YẾN THANH
“Hoa dại như là niềm ân nghĩa. Nhìn hoa nghiệm ra sự hiện hữu của những gì tưởng đã tan loãng hư vô”
[Nhụy Nguyên]
Tôi đọc và dõi theo văn chương Nhụy Nguyên cũng ngót ngét gần mười năm qua. Thế nhưng viết một gì đó về/cho anh thật khó. Cứ có cảm giác ngôn từ của anh thuộc về một cảnh giới khác, một cõi khác giữa cuộc đời trần tục này, cuộc đời mà tôi vẫn hằng ngày nghiệm trải. Nhụy Nguyên kiệm lời và cũng kiệm viết, có bản thảo tiểu thuyết anh đã đưa tôi xem vài năm qua, rồi lại mang về, hứa sẽ xuất bản, rồi lại lỡ hẹn bao lần để chỉnh sửa, thế rồi cũng bỏ quên luôn bởi thấy chưa ưng ý hoặc vì một lí do nào đó chỉ riêng mình anh biết. Tôi cứ tiếc mãi, vì có nhiều bản thảo theo tôi, nếu mạnh dạn in sớm vào thời điểm được viết, nhất định sẽ để lại một vài dư chấn trên văn đàn. Tính cẩn trọng của anh có lẽ vừa liên quan đến khí chất, lại vừa liên quan đến tư tưởng Phật giáo. Nhụy Nguyên gần như là một cư sĩ, người mong mỏi được sống thiện lành giữa chúng ta. Với anh, ngôn từ vốn bất lực, thứ văn chương đích thực luôn vô ngôn và kiệm lời, đúng với tinh thần của những thiền sư. Anh cho rằng ngôn ngữ vốn vi diệu và do vậy nó có chức năng gây ảo giác và ảo tưởng cho người muốn sắp đặt chúng. Thơ Haiku của những thiền sư Nhật Bản như Basho chẳng phải cũng đã tối giản hóa chỉ còn 17 âm tiết hay sao? Thơ Nhụy Nguyên không viết theo thể hài cú (haiku), nhưng anh cũng ngày càng kiệm lời, đến mức một bài đôi khi chỉ còn hai câu lục bát không dài hơn haiku là bao. Trong tập thơ Khi người ta cúi mặt [Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011], tác phẩm gần nhất anh chính thức xuất bản, lắm bài thơ chỉ là 14 âm tiết: “Một ngày xác chữ lên ngôi - Huyệt thơ rỗng suốt cuộc đời thi nhân” (Huyệt thơ); Hay như bài Ánh tà gần đây: “Liếc dao lên trăng/ Âm mưu giết cái đẹp”. Trong những nghiên cứu trước, tôi từng xem thơ Nhụy Nguyên là thứ thơ theo hướng chủ nghĩa cực hạn (Minimal- ism). Thơ ca của anh vừa mới lại vừa cũ, tạo ra một thứ tân cổ điển mới dưới tinh thần của mỹ học chiết trung hậu hiện đại.
Trong làng văn ở Cố đô Huế hiện nay, trong thế hệ cầm bút mới từ 8x trở đi, Nhụy Nguyên là người rất đáng đọc. Văn chương của anh trầm tích văn hóa và tư tưởng, tạo ra một thứ nội lực riêng, bản sắc chữ nghĩa vượt ra/lên được những mốt tân kì thời thượng đương thời, nhưng cũng không bảo thủ, cũ kĩ nhàm chán. Văn xuôi trẻ ở Huế, nếu chọn ra một vài gương mặt thực sự có sức nặng về mặt tư tưởng, Nhụy Nguyên cần ưu tiên trước hết, bên cạnh một vài đồng nghiệp ưu tú khác đáng để bạn đọc kì vọng. Họ xứng đáng vượt lên khỏi giới hạn của tính địa phương, để vươn tầm ra văn đàn cả nước. Điểm đáng tiếc của họ, đó là người thì quá hàn lâm, người thì lại quá viết cho theo kịp thị trường. Riêng Nhụy Nguyên, giới hạn của anh là viết quá cẩn trọng, đôi khi lạc bước giữa thời thế. Bởi trên văn đàn hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh chóng của nghệ thuật, chậm chạp là một giới hạn, từ một câu chuyện rất mới đã trở thành cũ kĩ trong thời gian ngắn. Song Nhụy Nguyên luôn ước muốn đưa tác phẩm ra khỏi những ràng buộc của thời thế. Vậy nên anh có những bản thảo tiểu thuyết và truyện ngắn viết hơn chục năm rồi mà đến nay vẫn chỉ là bản thảo.
Bẵng một thời gian lâu, tôi thấy anh đóng cửa phòng văn, không thấy viết lách gì nữa, tưởng chừng như anh đã gác bút thực sự, thì bỗng nhiên năm cuối năm 2018 - đầu năm 2019 anh cho xuất bản 1 tập truyện ngắn, 1 tập tùy bút, 1 tập cảm luận, và 4 tập tiểu luận thiên về khoa học và đạo Phật. Trong các tác phẩm đó, tôi đặc biệt chú ý đến tập truyện ngắn của anh với tựa đề Trôi trên dòng thời gian trắng xóa [Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018] (những trích dẫn trong tiểu luận này, nếu không có chú thích gì thêm, thì đều từ nguồn này). Tập truyện ngắn gồm 14 truyện ngắn, với dung lượng khá khiêm tốn, nhưng thực sự là một thử thách đối với bạn đọc. Trôi trên dòng thời gian trắng xóa như một công án thiền, cần đọc thông qua tâm nhãn, hơn là sự thụ cảm thông thường bằng lí trí và xúc cảm. Văn chương của Nhụy Nguyên là thứ văn chương khó đọc, nhiều chỗ trở nên đánh đố bạn đọc bởi nhiều phạm trù triết mỹ thâm sâu, đòi hỏi bạn đọc phải có một tầm đón đợi nhất định mới có thể thông hiểu. Bản thân tôi cũng phải đọc đi đọc lại ba lần tập truyện này, mới dám ngồi xuống và viết gì đó. Thậm chí, nhiều chỗ, nhiều tình tiết, nhiều truyện đọc mãi mà vẫn như đứng ngoài khung cửa của sự thông hiểu, không thể dám lạm bàn nhiều. Điều tôi cứ mãi băn khoăn, đâu là “con mắt văn chương” của Nhụy Nguyên, đâu là “phiến đá cửa vào” để chúng ta có thể khám phá thế giới chữ nghĩa của anh? Bản sắc ngôn ngữ và tư tưởng của Nhụy Nguyên thể hiện ở đâu?
Nhụy Nguyên là một thanh âm khác lạ trên văn đàn hiện nay, bởi văn chương của anh gần như trôi giữa hai chiều kích thời gian, tính cổ điển, thâm trầm của triết học Phật giáo, hòa lẫn với tính hậu hiện đại tân kỳ của triết học giải cấu trúc. Phàm ở đời, thật cổ điển hay thật tân kỳ đã là thành công, nhưng văn chương Nhụy Nguyên một lúc đã đạt được cả hai giá trị đó. Anh là điểm nối giữa những gì ngày mai với những gì của ngày hôm qua, giữa bề sâu và bề nổi, giữa tính dân tộc với tính hiện đại trong văn chương.
1. Quá khứ chưa xong xuôi hoàn tất trong truyện ngắn Nhụy Nguyên
Tập truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa, như đã trình bày là một tập truyện ngắn có tính chất tư tưởng. Tác giả viết như một sự chứng nghiệm những mệnh đề triết học về nhân sinh và vũ trụ, dưới tinh thần Phật giáo. Đạo Phật đưa lại cái nhìn đúng về vũ trụ nhân sinh, như khoa học lượng tử minh tường và thừa nhận. Văn chương Nhụy Nguyên là thứ văn chương tự ăn mình, tự chiêm nghiệm, như con tằm ăn lá dâu nhả ra tơ, rồi cũng vì sợi tơ của mình mà chấp nhận chết đi. Truyện ngắn của Nhụy Nguyên cũng như thơ, luôn là nỗi đau bản thể, sự chiêm nghiệm cõi người và kiếm tìm con đường giải thoát để đạt hạnh phúc đích thực. Anh chưa bao giờ viết để giải trí, viết một cách dễ dàng để mua vui hay chiều lòng độc giả. Anh viết trước hết là cho chính mình.
Chiều kích quá khứ truyền thống trong tập truyện hiện lên rõ ràng, thông qua hệ thống tư tưởng, triết lý mà Nhụy Nguyên lĩnh hội. Mọi truyện viết về một mảng hiện thực khác nhau, cốt truyện, bút pháp cũng khác, nhưng tất cả như những bông hoa có cùng chung gốc, cái gốc ấy là học thuyết tâm linh huyền nhiệm. Hơn chục năm qua, tôi thấy anh ngày càng kiên trì với con đường đã chọn. Ăn chay trường, thiền tỉnh giác khá miên mật, ngay cả một con kiến bu vào ly cà phê anh cũng không cho tôi giết đi, Nhụy Nguyên như là một cư sĩ lựa chọn sống cuộc đời khác lạ. Nền tảng triết mỹ ấy là cách sống của anh, chứ không đơn thuần chỉ là một lối viết. Đúng với đoạn đề từ trên bìa 4 của tập truyện: “Tư tưởng Phật pháp được Nhụy Nguyên vận dụng uyển chuyển, huyền ảo trong mỗi truyện ngắn, xuyên vào nội giới, lóe vệt sáng phản chiếu bể trầm luân mà ở đó hạnh phúc đích thực không hiện diện trên gương mặt đam mê bản thể và những cái bóng lội qua sự sáng suốt tịch lặng của gương tâm”.
Có thể nói, đặc trưng nghệ thuật mang tính truyền thống cổ điển nhất trong truyện ngắn Nhụy Nguyên đó phải là những tư tưởng căn cốt về triết lý nhân sinh trong mối tương quan với vũ trụ. Nhiều truyện có yếu tố như một dạng công án thiền, là sự cắt nghĩa, diễn giải chân tướng về vũ trụ nhân sinh dưới hệ thống hình tượng khác nhau. Nếu như truyện Phật ở ngoài khơi xa kêu gọi một sự tự tỉnh thức, thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng vô minh đầy những ẩn dụ triết học: “phải biết làm bạn với chính mình. Một mình làm bạn với chính mình mà không có điều kiện gì cả có nghĩa bạn thực sự hài lòng với chính mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào” [tr.27]; thì truyện Vung tay chạm đến vô cùng là câu chuyện tự nhiên theo tiến trình [nguyên] nhân - [kết] quả. Nhân vật Nõ đào được đầu tượng Hộ pháp bằng vàng, nhưng lại đem bán một phần nhỏ xíu trên chóp đỉnh của bức tượng trong khi đang cầu con, “tình cờ” anh bị tai nạn vào đầu. Nhưng mạch truyện diễn tiến hồ như câu chuyện chân thật và xúc cảm được kể ở đâu đó quanh ta. Truyện Không thể nói ra khá huyền ảo, khi người kể chuyện là một con chó, nhưng nó là ẩn dụ cho sự luân hồi từ kiếp người thành kiếp vật. Câu chuyện giữa những con chó nâng niu sự sống đến hơi thở chót khiến độc giả lạc vào không gian người từ lúc nào không hay.
Cả tập truyện phảng phất không khí của quá khứ cổ điển, khi nhiều tích xưa, truyện cũ được nhà văn một lần nữa viết lại. Truyện ngắn Apsara và dòng kinh sám hối đưa bạn đọc quay về với đất nước Chămpa, khi cô công chúa người Việt như là nguyên nhân của cuộc chiến giữa hai nước. Nhụy Nguyên đã khéo léo khai quật cả một không gian sử thi huyền thoại, đầy rẫy những biểu tượng văn hóa Chăm trong quá khứ: “Người ta khoác lên thân nàng tấm lụa trắng muốt. Bây giờ chỉ còn ba hầu nữ. Nàng theo đến tòa tháp lớn hình linga. Đỉnh hổng. Nhìn lên thấy khoảng trời tròn điểm vài ngôi sao mọc vội. Phía trong độc nhất bệ thờ sát tường. Trên bệ là linga-kosa bằng vàng ròng, chóe lên. Một cái đầu thần Siva lồi ra ở đoạn trên của linga…” [tr.199]. Nhụy Nguyên là một người từng học lịch sử, anh có niềm đam mê với những di chỉ khảo cổ học và văn hóa Chăm để viết nên bản thảo tiểu thuyết về nàng Tiên Thiên vũ nữ. Do vậy, trong truyện anh đã dựng lên được một quá khứ kiến trúc vàng son của vương quốc Chămpa. Sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo Chăm đã giúp nhà văn tái tạo nên một thế giới nghệ thuật quá khứ đầy sống động, cụ thể.
Truyện ngắn 7 bước thiền lại đưa chúng ta đi xa hơn, quay về với quá khứ xa xôi hơn, khi Đức Từ Bi đắc đạo và hoằng truyền giáo lý tối thượng. Câu chuyện viết về thời đại mà những tiểu vương ở Ấn Độ vẫn còn cát cứ, thực chất họ vẫn sống trong những xã hội chiếm hữu nô lệ đầy man dã. Vị vua Pasenadi đi tuyển mà thực chất là lùng bắt khắp nơi gái đẹp về làm cung nữ. Govinda là tên tay sai sẵn sàng bắt bớ mọi người con gái đẹp đem về cho vua. Bút pháp của Nhụy Nguyên làm sống dậy một không gian xa xôi, tưởng chừng như đã chìm trong lãng quên, không gian Ấn Độ cổ đại đầy huyền hoặc mà đấng Giác ngộ đã từng sống. “Vạn vật có sinh có diệt. Hạnh ái mẫn của Ngài thấm vào những cánh sala chuyển kiếp sau một đêm tiết hương cho sự an tịnh của khu rừng. Đêm xuống, hương sala dịu nhẹ, ngọt, len vào giấc thiền. Những sa môn ngồi quán hơi thở vô tình nương hoa sala chìm vào an lạc” [tr.92]. Câu chuyện viết về mối tình giữa nàng Malyahassa với chàng Asidana. Chàng giác ngộ theo Đức Từ Bi, bỏ lại nàng Malyahassa dấu yêu. Người vợ thì chịu khổ nạn ở kiếp này bởi thói dâm dục của vị vua Pasenadi, tuy nhiên theo đó, qua pháp nhãn nhìn thấy tương lai của đấng Giác ngộ, nàng đã tẩy chướng nghiệp và có thể đổi lấy một duyên lành ở kiếp sau. Những địa danh, tên riêng, chức phẩm của xã hội Ấn Độ cổ đại đã được Nhụy Nguyên làm sống lại trong truyện. Bạn đọc như lạc vào một thời đại mà đấng Giác ngộ còn là người rất trẻ. Và hơn hết là khung cảnh của một giai đoạn pháp nạn oan khiên bởi sự ganh ghét độ kị từ những giáo thuyết khác lợi dụng vương quyền.
Mỗi truyện ngắn của Nhụy Nguyên, dẫu không cần quay về với quá khứ xa xưa như hai ví dụ trên, cũng mang chiều kích hướng về quá khứ. Những câu chuyện có thể diễn ra ngày hôm nay, của thời hiện đại này, nhưng chúng ta luôn thấy quá khứ đổ bóng lên nó. Kiếp này luôn phản chiếu kiếp kia, nhiều kiếp xa xưa kia, hướng theo luật nhân - quả và thuyết luân hồi của nhà Phật mà nay trở thành đối tượng nghiên cứu đầy hấp lực của vật lý lượng tử và khoa học hiện đại; và ngay cả triết học, đỉnh cao của nó vẫn phải là triết học về tâm thức. Đúng như trong truyện Buông có những lời này: “Một vị sự từng dạy, lúc tâm tĩnh vắng sẽ sực nhớ ra điều xa xưa kể cả trong tiền kiếp” [tr.81]. Trong truyện Trôi qua miền sáng, những nhân vật chính là hai mẹ con đều đã chết (đứa con chết trước, nó không biết và cứ trò chuyện với người mẹ, trong lúc người mẹ thì đang biểu hiện với con chó; con chó cũng chết và làm bạn với đứa bé. Người mẹ thì chết sau hơn con mình, khi vụ hỏa hoạn do người đàn ông hút thuốc phiện gây cháy). Ở gần cuối truyện, bạn đọc mới biết được sự thật kinh dị này. Hóa ra tất cả những gì người kể chuyện xưng “tôi” kể (người con), là quá khứ diễn ra khi hai mẹ con còn sống, chưa bị tên đàn ông giết hại. Tóm lại, mọi truyện ngắn của Nhụy Nguyên luôn đổ bóng và trì níu vào quá khứ, để giải thích và chiêm nghiệm cho thực tại hôm nay.
Hệ thống hình tượng trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên cũng mang tính cổ điển rõ nét. Trong nhiều truyện, anh miêu tả về thói quen thưởng trà đầy truyền thống trong sự đối sánh với thiền học, nhiều câu được viết nên bởi sự tinh tế, tài hoa: “Tôi cũng không ngạc nhiên trước thái độ của sư: không hỏi tôi con ai trong làng, không cần biết tên tôi và tại sao tôi có thú thưởng trà? Vị thiền phải chăng như ấm trà đặc, vài ngụm đầu đắng, uống thêm ngọt dần và hạnh phúc lan tỏa [tr.86]. Trong nhiều truyện khác là sự xuất hiện của cây hoa mai, như một niềm gợi nhắc đến bài thơ Cáo tật thị chúng nổi tiếng của Mãn Giác thiền sư. Không gian truyện ngắn của Nhụy Nguyên nở vàng sắc mai cổ điển. “Những gốc mai phía sau nhà, không phải ở vườn trước. Một hôm tôi lạc vào khu vườn của sư. Ngày cuối đông mai chưa hé nụ, tôi ngỡ ngàng run rẩy trước vẻ kiêu hãnh của những cây mai mới nhú lộc xanh tươi mơn mởn” (Buông) [tr.80]. Đó là những cây mai vàng cuối đông mọc ở chùa làng. Những cây mai còn gắn liền với mảnh vườn quê hương và bóng hình của mẹ. “Cây mai cao vút tận nóc nhà, tôi phải bắc thang trẩy lá. Mạ đứng dưới ngó lên, nói anh chị tính bán, mạ không cho… Tôi bùi ngùi. Cây mai quá thân thương. Tết nào cũng ra như thăm ân nhân. Bây giờ chợt nghĩ khác, phải chăng tôi quý nó bởi còn mạ” (Mưa hoa bên sườn đồi) [tr.145].
Truyện ngắn Nhụy Nguyên bắt rễ vững chắc vào quá khứ. Thế mạnh và cũng là điểm làm nên sự khác biệt trong bút pháp văn xuôi, trước tiên đó là khả năng tái hiện không gian văn hóa quá khứ, với những mệnh đề ý niệm về cõi nhân sinh. Tuy nhiên, đó là thứ quá khứ không xong xuôi hoàn tất. Có nhiều truyện anh viết lại những sự kiện lịch sử cũ, với những nhân vật lịch sử có thật như Phật Thích Ca, công chúa Huyền Trân, vẫn những không gian và hệ thống hình tượng cổ điển, ngôn ngữ và địa danh, tên riêng cũng đầy truyền thống, nhưng sự vật/việc đã được tái diễn giải theo một tinh thần mới - tinh thần hậu hiện đại.
2. Nghệ thuật (hậu) hiện đại trong truyện ngắn Nhụy Nguyên
Điểm làm bạn đọc bất ngờ khi tiếp xúc với truyện ngắn Nhụy Nguyên, đó là sự tân kỳ, hơi thở đương đại trong hình thức thi pháp của tác phẩm. Đây rõ ràng là nét cách tân nghệ thuật của tác giả, nhưng nó cũng liên tục đặt ra những giới hạn và thách thức cho sự diễn giải từ phía người đọc. Bạn đọc phổ thông, và nhất là những Phật tử mong muốn khi đọc truyện phải thấy ngay bài học giáo huấn, cốt truyện trong sáng, mạch lạc rõ ràng phải nhận lấy sự thất vọng khi tiếp nhận. Nhụy Nguyên có một khoảng cách lớn với văn chương thuyết giáo, văn chương minh họa và văn chương thị trường. Đó có thể cũng là lí do mà nhiều năm qua, mặc dù anh được giới lí luận phê bình chuyên nghiệp đánh giá cao, nhưng vẫn không bật lên được trên văn đàn như một tác giả bestseller, hay thậm chí là một người được bạn đọc quen mặt, chờ đón.
Truyện ngắn Nhụy Nguyên trong Trôi trên dòng thời gian trắng xóa thực sự khó đọc, bởi anh đã dụng nhiều cách tân trong nghệ thuật tự sự, hướng theo mô hình đa thanh, đối thoại và giải cấu trúc hậu hiện đại. Bạn đọc dẫu cẩn thận đọc kĩ, đọc chậm vẫn dễ dàng bị lạc lối giữa mê cung của trần thuật. Trong rất nhiều truyện, anh sử dụng kĩ thuật tự sự nhiều người kể, trong đó liên tục đảo vai trần thuật giữa ngôi thứ nhất (“tôi” kể) với ngôi thứ ba (người trần thuật toàn tri và bị giới hạn). Những ngôi kể xen lẫn nhau này có trường nhìn, quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau, khiến bạn đọc trở nên bối rối trong tiếp nhận.
Đơn cử truyện ngắn đầu tiên của tập truyện là Mầm nhói, đây thực sự là một truyện ngắn mê lộ trong trần thuật. Giá trị nhân văn của truyện thể hiện ở lỗi lầm của nạn phá thai, về “những đứa trẻ không thấy mặt trời. Những đứa trẻ được tắm lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng như sự gội rửa nỗi oan bằng nước thánh” thông qua đồi An Hài, ngọn đồi/nghĩa trang thai nhi do Giáo xứ thuộc xã Hương Hồ lập từ 1992, nơi chôn cất hơn 40 ngàn phôi thai, phần lớn là hậu quả của nạn phá thai. Nhụy Nguyên từng chia sẻ, bản thân anh - khi còn mịt mù vô định trong nghiệp thức tục trần, đã từng “phủi đi giọt sương long lanh trên thành vực sâu đời người”… Giữa các khổ là sự chung vai tiếp sức giữa hai ngôi kể thứ nhất và thứ ba, tức là giữa “tôi” kể và một người kể toàn tri trần thuật về “hắn”. Nhưng sự phức tạp còn nằm ở chỗ, có nhiều “hắn” và có nhiều “tôi” cùng song hành cùng kể, dưới những điểm nhìn khác nhau, không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng phát hiện hắn là hắn nào và tôi là tôi nào. Chỉ tính riêng truyện này, có thể lập ra một bảng như sau để bạn đọc dễ hình dung sự phức tạp trong nghệ thuật trần thuật mê lộ của Nhụy Nguyên.
Như vậy, tác giả đã cố tình tạo ra một mê lộ trần thuật vô cùng phức tạp, với sự chồng lớp và xen vai ngôi kể, điểm nhìn và nhân vật trần thuật khác nhau. Sự phức tạp thách thức bạn đọc luôn diễn ra thường trực mỗi lần đọc qua đoạn. Bạn đọc luôn phải băn khoăn xem đây là ai, tôi hay hắn chính là ai, câu chuyện được kể có đáng tin cậy hay không, có mâu thuẫn với những lời kể của những người kể khác hay không. Tác giả không hề giới thuyết hay cho bạn đọc những tín hiệu rõ ràng nào về người kể chuyện như lời dẫn hay tên riêng cho những nhân vật. Thời điểm sự việc diễn ra, không gian sự kiện diễn ra cũng khá mơ hồ, không được người kể chuyện trình bày cụ thể. Sự chồng lớp về không - thời gian nghệ thuật rõ ràng là một dụng ý của tác giả, như cách mà những nhà văn hiện thực huyền ảo/hậu hiện đại bậc thầy như G.G.Márquez từng phát minh ra trong những kiệt tác cuối thế kỉ XX. Người kể chuyện/tác giả cố tình làm chúng ta bị lạc lối giữa văn bản, bởi cuộc đời giờ là một mê cung của sự phi lý. Đây chính là nghệ thuật tự sự của văn chương hậu hiện đại, nhằm phá bỏ đi tính mạch lạc, logic của thực tại. “Ta” hay “tôi”, “hắn” vừa là chính mình, nhưng lại luôn là kẻ khác, kẻ ở ngoài ta. Triết học Phật giáo và triết học giải cấu trúc gặp gỡ chính ở tinh thần ấy. Thế giới vô ngã của Phật giáo cũng chính là thế giới giải trung tâm hay đa trung tâm của hậu hiện đại.
Trong những truyện khác, Nhụy Nguyên công nhiên sử dụng thủ pháp siêu hư cấu (metafiction) của văn chương hậu hiện đại, để nói về những hư cấu của mình (hư cấu về những hư cấu), cũng như sự tự ý thức của nhân vật. Trong truyện Phật ở ngoài xa, hai người kể chuyện ở hai khổ công nhiên trình bày với bạn đọc: “Tự thấy không xứng đáng xưng “tôi” nữa, tôi xin gọi mình bằng “hắn” [tr.35]. Đây phải chăng cũng là hành trình vô ngã, chuyển hóa cái tôi, để đặt một cái nhìn phản tư từ bên ngoài? Hay là khi con người nhận ra lầm lỗi, nhất là những phát sinh từ trong ý niệm nội tâm, đó là bắt đầu của cuộc tự chuyển hóa/ tịnh hóa bản thể giữa mênh mông vũ trụ.
Nhiều truyện khác, Nhụy Nguyên đưa vào các yếu tố huyền ảo, nhằm khúc xạ hiện thực dưới một góc nhìn khác như các truyện Mầm nhói (linh hồn của thai nhi), Bóng thuyền ảnh hiện (con người không giấu nổi cái đuôi bởi chưa/không thể tiến hóa, hay là một sự phi lý của tiến hóa), Không thể nói ra (người kể chuyện là con chó)… Nhưng truyện có yếu tố huyền ảo kinh dị nhất, đúng với tinh thần hậu hiện đại nhất là Trôi qua miền sáng. Câu chuyện kể về cuộc đời bi đát của hai mẹ con, trong đó người mẹ bị rơi vào hoàn cảnh “người - vợ - gái - điếm” nhẫn nhục vì con nhưng cũng không giữ được mạng sống cho con mình. Câu chuyện kể về người đàn ông tàn bạo dùng vũ lực với hai mẹ con. Nhưng chỉ đến cuối truyện, bạn đọc mới biết được thực ra cả hai mẹ con đều đã chết. Họ (và cả con chó) đều là những nạn nhân bị tên đàn ông giết chết. Người kể chuyện xuyên suốt từ đầu tác phẩm thực ra là những hồn ma. Người kể chuyện hồn ma như thế là người kể chuyện không đáng tin cậy, vì họ là những thực thể siêu nhiên. Tuy vậy, đây hoàn toàn không phải là tác phẩm doạ ma độc giả, mà là một truyện ngắn có tư tưởng nữ quyền, đứng về phía bên lề, phe yếu thế như phụ nữ, trẻ em, gái điếm… Truyện Không thể nói ra cũng là một cách đứng về phía ngoại biên (loài chó), nhằm chống lại đại tự sự con người. Dưới ánh mắt của loài chó, dẫu chúng không hề có ý trách móc, song người thân và hàng xóm của chúng hiện lên đầy phi lý và lạnh lùng.
Tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tính liên văn bản (intertextuality) trong truyện ngắn Nhụy Nguyên. Trong nhiều truyện ngắn khác nhau, anh cố tình sử dụng những kiểu loại văn bản không tương hợp, rời rạc, mỗi văn bản kể về một chuyện khác nhau, phong cách và ngôi kể, điểm nhìn cũng khác. Nhưng đặc trưng liên văn bản đáng chú ý đó là sự kết hợp văn bản hội họa vào trong văn bản truyện ngắn. Kiểu liên văn bản này vừa tân kỳ lại vừa rất cổ điển, khiến ta hoài nhớ đến kiểu tranh phương Đông thi trung hữu họa, họa trung hữu thi. Trọn vẹn cả 14 truyện đều kết thúc bởi một bức tranh theo nhiều phong cách hội họa khác nhau. Có bức gắn với tinh thần thiền học, có bức dưới tinh thần minh họa, siêu thực, hay ấn tượng. Những bức tranh này gợi nhắc đến nhiều vấn đề nội dung và tư tưởng của truyện. Những văn bản tranh là sự bổ nghĩa, vẫy gọi trí tưởng tượng của người đọc.
Bút pháp hậu hiện đại của Nhụy Nguyên còn thể hiện ở lối viết tự động, mang tính thủ pháp tâm thần phân liệt của hậu hiện đại. Trong truyện Máu đang lọc bởi sự lặng yên, Nhụy Nguyên viết về những sự kiện, kiếp người diễn ra trong bệnh viện. Đây là một truyện được viết trên tinh thần của triết học giải cấu trúc khi ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã chia thành các phần khác nhau, nhưng sau phần mở đầu thì đã đến ngay phần kết thúc, rồi mới quay lại phần vào truyện (tất cả những phần này đều được ghi chú cụ thể trên văn bản). Do là một truyện được viết trong bệnh viện, nên các sự kiện giăng mắc, trộn lẫn vào nhau không hề theo một trật tự hay logic nào. Kiểu cảm nhận thế giới này rất đặc trưng của người bệnh nhân thần kinh phân liệt, hay là một người bị mê sảng trong cơn đau tột cùng của thể xác. Nhà văn viết như một hành vi đớn đau. Bạn đọc khi tiếp nhận chỉ có thể cảm nhận được các thông tin đang diễn ra, chứ khó thể xâu chuỗi lại bất kỳ một cốt truyện mạch lạc nào. Các chi tiết, sự kiện của đời sống, của Phật pháp hòa chen vào những hành vi khám chữa bệnh trong bệnh viện. Cả truyện hoàn toàn không có lời của người kể chuyện, cũng không rõ ai là nhân vật đang nói, không có xuống dòng hay chỉ dẫn trong phần thân truyện: “Làm gì có chuyện y tá chăm bệnh nhân ở mức bất bình thường như vậy. Đợi ông già khỏe hơn thì mở mồm đi kẻo đứa khác hốt mất đó. Hà. Hôm nay Sở về kiểm tra có y tá tới hỗ trợ lau chùi khỏe thật… Bạch Thầy. Bác sĩ cũng suy tim à? Mô Phật. Hỏi thế gian ai không già bệnh chết. Ông đang khám thai tự dưng khuỵu. Người nhà bệnh nhân K. Người nhà bệnh nhân K. Nhắc lại. Không có. Vợ vừa đi vệ sinh…” [tr.136-137]. Cả một câu chuyện là những câu nói, sự kiện rời rạc, đẳng lập được lắp ghép bất tương hợp vào nhau như thế.
Tính đương đại của truyện ngắn Nhụy Nguyên không chỉ được thể hiện trên phương diện thi pháp hình thức, mà còn được thể hiện trong những nội dung quan thiết ngày hôm nay. Trôi trên dòng thời gian trắng xóa có nhiều chuyện đề cập đến biển đảo trước những dã tâm, âm mưu nhòm ngó của đế quốc phương Bắc. Truyện ngắn Dấu son trên hải đảo kể về việc cứu/bắt được hai thuyền viên “lạ”, vốn là những thành viên các đội tàu lấn chiếm trên biển Đông. Họ mang danh ngư dân nhưng kì thực là dân quân hoặc là quân đội chính quy.
- “Trung đoàn đánh cá của anh có nhiều thuyền gặp bão không?
Tôi bộ khờ khạo thêm chữ “trung” trước chữ “đoàn”…
- Họ trở về hết rồi. Tàu của chúng tôi va phải đá ngầm.
- Anh hẳn là một trí thức, thừa biết trên bản đồ nước anh khởi nguồn đã không hề có hòn đảo này” [tr.122].
Hoặc: “Dĩ nhiên là không phải loại ngư dân trang bị đánh bắt hải sản bằng thứ vũ khí hiện đại giấu dưới khoang thuyền” (Con mắt nhìn vào) [tr.213].
Tinh thần dân tộc hướng về phía biển đảo thể hiện thái độ công dân của nhà văn. Mặc dù hướng nội, nặng về quá khứ, chủ trương từ bi cửa Phật, nhưng truyện ngắn Nhụy Nguyên không đứng ngoài thời cuộc, không thờ ơ “mũ ni che tai” trước những vấn đề lớn lao mà thời đại đang đặt ra đối với vận mệnh tổ quốc. Tinh thần Phật giáo của Nhụy Nguyên, chính vì thế là một tinh thần đạo pháp nhập thế, đạo pháp gắn với đời sống và chủ quyền lãnh thổ dân tộc. “Linh hồn người, cũng thường hằng chới với trong con mắt vàng vào những ngày bão tố, hay, ngư dân thành mục tiêu khi mà ranh giới quốc gia chưa được láng giềng tôn trọng… Ngày xưa quân xâm lăng đã tấn công từ phía biển. Lịch sử lùi chưa xa nên khi thi công phần móng lộ thiên hằng trăm bộ hài cốt…”. (Con mắt nhìn vào) [tr.204]. Dĩ nhiên trong truyện ngắn này tác giả còn gửi gắm “những “con mọt” trong chánh pháp”, những tầng công phu vượt thoát khỏi những khuôn sáo vốn dĩ bị ngôn ngữ khoanh vùng kìm hãm một thế giới nội tâm lồng lộng vốn có ở bất cứ ai. Một sự gửi gắm đầy sức sống và ngần ngại cả những ẩn ức từ nghiệp duyên và tình ái. Có đến hai truyện tác giả viết về các ngôi chùa giữa đảo, các nhà sư tham gia giữ chủ quyền thiêng liêng tổ quốc cùng với quân và dân. “Nhìn về phía đảo. Nhỏ tôi quen đang trên đó cùng những người lính. Hòn đảo thiêng liêng nhô ra như một tấm bình phong của tổ quốc. Máy nổ ầm ào. Chùa xa dần. Tôi đưa tay vẫy. Sư trụ trì khoác chiếc áo phước điền đã bạc đứng trên bờ cát mênh mang” (Dấu son trên hải đảo) [tr.127]. Hai chiều kích tương lai và quá khứ hòa quyện, soi rọi vào nhau, như hai mặt của một tờ giấy trong truyện ngắn Nhụy Nguyên.
Gấp tập truyện ngắn của Nhụy Nguyên trên tay, bạn đọc có thể sẽ còn băn khoăn, vương vấn, bất an về nhiều vấn đề. Chính điều này thôi thúc chúng ta không ngừng đọc lại anh. Mỗi lần đọc lại sẽ ngộ ra thêm những điều mới mẻ. Tôi tin rằng, đọc truyện ngắn Nhụy Nguyên là một duyên ng- hiệp ở đời, bởi anh không cầu danh tiếng cũng không cầu sự phát hành rộng rãi. Nhiều năm qua, tôi có khuyên anh nên in phổ biến những tác phẩm của mình đến bạn đọc, để cùng với bạn đọc hành trình qua bến mê khổ lụy này.
Trường An, 5/2/2019
Y.T
(TCSH367/09-2019)