PHAN ĐÌNH DŨNG
Nhà văn Trần Trung Sáng, người Hội An, Quảng Nam, là một nghệ sĩ tài hoa. Anh vừa là nhà báo, nhà văn, tác giả của nhiều tập truyện, truyện kí, truyện vừa, tiểu thuyết, vừa là một họa sĩ đã từng được Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm trang dán giấy vào năm 1999… Có điều ngòi bút Trần Trung Sáng quả thật có nhiều duyên nợ với truyện ngắn, một thể loại văn học mà anh đã gặp gỡ, hò hẹn từ năm 17 tuổi rồi chung thủy gắn bó với nó từ bấy đến giờ.(1)
Tập truyện ngắn Những cuộc hẹn bên lề(*) (NCHBL) ra mắt bạn bè, văn hữu tháng 10 năm 2017 tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, gồm 17 truyện ngắn chọn lọc từ những trang văn đầu tay đến những truyện gần đây của anh, theo như Lời tựa của nhà văn Võ Chân Cửu, có thể xem như là tuyển tập truyện ngắn kết đọng tinh hoa/tinh huyết truyện ngắn Trần Trung Sáng. Từ tuyển truyện này, những người đồng điệu cùng anh có thể cảm nhận “tấm lòng nhân hậu, luôn mơ ước tới cuộc sống tốt đẹp của Trần Trung Sáng” (Võ Chân Cửu), thú vị với cách xây dựng các nhân vật nữ “quá trong sáng, quá đẹp” của tác giả tập truyện (Phan Trang Hy), “gặp gỡ những miền đất với những bản sắc văn hóa độc đáo, những mảnh đời, những số phận đầy uẩn khúc bị lãng quên…” (Gérard Chappuis, nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp gốc Việt)…
Riêng tôi, tôi lại tâm đắc với giọng điệu truyện ngắn nhà văn Trần Trung Sáng bởi nghĩ rằng có lẽ đây chính là một trong những điểm đặc sắc của cây bút truyện ngắn phố Hội, đất Quảng này chăng?
Giọng điệu, có khi còn được gọi là giọng văn (thơ), vốn là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học “phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc” (2). Đi vào truyện ngắn hiện đại, giọng điệu sẽ chi phối một số yếu tố nghệ thuật đặc thù như cấu trúc, hình tượng, ngôn từ… của tác phẩm.
Trong số 17 truyện ngắn của tập truyện NCHBL dễ nhận thấy phần lớn chúng thuộc kiểu truyện ngắn trữ tình. Đa phần câu chuyện được kể lại/trần thuật từ điểm nhìn chủ quan, điểm nhìn của một (hay nhiều) nhân vật xưng tôi: Con mèo ngái ngủ, Người tí hon trong gian nhà bạt, Ga nhỏ, Chiếc nhẫn cưới, Những cuộc hẹn bên lề, Trái tim con rồng đá, Mát-xa, Những que diêm, Họp lớp, Cuộc đua, Bức tranh thiếu nữ, Chuyện Ngọ xưa, Bức ký họa trên sông Mê Kông. Mà những nhân vật xưng tôi này đa số lại thuộc về một thế giới những con người trẻ trung, lãng mạn, giàu cảm xúc. Họ có thể là những nghệ sĩ hoặc có công việc, nghề nghiệp gắn bó ít nhiều với nghệ thuật: Con mèo ngái ngủ, Những cuộc hẹn bên lề, Trái tim con rồng đá, Bức tranh thiếu nữ, Chuyện Ngọ xưa. Họ có khi là người chồng trẻ lãng mạn, dễ xao lòng (Nhẫn cưới); là người làm nghề xây dựng ưa quan tâm, đồng cảm với những số phận thua thiệt, khiếm khuyết (Mát-xa); là anh bộ đội tinh tế, nhạy cảm với những mảnh đời bất hạnh (Những que diêm, Bức ký họa trên sông Mê Kông); là những con người thường xuyên hoài niệm về những tháng ngày đẹp đẽ, lãng mạn, giàu cảm xúc của tuổi học trò (Họp lớp, Cuộc đua); là những đứa trẻ giàu tưởng tưởng và xúc động, khát khao tình bạn (Người tí hon trong gian nhà bạt, Ga nhỏ)… Do vậy, giọng điệu của các nhân vật kể chuyện ấy chủ yếu là giọng trữ tình - lãng mạn; thế giới họ kể ít khi là thế giới hiện thực trần trụi, lạnh lùng mà thường là thế giới nội cảm, thế giới hiện lên qua tâm trạng, qua hệ thống những cảm giác/cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Điều này, không chỉ tạo nên cái nhìn tinh tế và nhân văn của tác phẩm mà còn chứa đựng một dạng chất thơ của truyện ngắn Trần Trung Sáng. Chất thơ bàng bạc từ những suy cảm lãng mạn xoay quanh những chi tiết miêu tả/biểu hiện con người và thiên nhiên:
- …Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội. Trời ạ, cứ 10 cô thì có đến 9 cô rưỡi đẹp mê hồn. Nói mê hồn chắc chưa chuẩn xác, phải nói rằng đẹp và sâu lắng tựa bước ra từ những trang sách Tự lực văn đoàn! (Con mèo ngái ngủ).
- Tôi muốn gào lên, than khóc với đất trời: Tại sao thế giới rộng lớn bao la là vậy, Thượng đế lại chỉ có một người con gái duy nhất dành cho chúng tôi? (Họp lớp).
- Mùa xuân. Dọc hai lối đi trên sân vườn nhà Bạch Dương, lặng lờ từng đàn bướm muôn màu sắc. Những cánh bướm bao giờ cũng làm lòng người xao xuyến nhớ đến một thời yêu đương hò hẹn. (Trái tim con rồng đá).
Chất thơ trong truyện ngắn Trần Trung Sáng còn ẩn hiện trên những dòng thơ người trần thuật liên tưởng, hồi ức rồi đưa vào ngôn ngữ trần thuật của mình để vừa tạo ra một bầu không khí trữ tình - lãng mạn cho câu chuyện, vừa gắn kết với tâm trạng, cảm xúc của người kể chuyện. (Con mèo ngái ngủ, Họp lớp, Chuyện Ngọ xưa…).
Đầu óc, trái tim của những nhân vật trữ tình trong truyện ngắn Trần Trung Sáng đâu chỉ thấm đẫm cảm xúc thơ ca mà còn khắc sâu, in đậm khá nhiều bóng dáng những người đẹp một thời từng đi qua cuộc đời mình. Những bóng hình xinh đẹp ấy chủ yếu được trình hiện thông qua cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm trạng của người kể chuyện, do vậy, ngoại hình của họ thường chỉ được chấm phá vài nét dung dị, chủ quan:
- … cô gái đang ngồi trước mặt chúng tôi, với mái tóc xõa ngang lưng, gương mặt trái xoan, đôi mắt tròn xoe vời vợi… (Con mèo ngái ngủ).
- … dáng người gầy guộc, mái tóc cắt ngắn, nụ cười héo hắt, chốc chốc tạo thành những nếp nhăn buồn bã; nếu không vì đôi mắt tròn xoe, đen láy, mơ màng còn lại, chắc khó lòng tôi biết được đó là Bạch Dương thuở xưa. (Trái tim con rồng đá).
- Vẫn cái dáng mảnh khảnh như một con chim sâu nhảy nhót chuyền cành. Vẫn khuôn mặt trái xoan, nụ cười nhè nhẹ mà mỗi lần nhìn thấy hồn tôi bay bổng cả chín tầng mây. (Họp lớp).
- Những múi tóc xõa tung. Những cánh tay trần. Những vồng ngực khỏe khoắn. Những đường cong hoang dã… Tất cả nét đẹp diệu kì của tạo hóa thấp thoáng phơi bày sau những làn vải mong manh, ít ỏi, phập phồng trong làn nước. (Thị trấn bên kia suối).
Người kể chuyện dường như coi trọng hơn việc lột tả tính cách “dịu dàng, nhân hậu” (từ dùng của nhà phê bình Phan Trang Hy), số phận nghiệt ngã và nghị lực mạnh mẽ vượt lên số phận của họ so với miêu tả dáng dấp, ngoại hình. Giọng điệu chủ yếu của nhân vật người kể chuyện ở đây là giọng cảm thông, tin yêu. Bởi vậy, ở kết thúc của khá nhiều truyện ngắn trong tập NCHBL, người đọc hay bắt gặp nhân vật xưng tôi gửi gắm những ước mơ, hi vọng tốt đẹp của mình hướng về hình tượng nhân vật nữ trong truyện (Ga nhỏ, Chiếc nhẫn cưới, Mát- xa, Những que diêm, Bức tranh thiếu nữ…).
Giọng điệu trữ tình - lãng mạn còn chi phối cách kể, cách dàn dựng quan hệ giữa các nhân vật ở một số truyện ngắn của tập có sự đan xen, đắp đổi giữa điểm nhìn khách quan của người kể chuyện và điểm nhìn nhân vật. Đọc truyện ngắn có tên dùng làm tên chung của cả tuyển tập, người đọc có cảm giác hình như người kể chuyện cố tình dùng một giọng kể khách quan, tỉnh táo thể hiện qua lối gọi nhân vật “gã” và “chị”, qua những câu thoại có vẻ như “vu vơ”, “bâng quơ” giữa nhà báo và đối tượng ghi chép… “Nhưng tình cờ, câu chuyện càng lúc càng xoáy sâu vào nỗi niềm của chị”; sự đồng cảm đã rút ngắn khoảng cách giữa hai người; hai bàn tay rụt rè siết nhẹ thăm dò ban đầu dần dà chuyển sang nhanh chóng siết chặt ấm áp, thiết tha! Truyện ngắn đầu tay Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan chỉ duy trì giọng kể, cái nhìn khách quan độ non trang sách dần dần hết sức tự nhiên kể theo điểm nhìn nhân vật thanh niên, một chàng trai trẻ trung, bồng bột với nhiều mơ ước lãng mạn xa xôi. Trong truyện ngắn Thị trấn bên kia suối, không khí và âm hưởng trữ tình lãng mạn xoay quanh đôi tình nhân Trinh và Trứ đã phần nào xoa dịu, chiến thắng âm hưởng và không khí nghiệt ngã, chết chóc của hiện thực đãi vàng khiến cho câu chuyện mang giọng điệu đa thanh, phức hợp, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa hiện thực và nhân văn.
Tính chất đa thanh, phức điệu khiến cho một số truyện ngắn của NCHBL càng đọc càng thấy duyên dáng, thú vị. Bạn thử nhẩn nha đọc lại truyện ngắn mở đầu tập Con mèo ngái ngủ mà xem. Có phải sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa giọng điệu trữ tình - lãng mạn và giọng điệu hài hước, hóm hỉnh trong ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật đã góp phần tạo nên sự quyến rũ, hấp dẫn? Truyện ngắn Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan xen kẽ, hài hòa giữa giọng điệu sôi nổi, bồng bột và giọng tự vấn, hồi cố của chàng trai trẻ cùng với giọng điệu kể chuyện khách quan, dồn nén, nhờ vậy, số phận bi thảm và những khát vọng của con người về tình yêu và hạnh phúc một thời chiến tranh trở nên xúc động, khắc khoải. Chuyện Ngọ xưa thực sự là một hợp âm về mặt giọng điệu. Có giọng kể khách quan của nhân vật xưng tôi đầu truyện. Có giọng kể chủ quan đa thanh, phức điệu của nhân vật xưng tôi Hoàng Ngọ suốt truyện. Đa thanh, phức điệu bởi bao gồm khá nhiều sắc thái, khuynh hướng cảm xúc: xúc động và tri ân, tự tin và tự hào, khẳng định và phê phán, tin yêu và thất vọng… của một số phận phụ nữ “trải qua những hoàn cảnh đặc biệt” từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX đến tận thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI đối với vô vàn những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp từ gia đình đến xã hội. Câu chuyện gợi mở những suy cảm tinh tế, sâu sắc về những đức tính và phẩm cách của người phụ nữ Việt Nam truyền thống và hiện đại, về bản chất của nghề y, về mối quan hệ giữa đức tin và niềm tin vào cuộc sống, về mối quan hệ gắn bó sâu xa giữa cá nhân và cộng đồng…
Giọng điệu trong tác phẩm văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng không chỉ biểu hiện cái nhìn, phong cách của nhà văn mà còn bộc lộ nội lực, triển vọng của một cây bút văn xuôi. Nhà văn Trần Trung Sáng năm nay mới ngoài sáu mươi, cái tuổi từng trải và đang độ chín muồi của một ngòi bút văn học, do vậy, chúng ta có quyền, có sơ sở hy vọng anh sẽ tiếp tục hành trình sáng tạo của mình, tiếp tục thai nghén, sinh hạ những đứa con tinh thần bụ bẫm, xinh đẹp!
P.Đ.D
(SHSDB31/12-2018)
........................................
(*) Những cuộc hẹn bên lề, Nxb. Hội Nhà văn, 2017.
(1) Từ sau truyện ngắn đầu tay Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan in trên tạp chí Bách Khoa vào năm 17 tuổi với bút danh Tần Hoa đến nay nhà văn Trần Trung Sáng đã ra mắt bạn đọc 5 tập truyện ngắn: Ngày chủ nhật tuyệt vời (1988), Cổ tích họa sĩ gù và con chim xanh (1989), Ông hoàng đu đủ (1994), Đêm trắng phập phù (2009) và Những cuộc hẹn bên lề (2017).
(2) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi - Từ điển thuật ngữ văn học - Nxb. Giáo dục, 1993, tr. 91.