Nghiên Cứu & Bình Luận
Xem mơ, xem thơ - Hồ Thế Hà và cuộc hành trình vào cõi khác
09:42 | 23/11/2018

YẾN THANH     

(Tặng Nguyễn Mạnh Tiến và Phan Trần Thanh Tú)

Xem mơ, xem thơ - Hồ Thế Hà và cuộc hành trình vào cõi khác
Ảnh: internet

Cuộc đời cho tôi nhiều may mắn, được đi đó đây nhiều và được quen biết không ít bạn bè trong thi giới Việt Nam. Đa số những bạn thơ của tôi đều tài năng và họ thường ở tuổi vong niên, xưa nay hiếm. Mỗi người có một cá/quái tính riêng mà nếu thiếu nó, ắt hẳn rằng thơ họ sẽ khác đi, số phận cũng khác đi, có thể hạnh phúc hơn và có khi không còn gắn với định mệnh thi ca. Ấy vậy nhưng Hồ Thế Hà vẫn là “người thơ” đặc biệt bậc nhất mà tôi từng quen biết, đi lại, và cả học hỏi. Điều này không có gì là quá cường điệu, bởi tôi xin nói ngay rằng, ông không phải là nhà thơ quá nổi tiếng, thơ của ông cũng không phải là tinh hoa và đỉnh cao của thơ ca Việt Nam hiện đại. Sự đặc biệt trong thi giới của Hồ Thế Hà nằm ở chỗ, ông là người thơ toàn vẹn nhất nếu ta xét theo phương diện, thơ đã phình chứa, triển nở theo thời gian để rồi chiếm trọn mọi không gian sống của nhà thơ, mọi ngõ ngách ngầm ẩn nhất trong cơ cấu tâm thần bộ (psychisme) của ông. Hồ Thế Hà sống trong thơ, viết thơ, tư duy hành xử theo lối thơ. Thơ chính là vũ trụ tinh thần của ông, hơn là một nghề nghiệp hay đam mê thuần túy. Tôi thường xem ông là người có tam vị nhất thể thơ: vừa là người sáng tác thơ, vừa là người nghiên cứu thơ, lại vừa là người đọc/thuộc thơ đáng kinh ngạc. Cái tam vị nhất thể thiên - địa - nhân này thống nhất, đổ bóng và tương hỗ trong tư duy Hồ Thế Hà, giúp ông thành công trên nhiều lĩnh vực của thi giới.

Dẫu là người đa năng, nhưng có lẽ người ta vẫn quen Hồ Thế Hà với hình tượng một nhà giáo (PGS. TS. NGƯT) chuyên giảng dạy chuyên đề thơ và phê bình thơ Việt Nam hiện đại. Với tôi, Hồ Thế Hà luôn nằm ở mâm trên của những người chuyên chú phê bình, nghiên cứu thơ Việt Nam đương đại. Cùng chiếu với ông có không nhiều gương mặt (đang còn theo đuổi nghiệp viết), có thể đếm trên đầu ngón tay như Mã Giang Lân, Hà Minh Đức, Chu Văn Sơn, Lí Hoài Thu hay Đỗ Lai Thúy... Phạm vi phê bình thơ của Hồ Thế Hà là ông viết nhiều, viết liên tục, có khi viết vì cả nể, yêu tấm lòng văn chương bạn bè bên cạnh sự viết vì thôi thúc học thuật. Rất nhiều học trò, môn đệ, bạn bè trên chiếu rượu của ông lại quen với hình tượng một người say thơ, thuộc thơ nhiều bậc nhất Việt Nam. Trong những cơn say “thông tầm”, những bài thơ có thể được ông đọc ra có khi đến vài tiếng không ngừng nghỉ, mà không sai câu nào. Hồ Thế Hà thuộc thơ có lẽ là một năng lực trời cho kì lạ, có tính chất Got Talent chứ không phải là sự thông minh thuần túy, hay nỗ lực nhớ, thuộc có mục đích. Dường như ông dễ dàng tự đồng cảm/hiện với thi nhân, nên sự thuộc thơ của ông giản đơn như khi ta ướm vừa vặn một chiếc áo của ai đó may sẵn. Ông luôn tìm thấy một tâm sự nào đó trong thơ người khác, và tâm sự ấy có thể được chia sẻ hay đồng hiện với chính mình, nên Hồ Thế Hà thuộc thơ như một sự giải bày bản thể qua người khác. Có chuyện vui rằng, ông thường đọc thơ hay khóc, nhưng chỉ khóc khi rất say, còn nếu chưa say thì chỉ đọc thơ tiếu lâm phồn thực để cười. Trong cơn say, ông quay lại đối diện với chính mình, với nỗi cô đơn và nỗi đau làm người trần thế, những mất mát, chấn thương trong chiến tranh và cả tình duyên trắc trở. Thơ làm ông khóc, rượu chỉ là dung môi tinh thần. Tôi hiểu thế, và thật may cho ai được thấy ông khóc khi đọc thơ, vì đó là lúc ông hiện ra rõ nhất, chân thật nhất và bản thể nhất cái tôi bên trong của mình.

Hồ Thế Hà cũng là người đa dạng trong thẩm/thuộc thơ. Thơ Đường, ca dao, Thơ mới, thơ hậu hiện đại, thơ kháng chiến, thơ thế giới… đều không làm khó được ông, ngay cả thơ chính mình và thơ của… vợ, ông đều thuộc nhiều đến mức khó tin. Người thuộc thơ có hai loại, một loại chỉ thuộc thơ mình, không thèm/thể thuộc thơ người khác. Loại kia chỉ thuộc thơ người khác chứ không thể thuộc thơ mình (trong đó có tôi). Hồ Thế Hà may mắn thuộc cả hai, cả chính mình và người khác.

Nếu như thật dễ để nghe Hồ Thế Hà bình giảng thơ, đọc thơ, thì không mấy khi bạn đọc/nghe có cơ may được đọc một tập thơ trọn vẹn của ông. Đó ắt rằng là một duyên ngộ may mắn, nếu như ai có được. Điều này xuất phát từ hai lẽ, thơ ông in cũng đã lâu (tập mới nhất Tơ sương cũng đã từ 2015), và thơ in với số lượng ít ỏi, không bán trên thị trường mà chỉ tặng tri âm tri kỉ. Thế nên thơ đã ít, lại khó đến với nhiều người. Điều này tôi có thể kiểm chứng là có thật. Nói thế để cho thấy, bạn đọc nào đang cầm trên tay tập thơ thứ sáu của ông với tựa đề Xem mơ [Nxb. Văn học, 2018] là một may mắn hiếm có, nó là sự tri ngộ với người thơ. Sau Khoảnh khắc (1990), Nghìn trùng (1991), Xác thu (1996), Thuyền trăng (2013), Tơ sương (2015), Xem mơ là một điểm nối đầy bước ngoặt trong lịch sử cá nhân và lịch sử tinh thần của Hồ Thế Hà. Sau gần ba năm, ông lại “tái xuất giang hồ”, sau một cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, nên ắt hẳn Xem mơ chuyển đi nhiều thông điệp, chiêm nghiệm của một người vừa đối diện, đi qua và chối từ cái chết.

Nếu Tơ sương mạnh mẽ cách tân, gây hấn, hài và giễu nhại theo hướng hậu hiện đại, thì Xem mơ, sau những vết thương tinh thần và thể xác của cơn tai biến, tất yếu quy hồi lại với bản thể đích thực của ông. Một bản thể luôn cảm thấy mình cô độc trên hành trình nhân sinh, lo/e sợ không gian rộng, sống chìm đắm trong cõi mơ/say và luôn lãng mạn trữ tình, vị tha đầy âm nhu, chan hòa, tĩnh lặng. Xem mơ có thể nói là một bước nối dài của những Khoảnh khắc, Nghìn trùng Xác thu, một phần nào đó là Thuyền trăng, tức là ông lại quy hồi với cội nguồn thơ của chính mình, dĩ nhiên ở một đẳng cấp, tâm thế khác. Khuynh hướng thơ này, khởi đi từ tập thơ đầu tay Khoảnh khắc (1990) và đạt đến đỉnh cao trong bài thơ Một (trong tập Khoảnh khắc). Tôi đồ rằng, cho đến nay, Một là thi phẩm hay nhất trong thi nghiệp Hồ Thế Hà, và có lẽ cũng chính vì thế mà nó có nhiều dị bản dân gian, hài hước nhất mà bạn bè, đồng nghiệp của ông chế ra. Sự phổ biến, dễ thuộc của Một và các dị bản hài hước đến mức nó trở thành một thứ thơ dân gian, mang bản sắc và tinh thần hài hước phồn thực, giễu nhại và tự giễu nhại của Ồ Thế À (Hồ Thế Hà). Nhưng nói gì thì nói, nếu phải chọn độ trăm bài thơ xuất sắc từ thời Đổi mới đến nay, thi phẩm Một xứng đáng có một chỗ.

Xem mơ là một cõi mơ mộng trong chữ của Hồ Thế Hà, những giấc mơ không có thật nhưng lại thường chân thật nhất với những ám thị, chấn thương, suy nghĩ vô thức của con người. Hồ Thế Hà luôn là người của mơ mộng. Ở Xem mơ, bạn đọc gặp lại một cái tôi thi nhân đầy cô đơn, nhưng trữ tình và vị tha, nhân ái. Hồ Thế Hà tìm đến thơ và rượu nhằm khắc phục (tạm thời) nỗi cô đơn của mình. “Bạn thơ nghiêng ché rượu - Vút mấy vòng chơi vơi” [đêm Mai Châu]. Qua giấc mơ, ông thấy mình có thể sống chan hòa với cỏ cây, giun dế, cảm nhận được lượng đất trời thật vi diệu và hùng vĩ. “Những giấc mơ vẫn bước ra ngoài tôi - Tôi xem mơ, lạc cả trong mơ” [Xem mơ]. Hoặc ở trong mơ, ông mới có thể gặp lại những người đã khuất, trong đó có người ông yêu thương nhất ở trên đời, đó là mẹ: “Hằng đêm con gặp Má - Trong giấc mơ chập chờn - Má cười hiền như lá - Tóc bạc rung gió đêm” []. Sự xuất hiện dày đặc những giấc mơ, cùng ý nghĩa bề sâu của nó đã khiến tác giả lựa chọn tựa đề Xem mơ cho cả tập thơ. Mơ mộng tức là tự do sáng tạo nên một thế giới mới, theo ý muốn chủ quan của người mơ. Mơ mộng là phản/phi lý tính, xem mơ là một cách chống lại thực tại khắc nghiệt tàn bạo hoặc những logic đắng cay, bất ổn của chính mình và tha nhân.

Chính vì thế giới cảm tính đã bao trọn thế giới nghệ thuật thơ Xem mơ, nên những chỗ nào triết lý, phản biện, lí trí đều đi xa với thi cách Hồ Thế Hà, mà rộng ra là cả sự nghiệp thơ của ông. Bài khả dĩ và tiêu biểu nhất của lối thơ lí trí, phản biện là Phản biện biển (tập Thuyền trăng) rõ ràng không thể so sánh với thi phẩm Một. Hồ Thế Hà nghiên cứu chuyên sâu về Chế Lan Viên, nhưng rõ ràng tạng thơ của ông khác xa kiểu lí trí, khôn ngoan, trí tuệ của họ Chế. Chúng ta không phủ nhận nhiều liên tưởng, triết lí rất hay trong Xem mơ như: “cái chết - đang sống - sự sống - đang chết” [xửa xưa]; “Đen như thể không còn gì để lặng - Vậy mà ngôi sao nào cũng ngỡ mình thiêng” [Hồ Xuân Hương]; “Trí nhớ là thương lượng của lãng quên… - Trái tim là thương lượng của nỗi buồn” [logic và phi logic]… nhưng rõ ràng sức nặng của tập thơ nằm ở giá trị trữ tình, cảm niệm/ tính.

Tuy nhiên, thơ mà cảm tính thì không có gì lạ, bởi vì hơn 90% thơ trên thi đàn đã là cảm tính. Nét mới của Xem mơ đó chính là hệ thống hình tượng ngoại biên và khả năng ngoại biên hóa chính chủ thể trữ tình. Xem mơ cũng như Thuyền trăng, ông luôn nhìn nhận, triết lí về thế giới và con người dưới góc độ giải trung tâm con người (giải dĩ nhân vi trung). Lựa chọn hệ thống hình tượng thiên nhiên, thiên nhiên hóa chủ thể trữ tình, Hồ Thế Hà muốn gửi một thông điệp môi sinh mới. Dày đặc trong tập thơ là những biểu/hình tượng thiên nhiên như gió, lá, cây, trăng, hoa… Nhưng tôi nhấn mạnh đến những hình tượng thiên nhiên được lựa chọn không có tính sử thi, hùng vĩ, lớn lao kiểu “đại tự sự”, mà là những sự vật/việc bé nhỏ, bên lề. Ta có thể kể ra hàng loạt hình tượng như dế, côn trùng, những chiếc lá già, cỏ lau, những người đàn bà điên, những người đã chết… Ngay cả hoa cũng là “loài hoa không tên”, thời điểm nở lại giữa “sương khuya” [hoa vỡ], khi nở cũng trong trạng thái “khép nép”. Những hình tượng bé nhỏ, bên lề này đã tạo ra vẻ đẹp “ngoại biên hóa” trong thơ Hồ Thế Hà: “Dẫu bạc đầu tơi tả - Còn lại hồn trắng phau… - Bản di chúc cỏ lau - Là bạt ngàn bờ bãi” [di chúc cỏ lau]. Thơ Hồ Thế Hà luôn đối chọi, phản biện, bất tín nhận thức với trung tâm, với đại tự sự. “Ai cũng bảo biển bao la, nhân ái - Tôi đã tin, nhưng không khỏi nghi ngờ - Vì biển thiếu sự rạch ròi, ân nghĩa… - Thơ tôi đã có lần lên án biển - Biển vẫn vô tâm, biển thiếu linh hồn” [biển mắc nợ]. Bạn đọc có thể nhận thấy ông liên tục sợ hãi, mất niềm tin vào thời gian, vào biển cả, với ông, chúng là chứng/nguyên nhân của sự tàn lụi, kiêu ngạo, tàn nhẫn, vô tâm giữa cuộc đời. Đây là cảm thức hậu hiện đại rõ nhất trong thơ Hồ Thế Hà.

Qua Xem mơ, bạn đọc có thể nhận ra những điểm mới và cả điểm cố hữu rõ nhất của một hồn thơ. Tuổi người đã lớn nhưng tâm hồn vĩnh hằng như thơ trẻ. Trạng huống ấu nhi trong thơ Hồ Thế Hà là cách để ông chống chọi với quy luật của thời gian, bằng cách mở rộng lòng mình, nâng cao sự nhạy cảm, trữ tình để sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Do vậy, dẫu thích hay không thích, với Xem mơ, chúng ta vẫn có được cái nhìn trọn vẹn nhất về bản ngã Hồ Thế Hà. Tập thơ vẫn mang đặc điểm thi pháp giống các tập thơ trước (trừ Tơ sương): cân bằng giữa hiện đại và cổ điển, hiện thực và trữ tình, ngôn từ thuần Việt và Hán Việt như cách để ông hướng về đa chủ thể tiếp nhận. Vì vậy mà thi pháp thơ, tư duy thơ hướng đến sự hài hòa giữa tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại theo cách của ông. Bạn đọc rất có thể sẽ cảm nhận được sự đồng cảm với những câu thơ hay đến đáng ngạc nhiên. “Đêm thở đất rung cây chuyển - Lá trút cho vừa mùa xa - Có người âm thầm thắp nến - Cổ độ mùa trôi đã già - Có ai về không để dỗi - Còn một tờ thư tạ từ” [lời ru]. Thơ mới hay cũ, suy cho cùng cũng là cuộc truy vấn, đi tìm thơ hay. Theo nghĩa ấy, thi sĩ Hồ Thế Hà đã tìm được niềm vui thi ca cho mình, gửi đến người, và giải bày về nỗi mình, nỗi đời mà ông vốn thường không né tránh/ che dấu.

Tập thơ Xem mơ còn một điểm đặc biệt nữa cần trình hiện với bạn đọc, bởi đây là tập thơ nguyên hợp cả thơ (phần 1) lẫn những bài phê bình thơ mà độc giả từng viết về sự nghiệp thi ca của Hồ Thế Hà (phần 2). Dụng ý của Hồ Thế Hà có thể như một sự tri ân đến những tri âm mà cuộc đời ông đón nhận trong đời. Hồ Thế Hà trọng bạn, ông luôn giữ cái nhìn dân chủ, bao dung, vô chấp với những câu nệ bằng cấp, vai vế, giàu nghèo, nghề nghiệp, xuất thân. Mỗi bài phê bình, dẫu hay hay dở, dẫu chuyên nghiệp hay viết theo cảm hứng, người viết phê bình dẫu là học trò hay nhà văn nổi tiếng, nội dung phê bình dẫu khen hay chê… đều được ông cẩn thận lưu trữ lại, trong chiều dài gần 30 năm (bài sớm nhất từ năm 1990). Gần ba thập kỉ đằng đẵng, khởi đi từ lúc máy tính, mạng internet, các hình thức lưu trữ số chưa ra đời, vậy mà Hồ Thế Hà vẫn có thể gần như lưu trữ, sưu tầm đầy đủ những bài phê bình viết về/cho ông, đó quả là điều đáng trân quý. Điều này thể hiện tấm lòng tri ngộ “một lời đã biết đến ta” của nhà thơ với nhà phê bình, cũng như cho thấy khả năng làm tư liệu khoa học rất chỉn chu, cẩn thận vốn là “đặc sản” của ông trong học giới. Qua gần ba mươi năm ấy, chúng ta cũng phần nào hình dung ra hành trình chân dung tinh thần thi sĩ Hồ Thế Hà, từ khi còn là một chàng trai trẻ yêu thơ chưa ai biết tên, cho đến khi trở thành một phó giáo sư tóc màu ngả bạc với vô số thành công, giải thưởng, công trình và môn đệ.

Phần phê bình bao gồm 28 bài phê bình khác nhau của các nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp, nhà phê bình tay ngang, bạn bè, học trò trong giới. Trong đó, không ít người viết nhiều bài khác nhau, đủ cho thấy sức lan tỏa, đồng cảm của thơ Hồ Thế Hà với bạn đọc. Sự đa dạng về xuất thân, nghề nghiệp của người viết phê bình không đáng chú ý bằng sự phong phú trong phương pháp phê bình của họ. Đa phần những người viết phê bình về thơ Hồ Thế Hà đều áp dụng phương pháp tiểu sử học và ấn tượng. Trong giai đoạn đầu (thập niên 90 thế kỉ XX), đa phần những người viết phê bình về thơ Hồ Thế Hà là những tiền bối của ông trong thi ca. Họ là những người đã thành danh, nên giọng điệu có pha chút “trưởng thượng” nhưng thân tình, chủ yếu là phê bình nghệ sĩ, dựa trên phương pháp ấn tượng chủ quan của mình với tác giả. Tiêu biểu cho loại phê bình này, có các bài của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Vĩnh Anh, Thanh Thảo, Mai Khoa Thâu… Những bài phê bình dạng này cần được cảm thông, do ở thời điểm công bố, Hồ Thế Hà mới chỉ là chàng trai với vốn liếng chữ nghĩa, thi ca còn khiêm tốn, chưa có nhiều dấu ấn trên thi đàn. Chính vì vậy, lối phê bình kinh điển “tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người” mà Hoài Thanh đã đưa thành điển phạm tỏ ra rất phổ biến, chiếm ưu thế chính trong giai đoạn phê bình đầu tiên về thơ Hồ Thế Hà. Dĩ nhiên, kiểu phê bình lấy tác phẩm văn học là cái cớ để nhà phê bình phóng tác lại, bài phê bình là sự kể lại cuộc phiêu lưu tinh thần của người viết thông qua tác phẩm (của Hồ Thế Hà) vẫn có nhiều bài đáng đọc. Lối viết tài hoa của Thanh Thảo hay Nguyễn Trọng Tạo vẫn để lại dấu ấn nhất định. Tuy vậy, cũng có những bài phê bình, theo thiển ý của tôi là phê bình tài tử, nhưng cũng có cơ sở từ thế giới hình tượng thơ Hồ Thế Hà để thông diễn sự hiểu theo ấn tượng và hành ngôn riêng như trường hợp của Inrasara mà đặc biệt là Lê Từ Hiển.

Giai đoạn sáng tạo thứ hai của Hồ Thế Hà, vào khoảng mươi năm trở lại đây, đặc biệt là từ Thuyền trăng, Tơ sương đã chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc về thi pháp và tư tưởng. Phê bình về thơ Hồ Thế Hà do vậy cũng chuyển đổi hệ hình sang hiện đại và hậu hiện đại. Những nhà phê bình về ông lúc này đa phần là những người trẻ, sớm thành danh trên văn đàn, và có nhiều công trình đáng chú ý, ta có thể kể đến TS. Nguyễn Mạnh Tiến, TS. Nguyễn Quang Huy, ThS. Hoàng Thụy Anh, TS. Phan Tuấn Anh, TS. Mai Liên Giang... và cả những học giả lẫy lừng, có uy tín như PGS. TS. Lí Hoài Thu, nhà thơ Inrasara, TS. Mai Bá Ấn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, Phạm Phú Phong, PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch... Cách tiếp cận và phương pháp phê bình của họ cũng hết sức đa dạng, mới mẻ. Nếu cách tiếp cận tiểu sử học vẫn chiếm ưu thế, qua các bài của Nguyễn Mạnh Tiến, Phan Trung Phú... thì nhiều người khác đã mạnh dạn thử nghiệm các phương pháp khác. Nguyễn Quang Huy, Đỗ Lai Thúy với phê bình phân tâm học, Đoàn Thị Mỹ Linh với văn hóa học, Mai Liên Giang với ký hiệu học, Phạm Phú Phong với thi pháp học... Tất cả đã tạo nên một bản hợp xướng nhiều giọng phê bình rất đa dạng đầy tính đối âm/ thoại phong phú. Tôi đặc biệt chú ý đến những tranh luận trong phê bình thi phẩm. Qua thơ Hồ Thế Hà, những nhà phê bình có cớ để tranh luận với nhau, họ lấy đối tượng không chỉ là văn bản thơ mà còn cả văn bản phê bình thơ (được viết trước đó), tạo nên một mạng lưới liên văn bản chằng chịt, phức điệu (trường hợp Bùi Việt Thắng trao đổi với bài của Đỗ Lai Thúy). Tuy vậy, theo quan điểm nghiên cứu hiện đại là tổng hợp và liên ngành, chỉ những tác giả lớn hoặc rất may mắn mới có được một hệ thống phê bình tiếp cận tổng thể, đa hệ thống với nhiều cấp độ, góc độ và chuyên ngành như vậy. Có được điều này, theo tôi trước tiên là nhờ cách sống, giá trị con người của nhà thơ, sau đó mới đến giá trị văn bản thơ.

Khép lại một hành trình đọc Xem mơ, cả trên phương diện thơ ca lẫn phê bình về thơ ca, bạn đọc thấy được những điều thật rõ ràng, nhưng chính những điều đó dường như đồng thời rất mơ màng, bảng lảng. Thơ Hồ Thế Hà (có lẽ chỉ trừ thi phẩm Một) khi đọc lên giống như một giấc mơ, rất đẹp, trữ tình, lưu dấu ấn lẻ loi, đơn chiếc. Khi mơ, ta có được khoảnh khắc đồng hiện giữa bản ngã với thế giới mộng ảo, đó là phút giây thăng hoa, hạnh phúc, nhưng khi tỉnh giấc, ta sẽ quên đi tất cả. Thơ Hồ Thế Hà là thơ đọc để đồng cảm, để sống trong khoảnh khắc bừng thức, không phải để ám thị, bám riết vào đầu óc của người tiếp nhận. Đó là điểm yếu và cũng là điểm mạnh, là giá trị suốt đời ông đeo đuổi. Vì cuộc đời này, tấm thân thể này, nỗi cô đơn ấy, với Hồ Thế Hà, đều là cõi mơ, là giấc mộng đời không thực. Vậy bảo làm sao thơ không là bóng dáng, là âm bản của chính người thơ!?

Trường An, 7/5/2018
Y.T  
(TCSH356/10-2018)






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Phương pháp thơ (01/11/2018)