TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT
1. Phiêu lưu và ý thức phản tư sinh thái
Cũng như các cốt truyện phiêu lưu khác, Sông chọn kiểu nhân vật “đi”. Ân, một nhân vật đồng tính, thất vọng với mối tình của mình khi người tình (Tú, cũng là một người đồng tính) kết hôn; hơn nữa, chán nản với công việc nhàn nhạt của mình ở một tờ báo; thêm vào đó là cảm giác bồn chồn, hoang hoải, bơ vơ… đã nhận lời tổng giám đốc xuất bản thực hiện một dự án viết về ký sự sông Di. Chuyến đi từ miền hạ Mù Sa lên thượng nguồn Thượng Sơn rồi xuôi về biển. Ân đăng tìm người trên internet và cậu có hai người bạn là Xu và Bối. Đến Bình Khê, Bối lấy hết tiền bạc và bỏ trốn. Chuyến đi kết thúc ở Túi, nơi sông Di nhập lưu vào biển cả, cũng là lúc Ân nhận được tin tổng giám đốc tự vẫn vì nhà xuất bản đang trên đà phá sản. Chặng cuối ở Túi, Ân thuê chiếc “quách” ra biển và dự định sẽ thực hiện cuộc đi mãi mãi, hòa thân xác vào sóng nước như sông Di xuôi ra khơi. Nếu nhìn bề ngoài, dường như đây là một truyện phiêu lưu, phượt thủ khám phá những vùng đất chưa có người nào biết, có màu sắc phương xa như Mù Sa, Trấn Biên, Di Ổ, Túi, Sô Ro…, thậm chí những địa danh không có trên Google. Đặc trưng của thể loại phiêu lưu là những cuộc tìm kiếm, khám phá li kì, mạo hiểm, sự kiện hấp dẫn, tình huống hồi hộp bất ngờ. Dựa vào những đặc điểm ấy, Sông không phải là tiểu thuyết phiêu lưu, mà là giễu nhại tiểu thuyết phiêu lưu. Chính Ân thừa nhận về sự chán chường, lê thê của chuyến đi khi Bối rời khỏi “Cậu ngờ là chuyến đi sông Di quá thiếu kịch tính nên Bối chán”; “Tiếng chim nước kêu một giọng hàng trăm năm. Đi mãi vẫn thấy nước chảy và nước chảy. Bối chán cũng phải”. Hơn nữa, trong tác phẩm, nhiều lần Ân bóc trần những hư ngụy của kiểu ký sự phiêu lưu là những sắp đặt giản đơn “bôi bẩn lên mặt mũi để thuyết phục khán giả rằng chúng tôi đã mất nhiều mồ hôi và nước mắt để làm nên thiên ký sự truyền hình này. Chúng tôi gần như là những người đầu tiên đến đây, họ hay bảo vậy khi đứng trên ngọn núi đã nhẵn dấu chân dân phượt”. Thực chất, Sông là tiểu thuyết “phản phiêu lưu”. Cuộc đi không phải khám phá những vùng đất lạ, chinh phục thiên nhiên hoang dã… mà đi để nhận ra sự cỗi cằn. Hầu như, không một trang nào viết về sự trù phú hai bên sông; không có vẻ đẹp tráng lệ, thơ mộng. Hành trình du khảo trên sông Di là hành trình với những người bé mọn, đau khổ, vất vả mưu sinh: “Báo chí đếm được có đến chục cái không ở những cái làng giăng giăng gần bờ này. Không đất. Không tiền. Không chữ. Không biết đi về đâu. Không biết chôn ở đâu. Không thịt. Không luật pháp...”. Người đọc nhận thấy số phận của sông. Đúng hơn, số phận của sông đã làm nên những phận người: Cái cảm giác lúc nào cũng “Thấp thỏm. Nơm nớp. Côi cút”. Khắp các trang viết là nỗi ai hoài trước vẻ đẹp tự nhiên ngày một nhạt phai, phập phồng một nỗi âu lo về những hiểm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống của người dân cực Nam Tổ quốc: “Mười bảy bài báo cậu đọc được trên mạng nói về sạt lở đất trên một trăm cây số vuông từ Yên Hoa đến dốc Sương Mù”. Cách viết của Nguyễn Ngọc Tư thật khác các nhà văn Nam Bộ trước đó: Sơn Nam (tập Hương rừng Cà Mau) với cảm hứng về khát vọng chinh phục tự nhiên, sự kiêu hùng của con người trước thiên nhiên; Đoàn Giỏi (Đất rừng phương Nam) với một cậu bé thành phố khám phá vùng đất hoang sơ, mới lạ, Nguyễn Ngọc Tư ngược lại đã đưa ra nhiều cảnh báo về môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến số phận của người dân lao động. Như vậy, Nguyễn Ngọc Tư đã phá hủy cốt truyện phiêu lưu cổ điển.
Sông cho thấy một cuộc chia tay buồn bã với những giá trị đã tiêu vong trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, là cái nhìn đầy phê phán vừa lạnh lùng, âu lo vừa khắc khoải: “Ở đây, mọi sự diệt vong đều rất dễ giải thích. Đã bán. Đã bán. Đã bán”. Lời cảnh tỉnh này được Nguyễn Ngọc Tư phát biểu rõ ràng qua dân tộc Đào, một dân tộc hùng mạnh trên cao nguyên Thượng Sơn đã bị diệt vong: “Thương lái Hoa Bắc mua bất cứ thứ gì nơi này có. Từ bụi cỏ sa lệ cao chỉ bằng ngón tay cho đến những thân gỗ nghiến giữa đại ngàn… Đất đá. Vật dụng. Cây cỏ… Giờ thì người Đào bán đến cả nội tạng và trẻ con”, “Sự tàn rã lặng lẽ phủ lên cái mặt đất lởm khởm những hang hốc, trơ trụi không có bóng cây, thưa vắng người”, “giữa vùng Thượng sơn mà không nghe thấy tiếng thú rừng táo tác trong đêm. Có lẽ chúng cũng bị săn bán”. Sự thiển cận của thương mại khiến con người trở nên ích kỷ, vô minh. Một dân tộc hùng mạnh trên cao nguyên Thượng Sơn đã bị diệt vong là một ẩn dụ về thế giới của loài người: khi người ta chỉ sống ích kỉ, biếng nhác, coi tự nhiên chỉ là nguồn lợi để phát triển kinh tế (chỉ chăm chăm để bán), là đối tượng để bóc lột thì tất yếu sẽ diệt vong. Điều này cũng đã từng xảy ra với nhiều nền văn minh trên thế giới. Một số nhà khoa học giả thuyết rằng các nền văn minh Maya, nền văn minh Mesopotamia, nền văn minh Crete… vì nạn phá rừng (để xây dựng các thành phố, đóng thuyền bè…) dẫn tới việc khí hậu trở nên khắc nghiệt và diệt vong. Tư tưởng tận thế gắn với môi trường được Nguyễn Ngọc Tư nhiều lần cảnh báo thông qua việc con người đã biến thiên nhiên thành đại công trường, khu công nghiệp, nhà ở, thành phố… “xua đuổi thiên nhiên đi xa”, “hạ nhục tự nhiên”, can thiệp thô bạo vào vẻ đẹp nguyên sơ. Nhà văn rung những hồi chuông cảnh tỉnh “Sông thấy mênh mông mà dễ giết”; “Con người hủy hoại thiên nhiên bằng cách hạ nhục nó. Thiên nhiên trả thù bằng cách nó biến mất”; “Đồng cỏ bạn đang dạo chơi một ngày kia sẽ biến mất. Dòng sông bạn đang tắm một ngày kia sẽ biến mất. Tiếng chim hót ban mai một ngày kia sẽ biến mất” (Khói trời lộng lẫy). Trong Tôtem sói, Khương Nhung cũng phản ánh nỗi nhức buốt của việc con người đã biến thảo nguyên đẹp như huyền thoại thành sa mạc như thế nào. Các nhân vật mang tâm thế của con người thời hiện đại bị văn minh dồn đuổi, nhận ra sự mất mát của tự nhiên. Thiên nhiên, cái tưởng như vĩnh hằng cũng dễ bị thương tổn và thực chất rất mong manh. “Nhận thức được bản chất sinh thái bị bao vây, bị nhân tính hóa và do đó, dễ bị thương tổn của tự nhiên, phê bình sự nóng lên toàn cầu đề cao những văn bản mà theo cách nói của Bate, khiến cho chúng ta suy nghĩ về sự mong manh”1
Hành trình cuối cùng ở Túi, Ân nhớ về cuộc hội ngộ với sông Di lần đầu tiên là một trận lũ “thực sự ở đây là cái biển rồi”: “Cậu gặp sông Di lần đầu. Hung hãn một cách ráo riết, cay nghiệt. Mặt sông là cái xoáy nước đỏ ngầu cuộn xiết. Không có bờ. Hệ thống các con sông lớn ở miền Hạ chìm trong một trận lũ lụt được cho là lớn nhất trong một trăm năm trở lại… Ở mái nhà sắp chìm lút, những cánh tay đen đúa thò khỏi mớ ngói vẫy vẫy. Trên cái đệm cao su rách rã trôi qua có một em bé chừng hai tuổi nằm như ngủ, nước săm sắp đến vành tai. Nửa dưới để truồng, da xanh ngắt. Cậu không khóc được khi ôm xác em nhỏ trên tay”. Kết thúc hành trình du khảo sông Di ở Túi bằng một “Đại hồng thủy” (Ngay cả tên địa danh là “Túi” hẳn có một hàm nghĩa như là hình tượng trái bầu trong những cơn đại hồng thủy), tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư như là một cách giải huyền thoại trong Kinh Thánh, nhại lại những biểu tượng “đại hồng thủy” để ẩn dụ về sức mạnh của sinh mệnh tự nhiên. Hơn nữa, trong các truyền thuyết về đại hồng thủy, sau cái chết sự sống sẽ hồi sinh, còn trong tiểu thuyết Sông người đọc hồ nghi không biết nhân vật có vượt thoát nỗi cô độc, chán chường của mình để bơi trở lại hay họ sẽ chìm vào hư không, vô tăm tích như chị Ánh, chị San... Hành trình của kiếp người cô độc, mất phương hướng của Ân xuất phát từ cảm nhận cảm giác vô phương của Ánh; là cái cô đơn chán nản bủa vây không nơi nương náu của San. Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư chọn kiếp sống thương hồ là cách cư xử của người một vùng đất mà “tâm thức sông nước” đã thành hành vi ứng xử. Vì một niềm đau, đi như là biểu tượng của sự lưu đày, xuất hiện rất nhiều hình ảnh biểu tượng của sự ra đi, luân chuyển: dòng sông, con đường, cánh đồng, ghe xuồng, chiếc xe tải đường dài... Một số truyện như Nhớ sông, Biển người mênh mông, Dòng nhớ, Cái nhìn khắc khoải, Cánh đồng bất tận, Cải ơi... là minh chứng tiêu biểu cho nếp sống sinh hoạt này, lưu lạc để quên đi nỗi đau trong cuộc sống mới lênh đênh. Với Ân, đi dường như là để trốn chạy, là để tìm quên, là để nguôi ngoai niềm đau “đi đi và che giấu bao nhiêu là vết thương” như một câu hát của Trịnh Công Sơn. Nhưng càng đi, càng trải nghiệm, Ân càng hoài nghi, chán nản, mất niềm tin. Do vậy, thật khác với văn chương truyền thống, về với tự nhiên là “rũ bỏ ưu phiền”, ngược lại, với Ân, là để cảm thấy nỗi cô độc không nơi nương náu của tâm thức hiện đại. Đi hết một hành trình sông Di, nếm trải cả ở chiều không gian thực tại và chiều thời gian quá khứ, nỗi chán chường hoang hoải không cách nào thoát ra được, cảm giác mất mát xuất phát từ sự tuyệt vọng về những vẻ đẹp của tự nhiên dần mai một, biến mất.
2. Lưu lạc và nếm trải khủng hoảng môi trường
Lưu lạc gắn với đặc điểm tự nhiên vùng Nam Bộ, làm nên kiểu nhân vật vì cuộc mưu sinh. Mảnh đất Nam Bộ dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Là hạ nguồn của Mê Kông đổ ra biển, vùng đất này dễ bị tổn thương từ hai phía: những tác động cả từ thượng du và cả từ phía biển. Do vậy hạn hán xâm ngập mặn, triều cường, lở đất, lũ lụt… là những vấn đề môi trường thường trực của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, vùng đất này chịu ảnh hưởng nghiêm trọng “Nước sông mặn quắn, nắng càng lâu thì nước biển sẽ thè cái lưỡi dài nhằng của nó liếm vào sông hàng mấy chục cây số”; “báo viết cồn cát này sắp bị nước biển cuốn mất”... Con người cố ý phạm vào tự nhiên và tất yếu phải gánh lấy hậu quả là những biến đối khí hậu (climate change). Điều đó thể hiện qua những con sông lở - đất đai, địa danh, nhà cửa, con người… bị đứt rời, cắt khúc, mất tích vào khoảng không mênh mông của dòng nước “Cuộc hẹn không thành vì nửa đêm sông Di đã mang Hường đi. Quán Tầm Sương chìm vào lòng sông sau một tiếng gầm thảng thốt. Dân Ngã Chín không lạ gì với việc mất một ai đó, một căn phòng nào đó biến mất. Họ quen với việc một người ngồi cạnh mình bỗng dưng lọt tõm vào một hố sâu nào. Mọi sự biến mất đã trở nên bình thường, họ thò đôi đũa ra để gắp thức ăn thì không thấy mâm cơm đâu nữa, họ với tay lấy áo mặc sau khi tắm xong thì nó không còn ở đó, họ đứng dậy rót rượu và cái ghế vẫn còn ấm hơi người lẳng lặng rơi xuống sông và người kia thì ngồi phịch vào khoảng không, cũng biến mất”. Tình trạng biến đổi khí hậu giăng mắc khắp nơi. Là chỗ hạ nguồn có cái tên lạ Mù Sa, nơi người ta sẵn sàng cho những cuộc đi, tất cả đều được bỏ trong các thùng mì tôm: “Xóm cồn nhà nào cũng thấp, phần lớn cất bằng vật liệu tạm bợ. Cả xóm như đang dợm bỏ đi. Đồ đạc gói gém trong mấy cái thùng mì tôm, thùng bột ngọt”. Là một địa danh bất kì cách Sài Gòn 448km, mà ký ức về cánh rừng trôi vẫn còn mồn một trong tâm trí của bà già “nửa đêm có vạt rừng rùng rùng trôi ra biển, trên đó có khi cả một cái xóm, người ta và chó gà”. Trịnh Đặng Nguyên Phương nhận thấy “Sông còn gợi dựng bức tranh về một hệ sinh thái bị tổn thương nghiêm trọng và có nguy cơ tiêu biến”.2
Từ xưa Di Lưu ký ghi lại con người dùng nhiều cách để ngăn cản dòng chảy của con sông “gia đình hai họ chẻ tre làm lồng, đường kính 3 thước, dài 10 trượng, chất đá vào trong để ngăn sông”. Thế nhưng “chỗ đập chắn dòng đó giờ chỉ có một văn bia ghi đã có một vạn lẻ người chết tại nơi này”; “Người ta đã dìm nhiều mĩ nữ vào sông để cung tiến thủy thần, đã yểm nhiều tượng xuống đáy nước mà không ăn thua”; “Ba lần ngăn ba lần con đập vỡ”. Mặc cho con người bằng nhiều cách ngăn trở, Di giang vẫn chảy đời của nó “sông phải chảy đời của nó chứ” như lời nhà sư trụ trì trên ngôi chùa thượng nguồn Thượng Sơn. Cảm hứng đối với sự cuồng nộ của các hiện tượng tự nhiên gắn với những vấn đề thời sự của tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng. Những cuộc đi của các nhân vật rõ ràng không phải khám phá những vùng đất lạ, chinh phục thiên nhiên hoang dã… mà đi để nhận ra sự cỗi cằn, để trải nghiệm thân phận nạn nhân trước sự khủng hoảng sinh thái. Sông biến dạng thành những dòng đen ngòm đầy rác rưởi: “Sông Di khác xa những miêu tả của ông sếp cậu. Sông ngờ nghệch không thể nhận ra là nước đang chảy nếu không có những váng rêu nhớt phập phều. Đã vậy chợ Bình Khê còn kẹp cổ nó giữa dãy nhà cao cẳng tẹp nhẹp. Chỗ có tên là bến Lở mà chị Ánh đã từng rửa chân, giờ là bãi rác nửa chìm nửa nổi”. Cách viết này của Nguyễn Ngọc Tư từ chối cách nhìn ngạo mạn về “đại tự sự” con người khắc phục hoàn cảnh, cải tạo tự nhiên… một chiều. Tự nhiên có sinh mệnh riêng và ảnh hưởng đến con người, không phải như diễn ngôn ngạo mạn mà con người vẫn thường rêu rao về sự khắc phục tự nhiên, yêu cầu tự nhiên phải phục tùng ý chí của con người. “Mặc dù con người đã bỏ ra bao nhiêu nỗ lực để giữ cho mình cái địa vị thống trị, thì có phải tự nhiên chỉ mang một thân phận lệ thuộc hay không khi thực sự chúng ta đã và đang tiếp tục được nó nhắc nhở lại về một thứ địa vị thực sự thông qua mỗi trận động đất, mỗi lần núi lửa phun trào, những ngôi sao chổi vụt qua, cũng như việc không ai có thể dự đoán được một cách chính xác sự thay đổi thất thường của thời tiết”3.
Hầu hết các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sống, lớn lên và vật lộn trên mảnh đất của mình nên đó là cái nhìn của người trong cuộc, đứng trước đổi thay, phai nhạt của quê hương thấy xót xa, đắng đót. Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã nhìn thấy sự phai màu của đất, sự biến mất của tự nhiên tươi đẹp, những thảm họa thiên nhiên trút xuống… Là nhà văn của miền sông nước, Nguyễn Ngọc Tư phát hiện ra rằng nước được coi là yếu tố quan trọng nhất cấu thành sự cân bằng sinh thái tự nhiên, thiếu nước là hạn hán nhưng tác giả cũng phát hiện ra nghịch cảnh “dừng chân bên bờ sông lớn mênh mang, mỉa mai, người ở đây lại không có nước để dùng”. Tình cảnh thiếu nước sạch thật tội nghiệp: “Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng chèo, nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài… tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, nước rửa rau xong dành rửa cá”. Điều kiện thiếu nước sạch đến nỗi “Bế lom khom rửa chén, thứ nước sông mà khi nãy cậu thấy chị dùng để nấu cơm, kho cá, thứ nước cậu đã tè vào và đang tắm táp. Trong bối cảnh chúng ta đang đặt vấn đề về “an ninh nước”, phát hiện này của Nguyễn Ngọc Tư quả đã chạm vào những điều thiết cốt của sinh thái môi trường. Nếu so sánh với Mùa len trâu của Sơn Nam, cảm hứng về sự khủng hoảng sinh thái với số phận con người của Nguyễn Ngọc Tư càng trở nên rõ hơn, dù miêu tả con người chống chọi như thế nào với mùa nước nổi thì điều Sơn Nam muốn khẳng định lại là sự hồi sinh, là cảm hứng về sự trưởng thành của con người qua gian nan mà tự nhiên thử thách. Nương theo nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư đặt ra nhiều vấn đề của môi trường và số phận của cá nhân trong chỉnh thể sinh thái, cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu hiện diện lên từng số phận nhân vật, từng ngôi nhà, mỗi con sông.
*
Trước tình trạng khủng hoảng sinh thái, Huỳnh Như Phương cho rằng văn học cần có những tiếng nói dấn thân: “Sự suy thoái hệ sinh thái của một quốc gia không chỉ quy trách nhiệm cho những người quản lý đất nước mà cả cho sự thờ ơ của từng công dân, trong đó có những nhà văn”4. Góp phần trách nhiệm về tỉnh thức, Nguyễn Ngọc Tư đem đến những vấn đề mới mẻ mang hơi thở thời hiện đại của thời đại biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến từng ngôi nhà, ngõ phố, con sông... Quan trọng hơn, tác giả đã phản ảnh trung thực tình trạng môi trường sống ngày càng tồi tệ đi bằng cách đặt vấn đề sắc nhọn, trực diện không né tránh với một tấm lòng thiết tha trĩu nặng ưu tư trước những số phận người nông dân mà cuộc sống, mưu sinh, hy vọng, cái chết gắn với sông nước.
T.T.A.N
(TCSH382/12-2020)
---------------
1. Bate J., 2000, The Song of the Earth, Harvard University Press, Massachusetts.
2. Trịnh Đặng Nguyên Phương (2017) “Sông của Nguyễn Ngọc Tư và những vấn đề sinh thái môi trường”, Kỷ yếu hội thảo Phê bình sinh thái, tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Nxb. Khoa học xã hội, tr 875 - 886.
3. Kate Rigby, 2017, Chapter 7: “Ecocriticism”, Introducing Criticism at the Twenty - First Century, Edinburgh UP, Đặng Thị Thái Hà dịch, Phê bình sinh thái là gì?, Hoàng Tố Mai (chủ biên), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
4. Huỳnh Như Phương, 2013, Mùa xuân, sinh thái và văn chương. - http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn