặt sau là hình con cú), nó cũng là niềm kiêu hãnh về quyền lực, là chứng lí cho các giá trị lịch sử, và rõ ràng, nó mách bảo cho chúng ta về trình độ văn minh.

Bài viết này chú tâm vào quan hệ buôn bán của Đại Việt hậu kì trung đại, và chúng tôi muốn nghiêng về mối quan hệ với Nhật Bản, trong đó bước đầu nêu ra những cái ẩn giấu phía sau, những khía cạnh văn hóa - xã hội của tiền bạc, những trải nghiệm đô thị và dù ít dù nhiều, sự hiện diện của những kẻ khác: những kẻ tha phương, những “đồ thừa”, sự có mặt của những kẻ canh tân, những bước chân nổi loạn, những cá tính, những tài tử giai nhân, v.v.

Xã hội Việt Nam hậu kì trung đại - có thể khuôn vào một mẫu, nếu có thể làm được như vậy, theo David Riesman, đã và đang là kiểu “truyền thống định hướng”. Các thế hệ cha anh và con cháu nối tiếp nhau theo trình tự thời gian kéo dài thậm chí hàng ngàn năm, cùng trao truyền cho nhau, cùng chia sẻ với nhau cách hiểu và cách trân trọng những giá trị đã tồn tại lâu đời. Nhưng có vẻ như bước vào thế kỉ XVII, cơ thể đó đang chuyển mình, dù ít nhiều, theo những bước chân xâm thực, những tầng lớp xã hội mới “xâm nhập” chốn quan trường, những đoàn người lưu tán(1), những không gian mới được định hình, và đặc biệt hơn là tạo nên mối giao lưu tiếp xúc “rộng rãi” với nước ngoài: Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp. Ở đây chúng tôi muốn thông qua một mối quan hệ cụ thể - quan hệ giao thương với người Nhật - để góp phần nhìn nhận những trạng thái tinh thần nhân văn mà, theo chúng tôi là có liên đới với nhau, xét từ bức tranh tổng thể.

Quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản thời hậu kì trung đại ghi dấu trong nhiều tư liệu là khá đậm nét. Thương nhân trong trường kiến tạo văn hóa là một mẫu hình đặc biệt, như là một “cái trung gian” trong nỗ lực làm cầu nối giữa hiện thực và sự trỗi sinh các giá trị “khác”. Đằng sau những dấu chân thương nhân là những vết tích về quan hệ văn hóa. Với bối cảnh khép kín thời trung đại Đông Á, những “cái nhìn” của “kẻ khác” luôn mang lại những giá trị đặc biệt. Tiếp xúc hay va chạm với kẻ khác, dù vô tình hay cố ý, là cách để nhìn ra giá trị của mình. Theo đó, các yếu tố thị dân, đời sống thị dân, yếu tố cá nhân - cá tính của con người v.v, xét trong tương quan với vấn đề quan hệ giao thương được coi như một liên đới nhiều thú vị. Gương mặt tinh thần, đặc biệt là văn hóa - văn học cũng vì vậy mà thêm nét cá biệt. Cũng do vậy, có thể nhắc lại ở đây, bằng cái nhìn liên ngành, chúng tôi muốn góp phần làm sáng tỏ thêm một vài phương diện tác động qua lại giữa yếu tố ngoại thương với sự phát triển văn hóa - văn học hai nước giai đoạn hậu kì trung đại.

2.

Đặt và giải quyết vấn đề quan hệ giao thương Việt Nam - Nhật Bản với tương quan mẫu hình tài tử giai nhân trong văn hóa - văn học hai nước giai đoạn hậu kì trung đại sẽ làm xuất hiện nhiều vấn đề liên đới tưởng chừng như chúng không hề tương liên. Tuy thế, các thành tựu mới trong xã hội học văn hóa, trong nhân học lịch sử, địa văn hóa v.v, cho phép chúng ta tiến hành một thao tác bóc tách các biểu hiện bề nổi để nhận diện các cấu trúc chìm, các cấu trúc ẩn dấu phía sau. Sự hiện diện của một “hệ thống buôn bán châu Á” thời trung đại phương Đông là một sự thực mà các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á tham dự trong lịch sử đã tạo nên nhiều nhận thức quan trọng về văn hóa, xã hội. Về mặt này, có người gọi là thời kì “toàn cầu hóa cận đại sơ kì” của lịch sử dân tộc các nước Viễn Đông trong quan hệ giao thương khu vực(1). Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành một trong những trung tâm, mắt xích quan trọng nhất trong hệ thống trên(2). Bài viết này, trong khi xét vấn đề giao thương, cũng đồng thời xác định mẫu hình thương nhân như một “mẫu người văn hóa” (Đỗ Lai Thúy); xét đồng tiền trong quan hệ đó như “một sự kiện xã hội” (M. Mauss). Trên cơ sở đó, khi đưa vào trường tương tác trong nghiên cứu văn học, tiền và mẫu hình thương nhân sẽ được nhìn nhận như là những bộ phận quan trọng của “kẻ môi giới văn học” (transmetteur). Và đến đây, các “quan hệ văn học” (giữa nền văn học Việt Nam và Nhật Bản) sẽ được xét đến để mang tới một cái nhìn về các dân tộc khác nhau có những hiện tượng văn học gần gũi nhau đến kì lạ.

3.

Thực trạng quan hệ giao thương Việt Nam và Nhật Bản trong quá khứ đã lưu lại qua các tư liệu là rất đậm nét. Trước hết, bức tranh xã hội hai nước làm tiền đề cho giai đoạn hậu kì trung đại(3) có một số phận tương đối giống nhau. Ở Nhật Bản, trước khi bước vào một thời kỳ phát triển nhân văn rực rỡ đã phải trải qua một giai đoạn nội loạn khá dài từ giữa thế kỉ XIV đến cuối thế kỉ XVI - thời kì của các Shogun (tướng quân). Các cuộc tranh chấp ngôi kế vị từ năm 1336 đến năm 1392 được các sử gia Nhật Bản coi là thời kì Nam Bắc triều (Namboku-cho) và thời kì từ năm 1392 đến năm 1573 là thời kì xưng hùng tranh bá của các tướng quân Ashikaga đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn hóa tư tưởng người Nhật(4). Ở Việt Nam, những biến động xã hội dẫn đến giai đoạn hậu kì trung đại phải được nhìn nhận từ thế kỉ XVI(5). Bắt đầu từ Lê Trung Hưng(6) (1592 về sau) thực thể chính trị - xã hội Việt vận hành theo cơ chế “lưỡng đầu chế” (một vua, hai chúa, và quyền chúa lớn hơn vua, chúa tiếm quyền vua). Chế độ phong kiến Việt Nam sau khi phát triển đến đỉnh cao nhất dưới triều Lê Thánh Tông (XV) thì dần dần đã đi vào giai đoạn khủng hoảng, suy thoái. Nội chiến phong kiến Lê - Mạc (1545 - 1592), Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) khiến đất nước rơi vào cảnh loạn ly kéo dài. Chính trong hoàn cảnh có nhiều biến động đó, các giá trị tư tưởng, các trải nghiệm xã hội khác nhau có cơ hội phô bày, tạo nên một cục diện phong phú, cởi mở. Trong viễn cảnh đó, hình ảnh thương nhân, đồng tiền và các trải nghiệm đô thị trong “thời đại thương nghiệp” (thuật ngữ của A. Reid) được lưu tâm một cách sâu sắc, không chỉ các cá nhân, các khu vực buôn bán mà ngay đến cả chính quyền phong kiến cầm đầu hai nước cũng xem phát triển yếu tố “ngoại thương” là vấn đề sống còn trong giai đoạn này(7). Ở một khía cạnh khác, việc có một chức quan để có cơ hội đứng trong hàng ngũ chính thống đạo thánh hiền không phải là khó, chỉ cần có tiền và hình ảnh “sinh đồ ba quan” là thực trạng như thế(8). Hình ảnh đô thị, thương nhân khuynh loát đời sống xã hội Nhật Bản từ thế kỉ XVII, con đường kinh tế và tài chính đã đưa “giai cấp thành thị lên hàng đầu uy lực xã hội”, thậm chí các Shogun một thời lừng lẫy cũng phải luồn cúi “chạy xuống Đại Bản - thủ đô tài chính phồn hoa đô hội - để vay tiền”(9). “Thương” trong “tứ dân” trở nên càng quan trọng hơn trong xã hội(10). Con đường giao thương trong khu vực, đặc biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản ra đời trong bối cảnh đó.

Quan hệ giao thương giữa hai nước thời hậu kì trung đại được mô tả khá kĩ trong các tư liệu sử, từ Phủ Biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quốc Sử quán triều Nguyễn), qua thư từ giữa chính phủ Nhật Bản thời Tokugawa với Đàng Trong và Đàng Ngoài, đến các hồi kí của các thương nhân, các nhà truyền đạo phương Tây tới Việt Nam. Năm 1592, các Châu ấn thuyền Nhật Bản (shuin-sen) buôn bán với Xứ Đàng Trong được đánh dấu là thời điểm chính thức mở đầu quan hệ nhiều duyên nợ trong giai đoạn này(11). Nhiều mặt hàng được thương nhân hai nước trao đổi với nhau, tạo nên một bức tranh sinh hoạt sôi nổi ở Hội An phố (Faifo), Thanh Hà phố, Nước Mặn phố (ở Đàng Trong)(12). Ở Đàng Ngoài, Phố Hiến, Thăng Long v.v, quan hệ giao thương với thương nhân người Nhật diễn ra trong thời gian cùng thời, đặc biệt là dòng họ đại thương nhân (hào thương) Siminokura (nổi bật là hai nhân vật Suminokura Ryôi và Yoichi). Các thương nhân người Nhật (cách gọi tên trong thư tịch cổ là Bắc Hòa, Nam Hòa) đến cư ngụ và trao đổi hàng hóa ở đây rất đông, chiếm vị trí hàng đầu ở Phố Hiến giữa thế kỷ XVII. Hàng hóa họ mang đến chủ yếu là vải bông, giấy, vũ khí(13) v.v. và thu nhận từ chuyến buôn là thư tịch (sách vở) và dược liệu(14). Những mô tả tương tự cũng được Phạm Văn Sơn (Việt sử tân biên, tập III, các trang 195 - 198); Phan Huy Lê (Tìm về cội nguồn, tr. 686 - 687); Phan Huy Lê (Lịch sử và văn hóa Việt Nam - tiếp cận bổ phận, tr 996)... đề cập đến. Khoảng thời gian mà các thương nhân lưu trú là khá dài, ít nhất cũng khoảng bốn năm tháng(15), không kể những người được cắt cử ở lại gom mua hàng hóa chuẩn bị cho chuyến sau hoặc mua đất, hay các quan hệ hôn nhân để lưu trú lâu dài(16). Những hình thức lưu trú này mang tới một mối giao hảo và thiết lập các quan hệ nhất định nào đó. Cùng với các mối quan hệ giao thương với các nước khác trong khu vực và với phương Tây giai đoạn này, việc nhấn mạnh sự thiết lập quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã góp phần đem lại một bối cảnh văn hóa - xã hội Đại Việt nhiều biến động, hòa nhập vào dòng chảy “thương mại nội Á” và “kỷ nguyên thương mại toàn cầu hóa cận đại sơ kì”(17). Những mô tả sơ lược ở trên đã tạo nên nền tảng lịch sử - xã hội cho sự xuất hiện của tầng lớp thị dân, thị dân ở đô thị. Đô thị phát triển kéo theo cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá riêng và khác về cuộc đời mà trước đó trong xã hội Á đông thiếu vắng hoặc mang một tiếng nói què quặt trước đó; và dĩ nhiên thị hiếu thẩm mĩ cũng theo đó có sự thay đổi. Trong xã hội triền miên loạn lạc Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX, học thuyết trị bình Nho giáo không thể giải quyết vấn đề của xã hội yêu cầu (có thể xem đấy như một sự giảm giá của đại tự sự, diễn ngôn chính thống). Sự rạn nứt của nó cũng đồng thời kéo theo sự trỗi dậy và phát triển của các yếu tố khác. Yếu tố thương nhân, tiền, thị dân, các tư tưởng khác như Phật giáo, Lão Trang, Đạo giáo v.v. bị đẩy ra ngoại vi trước đây nay có cơ hội phát triển trở lại. Điều đáng chú ý hơn là một mẫu hình văn hóa mới ra đời, con người tài tử - một sản phẩm của văn hóa đô thị phương Đông trung đại. Chính mẫu người này tạo nên những nét cá biệt trong văn hóa, văn học Việt Nam giai đoạn này(18). Cũng từ đây, những yếu tố thuộc về không gian đô thị, thuộc về sinh hoạt cá nhân và các trải nghiệm đô thị hiện diện như là những nét đậm trong bức tranh nghệ thuật. Nhưng trước hết, cần xem xét chúng trong tương quan với các tác nhân là “môi giới trong văn học”.

4.

Mẫu hình thương nhân, đồng tiền và yếu tố đô thị là một trong những nhân tố quan trọng nhất của kẻ môi giới văn hóa, văn học. Không phải ngẫu nhiên mà văn học hai nước giai đoạn hậu kì trung đại thấm đẫm chất “phù thế”, đề cập tập trung tới “thân”, nhấn mạnh mối quan tâm tới yếu tố cá nhân, cá tính với một không gian mở rộng sang biên độ của tự do và tài tình. Nhưng trước hết, chúng tôi muốn nhìn nhận thương nhân như một “mẫu người văn hóa” (Nhật Bản có danh xưng “Chonin bunka - đinh nhân văn hóa)(19), khi đó chính những con người này, trong chiều sâu cá tính và phạm vi hoạt động của họ, trong tương liên với đồng tiền chính là những tầng chìm tác động mãnh liệt tới bức tranh tĩnh lặng của các mẫu người văn hóa khác đã xây dựng trong xã hội.

Thương nhân (với các tên gọi khác như: Gôshô - đại thương nhân, đinh nhân thương cổ…)(20) trong xã hội Á Đông dưới sự chi phối của cái nhìn Nho giáo là một mẫu người không mấy thiện cảm vì nó nằm trong lằn ranh khó biện minh của chữ “lợi”. Tuy thế, đó không phải là hiện tượng phải chịu quá nhiều sự khinh bỉ như trước nay ta vẫn tưởng. Sự thực vẫn tồn tại các kiểu ứng xử nước đôi như “cổ nhi hiếu nho” (đi buôn mà thích nho), “cổ phục nho hạnh” (áo nhà buôn nết nhà nho), “diệc cổ diệc nho” (vừa là nhà buôn vừa là nhà nho), “cổ nhi hiếu học” (đi buôn mà hiếu học)… nói lên thế đứng mong manh ranh giới giữa thương nhân và Nho sĩ(21).

Mẫu người thương nhân gắn liền với tính di động, mở rộng không gian và mạo hiểm (nghĩa của từ “thương cổ” được phân tách ra thành: “thương” là đi, đi buôn khắp xa gần, đoán xem có hàng hay không, làm lưu thông sản vật bốn phương; “cổ” là giữ, giữ vật có ích lợi đợi người tới mua để cầu lợi. Đi khắp nơi gọi là “thương” - buôn, ở một chỗ gọi là “cổ” - bán). Thương nhân là những người có đầu óc phiêu lưu, chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận sự được ăn cả ngã về không. Làm một công việc nhiều bất trắc, một công việc đòi hỏi sự dám nghĩ đám làm, đặc biệt là dám tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, con người dần có ý thức về bản thân mình, tự ý thức về bản thân. Nhờ vậy ý thức cá nhân bắt đầu phát triển, cá nhân cá thể thức tỉnh thoát khỏi con người tập đoàn. Ở đây thương nhân được nhìn nhận như một kết tinh của thời đại văn hóa(22). Đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề tính hiện đại trong quá trình phát triển của văn hóa dân tộc, trong đó văn hóa đô thị làm nền tảng. Theo Sansom, đặc trưng xã hội của các thương nhân có thể quy về trong hai yếu tố cơ bản: 1/ Những ràng buộc về những quy phạm đạo đức và xã hội ít chặt chẽ hơn, có cơ sở để phát huy tính tự động và kinh nghiệm của mình và 2/ trong thưởng thức, sáng tạo nghệ thuật của họ chủ yếu là chủ đề phù thế(23). Chính tính chất “khác” của thương nhân như trên đã tạo ra chiếc cầu nối, trung chuyển văn hóa giữa đô thị này với đô thị khác, giữa khu vực này với khu vực khác. Nhưng cũng từ đây nó tạo nên “sự phân hóa trong cơ thể xã hội” và trong sự tan rã phân hóa đó, có hai hướng lựa chọn cơ bản: tự chủ và buông thả. Hai lựa chọn đó tạo nên “thế đảo ngược sinh khí” làm cơ sở cho sự phát triển cá nhân và xã hội Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn cận thế(24).

Liên quan đến thương nhân và đô thị không thể không đề cập tới yếu tố tiền bạc. Lịch sử, các câu chuyện của Nhật Bản ghi nhận vào thế kỷ XVII, XVIII các Shogun tuy khuynh loát về mặt chính trị - xã hội nhưng phải “luồn cúi” trước thương nhân để có tiền tiêu khiển, giải trí(25). Bạc Nhật Bản đổi tơ lụa Đàng Ngoài trở thành một dòng chảy quan trọng của hoạt động giao thương nội Á giai đoạn hậu kì trung đại(26). Tiền Nhật Bản ở Đàng Trong đóng vai trò còn quan trọng hơn với sự sống còn của cơ đồ chúa Nguyễn. Sự hiện diện một thực tế trên, với chúng tôi, muốn xem xét các hệ lụy chìm sâu đằng sau sự kiện này. Sự giao dịch qua lại bằng hàng hóa, tiền tệ (phương tiện giao tiếp văn hóa) góp phần mở ra những chân trời tự do mới. Nó thúc đẩy quá trình cá nhân hóa bằng cách giải phóng con người khỏi những liên hệ cá nhân mà họ bị cầm tù trong xã hội truyền thống. Chính “vật trung gian” này đã xen vào giữa các cá nhân, giữa cá nhân và xã hội như một kẻ thứ ba, làm cho các mối liên hệ cộng đồng truyền thống trở nên lỏng lẻo(27). Cũng theo đó, gương mặt của “cái hiện đại” có cơ hội xuất hiện. Khi tiền đã xâm nhập vào xã hội trong quan hệ giao thương như đã mô tả trên, nó trở thành yếu tố trung tâm, làm châu tuần các yếu tố đối lập nhất, xa lạ nhất, xa cách nhất, làm cho nó có điểm chung và tiếp xúc với nhau(28) và tiền chính là yếu tố quyết định để con người có hưởng thụ cuộc sống hay không trong xã hội đô thị(29). Đây cũng là cơ sở để “các trải nghiệm đô thị” các ý thức về giá trị cá nhân trong tương quan với xã hội phát triển(30).

Như vậy, khi yếu tố cá nhân, cá tính tự do tách ra khỏi sự ràng buộc của cộng đồng truyền thống, khi các yếu tố đô thị hội tụ đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho những sinh hoạt văn hóa thị dân mà một xã hội nông thôn trước đó không thể có. Nét mới này là một bước phát triển mà dấu ấn sâu đậm thể hiện trong cơ tầng văn hóa hai nước trên nét lớn, có thể nhìn thấy một điểm chung, chia ra làm hai nền: 1/ văn hóa cũ với sự kéo dài các chuẩn mực cổ điển và 2/ văn hóa mới có tính chất đại chúng và không bị ước thúc, kiềm tỏa. Điều này được thể hiện trong các hình thức giải trí, đặc biệt là nghệ thuật trong tinh thần ukiyo(31) (phù thế, phù sinh - những gì thuộc về trần thế, những đam mê và hoan lạc, niềm bi hận…) là dấu ấn sâu đậm trong các sáng tác nghệ thuật thời Edo (Nhật Bản) và Đại Việt. Dấu ấn này thể hiện tập trung trong hình tượng con người thuộc “chủng tình” - là điểm sáng của một thời đại văn học.

5.

Mẫu hình tài tử giai nhân trong văn học hai nước giai đoạn hậu kì trung đại là hình ảnh trung tâm của các biểu hiện nghệ thuật trong tương quan loại hình, ở chỗ các dân tộc khác nhau xuất hiện các hiện tượng văn học gần gũi hoặc cùng kiểu loại. Văn học Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn hậu kì trung đại xuất hiện nhiều kiểu loại giống nhau như: truyện truyền kì, tiểu thuyết diễm tình, thơ ca phù thế, thơ châm biếm đả kích, ca vũ v.v, với các chủ đề và hình ảnh tập trung được miêu tả như: Kĩ nữ, thương nhân, võ sĩ, ca nhi, tửu điếm, phù thế. Nếu nhìn vào bảng thuật ngữ nghiêng về sinh hoạt thị dân và văn học ở Nhật Bản chúng ta sẽ thấy mức độ tập trung kiểu loại này là rất lớn như bảng sau(32):


Ở Việt Nam, trong văn học có Ngâm khúc, truyện Nôm, Hát nói, thơ Đường luật mới; trong sân khấu có Tuồng, Chèo, v.v. với các chủ đề lớn: tình yêu/ sắc dục, hôn nhân tự do, cá tính tự do(33).

Nguyên nhân sự giống nhau này đã được N.I. Konrad chỉ ra: “Điều kiện tiên quyết để làm xuất hiện những hiện tượng văn học cùng kiểu loại là các dân tộc khác nhau ở trên cùng một trình độ phát triển lịch sử xã hội văn hóa và sự gần gũi của những hình thức thể hiện sự phát triển này”(34). Ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào yếu tố đô thị, nhìn chúng trong quan hệ giao thương hai nước với nhau và trong khu vực, xem đó như là điểm cốt yếu làm xuất hiện các kiểu loại nghệ thuật tương tự nhau mà mẫu hình tài tử - giai nhân được xem là nhân vật trung tâm của kiểu loại này, ở chỗ, nhấn mạnh tài và tình(35).

Tài tử - giai nhân là những nhân vật bàng tuyến (thuộc ngoại vi) từ trước, nay dịch chuyển vào trung tâm của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Họ là những khách phong lưu, khách tài tình, với các phẩm tính: lụy tình, sầu tình, đề cao lạc thú, bộc lộ cá tính, chú trọng cảm giác. Văn học Việt Nam giai đoạn thế kỉ XVIII - XIX xuất hiện nhiều kiểu con người khác trước đó như: con người suy tư trước hạnh phúc cá nhân, tuổi trẻ (Chinh phụ ngâm); con người trước cái phù thế, hư ảo của cuộc đời (Cung oán ngâm); con người ý thức về thân thể (thơ Hồ Xuân Hương); con người cô độc, khát khao hài hòa giữa biến động cuộc đời (thơ Nguyễn Du); con người hưởng lạc, khoe tài, cậy tài (thơ Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát), con người phong lưu thụ hưởng nghệ thuật cảm giác (hát nói); các truyện Nôm: Truyện Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Sơ kính tân trang (Phạm Thái), Mai Đình mộng kí (Nguyễn Huy Hổ), Phan Trần (khuyết danh)… đều tập trung thể hiện sự mơ mộng về tình, tài và sắc. Văn học Nhật Bản giai đoạn này cũng thể hiện một thế giới riêng, thuộc không gian sống đô thị, như tiểu thuyết Ihara Saikaku (với các tác phẩm như: Koshoku ichidai otoko (Người đàn ông đa tình), Koshoku ichidai onna (Người phụ nữ đa tình), Koshoku gonin onna (Năm cô gái si tình) thể hiện những khát vọng yêu đương cá nhân đậm nét; các truyện của Shikitei Sanba, Tamenaga Shunsui… tập trung miêu tả thế giới vui chơi, giải trí tạo nên “dòng văn học về đời sống” xung quanh các hình ảnh: nhà hẹn hò, diễn viên, mĩ nữ, anh hề, điếm quý phái, gái tắm, sự luyến ái giữa các chàng trai đa tình với kỹ nữ(36)… Sự biểu hiện này xuất phát từ cơ sở hiện thực, mang đến giá trị về cái hiện thực (không phải chủ nghĩa hiện thực), cảm quan đời sống, văn học khẳng định đời sống mà yếu tố “ước lệ” và “tả thần” trước đó bắt đầu vắng bóng. Đây là những nét mới, những sản phẩm mang sắc thái thời đại thương nhân, giao thương và đô thị rõ nét.

6.

Như vậy, quan hệ giao thương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn hậu kì trung đại là một yếu tố đặc biệt trong hệ thống thương mãi châu Á và phương Tây, có sức ảnh hưởng lớn tới bức tranh xã hội và văn hóa Đại Việt. Trong bước đầu, chúng tôi chỉ khảo sát trong một tầm tư liệu có nhiều hạn chế, chỉ đưa đến một cái nhìn tổng quan trong tương liên với sinh hoạt nghệ thuật thị dân hai nước. Sẽ không có các đô thị phát triển nếu không có các quan hệ buôn bán sầm uất và rộng rãi. Và dĩ nhiên, các sinh hoạt thị dân cũng theo đó có cơ hội phát triển, phát triển trong điều kiện đặc thù của loại đô thị phương Đông. Theo đó, các hệ lụy khác, đặc biệt là các “trải nghiêm đô thị” hình thành và lên tiếng nói.

Ở chiều kích xã hội, trong quan hệ giao thương, thương nhân và tiền bạc là nền tảng tồn tại của nó. Trong bề sâu, chúng là các nhân tố làm cho ý thức xã hội và ý thức cá nhân phản tỉnh, mở ra các “đối thoại văn hóa” mới, kết tụ các cảm xúc và các chiều kích đời sống cũng theo đó trải rộng. Đặc biệt, nó tạo ra mảnh đất hiện thực mới cho quá trình phản ánh và sáng tạo nghệ thuật. Đến đây, thương nhân có thể xem là một mẫu hình văn hóa quan trọng mà trước nay ít ai ý thức được tầm mức giá trị của nó.

Các loại hình văn học, các đề tài, hình ảnh và các tư tưởng văn học chính mà chúng tôi đề cập tới trong bài viết này, chỗ đậm, chỗ nhạt nhưng đều giống nhau ở chỗ đều là sản phẩm của cái lịch sử cụ thể - lịch sử dân tộc mở rộng quan hệ bang giao, mở rộng quan hệ văn hóa trong “kỉ nguyên thương mại nội Á” và tiếp xúc phương Tây. Đây là tiền đề quan trọng của yếu tố ý thức cá nhân trỗi sinh và là cơ sở cho yếu tố hiện đại trong văn hóa văn học phát triển.

Mẫu hình tài tử - giai nhân là kết tinh của nhiều giá trị văn hóa, là sản phẩm của văn hóa đô thị, mang chở tình và tài, đem nó đối sánh với các chiều kích xã hội và nhân sinh để buồn vui, hưởng thụ cuộc sống trần thế v.v, là nét trội nhất (tuy tên gọi có thể không trùng khít nhưng nội hàm là giống nhau) trong bức tranh nghệ thuật đô thị hậu kì trung đại hai nước. Đây cũng là những kết quả bước đầu như những giả thiết làm việc trên con đường tìm kiếm và khẳng định các giá trị văn học hai nước về sau.

N.Q.H
(SH322/12-15)


---------------
(1). Như Nguyễn Thanh Nhã đã chỉ ra, từ thế kỉ XVII, với cuộc chiến tranh tương tàn, chính sách thuế khóa nặng nề, sự gia tăng dân số của Đàng Ngoài và Đàng Trong đã dẫn đến tình trạng những khối người khổng lồ rời bỏ xã thôn, hình thành nên những đám người trôi dạt, những nhóm người “sống ngoài vòng pháp luật”, họ cũng đổ về các đô thị để kiếm sống, v.v. Điều này luôn để lại những hậu quả xã hội quan trọng. Nguyễn Thanh Nhã (2013), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII, Nxb Tri thức.

(2). Hoàng Anh Tuấn, trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra thuyết phục rằng chính thời điểm “cận đại sơ kì” (Early modern) là một dấu mốc quan trọng của toàn cầu hóa, xuất phát từ hệ quả của các phát kiến địa lí và sự bùng nổ của nền thương mại đường dài (long-distance trade) tạo nên các chuyển biến nội tại quan trọng trong hệ thống văn hóa. Ở Đông Á và Đông Nam Á hoạt động giao thương, đặc biệt là hải thương đã đem đến một bối cảnh giao lưu văn hóa rộng lớn trước khi có mặt hệ thống buôn bán phương Tây. Ở đây, khi các tuyến thương mại liên vùng, châu lục, các quốc gia đã “tìm đến với nhau”, “tái kết nối”; khi có các dòng chảy dân cư đã khuếch tán hàng hóa và các giá trị. Đại Việt từ đầu thế kỉ XVII đã có những động thái “quốc tế hóa lịch sử dân tộc” qua con đường giao thương. Xin xem thêm Hoàng Anh Tuấn - “Quốc tế hóa lịch sử dân tộc - Toàn cầu hóa cận đại sơ kì và lịch sử Việt Nam thế kỉ XVII” in trong Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới (Nhiều tác giả), Nxb. Thế giới, 2011, từ trang 247 - 282.

(3). Xem thêm Momoki Shiro, Nhật Bản và Việt Nam trong hệ thống buôn bán châu Á vào thế kỷ XVII - XVIII, in trong Đô thị thương cảng Phố Hiến, Đăng Trường (biên soạn), Nxb Văn hóa Thông tin, 2013, tr 187 - 200.

(4) Thuật ngữ “hậu kì trung đại” chúng tôi tham khảo Đoàn Lê Giang trong bài viết “thời trung đại trong  văn học các nước khu vực văn hóa chữ Hán” - Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 12/2006, tr89 -105. Trong quá trình khảo sát phạm trù văn học trung đại trong các nước “khu vực văn hóa chữ Hán”, ông chia ra ba thời kì nhỏ: Sơ kì trung đại (Nhật Bản: thời Nara, thế kỷ VIII và Heian, thế kỷ IX - XII; Việt Nam: từ triều Ngô đến triều Trần - thế kỷ X - cuối thế kỷ XIV), Trung kì trung đại (Nhật Bản: thời của các Shogun 1192 đến Chiến quốc/ Sengoku 1573; Việt Nam: thế kỷ XV đến hết thế kỷ XVII) và Hậu kì trung đại (Nhật Bản: thời kỳ thống nhất - Edo 1602 đến giữa thế kỷ XIX; Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX). Các thông tin cụ thể xin xem trong bài viết trên. Bên cạnh đó, Ishida Kazuyoshi (Thạch Điền Nhất Lương) coi giai đoạn 1575 - 1870 là thời Cận đại (trước đó là thời Trung cổ) trong lịch sử tư tưởng Nhật Bản: Ishida Kazuyoshi (Châm Vũ Nguyễn Văn Tần dịch) (1973), Nhật Bản tư tưởng sử, hai tập, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản; Momoki Shiro xem thời điểm cuối thế kỷ XVI đến Minh Trị nguyên niên (1868) là thời Cận thế (Kinsei): Momoki Shiro, Sđd, tr188. Sự vênh lệch về mặt thời gian của giai đoạn này trong tương quan hai nước do xuất phát điểm riêng nhưng về căn bản, những biểu hiện trong cơ tầng văn hóa là khá giống nhau, trong đó, điểm nổi bật là sự xuất hiện của yếu tố văn hóa thị dân với những “trải nghiệm đô thị” và những hệ lụy của nó trong văn hóa - văn học mà chúng tôi sẽ chỉ ra ở các phần tiếp sau.

(5) Ishida Kazuyoshi, sđd, tr 400 - 462. Các biến động trên cũng được G.B. Sansom mô tả trong Lược sử  văn hóa Nhật Bản, Nxb. Khoa học Xã hội, 1990, tr 89 - 108.

(6) Từ năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lên làm vua, đặt niên hiệu là Minh Đức, tạo nên cục  diện Nam - Bắc triều phân tranh hơn 50 năm (đến năm 1592). Năm 1599, Trịnh Tùng (chúa Trịnh) xưng Chúa ở miền Bắc, sắp xếp xong giang sơn của mình, tạo nên một nét “kì” trong lịch sử nhân loại, và tạo nên một đối trọng với miền Nam. Năm 1600, Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, xây dựng nghiệp lớn, tạo nên những tương tranh khốc liệt về sau mà Tạ Chí Đại Trường mô tả như một cuộc “nội chiến” tương tàn kéo dài đến năm 1802. Chính những điều đó tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Việt.

(7) Thuật ngữ này được các sử gia dùng để chỉ thời kì lịch sử bắt đầu từ khi nhà Lê nhờ có sự phò tá của  họ Trịnh, đánh bại nhà Mạc, trở lại Thăng Long. Năm 1599, Trịnh Tùng ép vua Lê Thế Tông phong vương và lập phủ đệ riêng. Cũng từ đó về sau, mặc dù trên danh nghĩa, nhà Lê được khôi phục nhưng chỉ là bù nhìn. Trong con mắt chính thống, đó là một thất bại của nhà Lê, đồng thời tạo nên các biến cố văn hóa cho sự phát triển các dòng ngoài Nho.

(8) Yếu tố thương mãi với các tập đoàn phong kiến trong các cuộc nội chiến là vấn đề sống còn của  một triều đại vì liên quan đến vấn đề tiền bạc và vũ khí. Đàng Ngoài và Đàng Trong ở Việt Nam trong thế kỷ XVII, XVIII mở rộng giao thương với các nước trong khu vực và thế giới cho ta cảm nhận đó. Đặc biệt, với chúa Nguyễn Hoàng Đàng Trong, ngoại thương lúc này là “vấn đề sống chết” (Li Tana). Xem thêm Li Tana (1999) (Nguyễn Nghị dịch), Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỉ XVII - XVIII, Nxb Trẻ, tr84 - 86.

(9) Cảnh thi cử được mô tả như là “chợ thi”: “Năm Canh Ngọ đời Cảnh Hưng (1750), nhà nước thiếu tiền,  lại đặt ra lệ thông kinh (通經), he ai nộp ba quan thìđược đi, mà không phải khảo hạch. Thành ra lúc bấy giờ những người đi làm ruộng, đi bán thịt, ai cũng được nộp quyển vào thi, đến nỗi lúc vào thi, người tranh nhau vào trường xéo đạp lẫn nhau, có người chết. Vào ở trong trường, người thì dùng sách, kẻ đi thuê người làm bài, học trò với quan trường thì thông với nhau, thành ra cái chợ thi. Phép thi cử bấy giờ thật là bậy” - Trần Trọng Kim (2011), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn học, tr 286.

(10) Ishida Kazuyoshi, sđd, tập II, tr12 - 13. Nhật Bản dưới thời Hậu kì trung đại/ Cận thế (kinsei) có ba thủ  đô: Kinh Đô - thủ đô văn hóa; Giang Hộ - thủ đô chính trị; Đại Bản - thủ đô kinh tế tài chính.

(11) Các học giả Nhật Bản như: Hòa Nhai Triết Lang (mô tả nếp sống thành thị, những đặc thù của giai  cấp thành thị Nhật, so sánh nó với các quốc gia ngoài khu vực), Yakada Yoshio (Phản Điền Cát Hùng - mô tả chi tiết nếp sống thành thị), Miyamoto Matatsugi (Cung Bản Hựu Thứ) khảo tả về thương pháp, Takenaka Seiichi biên khảo về tư tưởng thương nhân… dẫn theo Ishida Kazuyoshi, sđd, tập II, tr6 - 7.

(12) Li Tana, sđd, tr85.  

(13) Đỗ Bang (1996), Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII, Nxb. Thuận Hóa.  

(14) Đăng Trường, sđd, tr98.  

(15) Riêng về thư tịch, họ thích mua Thư kinh, Lễ kinh (trong Ngũ kinh), Luận ngữ, Trung dung, Đại học  (trong Tứ thư ), sách về Phật giáo, khi tìm được sách về y học (cổ) thì mua ngay - Vĩnh Sính (2001), Việt Nam và Nhật Bản - giao lưu văn hóa, Nxb. Văn nghệ Tp HCM, tr 61 - 68.

(16) Ở Đàng Trong, thương nhân Nhật Bản thường tới vào mùa Xuân và giong buồm chở hàng về vào  tháng 7 hoặc tháng 8; ở Đàng Ngoài, họ đến vào khoảng mùa thu và về vào mùa xuân năm kế tiếp.

(17) Ở Hội An, khi người Nhật đến, họ mua luôn hai mươi mẫu ruộng để thành lập phố xá, xây đình chùa  để sinh sống. Thân thiết hơn, thương nhân Hunamoto Yabeiji được Nguyễn Hoàng nhận làm con nuôi, thương nhân Araki Shutaro được chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) gả con gái nuôi cho, v.v. Lục Đức Nhuận - Võ Quốc Ky (2009), Tiền cổ Việt Nam, Nxb. Giáo dục, tr 169 - 170. Đây là dấu hiệu của sự vượt ra ngoài tính chất thân thiết trong mối giao hảo để đi đến những tương hợp về mặt văn hóa của hai dân tộc.

(18) Hoàng Anh Tuấn, sđd, tr 256.  

(19) Trần Ngọc Vương (1999), Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 68 -  69; Đỗ Lai Thúy (2005), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr 279 - 283); Phan Ngọc (2009), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. Lao động 49.

(20) Ở Nhật Bản trong các thời kì trước Cận thế, người dẫn dắt văn hóa là các tu sĩ và hiệp sĩ (thời Trung  cổ) và các quý tộc thời Heian (Hòa An), nhưng đến thời Edo “văn hóa nằm trong tay chủ quản của thị dân Edo, Kyoto, Osaka” - Ian.P. McGreal (2005) (Phạm Khải dịch), Những tư tưởng gia vĩ đại phương Đông, Nxb. Lao động, tr352.

(21) Đinh là thành phố, thành thị, “đinh nhân” là người thành phố, dân thành thị - Thạch Điền Nhất Lương,  Sđd, tr 13.

(22) Triệu Điền Nguyên - Điền Lượng (Cao Tự Thanh dịch) (2001), Lịch sử thương nhân, Nxb. Trẻ, tr 143.  

(23) Đỗ Lai Thúy, Sđd, tr 292.  

(24) G.B. Sansom, sđd, II, tr239.  

(25) Arnold J.Toynbee (Việt Thư dịch), (2008), Nghiên cứu lịch sử nhân loại, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr  432.

(26) Ishida Kazuyoshi, sđd, tr13-14. Trong thơ Karai Senryù (Bỉnh Tỉnh Xuyên Liễu,1718 - 1790) mô tả  thực trạng luồn cúi, nhờ vả của các Shogun (tướng quân, võ sĩ) trước các “bạch đinh thương nhân”, tạo ra nét trào phúng độc đáo. Hình ảnh các Shogun với tất cả các nét vinh nhục cũng được mô tả trong tiểu thuyết Shogun của nhà văn Mỹ James Clavell - xem thêm James Clavell (Ngô Vĩnh Viễn và Bùi Phụng dịch) (1988), Shogun, bốn tập, Nxb. Lao động.

(27) Xem thêm Hoàng Anh Tuấn, sđd, tr256 - 258. Theo tác giả, hàng năm bạc Nhật bản lưu thông ở  đây khoảng 100.000 lượng/năm, là trung tâm sự chú ý của các thương nhân châu Á và phương Tây ở Kẻ Chợ.

(28) Damien de Blic-Jeanne Lazarus (Nguyễn Đôn Phước dịch) (2009), Xã hội học tiền bạc, Nxb. Tri thức,  tr 68.

(29) Georg Simmel, Philosophie de l’argent (triết học về tiền bạc), dẫn theo Damien de Blic-Jeanne  Lazarus, sđd, tr 18 - 19.

(30) Việc buôn bán giao thương không chỉ của nam giới, đi kèm với nó, các hình thức khác liên quan đến  vấn đề giới. Người phụ nữ trong giai đoạn này cũng có nhiều biến đổi khác so với cái nhìn truyền thống. Trong các khu vực lưu trú của thương nhân, người phụ nữ khá tự do trong việc đi lại và quan hệ với người nước ngoài: giúp việc, nhận vốn kinh doanh, vợ hờ (hiring misses), gái điếm… Hoàng Anh Tuấn, sđd, tr270.

(31) Tiền là một ước thúc lớn của giá trị con người. Khi nghiên cứu về Truyện Kiều, Phan Ngọc chú ý tới  vai trò của đồng tiền, với sự xuất hiện trong 17 đoạn, tiền “đóng một vai trò gần như vạn năng”: 1/ nó biến tất cả thành hàng hóa, 2/ đồng tiền đẩy người ta đến hành động trái đạo lí và 3/ đồng tiền cũng giúp người ta làm được những việc có ích. Đến Nguyễn Du, đồng tiền đã mang sức mạnh mới trong xã hội và ông đánh giá nó - Phan Ngọc (2009), sđd, tr68 - 70. Trong thơ văn Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát có đề cập tới cái nghèo và ghét cái nghèo vì cái “thú” kia đã trở thành đối tượng để mỉa mai. Đến Nguyễn Khuyến, ta thấy hình ảnh một nhà nho ngậm ngùi cay đắng và day dứt khi nhận thịt của người khác. Trong văn học Nhật Bản giai đoạn này Xuyên Liễu (Sen-Ryù) làm thơ châm biếm shogun đi vay tiền hoặc Saikaku, về cuối đời ông ca tụng sự dành dụm và tính toàn tích lũy tiền…

(32) Thuật ngữ này từ danh từ Ukiỳo đã trở thành tính từ, mang nghĩa phù phiếm, phù du và mang tính  chất mới lạ, chuyển biến. Nói đến ukiỳo là nói đến sự tận hưởng cuộc sống trong tiền và quyền. Tính mỹ học của nó nằm trong trường biểu hiện của Mono no aware, vượt ra ngoài khuôn khổ duy lí và luân lí Khổng giáo, gắn liền với tên tuổi của tư tưởng gia Motoori Norinaga (1730 - 1801).

(33) Tham khảo tại website:  

http://vnsharing.net/forum/showthread.php?t=214625.

(34) Xem thêm Đỗ Lai Thúy, Sđd, tr 300), Đoàn Lê Giang, “Thời trung đại trong văn học các nước khu vực  văn hóa chữ Hán” - Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 12/2006, tr89 - 105.

(35) N. I. Konrad (nhóm tác giả d,) (2007), Phương Đông học, Nxb. Văn học, tr57.  

(36) Tài tử là những nhà nho chưa thể gọi là “bội đạo”, “ly kinh”, nhưng rõ ràng là đã rời xa quỹ đạo chính  thống. Đây là một lối sống mới do các tiểu thuyết tài tử - giai nhân thời Minh - Thanh, sản vật đời sống đô thị Trung Quốc hấp dẫn một phần số nhà nho cũng xuất thân tài tử môi trường cung đình nhưng có văn hóa cao, am hiểu nghệ thuật, gặp lúc kỷ cương xã hội lỏng lẻo, được tự do suy nghĩ về hạnh phúc cá nhân (Trần Đình Hượu (2007), Tuyển tập, tII, tr. 131). Xem thêm Trần Ngọc Vương, Sđd, tr. 72 - 78); Đỗ Lai Thúy, Sđd, tr. 285, 291.

(37) Điều này làm chúng ta liên hệ tới giai thoại về Nguyễn Công Trứ mê cô đào hát Hiệu Thư lúc ông  làm kép hát. Ông vì mê cô nhưng không được để ý, nhân một buổi vắng, chỉ có hai người, ông mới “ỡm ờ” cô, về sau khi gặp lại, cô có thơ nhắn nhủ ông về kỉ niệm hồi xưa: Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên “ứ hự” anh hùng nhớ chăng.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng