TRẦN HOÀI ANH
1. Chưa bao giờ, đọc một tiểu luận về thơ mà sự ám ảnh của nó đối với tôi mạnh mẽ đến thế!? Ý tưởng réo gọi ý tưởng, tập tiểu luận là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm cẩn và sâu sắc về thơ, trong đó có thơ Tân hình thức đã cuốn hút, dẫn dụ tôi đi vào “ma trận” của những suy niệm về thơ mà ở đó, tưởng đâu gặp những diễn ngôn tắt tị, rối rắm, mơ hồ, nhiều khi đến khó hiểu như vẫn thường gặp ở một số bài nghiên cứu, lý luận, phê bình về thơ. Nhưng không, khi đọc tập tiểu luận Vũ điệu không vần của nhà thơ Khế Iêm, tôi luôn bắt gặp ở đó những suy tưởng chứa đầy sắc hương và ánh sáng. Đó là thứ hương sắc của tâm hồn, của cảm xúc và ánh sáng của trí tuệ với những luận giải về thơ đầy chất triết luận và một tình yêu thơ ca mãnh liệt, thể hiện một khao khát cháy bỏng về hành trình đổi mới thơ như một sứ mệnh.
2. Trong suy luận của Khế Iêm, thơ Tân hình thức không chỉ là thơ của một thế giới khác lạ, mà đó là thơ của cuộc sống đời thường, của thế giới tâm tưởng, của hoài niệm và ước mơ. Bạn hãy cầm và đọc tập tiểu luận đầy sức ám gợi có tên “Vũ điệu không vần” sẽ thấy những điều tôi cảm nhận và chia sẻ với bạn không phải là vu vơ, là không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi, nói như nhà thơ Khế Iêm “Những ngành khác có thể đưa chúng ta đến vinh quang nhưng thơ ngược lại, đưa chúng ta trở lại đời thường, mà đời thường thì có cả những dị thường”(1). Cái “dị thường” ở đây, phải chăng là sự thể hiện một hệ giá trị của “cái khác”, của “sự khác”, là sự làm mới cái bình thường này bằng nột cái bình thường khác. Và đây chính là một trong những yếu tính trong sáng tạo thơ ca. Mệnh đề có tính triết luận này nghe rất lạ nhưng lại rất gần gũi. Bởi, cuộc đời vốn là nơi trú ngụ của những cái bình thường và chính những cái bình thường này là thước đo để kiểm chứng mọi giá trị, trong đó có giá trị thơ ca. Thơ Tân hình thức là thơ của đời thường nên nó không thể không hiện hữu giữa đời thường. Bởi, nói như nhà thơ Khế Iêm: “Thơ không còn tùy thuộc vào nỗ lực từ cá nhân mà là những vận động rộng lớn của cả một thế hệ, như một trào lưu, xác định tiếng nói và bản chất của một nền văn hóa ở một thời điểm đặc biệt của lịch sử thi ca. Nhưng nhà thơ khi chọn một ngôn ngữ bởi sự quyến rũ và lòng yêu mến, và là ngôn ngữ họ có khả năng nhất để biểu hiện thơ, ở đây là tiếng Việt, cớ gì không hợp quần, nhiều phong cách làm một phong cách, nhiều tiếng nói làm một tiếng nói, thành một phong trào đầy tự tin và hào hứng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xóa bỏ những định kiến và tự mãn cá nhân, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong tinh thần giống như thi pháp đời thường, có gì là quan trọng và ghê gớm đâu”.(2)
Trên cuộc đời, mọi cái đều diễn ra bình thường, thậm chí vô thường, mà nhà thơ Khế Iêm gọi là “thi pháp đời thường” nên thi pháp thơ, trong đó có thơ Tân hình thức cũng không nằm ngoài tâm thức ấy. Đến với thơ là trở về với “thi pháp đời thường”, để người ta có thể chia sẻ những vấn đề “bình thường” trong cuộc sống, nhằm tìm lại cho mình những giây phút an nhiên. Đây là một nhu cầu không chỉ của người đọc thơ mà cũng là của người làm thơ. Khi chia sẻ những điều ấy, mỗi nhà thơ có thể chọn cho mình một phong cách, một thi pháp, một kiểu ngữ ngôn riêng theo mỹ cảm của mình mà thơ Tân hình thức là một trong những kiểu thi pháp ấy. Và sự phủ định lẫn nhau giữa các kiểu thi pháp, các trường phái, trong sự vận động và phát triển của thơ và hành trình sáng tạo của mỗi nhà thơ là điều tất yếu của quy luật sáng tạo. Thế nên, việc chúng ta mở lòng và chuẩn bị tâm thế đón nhận những thi pháp mới, trong đó có thi pháp thơ Tân hình thức cũng là một ứng xử văn hóa của việc tiếp nhận và sáng tạo thi ca. Ta hãy nghe nhà thơ Khế Iêm chia sẻ để thấu hiểu hơn về sự chọn lựa thơ Tân hình thức của mình: “Đề cập tới thơ cổ điển, tiền chiến hay thơ tự do Việt không phải là để phán đoán. Mà rút ra từ kinh nghiệm của chính tôi. Ở thời kỳ đầu, tôi làm đủ thể loại từ thơ vần đến thơ tự do, chủ ý làm mới cảm xúc và ngôn ngữ và thấy rằng cũng chỉ làm mới Tiền Chiến, và nếu có một chút giá trị thì đó là giá trị của một chặng đường đã qua (tập thơ Thanh Xuân). Tới thời kỳ thứ hai, tôi thoát hẳn ra bằng cách sử dụng dòng động lực và sự chuyển động của ngôn ngữ, đi tìm một cấu trúc mới (tập thơ Dấu Quê). Tiếp tục theo đó là những kết hợp giữa thơ và nhiều nguồn khác nhau như thơ và kịch, kể cả bằng graphic… và tưởng rằng đã đi khá xa so với thời kỳ đầu”(3). Nhưng rồi, ai đó không thể vượt qua chính mình trong hành tình sáng tạo, bởi sáng tạo nào cũng không chấp nhận sự đứng lại, sự đóng băng, sự trì trệ, bảo thủ khi mãi giam mình trong một “thành trì” tưởng chừng vững chắc, nhưng đó là sự vững chắc nhằm che chắn cho những giới hạn và thất bại của mình, điều này hoàn toàn đi ngược với quy luật của sự sáng tạo, trong đó có sáng tạo thi ca. Và, theo nhà thơ Khế Iêm: “Vấn đề không phải đi xa hay đi gần mà tôi nhận ra thơ có quyền năng và chỉ có thơ mà thôi, cho chúng ta biết giới hạn và thất bại của mình. Nhà thơ đều là những kẻ thất bại và nếu không nhận ra điều đó, có lẽ chẳng bao giờ họ trở thành nhà thơ.”(4) Vì thế, cũng theo nhà thơ Khế Iêm: “Thất bại làm cho nhà thơ nhận ra được chính mình và mọi người, thúc giục họ phải đi tới mãi, cho đến bao giờ không còn đi được nữa. Phủ nhận chẳng qua là phủ nhận những thất bại để làm một thất bại khác. Vấn đề là thất bại lớn hay nhỏ, và chúng ta có dám đối mặt với nó hay không”.(5) Có thể nói, hành trình đến với thơ Tân hình thức của Khế Iêm, theo chúng tôi, cũng là một thể nghiệm và đúng hơn là một thực nghiệm cần thiết trong quá trình sáng tạo để tìm ra một hướng đi mới cho thơ anh. Và sự thể nghiệm này còn nhiều gian nan. Vì thế, để cứu sống thơ không có con đường nào khác, phải luôn đổi mới thơ. Và thơ Tân hình thức trong suy niệm của nhà thơ Khế Iêm là một trong những phương cách làm mới thơ. Nhưng cách làm mới trong thơ Tân hình thức theo nhà thơ Khế Iêm “chẳng dừng ở quan niệm làm mới, vì đó là phương cách của thời hiện đại, mà dùng thể truyền thống hòa trộn với chất hiện đại (bao gồm thơ tự do) giống như kiến trúc hậu hiện đại, tạo thành một thể lai, hoàn toàn khác, không những hóa giải và làm tan biến truyền thống, mà cả hiện đại”.(6)
Như vậy, trong suy niệm của nhà thơ Khế Iêm, thơ Tân hình thức không phải là cái gì hoàn toàn mới lạ và xa lạ mà nó là một sự làm mới lạ những cái vốn đã cũ, thậm chí quá quen thuộc, để phù hợp với khí quyển của thời đại lịch sử và văn hóa mới, hầu tạo ra sân chơi mới, diễn đàn mới, một lực hấp dẫn mới cho thi nhân cũng như người đọc. Vì thế, chúng ta không nên thờ ơ, xa lạ, thậm chí phản kháng thơ Tân hình thức mà hãy đến với nó bằng tất cả sự đam mê hiểu biết, khám phá và sáng tạo, chúng ta sẽ nhận ra chân giá trị trong sự đổi mới của thi pháp thơ Tân hình thức vốn cũng không có gì xa lạ với cảm quan mỹ học trong thi pháp thơ Việt truyền thống. Bởi, “Đổi mới thơ, chính là đổi mới phương cách tạo nhạc, luật tắc và phương pháp biểu hiện. Thơ cổ điển và Tiền Chiến phải ngâm, thơ Tân hình thức chỉ để đọc, nhưng khác với thơ tự do trước đó, thơ Tân hình thức có những luật tắc căn bản để tạo thành nhịp điệu, và người làm thơ theo đó phát huy được nhạc tính cho thơ. Khi đọc chúng ta, cảm thấy thanh thoát tự nhiên, như đang hít thở không khí, gặp gỡ ngoài đường phố, giao tiếp với bạn bè và với mọi người. Đó là thứ âm nhạc trò chuyện (music of conversation), phong phú và hàm súc, mỗi lúc mỗi khác và những khoảng khắc có thực của thực tại. Thơ được chắt lọc và bước ra từ thực tại, mà thực tại thì không nằm ở trong mù sương, thuộc về quặng mỏ chứa đầy chất đời”.(7) Và, cũng như các thể loại văn học khác, thơ Tân hình thức, một trong những thể loại thơ bắt nguồn từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống, thắp sáng ước mơ của con người, giúp con người đi về phía ánh sáng chứ không phải “ở trong mù sương”. Và để làm được sứ mệnh cao cả ấy, thơ nói chung, trong đó có thơ Tân hình thức rất cần sự dũng cảm vượt thoát chính mình của các nhà thơ. Bởi, hơn ai hết, nhà thơ là người có đủ quyền lực và năng lực đập tan cái vỏ kén, để cho con tằm “thơ” nhả ra chất tơ óng mượt, lung linh của thơ. Nhưng trong suy nghĩ của nhà thơ Khế Iêm “bây giờ có lẽ còn quá sớm để tiên đoán, thơ có ra khỏi và làm một bước ngoặt mới, tùy thuộc vào những nhà thơ có dám dứt khoát với những giấc mộng đêm qua”.(8) “Giấc mộng đêm qua”. Đó là những ám ảnh của quá khứ, của thói quen, của sự bảo thủ nên thi nhân phải tạo cho mình một quán tính mới, biết “chất vấn thói quen”, phải tự mình phân tích, luận giải trước những ám ảnh của quá khứ, của thói quen để luôn đổi mới mình, đổi mới thơ và tự tìm cho mình những con đường mới, chân trời mới mà thơ Tân hình thức là một trong những chân trời để thi nhân chọn lựa!?
Song, trong văn chương để cho một thể loại được tồn sinh không chỉ lệ thuộc vào người sáng tạo ra nó là nhà văn hay nhà thơ mà còn lệ thuộc ở người tiếp nhận. Đó chính là người đọc. Bởi, một văn bản chỉ trở thành tác phẩm văn học khi văn bản đó được người đọc tiếp nhận. Vì thế, thể thơ Tân hình thức muốn tồn tại, không những cần có sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của nhà thơ mà còn cần có sự đổi mới trong tư duy tiếp nhận của người đọc. Nghĩa là, người đọc cũng phải làm quen với việc tiếp nhận thi pháp thơ Tân hình thức như làm quen với một món ăn mới và đưa nó vào thực đơn thơ một cách tự nhiên, để làm phong phú mỹ cảm tiếp nhận thơ của mình. Có như thế, thơ Tân hình thức mới hiện hữu trong đời sống văn chương như tác giả Vũ điệu không vần đã xác quyết: “Cuối cùng cần nhấn mạnh một lần nữa, thơ Tân hình thức gồm ngữ điệu tự nhiên của những câu nói thông thường, vắt dòng và kỹ thuật lập lại. Vấn đề là sử dụng kỹ thuật lập lại làm sao để chuyển nhịp điệu từ những biến cố tự nhiên thành nhịp điệu thơ, không bài thơ nào giống bài thơ nào, điều đó tùy thuộc tài năng và kinh nghiệm của từng nhà thơ, vừa đơn giản vừa phức tạp, là một ẩn số khó ai nói trước. Những nguyên tắc đó và yếu tố thơ đóng vai trò, là giao ước ngầm giữa người đọc và tác phẩm, giúp người đọc nhập vào với những biến chuyển và tình tiết của bài thơ.”(9)
Trong những suy niệm của nhà thơ Khế Iêm, vai trò của người đọc trong thơ Tân hình thức có vị thế vô cùng quan trọng. Người đọc đã trở thành một thành tố đồng sáng tạo với nhà thơ, quyết định giá trị và sự tồn sinh của tác phẩm thơ. Bởi, “Một bài thơ luôn luôn hàm chứa hai yếu tố, vừa quen (thể luật, nguyên tắc) để lôi cuốn và dẫn dụ người đọc, vừa lạ (nhịp điệu, tư tưởng) để hướng người đọc vào thế giới sáng tạo. Như vậy, “khi mang những câu nói thông thường vào trong thơ, nói lên tâm tình của nhiều tầng lớp xã hội, nếu chỉ lọc ra những yếu tố thơ thì chưa đủ. Hiệu ứng cánh bướm sự phản hồi và lập lại và những vận hành tự nhiên của thiên nhiên, như một đàn chim bay, một dòng sông, sự tuần hoàn của máu trong cơ thể, một cơn lốc xoáy một đám cháy rừng… sẽ cho chúng ta những ý niệm vô cùng tận để tạo nên nhạc tính phong phú và biến đổi không ngừng cho thơ Tân hình thức. Có nghĩa là mọi chuyện đã sẵn sàng, chỉ còn chờ ánh lửa tài năng của nhà thơ bừng sáng, như trong thí nghiệm về sự đối lưu chất lỏng của Lorenz”.(10)
Không chỉ quan tâm đến hành trình sáng tạo của nhà thơ cũng như sự tiếp nhận của người đọc, trong suy niệm về thơ Tân hình thức, nhà thơ Khế Iêm còn quan tâm luận bàn đến một số phương diện nghệ thuật mà theo cảm nhận của ông, trong một bài thơ Tân hình thức: “Chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản tự nhiên như một dòng đời sống. Vần và chỗ ngắt không bất di bất dịch chỉ ở cuối dòng, mà cũng giống như thơ tự do xuất hiện ở những chỗ không thể đoán trước”.(11) Đồng thời, để định hướng cho sự sáng tạo và cảm nhận thơ, Khế Iêm cũng bàn đến tiêu chuẩn một bài thơ hay mà theo quan điểm của ông: “Cái hay của thơ Tân hình thức Việt là cái hay của ý tưởng và nhịp điệu. Ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu, nhưng nhịp điệu và ý tưởng phải mới mẻ và sâu sắc.”(12)
Và để cho thơ Tân hình thức hiện hữu trong cuộc sống con người cũng như trong đời sống văn chương rất cần không chỉ tài năng của nhà thơ, sự tiếp nhận của người đọc mà còn cần sự đồng thuận trước cái mới, cái lạ của cộng đồng, của xã hội.
3. Bàn về thơ Tân hình thức, có lẽ với tập tiểu luận Vũ điệu không vần cũng chỉ là những khởi đầu của nhà thơ Khế Iêm, người đã tận hiến biết bao sức lực của đời mình cho sự tồn sinh của thơ, trong đó có thơ Tân hình thức. Nhưng dẫu sao với hơn ba mươi bài viết đầy chất triết luận về thơ trong đó có những bài tác giả đã bàn đến nhiều phương diện về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ Tân hình thức như: “Chú giải về thơ Tân hình thức”; “Thơ và Hiệu Ứng Cánh Bướm”; “Thể Thơ Không Vần”; “Giải Hình Thức”; “Vũ Điệu Không Vần”; “Bài Thơ Tân Hình Thức Đầu Tiên”; “Thơ Tân Hình Thức Đọc”; “Thơ Tình – Từ Tiền Chiến Đến Tân Hình Thức”; “Tân Hình Thức -Nhắc Lại 10 Năm”; “Thơ Tự Do, Một Tiếng Gọi Khác”; “Thơ Bùi Giáng, Một Thử Nghiệm đọc”… Có thể khẳng định nhà thơ Khế Iêm đã trở thành một trong những “chủ tướng” của trường phái thơ Tân hình thức Việt, một thể loại thơ mà anh rất trân quý và muốn nó trở thành một sự tiếp nối tự nhiên trong dòng chảy thơ Việt từ truyền thống đến hiện đại.
T.H.A
(TCSH369/11-2019)
...........................................
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) Khế Iêm (2019), Vũ điệu không vần, tr.18, tr.16, tr.17, tr.17, tr.18, 19, tr.18, tr.17, tr.17, tr.71, tr.72, tr.19, tr.525, tr.23, tr.23, tr.23, tr.525