HỒ TIỂU NGỌC
Trong bầu không khí dân chủ tối đa và nhận thức tối đa của con người thời hậu chiến, nền thơ Việt Nam, trong đó có thơ nữ lại nhanh chóng hòa nhập và tạo ra những góc nhìn đa dạng về cuộc sống.
Điều này phản ánh cái nhìn nghệ thuật mới của chủ thể sáng tạo thông qua hình tượng con người trong mối quan hệ với văn hóa thời bình cùng với diễn ngôn tương ứng mang tính khách quan, chân thật.
Bản sắc văn hóa là cụm từ chỉ bản chất và thuộc tính của văn hóa. Nó hình thành từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội và với chính con người để tạo ra các hệ giá trị văn hóa theo quy luật của cái đẹp, cái giá trị. Văn học là một hình thái ý thức xã hội - thẩm mỹ kết tinh từ văn hóa, và đến lượt mình, nó biểu hiện thành những giá trị văn hóa mới, hiển minh nhất, đóng góp những nội dung mới cho văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng và cụ thể. Thơ ca là một thể loại đặc thù tiếp nhận từ văn hóa và tạo ra văn hóa mới trên cơ sở sáng tạo ra thế giới hình tượng phong phú, với ý nghĩa triết mỹ bất ngờ trên chất liệu ngôn ngữ cũng đa dạng, biến ảo. Văn học nói chung, thơ ca nói riêng có chức năng sáng tạo, truyền dẫn và lưu giữ văn hóa tốt nhất, có sức nội cảm, lan tỏa kỳ diệu nhất. Môi trường sống với các mối quan hệ văn hóa đa dạng của nó chính là nền tảng, là bệ phóng làm xuất hiện hình tượng văn học.
Quan hệ giữa văn hóa và văn học ngày càng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Từ góc nhìn giới, quan hệ trên càng tương thích và hứa hẹn tỏ lộ những phẩm chất mới trong thơ nữ hiện đại Việt Nam. Căn cứ vào lý thuyết giới và lối viết nữ cũng như lý thuyết phê bình văn học nữ quyền, chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc trưng thi pháp mới mẻ của thơ nữ thời hiện đại mà cụ thể là từ 1986 đến nay. Đặt thơ nữ giai đoạn này trong bối cảnh lịch sử - xã hội - văn hóa tương ứng sẽ phát hiện nhiều giá trị ngữ nghĩa mới cho thơ. Ở đây, cần phải nhìn nhận rằng thơ nữ là mô hình chủ thể để nghiên cứu trong quan hệ với mô hình khách thể là môi trường lịch sử - văn hóa mà nhà thơ sống trong nó và phản ánh nó. Cả hai sẽ cộng hưởng, hỗ tương lẫn nhau để làm giàu có bản sắc văn hóa cho dân tộc, đồng thời làm giàu bản sắc văn hóa cho thơ nữ Việt Nam giai đoạn này.
Văn hóa trong tình yêu biểu hiện ở lòng thủy chung, ân nghĩa, sự son sắt hẹn thề; trong chiến tranh chia cắt, người vợ vẫn đợi ngày thống nhất. Lê Thị Mây nhận ra: “Chợt như trăng non tiếp nhận ánh ngày/ Tôi tiếp nhận niềm tin nước nhà thống nhất/... Sắc cờ sao nơi chót mũi Cà Mau” (Mặt trời ở biển). Nhìn cát, Lê Thị Mây biết mỗi ngày niềm tin mỗi mới: “Cát vàng rơi, cát vàng rơi/ Sau đêm mưa ngọt càng ngời nắng mát” (Cát làng tôi); Hoàng Việt Hằng không thôi day dứt và trách nhiệm với những hiện thực trái ngang, luôn dùng dằng trong tâm tưởng và hiện thực: “Em khâu tóc trắng thay lời/ Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau/ Con chồng, vợ cũ, đồng sâu/ Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng” (Một mình khâu những lặng im). Từ đó, một ý niệm về văn hóa ứng xử hiện lên sâu nặng.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh đau thương, mất mát. Nỗi đau, bi kịch hằn sâu trên mặt đất và trong mỗi hồn người. Tất cả hiện thực đó đã tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của con người, làm hiện lên những phẩm chất văn hóa ngời sáng trong thơ ca. Hiện thực cuộc sống và con người hòa quyện trong nhau để làm nên những nội dung mang bản sắc văn hóa mới, phản ánh tình cảm, tâm hồn, chất thơ mới cho mỗi chặng đường thơ kháng chiến. Ở đó, hiện thực và lý tưởng, trữ tình và anh hùng ca, nội dung và hình thức hòa quyện trong nhau tạo nên đặc trưng văn hóa thời chiến.
Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa trong cuộc sống đời thường hiện lên với nhiều sắc thái và cung bậc. Cuộc sống nghèo túng đã đi vào thơ với nhiều day dứt, xót xa. Nguyễn Thị Mai nhớ về một thời cơ cực của mẹ với hình ảnh buồn thương: “Mẹ ơi/ Thơm cay một miếng trầu xưa/ Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo/ Bây giờ đã bớt gieo neo/ Lại không còn mẹ và chiều. Khổ không?” (Qua hàng trầu nhớ mẹ). Suy thoái đạo đức thời kinh tế thị trường lại đi vào thơ một cách day dứt: “Thật khủng khiếp khi lời yêu thương cạn kiệt/ Khi người ta cứ vô cảm sự đời/ Trước vẻ đẹp của ánh trăng, ngọn cỏ/ Trước nỗi buồn da diết cũng dửng dưng” (Khoảng cách - Hoàng Kim Dung)..
Đối thoại, tự thoại, tự vấn, điều trần với văn hóa thời bao cấp cũng có mặt trong thơ nữ giai đoạn này: “Những con lừa đã giấu đi bản chất/ Râu xanh/ Khoác trên vai mùi thơm những vòng nguyệt quế” (Ốc đảo - Đoàn Thị Lam Luyến). Thơ Phan Huyền Thư bộc lộ nỗi hoài nghi có tính triết mỹ và văn hóa trước một hiện thực mới: “Con người là nỗi đau!/ Phá vỡ thuyết tương đối nhưng lại tin sự tương ứng” (Không thanh thản). Có lúc nhà thơ không nén được nỗi xót xa: “Em căm thù sự bất công/ giả trá/ Nghịch lí như mạng nhện ma quái” (Những câu thơ mang vị mặn). Vi Thùy Linh đã soi vào danh tác của các nghệ sĩ bậc thầy trên thế giới để hiểu những vấn đề lịch sử và văn hóa ngày hôm nay của đất nước sau chiến tranh: “Tôi ngước nhìn những câu thơ anh như động mạch chạy dọc vòm trời” (Gửi Êxênhin); “Tôi nghĩ về Van Gogh/ Những kiệt tác hay chính cuộc đời ông là ám ảnh” (Tôi lắng nghe Van Gogh). Đó phải chăng là cách thanh lọc và nhân đạo hóa đời sống mà thơ nữ hướng tới để ủ mầm cho niềm tin thánh thiện trong hiện tại và tương lai? Nhưng dù gì, các nhà thơ nữ cũng đã nhận ra sự bất ổn của văn minh thời hiện đại. Vi Thùy Linh đã xác nhận: “Khi đã thấy nhiều sự đối lập, nghịch lý trên mặt đất này.../ và cừu Dolly ra đời không cần có cha” (Tảng băng trôi); “Sự tiến hóa làm con người xa nhau hơn/ Thậm chí ít có thời gian để cười và càng ít khóc...” (Đôi mắt lửa Puskin); “Khi mà bây giờ hầu như mọi thứ có thể mua/ Từ trinh tiết đến tình cảm hợp đồng và bằng cấp” (Tôi lắng nghe Van Gogh)... Văn hóa thời bao cấp được nhà thơ ghi lại bằng cái nhìn nghệ thuật bình đẳng để thấy được mặt trái của văn minh: “Tiếng thơ ầm ĩ/ tim lại rung lên bao thổn thức: Trái đất - cái cối xay rất cũ/ Vòng vòng quay nặng nề mệt mỏi/ Nóng dần lên, nước biển/ Thức dậy những núi lửa... Hàng triệu người điên lên theo mãnh lực phần mềm Microsoft/ Những tâm hồn đang được mã hóa với nhịp điệu sống lập trình/ Ngày đêm, nơron thần kinh căng cứng cập nhật dữ liệu/ Con người không ngây thơ, không nhiều ước mơ và mất dần lãng mạn/ Màu dollar sắp nhuộm cả da trời...”. Hà Nội thời hội nhập và mở cửa còn ngổn ngang đã đi vào thơ Vi Thùy Linh qua nét vẽ bằng thơ: “Hà Nội vẫn là cái làng/ Vỉa hè phơi những cảnh đời” (Nghệ sĩ); Hà Nội mất dần đi nét đẹp xưa: “Tôi sống trong Hà Nội mà mất dần Hà Nội/ Quy hoạch lộn xộn giải tỏa chất thơ” (Hà Nội tưởng tượng). Thơ tác động vào văn hóa thời mở cửa ở những nét bình dị mà không thể không lo âu về sự phân hóa của xã hội và con người.
Tuy vậy, thơ nữ Việt Nam sau 1986 vẫn không quên chắt chiu, gom góp vẻ đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời với tinh thần hoài niệm và đối thoại nhân văn về những cổ mẫu và biểu tượng văn hóa vĩnh hằng.
Tình mẫu tử là một cổ mẫu văn hóa đặc biệt, làm nên nguyên lý Mẹ thiêng liêng và Nữ tính vĩnh hằng. Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong các nhà thơ nữ viết về mẹ nhiều nhất. Mẹ là người âm thầm nuốt dòng lệ cô đơn, ly cách vào lòng; âm thầm nuôi con và mong con khôn lớn. Những bài thơ về mẹ của Lâm Thị Mỹ Dạ như: Nghĩ về mẹ, Hái tuổi em đầy tay, Trái tim sinh nở, Hoa chắt chiu… đều da diết niềm đau và yêu kính thiêng liêng. Từ hoàn cảnh riêng tư của mẹ: “Trách xưa ai đã phụ tình/ Để cho mẹ chịu một mình khổ đau/ Thác ghềnh nước cả, sông sâu/ Chống chèo mình mẹ đương đầu bão giông/ Buồn lo mẹ dấu trong lòng/ Nuôi em trong dạ mẹ mong tháng ngày/ Nỗi mình biết ngỏ ai hay/ Bao đêm nước mắt vơi đầy mẹ ơi”. (Trái tim sinh nở). Mẹ được ví như một loài hoa mang tên khiêm nhường, nhưng vĩ đại: Hoa chắt chiu: “Con gọi hoa chắt chiu là hoa của mẹ/ Bởi tin hoa như đời mẹ, mẹ ơi” (Hoa chắt chiu). Mẹ trong thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng thế, liên quan đến những gì thẳm sâu, ân nghĩa, ngọt lành: “Mẹ chính là cốt rễ/ Cho con kết quả đơm bông” (Dâng mẹ).
Những đắng cay bao giờ mẹ cũng nuốt vào trong, dành trọn tình yêu, niềm tin cho con, hy sinh thầm lặng, nhận tất cả nỗi đau về mình. Giống như Mẹ và Quả trong cái nhìn nam giới của Nguyễn Khoa Điềm: “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Nhỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi” (Mẹ và Quả).
Trong thơ Ý Nhi, ký ức thời trẻ của mẹ lại hiện về trong ưu tư và day dứt: “Giữa bao nhiêu năm tháng ngược xuôi/ Đã có lúc lòng con đơn bạc/ Quên cả những điều tưởng không sao quên được/ Như người no quên cơn đói của mình...” (Kính gửi mẹ). Cái nhìn đầy yêu thương và văn hóa đối với mẹ bao giờ cũng xuất phát từ những sợi dây tình cảm thiêng liêng và xúc động của một thời cay cực đã qua.
Phan Thị Thanh Nhàn nghĩ về mẹ trong quan hệ máu mủ, nghĩa nặng tình sâu. Không có mẹ, mọi tồn tại trên cõi đời này sẽ thành vô nghĩa: “Đâu tấm lòng nhạy cảm/ Tình yêu và bài thơ/ Cũng chẳng hề đau khổ/ Chẳng một ngày đạn bom/ Chẳng mùa thu giông gió/ Chẳng mùa hè cao xanh”. Có con, đời có buồn vui, ân nghĩa, dẫu vất vả, gian lao: “Con làm khổ mẹ đi nào/ Thèm chua mỏi mệt xanh xao vóc gầy/ Vẫn hay chín tháng mười ngày/ Con như trái nắng mình cây chín dần” (Tình mẹ).
Không có mẹ không có vui buồn, không có khổ đau và hạnh phúc. Những biểu hiện văn hóa khi nghĩ về mẹ của Xuân Quỳnh cũng giống như Phan Thị Thanh Nhàn, nhưng mang chiều sâu nhân quả thiên bẩm. Đó là cái nhìn tác động nhân ái qua lại giữa mẹ và con, cả hai là điểm tựa của nhau: “Dẫu con đi suốt cuộc đời/ Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”. Với mẹ chồng, văn hóa ứng xử của Xuân Quỳnh càng trách nhiệm, cao đẹp: “Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Và cuối cùng, như một chân lý hiển nhiên: “Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” (Mẹ chúng mình). Cao hơn logic thông thường, Lâm Thị Mỹ Dạ nâng con lên tầm vũ trụ, một biểu hiện của cái nhìn văn hóa cao quý về tình mẫu tử: “Những lời vô nghĩa của con/ Dạy cho mẹ nghĩa yêu thương cuộc đời” (Chùm quả cho con).
Như một logic của tình cảm máu thịt, thiêng liêng, các nhà thơ nữ khi nghĩ về mẹ, họ lại không nguôi nghĩ về con - một biểu hiện của nguyên lý Mẹ và văn hóa Mẫu. Hy sinh, nuôi dưỡng và yêu thương con đến hơi thở cuối cùng là thiên tính nữ vĩnh hằng mà mọi người mẹ trên trái đất này đều giống nhau. Một cổ mẫu không bao giờ nhòa nhạt. Đầu đời khi con chào đời, đôi môi đỏ thắm, bé bỏng của con sẽ là niềm sung sướng của mẹ: “Đôi làn môi con/ Ngậm bầu vú mẹ/ Như búp hoa huệ/ Ngậm tia nắng trời” (Trắng trong - Lâm Thị Mỹ Dạ). Vì vậy mà lời ru là một trong những biểu hiện của hạnh phúc đầu tiên khi được làm mẹ, nhất là trong lửa đạn chiến tranh: “Ngủ đi con hãy ngủ đi/ À ơi cái ngủ đang về cùng con/ Từ trong lá cỏ tươi non/ Vượt lên mảnh đất vẫn còn mảnh bom/ Từ ngôi nhà mới vừa làm/ Nghe trong cái ngủ nồng nàn mùi vôi” (Lời ru trên mặt đất - Xuân Quỳnh). Cao hơn chức năng vốn có của lời ru, Xuân Quỳnh đã nâng lời ru lên tầm văn hóa, có khả năng thanh lọc, chở che: “Ngủ yên con, ngủ đẫy giấc nghe con/ Lời mẹ ru làm chiến hào che chở” (Lời ru trên mặt đất).
Rồi con lớn lên, chớm vào thời thiếu nữ, người mẹ lại phải bao vất vả lo toan cùng tuổi con khôn lớn mỗi ngày. Mẹ thấy được vui buồn ngày xưa của mẹ bây giờ lại hiện về trong trong ánh mắt thiếu nữ của con: “Tự mình phải hiểu mình thôi/ Làm thân con gái một đời/ Buồn lo lặn vào trong mắt/ Nụ cười cứ nở trên môi” (Mẹ có một thời con gái - Lâm Thị Mỹ Dạ). Xuân Quỳnh mơ một ngày mai tươi sáng cho con khi đất nước hết chiến tranh: “À ơi ngọn lửa ngày xưa/ Mẹ nuôi dưới đất bây giờ về đây/ Nhìn lên rực rỡ trên đầu/ Lửa hôm qua đã trong màu cờ bay” (Lời ru trên mặt đất).
Nghĩ về mẹ, khi mình đã là mẹ, thơ Lệ Thu càng đằm sâu, bởi điểm tựa của suy tưởng đã có thêm kinh nghiệm của khách thể hỗ trợ, có thêm sự so sánh tương đồng để nhận thức và đúc kết: “À ơi… đôi cánh non mềm/ Ngủ đi hãy ngủ bình yên/ ngoan nào/ Ngủ trong tiếng biển rì rào/ Đủ lông mai sẽ bay vào trời xanh.../ À ơi… con ngủ đi nào/ Ngủ ngon mai sẽ bay vào niềm vui!” (Lời ru chim yến).
Văn hóa biểu hiện tình mẫu tử trong thơ Đỗ Thị Tấc lại mang nét riêng của nhân dân miền núi Tây Bắc, nhưng vẫn trên mẫu số chung là thiêng liêng, cao cả: “Con có ở trên đời/ Như sợi khói chui ra từ cọng rạ/ Cay mắt mẹ đun độ mưa dầm ngày không nắng”, hay: “Lời ru bay lên/ Ngọn tre cong ngàn dấu hỏi/ Lời ru run lên/ Nghê đá đình làng nhe răng không nói/ Lời ru ra cánh đồng/ Lúa ngậm đòng hết thì con gái” (Trầu say). Dẫu số phận con chào đời như thế nào thì chín tháng mười ngày mẹ cũng đã ấp iu con từ cuống nhau sầu muộn của mẹ. Đỗ Thị Tấc đã nói lên một sự thật trớ trêu mà hạnh phúc vì được làm mẹ: “Mẹ không gặt con trên cánh đồng tình yêu/ Mẹ không gặt con trên cánh đồng hoan lạc/ Mẹ không gặt con trên cánh đồng người/ Mẹ gặt con trên cánh đồng trớ trêu số phận” (Trớ trêu).
Tình mẫu tử và những biểu hiện của cái nhìn văn hóa, bản sắc văn hóa trong thơ nữ trẻ sau 1986 có khác với thơ nữ lớp trước ở cấp độ khát khao và quyết đoán, nhưng tình mẹ con thì cũng trên hằng số chung của nhân loại. Họ thấy được ngọn nguồn của triết lý và bổn phận làm mẹ. Quyền được làm mẹ và nuôi con, yêu con là tối thượng. Điều đó đã nâng thiên tính nữ trong thơ trẻ lên một nhận thức xã hội và cảm quan văn hóa mới. Số phận những đứa con không may mắn làm cho những người mẹ trẻ khổ đau, nhiều khi đến tội lỗi và ám ảnh suốt cuộc đời họ.
Lê Thị Thấm Vân đã thổ lộ điều đó trong thơ một cách xa xót: “hòn máu lọt trong bồn cầu đêm qua/ cùng những cơn đau buốt bụng trước đó vài ngày” (Kali). Dẫu gì, lỗi đó có một phần của mẹ. Còn Lynh Bacardi thì thèm được có con và ôm ấp con một cách mãnh liệt: “thèm chui rúc trong con”, “thèm cuộn tròn trong tã lót con/ thèm tách sữa nóng chảy từ bầu vú”. Đó là một quan hệ song trùng để cả mẹ và con đều bay bổng trong cảm giác thiên thần, thánh thiện.
Vi Thùy Linh cũng mơ ước mình có những đứa con ra đời và khi lớn lên trở thành thiếu nữ: “Em tin ở ngày mai của đôi ta/ Khi đôi mắt Anh nhìn thấy trong mắt em những đứa bé chờ được sinh ra, và hoan hỉ gọi” (Đôi mắt Anh), “Các con trai vây quanh, thúc giục/ Nhanh lên nào, bố mẹ cưới nhau đi!” (Chờ tháng Tư). Đơn giản mà vĩ đại biết bao: “Con/ Ước mơ vĩ đại, dẫu cho ngày tuyệt diệt” (Đôi cánh của mẹ), “Em bẩm sinh năng lượng làm Mẹ/ một tín ngưỡng vượt lên mọi thống trị” (Nơi tận cùng sự ngưng đọng); “Qua bao nổi nênh/ Mẹ càng hiểu, con rất cần cho mẹ” (Những mặt trời đang phôi thai). Khát vọng được làm mẹ trong Vi Thùy Linh vượt thời gian để đón chờ phía trước. Đó là khát vọng đón đầu thời gian để biết mình cần phải yêu, phải sống đời sống vợ chồng cháy bỏng mới sinh hạ những đứa con. Một biểu hiện văn hóa làm mẹ mãnh liệt và cao quý làm sao! Trong tập thơ Phim đôi - Tình tự chậm, nỗi khát khao ấy đã thành minh triết sống và thiên chức của người phụ nữ: “Con chạy trước dẫn đường cha mẹ tới/ Tiếng con reo trong hơi thở mỗi ngày” (Hôn Việt Trì). Cũng như Vi Thùy Linh, ước mơ làm mẹ trong thơ của Phan Huyền Thư là cháy bỏng: “Rút khỏi đầu tấm voan ảm đạm/ vắt nỗi buồn mẹ lên cành trăng non/ Lập Duy/ vỗ cánh/ Gót chân hồng lanh canh/ tiếng cười bi ve ôm mặt trời nhồi bông/ mơ mẹ”. Một tâm thế khác, dáng vóc khác của mẹ khi con hiện hữu trong niềm tin của mẹ: “Ngày mai/ điềm tĩnh lại! mẹ sẽ tập đi bằng ánh sáng Lập Duy/ trong bóng tối câm lặng của lời” (Lập Duy).
Nhìn từ các quan hệ tương tác, thơ nữ Việt Nam thời hiện đại đã thực sự nói lên tiếng nói nữ giới thành thật, nhân văn, biểu hiện thành cảm thức văn hóa vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Sự tác động của văn hóa đến thơ nữ và thơ nữ đến văn hóa cũng đa dạng, làm thành sự phong phú, chúng chuyển hóa trong nhau để hình thành những sắc thái văn hóa nhân văn mới cho thời hiện đại.
Bản năng tính dục và đời sống tâm linh là những biểu hiện cụ thể của văn hóa. Hạnh phúc và khổ đau, lãng mạn và hiện thực, thiêng liêng và phàm tục, tinh thần và thể xác… là những đối lập luôn diễn ra trong tình yêu. Lần đầu tiên, trong Thơ mới Việt Nam 1932 - 1945, con người cá nhân cá thể xuất hiện do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây với những điều kiện cần và đủ của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Ở đây, nhu cầu được đối thoại với những quan niệm về tình yêu, tính dục và tâm linh, có cả đối thoại với tiền nhân trong văn chương và lịch sử. Đoàn Thị Lam Luyến có nhu cầu đối thoại với Hồ Xuân Hương, Xúy Vân, Thúy Kiều, Thị Mầu, những người phụ nữ có cá tính và nhân ái, nhưng phải nhận lấy bi kịch trong xã hội bất nhân và vô lý: “Em cứ vu oan Thị Kính/ Em cứ lẳng lơ Thị Mầu” (Hát theo Thị Mầu). Cái lẳng lơ rất dân chủ và rất thật với chính mình. Tác giả đồng cảm và chiêu tuyết cho họ, vì họ là nạn nhân của xã hội, rất đáng được ca ngợi, chứ không đáng phải chê trách. Đó là nhu cầu đối thoại và được đối thoại. Với Thúy Kiều, cũng thế: “Như Eva khát một lần trái cấm/ Trái cấm rơi - phúc, họa cũng theo về!” (Gọi Thúy Kiều). Đó là bản năng đích thực của tình yêu, ai vượt qua được tiếng gọi khát khao của trái cấm!?
Đề tài, chủ đề thơ thời bình không còn ưu tiên bó hẹp trong những nhiệm vụ trọng tâm của thời chiến nữa mà mở ra theo nhiều hướng, nhiều chiều. Lấy con người làm chủ thể ý thức trung tâm, thơ nữ sau 1975 đã phát huy tối đa khuynh hướng dân chủ hóa trong đời sống xã hội và văn hóa để nhận diện con người đời tư và thế sự trong tính tương tác và sinh thành. Thơ nữ giai giai đoạn hiện đại nổi lên với hiện tượng các nhà thơ thể hiện tiếng nói yêu đương và những biểu hiện của dục tính gấp gáp, có phần bạo liệt hơn các giai đoạn trước.
Trong giai đoạn hậu chiến, các nhà thơ nữ ưu tiên tâm tình và triết luận nhiều về đời sống tâm linh và những quan hệ đa dạng của hiện thực đời sống văn hóa, như cách để cân bằng và thanh lọc tâm hồn trong cuộc sống vốn rất nhiều đa đoan và hệ lụy. Về mặt kết tinh giá trị, đó chính là một biểu hiện của cảm thức văn hóa. Trong bầu không khí dân chủ và văn hóa thời bình, thơ nữ nhanh chóng hòa nhập và tạo ra những góc nhìn đa dạng, phản ánh văn hóa hậu chiến với diễn ngôn mới mang tính đạo đức và nhân văn mới.
H.T.N
(TCSH366/08-2019)