Nghiên Cứu & Bình Luận
Phê bình văn học 1990 - Phỏng vấn các nhà phê bình
15:28 | 18/04/2019

PHẠM XUÂN NGUYÊN (thực hiện)

Năm 1990 phê bình văn học có gì được và có gì chưa được? Những người viết phê bình nào, bài viết phê bình nào, cuốn sách phê bình nào trong năm đáng khen hay đáng chê? Có thể chờ đợi gì ở phê bình sắp tới?

Phê bình văn học 1990 - Phỏng vấn các nhà phê bình
Ảnh: internet

Sau đây là ý kiến trả lời phỏng vấn của một số nhà phê bình quen biết.

Hoàng Ngọc Hiến: Đối với tôi, năm 1990, có hai sự kiện vui mừng: đọc Ghi chú về nghệ thuật của Nguyễn Quân, đọc những bài phê bình của Đỗ Lai Thúy - một tác giả mới xuất hiện.

Những bài viết của Đỗ Lai Thúy về Nguyễn Duy, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... được độc giả chú ý. Đỗ Lai Thúy hiểu những điều mình viết. Trong tình hình trên bục giảng đường, có những giảng viên nói thao thao bất tuyệt nhưng không hiểu những điều mình nói, và trên sách báo, văn chương lai láng nhưng có khi người viết không hiểu mình viết gì, tóm lại trong tình hình văn hóa, ngôn từ đương bị "siêu" lạm phát, thì sự xuất hiện một người viết như Đỗ Lai Thúy là một sự việc đáng vui mừng.

Tập Ghi chú về nghệ thuật của Nguyễn Quân đã được công bố và đây cũng là một sự việc vui mừng trong đời sống lý luận phê bình năm 1990 có nhiều điều chẳng lấy gì làm vui. Trong sinh hoạt nghiên cứu phê bình hiện nay - chỗ nào cũng có những sự khua khoắng láo nháo - tập Ghi chú rất có thể sẽ bị chìm đi. May sao tập sách đã ra mắt. Tôi xem việc Nhà xuất bản Mỹ thuật công bố quyển sách là một việc làm đáng trân trọng. Một cuốn sách hay ra đời đáng giá hơn ngàn lẻ một cuộc tranh cãi tốn không biết bao nhiêu giấy mực và mồ hôi. Trong Ghi chú tác giả không bàn đến "tính” này, "tính" nọ của nghệ thuật... Những vấn đề này được giải giảng rất kỹ trong những sách giáo khoa mỹ học nước ngoài được biên soạn từ những năm 50 và được dịch ở ta. Nguyễn Quân suy nghĩ về vấn đề mỹ học, nghệ thuật học như là trên đời không hề có những bộ sách như vậy. Phải chăng loại sách ở trong số những "pho sách dày cộp" mà Nguyễn Quân nhắc đến với một sự thán phục pha lẫn một sự đau khổ hết sức chân thành.

Ngô Thảo: Mấy năm nay công việc đang đẩy tôi xa dần những trang sách văn học và thuở nào cứ nghĩ là xa nó mình sẽ không thể nào chịu được. Việc tham gia vào phê bình văn học cũng ít hơn. Nhưng năm qua, lĩnh vực này sôi động và ầm ĩ đến mức những người ngoài nghề cũng phải quan tâm. Là một người quen làm tư liệu về đội ngũ nhà văn, tôi quan tâm đến phần nhân sự có mặt trên báo chí phê bình trong mấy năm gần đây. Một số người tôi biết rõ họ đã sống ở đâu và làm gì trong những năm đất nước có chiến tranh, mấy năm gần đây họ sống thế nào và giờ viết thế nào. Khoảng cách giữa cuộc sống và trang viết sao mà xa xôi thế nhỉ? Một vài nhà văn như từ lâu không đọc sách trong nước bỗng nhảy ra viết phê bình cũng có nét riêng không lẫn. Bài viết nhiều nhưng số người viết không đông. Và cảm hứng chỉ đạo của họ lại càng giống nhau: Cảm hứng phê phán. Nếu nói đại khái những người bị họ phê phán là mắc tội phủ định sạch trơn quá khứ thì họ là những người quyết liệt phủ định hiện tại. Nếu nói về phương pháp, những người bị phê phán vì dừng lại ở chủ nghĩa hiện thực phê phán thì các bài viết đã có cũng sử dụng đúng phương pháp đó. Bao nhiêu khuyết tật, vũ khí, thủ pháp phê bình thời cũ được sử dụng không cần tân trang. Ngỡ như bao năm qua ta chỉ hô hào mà không có gì thực sự đổi mới! Lối truy chụp, răn đe, giọng kẻ cả, tự nhân danh Đảng nhân dân tràn lan. Ăn cắp trong nước đã nhục. Và nhận bằng cấp đã ăn cắp ở nước ngoài mà còn lên mặt đạo đức được à? Một vài cơ quan báo chí tự làm mất uy tín đoàn thể mà họ đại diện bằng cách tập hợp khá nhiều bài viết của những người không có mấy uy tín trong quần chúng ở cơ sở. Nếu không nghĩ tới những ý đồ không trong sáng thì riêng giọng điệu một chiều đã không phù hợp với tinh thần dân chủ của đổi mới. Về mặt học thuật, ở một thời điểm lịch sử biến động như hiện nay, vẫn chưa thấy có gì mới mẻ tương xứng, ít ra là từ phía những người phê bình.

Nếu có một thước đo tình hình một nền phê bình tốt là tạo được không khí thuận lợi cho người sáng tạo thì theo tôi, phê bình năm qua chưa làm được điều đó. Cái mới chưa được tôn trọng đúng mức.

Nguyễn Đăng Mạnh: Từ sau đại hội Đảng lần thứ VI, tình hình có khác. Hoạt động phê bình sôi nổi, nhộn nhịp và vui hẳn lên. Đã có những cuộc tranh luận đem lại bổ ích thật sự. Đặc biệt không còn có sự lạnh nhạt giữa sáng tác và phê bình. Sự phân hóa nếu có là giữa những người sáng tác và phê bình này với những người sáng tác và phê bình khác. Quan hệ giữa phê bình và công chúng cũng gắn bó hơn trước.

Khuynh hướng bình giảng văn học vẫn phát triển, nhưng nay gắn hẳn với công tác phục vụ nhà trường. Cuộc cải cách chương trình và sách giáo khoa văn học ở các trường phổ thông hiện nay rất cần đến sự hỗ trợ của giới phê bình.

Trong hoạt động phê bình, có một khuynh hướng trước kia ít xuất hiện, nay có điều kiện phát triển mạnh. Có thể gọi là khuynh hướng tìm tòi phát hiện những giá trị văn học có ý nghĩa đổi mới. Cuộc tìm tòi nhằm vào hai đối tượng có quan hệ mật thiết với nhau: một là những quy luật vận động của văn học trong thời đại mới, hai là những giá trị mới trong sáng tác như là tín hiệu của tương lai. Hướng vào đối tượng thứ nhất, nhà phê bình tất phải khảo sát cả một quá trình văn học, ít ra là từ Cách mạng tháng Tám đến nay. Công việc đòi hỏi tầm khái quát cao, tư duy sâu sắc, mới mẻ và bạo. Hướng vào đối tượng thứ hai, nhà phê bình phải có con mắt mới, óc thẩm mỹ mới, phải đề xuất những tiêu chí giá trị mới và phương pháp tiếp cận mới đối với tác phẩm văn học. Cái mới không phải chỉ có ở những tác phẩm mới ra đời. Nó có thể đã xuất hiện từ trước, nhưng nay mới nhận ra được do người phê bình có con mắt khác. Tất nhiên cái mới cũng không chỉ có ở những cây bút mới xuất hiện hoặc còn trẻ. Tuy nhiên phải nói rằng nó dễ có hơn ở những thế hệ ít bị ràng buộc bởi cái cũ. Nhìn lại lịch sử, người ta thấy những cuộc cách tân văn học lớn thường chủ yếu trông cậy ở những thế hệ này (Chẳng hạn làm nên những cuộc cách tân văn học sâu sắc vào đầu những năm 30 của thế kỷ này, chủ yếu là lớp nhà văn Tây học hầu hết mới trên dưới 20 tuổi).

Những cây bút thuộc khuynh hướng phê bình gọi là tìm tòi phát hiện nói trên thường tỏ ra thông minh, sắc sảo có văn hóa và có tâm huyết. Họ có cách nói mới và những ý nghĩ mới. Bài viết của họ vì thế thường có sức hấp dẫn đối với độc giả. Nhưng nếu đặt câu hỏi, những điều họ phát hiện có hoàn toàn chính xác hay không thì không ai dám trả lời dứt khoát, kể cả trong trường hợp nhà phê bình có lý lẽ sắc sảo. Bởi vì, đối với các giá trị nghệ thuật và các quy luật văn học đang diễn ra, chỉ có thời gian mới chỉ có đủ thẩm quyền xác nhận. Tuy thế cần thấy, khuynh hướng phê bình tìm tòi phát hiện có một vai trò rất tích cực đối với sự phát triển của văn học. Nó kích thích sự suy nghĩ trăn trở của người sáng tác. Nó khơi gợi tranh luận để tìm tới chân lý. Nó góp phần đổi mới văn học, bao gồm cả sáng tác lẫn phê bình. Vì vậy tôi cho rằng thái độ nhạo báng nó, ngăn chặn nó là vô lý và hủ bại.

Gần đây phê bình dường như có chiều hướng chững lại. Người ta thấy có dấu hiệu xuất hiện trở lại lối quy kết chụp mũ đã lỗi thời. Đặc điểm của lối qui chụp là cố tình cắt xén, xuyên tạc ý kiến người khác nhằm gán cho họ những động cơ chính trị xấu. Một qui luật thường thấy là, mỗi sự qui chụp nổi dậy thì phê bình lập tức co lại. Khác với sáng tác, phê bình, vì số đông là cán bộ giảng dạy ở các trường đại học hoặc công tác ở các Viện khoa học có một địa điểm tạm trú khá thuận tiện: ấy là nghiên cứu văn học sử, là viết chuyên luận hay làm tuyển tập các nhà văn đã được định giá ổn định, là biên soạn giáo trình và sách giáo khoa v.v...

Tuy nhiên, thời nào cũng vậy, có một loại phê bình luôn luôn tồn tại và phát triển đặc biệt ở các đô thị: loại phê bình miệng (Critique orale). Ngày nay phê bình miệng có tính độc lập của nó và uy tín đối với sáng tác và công chúng có khi còn lớn hơn cả phê bình viết.

Hà Minh Đức: Phê bình văn học trong năm qua đã phát triển trong khung cảnh của những cuộc đấu tranh tư tưởng trong Văn nghệ vì thế phần "phê" được nhấn mạnh hơn "bình". Chúng ta đã uốn nắn lại những lầm lạc trong một số sáng tác và quan điểm lý luận mà trước đây dư luận báo chí, phê bình đã bỏ qua. Và nhiều bài viết đã nói thẳng, phân tích đúng nhiều hiện tượng phức tạp trong văn nghệ. Điều đó là cần thiết. Tuy nhiên không khí phê bình văn học có lúc nặng nề vì có ý kiến còn cực đoan gán ghép. Mỗi cuốn sách thường có nhiều lớp ý nghĩa... Mỗi nhà văn, nhà phê bình cũng thường có phong cách biểu hiện riêng. Cần phải tôn trọng, hiểu cho hết ý của nhau, tránh tình trạng tranh luận theo lối suy diễn, thiếu tính khoa học và thiếu thuyết phục. Chúng ta đã có kinh nghiệm đáng buồn về chuyện này trong quá khứ. Trong tình hình còn có nhiều luồng, nhiều loại ý kiến khác nhau về một hiện tượng văn học một tác phẩm thì việc trao đổi, bàn luận là rất cần thiết, cần có những đối thoại trên báo chí tránh phê bình một chiều. Chúng ta cần tổ chức nhiều hội thảo về lý luận, phê bình, nhiều cuộc trao đổi về tác phẩm. Những cuộc trao đổi trên báo Văn nghệ về những cuốn tiểu thuyết như Đám cưới không có giấy giá thú, Ly thân, Người trong ống là rất bổ ích. Phê bình đi chậm hơn sáng tác. Nhận xét quá quen thuộc ấy vẫn là thực tế trong tình hình năm qua. Phê bình đã góp phần khẳng định những thành tựu trong sáng tác, tuy nhiên vẫn chưa có những bài thật hay có ý nghĩa phát hiện về tình hình văn xuôi cũng như thơ.

Chúng ta có thể đang ở vào lúc giao thời của thị hiếu văn nghệ. Thị hiếu văn nghệ trong những năm gần đây khá phức tạp. Với nhiều lớp công chúng, nhiều loại thị hiếu khác nhau. Trong cái còn bề bộn thậm chí hỗn độn của thị hiếu vẫn có một sự ổn định là người đọc yêu cầu phải có một cách viết mới, tác phẩm phải nhiều màu nhiều vẻ và có tính nghệ thuật. Phê bình văn học hiện nay chủ yếu đặt trên vai thế hệ trẻ. Nhiều nhà phê bình đã từng hăng hái một thời với phê bình văn học nay có thiên hướng đóng góp ở hoạt động lý luận và nghiên cứu văn học. Cái khó là làm sao có được nếp cảm thụ mới để có cơ sở đánh giá sát đúng với các tác phẩm văn học hôm nay. Thiếu nó, các yếu tố quan trọng khác như kiến thức, lý luận, kinh nghiệm cũng trở nên kém hiệu quả.

P.X.N
(TCSH46/04-1991)





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng