Nghiên Cứu & Bình Luận
Mười năm cõng thơ leo núi
11:28 | 22/05/2008
Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.

Thời trước đó, những nhà thơ thường tự hào rằng mỗi khi mình thượng lên lưng con chiến mã thi ca và ra roi, là cứ thế băng băng trên những dặm dài, lòng không vướng bận những chuyện thường tình lắt nhắt của đời. Nhưng từ năm 1991, tình hình đã khác. Các nhà xuất bản bắt đầu ngại in những tập thơ bao cấp, bởi thị trường sách đã thay đổi. Không còn chuyện một tập thơ tầm tầm cũng có thể được in với ti-ra năm hay mười ngàn bản, và không biết tiêu thụ vào những đâu mà cũng hết veo! Thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi chứng kiến cảnh những nhà thơ phải tay xách nách mang, vừa tự in vừa tự phát hành thơ mình. Đã xuất hiện những nhà thơ lang thang với một túi thơ to đùng, đi hết cơ quan này đến xí nghiệp khác, trổ tài thuyết khách cỡ Tô Tần Trương Nghi đế, với một mục đích khiêm nhường: "Xin anh (hay chị) mua giúp cho dăm tập thơ nhà giồng được". Nhiều lúc, người bán thơ phải cúi mặt, và người mua thơ thì chặc lưỡi: "Em cũng liều với bác, mua cho Công đoàn cơ quan làm phần thưởng cuối năm vậy!" Thơ rớt giá đến thế ư? Đúng và không đúng. Xưa nay, thơ chưa từng là mặt hàng kinh doanh. Ở ngay những nước phát triển nhất, trừ một ít nhà thơ có thể bán chạy được thơ mình nhờ những lý do trong và ngoài thơ, thì số nhà thơ đông đảo còn lại đều chỉ coi in thơ là để ... tặng, để chơi, và phải sống nhờ vào nhiều nguồn khác, trong đó có nguồn tài trợ của những Mạnh Thường quân. Nhưng không vì thế mà thơ mất giá, mà người ta coi thường thơ. Bởi phải tính thơ ở một khung giá trị khác, không cùng khung của kinh tế thị trường. Thơ là tiếng nói của tâm linh, tiếng nói của sự chiêm nghiệm nhiều khi là cả đời người, của nhiều đời người. Ở những tập thơ có giá trị cao, chúng có thể là "Kinh thánh của tâm hồn", là thứ không thể mua và không thể bán. Nhưng lại không thể thiếu cho con người. Hiểu điều ấy là có thể thanh thản mà sống với Thơ. Bây giờ cũng có những người in thơ lấy danh, in thơ để kiếm cái "cửu phẩm" - cái thẻ hội viên Hội Nhà văn - nhưng có thể số "nhà thơ kinh tế thị trường" ấy không nhiều. Nhiều hơn, là những nhà thơ coi thơ là nghiệp, những người làm thơ coi thơ là tiếng nói nội tâm, là khoảnh khắc phát lộ của mình với thế giới. "Phải có danh gì với núi sông" - ở đây phải hiểu chữ danh của cụ Nguyễn Công Trứ một cách sâu xa hơn, phổ quát hơn. Con người khát khao in một dấu ấn nào đó của cuộc tồn sinh ngắn ngủi của mình vào dòng đời có vẻ bất tận kia. Đó là một khát khao cao đẹp, từ đó mới nảy ra biết bao sáng tạo, biết mấy hy sinh, cơ man là thất bại - những thất bại trong danh dự. Mười năm thơ Việt cuối thế kỷ là mười năm có những chuyển động ngầm, như những khối sóng dưới lòng sông sâu, những chuyển động có một bề nổi hòa hoãn nhưng một bề chìm quyết liệt, nhiều lúc không khoan nhượng. Có thể coi điểm mở đầu của thập kỷ vừa qua là một tập thơ "lạ" tập "Bến lạ" của Đặng Đình Hưng. Khác với bóng đá, một cầu thủ chỉ có thể cống hiến cho nghệ thuật của trái bóng tròn tối đa là tới 40 tuổi, trong thơ, một nhà thơ có thể hoàn thành sự nghiệp của mình vào năm 17 tuổi như Rimbaud, lại có thể phát lộ tài thơ khi đã tuổi lục tuần hay tuổi thất thập cổ lai hy". Đặng Đình Hưng là nhà thơ "chín muộn" như thế, muộn đến nỗi ít ai trông đợi trái quả thơ này sẽ chín trước khi lìa cành. Vậy mà Đặng Đình Hưng đã có một "Bến lạ", một "Ô Mai" trước khi từ giã cõi trần. Tập thơ "Bến lạ" được in ra một cách lặng lẽ, với ti-ra 500 bản, không hề bán, nhưng người sành thơ, mới đọc đã biết ngay đây là một thứ quả quí, dù lạ. Tập thơ đã đi ra ngoài những đường những lối thường gặp trong thơ Việt lâu nay, nhưng nó lại nhấn vào tâm can người đọc, dù là người ít chuyên môn về thơ, một cái gì tựa như alcool, lạnh và cháy bỏng. Một chiêm nghiệm, một nếm trải suốt một đời người được thể hiện dưới một hình thức hoàn toàn tự do, có vẻ như bất chợt, không bố cục, không cấu trúc, không dàn dựng, đúng như những ngẫu nhiên va đập của cuộc đời mà tác giả phải nếm chịu. Hành trình về "bến lạ" của Thơ, với Đặng Đình Hưng, là một hành trình đau khổ, "đi qua những đau khổ" - nhưng toàn tập thơ lại như lời bập bẹ của trẻ thơ, hồn nhiên đến khiến ta phải rơi nước mắt. Có thể, thơ văn xuôi, thơ tự do không còn là mới trên thế giới này, cả với Việt cũng vậy. Nhưng thơ tự do, thơ văn xuôi của mỗi nhà thơ, của một cá nhân, một cá tính sáng tạo, thì luôn luôn mới. Mỗi thời đại có nghệ thuật của nó. Người làm thơ bây giờ có thể sáng tác với tất cả thể loại thơ khác nhau, kể cả thơ Đường luật, thơ lục bát. Nhưng dường như, thời đại này thích hợp nhất với thơ tự do, mà đỉnh cao của nó là thơ văn xuôi. Bởi nhu cầu thuộc thơ, nhớ thơ từng bài, nhiêù bài bây giờ không phải là yêu cầu số một nữa. Thời đại tin học đã có đủ phương tiện máy móc để làm việc lưu giữ, có đủ những "bộ nhớ" vĩ đại để nhớ bằng hết những gì cần nhớ. Trong khi, đọc một bài thơ văn xuôi, quả thật người có trí nhớ tốt cũng thấy khó nhớ, khó thuộc. Nhưng cần gì, miễn bài thơ ấy tác động đến tâm hồn anh, đến cảm xúc của anh, nó đảo lộn được một cái gì đó vốn đều đặn trong anh, nó làm "lệch kim" cái đồng hồ thói quen của anh, vâỵ là đạt rồi, thỏa rồi. Có thể nói, bắt đầu thập kỷ chín mươi, tập thơ "Bến lạ" đã khơi luồng cho một "bến mới" để từ đó "ra khơi" một số tập thơ khác, một số nhà thơ khác. Sự ảnh hưởng trong văn học là chuyện bình thường, miễn là ảnh hưởng tích cực đến cá tính sáng tạo, không làm nhòe mờ đi những cá tính sáng tạo khác nhau. Sang năm 1993, tập thơ "Người đi tìm mặt" của Hoàng Hưng lại khơi lên một ít tranh cãi, nhưng nhiều người đọc đều công nhận những tìm tòi trong tập thơ này phát xuất từ tâm huyết, từ những trải nghiệm rất cá nhân và không còn là của một cá nhân. Những gì Hoàng Hưng phải chịu đựng để từ đó có thơ, là những gì mà bất cứ người bình thường nào cũng không hề muốn có cho mình, nhưng lại đều có thể phải trải qua. "Với nhà thơ chúng ta - phẩn thưởng - chính là số phận mình" Một nhà thơ Nga đã viết như vâỵ. Thật chí lý. Với tập thơ của Hoàng Hưng, câu nói ấy cũng thích hợp. Tình yêu tha thiết và đầy dâng hiến với Thơ, những chịu đựng vì Thơ đã khiến những tìm tòi của Hoàng Hưng mang sức nặng của chính đời sống mà anh đã nếm trải. Luôn luôn, thơ là những tự tìm đường cho mình, và niềm hạnh phúc của một nhà thơ là viết được những câu thơ không giống ai, dù "ai" đó là những bậc thầy. "Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường. Bởi vì, những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của Nghệ thuật. "Văn Cao đã viết như vậy từ thập kỷ 50, và tuyển tập "Văn Cao Thơ" của ông được in năm 1994 đã chứng tỏ những gì ông nghĩ từ 40 năm trước là đúng, ít nhất là đúng với chính thơ ông.Chỉ có điều, thơ Văn Cao đã không thất bại, dù nó kiên quyết không đi theo những lối mòn. Văn Cao đã không chịu sửa thơ không vần của mình thành thơ có vần cho "theo kịp thời đại" như ai đó đã làm. Văn Cao cứ viết bằng tất cả xúc cảm, tất cả chiêm nghiệm của mình, với một hình thức biểu đạt thoải mái nhất, tối giản nhất có thể được. Không rậm rạp, không màu mè, chẳng bày biện, thơ Văn Cao đi thẳng tới mỗi người đọc, chìa cho người đọc bàn tay chân tình không một chút so đo. Thơ ông đã được đón nhận cũng một cách chân tình và giản dị đúng như cách ông đã bằng thơ của mình đi tới với mọi người. Năm 1994 cũng là năm "tái xuất hiện" tập thơ "Về Kinh Bắc" của Hoàng Cầm. Gọi "tái xuất hiện" vì trước đó nhiều năm, tập thơ chép tay này đã được đón đọc bởi không ít người, nhất là trong giới làm thơ với nhau. Hoàng Cầm với thơ của mình là một "kênh" riêng. Thơ ông ám vào đời ông, và đời ông ám vào thơ ông, những ám ảnh đâỳ cảm giác, đầy ma mị, những trạng thái xuất hồn, những tiếng kêu nghẹn ngào  bị chìm khuất, dòng quan họ như tơ trời giăng mắc, vẻ mềm mại đến phải ngờ vực của một hồ nước trong không thấy đáy. Góp một tiếng nói rất riêng dù rất "đậm đà bản sắc dân tộc" vào thơ Việt hiện đại, Hoàng Cầm đã có thể bình thản nghe nhịp dòng đời trôi qua con phố nhỏ nơi mình cư trú. Và Trần Dần với trương ca "công tỉnh", với tập thơ "Mùa sạch" được in khi ông đã qua đời, Trần Dần một con hổ trong thơ mà những cú quật đuôi nghe như gió rít bên tai. Trần Dần thà đi quá chứ không chịu đi nửa vời, quyết tìm đến những đường biên mông lung của lời chữ Việt, thanh điệu Việt. Những tìm tòi của ông không phải thảy đều thành công, nhưng chúng kêu gọi người làm thơ tự phá bỏ những thói quen ngôn ngữ vây bủa mình bao lâu nay, cùng dấn bước vào cái chưa biết, vào những lối đi mới không có nhiều hứa hẹn nhưng lại đầy cảm khái của người vượt những ba-ri-e hữu hình và vô hình. Năm 1994 cũng ghi nhận sự xuất hiện của tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều, một nhà thơ không trẻ nhưng chưa già và không muốn đưa thơ đi theo những lối mòn. Gọi thơ Thiều là đổi mới so với thơ Việt thời điểm ấy cũng đúng, nhưng gọi đó là thơ cách tân thì chưa phải. Bởi sự đổi mới ở đây chưa phải thật sự từ gốc rễ, từ căn cốt của nhà thơ, mà nhiều khi còn ở bên trên hay bên ngoài. Dù sao, thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã ảnh hưởng tới một số nhà thơ trẻ, ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. Một vài nhà thơ trẻ bắt đầu làm theo kiểu "tùm lum" mà cứ tưởng là sáng tác theo dòng ý thức hay vô thức. Một số khác lại tăng cường "nhập khẩu" một số kỹ thuật thơ Phương Tây theo kiểu nhập IKD xe gắn máy rồi hì hục lấp ráp tại quê nhà thành sản phẩm thơ mang nhãn hiệu HONGDA hay MACHE gì đó. Nhưng thơ lại không đơn giản vậỵ, nếu người ta biết nhiều khi trong quá khứ có người chỉ vì một câu thơ một bài thơ mà mất mạng. Làm thơ bây giờ an toàn hơn, nhưng không vì thế mà có thể cho ra những sản phẩm quá ít tốn tâm huyết. Mà để làm cơ chứ? Những năm cuối thế kỷ 20 với rất nhiều biến động trong chính trị, trong kinh tế, trong khoa học kỹ thuật, nhưng lại không có nhiều biến động trong thơ. Đã hình thành một đội ngũ những nhà thơ trẻ ở Việt , nhưng một hiện tượng đột xuất như cô gái sinh năm 1980 Vi Thùy Linh thì quả không nhiều. Với hai tập thơ KHÁT (1999) và LINH (2000), Vi Thùy Linh đã là một hiện tượng của thơ Việt hiện đại. Đó là một thứ thơ bùng nổ, quay quắt, không chấp nhận những lề thói cũ, những yên ổn cũ. Đó là sức nghĩ và sức bút quá tuổi của một cô bé còn ở tuổi làm thơ "mực tím" hay "áo trắng". Rất mừng vì sự xuất hiện này, nhưng cũng thấy nó lẻ loi làm sao ấy! Nhưng có lẽ, xưa nay thơ chưa từng "đông vui", chưa ở đâu đông vui mà thành thơ bao giờ. Những nhà thơ lớp trên 50 tuổi, "thế hệ thơ chống Mỹ" như người ta vẫn gọi, giờ thì không chống Mỹ nữa, nhưng vẫn còn làm thơ. Thơ họ cũng đã chín, và những người  tự biết nhất trong số họ đã thề chỉ làm thơ khi còn cảm xúc, còn bức xúc, và coi sự tích chứa năng lượng cho thơ là công việc hàng ngày của mình. Một số "nhà thơ lính" trẻ hơn một chút như Trần Hùng lại không cam chịu làm cái bóng của những đàn anh đi trước. Họ trăn trở, và quyết tìm cho mình một giọng điệu riêng, một cách tiếp nhận và thể hiện riêng phù hợp với những gì mà chính bản thân và thế hệ mình đã từng trải. Cùng thế hệ chống Mỹ, nhưng chín hơi muộn hơn, có Hoàng Trần Cương với trường ca TRẦM TÍCH, một trường-Nghệ-ca dữ dội như núi sông và khí chất người xứ Nghệ. Đó là một trường ca "rút ruột ra mà viết", viết như điên như cuồng vì một tình yêu cháy ruột với quê hương mình, đồng bào mình, bà con làng xóm mình, gia đình mình, cha mẹ mình. Người Nghệ, vốn rất mạnh về lý, về sức học nhưng ít mạnh về cảm giác,  về trực giác. Nhưng Hoàng Trần Cương là một trường hợp ngược lại, anh tỏ ra mạnh về cảm giác, về trực giác, về bản năng, một "bản năng gốc" hẳn hoi. Mà gốc Nghệ, ấy mới là điều thú vị. Thơ mười năm cuối thế kỷ, kể ra chắc mãi chưa xong những tên nhà thơ, tên các tập thơ, vì nó nhiều quá. Nhưng nếu nói tắt một lời, thì thơ âý đang vận động, đang tìm những lối ngõ không còn nhiều để bứt lên, phá ra. Dĩ nhiên, có những nhà thơ trung thành với một cách thể hiện của mình, chắc chân với lối đi của mình cũng đã hái lượm nhiều thắng lợi. Thơ chẳng ai giống ai, chẳng ai mong giống ai, và không có lối đi nào chung cho hai nhà thơ cả. Đó là thách thức, và cũng là cái làm nên sức quyến rũ của thơ.

THANH THẢO

(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng