Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn xuôi Lê Thanh Kỳ nhìn từ phê bình sinh thái
10:02 | 18/01/2018

MỘC MIÊN

Là người đến với văn chương khá muộn nhưng chỉ với một tác phẩm tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, tác giả Lê Thanh Kỳ cũng đã ghi dấu ấn đáng chú ý đối với nền văn xuôi Việt Nam đương đại.

Văn xuôi Lê Thanh Kỳ nhìn từ phê bình sinh thái
Nhà văn Lê Thanh Kỳ - Ảnh: internet

Ngoài tiểu thuyết đầu tay mang tên Bão đất, Lê Thanh Kỳ còn có khoảng 30 truyện ngắn mà trong đó chùm truyện ngắn của anh gồm: Bạn khách, Sợi dây Mồng chín tháng tám đã đoạt giải nhất của cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ 2011 - 2013. Đọc tác phẩm của anh, chúng ta không khó để nhận thấy mối quan hệ độc đáo giữa văn chương và sinh thái trong từng trang viết. Đó là những biến đổi của xã hội nông thôn Việt Nam trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Sự phát triển ấy đã ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên, đến con người.

Trong những trang viết của Lê Thanh Kỳ, thiên nhiên không chỉ là môi trường để tồn tại mà nó còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người. Đọc tác phẩm của anh, chúng ta luôn bắt gặp những dòng văn miêu tả cảnh thiên nhiên làng quê mộc mạc, dù cằn cỗi hay giàu phù sa cũng vốn là môi trường thân thiện, yên bình, muôn đời nuôi dưỡng người nông dân trên mảnh đất ấy. Trong Một cuộc đi chơi, thiên nhiên hiện ra trước mắt của Nga và Tuấn là bức tranh phong cảnh miền núi lãng mạn và gần gũi với những “đồi mua lác đác trổ bông hoa tím. Đàn trâu đang thong thả gặm cỏ, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên mõ khua lốc tốc”. Người đọc dễ đắm chìm trong cảm giác thật bình yên, thanh tịnh và trong lành ở nơi đây. Có lẽ vì cảnh quê cứ yên ả và nên thơ như thế nên mỗi con người khi đứng trước nó lòng cứ phải xốn xang xúc động như một cuộc trở về với những gì nguyên sơ nhất.

Với Đương trong mùa hoa cải, thiên nhiên không chỉ là nơi để con người tìm về để cảm nhận vẻ đẹp của nó mà còn là nơi để con người hòa vào nó, làm bạn với nó, tâm tình cùng nó để tìm kiếm niềm vui, niềm an ủi cho bản thân mình. Nếu cho rằng hoa cải là một ẩn dụ ý niệm về thiên nhiên thì chúng ta có thể thấy thiên nhiên trước con người cũng có lúc đẹp dịu dàng và mỏng manh như màu hoa cải. Cải là một loại rau nuôi sống con người, hoa cải làm giàu cho con người, làm đẹp cho con người nhưng lại bị chính con người hắt hủi, giày xéo đến tang thương để mãi rồi con người mới nhận ra “Rốt cuộc, cải chỉ đẹp ở cánh đồng cải mà thôi”. Lê Thanh Kỳ đã lấy màu hoa cải làm cái nền cho câu chuyện đoàn tụ gia đình, cho câu chuyện hội ngộ của hai người lính từng một thời ở hai chiến tuyến khác nhau của chiến tranh để rồi tất cả những vết thương lòng giữa cha và con giữa những người lính cũng sẽ được chữa lành trong màu hoa ấy. Thiên nhiên trở thành cầu nối, thành bài thuốc để chữa lành những vết thương tâm hồn của con người.

Những nhân vật trong truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ vì thế nên yêu mến thế giới tự nhiên xung quanh mình vô hạn, yêu đến trăn trở, lo lắng và đau đớn. Trong Ba người đàn bà là tâm sự của người đàn bà dong dỏng cao khi kể về chồng mình: “Anh ấy lúc nào cũng yêu đất, trăn trở với đất”. Với họ, thiên nhiên chính là nơi để họ tồn tại, là nguồn sống rồi tiếp đến là nơi nuôi dưỡng tâm hồn họ. Thiên nhiên vừa là mẹ, là máu thịt vừa là người bạn đối với sự tồn tại của họ trong cõi đời này. Bằng tất cả sự yêu mến, Lê Thanh Kỳ đã dùng ngòi bút của mình để tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên đồng thời miêu tả con người trong sự gắn bó sâu sắc với thế giới tự nhiên.

Có thể nói, với Lê Thanh Kỳ, thiên nhiên không còn là đối tượng để con người tìm hiểu, chinh phục và khai phá để phục vụ cho đối tượng trung tâm là con người nữa. Con người trong trang viết của anh không còn là “trung tâm của thế giới”, không còn là “vua của muôn loài”. Anh cũng không coi việc chinh phục và bóc lột và tàn phá tự nhiên là một phương thức để khẳng định sức mạnh và địa vị của con người trên thế gian này. Con người trong tác phẩm của anh chỉ có thể tìm thấy sự an yên và hạnh phúc khi tìm về với tự nhiên, biết quý trọng tự nhiên và sống hài hòa với tự nhiên. Bất kỳ hành động nào bạc đãi thiên nhiên của con người đều bị trả giá.

Lần theo những trang văn của Lê Thanh Kỳ, chúng ta còn bắt gặp sự đối thoại của nhân vật với thiên nhiên, tiêu biểu là sự đối thoại của ông thẩm phán với con chim họa mi trong Họa mi không hót nữa. Chim họa mi - một đại diện cho sự tuyệt diệu của thiên nhiên trước mắt con người - đã khiến cho cuộc sống của ngài thẩm phán giàu có vốn bị tim bẩm sinh trở nên thú vị hơn rất nhiều. Tiếng hót của họa mi khiến ông mê đắm. “Ông ngây ngất chìm đắm trong tiếng chim hót ngọt ngào”. Ông thẩm phán trở thành tri kỷ của chim họa mi. Ông hiểu được nỗi niềm của nó qua tiếng hót, như thể một ẩn dụ cho con người tìm hiểu, thấu hiểu những vẻ đẹp và giá trị của thiên nhiên. Càng hiểu lại càng yêu mến vậy. Nhưng rồi ông đau đớn nhận ra rằng “những con chim tự do bao giờ cũng hót hay hơn những con chim trong lồng”. Đây thực sự là một chi tiết đắt giá trong tác phẩm. Nó nhắc bạn đọc một thực tế rằng con người chúng ta đang vì lòng tham, vì sở thích, vì những thú vui ích kỷ của mình, đang tước dần đi vẻ đẹp vốn có của tự nhiên. Biết bao loài động, thực vật quý hiếm đã bị tận diệt để nhằm phục vụ cho thú vui của con người.

Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu bà thẩm phán không nổi giận vì cho rằng ông thẩm phán quá quấn quýt say mê chim mà lạnh nhạt với bà. Bà thả nó nhưng nó không chịu đi. Đã vậy, bà cho nó chết dần vì đói. Âm mưu của bà thẩm phán đã thành công. Ông thẩm phán hốt hoảng nhìn con chim bất động rồi nhận ra nó đã chết và ông cũng từ từ hiểu ra nguyên nhân, muốn gọi vợ ra “nhưng sự đau đớn và kích động quá đột ngột khiến trái tim ông thẩm vỡ ra, miệng ông há hốc, một dòng máu tươi trào ra nơi khóe miệng, ông từ từ gục xuống ghế”. Vậy là bà thẩm phán không thể giành lại được chồng mình dù bà đã khiến con chim họa mi bé nhỏ phải chết. Thực sự bà đã thua và phải trả giá cho hành động của mình. Con người trừng phạt thiên nhiên bằng cách hạ nhục, hủy hoại nó. Thiên nhiên trừng phạt con người bằng cách biến mất và không quên mang theo tất cả những giá trị mà con người mơ ước có được từ nó.

Có thể thấy trong truyện của Lê Thanh Kỳ, con người không còn đóng vai trò độc tôn, là chủ nhân của hành tinh này và có thể chiến thắng tất cả, thống trị tất cả. Con người trong sáng tác của Lê Thanh Kỳ thường tìm về với tự nhiên, nương tựa vào tự nhiên, thậm chí còn bé nhỏ, thậm chí thất bại trước thế giới tự nhiên bởi vì con người chỉ là một phần của thế giới tự nhiên.

Là một người từng trải, từng chứng kiến những chặng đường phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, Lê Thanh Kỳ thấy rõ những thành tựu mà nó mang lại cũng như nhận thức rõ những mặt trái của quá trình đô thị hóa đã tấn công, đe dọa và hủy diệt môi trường sống của con người như thế nào. Nền kinh tế thị trường đem đến nhiều cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, thế nhưng đi theo nó là những hệ lụy không hề nhỏ. Trong Bỏ quê về phố, ông Hương không tin nổi vào sự thật rằng: “Ở cái làng này rau ăn trồng riêng, rau bán trồng riêng toàn phun thuốc”. Vì lợi nhuận, con người không còn quan tâm đến sức khỏe của đồng loại nữa, họ cứ âm thầm lừa nhau, đầu độc nhau, hại nhau như thế. Họ biết, “ngoài chợ đầy hàng hại mình, không biết cứ là khuất mắt trông coi” nhưng họ vẫn làm, thi nhau làm, rồi cũng cùng nhau chấp nhận “khuất mắt trông coi”.

Không chỉ đồ ăn, thức uống, cảnh quan cũng ô nhiễm một cách nhanh chóng không phanh lại được. Ông Hương đau đớn được cảnh “hai bên bờ mương đổ toàn rác thải, ruồi bu như vãi đỗ, mùi thối bốc lên nồng nặc”. Thế nhưng, với ông Hương cũng chỉ là người ở phố, mong tìm về chốn quê để an hưởng tuổi già trong thanh tịnh, an yên. Dẫu ông có thất vọng thì vẫn có thể về với phố vậy. Đau đớn hơn vẫn là những người nông dân muôn đời gắn bó với ruộng vườn, họ chẳng còn cách nào khác là phải tiếp tục chịu đựng những hệ lụy của cuộc cách mạng công nghiệp ngay trên chính quê hương của họ.

Tác giả Lê Thanh Kỳ tỏ ra là người thấu hiểu người nông dân. Anh không chỉ kể về người nông dân mà như hóa thân vào người nông dân để thấu hiểu họ, để giúp họ nói lên những suy nghĩ tình cảm của mình. Trước nguy cơ môi trường sinh thái bị hủy hoại đó là tâm sự đến đau đớn, thắt lòng của người nông dân: “Bây giờ người ta canh tác theo kiểu bóc lột tàn nhẫn. Thương đất lắm!” Đọc những dòng văn như vậy, chúng ta mới biết có những người nông dân yêu đất biết nhường nào. Càng yêu đất thì lại càng cảm thấy đau đớn bất lực trước sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp với sự can thiệp khoa học, kỹ thuật một cách quá đáng vào quy trình sản xuất, bóc lột và tàn phá thiên nhiên nhằm phục vụ nhu cầu, lòng tham của con người. Những trang văn như thế thực sự là một lời cảnh báo rằng con người chúng ta đang sống trong một không gian bất ổn và khủng khiếp đến thế nào để con người tự nhìn lại mình để tự phản tỉnh, để biết chối từ những cám dỗ vật chất, giữ gìn lấy môi trường sống của mình được an toàn dài lâu.

Trong sáng tác của Lê Thanh Kỳ, vấn đề sinh thái không chỉ được bó hẹp trong môi trường của một làng quê, một thành phố, nó còn được mở rộng ở biên độ ở tầm quốc gia, vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Trong tác phẩm Bạn khách, dưới cái nhìn của người từng sống ở hai đất nước khác nhau, Khền nói với bạn: “Việt Nam cũng như Trung Quốc phát triển công nghiệp làm cho sông ngòi thối rinh cả lên”. Rõ ràng, vấn đề môi trường sống không còn là vấn để của riêng một địa phương hay của một quốc gia nào nữa. Nó là vấn đề của toàn nhân loại. Bởi vì loài người chẳng có nơi nào khác ngoài ngôi nhà chung là Trái Đất. Thế nhưng, nó đã và đang bị hủy hoại từng giờ. Truyện ngắn Bạn khách vì thế không chỉ mang thông điệp về sự cảnh tỉnh cho những ai đang và sẽ chọn bạn làm đối tác cần phải thấu hiểu đâu là thiện ý đâu là mưu mô mà bên cạnh đó còn là lời cảnh báo về môi trường sống của nhân loại đang bị đe dọa, tấn công và hủy hoại từng giờ, từng phút. Bạn khách cho ta hiểu thêm giá trị, tầm cao nhân văn của văn học rằng mỗi công dân cần thể hiện vai trò trách nhiệm của mình trước lợi ích kinh tế của cộng đồng và trước cả môi trường sống của nhân loại.

Mặt trái của quá trình phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa hãy còn nhiều và còn được Lê Thanh Kỳ nhắc đến nhiều hơn nữa. Đó không chỉ là ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước mà nó còn là nguy cơ ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Trong Riêu cua, Lê Thanh Kỳ khéo tạo ấn tượng đối với bạn đọc bởi những hình ảnh chân thực đến mức nghiệt ngã cứ như xoáy trí tưởng tượng, như đập vào mắt người đọc đó là “cái ống khói của nhà máy rác thải y tế đang ung dung nhả cột khói đen, đặc sánh như đốt nhựa đường”, “nhà máy gạch đang đùn giật cục từng tảng khói trắng đục như nấm bom nguyên tử” và “cái lò than tổ ong của chị Cật cũng đang nhả những sợi khói mỏng tang như đốt vong”. Những hình ảnh ấy không khỏi khiến bạn đọc rùng mình liên tưởng rằng trên đất nước này, trên châu lục này, trên Trái đất này đang có bao nhiêu cái ống khói đang tống khí thải vào bầu trời của chúng ta từng giây từng phút như thế và trong tương lai con người phải gánh chịu hậu quả là điều tất yếu.

Nhưng cái hệ lụy trước mắt dễ thấy nhất của quá trình đô thị hóa đó là sự xâm lấn của những khu công nghiệp, xóa sổ dần những cánh đồng - nơi mưu sinh truyền đời của người nông dân, đẩy người nông rơi vào cảnh cùng quẫn, không còn đất đai để sản xuất, không nghề nghiệp, không còn ruộng vườn để bấu víu. Họ chỉ biết tiêu pha, ăn chơi. Vợ chồng chị Cật cũng chẳng khác gì, “từ ngày hết ruộng, chơi nhăng nhít gần một năm trời. Dần dần mới có công ty may đầu tiên hoạt động. Chị bám vào đấy, thế là quán riêu cua mở ra bán sáng”. Thế nhưng, công việc của chị Cật đã không được như chị mong ước. Vì tính toán lợi nhuận, công ty không cho công nhân ra ngoài ăn nữa. Họ hợp đồng đem cơm vào tận nơi cho công nhân ăn để tiết kiệm thời gian. Quán riêu cua phải đóng cửa. Thật xót xa cho những người nông dân khi phải rời xa ruộng đất. Họ lạc lõng, vất vơ giữa quê hương của chính mình. Vợ chồng chị Cật nghĩ về những chân trời khác để kiếm miếng ăn. Trong cơn khốn khó ấy, người nông dân còn phải đối mặt với bao cạm bẫy, bao tệ nạn cũng như các cách kiếm tiền bất chính trên sinh mạng của người nông dân. Những kẻ xấu còn nghĩ ra được những trò nhằm tước đoạt nốt cái bản năng tự nhiên vốn có của con người - cái thú vị thứ ba sau nhất ăn, nhì ngủ. Người nông dân đã bị bắt nạt, dồn ép đến tận cùng!

Mặt trái của công cuộc hiện đại hóa đất nước còn được Lê Thanh Kỳ đặc biệt khắc họa đậm nét trong tiểu thuyết Bão đất. Đúng như tiêu đề của tác phẩm. Đó thực sự là một cơn bão trước cuộc đời của những người nông dân bao đời chỉ biết bám lấy ruộng đồng. Đọc Bão đất, chúng ta dễ dàng nhận thấy những biến đổi của cuộc sống nông thôn trong giai đoạn đổi mới. Chương trình quy hoạch ruộng đất tại xã Hoàng Long đã dẫn đến biết bao sự xáo trộn đối với cuộc sống của những người nông dân nơi đây. Trong Bão đất, ông Ngàn rùng mình và cay đắng trước cảnh những người dân nhận những khoản tiền đền bù rồi lao vào đua nhau mua sắm. Họ ganh đua nhau trong từng lần tiêu tiền xa xỉ. Dường như các “nhà quản lý”, “nhà quy hoạch” chỉ hoạch định những chiến lược phát triển nhằm phát triển công nghiệp, nhằm đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, chứ chưa nghĩ đến việc làm sao giúp người nông dân biết cách tiêu những đồng tiền lớn vừa được nhận từ khoản đất họ phải từ bỏ để họ hướng đến một cuộc sống ổn định hơn như họ hằng mơ ước và hy vọng.

Không đồng ý với sự sắp đặt của cán bộ xã, ông Ngàn khởi kiện với lý do: “Tôi kiện không phải vì bản thân tôi. Tôi lo cho cái làng này, mất ruộng tức là mất việc làm, mất việc tất sinh rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, đĩ điếm…”. Nhưng mọi thứ vẫn diễn ra theo ý định của những người làm lãnh đạo ở xã. Đối diện với chương trình xóa sổ ruộng đất để xây dựng những nhà máy công nghiệp, lão nông 70 tuổi nghĩ: “Sau mấy lần mất ruộng, lần mất này là vĩnh viễn, không bao giờ còn được nhìn thấy những cánh đồng phì nhiêu, trên thảm lúa xanh không còn những đàn cò bay lả và không còn nữa những lời ca bắt nguồn từ cảm xúc trước ruộng đồng. Thay vào đó là những nhà máy ngày đêm nhả khói bụi vào không gian, từng dòng nước thải hôi thối, và thời gian sẽ làm xói lở dần những tâm hồn trong trẻo vốn nghĩa tình đắm thắm, thủy chung; thay vào đó là lối sống buông thả, vô tình. Còn nữa, còn bỏ rơi mất một bộ phận nông dân đang rơi vào thảm cảnh bần cùng.” Đó chính là một hiện thực về mảng tối đằng sau quá trình hiện đại hóa đất nước. Liệu trên đất nước này có bao nhiêu làng quê bị mất đất do công nghiệp hóa, đô thị hóa như cái làng của ông Trần Văn Ngàn, như cảnh ngộ của vợ chồng nhà anh chị Cật - Lực? Phải chăng đây chính là những mảng tối của công nghiệp hóa mà từ lâu bao người vẫn vô tình hay cố tình nhắm mắt làm ngơ lại được tác giả Lê Thanh Kỳ chú ý đến và phản ánh qua những trang viết của mình một cách chân thực, trần trụi như thế. Những hình ảnh khiến ta không khỏi liên tưởng đến một thực tế rằng có những khu quy hoạch chưa thực sự vì lợi ích của người nông dân nghèo, chưa đáp ứng được những yêu cầu của thời đại.

Với cảm quan sinh thái nhất định, Lê Thanh Kỳ đã nhận diện và phản ảnh lên trang viết của mình những bất ổn, những nguy cơ nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa con người với môi trường sống xung quanh. Lê Thanh Kỳ hiểu rằng bảo vệ hệ sinh thái không chỉ là nhiệm vụ của những người làm lãnh đạo, làm quản lý, nó còn là trách nhiệm của mỗi công dân trong đó có những nhà văn. Anh đã thực sự là một người cầm bút có trách nhiệm trước những vấn đề của cuộc sống. Anh viết vì một thế giới đang phải đối mặt với những nguy cơ. Thông qua tác phẩm của mình, anh đã thể hiện sự quan tâm trước sự nghiêm trọng của vận mệnh toàn cầu, cũng là sự tự phản tỉnh về giá trị sinh thái nhân loại trong nguy cơ mà loài người đang phải đối mặt, với hy vọng hạn chế được những hành động tàn phá, hủy hoại của con người đối với thế giới tự nhiên. Những trang viết của Lê Thanh Kỳ thực sự đã góp phần làm dày hơn, phong phú thêm dòng văn học sinh thái Việt Nam đương đại dòng văn học vì môi trường sống của con người.

M.M  
(SHSDB27/12-2017)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng