Nghiên Cứu & Bình Luận
Lý luận phê bình và đổi mới
09:12 | 24/02/2020

NGỌC TRAI

Văn học ta trong những năm gần đây đang có dấu hiệu chuyển hướng và đổi mới một cách đa dạng, phong phú.

Lý luận phê bình và đổi mới
Ảnh: internet

Trước những đổi mới ấy của sáng tác văn học, lý luận phê bình phải đổi mới và chuyển hướng như thế nào để đóng góp cho giai đoạn văn học hiện nay ?

Đất nước ta vừa trải qua một thời kỳ khá dài mà chúng ta thường gọi bằng một từ ngắn gọn là thời kỳ quan liêu bao cấp. Ngoài chế độ quan liêu bao cấp về kinh tế còn cả một chế độ quan liêu bao cấp về văn hóa, tư tưởng. Trong đời sống văn học, chế độ quan liêu bao cấp đã dẫn đến một thứ phê bình quan liêu.

Tôi xin nói rõ hơn vấn đề này : Trong giới văn nghệ xưa nay vốn tồn tại một thành kiến, ít thiện cảm thậm chí sự coi thường của các nhà sáng tác đối với giới phê bình chuyên nghiệp.

Tiêu biểu cho thái độ ấy của người sáng tác ở ta có thể dẫn trường hợp của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là nhà văn xuất sắc và cũng đã từng viết những bài phê bình thấu đáo sắc sảo, vậy mà khi nói đến giới phê bình chuyên nghiệp ông thường phản ứng tiêu cực, châm biếm, mỉa mai hay hài hước.

Người ta thường giải thích đơn giản: Chẳng qua là vấn đề "văn mình vợ người", văn mình thì bao giờ cũng hay. Mà đã phê bình thì thường có khen, có chê, được khen thì thích mà bị chê thì phản ứng. Trong phê bình trước đây thì chê nhiều hơn khen, nói đến cái sai, cái đúng nhiều hơn là nói đến cái hay, cái dở. Hình ảnh cái roi phê bình đã gợi ra cái ý đó. Roi là để quất chứ không có chuyện khen. Phải chăng nhà phê bình Hoài Thanh đã thấu hiểu được tâm lý đó của nhà văn nên trong "Thi nhân Việt Nam" ông chủ trương chỉ bình mà không phê. Chỉ nói về cái hay của mỗi nhà thơ mà không nói cái dở. Đây cũng là một thái độ, một quan niệm về phê bình hay là một phép ứng xử khôn ngoan.

Nhưng tôi nghĩ vấn đề không đơn giản như vậy. Có nhà văn biết tự trọng khi được tâng bốc một cách không chính xác cũng nổi đóa lên.

Tôi cho rằng hiện tượng nhà văn coi thường và khó chịu với nhà phê bình là do nhiều nguyên nhân : nhà văn thường cho rằng nhà phê bình thiếu hiểu biết về nghệ thuật, thiếu vốn sống thậm chí còn thiếu cả kiến thức nữa. Những điều này có thể có nhưng đây chưa phải là nguyên nhân chủ yếu. Theo tôi nguyên nhân chủ yếu là ở chỗ các nhà phê bình đã không làm đúng chức năng của mình. Trong một thời gian khá dài nhiều nhà lý luận phê bình tự đặt cho mình một sứ mạng quá với khả năng của mình :

1- Họ dạy dỗ nhà văn về nghề nghiệp.

2- Họ uốn nắn nhà văn về tư tưởng.

Các nhà phê bình tự cho mình là người nắm được chân lý tuyệt đối qua sách vở và phân phát một cách rộng rãi các chân lý đó cho người sáng tác. Tình trạng đó đã đưa đến những nghịch lý : Người không sáng tác (hay không sáng tác được) lại lên lớp cho người sáng tác phải viết như thế này, phải hư cấu như thế kia, phải bố cục tác phẩm thế nọ. Hoặc không nên, không được thế này thế khác.

- Người không đi thực tế hay ít thực tế hơn lại dạy cho các nhà văn lăn lộn trong cuộc sống rằng chỗ này là hiện thực chỗ kia là không chân thực và luôn luôn khuyên bảo nhà văn phải đi sát cuộc sống.

Và có thể đưa ra nhiều nghịch lý khác nữa...

Tôi gọi những nhà phê bình kiểu đó là những nhà phê bình quan liêu.

Nhưng điều tôi băn khoan là các nhà phê bình quan liêu này lấy đâu ra sự tin tưởng ở khả năng phán xét, giáo dục các nhà văn như vậy ?

- Những nhà phê bình này là sản phẩm một thời của chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa độc đoán và bao cấp về tư tưởng. Họ tin tưởng một cách hồn nhiên rằng chân lý là ở trong sách : sách kinh điển, sách giáo khoa, sách ghi chép lời nói của lãnh tụ, sách lý luận của nước ngoài... Họ nghiên cứu, thuộc lòng các câu chữ trong sách rồi so sánh, đối chiếu với các sáng tác. Điều gì các nhà sáng tác nói ngược lại hoặc không đúng như trong sách hoặc không có trong sách, trong lời dạy của lãnh tụ thì sẽ bị uốn nắn hoặc không thừa nhận. Đối với các nhà phê bình quan liêu này thì sách là giày của cuộc sống. Họ gọt chân cho vừa giày chứ không sửa giày cho vừa chân.

Họ thường dẫn chứng câu nói của Gớt nhưng lại làm trái với câu nói đó. Đối với họ lý luận thì màu hồng còn cây đời thì lại xám.

Cuộc sống vốn sinh động, phức tạp, phong phú, nhiều vẻ, đầy mâu thuẫn và luôn luôn phát triển, dù phải trải qua nhiều khúc quanh co, gập ghềnh có lúc thụt lùi, vấp ngã nhưng rồi lại tiến bước. Sáng tác văn học của ta đang biến đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống mới.

Đã đến lúc phải xem lại nhiệm vụ của nhà phê bình.

Cái kiểu phê bình làm cho nhà văn và kể cả công chúng đều không công nhận, đó là kiểu "phê" và "bình" đã thịnh hành một thời :

- Hoặc là ra roi túi bụi, bới bèo ra họ, "cao chê ngõng thấp chê lùn".

- Hoặc là tâng bốc, tô hồng, lạm phát những tính từ ngợi ca.

Chúng ta không ai phủ nhận thành tựu của giai đoạn văn học kháng chiến vừa qua. Nhưng chắc cũng không ai tán thành lối phê bình tâng bốc, tự ngợi ca vượt quá sự thật.

Không phải lối ngợi ca ấy là vô hại. Bởi vì sự tâng bốc không nói lên được ngay cả những ưu điểm vốn có của tác phẩm, nói quá đi, nói không đúng cái hay cũng là mất hay đi, điều đó làm cho nhà văn có tự trọng và công chúng có trình độ thưởng thức nghệ thuật không tin vào sự đánh giá của nhà phê bình nữa. Tôi xin nhắc lại một câu thơ mà Gorki đã dẫn :

Mọi bài ca đều cần đến vẻ đẹp

Nhưng vẻ đẹp không cần đến bài ca.

Nhưng cái hại thứ hai của lối phê bình tâng bốc là làm cho người ta ảo tưởng về mình, tự đắc tự mãn và không cần tìm tòi, cải tiến, thay đổi nữa. Trong lúc đó thì chức năng sáng tạo của nhà văn là phải biết luôn luôn không bằng lòng với cái đã làm được, luôn luôn biết trăn trở để đổi mới.

Không ít nhà văn tên tuổi đã từng nói : Tác phẩm mà tôi yêu thích nhất là tác phẩm tôi đang viết hoặc sắp viết ra. Nhiệm vụ chân chính của nhà phê bình, nhất là nhà phê bình trong giai đoạn chuyển biến, đổi mới của văn học hiện nay theo tôi là phải làm được hai việc :

- Phát hiện được những tài năng mới, những phong cách mới, những phương pháp biểu hiện mới, những giá trị mới.

- Khi đã phát hiện ra rồi thì phải khẳng định, phải bảo vệ, phổ cập cái mới đó, làm cho công chúng hiểu và chấp nhận cái mới đó.

Có những tác phẩm có giá trị nhưng khi mới xuất hiện không được thừa nhận ngay mà còn bị phủ nhận. Maia Kovsky đã từng nói rằng : "Bản chất văn nghệ là không đại chúng. Nó chỉ trở thành đại chúng là do tuyên truyền”.

Như vậy Maia muốn nói rằng : Sáng tác văn nghệ, nhất là sự sáng tạo ra cái mới thường chỉ có số ít có văn hóa mới có thể lĩnh hội được (cố nhiên có nhiều người có văn hóa nhưng tư tưởng bảo thủ thì cũng không thể tiếp nhận được cái mới). Cái số ít nhận thức được cái mới ấy có nhiệm vụ phải tuyên truyền cho số đông.

Thế có nghĩa là tác phẩm không hạ thấp xuống trình độ của đại chúng mà đại chúng phải vươn lên trình độ của tác phẩm.

Nói như trên tôi không phủ nhận việc khuyến khích đại chúng sáng tác văn nghệ. Mà tôi muốn nói đến cái số ít nhà văn tiêu biểu, những người sáng tạo ra những tác phẩm ở đỉnh cao chứ không phải ở số lượng.

Tôi nhớ một bài thơ của Henric Hainơ đại ý : thời đại khác phải có con chim khác, con chim lạ ấy sẽ hát lên bài ca mới. Muốn hiểu được bài ca mới ấy cũng phải có lỗ tai khác. Trong giai đoạn chuyển hướng đó của văn học cả người sáng tác cũng như công chúng rất cần đến nhà phê bình sáng suốt.

Những nhà văn đã trăn trở đi tìm cái mới thường họ không thể chiều theo thị hiếu ngày hôm qua của công chúng, việc sử dụng những hình thức biểu đạt mới cũng đã gây phản ứng tiêu cực đối với số đông, điều ấy có lẽ những người sáng tác không muốn. Nhà sáng tác nào cũng khát khao được hiểu, được thừa nhận, được cảm thông.

Còn công chúng, trước những sáng tác mới lạ ấy, họ còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên, băn khoăn chưa biết xác định thái độ, chưa cảm thông, chưa biết đánh giá như thế nào.

Trong những trường hợp như thế, nhà phê bình có "con mắt xanh", là người hiểu được cái mới ấy và phải làm cho công chúng hiểu và đánh giá đúng giá trị mới của tác phẩm. Nhà văn và công chúng đều cần đến những nhà phê bình như vậy.

Hiện nay, hàng ngày các nhà xuất bản đưa ra thị trường hàng bao nhiêu là tiểu thuyết, bao nhiêu truyện ngắn, bút ký và thơ - tất nhiên cũng cần những mục "giới thiệu sách" ngắn gọn để thông báo cho công chúng biết mà tìm đến những món ăn tinh thần ấy. Nhưng trong số bao nhiêu sách in ra ấy có của thật và của giả. Không những thế có cả của độc. Nhiệm vụ của nhà phê bình là biết tìm và chỉ ra những giá trị thật để hướng dẫn dư luận, cố nhiên làm được nhiệm vụ là người phát hiện tài năng, nâng đỡ và bảo vệ tài năng là không đơn giản. Việc này không những đòi hỏi nhà phê bình có tay nghề : có tri thức, có năng khiếu thẩm mỹ, nhạy bén với cái mới mà đặc biệt còn cần sự trung thực và lòng dũng cảm nữa.

Cuối cùng tôi xin nói vài lời về nhiệm vụ lý luận phê bình đối với việc xây dựng nền mỹ học mới Việt Nam.

Trong thời kỳ bao cấp, nhà phê bình có một thuận lợi là nói theo sách, viết theo sách. Họ chỉ cần dẫn chứng những câu của nhà kinh điển, của sách giáo khoa mỹ học nước ngoài, hay những câu nói của lãnh tụ là có thể tước vũ khí của người đối thoại. Bây giờ mọi thứ sách vở và lời nói như vậy không còn quyền uy như cũ.

Ngày nay mỗi nhà phê bình phải là một chủ thể của tư duy sáng tạo, phải nghĩ bằng đầu của mình. Phải tổng kết ra một nền mỹ học Việt Nam rút ra từ những tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận lý luận tiên tiến của thế giới. Chúng ta cần có những lý luận trên cơ sở khoa học, cần có mỹ học mới. Trước kia khi nói đến mỹ học hay lý luận văn học nhiều nhà lý luận phê bình quan niệm một cách đơn giản là chỉ cần ứng dụng lý luận văn học của Liên Xô, mỹ học của Liên Xô để giải thích nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Bây giờ cũng còn nhiều nhà phê bình quan niệm rằng hoặc ứng dụng sách giáo khoa "cải tổ" của Liên Xô hay là chấp nhận mỹ học của phương Tây vào ta - "cũ người mới ta" vì ta là nước lạc hậu cứ học cho được cái tiên tiến của người ta cũng là một rồi.

Tôi nghĩ rằng :

Tất nhiên ta phải tiếp thu giá trị lý luận, mỹ học của Liên Xô, của các nước xã hội chủ nghĩa và những giá trị có chọn lọc của phương Tây để bổ sung và làm phong phú thêm nền mỹ học của ta. Nhưng đây chỉ là một nguồn không thể thiếu, còn phải kết hợp hai nguồn căn bản khác đó là những giá trị truyền thống và đặc biệt là phải biết rút ra những giá trị mỹ học mới từ trong những sáng tác mới.

Nhiều nhà lý luận phê bình ngộ nhận rằng lý luận văn học hay mỹ học là do các nhà lý luận đề ra. Nhưng theo tôi hiểu mỹ học là do các nhà sáng tác : nhà văn, nhà họa sĩ, nhạc sĩ... đẻ ra. Các nhà lý luận chỉ có thể xây dựng một nền lý luận nghệ thuật và mỹ học Việt Nam trên cơ sở tiếp thu một phần kinh nghiệm lý luận của nước ngoài và những giá trị truyền thống để rồi phát hiện, khái quát, tổng kết cái thẩm mỹ trong những sáng tác văn nghệ của Việt Nam.

Nền lý luận mỹ học ta vẫn nói đến trước đây thường thiên về phía nhập từ ngoài vào - từ Liên Xô, Trung Quốc, từ phương Tây mà phần khai thác giá trị truyền thống và tổng kết những giá trị mới trong bản thân đời sống văn nghệ Việt Nam ta chưa làm được bao nhiêu.

Cho nên đến nay chúng ta vẫn chưa có một nền mỹ học Việt Nam trong khi chúng ta đã có một nền văn học nghệ thuật Việt Nam thật sự có giá trị, phong phú và độc đáo.

Về chính trị, kinh tế, xã hội, chúng ta đã rút ra được bài học xương máu là không thể dập khuôn theo bất cứ mô hình "tiên tiến" nào mà phải xuất phát từ điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể của mỗi nước mà tự tìm ra và xây dựng nên mô hình của mình, tôi nghĩ rằng về lý luận văn học nghệ thuật và mỹ học cũng như vậy. Không có một thứ mỹ học dập khuôn bất biến cho mọi đất nước, mọi thời đại - Mỹ học Việt Nam phải xuất phát từ bản thân nền văn học nghệ thuật Việt Nam và yêu cầu của công chúng Việt Nam.

Giới sáng tác có thể nói rằng : Chúng tôi đã sáng tạo nên cái đẹp Việt Nam trong những tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam. Các nhà lý luận hãy tổng kết nó để xây dựng nên một nền mỹ học Việt Nam.

Đó là món nợ mà các nhà lý luận phê bình phải trả cho những người sáng tác và cho nền văn nghệ nước nhà.

N.T.
(TCSH47/01&2-1992)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng