Nghiên Cứu & Bình Luận
Sự đau khổ tột cùng trong thơ Hàn Mạc Tử
16:04 | 22/05/2008
"Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)
Sự đau khổ tột cùng trong thơ Hàn Mạc Tử

Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 ở Lệ Mỹ (Đồng Hới), mất ngày 11 tháng 11 năm 1940 ở Bình Định. Trú ngụ ở Qui Nhơn từ nhỏ, nhà nghèo, cha mất sớm. Học ở trường Qui Nhơn đến năm thứ ba. Làm ở Sở Đạc điền một độ, bị đau rồi mất việc. Vào làm báo ít lâu rồi lại trở về Qui Nhơn. Kế đó mắc bệnh hủi (cùi hay còn gọi là bệnh phong, một tứ chứng nan y thời đó), đưa vào nhà thương Qui Hòa rồi mất tại đây khi mới 28 tuổi. Mộ ông hiện đặt tại Ghềnh Ráng - Qui Nhơn.
Cuộc đời và sáng tác của ông, như Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết trong Thi nhân Việt : "Không bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn và chứng bệnh kinh khủng dã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người đó bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn tan rã...
Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn".
Điều lạ lùng là, Hàn Mạc Tử không bao giờ than phiền về bệnh tật của mình, ông chỉ từ trong khổ đau, cô đơn ghẻ lạnh của người đời (có phần gớm ghiếc nữa do hiểu biết khoa học và quan niệm của xã hội lúc ấy) để viết nên những bài thơ, những câu thơ tươi sáng của tâm hồn hoang đường mộng ảo như một niềm an ủi, một linh hồn đau khổ nhỏ bé dưới bàn tay sắp đặt của Chúa. Mấy trăm năm trước, đức Chúa phái những môn đồ thừa sai phiêu lưu của mình đến quê hương của tổ tiên ông với hành trang chỉ có cuốn thánh kinh và đầu óc bá trị, tổ tiên ông có tất cả. Nhưng đến đời ông, Francois Trí chỉ còn cuốn thánh kinh và những lời cầu nguyện còn đức Chúa qua những người thừa sai thì có tất cả. Trong nỗi đau khổ, cô đơn tuyệt vọng của một con chiên bị Chúa bỏ rơi ở một mảnh đất xa xứ lạc loài thuộc địa trong cái đế quốc mênh mông của đức Ngài, Hàn vẫn làm kinh ngạc bao thế hệ qua những dòng thơ điên, thơ bệnh của mình. Sự trớ trêu lạ lùng ở con người mà cũng như một tất yếu của tạo hóa là khi thiếu cái gì con người tìm cách bổ sung cái đó, khi khổ đau, khi tuyệt vọng con người lại nghĩ đến sự sung sướng hạnh phúc, đến hy vọng. Nhưng tạo hóa lại lắm lúc tréo ngoe đày ải con người theo hướng những cái thiếu của họ. Bethôven vượt qua sự khiếm khuyết mà tạo hóa sắp đặt cho mình - bệnh điếc - bằng sự tiên cảm và thiên tài sáng tác những bản nhạc nổi tiếng cho người không điếc thổn thức lắng nghe. Bairơn vì một ống chân quá ngắn mà bị trục xuất khắp châu Âu cho tới lúc chết, để lại cho đời những câu thơ đầy ai oán, căm thù. Rutxô bị bệnh đau bàng quang hành hạ và nổi tiếng với khế ước xã hội, ước mong về một trật tự chung, về cái ổn định. Đôxtoiepxki hơn 30 năm sáng tác những tác phẩm làm thán phục Sa Hoàng, lu mờ Tuôcghênhep và L.Tônstoi trong những cơn tỉnh và đau của chứng động kinh kinh khủng, của sự nghèo khổ đến tột cùng và cô đơn bất hạnh.
Và nghịch lý của xã hội loài người trong số phận những thiên tài là họ thường bị ruồng bỏ khi còn sống, tôn vinh ngưỡng vọng khi đã chết. Hiếm người mà khi sống được đề cao, chúc tụng, khi chết được ngợi ca. Cái tật không giống ai của họ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân: ý nghĩ đi trước nên hành động ngồ ngộ khác thói thường, hoặc không nói hoặc nói rất sâu đến mức người ta chịu không được nên kết quả là như thế. Người biết thì nể vì trọng vọng còn người không biết thì không chịu được. Đau khổ, cô đơn, bất hạnh thường là bạn đồng hành của họ. Họ như những võ sĩ trên sàn đấu cuộc đời, bị cuộc đời đánh cho nhừ tử, hết hiệp nọ đến hiệp kia, lắc lư váng vất theo nhịp cồng cho tới lúc gục hẳn. Ở Việt , giai đoạn Hàn sống thì ông và Vũ Trọng Phụng bị võ sĩ cuộc đời hạ gục sớm nhất.
Hàn Mạc Tử làm thơ từ 16 tuổi, cũng đi vào đường thơ từ những bài thơ Đường luật - con đường hầu hết các nhà thơ mới Việt đầu thế kỷ phải đi qua. Thơ Đường luật của Hàn Mạc Tử khá nhiều nhưng đã thất lạc gần hết, số lượng còn lại chỉ là một phần nhỏ. Cái khuôn khổ, niêm luật chặt chẽ của luật thi, cái yêu cầu mỗi chữ phải như một vị đại hiền không thể phù hợp, không thích dụng với Hàn Mạc Tử. Ông đến với thơ mới với sự phóng túng của từ ngữ, sự tự do của niêm luật cho đến khi chết. Những tập thơ của ông gồm có Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộQuần tiên hội. Có lẽ khi gần chết, lời con người thường trong trẻo, hiền minh hơn nên tập thơ cuối viết về tình yêu với nàng Thương Thương lời thơ của Hàn trong sáng hơn cả, còn từ thơ Đường luật tới các tập thơ khác có rất nhiều bài "lời thơ thường vẩn đục" (*).
Hàn là người luôn vươn lên Thượng đế mà không bao giờ với tới, ông nguyện cầu Thượng đế, Đức Mẹ trong cơn đau, trong mê cuồng hồn say nhưng chưa bao giờ khải ca của Thượng đế lại dành cho ông trong nghề nghiệp cuộc đời, trong tình cảm. Ông như một Xiziphơ đẩy một hòn đá lên các đỉnh cao của thơ và bất lực nhìn nó rơi xuống. Hàn đau nỗi khổ đau của bản thân mình và đồng loại. Cuộc đời không ổn định về nghề nghiệp, nhiều thất vọng về tình cảm và đau đớn tuyệt vọng về thể xác bệnh hoạn đã khiến ông quì lạy trong thơ, cầu xin và ca tụng đấng siêu nhiên. Ông dang tay về phía Maria, giãy dụa, hét lên về sự sùng đạo của mình, chỉ mong cho thơ bay lên, ngây ngất đầy ứ :
"Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu...".

(Ave Maria - Xuân như ý)
"Điên cũng không dễ như người ta tưởng đâu" (Xuân Diệu - Thơ của người - Ngày Nay ra ngày 7/8/1938). Lên cơn điên là nguồn gốc của những cái mà đời sau khi Hàn mất người ta bình phẩm, nhận định mãi. Sản phẩm của cơn điên ấy là : "Tôi xin hứa với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử" (Chế Lan Viên - Người Mới số 5 ra ngày 23/11/1940). Thơ của Hàn không lẩn tránh, kể cả những gì mà những người "mực thước" hay lẩn tránh thì qua thơ Hàn, người ta lại khen hết lời và thuộc như trọn:
"Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi"...
"Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe"
(Bẽn lẽn - Gái quê)
Vầng trăng qua thơ Hàn không còn là một trạng thái mà là một sinh thể, một sinh thể lôi cuốn đầy lửa nóng, đầy mâu thuẫn mê hoặc có sức hút mọi người vào tất cả những thái quá về ngôn từ và ý tưởng. Trăng trong thơ Hàn không kinh dị mà sáng láng đầy mộng ước. Một khối thể vật chất trong vũ trụ đã là mốc ghìm giữ và thả bay tâm hồn Hàn vượt qua nỗi đau thể xác để vươn đến cái kỳ vĩ, cái vĩnh hằng của khát vọng con người. Giai đoạn nào của lịch sử xã hội nói chung và cá nhân chủ thể nói riêng cũng đều có những nỗi đau, nhưng có lẽ Hàn Mạc Tử cảm nỗi đau riêng của mình là mạnh mẽ, là sâu sắc nhất nên ở ông cái gì cũng có dấu ấn Đau thương. Trăng của các nhà thơ khác thì huyền bí, ảo diệu, hạnh phúc và đầy cảm hứng. Trăng của Hàn thì đầy cả hồn, cả máu. Nhà thơ ngậm trăng, khạc hồn ra khỏi miệng, điên cuồng mửa máu từ miệng ngậm trăng. Trăng, hồn và máu đều từ thân xác, thân xác Đau thương.
Các bi kịch của Hàn bắt đầu ở nơi mà các bi kịch khác kết thúc, giai đoạn nào cũng là bi kịch, nặng hay nhẹ và khi kết thúc nó đã là mầm mống nuôi lớn bi kịch tiếp theo. Trong các bi kịch ấy Hàn trở nên "điên" dễ thương một cách thiên tài. Đối với Hàn, tình yêu và sự đòi hỏi được yêu, khát vọng hòa hợp khác giới chính là nguồn cảm hứng cho những bài thơ hay. Ý nghĩa lớn lao của các bài thơ về tình yêu trong số phận Hàn không hạn chế ở sự chinh phục một người đàn bà mà là ở sự thoát thai, đốn ngộ, phiêu khoáng của thiên tài trong lúc thất vọng, trong khi đau khổ. Hàn ngộ được cái bi kịch ấy, sống chung với nó và lấy nó để diễn tả thảm kịch tâm hồn mình qua lời thơ, ý tưởng.
Chẳng hiểu có phải định mệnh bắt buộc hay không nhưng ngay từ những bài thơ lúc chưa bị bệnh nan y, thơ Hàn đọc lên đã nghe có mùi vị của sự khổ đau, của tuyệt vọng đến nao lòng:
"Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên"...
"Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên trang giấy mong manh".

Có gì đó giống nhau về nhận xét của một số tác giả về thơ của Hàn - ví dụ như trong Lịch sử Văn học Việt Nam 1930 - 1945, Tập 5, NXB Giáo dục, Hà Nội năm 1973 và một vài tài liệu khác, tôi thấy chưa hợp lý vì nhận xét như vậy có gì đó không ổn. Người lành lặn, khỏe mạnh làm sao biết nỗi đau của người đau được, chỉ có thể cảm thông, an ủi mà thôi. Sao lại lấy trạng thái tâm lý của người bình thường mà bình và phán xét tâm hồn bi kịch của Hàn khi thể xác bị hành hạ đến tuyệt vọng "Đây không phải là một hồn thơ điên loạn, mà là một hồn thơ ý thức về nỗi đau con người. Nghệ thuật chân chính là khi nó diễn tả tinh tế thần thái nỗi đau con người" (Phùng Quí Nhâm).
Thế giới trong thơ Hàn Mạc Tử là thế giới thực và mộng ảo, thế giới của nỗi đau và khát vọng về cuộc sống con người. Con người trong thơ Hàn chơi vơi, phiêu lãng kỳ dị, biến hóa và tràn đầy sức sống :
"Cả miệng ta là trăng, là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng
Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây".
Sau những phút mơ khoái lạc ấy là thực tại, là nỗi đau và cô đơn :
"Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai
Bức thư kia sao chẳng viết cho dài
Cho khăng khít nồng nàn thêm chút nữa"
Trong thơ Hàn "đầy yếu tố.. của chủ nghĩa siêu thực' (Đỗ Lai Thúy). Một cảnh vật, một hiện tượng thiên nhiên trong thơ ông cũng đậm chất siêu thực:
"Sao bông phượng nở trong màu huyết
nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu"
Cảnh vật hiểu theo nghĩa khác, nghĩa đau thương hơn, con người trong thơ chảy ra, méo mó biến hóa giữa những hiện tượng tự nhiên để nói lên cõi lòng đau khổ mơ tưởng của Hàn. Cách tư duy nhìn nhận sự vật, đầu óc thiên tài kỳ quặc lại bị bệnh tật hành hạ, sống trong cô đơn, xa lánh đã khiến ông luôn phân thân, hoang tưởng và mộng mơ huyễn hoặc. Hàn Mạc Tử giống những người khám phá đã tạo ra một mảnh đất riêng, một phương thức canh tác riêng về thơ: điên điên nhưng ngay người tỉnh cũng không làm được, đầy yếu tố siêu thực về những chủ đề gợi cảm nhất của thơ. Hàn xông vào với cách riêng, xây đắp và để lại dấu ấn rồi vội vã ra đi để lại cho mọi người những bí ẩn tha hồ khám phá, "không kết thúc tạo nên sự lớn lao của anh" (Gơtơ). Hàn thâm nhập vào tâm hồn con người một cách sâu sắc mà lúc đó ở ta ít người biết rõ các trạng thái tâm lý đó ở dạng người như Hàn. Sau này người ta định nghĩa về nó nào là phân tâm học, là thần giao cách cảm, là ảo giác, là những mộng mị có phần thiên về ý tưởng hành động mạnh của bệnh lý. Hàn mô tả chúng qua những ý thơ, lời thơ trong các tác phẩm của mình, trong sự tòng phạm của chứng bệnh hành xác nhà thơ, đẩy Hàn đến những trạng thái thái quá của tâm hồn (sự điên loạn, hoang tưởng) và sự thái quá của tình cảm (khát vọng hành động trong yêu đương, trong tình cảm). Nhưng đau khổ, thất vọng nhiều khi lại nảy sinh những tuyệt tác như Đây thôn Vỹ Dạ.
Để kết thúc bài viết, tôi chỉ xin một điều là nếu có bình thơ Hàn, xin hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của Hàn, cố gắng hiểu và đau nỗi đau của Hàn, thấm cái tuyệt vọng của Hàn rồi hãy bình. Đành rằng bình văn thì thiên hình vạn trạng nhưng đừng vẽ chân cho rắn và phải tìm hiểu thực tế chứ đừng bình một chặp Thôn Vỹ Dạ sương khói ảo mờ trong thơ của Hàn lại giống như xóm Bình Khang thì điên thật chứ không phải điên sáng tạo.
Huế, tháng 3-2001

TRẦN ANH PHƯƠNG
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng