Nghiên Cứu & Bình Luận
Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật trong Sông Đông êm đềm
09:07 | 07/11/2017

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2017)

HÀ VĂN LƯỠNG

Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật trong Sông Đông êm đềm
"Sông Đông êm đềm" trọn bộ 8 cuốn | M. Sô Lô Khốp, Nxb Văn hóa 1959 - 1960 - Ảnh: Sachxua.net

Sông Đông êm đềm - một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của nền văn học Nga viết về cuộc chiến tranh nội chiến. Đây là cuốn “sử thi nhân dân” hoành tráng tái hiện lại một giai đoạn lịch sử đầy oanh liệt, bi tráng của nhân dân Nga vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Tác phẩm Sông Đông êm đềm đi vào lịch sử văn học Nga thế kỷ XX và văn học thế giới như một hiện tượng văn học đặc sắc khẳng định tài năng của Sôlôkhốp. Bên cạnh những yếu tố nghệ thuật khác góp phần làm nên giá trị lớn lao của bộ sử thi đồ sộ Sông Đông êm đềm như sự kết hợp giữa những yếu tố sử thi với bi kịch, hài kịch và châm biếm; nghệ thuật kết cấu cốt truyện; xây dựng chi tiết, tình tiết; việc sử dụng các Folklore..., việc phân tích tâm lý, đào sâu vào tâm hồn nhân vật, lý giải các nguyên nhân dẫn đến hành động của họ thông qua những biện pháp nghệ thuật của nhà văn đã trở thành một phương tiện hữu hiệu trong việc tái hiện chiều sâu nội tâm nhân vật. Trong cuốn Nghệ thuật của Mikhaiin Sôlôkhốp, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nga A.F.Briticôp khẳng định rằng: “Sau Tônxtôi, Sôlôkhốp là người biểu hiện rõ nhất và sâu nhất tâm trạng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong các tiểu thuyết của ông, nghệ thuật khắc họa bước ngoặt trong cuộc sống nhân dân chính là thành tựu vĩ đại nhất của văn học Nga - Xô viết và có ảnh hưởng đối với đời sống xã hội chúng ta, đến mức có thể so sánh với tiếng nói mạnh mẽ của L.Tônxtôi tác động vào độc giả nước Nga”.[1 - 74]

1. Là một thiên anh hùng ca về số phận của dân Côdắc trong thời kỳ Cách mạng Tháng Mười và nội chiến, Sông Đông êm đềm đã tập trung xây dựng các nhân vật ở hai trận tuyến cách mạng và phản cách mạng trở thành những điển hình sâu sắc, trong đó nổi bật là nhân vật Grigôri, Ăcxinhia, Natalia và Côsêvôi... Trước hết, khi xây dựng nhân vật, nhà văn xác định rõ bản chất giai cấp, tâm lý xã hội của nhân vật. Chính đặc điểm mang tính chính trị này sẽ là điểm cơ bản, quyết định toàn bộ bản chất nhân vật trên suốt con đường đi của họ trong tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà trong Sông Đông êm đềm, nhà văn phản ánh và khai thác một cách sâu sắc đặc điểm giai cấp và đặc trưng tâm lý nhân vật. Đây là điểm xuất phát cho con đường đi khác nhau của các nhân vật chính từ Cách mạng Tháng Mười đến cuộc chiến tranh nội chiến, đồng thời giải thích vì sao nhân vật này đứng về phía Cách mạng, nhân vật kia đi theo bọn Bạch vệ và có người dao động giữa hai trận tuyến để cuối cùng dẫn đến bi kịch.

Xuất thân là người thuộc tầng lớp bần cố nông Côdắc, Côsêvôi mang bản chất tốt đẹp của nhân dân lao động. Cách mạng tháng Mười thành công, những người như Côsêvôi được giải phóng khỏi sự bóc lột của bọn địa chủ ở nông thôn và họ có ruộng vườn để cày cấy và sinh sống. Vì vậy, khi chiến tranh nội chiến bùng nổ, Côsêvôi nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người Xô viết để chống lại bọn phản cách mạng, bảo vệ quyền lợi giai cấp và quyền lợi cá nhân. Và sau này, Côsêvôi trở thành một đảng viên trung kiên, là Chủ tịch Xô viết thôn.

Cũng thế hệ với Côsêvôi, nhưng Lítxnhitxki và Corsunốp là con của gia đình địa chủ và phú nông, nên hai nhân vật này thuộc thành phần giai cấp bóc lột. Cách mạng đã lật đổ chế độ Nga hoàng, xóa bỏ ách áp bức của địa chủ ở nông thôn. Cho nên khi bùng nổ nội chiến, Lítxnhitxki, Corsunốp và những người thuộc tầng lớp phú nông đứng về phía Bạch vệ chống lại chính quyền Xô viết. Chính vì thế, cuộc đấu tranh giai cấp trong nội chiến diễn ra rất quyết liệt và đẫm máu.

Những người thuộc thành phần trung nông Côdắc như Grigôri thì lại luôn dao động giữa hai trận tuyến cách mạng và phản cách mạng. Tính chất hai mặt của người nông dân (mặt lao động và mặt tư hữu) đặc biệt đối với tầng lớp trung nông Côdắc biểu hiện phức tạp trong Cách mạng và nội chiến. Bản chất giai cấp của tầng lớp này rất bấp bênh về thái độ chính trị và chọn đường đi trong thời đại bão táp cách mạng. Những người trung nông là tầng lớp giữa của giai cấp nông dân Côdắc vùng sông Đông. Kinh tế không ổn định dẫn đến lập trường tư tưởng hay dao động, “họ đã nghiêng ngả, đang nghiêng ngả và còn nghiêng ngả... Chính những sự nghiêng ngả của nông dân, đại biểu chủ yếu của quần chúng lao động tiểu tư sản đã quyết định vận mệnh của chính quyền Xô viết cùng chính quyền của bọn Côntrăc, Đênhikin. Nhưng cái “cuối cùng” ấy đã phải trải qua một giai đoạn đấu tranh gay go và khảo nghiệm nặng nề khá lâu dài” (V.I.Lênin). Về bản chất giai cấp, Grigôri Mêlêkhốp thuộc gia đình trung nông điển hình. Trong bão lửa khốc liệt của cách mạng và nội chiến, sự phân hóa trận tuyến diễn ra rất rõ ràng, vì đó là cuộc “sàng lọc chất liệu con người” với quy mô trong cả nước. Mặt lao động kéo Grigôri về phía cách mạng (Hai lần Grigôri tham gia Hồng quân), ngược lại mặt tư hữu lại kéo chàng đứng về phía phản cách mạng (Hai lần tham gia quân Bạch vệ và bọn phiến loạn). Nếu khi trở thành chiến sĩ Hồng quân, chiến đấu để bảo vệ chính quyền Xô viết, Grigôri thực sự phát huy những mặt tốt trong bản chất lao động của mình, thì việc Grigôri đi theo Bạch vệ, làm sư đoàn trưởng lực lượng phiến loạn là xuất phát từ lý do sợ cách mạng đe dọa, xóa bỏ quyền tư hữu của mình. Như vậy, Grigôri không chỉ là người trung nông do bản chất giai cấp mà dao động, ngả nghiêng trong cách mạng và nội chiến, mà còn là một người Côdắc điển hình, biểu hiện tập trung và đầy đủ tính chất mâu thuẫn của giai cấp mình. Nói như Sôlôkhốp, Grigôri Mêlêkhốp lớn lên cùng với bầu sữa mẹ và anh ta cũng “bú” luôn cả mọi thành kiến của dân Côdắc được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Những yếu tố trong tính cách của Grigôri như yêu lao động, chân thành, bộc trực, ghét áp bức, tinh thần dũng cảm, yêu tự do và tinh thần dân chủ đã làm nên một Grigôri Mêlêkhốp rất chân thực, sinh động.

Khi xây dựng nhân vật, nhà văn M.Sôlôkhốp đã nêu lên và khẳng định bản chất giai cấp của các nhân vật. Chính việc xác định nguồn gốc chính trị mang tính giai cấp của các nhân vật trong tác phẩm làm cơ sở cho tác giả lý giải mọi biểu hiện những hành động chọn đường của các nhân vật chính.

2. Nhận xét về tài năng nghệ thuật của M.Sôlôkhốp, nhà lý luận phê bình văn học S.O.Melich cho rằng: “Sức mạnh của bất kỳ nhà văn nào cũng được thể hiện trước hết ở chỗ biết phát hiện tính cách con người, xây dựng những hình tượng sinh động, có nghệ thuật, có tài trong việc thể hiện đặc điểm tâm lý xã hội của nhân vật” [2 - 197]. Các tính cách nhân vật trong Sông Đông êm đềm được nhà văn phân tích, mổ xẻ đến tận chiều sâu nội tâm của họ. Phân tích các trạng thái tâm lý nhân vật thông qua những suy nghĩ độc thoại, đối thoại, hành động; kết hợp nhiều giọng điệu trong tác phẩm và mô tả thiên nhiên nhằm bộc lộ tâm lý nhân vật... là những biện pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng trong Sông Đông êm đềm.

Nhà văn đặt nhân vật vào dòng xoáy của các sự kiện lịch sử - xã hội mang tính bước ngoặt thời đại, (Cách mạng Tháng Mười 1917) để nhân vật chịu sự tác động của hoàn cảnh, bộc lộ đầy đủ bản chất tính cách của mình. Quá trình tâm lý của các nhân vật trong Sông Đông êm đềm diễn ra trong dòng chảy của không gian và thời gian với những sự kiện lớn lao. Tính cách các nhân vật Grigôri, Ăcxinhia, Xtêpan, Côsêvôi, Natalia... luôn được nhà văn phản ánh trong sự vận động, lưu chuyển. Những xung đột của thời đại bão táp cách mạng và nội chiến như cơn lốc cuốn hút những nhân vật của Sôlôkhốp vào tâm điểm mang kịch tính cao. Điều này tạo nên những cơn bão tố trong lòng nhân vật Grigôri. Khi đứng trong hàng ngũ Hồng quân, Bạch vệ, theo quân phiến loạn hay đi với bọn phỉ Phômin, Grigôri bao giờ cũng đắn đo suy nghĩ. Những dòng suy nghĩ và độc thoại của Grigôri nói lên tâm lý phức tạp nhưng phong phú của chàng, đồng thời khẳng định rõ bản chất trung thực, mang tính chất của dân trung nông Côdắc. Khi còn ở trong hàng ngũ quân phiến loạn, khi nghe tin những người bạn thân thiết của mình là Côsêvôi, Stôcman, người mất tích, người bị giết chết bởi bàn tay bọn phiến loạn, Grigôri đau đớn nói lên suy nghĩ của mình: “May ra Misca và Ivan Alếchxêep còn sống... Tìm hiểu xem ai giết Pêtơrô... và phải cứu sống Misca, Ivan! phải cứu... Đã có chuyện đổ máu giữa bọn mình với nhau, nhưng các cậu ấy đâu có phải là người xa lạ”. Nhờ những dòng độc thoại này mà chúng ta hiểu được bản chất con người Grigôri, đó là người thẳng thắn giàu lòng nhân ái và gắn bó với bạn bè trong những lúc thường cũng như lúc hiểm nguy. Và chàng đau đớn đến tím mặt, phóng lên ngựa, phi suốt ngày đêm để đến nơi bạn bè mình gặp nạn đến nổi làm chết con ngựa. Một lần trong trận chiến với Hồng quân, Grigôri say máu phi ngựa đuổi theo một người lính Hồng quân trẻ đang chạy trốn và vung gươm chém xẻ đôi anh lính trẻ này. Cái chết của người lính Hồng quân dưới lưỡi gươm của mình đã làm cho Grigôri dằn vặt, giằng xé đau đớn trong nội tâm và giúp chàng thức tỉnh. Cũng vì vậy, sau đó, Grigôri chán ghét Bạch vệ và chạy về với Hồng quân.

Trong nghệ thuật phân tích tâm lý của Sôlôkhốp, ông đã tiếp thu những điểm cơ bản trong nghệ thuật của A.Puskin, A.Chêkhôp, đặc biệt là “biện chứng tâm hồn” của L.Tônxtôi. Nhà văn, một mặt dùng lời tác giả để triển khai, trình bày đời sống nội tâm nhân vật như L.Tônxtôi, mặt khác ông xích gần với phong cách mô tả chi tiết bề ngoài, “hành vi hướng nội” như A. Chêkhôp. Sự kết hợp này tạo nên những đoạn mô tả nhân vật rất sinh động, và lời tác giả cùng độc thoại nội tâm nhân vật hướng vào việc bộc lộ tính cách nhân vật. Trong tác phẩm, nhà văn thường dùng lời mô tả của tác giả (lời kể) mang một sắc thái ngữ điệu riêng biệt nên có ý nghĩa đa chiều. Chính ngữ điệu trong lời tác giả đã làm cho người đọc thấy rõ sự bộc bạch tâm trạng của nhân vật. Hai giọng điệu (giọng điệu tác giả và giọng điệu nhân vật) trong tác phẩm được nhà văn kết hợp trong việc khắc họa xung đột tâm lý của nhân vật Grigôri. Đoạn nhà văn mô tả thái độ và hành động của Grigôri khi bắt được một tù binh Hồng quân thể hiện một quá trình tâm lý mâu thuẫn trong con người Grigôri. Ban đầu, Grigôri ra lệnh giết và sau đó lập tức thay đổi ý định và ra lệnh tha người chiến sĩ Hồng quân đó: “... Cho thả tù binh ra, cho nó một giấy thông hành - Không nhìn những bọn Côdắc, Grigôri nói và trở lại gian phòng đứng trước một tấm gương cũ kỹ, vung hai tay lên với vẻ phân vân. Chàng không thể tự giải thích cho mình là vì sao mình lại ra lệnh và bảo cho thả tù binh (...). Chàng hơi khó chịu trước lòng thương hại của mình. Tình cảm xâm nhập vào ý thức chàng và khiến chàng phải thả kẻ địch ra không phải là lòng thương hại bản năng thì là cái gì? Đồng thời chàng lại cảm thấy dễ chịu và vui thích... Sao lại có thể xẩy ra như thế được? Chàng không thể tự trả lời câu hỏi đó...”.

Ở đoạn văn trên, chúng ta không thấy rõ lời độc thoại nội tâm của nhân vật một cách trực tiếp như trong tác phẩm của L.Tônxtôi (Chiến tranh và hoà bình, Anna Karênina, Phục sinh...) mà chỉ là lời của tác giả. Nhưng giọng điệu kể chuyện và mô tả của Sôlôkhốp đã mang một ngữ điệu khác hàm chứa cả giọng điệu nhân vật. Điều này thể hiện một trạng thái tâm lý rất phức tạp, giằng co, sự đấu tranh trong nhân vật Grigôri. Về bổn phận người lính, người chỉ huy, Grigôri muốn ra lệnh giết kẻ thù, nhưng lương tâm và tình cảm thì chàng lại cho thả tù binh ra. Sự phân thân này trong tâm lý nhân vật càng làm cho Grigôri trở thành một điển hình sinh động của người lính trung nông Côdắc, một nhân vật phức tạp, nhưng chân thực và hấp dẫn.

Trong phân tích tâm lý nhân vật, mỗi nhà văn đều hướng đến một số biện pháp nghệ thuật cụ thể nhằm đào sâu nội tâm của nhân vật. Các trạng thái tâm lý có thể diễn ra và biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối với L.Tônxtôi, “biện chứng pháp tâm hồn” là một đặc điểm cơ bản trong nghệ thuật tâm lý của nhà văn. Chú ý đến quá trình vận động và phát triển của tâm hồn nhân vật trải qua các thời điểm khác nhau dưới những tác động của các yếu tố thời đại, lịch sử, xã hội và hoàn cảnh cá nhân, L.Tônxtôi đã xây dựng được những nhân vật đặc sắc về bản chất tâm lý như Anđrây Bôncônxki, Natasa, Pie Bêdukhốp (Chiến tranh và hòa bình); Nhêkhliuđốp, Matxlôva (Phục sinh), Anna Karênina, Vrônxki (Anna Karênina). Nhưng dường như L.Tônxtôi chỉ chú ý đến quá trình diễn biến tâm lý mang tính biện chứng bên trong tâm hồn mà chưa quan tâm đúng mức đến sự biểu hiện của nó qua hành vi bên ngoài. Ngược lại, sáng tạo về nghệ thuật tâm lý của M.Sôlôkhốp là ở chỗ, trong khi nhà văn phân tích nội tâm của nhân vật, ông đã chú ý đến sự thể hiện các trạng thái đó không chỉ qua độc thoại nội tâm mà chính là qua hành vi và biểu hiện bên ngoài. Thủ pháp mô tả hành vi biểu hiện bên ngoài của Sôlôkhốp có giá trị như sự phân tích trực tiếp bản thân tâm lý nhân vật. Điều này đối với nhà văn Sôlôkhốp cũng góp phần không nhỏ vào việc khai thác nội tâm nhân vật từ nhiều khía cạnh tạo nên một giai điệu trọn vẹn trong hành động tâm lý.

Ở các nhân vật Grigôri, Ăcxinhia, đặc biệt là Xtêpan Axtakhốp, nhà văn thường sử dụng biện pháp trên. Nhà văn mô tả chi tiết, khi trở về nhà, Xtêpan nhận ra Ăcxinhia đã bỏ đi cùng với Grigôri: “Hắn quẳng cây đèn trên tay xuống, không tự chủ được nữa... Hắn giật thanh gươm trên tường xuống, mấy ngón tay nắm cán gươm chặt quá tím cả lại. Hắn lấy mũi gươm xốc chiếc áo xanh phớt hoa vàng nhạt của Ăcxinhia, hất tung lên, vung gươm chém phăng làm đôi. Mặt hắn xám ngoét đi, nỗi đau khổ đã làm hắn trở nên man rợ như một con chó sói. Hắn tung những mảnh áo bị chém nát lên đầu, lưỡi gươm mài sắc nhọn múa vù vù, chém ngang, chém dọc. Rồi hắn vứt phăng dây ngũ buộc gươm, quẳng thanh gươm vào xó nhà, bước vào bếp, ngồi xuống cạnh bàn. Hắn ngoẹo đầu xuống, những ngón tay rắn như thép run bần bật, xoa mãi không thôi trên mặt bàn bẩn thỉu”. Ở đây, nhà văn không phân tích trực tiếp diễn biến tâm lý của Xtêpan mà qua những chi tiết, hành động và dáng vẻ bề ngoài của nhân vật đã phơi bày một cách sâu sắc và đầy đủ sự ghen tuông, căm giận, đau xót, tủi hổ của hắn. Một loạt hành động liên tiếp diễn ra từ việc “quẳng cây đèn”, “giật thanh gươm”, “vung gươm chém chiếc áo” đến “múa gươm vù vù” và “quẳng thanh gươm vào xó nhà”, “ngoẹo đầu xuống” xoa tay “trên mặt bàn bẩn thỉu” nói lên nỗi căm giận và đau đớn đến tột cùng đang diễn ra trong con người Xtêpan. Những hành động đó vừa nhằm biểu hiện nội tâm nhân vật, đồng thời cũng là một cách giải tỏa sự đau khổ đang hành hạ Xtêpan.

3. Trong các tác phẩm của Sôlôkhốp, đặc biệt ở Sông Đông êm đềm, thiên nhiên được miêu tả không chỉ là những bức tranh trữ tình đủ sắc màu nói lên cái đẹp của cảnh vật, đất nước, mà nó còn là một phương tiện nghệ thuật nhằm bộc lộ tâm hồn nhân vật. Nhận xét về điều này, trong cuốn Mikhaiin Sôlôkhốp (Tuyển tập những bài viết và tư liệu) Nxb. Lêningrat 1956, B.Larin cho rằng: “Sẽ không thể phai mờ những so sánh trong những trang miêu tả của Sôlôkhốp về những khoảng bao la của thảo nguyên về những ngọn đồi và thung lũng nhỏ ở vùng người Côdắc, về những vách bờ dựng đứng và những vườn anh đào ở hạ lưu sông Đông. Thiên tài của nghệ sĩ sáng tạo nên những bức tranh phong cảnh độc đáo, tuyệt vời, bất tử” [1 - 844]. Phong cảnh thiên nhiên góp phần thể hiện và đào sâu hơn tâm trạng của nhân vật, phơi bày những bí ẩn kỳ diệu trong tâm hồn con người.

Lần đầu tiên ra khỏi nhà sau một cơn ốm nặng, tâm trạng của Ăcxinhia vui vẻ phấn chấn và trước mắt nàng là một bức tranh thiên nhiên trữ tình, lãng mạn: “... Những chiếc lá to tướng vốn trước đây màu xanh đang uể oải che ánh mặt trời cho một cuống hoa thâm thấp và mụ mẫm mang đầy những đóa hoa trắng như tuyết. Nhưng những lá cây phủ đầy sương và phủ màu sắt gỉ đã héo rồi, và chỗ rữa ăn lan gần đến tận cành hoa; hai lá hoa ngoài nhất cũng đã nhăn nhúm lại và đen sạm, chỉ có phần trên của hoa lung linh trong những giọt sương, rồi thình lình bừng lóe lên một màu trắng đẹp kỳ lạ dưới ánh mặt trời. Và không biết tại sao trong giây phút ngắn ngủi ấy, khi nhìn hoa qua màng nước mắt, ngửi thấy mùi hương hăng hắc của nó, Ăcxinhia chợt nhớ lại tuổi trẻ, nhớ lại toàn bộ cuộc đời dài và hiếm có những niềm vui của mình”. Bức tranh thiên nhiên trên không chỉ nói lên tài năng quan sát, mô tả một cách tinh vi và sâu sắc của nhà văn mà nó thể hiện tâm trạng của Ăcxinhia, gợi lên những cái liên quan đến cuộc đời của nàng trong quá khứ, hiện tại và hé mở đoạn đường tương lai đầy bất hạnh của nhân vật. Đóa hoa đẹp, lung linh nhưng đã bắt đầu tàn úa, sự bừng lên đẹp lạ thường, dưới ánh mặt trời nhưng rồi sẽ tàn phai cũng giống như số phận của Ăcxinhia. Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, sức khỏe và nhan sắc của Ăcxinhia đã cạn kiệt, phai tàn và niềm vui trỗi dậy của nàng sau đó chỉ có thể là tia sáng cuối cùng trong con đường hầm không có lối thoát. Và nàng phải kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm khi đang trên đường cùng Grigôri trốn khỏi làng theo tiếng gọi của tình yêu lứa đôi. Mô tả đóa hoa, Sôlôkhốp giúp cho Ăcxinhia nhớ lại tuổi trẻ đẹp nhưng bất hạnh, hiện tại đau buồn, không hạnh phúc và phác họa một tương lai bi thảm sắp tới. Như vậy, thiên nhiên ở trong sáng tác của Sôlôkhốp không chỉ có giá trị tự nhiên, là “duy mỹ”, mà còn nói hộ tâm lý của nhân vật.

Ở một bức tranh khác, cảnh vật được Sôlôkhốp miêu tả đặt bên cạnh nhân vật Grigôri nhằm khơi sâu tâm trạng của chàng và thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm: “... Loài hoa này mọc trên vùng đất hoang, len lỏi giữa những ngọn cỏ đônich khô như một đường viền bằng hoa mọc quanh những bờ ruộng bỏ hoang từ lâu, thậm chí trên mảnh đất hoang cứng như đá và xuyên qua đám cỏ khô còn lại từ năm ngoái, loài hoa đó ngắm nhìn thế giới với đôi mắt biếc xanh trong trẻo như mắt trẻ thơ (...). Ở sườn khe và trên mặt đất mặn những bông hoa tuy-líp lộng lẫy như trong thần thoại đã vươn mình phô dưới ánh mặt trời những cánh hoa đỏ, vàng và trắng (...). Từ những lớp tuyết hơi lạnh bay sang và càng làm nổi rõ mùi hương lan tím, cái mùi phảng phất u buồn như một hồi ức về cái gì rất quý mà đã qua lâu rồi”. Cảnh vật ở đây hòa quyện với những tâm tư dằn vặt của Grigôri trước những biến động dữ dội của thời cuộc. Thiên nhiên dường như cũng đồng cảm với cảnh ngộ éo le đầy mâu thuẫn của Grigôri và cũng hé mở những kết cục bi kịch sắp đến với chàng.

Là người tiếp tục truyền thống phân tích tâm lý nhân vật từ trong văn học Nga thế kỷ XIX mà đại biểu lớn nhất là L.Tônxtôi, M.Sôlôkhốp đã có những đóng góp và cách tân mới mẻ trong lĩnh vực này. Xác định bản chất tâm lý nhân vật; phân tích, mổ xẻ quá trình tâm lý diễn ra thông qua các thủ pháp nghệ thuật; xem thiên nhiên là một yếu tố quan trọng góp phần thể hiện tâm hồn nhân vật..., đó là những đặc điểm cơ bản trong hệ thống thi pháp của Sôlôkhốp. Vì vậy, thế giới nghệ thuật của Sôlôkhốp nói chung và trong Sông Đông êm đềm nói riêng như một tấm thảm đầy sắc màu rực rỡ cuốn hút người đọc và nó mãi mãi là niềm đam mê khám phá của giới học thuật trong và ngoài nước.

H.V.L  
(TCSH345/11-2017)

------------------
1. Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Kim Đính và các tác giả khác, Lịch sử văn học Nga, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997.
2. A.F.Briticôp, Nghệ thuật của Mikhaiin Sôlôkhốp, Nxb. Khoa học Mátxcơva - L, 1964 (Tiếng Nga).
3. S.O.Melich, Lịch sử văn học Xô viết (tập 2), Nxb. Văn hóa - Viện Văn học, Hà Nội, 1961.
4. (Những dòng in nghiêng được trích dẫn từ:) M.Sôlôkhốp, Sông Đông êm đềm (8 tập), Nxb. Văn học, H, 1993.  






 

Các bài mới
Các bài đã đăng