Trong bài viết này, dựa vào những tư liệu có được, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề về văn học Nga ở hải ngoại trên các mặt như: quá trình hình thành và phát triển, thành tựu sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học.
I. Quá trình hình thành dòng văn học Nga ở hải ngoại.
Văn học Nga thế kỷ XX gắn bó với những sự kiện chính trị, xã hội có tính chất bước ngoặt và với những biến đổi to lớn của đất nước. Trong bối cảnh xã hội biến động đó, một số lượng không nhỏ những người Nga đi ra nước ngoài sống lưu vong nơi đất khách quê người, trong đó có tầng lớp văn nghệ sĩ. Cho đến nay, đã có trên 20 triệu người Nga và các dân tộc khác (trong Liên bang Xô Viết trước đây) sang định cư ở nhiều nước trên thế giới, mà chủ yếu là ở các nước phương Tây (Mỹ, Pháp, Đức, Tiệp, Bỉ...). Qua các đợt lưu vong lớn diễn ra từ sau năm 1917 đến cuối thế kỷ (1), các trung tâm Nga kiều được hình thành ở Paris, Berlin, Praha, Sophia, Bengrat, Brussel, San Phransisco, New York... với sự có mặt của các văn nghệ sỹ Nga như I.Bunhin, A.Kuprin, V.Nobacốp, I.Xmerlốp, Meregiơkốpxki, V.Daixep, Xvêtaeva, O.Brôtxki, A.Xôngienhitxưn, Ghippux, G.Ađamovis... Những nhà văn, nhà thơ thuộc nhiều thế hệ trên đã tạo nên một lực lượng sáng tác hùng hậu đủ các gương mặt già, trẻ khác nhau. Họ rời bỏ Tổ quốc vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trong họ không nguôi một nỗi niềm nhớ Tổ quốc Nga. Nhà văn nổi tiếng Ivan Bunhin (giải Nobel văn học năm 1933), hằng tâm niệm: "Làm sao chúng ta có thể quên được Tổ quốc? Con người có thể quên Tổ quốc được sao? Tổ quốc ở trong tâm hồn mình. Tôi là một con người rất Nga, điều đó qua bao nhiêu năm cũng không thể mất đi được". Nhấn mạnh sự gắn bó với nước Nga, A.Xinhiapxki tâm sự: "Tôi sống bằng nước Nga, bằng nền văn hoá Nga. Và tất cả công việc của chúng tôi chủ yếu đều xoay quanh nước Nga". Và còn biết bao nhiêu nghệ sỹ khác tiếp tục sáng tác ở nước ngoài nhờ vào nguồn nuôi dưỡng của nền văn hoá Nga.
Bên cạnh lực lượng sáng tác, việc ra đời các tạp chí và báo cũng góp phần tạo thành văn học Nga ở hải ngoại. Tạp chí Nước Nga tương lai ra đời ở Paris vào năm 1920 với sự tham gia trong ban biên tập những nhà văn tên tuổi như M. A. Anđanốp, A.N. Tônxtôi, V.A. Anri là tạp chí văn học đầu tiên ở hải ngoại. Tiếp theo là sự ra đời của các tạp chí như Sách Nga mới, Bút ký đương thời, Tư tưởng Nga, Ý chí Nga, Muôn dặm, Ánh sáng phương Bắc, Mắt xích... Những tờ tạp chí và báo này đã đăng tải các tác phẩm và những bài tranh luận về văn học của các nhà văn Nga ở hải ngoại. Phần đầu của Con đường đau khổ (A.Tônxtôi) các phần trong Lửa và khói (M.A.Anđanốp) và những bài thơ làm ở nước ngoài đầu tiên của V.V.Nabôcốp lần lượt được giới thiệu trên tạp chí Nước Nga tương lai.
Trong việc góp phần bảo vệ những giá trị văn hoá Nga ở nước ngoài, việc xuất bản các sách bảo bằng tiếng Nga giữ một vai trò rất quan trọng. Chính việc dùng ngôn ngữ Nga và viết những vấn đề tâm huyết về nước Nga, con người Nga là những căn cứ chủ yếu để xem xét bộ phận văn học Nga ở hải ngoại. Theo thống kê của nhà văn V.Xôlôkhin, có lúc ở nước ngoài có đến 1571 ấn phẩm bằng tiếng Nga, 438 bằng tiếng Uckraina, 84 bằng tiếng Belôruxia và các thứ tiếng khác của Cộng hoà liên bang Nga, tổng cộng khoảng 2230 loại tạp chí và báo.
Từ những cơ sở trên, văn học Nga ở hải ngoại hình thành và phát triển qua các thời kỳ khác nhau. Giai đoạn từ năm 1920 đến 1924 đánh dấu sự hình thành của văn học Nga ở hải ngoại. Thời kỳ này, ở hai trung tâm lớn như Paris (Pháp), Berlin (Đức) đã có những nhà văn lớn trước cách mạng tháng Mười như K.D. Balamôn,M.A.Anđanốp, I.Bunhin, A.Kuprin, D.X.Meregiơcốpxki, N.A.Têtphi, M.O.Xêtlin... Họ tiếp tục sáng tác và là lực lượng nòng cốt ban đầu cho sự ra đời của văn học Nga ở hải ngoại. Từ giữa những năm hai mươi cho đến trước khi bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai (1925-1939) là giai đoạn phát triển cao với nhiều thành tựu to lớn của dòng văn học này. Bên cạnh đội ngũ sáng tác già được bổ sung thêm nhiều nhà văn nhà thơ trẻ đầy tài năng như X.Sarsun, G.Pêscốp, I.U.Phenđen, X.Ianôpxki, G.Ivanốp, N.Ôxup... Có thể nói, ở giai đoạn thứ hai, văn học Nga ở hải ngoại đã đạt được sự hưng thịnh không chỉ bởi số lượng tác giả đông mà còn tạo ra được một khối lượng tác phẩm khá lớn. Hầu hết những tác phẩm lớn của các nhà văn thuộc thế hệ đầu tiên đã hoàn thành trong giai đoạn này. Từ năm 1925 đến năm 1935, I.Bunhin đã cho in Tình yêu của Michin, Cú đánh của mặt trời, Cuộc đời của Acxênhêép... Cũng thời gian này xuất hiện những tác phẩm Cuộc du lịch lạ lùng, Anna, Cuộc đời của Turghênhép của B.Daixép, Thế giới lý trí, Lịch sử tình yêu của Têtphi, những truyện ngắn và văn xuôi của Xvêtaêva, Nabôcốp...
Từ khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ trở đi, văn học Nga ở hải ngoại bước vào giai đoạn thứ ba. Có thể nói, đời sống văn học (bao gồm hoạt động sáng tác nghiên cứu phê bình, báo và tạp chí) dường như lặng im. Trong điều kiện chiến tranh, văn học Nga ở hải ngoại không còn chỗ đứng như trước mà đã có sự phân hoá. Một bộ phận khá lớn đi vào bí mật tránh sự săn lùng của chủ nghĩa phátxit, số khác di cư sang Mỹ. Ngay khi chiến tranh xảy ra, một số tờ báo đã đóng cửa hoặc chuyển hướng (Tờ Tin chót ngưng phát hành, tờ Phục sinh chuyển từ báo ngày sang tuần báo, Bút ký Nga đóng cửa). Một số nhà văn Nga trẻ ở hải ngoại đã đứng vào hàng ngũ kháng chiến Pháp chống lại chủ nghĩa phát xít như Ađanôvich, Bunacốp, Bôlôkhơ... hoặc chuyển ra vùng tự do như Puskin, Miluicốp. Trong số những người tham gia chống quân phát xít trên đất Pháp, có người đã anh dũng hi sinh như Phônđaminxki, Gorki... mang lại niềm tự hào cho kiều dân Nga. Để tiếp tục sáng tác, các nhà văn như Anđanốp, M.Xêtlin, V.Nabôxốp, Acxenchep, Đ.Visnhiac, V.Đenchinốp đã di cư sang Mỹ. Tại đây đã tập hợp khá đông các nhà văn thuộc các thế hệ, và tờ tam nguyệt san Tạp chí mới do M.Xếtlin sáng tập với sự cộng tác của Anđanốp, M.Cacpôlích ra đời.
Cho đến những thập niên 60, 70 và 80, văn học Nga ở hải ngoại vẫn tiếp tục xuất hiện một số tác giả tài năng và một số tác phẩm lớn có giá trị. Trong đội ngũ sáng tác thời kỳ này góp mặt những tác giả như A. Xinhiapxki, A. Xongienhítxưn.
Như vậy, việc hình thành và tồn tại dòng văn học Nga ở hải ngoại là một điều hiển nhiên do những nguyên nhân khách quan, chủ quan và trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Mặc dù có không ít hạn chế về quan điểm và học thuật nhưng nhìn chung, văn học Nga ở hải ngoại là một bộ phận không thể thiếu được của lịch sử văn học Nga thế kỷ XX và có những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, phê bình.
II. Những thành tựu sáng tác văn học.
Trong suốt một thế kỷ, ở các giai đoạn phát triển khác nhau với một lực lượng sáng tác đông đảo bao gồm nhiều thế hệ, văn học Nga ở hải ngoại đã tạo ra một khối lượng tác phẩm khá lớn, góp phần xứng đáng vào tiến trình văn học Nga thể kỷ XX. Nhìn chung, những sáng tác của các nhà văn Nga ở hải ngoại đã hướng về đất nước Nga, về cội nguồn văn hoá dân tộc và thành tựu nổi bật là ở thể loại văn xuôi và thơ. Nhiều tác phẩm lớn của các nhà văn Nga được viết ra ở hải ngoại. Nhưng từ hành văn đến hệ thống hình tượng không hề bị lai căng mà vẫn đậm cốt cách Nga. Chính tâm hồn Nga, tình yêu quê hương, đất nước là chất men say cho những sáng tạo của họ và đó cũng chính là chất keo kết dính các nhà văn Nga ở nước ngoài với nhau thành một khối. Trong một tác phẩm hồi ký của mình, nhà văn V.Daixép viết: "Nhìn chung những năm tháng xa rời nước Nga lại là những năm tháng có mối liên hệ đặc biệt với quê hương bản quán trong khi viết. Trừ một vài ngoại lệ không đáng kể, tất cả những gì tôi viết ra ở đây đều nảy sinh từ nước Nga và thấm đượm hương vị Nga. Trong “Cuộc đời Tuốcghê-nhép” tôi đã viết về văn học Nga thời đại hoàng hôn. Thậm chí trong cuốn tiểu thuyết “Ngôi nhà ở Paris” Nơi mà các sự việc xảy ra ở Paris, tất cả mọi cái về mặt nội tâm đều gắn với nước Nga và đều bắt nguồn từ nước Nga” (2)
Như vậy, bên cạnh việc viết bằng tiếng Nga (hoặc cả tiếng Anh như trường hợp của V.Nôbacốp) những tác phẩm văn học Nga ở hải ngoại đã bằng cách này hay cách khác quan tâm đến vận mệnh đất nước, con người, thiên nhiên Nga hoặc thấm đượm phong vị Nga. Đó chính là đặc điểm rất quan trọng khẳng định vị trí của dòng văn học này trong mối quan hệ với văn học Nga trong nước.
Với cách nhìn tổng quát, chúng tôi xin nêu lên những thành tựu tiêu biểu của những sáng tác văn học Nga ở hải ngoại.
1. Văn xuôi là thể loại phát triển nhất với sự góp mặt của các nhà văn nổi tiếng từ khi còn ở trong nước. Các nhà văn xuôi thuộc thế hệ già đã có những đóng góp lớn trong giai đoạn những năm hai mươi. Những sáng tác của họ đã trở thành chiếc cầu nối giữa văn học Nga trong nước và ở hải ngoại.
Nhà văn I.Bunhin rời nước Nga từ năm 1920 và định cư ở Pari (Pháp). Ông được tặng giải Nobel văn học đầu tiên của văn học Nga vào năm 1933 và mất vào năm 1953. Có thể nói rằng trong số các nhà văn xuôi Nga hải ngoại, I.Bunhin là tác giả lớn nhất, là niềm tự hào của văn học Nga. Những sáng tác của ông đượm phong cách Nga, hương vị Nga, hướng đến những con người bình dị, hồn nhiên với tâm hồn trong sáng và thiên nhiên Nga cũng hiện lên làm say đắm lòng người. Đó là những hàng bạch dương mùa đông, những vùng thảo nguyên bao la lộng gió, những con đường thẳng tắp, những căn nhà gỗ, chiếc ấm xamôva... Tất cả tạo nên sức sống mãnh liệt của dân tộc Nga, thiên nhiên Nga. Có thể kể đến những tác phẩm lớn của ông như: Cuộc đời của Acxênhép (1930), Linca (1933), tập truyện Cây của chúa (1931), tập truyện Những con đường tối (1946), Hoài niệm (1950)... Nhân tập hai cuốn tiểu thuyết Cuộc đời của Acxênhép xuất bản, nhà văn M.A.Anđanốp nhận xét: "Đây là trường hợp hiếm hoi nếu không nói là duy nhất. Có lẽ mỗi nhà văn qua thời gian đều đạt đến giới hạn tài năng sáng tác của mình mà tiếp theo tác giả không thể vượt lên được nữa. I.Bunhin có lẽ là trường hợp ngoại lệ duy nhất: ông viết ngày càng hay hơn... và các tác phẩm hay nhất mà ông sáng tác hồi còn ở nước Nga đều nhường chỗ cho các tác phẩm về sau... Trong số ấy "Cuộc đời Acxênhép" còn hay hơn "Mối tình của Minrin", còn Linca lại hiện đại hơn tập đầu của "Cuộc đời Acxênhép" (Bút ký đương thời).
A. Kuprin (1987 - 1938) bắt đầu sáng tác từ trước Cách mạng tháng Mười. Năm 1919 nhà văn sang Pháp định cư và trở về mất ở nước Nga năm 1938. Viết về lĩnh vực nào, A. Kuprin cũng tỏ ra có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực đó: công việc của người diễn viên, nghề xiếc, đi săn, đua ngựa... và đặc biệt là về tình yêu. Cũng như I.Bunhin, chúng ta thấy dấu ấn đậm nét của chất thơ trong văn xuôi A. Kuprin. Chất thơ tràn ngập trong các truyện ngắn và truyện vừa của ông khi viết về tình yêu. Những yếu tố lãng mạn, thi vị hoá, giàu chất thơ được tác giả viết khi ở trong nước thể hiện ở một số tác phẩm (Công thương chồng của Vêra, Khóm hoa tử đinh lương, Ôlexia) vẫn còn tìm thấy trong một số sáng tác sau này. Nhưng về cơ bản, A.Kuprin là nhà văn hiện thực sâu sắc, nổi bật tình yêu cuộc sống, yêu con người. Có thể kể một số tác phẩm của ông viết ở hải ngoại như: Ngôi sao của Xôlômông (1920), Bánh xe thời gian (1930), Những học viên trường võ bị (1933), Gianeta (1933) và một số sáng tác khác. Nếu ở Bánh xe thời gian, nhà văn nói về những năm tháng dài sống ở nước ngoài không nguôi nhớ về Tổ quốc của nhân vật và bản thân mình, Những học viên trường võ bị đề cập đến cuộc sống sinh hoạt của học viên trường võ bị ở Matxcơva trước cách mạng thì ở Gianeta, tác giả kể về tình bạn đặc biệt giữa một giáo sư già lưu vong với một cô bé người Pháp lên sáu tuổi. Tác phẩm Gianeta giàu chất nhân văn khi thể hiện những tình cảm xúc động, cao cả mà vị giáo sư dành cho cô bé. Bên cạnh hai nhà văn xuôi lớn kể trên, chúng ta có thể nói đến những tác giả khác như A.Tônxôi (về nước năm 1923), I.Smêlốp, Đ.Mêrêgiơcôpxki, A.Remidốp... góp phần tạo nên lực lượng sáng tác ban đầu của văn học Nga ở hải ngoại.
Những nhà văn thế hệ trẻ, chủ yếu bắt đầu sáng tác khi ra nước ngoài, nhưng cũng thể hiện sự gắn bó với nước Nga hiện thời. Ở các tác phẩm Hạnh phúc trong các mảnh vá (1921), Giá câu rút (1922) và tiểu thuyết Đồng trinh (1922), nhà văn A.Đrôzđốp hầu như lấy phông nền các sự kiện xảy ra trong thời kỳ nội chiến ở Nga. Tác giả R.Gun, bên cạnh quan tâm đến những vấn đề của cuộc nội chiến và đời sống ở hải ngoại, trong các tác phẩm của mình đã nói đến những vấn đề thuộc về lịch sử dân tộc. Nếu tác phẩm Sử thi thành Kiép, Cuộc hành quân trên băng (1921) tái hiện lại những năm tháng đầy bi hùng trong nội chiến, nói đến bi kịch của những kẻ lưu vong, thì ở Tường Bô (1930) và Người Xkiphơ (1930-1931), R.Gun lại nghiêng về những vấn đề lịch sử.
Thể nghiệm sáng tác đầu tiên ở thể loại thơ, nhưng V.Nabôcốp lại thành công ở lĩnh vực văn xuôi. Văn của ông thể hiện sự tinh tế trong nắm bắt và phản ảnh hiện thực đồng thời phảng phất chất hào hoa, thâm thuý và hiện đại. Khi mô tả cuộc sống, V.Nabôcốp kết hợp được các yếu tố hiện thực, yếu tố truyền thống với tính chất hiện đại. Nhà văn Ch.Aitmatốp cho rằng: "Ông là một nghệ sĩ lớn của ngôn từ, một nhà phong cách học thú vị nhất..." Mặc dù trở thành nhà văn Mỹ nhưng V.Nabôcốp vẫn sáng tác bằng hai thứ tiếng (Nga và Anh) và tác phẩm của ông được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên Masenka - (1926) thể hiện tài năng nghệ thuật thiên tài, lối kết cấu đặc sắc của tác giả. Tiếp đến cuốn Vua, con đầm bích và con bồi (1927) càng khẳng định cách viết riêng độc đáo của nhà văn trẻ này. Bảo vệ Lugin (1930) là "cuốn tiểu thuyết mới của nghệ thuật kể chuyện" (Ađamavich) và tác giả V.Nabôcốp đã thực sự tìm thấy mình. Từ những năm ba mươi trở đi, sức sáng tạo của V.Nabôcốp thật dồi dào và sung mãn. Điều đó được khẳng định qua việc xuất hiện một loạt các tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch (Tiểu thuyết: Chiến công (1932), Buồng tối tăm (1932-1934), Đến nơi hành hình (1937,1938,1939); kịch: Sự kiện (1938), Phát minh của Vanxơ (1938)...). Đỉnh cao trong sáng tác của V.Nabôcốp là cuốn tiểu thuyết Lôlítta (1955) được tác giả dịch sang tiếng Nga đã đưa nhà văn này vào hàng ngũ của các nhà văn Nga hải ngoại nổi tiếng. Người ta tìm thấy trong những sáng tác của V.Nabôcốp "nguồn chảy bất tận của những tìm tòi về hình thức, tâm lý và nghệ thuật", "sự cuộn chặt giữa tác giả với đối tượng được đề cập, khả năng gieo lửa khắp nơi và tài năng khai thác riêng của mình". Và V.Nabôcốp phải được "đưa về giữa lòng văn học Nga" vì ông "là bó lúa của văn học Nga" (Ch.Aimatốp).
Cùng với các nhà văn xuôi trẻ kể trên, ở thể loại này còn có sự góp mặt của các nhà văn như N.Berbêrôva, G.Gazđanốp, V.Ianôpxki, I.Pheđen, G.Pêsốp, X.Sarsun, B.Xuvôrin... Các nhà văn thuộc thế hệ trẻ này là đội ngũ kế cận tiếp tục con đường văn học Nga ở hải ngoại mà thế hệ đi trước đã đặt cơ sở.
2. Thơ ca trong văn học Nga hải ngoại phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp quan trọng vào thơ Nga nói chung. Sự đông đảo về đội ngũ sáng tác, sự kế tiếp các thế hệ đã tạo cho mảng thơ hải ngoại phong phú, đa dạng về đề tài và đặc sắc về phong cách nghệ thuật. Sáng tác của thơ ca Nga hải ngoại là những suy tư về đất nước và con người Nga. Vì thế bản sắc dân tộc Nga từ lời văn đến tư duy nghệ thuật thể hiện đậm nét trong những lời thơ chan chứa tình đời, tình người.
Xếp vị trí hàng đầu trong số những nhà thơ Nga hải ngoại phải kể đến nhà thơ K.Banmôn. Thơ ông uyển chuyển thấm đẫm chất nhạc và lời ca tuôn chảy thành dòng. Banmôn rất chú trọng đến việc chắt lọc, trau chuốt từ ngữ đến mức tinh luyện, giản dị. Nhiều nhà thơ của phái tượng trưng Nga như Briuxốp, A.Blốc, Ivanốp cũng phải thán phục nghệ thuật ngôn từ và hình thức thơ ca của Banmôn. Những bài thơ Chúng ta sẽ như mặt trời (1921), Chỉ có tình yêu (1921), Bản Xônát mặt trời, mật và trăng (1921), Của tôi - cho em (1924), Mặt trời phương Bắc (1931)... của K.Banmôn thể hiện cách nắm bắt và phản ánh một cách tinh tế các hiện tượng của thiên nhiên và đời sống nội tâm phức tạp của con người.
Nhà thơ V.Ivanốp - một trong ba nhà thơ tượng trưng lớn của Nga trong thời gian ở hải ngoại cũng có một số đóng góp cho dòng văn học này. Kể từ khi "Bản Xônát thành Rôm" (1936) xuất hiện trên tạp chí "Bút ký đương thời", thơ của Ivanốp đều đặn ra đời trên các báo và tạp chí. Thơ ông thường nghiêng về cách dùng những từ trang trọng theo phong cách tráng lệ và giản dị về nhịp và vần. Trong bài thơ Ngôi sao ban chiều (1933), có những câu tác giả viết:
Loé từ xa rọi tới Ánh sao chiều mênh mang Đâu một lần tôi thấy Vào giây phút hoàng hôn Ánh sao bơi và tắt Bên triền sông chiều tàn
M.Xvêtaêva là nữ thi sĩ "độc đáo, giọng thơ không thể lẫn lộn với một ai khác và về quy mô thơ ca thật ít ai bằng bà" (nhận xét của Minxki). Xvêtaêva sáng tác hàng chục bài thơ và nhiều bản trường ca, trong đó có thể kể một số tác phẩm như: Tập thơ Nghệ thuật (1923), Sau nước Nga (1928), Thơ thời trẻ (từ 1913 - 1916), Trại thiên Nga (1917 - 1921); Trường ca: Chàng trẻ tuổi (1924). Khi sống ở nước ngoài (từ 1922 - 1939)) hay trở về Tổ quốc, thơ M.Xvêtaêva luôn gắn bó với đất nước và con người Nga, cùng mạch với dòng thơ trong nước như B.Paxternắc và V.Maiacốpxki. Nhà nghiên cứu Phêđônốp cho rằng "Marina Xvêtaêva không thuộc trường phái Pari mà thuộc trường phái Matxcơva. Chỗ của bà đâu đó giữa Paxternắc và Maiacốpxki". Là người từ nhỏ đã tiếp thu nền văn hoá châu Âu (chủ yếu là Đức) cho nên trong thơ của bà vừa tiếp thu được những yếu tố lãng mạn của thơ ca Đức, vừa vươn tới tính hiện đại. Và đặc biệt, tất cả những cái đó được Xêtaêva thể hiện trên cái nền ngôn ngữ và thể thơ dân gian Nga nên có sức lôi cuốn người đọc.
Tiếp nối truyền thống thơ ca của thế hệ trước, những nhà thơ trẻ ở hải ngoại trước hết là những người cách tân như G.Ađamôvich, G.Ivanốp, B.Ôxúp... Nghiêm khắc với bản thân và rất kiệm lời trong sáng tác, thơ của G.Ađamôvích, luôn hướng tới sự bình dị trong nội dung và hình thức và được nhiều người yêu thích. Mặc dù viết ít (chỉ tập thơ Ở phương Tây (1939) và một số bài thơ khác), nhưng cũng đủ để độc giả quý trọng nhà thơ.
Thơ của G.Ivanốp gần gũi với Lermôtốp và Blốc, giàu chất nhạc và chuẩn mực về cách dùng từ. Thế giới thơ của G.Ivanốp rất phức tạp, đủ sắc màu nhưng lại toát lên vẻ đẹp tự nhiên và cuộc sống. Trong các tác phẩm thơ của G.Ivanốp, tập thơ Hoa hồng là một đóng góp lớn của ông. Ở tập thơ này, nhà thơ thể hiện lối tư duy, mang tính triết lý sâu sắc và hướng tới về sự hư vô - một điểm khá nổi bật trong thơ G.Ivanốp.
Nhà thơ trẻ tài năng N.Ôxúp, một mặt có ý thức hướng tới các hình thức thơ lớn (trường ca trữ tình), mặt khác thơ ông toát lên những tình cảm mang tính chất tôn giáo. Điều này nói lên phong cách của nhà thơ hải ngoại này. Trong Cuộc gặp gỡ (1928) và Nhật ký thơ (1950) nổi bật đề tài tình yêu và cảm nhận thế giới mang màu sắc tôn giáo của tác giả. Đây đó trong các bài thơ của N.Ô xúp còn xuất hiện những suy tư mang tính triết học, đào sâu vào cội nguồn văn hoá dân tộc.
III. Một số nét về mảng nghiên cứu, phê bình văn học.
Tuy chưa phải là những nhà nghiên cứu và lý luận có tầm cỡ ở nước ngoài trong văn học Nga ở hải ngoại nhưng các nhà lý luận chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp cũng có những đóng góp không nhỏ vào tiến trình văn học nói chung. Đó là các tác giả như Ph.Khôđaxêvích, Gh.Ađamôvích, A.Bem, D.H.Ghippux, I.N.Âykhenvan, K.Môtrunxki...
Cuộc tranh luận diễn ra khá gay gắt kéo dài từ năm 1926 trở đi của một số nhà phê bình như Ph.Khôđaxêvích, Gh.Ađamôvích, A.Bem về một số vấn đề như: đề tài của văn học hải ngoại, thái độ giữa "những người cha" và "những người con", mối quan hệ giữa văn học "thủ đô" (Pari) và văn học "tỉnh lẻ" là sinh hoạt văn học tạo ra nhiều ấn tượng. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến không thống nhất, nhưng qua cuộc tranh luận này cũng làm sáng tỏ nhiều vấn đề về văn học Nga ở hải ngoại.
Đội ngũ làm công tác nghiên cứu phê bình văn học ở Nga ở hải ngoại không chỉ có số lượng khá nhiều mà còn xuất hiện những công trình có giá trị về thể loại, tác giả, tác phẩm hoặc trào lưu văn học. R.Ô. Iacốpxơn được đánh giá là một trong những người có đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu với các công trình "Thơ ca Nga hiện đại" (1921), "Về thơ Xéc đối chiếu với thơ Nga" (1923). Tác giả M. Xlônhin cho xuất bản cuốn "Chân dung các nhà văn Liên Xô" (1933) phác hoạ những nhà văn lớn của Tổ quốc với cái nhìn khách quan, khoa học. Nghiên cứu về tác giả một cách công phu phải kể đến các công trình của K.Môtrunxki như Con đường tinh thần của Gôgôn (1934), Vlâđimi Xolôviép (1936), Dôtxtôiepxki – cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, AlếchxăngBlốc (1948) và Anđrây Belưi (1950). Công trình Sáng tác thơ ca của Puskin của Khôđaxêvích nghiên cứu một cách khá toàn diện thơ ca của nhà thơ Nga vĩ đại. Bên cạnh đó có hàng trăm bài viết của nhiều tác giả công bố trên các tạp chí Bút ký đương thời, Tin chót, Phục sinh, Tư tưởng Nga, khẳng định những đóng góp của văn học Nga ở hải ngoại và văn học Nga nói chung.
Văn học Nga ở hải ngoại là một dòng văn học lớn, rất phức tạp về tư tưởng và đa dạng về phong cách nhưng có những đóng góp nhất định trong nhiều lĩnh vực như chúng tôi đã phác họa vài nét ở trên. Để nghiên cứu đánh giá nó một cách chính xác phải đứng trên quan điểm khoa học, khách quan và lịch sử, loại bỏ thái độ thù địch, phủ nhận hoặc đề cao quá mức. Phải xem văn học này là một bộ phận thống nhất cấu thành văn học Nga thế kỷ XX. Và để kết luận, tôi xin trích ý kiến đánh giá của tiến sỹ văn học Igor Kođakôv: "... Và khi ấy chúng ta sẽ được nhìn thấy tận mắt xem Bunhin và Maiacốpxki, Gorki và Xôngienhítxưn, Manđenxtam và G.Ivanốp, Bungacốp và A.Tônxtôi, Platôna và Phađêép, Sôlôkhốp và Baben... cùng nắm tay nhau nhảy một vũ điệu Khôrôvốt vĩnh cửu và bất tận trong văn học Nga thế kỷ XX không phải như là những kẻ thù mà như là những người không thể tách rời đã tạo nên nền văn học đó, và nếu thiếu một bộ phận nào đó trong số đó thì bức tranh văn học Nga thế kỷ XX sẽ không đầy đủ" (3).
H.V.L (177/11-03)
-------------------------- (1) Theo một số tài liệu, trong Thế kỷ XX ở nước Nga (và Liên Xô cũ) diễn ra 4 đợt sóng lưu vong: đợt thứ nhất xảy ra sau cách mạng tháng mười; đợt thứ hai: trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai; đợt thứ ba: vào những thập niên 60,70,80; đợt thứ tư: trong thời kỳ cải tổ và sau sự kiện 19.8.1991. (2) Theo Tạp chí Châu Âu và châu Mỹ, số 1/1991, trang 10. (3) Theo Tạp chí Những vấn đề văn học (tiếng Nga), số 5, tháng 9,10/2000. |