Nghiên Cứu & Bình Luận
Về hai câu thơ trong Truyện Kiều
15:04 | 01/07/2009
LÊ XUÂN LÍTHỏi: Mã Giám Sinh sau khi mua được Kiều, Mã phải đưa Kiều đi ròng rã một tháng tròn mới đến Lâm Tri, nơi Tú Bà đang chờ đợi. Trên đường, Mã đâm thèm muốn chuyện “nước trước bẻ hoa”. Hắn nghĩ ra đủ mưu mẹo, lí lẽ và hắn đâm liều, Nguyễn Du viết:              Đào tiên đã bén tay phàm              Thì vin cành quít, cho cam sự đờiĐào tiên ở đây là quả cây đào. Sao câu dưới lại vin cành quít? Nguyễn Du có lẩm cẩm không?
Về hai câu thơ trong Truyện Kiều
(Ảnh: Internet)

Đáp: Đọc Kiều như bạn cũng ở độ tinh rồi đấy. Chi tiết này chính nhà thơ Tản Đà cũng đã phát hiện: Đã nói đào tiên thì phải viết tiếp câu sau là: vin cành đào mới hợp lí sao lại vin cành quít?

Có hai cách lí giải câu thơ này.

Cách thứ nhất: Hiểu hai câu thơ liền một mạch, tức Mã Giám Sinh thấy quả đào ngon, hấp dẫn, cầm lòng không đặng, mà tay đã vin cành (việc đã quá dễ, đã có thời cơ), thôi thì cũng liều cho sướng cái sự đời.

Hiểu theo cách này, theo Tản Đà, câu dưới phải viết: Thì vin cành đào... mới "xuôi nghĩa". Nhưng chữ đào là "vần bằng" đành thế từ khác. Câu trên đã ra vận phàm (bén tay phàm) chọn chữ cam cho câu dưới là đắc ý rồi. Chữ cam vừa đúng vần, vừa đa nghĩa: cam ngon ngọt, cam chịu hay thoả lòng... Được một chữ cam, thế còn chữ thứ tư dòng thơ tám chữ này? Thôi thì cam đi liền với quít (quít làm cam chịu - TN). Thi sĩ Tản Đà cho rằng: "trong khi quẫn bách về một chữ, mà lại tiếc cái bóng bẩy của một câu, tác giả mới đem chữ quít đặt tạm vào đó để thế nghĩa chữ đào... Sự đặt tạm ấy rồi sau cùng không thể thay thế được, tác giả đành cứ để luôn, nhất là hay, nhị là dở, phần nhận nghĩa phó mặc người xem văn... Nay ta đọc đến câu này, biết đó là chữ quít, mà cứ nhận nghĩa cho nó là chữ đào, ấy là tri kỉ của tác giả".

Cách hiểu thứ hai: Tách nghĩa hai câu thành hai ý riêng biệt. Đào tiên đã bén tay phàm là một chuyện. Người xưa cho rằng; đào tiên quí lắm, ai ăn được sẽ sống mãi. Tất nhiên gã Mã Giám Sinh chẳng nghĩ gì đến chuyện sống lâu. Chắc Mã nghĩ: đào tiên quí hiếm, đẹp đẽ, hấp dẫn thế, nay ta là kẻ phàm phu tục tử mà cũng được hưởng...

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du hay nói đến đào tiên, đào non, yêu đào, đào nguyên... vừa có ý nói đến chuyện của lạ đã nói ở trên vừa là thi tứ trong Kinh thi: đào, chỉ người con gái đi lấy chồng (Đào chi yêu yêu/ Chước chước kì hoa/ Chi tử vu qui/ Nghi kỳ thất gia (cây đào xanh non mơn mởn, hoa nở đỏ hồng. Cô kia về nhà chồng, hoà thuận yên ấm...) - bài Đào yêu).

Thì vin cành quít cho cam sự đời: Hai ông Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim thì cho rằng: Câu thơ này lấy ý trong thơ xưa "Lão nhân du hí như đồng tử, bất chiết mai chi chiết quất chi" (Người già chơi như trẻ con, không bẻ cành mai, lại bẻ cành quít). Ý muốn nói: Đáng lẽ làm việc này lại đi làm việc khác. Mã mua Kiều để kiếm lời mà ăn lại nghĩ đến chuyện ong bướm lả lơi!

Như vậy, liên kết hai câu lại có thể hiểu: cô Kiều quí - đẹp thế, nay vì việc đi lấy chồng mà ta (MSG) được gần gụi. Thôi đành gác lại chuyện làm ăn, hãy hưởng lộc đã.

Dẫu hiểu theo nghĩa nào cũng bộc lộ tâm trạng khát khao, tận hưởng của hiếm trên đời ở Mã Giám Sinh.

Hiểu câu chữ Truyện Kiều, không ai dám quyết đoán. Vì vậy tôi đã dông dài mấy ý. Mong được gặp bạn, cùng nhau đàm đạo.

L.X.L
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng