Nghiên Cứu & Bình Luận
Thi pháp lục bát Ngô Minh
15:40 | 20/01/2020

HỒ THẾ HÀ  

Lục bát là thể thơ đặc trưng thể hiện bản sắc và tâm hồn dân tộc Việt. Nó trở thành tình cảm, tâm thức sáng tạo và tiếp nhận của nhân dân từ ngàn đời nay, nó trở thành hữu thức và “vô thức tập thể” trong sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt vật chất của toàn dân.

Thi pháp lục bát Ngô Minh

Trong nền thơ của mỗi quốc gia, bao giờ cũng có một thể loại anh minh, điển hình cho sức sống lâu bền của dân tộc đó, làm thành bản mệnh thể loại và bản mệnh thi sĩ cho nền thơ đó, dù thời đại có đổi thay, hiện thực có thăng trầm, hằng số tâm lý thi ca - thi sĩ có biến đổi. Ở Nhật, người ta nói đến thể thơ Haiku, ở Pháp là Sonnet, ở Trung Hoa trong nhiều thế kỷ, thời đại là thơ Đường… Tương tự như vậy, ở Việt Nam từ ngàn xưa đến nay là lục bát. Những người yêu thi ca ở nước ta, đặc biệt là những người chuyên nghiệp nghiên cứu văn học và giới sáng tác, đã xem lục bát như thước đo giá trị và trình độ nghệ thuật của tác giả và độc giả.

Trong Thơ lục bát Việt Nam, tập 1, Nxb. Văn học, 2011, giới thiệu về thể thơ này, chúng tôi đã mạo muội nhận xét: “Đến nay, lục bát đã có tiến trình hàng ngàn năm vinh quang và phát triển từ lục bát ca dao đến lục bát trong văn học viết qua các thời kỳ, các giai đoạn mà ở các thành tựu đỉnh cao thường có những cách tân, dự cảm và triển vọng mới. Nó luôn luôn phá thay, làm vơi bớt những xưa cũ, lỗi thời và làm đầy thêm những mới mẻ, bất ngờ. Từ lục bát truyện thơ Nôm đến thơ lục bát trung đại và Truyện Kiều của Nguyễn Du; từ lục bát của Phong trào Thơ mới đến lục bát hiện đại các giai đoạn kháng chiến và cho đến ngày nay, qua tay các thi tài của dân tộc, bao giờ lục bát cũng thể hiện sự anh minh, dẻo dai và bền bỉ của mình. Chứng tỏ lục bát chưa bao giờ chịu hạ cánh và bất lực trước những đổi thay của hiện thực cuộc sống và tâm trạng con người, trước tầm đón nhận và đón đợi của độc giả. Cái gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy của lục bát? Chính là sự khôn ngoan, uyển chuyển và linh hoạt của thể loại, mà mỗi nhà thơ luôn biết tự điều chỉnh và thay đổi nội bộ cấu trúc chỉnh thể của bài thơ trên cái mã nền (code) 6 - 8 một cách nghệ thuật, trong tương quan dân gian-dân tộc, nhưng đã có những bước tiến khá dài để tạo ra tương quan mới: dân gian-dân tộc-hiện đại. Chính nhờ vậy, lục bát đã không bị cạn kiệt và nghèo nàn như một số thể loại thơ khác, trái lại, nó có sức sống trẻ trung đến ngày nay. Và thực tế, ngày càng có nhiều người làm thơ lục bát, tạo thành đội ngũ hùng hậu qua các cuộc thi thơ nói chung và thi thơ lục bát nói riêng. Qua đấy, số lượng thơ lục bát gia tăng theo cấp số nhân và chất lượng của chúng cũng không ngừng nâng cao và đổi mới” (Hồ Thế Hà, Thơ lục bát Việt Nam trên hành trình hiện đại, In trong Thơ lục bát Việt Nam, tập 1, Nxb. Văn học, 2011, tr. 45-46).

Tôi muốn minh chứng những nhận định trên của mình bằng lục bát của một tác giả cụ thể: Ngô Minh. Cứ liệu khảo sát của chúng tôi là Ngô Minh - tác phẩm, bao gồm 5 tuyển tập (Thơ, Chân dung, Ký và Phóng sự, Tiểu luận Phê bình, Phê bình văn chương Ngô Minh, hơn 2000 trang, trong đó, tập 1 dành cho Thơ (450 trang), với 45 bài lục bát tinh tuyển. Đây là con số không nhiều so với các thể thơ khác trong tuyển tập, nhưng là con số có ý nghĩa thi pháp học đối với chúng tôi khi nghiên cứu thơ lục bát của Ngô Minh.

Do khuôn khổ của bài viết, ở đây, chúng tôi xin không đi sâu về đặc trưng lục bát nhìn từ cấp độ lý thuyết, mà chỉ xin đi thẳng vào thơ lục bát Ngô Minh kết hợp với phẩm bình và chỉ ra đặc trưng thi pháp đặc sắc của từng thi phẩm. Và cũng xin tiếp nhận ở những đặc trưng, yếu tố nổi trội qua các bài thơ đặc sắc, mà cụ thể là ở các bình diện: chủ đề, đề tài, tư duy thơ, hình tượng thơ, cấu trúc thơ, ngôn ngữ thơ tư tưởng thơ. Các bình diện này kết hợp bình xét để tránh trùng lặp và tránh dài dòng, nhưng chỉ ra được tính chỉnh thể nghệ thuật của từng thi phẩm.
 

Nhà văn Nguyễn Quang Hà tặng hoa cho con trai cố nhà thơ Ngô Minh
Nhạc sĩ Lê Phùng thể hiện ca khúc “Tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa” được phổ nhạc từ thơ Ngô Minh

Trước hết, tôi muốn nói đến chất thơ, hồn thơ lục bát của Ngô Minh, tức muốn nói đến sở trường làm nên phong cách thể loại của tác giả. Lục bát Ngô Minh dân dã mà quý phái, hiện đại, thể hiện sự thống nhất mà đa dạng, biến ảo ở từng thi phẩm. Điều đó phản ánh “hệ hình tư duy thể loại” mà Ngô Minh luôn làm chủ, biến ảo, phá thay để nó không cũ trước lục bát quá khứ, cũng như không nhàm chán trước các trạng thái cảm xúc và tâm trạng điển hình của chính thi nhân: “Khuya nghe lục bát gọi đôi - Một anh một bóng một người một không” (Lục bát gọi đôi).

Chủ đề, đề tài quen thuộc tạo thành hướng cảm xúc ám ảnh trong thơ Ngô Minh, đó là quê hương, cụ thể là làng Thượng Luật - nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Trong xa ngái ly hương, cái làng quê đầy cát và gió, nắng và mưa, biển và bờ cùng những xôn xao phi lao và rì rào sóng biển ấy cứ hiện về day dứt, xa xót. Ở đó, hình ảnh mẹ và cha cùng tuổi thơ không bình yên của anh đồng hiện trong nỗi thầm nhớ lặng buồn.

Người ơi ở phía nắng lên
mạ thức trong mõ sóng đêm xa gần
con đi bước bổng bước trầm
sân nhà con lún dấu chân học trò
bảy mươi chưa hết đợi chờ
bóng con trong ánh tỏ mờ cát nhen

            (Người ơi ở phía nắng lên)

Nỗi sầu xứ (nostalgie) luôn dẫn dắt tình cảm nhà thơ qua những không gian hoài vãng u buồn, nhức buốt.

Mình về uống biển mình say
Nửa khuya gối cát nửa ngày ngóng khơi
Lum khum bóng mạ chân trời
Võng thuyền tao gió nghe lời hát ru
Đời cha tăm cá tuyệt mù
Gió mồ côi níu tàu dừa mồ côi

                        (Tự khúc)

Với chủ đề và đề tài quê hương, thơ Ngô Minh có trĩu nỗi day dứt về một thời gian khó và khổ nghèo cùng những ba động của cuộc đời, có liên quan đến sự chấn thương tâm lý của anh, đặc biệt là đối với người cha oan nạn, người mẹ giàu đức hy sinh và người chị giàu lòng nhân ái mà anh ơn nghĩa, thiêng liêng suốt đời.

mạ nằm đây biển nằm kia
mạ là nấm cát biển khuya đắp bồi
con như đứa trẻ mót lời
về nghe biển đắng như đời mẹ xưa

 
hồn ba lưu lạc tháng ngày
có về bên mạ lấp đầy oan khiên
hai vai biển trĩu ưu phiền
biển khô tim cũng khô trên cõi này

            (Mạ nằm đây biển nằm kia)

Và đây là hình ảnh chị trong giấc mơ lặn lội tìm về: “Chị tôi khuất nẻo trời xanh - Ba mươi năm lẻ lại tìm thăm em” dù: “Chị tôi khuất nẻo lâu rồi - Đêm qua trong giấc mơ tôi chị về - Mắt buồn đăm đắm sao khuya - Răng đen hạt lựu cười xe xiết lòng” (Chị tôi).

Quê hương, với Ngô Minh, có khả năng cứu rỗi mọi u buồn luôn đeo đẳng quanh mình. Và may thay, anh đã biến nỗi buồn thành nỗi nhớ - nỗi nhớ hóa giải nỗi buồn. Qua đó, chính quê hương mới làm cho con người cảm nhận hết nỗi buồn xa cách. Cho nên trong thơ Ngô Minh, trạng thái nhớ không gian, vọng không gian, đồng hiện thời gian, tìm lại thời gian xuất hiện với tần suất cao mà lục bát là một minh chứng.

Đồng hiện ký ức làng quê và lịch sử, Ngô Minh hướng tình cảm của mình về những người có tác động đặc biệt đến tình cảm và nghĩ suy của anh, được anh xem là tri ân, tri kỷ, tri cảm và tri kính. Họ đều là những con người có số phận không bình yên trước những quan hệ nhân sinh ba động của lịch sử và thời thế, để làm nên vinh quang hoặc bi kịch của họ mà anh không thể không ghi lại bằng thơ như những thông điệp tình yêu và nhân tình thế thái. Và chính lục bát là thể thơ giúp anh giãi bày cõi lòng thẳm sâu nhất. Giữa chủ thể và khách thể có sự tương thông tối đa nhất trong từng trạng thái vui buồn, ân nghĩa. Xa nhất là Nguyễn Du - nhà thơ minh triết nhất trong ý nghĩa của thi ca và thi sĩ cùng những thăng trầm vinh nhục của chính ông để thành di sản của dân tộc và nhân loại mà Truyên Kiều là “tiếng kêu xé lòng” cho triết lý làm người, được Ngô Minh khái quát thành bài học kinh nghiệm sống.

Lạy này xin cụ ngậm cười
Văn chương trần thế chín mười đơn sai
Chữ
tâm rơi rớt dặm dài
Chữ
tài liền với chữ tai… Thôi thì…
            (Lạy cụ Nguyễn Du)

Cùng thời với Ngô Minh là những con người từng khổ đau và bất hạnh nhưng chính họ là người biết vượt lên khổ đau và bất hạnh, nhận lấy về mình nỗi buồn để kéo dài thành niềm vui cho tha nhân. Như Lại Đăng Thiện - một “cựu binh từng hai lần được truy điệu sống trước khi lái ca nô kích nổ bom ở Khu Bốn, nhưng sau đó không được khen thưởng hay chế độ gì. Ra quân làm bà mụ đỡ đẻ cho 400 em bé ra đời” để giờ tác giả ngậm ngùi cho bạn trong chén rượu “say nhau tìm tận góc này nhân gian” để biết quên và biết nhớ.

ừ thêm chén nữa, a ha
sang hèn chi cõi ta bà ẩm ương
mốt mai còn mấy dặm trường
đắng cay là chén vô thường, Thiện ơi…

            (Uống với Lại Đăng Thiện)

Với Thanh Tâm - người vợ, người bạn đời vui buồn ân nghĩa, thủy chung và với con - những tâm hồn sáng trong, thơ dại được Ngô Minh đặt trong những quan hệ cụ thể, đời thường để yêu thương và tự thú. Chính lục bát giúp anh hóa giải những gì đồng nghĩa với vô tư trong veo, nhưng có khả năng nối kết tình cảm bi hài cũng trong veo trong nuối tiếc.

Trưa nay hoa hậu muộn về
Bố con thi sĩ cơm khê, lửa cười
Vô tư là giống trên đời
Biết đâu rau đậu bời bời giá lên
Đồng tiền như ả vô duyên
Đầu hôm hăm mốt qua đêm còn mười

                        (Hoa hậu)

Với chủ đề tình yêu (cả chung và riêng), Ngô Minh luôn có cách thể hiện ảo diệu, không phải để màu mè, làm dáng mà thực tế, đó là những cung bậc tình cảm thành thực, nhưng cũng đầy trải nghiệm của chính mình, có khi đó là cái tôi trữ tình nhập vai từ trải nghiệm của chung quanh.

Với chính mình, nhà thơ không ngần ngại nói lên sự thật từ trái tim yêu, dù hiện tại có xa vời, nhưng may còn có em, đời còn dễ thương và còn có thơ ghi tạc.

Thưa em thơ phú bọt bèo
May còn em với bao điều ngóng trông
Lênh đênh thơ lại về cùng
Đêm thu Đồng Hới sương chùng cỏ cây

                        (Thưa em)

Vậy mà vẫn có lúc giật mình thảng thốt trước vô thường của thiên nhiên, trước những líu ríu của cỏ hoa để thành líu ríu của lòng mình.

Giật mình thảng thốt tháng tư
Hai bông hồng trắng hình như nở rồi

 
Nắng như là nắng chiêm bao
Sông tràn chén sóng trời cao say vùi
Từ ngày em biết có tôi
Ngày tôi líu ríu nói lời… thưa em

            (Thảng thốt tháng tư)

Với chung quanh, với suy tư và triết nghiệm thì thơ tình Ngô Minh lại có khả năng nội cảm hóa trong người đọc bởi chất tình chất đời của chúng. Hình như trong tình yêu, những mất mát, ly tan thường tạo thành những xung năng tình cảm theo hướng quyến rũ và chuyển hóa thành những trạng thái thăng hoa, nói theo cơ chế tâm lý tự vệ của Phân tâm học, để được yêu và được tự vỗ về như thú đau thương tình ái.

Thôi thì gom hết khóc cười
Làm viên thuốc đắng nuốt trôi cuộc tình
Tiễn em ga xép một mình
Tiễn ta vào cõi lặng thinh ngậm ngùi

                                    (Vu vơ)

Tình yêu trong lục bát Ngô Minh bao giờ cũng ngậm ngùi, trôi vào tận cuối trời quên của ảo giác và ảo mộng như những khúc Nam Ai buồn tự ngàn năm từ nước non Chiêm vọng lại.

Nào em thả xuống lòng mình
Tro than một phiến lửa tình lại nhen
Trôi cho tận bến bờ quên
Ra đi
cho tận cuối miền Nam Ai
            (Thả đèn trên sông Hương)

Cuối cùng cũng chỉ có thơ giúp anh cân bằng tâm thế bằng cách đồng nhất hóa mình vào thiên nhiên để được an ủi trong cao sang qua cách nói phóng đại bằng thơ để trở thành không gian cao vợi như thế.

Thưa em anh đắp chăn trời
Anh nằm chiếu cỏ thở hơi biển nồng
Bài thơ anh đọc nửa chừng
Nửa chừng gió đọc nửa chừng lửa reo

                        (Thưa em)

Lục bát Ngô Minh chính là phiên bản tâm hồn bất ổn của anh để thành cấu trúc thơ, thành mỹ học và triết nghiệm cho lục bát. Một cảm thức tự nhiên trong lục bát Ngô Minh, đó là nỗi buồn và nghiệm suy nhân thế. Mà thời gian chính là phạm trù để anh cân đong, đo đếm hiện sinh đời mình và thế sự chung quanh một cách gấp gáp và tiếc nuối.

Tay cầm tờ lịch nhẹ thênh
Ngày mang quá nửa đời mình đây ư?
Phất phơ hai phía gió lùa
Ngày mai chưa tới, ngày xưa còn gì?

 
Mình ngồi nghe tuổi mình đi
Thờ ơ như chẳng có gì với nhau

            (Tờ lịch cuối năm)

Để rồi trong thinh lặng của đêm, tiếng mõ vọng lại âm thanh từ bi như cứu vãn mọi đau buồn, khiến thi nhân không thể không nghĩ về “cõi trần cơn lốc sân si ù ù” và lẽ vô thường “sắc sắc không không” của cõi tạm thế gian.

Nam mô khuya khoắt đường tu
Nhặt bông sứ rụng sân chùa lại mong
Biết là có có không không
Mõ chùa cứ mõ đêm nồng cứ đêm

            (Canh ba mõ chùa)

Vậy mà sự thực vẫn cứ diễn ra theo những quy luật và quan hệ của nó, mà nhiều lúc bất lực, con người lại bằng phép thắng lợi của vô thức để hóa giải những mong ước cho mình và cho thơ. Thơ ghi lại trong chiêm bao những hình tượng bất chợt, đó chính là cái khoảnh khắc bừng ngộ của sáng tạo. Và ngôn ngữ chính là tiếng nói của vô thức như chính Jacques Lacan đã xác quyết: “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”.

Nghe ai rao giảng nhân tình
Đêm về sự thật tượng hình chiêm bao
Lấm tấm trời mồ hôi sao
Bao nhiêu hồn chữ rơi vào cõi mơ

            (Ghi trong lúc chờ hưu sớm)

Ngoài chiêm bao, còn gì giúp nhà thơ nuôi dưỡng nỗi buồn để thi ca đồng hiện? Có lẽ là rượu. Thơ lục bát Ngô Minh nhiều rượu, nhiều men say thi sĩ. Nó ủ thành thơ trong trạng thái ngất ngây của nỗi cô đơn bản thể và sự giãi bày chân thật nhất của nhu cầu được khát khao nói lên sự thật sau những nín câm ẩn ức: “Uống đi - Nghe vỡ tiếng đàn - Nghe ta nằm với - Muôn vàn - Nín câm” (Vần cũ 1). Và dưới bóng trăng cùng lưng nậm rượu, nhà thơ đếm tuổi mình cùng áng mây trôi.

Tuổi tên danh phận như đùa
Rượu vơi lưng nậm chuông chùa cầm canh

            (Khuya Huế uống với bạn Cà Mau)

Một cảm giác thời gian trôi trong nhẹ tênh của cánh khói.

Đốt ngày thành sợi khói bay
Nhẹ tênh như thể cuộc say sang mùa
Yêu đương tro bụi như đùa
Biết bao nhiêu lửa cho vừa cuộc sôi

            (Lục bát vu vơ)

Nhưng rồi rượu cũng chẳng còn say, gió như là gió của ngày trống không. Vậy thì thơ còn làm chứng, người còn ngây thơ: “thưa em, rượu chẳng còn say - gió như là gió của ngày mới lên - em là đêm trắng màu men - ngu ngơ anh chẳng còn anh mọi ngày” (Thưa em).

Ngay cả thơ, một đời anh khát vọng mong nó sẽ làm tiền trạm cho tâm hồn và thông điệp tình yêu của mình, nhưng rồi thơ cũng bất lực như chính anh bất lực.

Bao nhiêu chất chứa cõi lòng
Viết sôi trang giấy những mong giúp đời
Nào hay viết đến cạn lời
Cũng không giải được kiếp người lênh đênh

            (Ghi trong lúc chờ hưu sớm)

Nhiều lúc, anh nghĩ về nhân thế thông qua hình tượng những người tù Côn Lôn hiện về tâm sự cùng mình, nhân chuyến đi viếng đảo và nghĩa trang liệt sĩ Côn Đảo để ngẫm suy và ẩn dụ về phạm trù đạo đức tốt - xấu của con người hiện tại. Vừa biết ơn và trân quý những người đã khuất, vừa đánh thức trách nhiệm con người hôm nay.

Côn Lôn đêm không là đêm
Tử tù không mộ không tên lay mình:
- Hãy là người tốt nghe anh!
- Hãy là người tốt
Cho dân cậy nhờ
Tôi nghe đêm đảo mơ hồ
Thân thương tay nắm tay sờ tay tôi…
Trời ơi, người khuất lâu rồi
Sao nghe đau đáu những lời nước non!

 
Anh tốt không?
Tôi tốt không?
Xin ra Côn Đảo soi gương hồn tù

            (Đêm Côn Lôn)

Ngô Minh luôn trăn trở, tìm tòi, nhiều lúc vật vã để có một hình thức mới chuyển tải nội dung mới, tạo thành tính chỉnh thể có tính tự trị cao cho từng thi phẩm lục bát. Từ những vẻ đẹp cổ điển của lục bát ca dao đến vẻ đẹp tiểu đối, cân xứng trong lục bát trung đại và Truyện Kiều của Nguyễn Du cùng những cách tân táo bạo, đa dạng trong lục bát thời kỳ Thơ mới, rồi đến sự bề bộn, phá cách của lục bát trong hai cuộc kháng chiến, đến thời hòa bình từ sau 1975, lục bát không ngừng tự đổi mới và hoàn thiện mình. Trước hết là hướng cảm xúc của nhà thơ về phía hiện thực cuộc sống mới và hằng số tâm lý - thi ca mới. Và để chuyển tải những hiện thực và tâm trạng ấy, nhà thơ phải thông qua ngôn ngữ. Nhìn chung, ngôn ngữ thơ lục bát Ngô Minh phát huy tối đa chất trữ tình, hiện đại nhưng vẫn không xa rời âm hưởng và tâm thức truyền thống. Anh biết luôn làm mới lục bát bằng những cấu trúc hình thức uyển chuyển, nhưng không giả tạo, gò bó.

Các nhà thơ dùng thể lục bát với nhịp đồng dao, tạo thành những khúc ru vừa da diết vừa xa xót. Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Nhuận Cầm, Đồng Đức Bốn, Trương Nam Hương… là những nhà thơ có ý thức đổi mới lục bát trên những chủ đề quen thuộc như thế. Ngô Minh cũng không biệt lệ. Anh luôn ý thức làm mới lục bát của mình bằng những cách tân cấu trúc trong khuôn khổ thước thơ 6 - 8 để phù hợp nhịp điệu nội tâm và nhịp điệu cảm xúc ngoại cảnh. Ngô Minh thường kiến trúc nhịp 2/2 cho câu 6 và nhịp 4/4 cho câu 8, tạo thành thành giọng điệu trữ tình điệu nói rất truyền cảm.

- Mình về/ với biển/ mình ơi
Tay bồng là sóng/ môi cười là trăng
- Ngày mai/ ơi hỡi/ ngày mai
Mặn nồng có đủ/ nhạt phai đôi mùa

                        (Tự khúc)

Hay, khi cần thì sẵn sàng kiến trúc nhịp điệu bậc thang 2/2 một cách tự nhiên, nhưng cũng rất nghệ thuật.

mai rồi/
đời cát/ vùi quên/
Biển còn/ hột muối/
nhặt lên/
thưa rằng

            (Vần cũ 2)

So sánh trùng điệp, tạo thành những chuỗi ý nghĩa mới khi đem đối tượng so sánh và đối tượng được so sánh đặt bên nhau một cách bất ngờ, không có trong trường liên tưởng của người đọc.

chiều nay/
áo đỏ/ như mời/
tóc giăng/ như lưới/
môi cười/ như đêm

            (Chiều cát)

Nhiều bài lục bát của Ngô Minh có sự gặp gỡ lục bát Huy Cận, nhất là ở cảm quan thiên nhiên và phần nào đó, ở chất thơ. Ví như trường hợp sau.

Sông Hàn thập thững bước mưa
Nổi trôi phố rộng như chưa gặp người
Em đi khuất nẻo thu rồi
Bơ vơ là cõi anh ngồi nghe đông

            (Lục bát sông Hàn)

Tiếp nhận bài thơ trên, tôi chợt liên hệ đến lục bát Huy Cận. Thơ lục bát Huy Cận bao giờ cũng gắn với vẻ đẹp xưa, dù trước mắt, nhà thơ đã cảm nhận được sâu sắc sự chuyển dịch của không gian - thời gian hiện sinh trần thế hiện tại. Cảnh và người gần nhau mà tần ngần, rời rạc, mênh mông và xa vắng. Sự luyến lưu dường như cũng không níu giữ được lòng người cô lữ, khi “Dừng chân nghỉ ngựa non cao, - Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon...” để rồi màu tịch liêu phủ trùm trong không gian cao vợi, khi bóng ngựa khuất sau non ngàn, lũng thấp vi vu.

Đi rồi, khuất ngựa sau non;
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu...
Trơ vơ buồn lọt quán chiều,
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người

            (Đẹp xưa - Lửa thiêng)

Thiên nhiên trong con mắt lục bát Ngô Minh hiện đại hơn và nỗi buồn cũng chủ động hơn, nhưng rồi cuối cùng hai thi nhân của hai hoàn cảnh gặp chung nhau ở cảnh cô độc, người đi thì đi khuất mù tăm, người ở thì thâu vào trong mắt chiều cảnh sông sâu và đèo cao xa ngái.

Nghe câu lục xiết lòng sông
Xuống câu bát đã trống không mắt chiều
Phù vân nhuộm trắng bóng đèo
Thuyền ai xa ngái về neo sông Hàn

            (Lục bát sông Hàn)

Theo dõi tiến trình lục bát Việt hiện đại, chúng tôi nhận thấy lục bát luôn biết tự cân bằng trong nội bộ cấu trúc thể loại từ nhiều cách để không bị cũ nhưng cũng không bị đứt gãy với truyền thống. Nếu làm phép thống kê và so sánh những điểm gặp nhau trên đường xoáy trôn ốc khác nhau, ta sẽ thấy nhiều chủ đề, đề tài và hình thức câu thơ lục bát trước đây được các nhà thơ hậu thế chủ động học tập, kế thừa và biến đổi trong nhu cầu mới của cảm xúc và ngôn từ. Đó là hiện tượng hợp quy luật, làm thành tiến trình lục bát của dân tộc từ xưa đến nay.

Với 45 bài lục bát trong Tuyển tập, Ngô Minh đã thống nhất tương đối cao độ những nguyên tắc hình thức cốt lõi của lục bát ở cách gieo vần, cấu tạo ngữ điệu, phân bố thanh điệu, nắm vững luật hài âm và tương giao khá nhuần nhuyễn, tạo ra điểm dừng (césur) và sử dụng các dòng nguyên âm (trước, giữa, sau) cũng như những phụ âm vang cuối âm tiết của tiếng Việt một cách “âm vị học” để nhạc tính hiện lên bổng - trầm, cao - thấp, khép - mở một cách nghệ thuật; anh biết phá cách và tạo những biến thể phù hợp, sáng tạo để hình thành các dạng thức mới cho lục bát. Nhà thơ sử dụng nhiều âm bằng, thanh bằng ở những vị trí nhất - tam - ngũ - thất bất luận, nhì - tứ - lục - bát phân minh đã tạo nên khuôn thanh lục bát của Ngô Minh vừa chuẩn xác ở những vị trí phân minh (2/4/6/8) và linh hoạt, uyển chuyển ở những vị trí bất luận (1/3/5/7). Lục bát Ngô Minh tài hoa và luôn mới chính vì anh nắm vững sự “đỏng đảnh”, “khó tính” của thể loại để khắc phục nó và làm cho nó chiều theo cảm giác và ý đồ sáng tạo của mình.

*

Qua việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ, giữa nội dung và hình thức “mang tính quan niệm”, thông qua thể loại lục bát, Ngô Minh đã tạo ra những chỉnh thể nghệ thuật có ý nghĩa và giá trị nhận thức, giá trị thẩm mỹ cho chính nhà thơ, cho kinh nghiệm thi giới lục bát của mình. Có thể nói Ngô Minh - đặc sản thơ 6 - 8 thời hậu chiến, có đóng góp thành tựu thi pháp lục bát riêng vào thành tựu chung của thi pháp lục bát hiện đại Việt Nam.

H.T.H   
(SHSDB35/12-2019)

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Thế Hà, Những khoảnh khắc đồng hiện, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2007.
2. Nhiều tác giả, Thơ mới 1932 - 1945, tác gia và tác phẩm, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998.
3. Nhiều tác giả, Thơ lục bát Việt Nam, tập I, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011.
4. Ngô Minh, Tuyển tập Thơ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.
5. Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (tái bản), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009.
6. Lý Toàn Thắng, Một số vấn đề Lý luận ngôn ngữ và Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.
7. Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1992.  





 

Các bài mới
Các bài đã đăng