Có điều, ở Trông dòng sông Vị, nhiều lúc tiểu sử Tú Xương dường như lại là mục đích, chứ không phải là một phương tiện để soi sáng tác phẩm. Bởi thế, Vũ Ngọc Phan sau này, trong Nhà văn hiện đại (1942), đã đánh đồng Trông dòng sông Vị với Tuy Lý Vương, một thiên kí sự lịch sử, và gọi chung đó là truyện kí. Không thể trách Vũ Ngọc Phan, người còn đang neo mình ở một phương pháp phê bình khác, là không đoán được anh hùng giữa trần ai. Tuy nhiên, nếu ở Trông dòng sông Vị, phê bình tiểu sử mới chỉ định hướng, thì ở Hàn Mặc Tử, thân thế và thi văn (1941) nó đã định hình và cắm một mốc trên hành trình tư tưởng phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Phê bình Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đã nêu lên mối quan hệ giữa thân thế và thi văn, tức lấy con người để cắt nghĩa tác phẩm.
Phê bình tiểu sử học hình thành ở châu Âu vào nửa đầu thế kỉ XIX cùng với tên tuổi của Sainte - Beuve (1804-1869). Nó ra đời như là một sự chống lại mĩ học của Aristote, coi cái đẹp là sự mô phỏng: mô phỏng tự nhiên, mô phỏng hiện thực và mô phỏng những trước tác mẫu mực. Thi pháp học (theo nghĩa là một lí thuyết văn chương) của Aristote, bởi thế, là thi pháp học quy phạm. Sự không quan tâm đến chủ thể sáng tạo của nó đã, vô hình trung, biến nghệ thuật thành thủ công. Thời Đại Mới với sự phát triển cao của ý thức cá nhân, đặc biệt là cá nhân lãng mạn, đã hết sức quan tâm đến chủ thể sáng tạo. Một con người cá nhân cụ thể nào đó là kẻ sáng tạo đích thực ra văn chương. Tác phẩm, xét cho cùng, là một thứ con đẻ của nhà văn, nên theo quy luật “giỏ nhà ai quai nhà ấy”, thì nó phải in dấu những đặc điểm của người làm ra nó, như khí chất, tính tình, thiên hướng, tư tưởng, giáo dục... Sainte - Beuve đã tìm hiểu tác phẩm qua việc nghiên cứu tác giả, đúng hơn chân dung tâm lí tác giả. Ông đã có những tổng kết ngắn gọn về từng tác giả (mà về sau đã trở thành một thứ khuôn mẫu rất năng sản) như Montaigne tâm hồn trong sáng, Lamartine đa sầu đa cảm...
Cũng lấy con người cắt nghĩa tác phẩm, nhưng khác với Sainte - Beuve coi tâm lí con người là bất biến, Trần Thanh Mại không chỉ chú ý đến tâm lí, mà còn quan tâm đến cả xã hội. Tuy nhiên, trong ba yếu tố thiên, địa, nhân, mà ông nói đến ở đầu sách (làm tôi nhớ đến một bộ ba khác của H. Taine: thời điểm, địa điểm và chủng tộc) ông chỉ chú trọng vào nhân, tức con người, con người xã hội. “Với những phương pháp mới, xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam, tôi (Trần Thanh Mại) đã phân tích ra từng cử chỉ, từng tính tình của nhà thi sĩ, từng giai thoại trong đời người. Những cái ấy, mà bề ngoài tưởng như vô bổ ích, và chỉ để kéo cho dài dòng, tựu trung đều ăn nhịp với nhau như những vòng của một sợi dây chuyền để mà ảnh hưởng đến cái đích của người viết sách muốn đi tới: cắt nghĩa thi phẩm của nhà thơ”.
Để cầm bút viết về Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đã đọc thơ Hàn, đọc thư từ Hàn gửi cho em trai là Trần Thanh Địch và cháu trai là Trần Tái Phùng, những người bạn thân của Hàn. Ngoài ra, ông còn nhiều lần trực tiếp hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Duy mẹ nhà thơ và nhiều người quen biết khác. Nhà nghiên cứu cũng cất công tìm đến những nơi mà Hàn Mặc Tử đã sống như Đồng Hới, Huế, Quy Nhơn - nhà thương Quy Hòa, Phan Thiết... Nhờ thế, Trần Thanh Mại đã có hẳn một khối tư liệu tương đối phong phú về con người Hàn Mặc Tử và chỉ ra được chính xác những yếu tố chủ yếu chi phối cuộc đời và thơ văn của thi sĩ. Đó là bộ ba bệnh tật, đàn bà và tôn giáo.
Thực ra, tôi nghĩ, con người là một thể thống nhất, sáng tạo phẩm cũng là một thể thống nhất, nên dù có phân chia thành ba yếu tố rạch ròi để nghiên cứu thì, xét cho cùng, chúng cũng chỉ là ba đỉnh của cùng một tam giác định mệnh chi phối cuộc đời nhà thơ. Bởi thế, nói đến yếu tố này không thể không bao hàm ít nhiều hai yếu tố kia. Nhưng biết làm sao được, con người, nhất là các nhà khoa học, vốn là một động vật thích phân loại. Chia ra để mà tìm hiểu, tìm hiểu rồi để hợp một.
Bệnh tật với những người sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật, dường như là kẻ song sinh. Các vĩ nhân đa số đều mắc một căn bệnh trầm kha nào đó. Có lẽ, chủ yếu là bệnh tâm thần. Dostoievsky bị mắc bệnh động kinh. Ông làm việc giữa hai cơn choáng ngất. Và, những cái chết ngắn, chết trong khi sống đó đã khiến ông nhìn được đáy lõi cuộc đời, bản chất cuộc sống là đau khổ và con đường để cứu chuộc thế giới là cái đẹp. Nietzsches cũng bị hành hạ bởi bệnh thần kinh. Và với ông làm việc là một phương thức chữa bệnh, để khôi phục lại sức khỏe tâm thần... Bệnh trọng thường làm rạn nứt bề mặt hữu thức cho vô thức trào phun. Mà, hình như, mọi sáng tạo đều bị thúc đẩy bởi những xung lực của vô thức. Bệnh trọng, nếu không phải là bà đỡ của vô thức như vậy, thì chí ít cũng là điều kiện để người sáng tạo có một góc nhìn riêng, một cửa sổ riêng quan sát cuộc đời.
Bệnh phong, rõ ràng, đã đưa Hàn Mặc Tử và thơ ông rẽ theo một hướng khác. Vốn là một người làm báo, thích hoạt động, ưa giao tiếp, nhìn đời một cách lãng mạn, nay Hàn Mặc Tử phải sống trốn tránh (vì sợ Sở Vệ sinh hốt đi) trong cô độc và trong cảm giác nhục nhã của kẻ bị Thượng Đế trừng phạt. Nhà thơ đã thu toàn bộ thế giới thực tại vào bản thân mình để có thể từ đó mở ra một thế giới khác, rộng lớn đến vô biên. Thế giới của mộng mị, tiềm thức và xuất thần.
Trần Thanh Mại đã trình bày kĩ về nguyên nhân mắc bệnh của Hàn Mặc Tử, quá trình chữa chạy và trạng thái bệnh lí của nhà thơ. Nhưng điều đáng lưu ý hơn là ông đã chỉ ra những mối quan hệ nhân quả giữa bệnh tật và thơ ca. Theo ông, mỗi kì trăng sáng có thể có những tác động huyền bí nào đó đến bệnh cùi. Vi trùng hoạt động mạnh hơn, nên bệnh nhân đau đớn hơn. Trăng, vì thế, đã trở thành một ám ảnh lớn trong thơ Hàn. Biểu tượng trăng (và kế đó như một hệ quả là các biểu tượng hồn và máu) là những nhịp mạnh của thơ Hàn được Trần Thanh Mại, người đầu tiên đề cập đến. Ngoài ra, nhà phê bình cũng còn nhặt được ở trong thơ Hàn Mặc Tử nhiều từ ngữ mang dấu hiệu của người mắc bệnh phong như tê dại, sượng sần, chết điếng... hoặc:
Người trăng ăn vận toàn trăng cả Gò má riêng thôi lại đỏ hườm (Say trăng)
Tình đã húp, sao ý vẫn còn sưng Sao giấy lại tháo mồ hôi ra thế? (Bức thư xanh)
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên (Hồn là ai)
Với những người đàn bà đã đi qua cuộc đời Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại cũng rất chú ý: Tài tử với giai nhân nợ sẵn! Họ là nguyên nhân trực tiếp của những bài thơ tình của Tử, gây những đột biến trong thế giới tâm tư ông. Hoàng Cúc, mối tình đầu, là “đồng tác giả” của những bài thơ về hoa cúc, Tình quê, Âm thầm. Đặc biệt sau này là Đây thôn Vĩ Dạ. Những bài thơ tình “muôn năm sầu thảm” như Lang thang, Say chết đêm nay, Phan Thiết! Phan Thiết!, Thân tàn ma dại... thuộc về mối tình của thi sĩ với Mộng Cầm. Đây là một “mối tình lớn” của Hàn không phải chỉ bởi một cảm quan lãng mạn nào đó: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”..., mà nó xảy ra vào lúc nhân cách và thi tài của nhà thơ đã trưởng thành. Nó là tiếng nói của Đau thương. Một người đàn bà khác cũng in đậm dấu lên thơ Hàn Mặc Tử là Mai Đình nữ sĩ. Nàng yêu Hàn Mặc Tử qua thơ (tập Gái quê), rồi đến với chàng trong đời thực, mặc dù lúc ấy thi sĩ đã mắc bệnh. Nữ sĩ Mai Đình đã “cho” Hàn Mặc Tử các bài Lưu luyến, Đánh lừa, Thao thức... Rồi Hàn Mặc Tử còn nhiều mối tình thực ít mộng nhiều khác như với Lê Thị Ngọc Sương (chị Bích Khê): Ta đề chữ Ngọc trên tàu chuối, sương ở cung Thiềm rỏ chẳng thôi, như với Thương Thương vốn là một cô bé 12 tuổi, cháu Trần Thanh Địch, nguồn cảm hứng cuối cùng của Cẩm Châu duyên...
Yêu, có lẽ, là một thuộc tính của thi nhân. Tim tôi lửa cháy như thiêu, Nên tôi không thể không yêu người nào (Puskin). Nguyễn Bính yêu nhiều, viết nhiều; yêu để mà viết, viết để mà yêu. Hàn Mặc Tử, tôi nghĩ, yêu ngoài cứu cánh của sáng tạo còn là cứu cánh của đời sống. Bởi vậy, tư liệu về những người đàn bà trong đời Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại chẳng những giúp cho ta biết được lí do sáng tác của thi nhân mà còn phần nào giúp làm hiểu rõ thi phẩm. Chúng ta hãy đọc Trần Thanh Mại: “Chàng không quên được hình ảnh người yêu (Mộng Cầm - ĐLT), và sự đau khổ về cuộc tình duyên lỡ dở ấy lại là một nguồn cảm hứng để cho thi sĩ kéo ra nhiều điệu nhạc trầm hùng. ấy là những tiếng kêu não nuột nhất, những giọng gào thét đoạn trường nhất mà một người bị tình phụ đã thốt lên:
Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói? Gió trăng có sẵn, làm sao ăn? Làm sao giết được người trong mộng, Để trả thù duyên kiếp phụ phàng? (Lang thang)
Nhưng tiếng kêu than ảo não hơn hết là khi thi sĩ đến nơi đã vì đó mà dấy lên cuộc ái ân, nơi đã chứng kiến mối tình đầu của chàng: Phan Thiết! Phan Thiết! Cái tên khêu gợi làm sao! Nó dội lên như một lời trăng trối thống thiết:
Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng, Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng. Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang, Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết... Ơi! Trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết! Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi! Ta đến nơi - Nàng ấy vắng lâu rồi! Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỉ. Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ, Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng. Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng, Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết, Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết! Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu! Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư! (Phan thiết! Phan Thiết!)
Nguồn ảnh hưởng cuối cùng đến thơ Hàn Mặc Tử là tôn giáo. Trần Thanh Mại, trong công trình nghiên cứu của mình, tuy không để tôn giáo là một tiểu mục riêng (bởi điều đó với Hàn đã quá hiển nhiên chăng?), nhưng ông phân tích tác động của Kitô giáo đến Hàn Mặc Tử ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Trí là người rất ngoan đạo, nên thơ Tử không thể không có tôn giáo: Thánh nữ đồng trinh Maria, một phần thơ trong Thượng thanh khí...
Nhân bình luận bài Xuân đầu tiên, Trần Thanh Mại viết: “Những tư tưởng cao siêu thanh khiết đã tạo ra những lời thơ cao siêu thanh khiết ấy phần nhiều là ảnh hưởng ở nguồn tư tưởng vô cùng nơi đạo Thiên Chúa. Hàn Mặc Tử bảo Bích Khê rằng: “Sáng tạo là điều kiện cần nhất, tối yếu của thơ, mà muốn tìm nguồn cảm xúc mới lạ, không chi bằng đọc sách về tôn giáo cho nhiều. Như thế văn thơ mới trở nên trọng vọng, cao quý, có một ý nghĩa thần bí”. Chính trong cơn hoạn nạn, Hàn Mặc Tử “mỗi lần chết đi sống lại, chàng đều cảm thấy bà Thánh nữ đồng trinh Maria đến cứu chàng: cho nên hơn hết cả muôn vị thần thánh, Thánh mẫu Maria là đấng cho chàng ca tụng, việc ấy chàng đã làm trong một bài thơ tuyệt diệu, mà tôi muốn làm sao cho thấu đến tòa Khâm mạng toàn cõi Đông Dương, đến cả Tòa thánh đức Giáo hoàng La Mã. Những lời thơ của Hàn Mặc Tử về loại đạo hạnh như bài này có thể đặt chàng ngay hàng với nhà đại thi hào Pháp Paul Claudel”.
Trần Thanh Mại, tóm lại, không chỉ dùng các yếu tố tiểu sử như một nguồn gốc tác phẩm, mà còn để cắt nghĩa những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm. Có như vậy công trình của nhà phê bình mới là một chỉnh thể. Theo ông, bệnh tật, đàn bà và tôn giáo là nguồn cảm thụ lực ở Hàn Mặc Tử. Khác với các thi sĩ phương Đông xưa đã đành, Hàn Mặc Tử còn khác cả với các thi sĩ phương Tây nay ở chỗ ông là “một nhà thơ duy nhất sống bằng sự chiến đấu giữa tình cảm của chàng và cảnh tượng của tạo vật”. Và, “ở chàng ta thấy cảm thụ lực khi nào cũng phát triển đến tột bực. Bao nhiêu tình tứ trong người chàng đều căng thẳng ra, khi nào cũng sẵn sàng để thâu nhận những ảnh hưởng ở bên ngoài. Khi chàng nghe một điệu đàn, tinh thần chàng mở rộng toác hết các cửa, chàng đứng ra đón âm thanh như một người lỡ đường bị mưa ướt cất nón giăng tay mà so gan với cơn giông tố. Chàng để cho tiếng nhạc thấm dần trong cơ thể, qua mỗi lần xương thịt... Thế rồi người chàng thổn thức, toàn thân run rẩy đê mê, ngây ngất từng cơn. Người ta có cái cảm giác quái gở là thi sĩ đeo vào tiếng tơ rồi cùng cái nhấn của nhạc sĩ, mà quay cuồng lăn lộn...”
Sức cảm thụ đặc biệt này của Hàn Mặc Tử khiến thi sĩ “là nhà thơ đầu tiên nghe ngóng được những lời âm thầm của tạo vật, nghe được cả hơi thở của lá cành, cả va chạm của hai luồng ánh sáng”, tức là “ông đã phóng thoát ra được cái bản năng loài người, cởi lột được bao nhiêu cốt cách của loài người để ăn nhập vào vũ trụ, biến thành một hiện tượng của vũ trụ”.
Chính điều này đã mang lại cho thơ Hàn Mặc Tử một thứ âm nhạc đặc biệt một thứ ngôn ngữ đặc biệt. Theo Trần Thanh Mại thì thơ Hàn “Nhạc trong cả lối dàn chữ trên mặt giấy cũng y như những dấu hiệu trên bản đàn”. Hàn Mặc Tử là nhà thi sĩ Việt Nam có cái nghệ thuật âm nhạc tài tình nhất. Suốt trong sự nghiệp thi ca, kể cũng đã vĩ đại đối với đời ngắn ngủi của chàng, không có bài nào, đến cả không có câu nào mà không dóng theo âm điệu”. Tóm lại, Trần Thanh Mại kết luận: “Hàn Mặc Tử là một nhà thơ biệt lập ra hẳn một cõi, cõi nguy nga đồ sộ, ngát hơi hương và vang tiếng nhạc, từ trên ấy, người cho chiếu xuống cái nước con thanh tú là làng thơ Việt Nam những luồng ánh sáng đầy phép lạ, có cái tài lực biến hóa được những vật đã chạm đến”.
Phê bình tiểu sử học nói chung và của Trần Thanh Mại nói riêng thường vấp phải những khó khăn nan giải. Trước hết là phải tìm được tư liệu chính xác. Về người đương thời đã khó, người trước thời càng khó hơn, phần vì chúng ta không có thói quen lưu giữ kí ức, nhất là kí ức văn tự, phần khác huyền thoại hóa sự thực và sự thực hóa huyền thoại, sự quen thói này là không của riêng ai, đấy là chưa kể con mắt nhà nghiên cứu thường dễ chỉ nhìn thấy những gì mình cần thấy.
Nghiên cứu tiểu sử Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại đưa ra những tư liệu như Tử bị đẻ non vì bà Duy uống rượu lậu, do nhà Đoan bắt để nhờ trong nhà, bị say, hoặc khi Tử bị phong thì phải sống trong tình trạng rất cô độc, hoặc Mai Đình nữ sĩ từng giúp gia đình Tử tiền... Các tình tiết này rất có ý nghĩa với Trần Thanh Mại để cắt nghĩa và sao Tử sớm có thiên tài, vì sao thơ Tử cô đơn và Mai Đình yêu tử rất mực... Nhưng một người có thẩm quyền hơn về tư liệu Hàn Mặc Tử là Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ, trong cuốn Hàn Mặc Tử anh tôi (1991) lại bác bỏ. Song người ta cũng có quyền nghi ngờ tác giả cuốn hồi kí nói trên hoặc là ông nhớ nhầm, hoặc là ông muốn bảo vệ gia phong của mình. Thế là người đọc bị rơi vào mê cung mà không tài nào tìm được sợi chỉ dẫn đường.
Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, có tư liệu xác thực rồi, nhưng cách lí giải các tư liệu ấy lại mỗi người một khác. Như vầng trăng ám ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử chẳng hạn. Trần Thanh Mại đi tìm một mối liên hệ nhân quả giữa trăng và bệnh cùi. Còn ông Nguyễn Bá Tín thì cho rằng thi sĩ bị ám bởi vầng trăng kì lạ ở động cát Sa Kì nơi ông đã thấy Đức Mẹ hiển hiện để trợ giúp ông, nơi ông đã được nhận Ân sủng của Người. Từ đó, Hàn Mặc Tử thay đổi hẳn, chuyển cuộc sống bên ngoài thành cuộc sống nội tâm, “Anh không còn giống Anh nữa”. Từ đó vầng trăng trở nên ám ảnh bởi một ánh sáng tâm linh huyền diệu. “Tiếc thay, ông Mại đã để mất cái Vòng xích của sợi dây chuyền vặt vãnh, như ông đã nói, nên ông không thể hiểu biết cội rễ con trăng đã ảnh hưởng đến văn thơ Hàn Mặc Tử như thế nào.”
Hoặc khi viết về các mối tình của Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại cho biết bài này viết về Hoàng Cúc, bài kia viết về Mộng Cầm, còn bài kia nữa thì viết về Mai Đình, hoặc Thương Thương... Những chỉ dẫn tiểu sử học như vậy nhiều lắm chỉ soi sáng bài thơ ở cấp độ vật liệu (tức nội dung theo cách hiểu truyền thống). Trong khi đó, một bài thơ muốn đứng lại được với thời gian, tức từ bài thơ của một người thành bài thơ của muôn người, thì phải vượt thoát khỏi vật liệu để chuyển sang cấp độ nghệ thuật. Phương pháp tiểu sử học thường dừng lại ở ngưỡng cửa ngôi đền thờ thần Apollon.
Một ví dụ khác nữa, khi nghiên cứu cạnh khía tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại thường chỉ đơn giản coi Trí là tín đồ Kitô giáo và tính đếm đến một vài bài thơ có đề tài tôn giáo (như Thánh Mẫu Đồng Trinh), thậm chí một vài từ tôn giáo như Đâu xuất, Ngạ quỷ..., mà không tìm đến ảnh hưởng của Kitô giáo đến tư duy nghệ thuật (= Tính trữ tình + tư duy tôn giáo trên cơ sở con người cá nhân hiện đại), đến cấu trúc cảm hứng của toàn bộ sáng tạo của Hàn “Một là giai đoạn cổ điển với Lệ Thanh thi tập. Đây là sự hài hòa của Hàn Mặc Tử với chính mình và với xung quanh, tương ứng với thời thơ ấu của con người hay “thuở thiên đường của nhân loại. Hai là giai đoạn lãng mạn, tượng trưng và siêu thực với Gái quê, Đau thương và Xuân như ý... Hài hòa bị phá vỡ. Con người bất ổn với chính mình và hoàn cảnh: đau khổ, mơ ước, điên dại, tương ứng với thời kì trưởng thành, vấp váp, bệnh tật của con người và của các nhân loại đã “mất thiên đường”. Ba là giai đoạn tân cổ điển với một phần của Thượng thanh khí và toàn bộ Cẩm châu duyên. Sự hài hòa được tái lập. Đau thương được rũ bỏ. Con người được trở lại “thiên đường của mình” (xem Mắt Thơ, tr. 213 - 233).
Cuối cùng, phương pháp tiểu sử học dựa trên luật nhân quả một cách quá đơn giản. Một quả không chỉ do một nhân, mà bao giờ cũng do một chùm nguyên nhân, biết đâu là nhân chính nhân phụ, đấy là chưa kể có những ngẫu nhiên xen vào. Hơn nữa, xét cho cùng, thì luật nhân quả chỉ có thể phần nào đúng với con người ở bình diện hữu thức, tức con người xã hội, còn với con người vô thức thì nó không có cho chỗ dùng. Tác phẩm văn học không phải chỉ có phần chủ ý của tác giả, phần mà phương pháp tiểu sử học dễ dàng khám phá theo suy luận nhân quả, mà còn có phần ngoài chủ ý của nhà văn, chính anh ta cũng không biết rằng nó có. Mà ác thay, phần này lại là phần chìm của tảng băng trôi! Và để đo đạc được nó, cần có bộ công cụ khác, phương pháp tiếp cận khác, đặc biệt là phân tâm học.
Sự thiếu khuyết của phương pháp này là tiền đề nảy sinh một phương pháp khác. Phân tâm học không chỉ làm sâu sắc thêm cho đường hướng tiếp cận tác phẩm văn học từ phía tác giả, mà còn bắc cầu sang nghiên cứu tác phẩm từ chính tác phẩm.
Huế, 2/2003 Đ.L.T (175/09-03) |