Nghiên Cứu & Bình Luận
Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Thừa Thiên Huế những năm đầu thế kỷ XX (1900 - 1945)
14:45 | 30/04/2017
Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Thừa Thiên Huế những năm đầu thế kỷ XX (1900 - 1945)

2. Các tác giả, tác phẩm ở Huế
2.2. Trần Thanh Mại - nhà phê bình chân dung

Trần Thanh Mại (1911 - 1965), quê làng Tiên Nộn, tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Sinh trưởng trong một gia đình quan lại, đỗ tú tài Pháp, làm văn, viết báo từ những năm 30, cộng tác viên đắc lực của tờ Phụ nữ tân văn. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ngoài tập truyện ngắn đầu tay Ngọn gió rừng (1932), ký sự nhân vật Tuy Lý Vương (1938) và tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương Quyền (1944), ông đã có hàng loạt công trình phê bình chân dung văn học như Trông dòng sông Vị (1935), Hàn Mặc Tử (1942), Đời văn (1942). Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp, ông tham gia công tác trong ngành giáo dục, là giáo viên của trường Trung học phổ thông Lam Sơn, Thanh Hóa. Sau năm 1954, ông về công tác ở Bộ Giáo dục, phụ trách tạp chí Giáo dục nhân dân, sau đó về Viện Văn học, phụ trách Tổ văn học Việt Nam cổ cận đại, và công tác ở đây cho đến lúc qua đời. Với Trần Thanh Mại, sáng tác dường như chỉ là để thử bút, bằng chứng là sau Cách mạng tháng Tám, ông chỉ đi sâu vào nghiên cứu lý luận, phê bình văn học và tiếp tục cho ra đời những tác phẩm như Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương (1957), Tú Xương, con người và nhà thơ (1961), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1858 - 1900 (chủ biên, 1964). Ngoài ra, ông còn có các bài nghiên cứu về các tác gia lớn trong nền văn học dân tộc như Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Tùng Thiện Vương…

Theo Đặng Thị Hảo và Nguyễn Phương Chi trong Tự điển văn học thì “tuy có viết một số truyện ngắn, ký sự và tiểu thuyết lịch sử, nhưng thiên hướng của Trần Thanh Mại vẫn là nghiên cứu, phê bình. Song trong các công trình xuất bản trước năm 1945, Trần Thanh Mại không đơn thuần khảo cứu phê bình, mà luôn kết hợp phê bình và miêu tả, nghiên cứu và dựng chân dung nhà văn, vì vậy rất khó xác định chúng là công trình nghiên cứu hay là sách danh nhân” (11, tr. 1805). Điều ấy là tất yếu, bởi nó diễn ra ở thời điểm mà lý thuyết về văn chương hiện đại mới hình thành, quan niệm về các thể, các loại và các tiểu loại chưa được xác định, thì sự xâm nhâp về đặc trưng thể loại tạo nên biên độ giao thoa giữa chúng không thể tránh khỏi. Đặc điểm dễ nhìn thấy trong phê bình văn học của Trần Thanh Mại, không chỉ nhằm vào việc phân tích tác phẩm mà còn nhằm khắc họa chân dung tác giả, hay như chính ông đã từng thừa nhận việc làm của mình là “lấy cuộc đời tác giả để cắt nghĩa tác phẩm”, đó thực chất là phương pháp phê bình tiểu sử học, mà cha đẻ của nó là nhà thơ lãng mạn Pháp Sainte - Beuve.

Khác với phê bình ấn tượng mang tính chủ quan, lấy chủ thể nhà phê bình làm thước đo thẩm định tác phẩm, còn phê bình tiểu sử lấy chủ thể nhà văn làm đối tượng dữ liệu để cắt nghĩa tác phẩm nên mang tính khách quan. Trong chỉnh thể của đời sống văn học hiện thực - tác giả - tác phẩm - người đọc, phê bình tiểu sử chỉ chú ý đến mối quan hệ tác giả - tác phẩm, coi tác giả là yếu tố qui định tác phẩm theo nguyên lý nhân quả. Để hiểu tác phẩm, nhà phê bình phải tìm hiểu các yếu tố sau: một là, những người thân của nhà văn như ông bà, cha mẹ, anh chị em, là những người nhà văn không được chọn lựa, nhưng có ảnh hưởng rất lớn; hai là, bạn bè, thầy dạy, người yêu hay vợ, là những người nhà văn có thể lựa chọn, theo kiểu “hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào”; ba là, những ảnh hưởng lớn khác như bệnh tật, tôn giáo, nghiện ngập hay đời sống kinh tế. Phê bình tiểu sử du nhập vào Việt Nam và dễ ăn sâu, bám rễ, bởi nó phù hợp quan niệm văn chương trung đại. Truyền thống “thi dĩ ngôn chí” buộc lòng phải chú ý đến tiểu sử tác giả trước tiên, mới có thể hiểu được nội dung tác giả muốn ký thác trong tác phẩm. Vì vậy, phê bình tiểu sử ở nước ta gần gủi với truyện ký danh nhân, mà Trần Thanh Mại là người tiêu biểu. Không chỉ trong phê bình văn học, mà cả trong ký sự nhân vật (Tuy Lý Vương) và tiểu thuyết lịch sử (Ngô Vương Quyền), ông cũng đã thể hiện điều này một cách nhất quán.

Ngay từ tên của tác phẩm đã thể hiện khát vọng bước chân vào lãnh địa của phương pháp phê bình tiểu sử, khi nhà phê bình tắm mình trong dòng sông Vị Xuyên để nhấm nháp dư vị ngọt ngào trong thế giới tâm hồn Tú Xương. Khi đứng Trông dòng sông Vị (Trần Thanh Địch xuất bản, Huế 1935), Trần Thanh Mại lội ngược theo dòng đời của nhà thơ Tú Xương để nhận ra cái kết thúc bi thảm: “Ngày ấy, nhà quê ngoại ở làng Đệ Tứ, huyện Mỹ Lộc có giỗ. Trời mưa, tiết lạnh. Ông Tú phải đi bộ từ Nam Định về. Đường xa, sức yếu - tuy ông mới 37 tuổi - cái tuổi bình thường hùng dũng lực lưỡng trong quãng đời người, nhưng ông thì thật là suy nhược, vì trăm nghìn nỗi cay đắng chịu đã bấy chầy, vả lại có lẽ ông phải bệnh đau tim, sinh ra từ buổi chơi bời, lêu lổng: “Một chè, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó khuấy ta”, nên khi đến nơi nhà giỗ, sau những câu chuyện hàn huyên lấy lệ, trao đổi với bà con gần xa, cùng họp ở đấy để dự lễ, sau khi uống một vài chén rượu cho ấm bụng, ông xin lên tự đường, tạm nghỉ lưng trong khi đợi chờ giờ cúng. Ai hay đó là cái điềm những con vật kỳ linh, biết giờ tận số, lui vào chốn thanh tịnh, uy nghiêm, thâm bí, để chết cho yên, để che con mắt kẻ phàm trần thấy được cái mầu nhiệm của linh hồn khi rời nơi gió bụi! Lúc người nhà vào gọi dậy, thì Tú Xương đã mất tự bao giờ” (12, tr. 1139, 1140). Thật ra, ở đây người viết chưa thật sự bước vào thế giới phê bình tiểu sử, mà chỉ là bước trung chuyển, còn lơ lửng giữa truyện ký danh nhân và phê bình tiểu sử. Phải đợi đến Hàn Mặc Tử, mới thật sự là một tác phẩm phê bình tiểu sử hoàn chỉnh, khi nhà phê bình đã chọn ra một cách chính xác ba vấn đề cốt lõi là động lực khởi nguyên trong thơ Hàn: tôn giáo (Ki tô giáo), bệnh tật (bệnh hủi) và những người đàn bà. Trần Thanh Mại đã phần nào cắt nghĩa được nội dung những bài thơ, thể hiện những hạnh phúc và đau khổ của Hàn qua cơn bệnh hiểm nghèo và những người tình như Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Thương Thương. Ông còn lý giải được những biểu tượng lặp đi lặp lại trong thơ Hàn như trăng, hồn, máu là do vi trùng hủi thường hoạt động mạnh vào mùa trăng, tạo ra sự đau đớn cho thi nhân, hoặc những cảm nhận về thế giới mãnh liệt, sự giàu có về chất nhạc và hình tượng là cảm quan tôn giáo, bệnh tật và sự cô đơn tạo nên. Tất nhiên, trong tác phẩm được coi là tiêu biểu nhất cho phê bình tiểu sử ở nước ta này, do phương pháp của nó, cũng không tránh khỏi những sai sót. Bởi, làm sao có thể nắm hết được dữ liệu về cuộc đời tác giả? Việc phản bác lại Trần Thanh Mại của người em trai Hàn là Nguyễn Bá Tín, trong Hàn Mặc Tử, anh tôi (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1991) là một minh chứng. Hơn nữa, không phải bao giờ cũng trùng khớp theo kiểu “văn tức là người”, mà có khi có những trường hợp ngược lại như L. Tolstoi, Dotstoievski, Vũ Trọng Phụng...

2.3. Đào Trinh Nhất - nhà nghiên cứu, biên khảo

Đào Trinh Nhất (1900 - 1951), tự là Quán Chi, con trai của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, con rể của nhà yêu nước Lương Văn Can, quê gốc ở Thượng Phán, Quỳnh Côi, Thái Bình, nhưng sinh ra và lớn lên ở Huế. Thuở nhỏ học chữ Hán, lớn lên ra Hà Nội học chữ Pháp và quốc ngữ, từng du học ở Pháp (1925 - 1926). Năm 1929, về nước và làm việc tại Sài Gòn, với tư cách là ký giả, nhà văn, nhà nghiên cứu biên khảo, cho đến khi qua đời. Đào Trinh Nhất từng làm chủ bút và cộng tác với các báo như Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh, Trung hòa nhật báo, Trung Bắc Chủ nhật (Hà Nội), Phụ nữ tân văn, Thần chung, Đuốc nhà Nam, Mai, Cải tạo (Sài Gòn), Tràng an (Huế)… Ngoài những sáng tác như các tiểu thuyết lịch sử Phan Đình Phùng (1936), Lê Văn Khôi (1942), Bùi Thị Xuân (1942), hoặc các truyện ký Cô Tư Hồng (1942), Con quỷ phong lưu (1943), thành tựu lớn nhất của Đào Trinh Nhất, cũng là thiên hướng chủ yếu của ông, đó chính là nghiên cứu biên khảo, với các tác phẩm được công bố trên cả ba miền đất nước như: Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ (Hà Nội, 1924), Cái án Cao Đài (Sài Gòn, 1929), Chu Tần tinh hoa (Huế, 1935), Nước Nhật Bản ba mươi năm duy tân (Huế, 1936), Việt Nam Tây thuộc sử (Sài Gòn, 1937), Đông Kinh nghĩa thục (Hà Nội, 1937) Đời cách mạng Phan Bội Châu (Hà Nội, 1938), Việt sử giai thoại (Hà Nội, 1942), Vương Dương Minh (Sài Gòn, 1943), Vương An Thạch (Sài Gòn, 1943)… Ông còn dịch tác phẩm của Phan Bội Châu và Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh sang quốc ngữ.

Tiếp thu từ truyền thống gia đình tinh thần yêu nước và khát vọng xây dựng và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của ông trong cả sáng tác và nghiên cứu là nhằm vun đắp cho “tòa nhà quốc học” mà các nhà văn hóa và yêu nước tiền bối dày công vun đắp và cống hiến suốt đời. Vì vậy những công trình khảo cứu của ông, đều tập trung vào các vấn đề văn hóa - lịch sử, cho dù ông có viết về những vấn đề của xứ người (Nước Nhật Bản ba mươi năm duy tân) cũng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, nhằm thức tỉnh nhân dân phải biết tự tôn, tự cường trước hết là về mặt ý chí và tri thức văn hóa vốn quý của dân tộc. Về phương pháp nghiên cứu, sẵn tiếp thu được những thao tác, cách thức làm việc theo tinh thần khoa học của Âu Tây, được ông vận dụng một cách nghiêm túc, thận trọng, khiến cho khi đọc ông, dù không rõ nguồn gốc xuất xứ, người ta vẫn có được sự tin cậy một cách xác tín.

3. Những người từ nơi khác đến và định hình tư cách nhà phê bình trên đất Huế

Những năm nửa đầu thế kỷ XX, nhiều tác giả sinh ra ở nhiều miền quê khác nhau, từng đến sinh sống ở Huế ít nhiều có tham gia viết lý luận, phê bình văn học như Phạm Quỳnh, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử… nhưng có hai người sinh thành cái tư cách nhà phê bình văn học ngay trên đất Huế, đã gắn liền tên tuổi của mình với các tác phẩm đáng chú ý trong tiến trình văn học dân tộc. Đó là Phan Khôi với Nam âm thi thoại in trên các báo, sau in thành sách Chương Dân thi thoại (nhà in Đắc Lập, Huế, 1936) và Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942).

3.1. Phan Khôi với Nam âm thi thoại

Theo Đỗ Lai Thúy, cùng với những bài viết thiên về bình thơ, bình văn của các tác giả như Tản Đà, Trương Tửu, Vũ Ngọc Phan, Trương Chính, những lời Tựa cho các tập thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ, thì những bài “vừa nhận xét, cảm tưởng, giới thiệu hoàn cảnh sáng tác (tiểu truyện), vừa giảng giải của Phan Khôi” được công bố trên các báo Nam Phong tạp chí, Phụ nữ tân văn, Phong hóa, Ngày nay, Tao đàn là những bài phê bình khoa học đầu tiên tuy chưa định hình hẳn một phương pháp, thậm chí còn “là những thiên tuyệt bút của phê bình ấn tượng” (13, tr. 105).

Phan Khôi (1887 - 1959), bút danh là Chương Dân, Thông Reo, Tú Sơn, sinh ra trong một gia đình nho gia ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Từng đỗ tú tài Hán học (1905), tự học quốc ngữ và tiếng Pháp đạt đến trình độ sử dụng một cách thành thạo. Năm 1907, tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, viết cho Đăng cổ tùng báo. Pháp khủng bố phong trào, trở về lại Quảng Nam, bị bắt trong phong trào kháng thuế (1908). Ra tù, lại tiếp tục ra Hà Nội viết cho tạp chí Nam Phong (1918). Từ đây, ông chủ yếu sống ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, viết cho các tờ Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Đông Pháp thời báo, Trung lập, Đông Tây, Tràng an, Hà Nội báo, Tao đàn, Tri tân… Về Huế, chủ trương tờ Sông Hương (1936 - 1939), xuất bản Chương Dân thi thoại (1936), Trở vỏ lửa ra (tiểu thuyết, 1936). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ra Hà Nội, thời kháng chiến chống Pháp công tác ở chiến khu Việt Bắc, tham gia Đoàn Văn nghệ kháng chiến, nghiên cứu, dịch sách, xuất bản Tìm tòi trong tiếng Việt (1950), Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ (dịch của Stalin, 1951). Sau 1954, về Hà Nội, tiếp tục dịch Lỗ Tấn, xuất bản Việt ngữ nghiên cứu (1955), viết các báo tập san Đại học Sư phạm, Văn nghệ, Giai phẩm mùa thu, chủ trương tờ Nhân văn (1956), trở thành nhân vật trụ cột của nhóm Nhân văn giai phẩm, nên bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam (1958). Mất tại Hà Nội 1959.

Phan Khôi ra Huế lần đầu vào năm 1916 và xin vào học lớp Nhì ở trường dòng. Nhưng chưa được bao lâu, gặp đại tang, ông trở về quê chịu tang, rồi mở lớp dạy học. Tháng 3/1918, ông ra Hà Nội cộng tác với tờ Nam Phong tạp chí, tự mở chuyên mục Nam âm thi thoại và tự mình phụ trách, là chuyên mục bình giảng thơ, được coi là những tác phẩm mở đường cho phê bình văn học ở nước ta, sau này về Huế sưu tập in trong Chương Dân thi thoại. Thi thoại không phải là thể văn mới lúc này, vì những ai xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình đều biết rằng người Tàu từ xưa đã viết nhiều thể văn này (chẳng hạn, Tùy viên thi thoại của Viên Mai 1716 - 1797), nhưng ở nước ta thì chưa ai viết, nhất là biến những bài bình giảng, những câu chuyện về thơ ấy thành thể tân văn, viết ra để nhằm in báo, thì Phan Khôi là người đầu tiên. Điều đó phù hợp với “khẩu vị” của tầng lớp độc giả thị dân, khi báo chí bắt đầu phát triển. Vậy là, như đã nói, phê bình văn học với tư cách là một bộ môn khoa học về văn học chỉ có thể hình thành trên cơ sở đời sống báo chí. Nhưng viết thi thoại không phải dễ. Nếu người viết không đủ sức cảm thụ, để biết đánh giá bài thơ nào hay, câu thơ nào đắc thì không thể viết thi thoại được. Ngoài ra, còn phải rành về phép làm thơ, rành mẹo luật, vừa có tư duy phản biện, biết lật ngược vấn đề một cách khoa học, lại vừa có ngôn từ hóm hỉnh, có duyên mới thành thi thoại. Có lẽ, cũng chính nhờ đắm mình trong thi thoại mà ông có được Tình già Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (1932), trở thành người tiên phong khai mở cho phong trào thơ mới!

Chính Phan Khôi đã xác định thể loại: “Thi thoại là sách nói về chuyện làm thơ. Đại để nó thuộc về một thứ sách thuộc về loại sách phê bình văn học” (14, tr. 142). Từ đó, ông đặt ra nhiều yêu cầu cho thơ về ý cảnh và tư tưởng, về tự nhiên và kỹ thuật, về nội dung và nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy, kéo theo, phê bình của ông thường là cảm - bình nhiều hơn là phân tích, nhằm khái quát những vấn đề gây nên ấn tượng chủ quan trong đời sống nội tâm của chủ thể phê bình nhiều hơn là nhằm lý giải tác phẩm. Vì vậy, Đỗ Lai Thúy có lý khi cho rằng ông là một trong những người mở đầu cho phê bình ấn tượng ở nước ta và chỉ mấy năm sau lối phê bình này, đã gặt hái được thành công vang dội với Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh.

Lý luận phê bình văn học ở Huế đối với Phan Khôi còn gắn liền với những cuộc tranh luận về tư tưởng và nghệ thuật, mà một người từng được suy tôn là ngự sử trên văn đàn như ông không thể không can dự vào: về Nho giáo, về quốc học, về thơ mới, về nước ta có chế độ phong kiến không… Nhất là cuộc tranh luận duy tâm hay duy vật giữa ông và Hải Triều diễn ra trong đời sống báo chí, không chỉ ở Huế, mà còn thu hút công chúng cả nước quan tâm. Mặt khác, ở những cuộc tranh luận quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình vận động của tư tưởng - nghệ thuật, ông đều là người mở đầu. Ở cuộc tranh luận duy tâm hay duy vật, diễn ra trong khoảng sáu năm (1933 - 1939), ông mở đầu bằng bài Văn minh vật chất với văn minh tinh thần (Phụ nữ thời đàm, ngày 8/8/1933) và sau đó là các bài Nguyên lý và hiện tượng (Phụ nữ thời đàm, ngày 12/11/1933), Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến (Phụ nữ tân văn, ngày 29/11/1934), Một cái vũ trụ quan còn mờ tối và yếu đuối: Khổng Tử chẳng duy vật mà cũng chẳng duy tâm (Tao đàn, số 12, ngày 16/9/1939). Ở cuộc tranh luận về thơ mới, diễn ra trong khoảng mười năm (1932 - 1942), ông là người châm ngòi với chỉ duy nhất một bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (Phụ nữ tân văn, số 122, ngày 10/3/1932) kéo theo hàng trăm bài viết của hơn sáu mươi tác giả tham gia, để cuối cùng đưa đến sự khẳng định toàn thắng của Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam. Ở cuộc tranh luận về quốc học, kéo dài gần mười bảy năm (1924 - 1941) sau sự mở đầu của Ngô Đức Kế với bài Nền quốc văn (Hữu thanh, số 12, ngày 15/4/1941), ông hăng hái tham gia với loạt bài Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ với thế lực của phụ nữ (Phụ nữ tân văn, số 28, ngày 7/11/1929), Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng (Phụ nữ tân văn, số 31, ngày 5.12.1939), Phải viết chữ quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho trúng (Phụ nữ tân văn, số 56, ngày 12/6/1930), Cảnh cáo các nhà học phiệt (Phụ nữ tân văn, số 62, ngày 24/7/1930), Về cái ý kiến lập hội chấn hưng quốc học của ông Phạm Quỳnh (Phụ nữ tân văn, số 70, ngày 18/9/1930), Luận về quốc học (Phụ nữ tân văn, số 94, ngày 6/8/1931), Bất điều đình (Đông Tây, số 133, ngày 25/4/1932), Sự học chữ Hán thuở xưa với bây giờ (Phụ nữ tân văn, số 159, ngày 14/7/1932), Văn học chữ Hán của nước ta mấy cái văn thể đặc biệt do người mình bày ra mà người Tầu không có (Phụ nữ tân văn, số 169, ngày 22/9/1932), Thanh niên với Tổ quốc: kẻ thanh niên tân học nước ta muốn giúp ích cho Tổ quốc phải làm thế nào (Phụ nữ tân văn, số 172, ngày 13/10/1932), Khái luận về việc học chữ Hán ở nước ta (Tao đàn, số1, ngày 1/3/1939, số 2, ngày 1/4/1939). Thậm chí, có những cuộc tranh luận ông im hơi lặng tiếng, không tham gia bài nào, nhưng vẫn bị lôi kéo, xếp vào chiến tuyến đối đầu, như trong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (1935 - 1939), trong bài Nghệ thuật có tự do chăng? (Tiến bộ, số ra mắt, tháng 2/1937), nhằm chống lại Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư, tác giả Hải Thanh cũng đề “Tặng các ông Hoài Thanh, Phan Khôi, Lưu Trọng Lư và tất cả các nhà văn ở phái duy tâm”.

Phan Khôi là người xuất thân Nho học, ông sống toàn vẹn với giềng mối nho gia, nhưng lại là người mang đậm đặc phẩm chất của con người xứ Quảng, có tư duy phản biện, nhạy bén với cái mới, cái tiến bộ của Âu Tây. Điều đó không chỉ thể hiện trong hoạt động phê bình, tranh luận văn học nghệ thuật, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như ngôn ngữ, chữ viết, triết học, sử học, văn hóa, xã hội, luận lý, chính trị, thời sự… với không dưới một nghìn bài báo trong cuộc đời làm báo của mình. Thiếu Sơn, đã từng rút ra Bài học Phan Khôi một cách chính xác rằng: “Cái đặc biệt ở Phan Khôi là chống công thức (non conformiste)/ Những cái gì người ta cho là phải, là đúng thì ông đưa ra những lý luận, trưng ra những bằng chứng để đưa tới kết luận là trái là sai. Võ Hậu là một con dâm phụ chuyên quyền, ông Phan Khôi dẫn chứng ở sách vở ra để chứng minh rằng bà ta là một người đàn bà vượt khuôn khổ, một bộ óc thông minh tuyệt vời, một phụ nữ phi thường/ Cố nhiên là nhiều khi ông ngụy biện nhưng ngụy biện một cách tài tình, và ngay trong khi ngụy biện ông cũng dẫn chứng được phần nào những ưu điểm của một nhân vật mà thành kiến chỉ cho thấy toàn khuyết điểm mà thôi” (15, tr. 113, 114). Ưu điểm trong lối tư duy của ông là ở đó, nhược điểm, bảo thủ, cố chấp của ông cũng là ở đó.

3.2. Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam

Trước tiên, phải xác định rõ là tuy ký tên chung là Hoài Thanh và Hoài Chân, nhưng có lẽ vai trò của người em chỉ dừng lại ở mức sưu tầm tài liệu và đứng ra in ấn lấy tên thật của mình là “Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942” mà thôi. Nhiều năm qua, trong học giới, cũng như từ chính các tác giả và gia đình đều thừa nhận Thi nhân Việt Nam là công trình của Hoài Thanh. Hơn nữa, có một bằng chứng hiển nhiên là sau 1954, Hoài Chân đã có hơn mười lăm năm làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, nơi có nhiều điều kiện để công bố tác phẩm, nhưng ông vẫn không thể có gì để đưa in.

Hoài Thanh (1909 - 1982), tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở Nghi Lộc, Nghệ An. Lúc nhỏ, học chữ Hán, sau học trường Pháp Việt, thi đỗ tú tài phần 1 tại Hà Nội. Năm 17 tuổi (1926), tham gia Tân Việt cách mạng đảng, bị bắt giam tại sở mật thám Hà Nội, rồi chuyển về Vinh và bị tù án treo sáu tháng. Năm 1931, vào Huế làm nghề chữa bản in cho nhà in Đắc Lập và bắt đầu sự nghiệp văn chương từ đây, với sự cộng tác cho các báo Phổ thông, Dân chúng, Nhật báo Huế (La Gazette de Hué), Tràng an… Cùng với Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều, in cuốn Văn chương và hành động (1936) nhưng bị cấm lưu hành, từ đó, ông chuyển sang dạy các trường ở Huế như Phú Xuân, Thuận Hóa. Năm 1941, lại bị cấm dạy gần một năm và bị cấm viết cho báo Tràng An. Thời gian này, ông tập trung viết Thi nhân Việt Nam. Sau cách mạng tháng Tám, Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên thành lập (18/9/1945), ông được bầu làm Chủ tịch. Từ đó, Hoài Thanh đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam kiêm Giám đốc Vụ Văn học nghệ thuật Bộ Giáo dục (1950), Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Nha Thông tin Tuyên truyền (1952), Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật (1956), giảng viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1957), Viện phó Viện Văn học (1959 - 1969), Tổng Thư ký Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1958 - 1968), Đại biểu Quốc hội khóa 2. Ông mất tại Hà Nội 1982.

Có thể nói, suốt những năm tháng cầm bút trước Cách mạng tháng Tám của Hoài Thanh đều diễn ra trên đất Huế, trong đó có tham gia viết cho các báo, tham gia cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, viết chung cuốn lý luận văn học Văn chương và hành động, chỉ ra mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đời sống xã hội, mà đỉnh cao và cũng là tác phẩm xuất sắc nhất cả cuộc đời cầm bút của ông là Thi nhân Việt Nam.

Nếu với Phan Khôi, phê bình chủ quan theo chủ nghĩa ấn tượng chỉ mới là những dò dẫm bước đầu, còn chưa định hình một phương pháp, thì Hoài Thanh là người đưa nó phát triển đến đỉnh cao chói lọi. Chủ nghĩa ấn tượng ra đời từ triết học tinh thần của triết gia người Đức W.Dilthey (1833 - 1911), thuyết trực giác của triết gia người Pháp H.Bergson (1859 - 1941) và trường phái hội họa châu Âu vào cuối thế kỷ XIX với tinh thần đề cao trực giác, ấn tượng trong khoảnh khắc và nhập thân vào đối tượng phù hợp với lối phê điểm trung đại trong văn học nước ta với các tiểu loại tựa, bạt, vịnh, tán, bình, tổng bình - được coi như giai đoạn tiền phê bình văn hoc, hay phê điểm truyền thống. Đó là những lời giới thiệu, nhận xét, bình luận theo ấn tượng chủ quan của người đọc, mà đa phần là rất sâu sắc nhờ học vấn uyên thâm và bề dày trải nghiệm nhân sinh của tác giả. Với một kiến văn sâu rộng về văn học trung đại, lại được tắm mình trong đời sống văn hóa đô thị, văn hóa kinh kỳ, trước cơ hội của cuộc giải phóng con người cá nhân, Hoài Thanh đã hình thành quan niệm “văn chương là văn chương” thổi bùng lên ngọn lửa tâm hồn lãng mạn, để ông bồi đắp nên phương pháp phê bình ấn tượng.

Cũng như Phan Khôi, ông là người có chủ kiến và biết bảo vệ chủ kiến của mình đến cùng. Nhưng ông không lý lẽ một cách cứng nhắc như Phan, mà khi tham gia vào cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, người ta vẫn nhận ra thực tâm của ông là muốn bảo vệ cái quyền được làm văn, được sáng tạo. Chính vì thế, cuộc đôi co, luận bàn đã đưa ông rời xa cõi xã hội học dung tục, đi nhanh về lãnh địa phê bình ấn tượng. Trong cuộc tranh luận diễn ra gần bốn năm (1935 - 1939), thu hút đến gần trăm bài viết của hơn bốn mươi tác giả, ông có đến mười một bài và cuốn sách viết chung với Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều Văn chương và hành động. Đó là các bài Cần phải có một thứ văn chương mạnh mẽ hơn (Tiểu thuyết thư Bảy, số 39, ngày 23/2/1935), Văn bình dân (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 42, ngày 16/3/1935), Văn chương là văn chương (Tràng an, số 48, ngày 13/8/1935), Tiếp theo bài “Văn chương là văn chương” (Tràng an, số 62, ngày 1/10/1935), Chung quanh cuộc biện luận về nghệ thuât: Một lời vu cáo đê hèn (Tràng an, số 80, ngày 3/12/1935), Ngoại cảnh trong văn chương (Tràng an, số 82, ngày 10/12/1935), Xin mách các nhà văn một nguồn văn (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 83, ngày 28/12/1935), Trả lời ông Phan Văn Hùm (Tràng an, ngày 21/2/1936), Thế nào là nội dung và hình thức một tác phẩm văn chương (Tao đàn tạp chí, số 6, ngày 16/5/1939), Ý nghĩa và công dụng của văn chương (Tao đàn tạp chí, số 7, ngày 1/6/1939). Có thể coi những luận điểm hình thành trong quá trình tranh luận của Hoài Thanh, kiểu như văn chương là văn chương, và những minh định Nhỏ to đặt ở cuối tập sách là tuyên ngôn lý thuyết cho một phương pháp phê bình, mà ông, với tư cách là người tạo dựng nên, từ tâm cảm, từ cảm quan nghệ thuật đến thực tiễn hoạt động phê bình.

Về mặt thao tác luận, phương pháp tiếp cận tác phẩm của Hoài Thanh là lấy hồn tôi để hiểu hồn người, nghĩa là lấy chủ thể phê bình làm thước đo giá trị nghệ thuật, rồi nhập hồn vào nhà thơ, để hiểu thơ, bởi lẽ, “mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn”. Trên một quy mô rộng hơn, bốn mươi sáu tác giả được ông “bầu” vào Thi nhân Việt Nam, là những ngôi nhà tâm hồn được ông chiêm cảm và khẳng định tư cách thi nhân. Người làm phê bình khi đã cảm thụ được bài thơ chỉ có ghi lại cảm tưởng chủ quan của mình, là gợi cho người ta cảm chứ không thể phân tích, chứng minh cho người ta hiểu được. Vì vậy, những ấn tượng chủ quan trở thành động lực đưa đẩy cảm xúc trôi theo dòng chảy của dòng mực trong ngòi bút tuôn ra. Lối phê bình này đã đốt cháy cảm xúc dâng đến tận cao trào, nhưng cũng dễ dẫn đến nhược điểm là quá phụ thuộc vào tâm trạng chủ thể phê bình, vào tạng riêng của người phê bình và đồng nhất giữa chủ thể phê bình và chủ thể thưởng thức, dẫn đến tình trạng chỉ có khen chứ không có chê, như phương châm của ông là “nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống, còn phê bình đi tìm cái đẹp trong tác phẩm”.

Phê bình ấn tượng chỉ có thể phát triển trên cảm quan lãng mạn của cái tôi cá nhân. Vì vậy, sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhất là sau Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc 1949, cái tôi cá nhân nhường chỗ cho cái tôi tập thể lên ngôi, phương pháp phê bình này lập tức suy vong, mặc dù cách nghĩ, cách cảm, cách viết vẫn còn tồn tại, nhưng chỉ là thủ pháp dung hòa trong các phương pháp phê bình khác mà thôi. Vì vậy, sau 1945, Hoài Thanh đã từng phủ nhận triệt để giá trị của thơ mới và Thi nhân Việt Nam, coi đó là “sai lầm thảm hại nhất”, cho đến sau bốn mươi năm cuốn sách ra đời, cũng là năm ông qua đời (1982), lời cuối cùng ông dặn lại người con trai trưởng là giáo sư Từ Sơn, lại là lời khẳng định giá trị để đời của Thi nhân Việt Nam: “Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn” (16, tr. 200).

Tóm lại, đối với lý luận phê bình văn học, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX là giai đoạn mở đầu cho lý luận phê bình trong văn chương quốc ngữ, trong đó có sự khẳng định trong xu thế tất yếu của lý luận mác xít của Hải Triều, sự mò mẫm tìm đường và ít nhiều đem lại thành tựu của phê bình khoa học khách quan theo phương pháp tiểu sử học của Trần Thanh Mại, những thử nghiệm bước đầu của phê bình ấn tượng của Phan Khôi và đưa đến thành tựu rực rỡ không bao giờ lặp lại của Hoài Thanh, trong bối cảnh của những cuộc luận chiến tư tưởng - nghệ thuật và đều lấy Huế làm trung tâm, thu hút học giới cả nước tham gia.

Tiểu kết: Nhìn lại thành tựu văn học quốc ngữ xứ Huế nửa đầu thế kỷ XX (1900 - 1945) trên cả ba mảng loại thể văn xuôi, thơ và lý luận, phê bình, dễ dàng nhận ra sự phát triển đông đảo về lực lượng người viết, sự du nhập, kế thừa và sáng tạo để khẳng định những thể, loại và tiểu loại văn chương mới, trong đó có sự thay đổi về tư duy sáng tạo và hình thành các phương pháp nghệ thuật, trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc, mang dấu ấn văn hóa và tâm hồn Việt, cảm quan văn hóa và tâm thức con người xứ Huế.

Trong văn xuôi, có sự thay đổi tư duy sáng tạo có tính chất căn bản từ văn học trung cận đại sang tư duy hiện đại, sự vận động và thay thế các thể văn mới như các tiểu loại ký mới, truyện ngắn, tiểu thuyết tập trung phản ánh cuộc sống và con người xứ Huế. Về đội ngũ, có cuộc chuyển giao thế hệ, từ những nhà văn sáng tạo bằng văn Hán, hoặc văn Nôm, nắm lấy công cụ mới là chữ quốc ngữ, hoạt động trên cái nền của đời sống đô thị, phù hợp với các thể văn mới và thật sự đã hình thành một đội ngũ đông đảo những nhà văn kiểu mới mà tên tuổi của họ được hình thành cùng với chất lượng của tác phẩm: Đạm Phương (Kim tú cầu, Hồng phấn tương tri…), Bửu Đình (Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ…), Thanh Tịnh (Quê mẹ, Chị và em, Xuân và Sinh), Phan Văn Dật (Diễm dương trang), Trần Thanh Mại (Ngọn gió rừng, Ngô Vương Quyền, Tuy Lý Vương), Đào Trinh Nhất (Cô Tư Hồng, Con quỷ phong lưu, Phan Đình Phùng), trong đó có cả những tác giả ở nơi khác đến nhưng hình thành tư cách nhà văn trên đất Huế như Lư Trọng Lư (Con voi già của vua Hàm Nghi, Nàng công chúa Huế, Cô Nguyệt, Huế một buổi chiều…), Võ Liêm Sơn (Cô lâu mộng), Phạm Quỳnh (Mười ngày ở Huế)…

Về thơ, có sự chuyển đổi về tư duy sáng tạo, trên cơ sở giải phóng cái tôi cá nhân, có sự thay đổi về đề tài, chủ đề và xác định rõ một nhân vật trữ tình mới trong thơ là cái tôi trữ tình, để đưa đến những thay đổi về hình thức như vần điệu, cấu tứ và giọng điệu, ngôn từ, tạo nên một đội ngũ đông đảo những người làm thơ. Trong số bốn mươi sáu tác giả làm nên Thi nhân Việt Nam, Huế có những tác giả, tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học như Thanh Tịnh (Hận chiến trường), Phan Văn Dật (Bâng khuâng, Những ngày vàng lụa), Thu Hồng (Sóng thơ), Mộng Huyền (Rung động), Nguyễn Đình Thư (Hương màu), Phan Thanh Phước (Vương hương), Thúc Tề (Trăng mơ), hoặc những người ở nơi khác đến nhưng trưởng thành sự nghiệp thơ ca ở Huế như Nam Trân (Huế đẹp và thơ), Lưu Trọng Lư (Tiếng thu), Phạm Hầu (Vọng hải đài, Vọng lâu, Chiều buồn)… Đặc biệt, có người tuy không được bầu chọn vào Thi nhân Việt Nam, nhưng đã ghi dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử thơ ca dân tộc, đó là nhà thơ Tố Hữu. Hoài Thanh không phải bỏ sót Tố Hữu mà do nhân sinh quan, thế giới quan thời bấy giờ, ông lúng túng, không dám xếp Tố Hữu vào đâu, khác với các trường hợp như Hồ Zdếnh, Ngân Giang… do cảm nhận chủ quan của người làm phê bình ấn tượng mà ông bỏ qua.

Về lý luận phê bình, đây là giai đoạn hình thành và phát triển của các bộ môn trong khoa văn học như lý luận văn học, phê bình văn học, lịch sử văn học và phương pháp nghiên cứu văn học, những người sinh ra trên đất Huế và những người từ nơi khác đến hành chức nơi đây, đã góp phần có ý nghĩa lớn lao và mạnh mẽ, nhất là về lý luận (Hải Triều, Hoài Thanh) và phê bình (Trần Thanh Mại, Phan Khôi, Hoài Thanh), trong đó có những tác phẩm là đỉnh cao trong nền văn học dân tộc không ai có thể vượt nổi như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh.

Nói đến văn học quốc ngữ của Thừa Thiên Huế, thì giai đoạn những năm nửa đầu thế kỷ XX (1900 - 1945) là giai đoạn mở đầu, với nhiều khởi sắc. Có thể chậm hơn Nam bộ với Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản, nhưng những tiểu thuyết như Kin Tú Cầu (in báo từ 1922, in sách 1928) của Đạm Phương thì so với Tố Tâm (in tập san 1922, in sách 1925) của Hoàng Ngọc Phách thì sự so le không đáng kể. Một vùng văn học tuy có độ dày mỏng khác nhau do lịch sử hình thành, nhưng mỗi nơi đều có một bản sắc riêng, do địa văn hóa, địa nhân văn nơi đó hình thành và hun đúc tạo nên. Huế là một trong những vùng văn đầy ắp trữ lượng như vậy ngay từ giai đoạn hình thành nền văn chương quốc ngữ.

P.P.P
(TCSH338/04-2017)

--------------
(11) - Đặng Thị Hảo và Nguyễn Phương Chi (2004), Tự điển văn học, bộ mới, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
(12) - Trần Thanh Mại (2015), Dẫn theo Tuyển tập lý luận phê bình văn học 1945 - 2015, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
(14) - Phan Khôi (1997), Chương Dân thi thoại, Nxb. Đà Nẵng.
(15) - Thiếu Sơn (2006), Những văn nhân chính khách một thời, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
(16) - Hoài Thanh (1993), Di bút và di cảo, Nxb. Văn học, Hà Nội.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng