Nghiên Cứu & Bình Luận
Đầu non cuối bãi - sự thăng hoa của cảm thức lưu đày
08:05 | 02/10/2017

NGUYỄN HỮU TẤN

1. Thi ca là tiếng nói chân thật nhất của tâm hồn con người. Tập lục bát Đầu non cuối bãi của Nguyễn Lãm Thắng (Nxb. Đại học Huế, 2014), nói theo kiểu “anh về trích cú tầm chương” của nhà thơ, đã thể hiện rất chân thực một bản ngã, một nhân vị hết sức chân thực và sinh động.

Đầu non cuối bãi - sự thăng hoa của cảm thức lưu đày

Với 54 bài thơ, người đọc đã có thể hình dung ra được một tâm hồn dạt dào cảm xúc với chiều sâu tinh tế. Đọc thơ Đầu non cuối bãi, lần theo những dấu chỉ được đan kết thành một trường liên tưởng, không có gì nghi ngờ khi chúng ta nhận diện được một nhân vị nhạy cảm với những tàn phai.

Dấu chỉ đầu tiên về một nhân vị nhạy cảm với những tàn phai là nhân vật trữ tình trong thơ lục bát Nguyễn Lãm Thắng chất chứa nhiều những ý niệm về “bể dâu”, sự “biến thiên” của nhân sinh: “Biển xanh có hiểu được lòng bể dâu”(Ngó lại), “Khúc ru nhật nguyệt chỉ toàn bể dâu” (Lòng tôi có thể như là tất niên), “Mai này dâu bể về đâu/ Tuồng biến thiên, ngọn ba đào hớ hênh” (Lời cho ngàn sau), “Loanh quanh mấy nẻo vô thường” (Khuya trôi theo bóng), “Tùy duyên lạc phía vô thường” (Một ngày). Cảm thức về lẽ vô thường không phải mới lạ riêng biệt trong thơ của Nguyễn Lãm Thắng, mà nó đã tồn tại lâu dài trong lịch sử thi ca phương Đông nói chung cũng như thơ ca Việt Nam nói riêng. Với văn học Thiền tông Lý - Trần, vô thường là một khái niệm của Đạo và được dùng như một khái niệm công cụ để khai sáng huệ nhãn của các thiền sư đối với học trò. Bể dâu là một điển tích trong văn hóa chữ Hán cũng mang tính triết lý về sự thay đổi của lẽ đời. Những ý niệm này được nhà thơ đan cài vào tập thơ với tần suất không nhiều nhưng lại đủ để tạo thành những âm thanh chủ đạo trong một dàn diễn xướng.

Chính vì nhãn quan vô thường mà trong tập thơ này, Nguyễn Lãm Thắng hay nhắc đến cái chết, hay nhắc đến hồn ma, huyệt mộ, chuyện tử sinh: “Cuộc đời là một chuyến đi/ Về nơi huyệt mộ có chi mô nờ!” (Nghĩ), “Lặng câm nước mắt đổ tràn/ Con ma đứng giữa hai hàng biệt ly/ Chiều nhô cái bóng đen sì/ Gom thân xác mướn bỏ bì quăng sông” (Tạm), “Dừng chân cuối bến ta nằm/ Nghe lời âu yếm ngàn năm xanh lè” (Cuối)… Cái chết trong quan niệm của Nguyễn Lãm Thắng, là cái chung cuộc của đời người nhưng lại được khắc họa thành một cột mốc nhấn mạnh đến tính hành trình. Minh chứng là những dấu hiệu liên quan đến cái chết trong thơ Nguyễn Lãm Thắng đều được đặt trong định vị phiếm chỉ hóa như “sau lưng”, “phía trước”, “bên lề”, hay các định danh “chuyến đi”, các động từ “dừng chân”, “ta nằm” mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên. Vì nhãn quan bể dâu và vô thường này, mà có một vài khái niệm giàu màu sắc triết học khác được đan cài thành mã tín hiệu liên quan tới hàm nghĩa tàn phai, thay đổi: đó là từ “hư vô”, “phù du”, “hư không”, “chiêm bao”, “phù hư”. Có thể dẫn ra: “Nhẹ tênh trôi giữa cỡi đời phù du/… Nợ nần trả lại hư không” (Ngó lại); “Chập chùng mấy nẻo chiêm bao” (Về chốn xưa), “Tóc nhàu mấy ngọn cỏ tranh/ Lơ thơ thiên cổ hóa thành chiêm bao/… Cánh hoa rớt mộng im lìm/ Hư vô rụng xuống giọt mềm môi xưa/ Anh ra đứng tận giang đầu/ Bông lau trắng muốt một màu hư không” (Như một phiêu bồng), “Hư không là chốn vĩnh hằng” (Nhớ Phạm Phú Hải), “Tương tư nằm mộng cánh chuồn/ Phù hư thắp ngọn lửa buồn liêu trai” (Ngón đàn si)…

Thơ Nguyễn Lãm Thắng không phải là thơ ca của tôn giáo. Sự sáng tạo của nhà thơ cũng không phải là tiếng réo gọi của niềm tin tôn giáo. Như nhận định về sự quy chiếu tôn giáo của Lindbeck, những khái niệm Phật giáo này được ý truyền từ truyền thống văn hóa - ngữ học hơn là sự trải nghiệm trực tiếp với tôn giáo của chính bản thân nhà thơ. Những khái niệm này đã hòa vào ngôn ngữ và tâm lý chung của người Việt đến độ nó hóa thành di chỉ tinh thần mà mỗi người Việt đều mang trong tâm linh mình. Nhưng chúng ta có thể khẳng định, Nguyễn Lãm Thắng có nhân sinh quan cũng như vũ trụ quan hư vô tuyệt đối. Cái thế giới quan của Nguyễn Lãm Thắng là thế giới quan tự thân của chính nhà thơ chứ không phải học tập hay đúc rút từ sách vở kinh điển tôn giáo. Mà nói cho cùng, là thế giới quan hư vô mang tính tự nhiên như bản thể. Thế giới quan hư vô tuyệt đối của Nguyễn Lãm Thắng không quan niệm có một sự sống nối dài sau khi “nhập cuộc Vĩnh Hằng” mà chỉ thấy “trăm năm nổi bãi cồn nhấp nhô”. Chính vì vậy mà Nguyễn Lãm Thắng hạ bút với một câu thơ mà chúng tôi cho rằng thể hiện đầy đủ nhãn quan của chính mình: “Trống trênh kiếp trước, nhạt nhòa kiếp sau” (Tâm sự mười năm).

Thơ ca Nguyễn Lãm Thắng trong tập Đầu non cuối bãi, như đã phân tích ở trên là có mang tính Không như quan điểm của Phật giáo. Nhưng tính Không của nhà thơ và tính Không trong kinh điển Phật giáo không giống nhau. Một bên là khái niệm mang tính triết lý vi diệu còn một bên lại thể hiện một sự mơ hồ bản thể của tâm lý cá nhân. Sự mơ hồ bản thể này được nhà thơ trình bày rõ nhất là ở bài Trò chơi. Ngay mở đầu bài thơ, nhà thơ tự thú một cách thật thà, thật thà đến đáng kinh ngạc: “Trong mơ ta lỡ cởi truồng/ Nhảy vào bản thể cội nguồn tắm chơi”. Nếu trong triết học, vấn đề bản thể được đặt ra một cách nghiêm túc thì với Nguyễn Lãm Thắng, bản thể là cái gì đó hài hước. Hài hước vì sao? Vì đi tìm bản thể chỉ là “chơi” chứ không thể nào “nghiêm túc”. Vì bản thể cội nguồn có thể gặp trong mơ - một thế giới song song với thực tại chứ không phải thực tại. Tức cái bản thể mà nhân loại kiếm tìm không phải là cái bản thể đích thực, đó là trò chơi mà loài người nghĩ ra để cười cợt với số phận. Cái không thể định hình là bản thể mới chính là bản thể.

Một dấu chỉ khác về mùi vị tàn phai trong thơ của Nguyễn Lãm Thắng là cảm thức mất định vị trong không gian có tính siêu hình. Không gian có tính siêu hình trong tập Đầu non cuối bãi là những không gian có tính ý niệm tương thông với nội hàm vô thường, bể dâu, hư vô ở trên kia. Những không gian được nhà thơ phiếm chỉ hóa để tạo nên cảm giác nhòe mờ, biến động: “cuối bãi đầu non”, “tám hướng mười phương”, “cố quận”, “chốn xưa”, “hai bờ sáng tối”, “trời đất một màu”, “bên lề nhân sinh”, “đầu non cuối bãi”, “bãi thấp cồn cao”, “trời mang mang, đất mang mang”, “hồng trần”, “huyệt mộ”, “mộ địa”, “âm ty”… Ngay ở tiêu đề của tập thơ cũng đem lại cho người đọc cảm giác về sự trập trùng của không gian nhân sinh. Trong bài Ngó lại, Nguyễn Lãm Thắng viết những câu mà không gian trong đó đều ẩn chứa sự bất an. “Tám hướng mười phương” là “phía trước”, “đoạn đường đã qua” là ở “sau lưng”. Nhưng dù ở sau lưng hay ở phía trước, không gian đều là một cõi “âm ty” âm u đáng sợ. Không gian chất chứa niềm bất trắc, sự đau khổ và có ẩn chứa cả tội lỗi. Đang ở chốn A Tỳ thảm khốc thì “trời cao” hay “vực thẳm” cũng không có gì khác nhau cả. Không gian đó là không gian nhân sinh đoạn trường mà ai ai cũng phải qua, đã qua và đang qua.

Nguyễn Lãm Thắng có hai lần nhắc đến “quê quán tôi xưa” trong hai cặp lục bát ở hai bài Phục An Máu đỏ bên trời. Không gian ở đây rất đặc biệt:

Đường về cố quận nhòe mưa
Ba lăm năm ấy đong đưa phận người

                                    (Phục An)

Trời mang mang, đất mang mang
Một đêm nằm nhớ văn lang quá trời

                                    (Máu đỏ bên trời)

“Cố quận” trong trường liên tưởng của Nguyễn Lãm Thắng thông nghĩa với không gian kỉ niệm như “quê hương”, “quê cũ”, “chốn xưa”, “làng cũ”, “làng xưa”. Nếu chúng ta thay “cố quận” bằng “làng cũ”, “chốn cũ”, “quê cũ” thì vẫn đảm bảo âm điệu nhưng nó không còn giá trị thẩm mĩ như cách viết của nhà thơ. Bởi lẽ, xét về mặt hiệu ứng tâm lý, từ Hán Việt “cố quận” có độ nhòe và mang tính cổ kính hơn các từ thuần Việt trên. Mặt khác, từ “cố quận” còn mang giá trị biểu đạt về một không gian mang chiều sâu của lịch sử. “Cố quận” cũng như “cố quốc”, “cố hương”, “cựu đô”, “cựu giang san”, đều có tính hoài niệm lịch sử. Như vậy trong hàm nghĩa của “cố quận” có liên quan đến “văn lang” và “âu lạc” (nguyên tác) của “quê quán Việt xưa”. Vậy thì, “cố quận” - “văn lang” - “âu lạc” được nhắc đến trong hoài niệm lịch sử để diễn đạt điều gì trong tâm tưởng của nhà thơ? Chúng tôi cho rằng, không gian hoài niệm lịch sử này hàm nghĩa nhấn mạnh đến không gian cội nguồn. Vì sao vậy? Vì nhà nước Văn Lang và Âu Lạc trong thời viễn sử là không gian bản thể của không gian văn hóa Việt hiện đại và cả tương lai. Đây là vết tích của nền văn hóa trọng thị cội nguồn của nền văn minh nông nghiệp thời Văn Lang - Âu Lạc để lại. Tóm lại, không gian cội nguồn bản thể này là không gian dung dưỡng những khoái cảm bình an mà mọi sinh thể Việt đã không còn được dung chứa nữa. Cảm giác tâm lý không gian này gợi lên là sự nuối tiếc và mơ tưởng thẳm sâu.

Đi cùng với không gian, trong tâm tưởng nhà thơ còn mang đậm cảm thức về giới hạn của trải nghiệm nhân sinh. Những định lượng thời gian được nhà thơ nhắc nhiều nhất là những con số có tính văn hóa như “thiên thu”, “thiên cổ”, “trăm năm”, “ngàn năm”, “mười năm”, “một ngày”, “kiếp”, “cuộc đời” hoặc mang tính trải nghiệm cá nhân như “hai hai năm”, “ba mươi lăm năm”, “bốn mươi năm lẻ”, “nửa thế kỷ”… Có khi có thời gian dạng phiếm chỉ như “bao nhiêu năm”, “mùa”, “bao giờ”… Nhà thơ luôn chiêm nghiệm thời gian bằng tâm lý và luôn đóng kèm những mốc thời gian với những tính từ cảm giác như “u mê” (“Hai hai năm cũng đã vừa u mê” - Gặp chi cắc cớ rứa trời); “buồn” (“Đã non nửa thế kỉ buồn” - Bên góc chùa làng), (“Đã gần nửa thế kỷ buồn” - Tâm sự mười năm); “trống trênh”, “nhạt nhòa” (“Trống trênh kiếp trước, nhạt nhòa kiếp sau” - Tâm sự mười năm).

Trong thơ của Nguyễn Lãm Thắng còn có một cảm thức khác nữa, và chính cảm thức này đã nói lên đầy đủ nhân sinh quan của chính bản thân nhà thơ: cảm thức lưu lạc, lạc loài gắn liền với sự nổi trôi vô định. Chúng ta có thể lượm ra đây một lượng lớn những câu thơ mang cảm thức như vậy.

Trong những bài thơ của tập Đầu non cuối bãi, chúng ta dễ dàng nhận thấy trường từ vựng diễn đạt sự dịch chuyển lênh đênh trên hành trình nhân sinh: “lang thang” (“Lang thang chưa hết cà tàng đâu em” - Cuối); “đi” (“Mệt nhoài, thất thểu ngày đi - May còn tâm sự cùng em); “rời xa quê” - “muốn quay về” (“Cũng từ dạo ấy tôi rời xa quê/ Bao rưng rức, muốn quay về” - Về chốn xưa); “xa quê” (“Còn anh tự bấy hôm rày xa quê” - Ngày xưa nói gì); “trôi” (“Thấy ta trôi, tựa cánh bèo trong khuya” - Khuya trôi theo bóng); “lạc” (“Mấy năm lạc chốn thị thành” - Nhớ chi nhớ lạ); “bươn thân” (“Ta bươn thân giữa cát lầm hồng hoang” - Một ngày); “phiêu bồng” (“Rong rêu một chuyến phiêu bồng mà thôi” - Ta như giọt lệ giữa dòng phù sinh), (“Mất nhau như một phiêu bồng thiên thu” - Như một phiêu bồng), (“Gót bồng phiêu chạm xuống dòng chân như” - Một ngày)… Đọc những câu thơ này, không thể không có sự liên tưởng đến cảm thức lưu lạc trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Lãm Thắng không phải là người sính dùng Hán văn, cũng không phải là người thiếu bản lĩnh văn chương. Cảm thức lưu lạc của nhà thơ là cảm thức thực sự của nội tâm, của sự trải nghiệm nhân sinh mà nhà thơ là đối tượng để tự đồng hiện lên trang giấy. Cái mà Nguyễn Lãm Thắng giống Nguyễn Du nhất là cảm giác bị đày xa khỏi không gian cội nguồn. Nhưng Nguyễn Lãm Thắng khác Nguyễn Du ở chỗ, “giấc mơ quê cũ bây chừ nát tan” là do cuộc mưu sinh. Còn ở Nguyễn Du lại là do số phận siêu hình. Sự lưu lạc nhân sinh trong thơ Nguyễn Lãm Thắng cũng gợi tới sự trôi nổi lênh đênh trong thơ của một nhà thơ tài hoa bậc nhất đất Việt đầu thế kỷ XX là Nguyễn Bính. Nhưng Nguyễn Bính lại là người chủ động theo tiếng gọi giang hồ dù cũng mang cảm giác lạc loài, bất an và tuyệt vọng.

Chỉ với hai cặp lục bát này, Nguyễn Lãm Thắng xứng đáng gọi là tài năng, tài hoa và là thi nhân như cách nói của Nguyễn Tuân:

Và ta cũng đã tha nhân
Nằm trên vách cỏ một lần và đau

                        (Khuya trôi theo bóng)  

Bao năm biết mấy giữa đời
Làm sao lạc giọng những lời nhà quê

                        (Lẩn thẩn chiều quê)

Hai cặp lục bát này, tôi cho rằng nhà thơ viết bởi hai tâm thức khác nhau: câu trích dẫn thứ nhất viết từ kinh nghiệm nội tâm của số đông người Việt đương đại, còn câu trích dẫn thứ hai được rút ra từ kinh nghiệm của chính nhà thơ. Hai câu thơ thứ nhất, chúng tôi rất chú ý đến ngôi xưng thứ nhất số nhiều là “ta”. Trong tập thơ Đầu non cuối bãi chỉ có 4 bài xưng ta, nhưng duy nhất ở bài này không mang tính cá nhân cụ thể. “Ta” ở đây trong hình thức thậm xưng của cái “tôi” nhưng nó có ý nghĩa bao quát tất cả mọi kiếp nhân sinh. Trong “ta” đó, có “anh”, có “tôi”. Tất cả đều bình đẳng trước hư vô. Cả “tôi và chúng ta” đều trở thành “tha nhân” với chính mình. Cái nhìn khái quát này đều đã có từ trong tập Họng đêm. Trước tập Đầu non cuối bãi, nhà thơ đã cho ra tập Họng đêm cũng được đánh giá cao. Tập thơ này theo đánh giá của dư luận là chứa rất nhiều sự thật khắc nghiệt và dữ dội. Nhà thơ đã nhìn ra được sự vong bản trong thâm tâm người Việt hiện nay. Vấn đề vong bản là một vấn đề xã hội mà người Việt chúng ta đang phải đối mặt ở hiện tại và cả tương lai. Còn cặp câu thứ hai này làm tôi nhớ đến một câu tục ngữ của người Việt từ muôn đời: “Chửi cha không bằng pha giọng”. Ý của câu tục ngữ là cảnh cáo con người phải cố gắng giữ lại cái hồn cốt quê hương qua giọng nói của mình. Trong bài thơ, tác giả tự nhận mình đã lạc giọng quê. Trong thực tế, điều này là đúng, vì bao năm ở Huế, Nguyễn Lãm Thắng không còn giữ giọng Quảng rặt nữa. Câu thơ này mang kinh nghiệm cá nhân nhưng cũng ẩn chứa trong đó tâm thức coi trọng cội nguồn của người Việt, mà trước nhất là văn hóa Quảng và tính cách Quảng.

Nói cho công bằng, nền văn minh lúa nước Văn Lang (và xưa hơn nữa) đã quy định tính cách của nòi giống Việt: tính cục bộ, mà nói dễ nghe là tính địa phương. Ví dụ như người Huế cho giọng Huế là hay nhất nên phải giữ giọng Huế. Thì người Quảng cũng vậy, họ tự hào về giọng Quảng. Nhưng có một điều là, người Quảng Nam dễ tự ái và luôn mang tâm lý tự ti về sự thua thiệt do quê hương của họ là vùng đất lam lũ. Mà chất giọng của họ khi đi đến xứ khác đã trở thành một mặc cảm. Và việc đổi giọng với người Quảng, cũng như người Huế, đều gây ra trạng thái đánh mất chính mình. Chúng tôi cố gắng đọc những cây bút nổi tiếng nhất xuất thân từ Quảng Nam: Phạm Phú Thứ thời trung đại, đến Nguyễn Thành Long, Nguyên Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh, thì phát hiện một điều. Người cố gắng “che đậy” gốc gác Quảng Nam trên mảnh đất văn chương nhiều nhất là Nguyễn Thành Long. Nguyên Ngọc vẫn giữ cốt cách Quảng Nam khi xây dựng các nhân vật anh hùng. Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Lãm Thắng đều có thể hiện chất Quảng Nam của mình trong sáng tác. Điểm giống nhau giữa hai ông họ Nguyễn này là đều thấy quê hương rất xa vời, khó có thể về. Nhưng khác nhau ở chỗ, giọng Quảng được Nguyễn Lãm Thắng đưa vào trong thơ mình, tuy ít, nhưng tràn trề niềm yêu mến như hoài niệm của ấu thơ như bài Nhớ chi nhớ lạ. Quảng Nam trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh thường đóng vai trò phông nền, và Nguyễn Nhật Ánh nhắc đến xuất thân người Quảng với tâm lý thua kém trong truyện Còn chút gì để nhớ. Trong Quán gò đi lên, giọng Quảng vừa được nhắc đến như một nỗi nhớ quê hương nhưng cũng được nói như một yếu tố để gây tiếng cười. Những chi tiết này chứng tỏ tính sợ thua kém và mặc cảm thua kém ở người Quảng là có thật. Tâm lý sợ thua kém của người Quảng thể hiện rõ nhất trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ. Chúng tôi nghĩ rằng, câu thơ của Nguyễn Lãm Thắng là một vết hằn tâm lý của người Quảng. Chính vết hằn tâm lý này làm chi phối đến cảm thức lưu lạc, lạc loài và góp phần sâu đậm làm nên nhãn quan hư vô của nhà thơ.

Hai cặp câu thơ lục bát này, như vậy, đã khắc họa cảm thức lạc loài của nhà thơ một cách tuyệt đối: lạc loài bản thể - một sự hư vô tận cùng. Dù là kinh nghiệm cá nhân mang tính hồi ức văn hóa hay kinh nghiệm tập thể mang tính thời đại, thì thơ lục bát của Nguyễn Lãm Thắng, vô hình trung, đã “điểm huyệt” rất đúng và trúng vào tâm lý của những người lưu lạc, tha hương. Tôi cho rằng, tâm thức thơ đương đại, ít ai đào sâu được như Nguyễn Lãm Thắng.

2. Sẽ rất thiếu sót nói chúng ta không nói đôi chút về thi pháp của tập thơ. Chúng tôi cho rằng, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã có những đóng góp quan trọng cho thể thơ lục bát. Thể lục bát là thể thơ dễ làm nhưng rất khó hay. Nhà thơ Du Tử Lê đã rất xưng tụng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ xứ Quảng này rồi, chúng tôi không còn lý do để nói lại. Điểm mà chúng tôi muốn nói là nhịp điệu thơ lục bát trong tập Đầu non cuối bãi mới chính là đóng góp đặc biệt.

Người Việt từ thuở nằm nôi đã quen với lục bát của ca dao dân ca. Bởi vậy, nhịp điệu cổ điển của lục bát mà ai cũng hướng tới là sự hòa điệu bằng trắc một cách trầm bổng. Đến với lục bát Nguyễn Lãm Thắng, người đọc ngỡ ngàng nhận ra một nhịp điệu lục bát khác, rất đa dạng và biến hóa. Nhà thơ tựa như một ca sĩ đã nắm vững mọi tiết tấu đã dám đùa giỡn với nhịp điệu một cách thiện nghệ. Nhiều lần, nhà thơ có một cách ngắt nhịp rất lạ, mà chúng ta hiếm thấy, nếu không muốn nói là mới thấy lần đầu tiên trong thơ của tác giả:“Thắp nhang tưởng niệm hai răng/ Chắp tay lạy/, cuộc tình băng hà,/ buồn” (Là rứa đó). Câu bát chia theo nhịp 3/3/2/1 như vậy thì mới mẻ quá. Hoặc đây là một cách cắt nhịp khác như một lớp xiếc ngôn từ:“Hai hai năm/ gặp,/ hỏi,/ chào/Quay lưng,/ ngó,/ thở cái phào/ và đi” (Gặp chi cắc cớ rứa trời). Tác giả chẻ nhịp của câu thơ rất điệu nghệ. Chỉ với 14 chữ mà đầy đủ một cuộc gặp gỡ cũng như tâm trạng của những người trong cuộc: có thời gian xa cách, có cuộc gặp, có chào, có hỏi thăm, có quay lưng, có dùng dằng và có sự từ biệt. Sinh động đến thế là cùng.

Thể hiện rõ nhất có nghệ thuật sắp nhịp câu thơ lục bát của Nguyễn Lãm Thắng chính là bài Tự nhiên vợ gọi. Toàn bài thơ có đầy đủ các mô hình nhịp điệu mà nhà thơ đã cố công thể nghiệm.

Ngoài nhịp điệu thơ lục bát, cho đến hiện tại, khi đọc sâu tập thơ, chúng tôi thấy rằng, Nguyễn Lãm Thắng cũng có phần nào chịu ảnh hưởng của văn học dân gian, mà trước hết là của ca dao - dân ca, và lời nói dân gian xứ Quảng. Có nhiều câu thơ trong tập này hết sức mượt mà, ý vị, tinh tế và gợi cảm, đậm đà bản sắc quê hương: “Bi chừ bến lở sông su/ Con tơm con tép mịt mù nơi mô/ Tồng ngồng nhớ mắt tiểu thơ/…Gió nờm thổi riết, khô ran mặt người/ Nghĩ mình, sặn bọ bơi lơi/ Lang thang miết phía chân trời cỏ may” (Nhớ chi nhớ lạ); hoặc: “Nỗi buồn từa tựa lá tre/ Mỏng manh thôi, mà cứa tê tái lòng” (Nỗi khuya), “Hỏi sông Như Ý còn xanh/ Và trăng Vỹ Dạ nửa vành còn trong/ Hỏi em em đã lấy chồng/ Mà răng Đập Đá ngăn sông cách đò?” (Hỏi)… Tuy nhiên, có những lúc nhà thơ không ra soát được mạch liên tưởng, hoặc do hết ý mà chêm ngang những câu trữ tình như vậy những hình ảnh không mấy tương thích:“Cuộc tình mỏng tựa lá chanh/ Biết rồi mai nữa có thành nhau không?/ Chỉ thương hoa cải lên ngồng/ Mùa xuân đã đắm dưới dòng cô miên” (Giọt nước mắt khuya). Hình ảnh “hoa cải lên ngồng” đang rất nên thơ, đang rất cổ điển, khi không lại đi đôi với một câu dưới rất hiện đại nên gây ra sự bất tương xứng. Cũng như câu này:“Nhắc giùm tấm áo người thương/ Còn hằn tơ nhện, còn vương giọt sầu/ Mai này dâu bể về đâu/ Hồn xin hóa một bè lau tiễn mình” (Lời cho ngàn sau). Chúng tôi cho rằng, câu cuối như thế này không khớp với ba câu trên.

Nhưng trong tập thơ này, có thể lượm ra không ít những câu thơ tài hoa xứng đáng là bậc nhất của thơ ca đương đại Việt Nam. Chúng tôi thấy điều này ở Nguyễn Lãm Thắng cũng tương tự như lục bát Nguyễn Bính trong phong trào thơ Mới. Tập Đầu non cuối bãi có tỉ lệ số câu thơ hay rất lớn, dù là những câu tác giả viết chỉ để đưa đẩy, làm chức năng gắn kết: “Sông quê còn chảy lòng vòng/ Tiếng quyên năm cũ lòng thòng bờ ao” (Gặp chi cắc cớ rứa trời); “Răng mà nhớ cái cổng đình/ Họ đem họ đập tanh bành, ác chưa?” (Nhớ chi nhớ lạ)…

*

Viết về cá tính văn hóa xứ Quảng trong việc hình thành thi tài của Nguyễn Lãm Thắng làm chúng tôi phân vân. Biết đâu người bị phê bình cho rằng chúng tôi phân biệt vùng miền, là cục bộ, là địa phương. Nhưng với chúng tôi, những người đam mê với văn chương chỉ có hai thứ trước mắt: hoặc là thi sĩ hoặc là thi nhân, hoặc là tác phẩm có giá trị hoặc là tác phẩm vô giá trị. Chúng tôi cho rằng, Nguyễn Lãm Thắng, và tập Đầu non cuối bãi của anh đã đem lại khoái cảm nghệ thuật cho bạn đọc. Nhà thơ có tư tưởng riêng, có bút pháp riêng biệt và sáng tạo.

Chúng tôi khẳng định lần nữa, nếu không có tính cách Quảng này, tôi e rằng không thể có một Nguyễn Lãm Thắng tài hoa với văn chương như thế được. So với những cây bút xứ Quảng nổi danh trên văn đàn Việt Nam hiện đại, tình cảm cội nguồn trong thơ Nguyễn Lãm Thắng là tự nhiên và chân thật nhất. Trong tập thơ này, xứ Quảng hiện diện chưa rõ nét nhưng bài nào tình cảm cũng đong đầy. Nếu như nhà thơ khơi nguồn mạch “thương nhớ đồng quê” này lên, chúng tôi tin là sẽ có trái ngọt cây lành.

Có lẽ là còn khập khiễng, nhưng trong những câu thơ “đồng quê” Nguyễn Lãm Thắng chúng tôi thấy có phần nào xôn xao tâm thức Việt xưa mà thơ Nguyễn Bính đã từng đem lại ở thế kỷ trước. Chỉ khác nhau là, Việt xưa trong thơ Nguyễn Bính là cội nguồn nguyên phiến trong buổi Âu hóa, còn Việt xưa của Nguyễn Lãm Thắng là vẻ đẹp hoài niệm ấu thơ của người hiện đại đang lạc lỏng giữa thời đại kĩ trị.

N.H.T  
(TCSH343/09-2017)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng