Nghiên Cứu & Bình Luận
Hà Nội nhìn từ những chiều kích thời gian
15:20 | 16/04/2021

PHAN TUẤN ANH    

Uông Triều là nhà văn tạo được dấu ấn trên văn đàn Việt Nam trong khoảng gần mười năm qua. Ngòi bút của anh xông xáo, mạnh mẽ thể nghiệm mình trên nhiều thể loại, nhiều trường phái và hệ hình nghệ thuật khác nhau.

Hà Nội nhìn từ những chiều kích thời gian

Điểm đáng ghi nhận ở Uông Triều là anh tích cực đọc, tìm tòi và thể nghiệm trong lối viết. Có cảm giác như Uông Triều không sợ thất bại, không muốn “ăn mày dĩ vãng” trong những vùng đệm an toàn của chữ nghĩa. Anh lấn sân sang tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, tản văn, lý luận phê bình… Anh chấp nhận những phê phán, thất bại, như chấp nhận những giới hạn tất yếu trên con đường dấn thân nhằm tiến lên và đổi khác.

Trong vòng hai năm, từ 2018 đến 2020, hành trạng sáng tạo của Uông Triều có những động hướng mới đáng chú ý. Ngoài việc vẫn sáng tạo trên địa hạt của văn xuôi hư cấu (truyện ngắn và tiểu thuyết), anh dần bước một chân vào văn xuôi phi hư cấu và lý luận phê bình [Thế giới của sáng tạo, Nxb. Hội Nhà văn và Tao Đàn, 2020]. Trên địa hạt của văn xuôi phi hư cấu, hai tác phẩm gần đây của Uông Triều đã tạo ra được nhiều hiệu ứng văn hóa đọc rộng rãi đó là Hà Nội - dấu xưa, phố cũ [Nxb. Văn học và Sống, 2020] và Hà Nội - quán xá phố phường [Nxb. Văn học và Sống, 2018]. Dễ thấy một điểm chung của cả hai tác phẩm, đó là cùng viết về một địa danh thống nhất, lấy tiêu điểm ở Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của dân tộc. Tuy nhiên, điểm nan giải mà Uông Triều đặt ra cho chúng ta, những bạn đọc chuyên môn, đó là thể loại thực sự của hai tác phẩm này. Có thể xếp rốt ráo chúng vào tùy bút, bút ký, hồi ký, tản văn… hay không? Bất cứ sự lựa chọn khuôn khổ thể loại nào cũng tiềm chứa nhiều nguy cơ. Bởi vì, cả hai tác phẩm của Uông Triều về Hà Nội được viết dưới tư duy nguyên hợp của hậu hiện đại. Tức là, cả hai tác phẩm là sự kết nối liên văn bản của nhiều tiểu luận (48 tiểu luận trong Hà Nội - dấu xưa, phố cũ và 41 tiểu luận trong Hà Nội - quán xá phố phường). Dưới hình hài của những tiểu tự sự tưởng chừng rất tùy tiện, ngẫu hứng trong lối viết, đề tài, chủ đề… là một mạng lưới liên văn bản (intertext) nối kết chặt chẽ, ổn định và đầy dụng ý.

Tôi xin nhấn mạnh, dung lượng trang của cả hai công trình là không nhiều (238 trang đối với Hà Nội - dấu xưa, phố cũ và 206 trang đối với Hà Nội - quán xá phố phường). Theo nhẩm tính của tôi, đối với Hà Nội - dấu xưa, phố cũ, mỗi tiểu luận chỉ chiếm trung bình khoảng 5 trang; đối với Hà Nội - quán xá phố phường, mỗi tiểu luận cũng chỉ chiếm trung bình khoảng 5 trang. Dung lượng hai tác phẩm như vậy là có khác nhau đôi chút, nhưng độ dài các tiểu luận trung bình gần như bằng nhau. Hẳn đó là một dụng ý của tác giả. Anh cốt không viết dài, mà chỉ ngắn gọn, sơ khảo, không sa đà vào các cứ liệu lịch sử, song cũng kiệm lời, tiết chế trong việc biểu lộ những cảm xúc, kỷ niệm cá nhân.

Lối viết vừa kết hợp bút pháp cực hạn/thiểu tố (minimalism) với sự nối kết liên văn bản này đã tạo ra bức thảm dệt (palimpsest) của những diễn ngôn, tiếng nói khác nhau, những văn bản của lịch sử quá khứ chồng lấn với những văn bản đương đại đầy màu sắc. Nói thế để thấy, hai tác phẩm của Uông Triều viết về Hà Nội là cuộc du hành qua điển phạm của những thể loại. Nó vừa là tản văn, lại vừa là tùy bút, có chỗ là bút ký, lại có chỗ là hồi ký, có chỗ là ký sự, lại có chỗ mang hơi hướng tự truyện. Nói một cách nghiêm túc, có thể tạm gọi hai tác phẩm này là tạp văn, hay tạp bút. Dĩ nhiên, trong quan điểm của tôi, “tạp văn” được hiểu là lối viết văn xuôi tự do, ngẫu hứng phi hư cấu, trong những cấu trúc và dung lượng ngắn, chứ không phải là những tiểu luận có tính chính trị, nặng về đấu tranh giai cấp, mang tính chính luận hay trào luận, châm biếm xã hội như cách hiểu trong sách Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên).

Một vài tiểu luận về các tên đường, các đền chùa, các địa danh ở Hà Nội mang đặc trưng của thể loại tản văn, bởi vì nó mang đầy đủ tính chất: “ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của những hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộc trực tiếp tình cảm, ý nghĩa mang đậm bản sắc cá tính của tác giả” [2, tr. 293].

Một số tiểu luận lại mang đặc trưng của tùy bút, bởi nó có chất chính luận và suy tưởng triết lý. Ngôn ngữ giàu chất thơ và tính hình ảnh khi nhận định về địa danh của Hà Nội. Uông Triều thực sự đã viết nhiều tiểu luận về ẩm thực theo lối: “ghi chép những con người và sự kiện cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú trọng đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống hiện tại” [2,tr.380]. Một số tiểu luận lại mang đặc trưng của bút ký, nhằm “ghi lại những con người thực và sự việc mà nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó. Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút ký tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khám phá, diễn đạt của tác giả đối với sự kiện được đề cập đến nhằm khám phá ra những khía cạnh “có vấn đề”, những ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc trong va chạm giữa tính cách với hoàn cảnh, cánh nhân và môi trường, Nói cách khác, giá trị hàng đầu của bút ký là giá trị nhận thức” [2, tr.28].

Nhìn chung, cả hai tác phẩm là sự tập hợp những tiểu luận được viết theo lối tiểu tự sự (petit narrative), nhằm thể hiện góc nhìn và cảm quan của cá nhân Uông Triều về Hà Nội. Lối viết có tính nguyên hợp này mang lại cho cá nhân nhà văn một lợi điểm, đó là sự tự do trong suy nghĩ và cách biểu đạt. Anh gần như không bị gò bó vào trong bất cứ cái khuôn mẫu nào của thể loại. Nhà văn thản nhiên nghĩ gì, biết gì, đam mê vấn đề nào, tư liệu lịch sử có đến đâu, trải nghiệm cá nhân đến mức nào thì viết ra như thế ấy. Tiểu luận này có tính tản văn thì ngay lập tức tiểu luận sau đó có tính tự truyện, tiểu luận sau nữa là bút ký, chẳng sao cả, miễn là viết về Hà Nội. Dĩ nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, lối viết được lựa chọn này cũng tạo ra những giới hạn chết người. Ví dụ như vài tiểu luận có tính triết lý, nhận định không sâu, chủ kiến cá nhân bộc lộ rất ít, các tri thức văn hóa - lịch sử rất phổ thông, dễ dàng tìm kiếm qua mạng. Chưa kể, xét một cách tổng thể, có nhiều tiểu luận bị trùng lặp giữa hai tuyển tập, cho dù là trùng lặp một phần hay trùng lặp đa phần.

Lối viết này, từ góc độ người đọc cũng tạo ra nhiều thuận lợi. Thứ nhất, bạn đọc phổ thông sẽ rất dễ dàng đón nhận bởi khoảng cách thẩm mỹ không lớn, tầm đón đợi không đòi hỏi phải uyên bác hay chuyên nghiệp trong khi đọc. Thứ hai, loại sách này rất phù hợp với những khách du lịch, vốn ít thời gian và thường xuyên di chuyển. Họ cần những thông tin ngắn gọn, súc tích, chuyển tải đầy đủ tri thức lịch sử, văn hóa, trong một hình thức phổ thông, đơn giản, không đánh đố người đọc. Điều loại bạn đọc này cần và chờ mong khi thông diễn loại sách này, đó là sự độc đáo trong những câu chuyện bên lề, huyền thoại, các sự kiện lịch sử độc đáo, quan trọng gắn với các địa danh của Hà Nội. Điều này sẽ nhằm gợi ra sự hứng khởi, tò mò khám phá từ phía người đọc. Rõ ràng lối viết có dung lượng càng ngắn gọn, tri thức càng phổ thông, câu chuyện được kể càng độc đáo, thì cơ hội bạn đọc tìm mua sẽ càng nhiều hơn. Hai quyển sách về Hà Nội của Uông Triều được tính toán kỹ cho loại bạn đọc đặc thù ấy, nên những phê phán về tính sơ lược của các tiểu luận cần được đánh trượt đi, như một nhầm lẫn trong nhận định. Chiến lược viết lúc này, không bị quy định bởi trình độ và kiến văn của tác giả, mà chủ yếu phụ thuộc vào hoàn cảnh đọc và đặc trưng của đối tượng tiếp nhận văn học.

1. Tâm thế kẻ ngoại lai và góc nhìn từ bên ngoài

Tôi xin đặc biệt nhấn mạnh đến tâm thế kẻ bên lề, người ngụ cư và người ly hương của Uông Triều đối với Hà Nội, được thể hiện xuyên suốt trong cả hai tác phẩm. Viết về Hà Nội là một sự dũng cảm, bởi đi sau chi chít những dấu chân của tiền nhân, mà đa phần họ đều là những người khổng lồ trong địa hạt văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng và cả văn chương. Tiêu biểu ta có thể kể ngay đến Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Tô Hoài, Hoàng Đạo Thúy, Doãn Kế Thiện… hay gần đây hơn là Nguyễn Việt Hà, Bảo Ninh, Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý…

Uông Triều sinh năm 1977, tên thật là Nguyễn Xuân Ban, sinh tại Đông Triều, Quảng Ninh. Anh được đào tạo để trở thành giáo viên, và trên thực tế đã có gần 10 năm làm giáo viên ngoại ngữ tại vùng Đông Bắc Việt Nam. Uông Triều có hai khoảng thời gian sống trải trong lòng văn hóa Hà Nội. Giai đoạn 1, đó là khi anh từ quê hương Quảng Ninh về Hà Nội học đại học trong vòng năm năm. Những kỷ niệm tươi mới, tinh khôi, những cuộc vui và tình yêu đầu đời nảy sinh chủ yếu trong giai đoạn này. Hà Nội chính vì thế, trong văn xuôi Uông Triều luôn thấm đẫm chất hoài niệm. Tôi nhận ra, tình yêu với Hà Nội của nhà văn chủ yếu nảy sinh trong giai đoạn này. Thực ra điều này cũng rất dễ hiểu, bởi 1.825 ngày là một quãng thời gian ngắn trong đời người, nhưng năm năm đại học, từ 20 đến 25 tuổi lại là quãng thời gian đẹp nhất. Nó là thời gian của yêu đương, của trưởng thành, của hình thành nhận thức, bản lĩnh và là quãng va chạm giữa những khát vọng với thực tế đời sống thô ráp. Sau đó, Hà Nội là một hình ảnh cố hương hoài nhớ khôn nguôi trong cấu trúc tâm thần bộ của Uông Triều, khi anh chia xa Thủ đô trong mười năm. Mười năm ấy, anh đi dạy trên những rẻo núi cao vùng Đông Bắc hoang sơ. Hà Nội chính vì thế là một ảnh xạ của thiên đường vàng son bị đánh mất. Một cảm thức mà chúng ta dễ dàng nhận ra khi đọc Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Trong mười năm đằng đẵng nơi tỉnh lẻ nằm ở khu vực ngoại biên của đô thị, hẳn rằng, ký ức của Uông Triều về Hà Nội vẫn hằng ngày khai quật lại các kỷ niệm và trải nghiệm đã trôi qua nhưng chưa bao giờ đánh mất.

Hà Nội trong tâm thức Uông Triều không phải là quê hương, khác với hàng loạt những nhà văn, nhà văn hóa khi viết về nơi đây. Những nhà văn người Hà Nội nhìn Thủ đô từ bên trong, từ nơi chôn rau cắn rốn, như những gì thân thuộc nhất. Uông Triều nhìn Hà Nội từ bên ngoài. Anh có đủ tỉnh táo, lý tính để nhận ra những oái oăm, trái khoáy, những cái cần phê phán của Hà Nội. Trong hai công trình, chúng ta vẫn thấy nhà văn thẳng thắn phê phán về những nhược điểm này. Ví dụ như thói quen phục vụ khách ăn lề mề, quan liêu; những con phố, đường sá ngoằn nghèo nhỏ bé như ma trận; giao thông ùn tắc; hay quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch dẫn đến nhiều khu nhà bé nhỏ, chật chội như mê cung; quá trình dồn tụ tập trung dân cư quá cao, dẫn đến chiếm lĩnh các không gian văn hóa tâm linh, đẩy đền thờ miếu mạo lên tầng hai... Nếu là người Hà Nội gốc, hay chí ít là người được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sự bất thường, trái khoáy trên sẽ trở nên bình thường “như cân đường hộp sữa”.

Uông Triều giống đa phần bạn đọc, nhìn Hà Nội từ bên ngoài, trong tâm thế của một kẻ nhập cư bên lề, đến từ tỉnh lẻ. Hẳn rằng nếu anh đến từ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... cái nhìn cũng sẽ khác đi nhiều. Uông Triều sinh ra tại một huyện của Quảng Ninh, sau đó anh lại di thê mười năm dạy học ở khu vực miền núi Đông Bắc. Quá trình trải nghiệm đó đủ giúp nhà văn nhận ra những điểm đẹp nhất, cũng như những giới hạn đặc thù nhất của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Tâm thế kẻ bên lề, tỉnh lẻ của Uông Triều cũng khiến anh có cái nhìn quan tâm, đồng cảm hơn đối với những người nghèo, kẻ ngụ cư, những người cơ nhỡ trong văn xuôi viết về Hà Nội. Nhà phê bình Mai Anh Tuấn đánh giá rất đúng về đặc trưng này: “Trong muôn vàn Hà Nội của văn chương, tôi hay chú mục đến tính chất hoài thương (nostalgia) về những điều đã mất, những thứ lùi sâu vào quá vãng nhưng dễ lay động thực tại, rồi, bằng xúc tác của tình bao dung và óc tỉnh táo nửa thị dân nửa thôn dân, người viết sẽ trải lòng yêu thêm những gì đang hiện hữu... Cho nên, rốt cuộc, Uông Triều viết về Hà Nội bằng sự chân thực, hồn nhiên của một người “tỉnh lẻ” [4, tr.6-7].

Nhưng Uông Triều không ra đi vĩnh viễn khỏi Hà Nội. Sau cuộc chia ly “mười năm tai biến”, anh đã lại “Tình nhân lại gặp tình nhân - Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình” (Truyện Kiều) với người tình Hà Nội. Uông Triều với đam mê và tài năng văn chương, một lần nữa quay về với Hà Nội để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Cuộc hội ngộ lần này là lâu dài bền vững, chí ít cho đến hôm nay vẫn chưa có chia ly. Uông Triều đầu quân cho tạp chí Văn nghệ quân đội, dưới cái mác của một biên tập viên mảng văn xuôi (như phần nào nội dung quyển tiểu thuyết có tính chất tự truyện là Cô độc vừa xuất bản gần đây), song về cơ bản anh vẫn là một người cầm bút sáng tác. Uông Triều mang trên vai quân hàm sĩ quan đại úy, song anh gần như không bị câu thúc, kiềm tỏa bởi công việc của mình. Trên hết, anh vẫn là người tự do trong tư tưởng, là nhà văn liên tục thể nghiệm sáng tạo như Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Đinh Phương... những nhà văn quân đội đồng nghiệp của anh tại số 4 Lý Nam Đế.

Giai đoạn 2 sinh sống ở Hà Nội này có một ý nghĩa khác đối với những trải nghiệm và suy tư của anh về mảnh đất kinh kỳ. Những tri thức về Hà Nội, tư liệu về lịch sử, tôn giáo, văn chương, danh nhân chủ yếu được bồi tụ trong giai đoạn thứ hai, biến anh trở thành một người đọc nhiều biết rộng về Hà Nội. Công việc không qua thúc bách, câu nệ về thời gian, cũng như nội quy của một biên tập viên báo nghệ thuật giúp anh tự do đi lại, trải nghiệm, thăm viếng các địa danh ở Hà Nội. Các mối quan hệ, nguồn tư liệu dồi dào đến từ nghề nghiệp cũng giúp Uông Triều hiểu sâu hơn về Hà Nội. Ngày trước chỉ mới “yêu”, giai đoạn sau này mới là “hiểu” về Hà Nội. Hà Nội như thế, hai lần chồng lớp và chiếu phóng trong tâm thức của Uông Triều. Nói cách khác, có “hai Hà Nội” trong tác phẩm của Uông Triều, một Hà Nội “của trái tim”, của tuổi trẻ, của quá khứ và một Hà Nội khác “của trí óc”, của tuổi trung niên, của hiện tại. Hà Nội của cảm xúc tươi mới đã dẫn đến Hà Nội của tìm tòi sử liệu. Do đó, cả hai Hà Nội này khác nhau, song thống nhất với nhau trong văn xuôi Uông Triều. Đọc lại cả hai tác phẩm viết về cùng một địa danh, nhưng ta vẫn thấy quyển Hà Nội - quán xá phố phường nghiêng về các ký ức tuổi ban đầu mới đến Hà Nội, trong khi đó, quyển Hà Nội - dấu xưa, phố cũ lại gắn với những chiêm nghiệm, tìm tòi, sưu tầm sử liệu, đặc trưng cho giai đoạn thứ hai nhà văn sống tại Hà Nội. Dĩ nhiên, mọi sự tách bạch và phân biệt đều có tính chất tương đối, do cả hai công trình này đều mới chỉ được viết gần đây. Mọi cảm xúc tuổi trẻ đều là sự hoài niệm của một Uông Triều của hiện hữu tại thế, ngay lúc này, tại đây.

Nhà văn tâm sự: “Tôi nhìn Hà Nội theo cách của riêng tôi, chủ yếu từ quan sát của một người không sinh ra ở Hà Nội, hai mươi tuổi tôi mới đến Hà Nội lần đầu… dời đi mười năm xa cách rồi lại trở về. Chính cái sự không sinh ra ở Hà Nội, sống ngắt quãng với nó và trở về cho tôi cái nhìn riêng biệt về thành phố này. Tôi nhìn Hà Nội với tâm thế không phải người thân thuộc mà khám phá thành phố với ánh mắt đôi chút ngỡ ngàng, lạ lẫm, lúc thì thích thú, khi thì bực tức nóng giận vì sự ồn ào, ngột ngạt của nó” [3, tr.7]. Cái nhìn và tâm thế ngoại biên này của Uông Triều đã làm nên cá tính riêng trong tạp văn của anh về Hà Nội. Anh không nhìn Hà Nội từ trung tâm, từ Hồ Gươm, từ Ba Đình, từ Nhà hát Lớn, từ Bưu điện trung tâm, từ Ga Hàng cỏ, từ những di sản Hoàng Thành Thăng Long hay 36 phố cổ, mà từ vị thế của một kẻ bên lề.

Hà Nội trong tạp văn của anh là Hà Nội của riêng anh, từ góc nhìn và trải nghiệm cá nhân của một chàng trai tỉnh lẻ, sống, chia ly rồi lại đoàn tụ với Hà Nội trong suốt cả cuộc đời. Từ vị thế ấy của nhà văn, cảm nhận, chiêm nghiệm và triết lý trong cả hai tác phẩm là một “Hà Nội khác”, dưới quan điểm của mỹ học về cái khác (theo cách nói của Đỗ Lai Thúy). Anh luôn quan tâm đến những kẻ bên lề xã hội giống mình, cũng như sẵn sàng nhìn trực diện vào những giới hạn, những thói hư tật xấu của người thủ đô ngàn năm văn vật. Tình yêu của Uông Triều với Hà Nội là điều dễ dàng nhận ra, song đó dứt khoát không phải là một tình yêu mù quáng, vô điều kiện.

2. Hà Nội trong mắt ai

Tạp văn của Uông Triều viết về Hà Nội đạt đến độ hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tính chủ quan và khách quan trong lối viết. Về tính khách quan, chúng ta dễ dàng nhận ra những nguồn tư liệu, sử liệu ngồn ngộn ở bất kỳ tiểu luận nào, dẫu là về lai lịch địa danh, về những sự kiện - nhân vật lịch sử gắn với địa danh đó, hay là tiểu sử của người được đặt tên cho địa danh. Chúng tôi sẽ quay lại tính khách quan này ở phần sau của bài viết. Riêng về tính chủ quan, đặc trưng tạo nên sức nặng của phong cách tạp văn Uông Triều, có mấy điểm cơ bản cần chỉ ra như sau. Thứ nhất, Uông Triều sử dụng nhiều cảm xúc, ký ức, kỷ niệm cá nhân khi viết về Hà Nội. Hà Nội như vậy, không còn là một khách thể tự thân, mà nó được cấp nghĩa thông qua chủ thể trữ tình. Một Hà Nội của người ta, trở thành Hà Nội “của mình”, cho dù nhà văn không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

Khi viết về công viên Thủ Lệ, Uông Triều không ngay lập tức tung ra nhiều tư liệu lịch sử, điều thật ra không khó để kiếm tìm trong thời đại bùng nổ thông tin internet hiện nay, với sự tồn tại của phép màu Google. Anh khởi đầu bằng một kỷ niệm cá nhân. “Tôi biết đến công viên Thủ Lệ lần đầu tiên qua truyện ngắn Con voi ở công viên Thủ Lệ của nhà văn Ngô Văn Phú in trong sách giáo khoa và thế hệ học sinh chúng tôi từng được học… Công viên Thủ Lệ còn cho tôi một kỷ niệm đáng nhớ nữa, đó là khi tôi chập chững viết văn, tôi nhớ khi ấy đài báo đưa tin, lần đầu tiên có một chú hổ con được sinh ra ngay trong công viên và được đặt tên là Sơn Nhi - đứa con của rừng. Tôi thích thú với cái tên đó quá và lấy làm tên một nhân vật nữ chính trong truyện ngắn lịch sử của mình” (Núi phải bò, voi phải phục) [3, tr.32-33]. Khi viết về khung cảnh Hà Nội nhìn từ trên cao, Uông Triều thể hiện rõ cái nhìn cá nhân: “Tôi đã nhiều lần đứng trên các chung cư cao tầng, khách sạn lớn, hoặc các tháp chọc trời của thành phố để quan sát rồi ngắm nhìn. Lần đầu tiên là ngạc nhiên, thậm chí sững sờ, những lần sau vẫn còn thích thú” [3, tr.43]. Như vậy, toàn bộ tạp văn viết về Hà Nội của Uông Triều trước tiên và chủ yếu là bản tường trình tâm hồn của anh, hơn là nguồn tri thức khách quan muốn chia sẻ đến bạn đọc. Dẫu sao, xét về độ sâu sắc, uyên bác, thông kinh thuộc sử, Uông Triều vẫn chỉ là người tay ngang, không so được với những nhà Hà Nội học, những nhà văn lừng danh quê gốc Hà Nội hay có quãng thời gian sống ở Hà Nội lâu dài như Hoàng Đạo Thúy, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Việt Hà… Uông Triều như đã tự nhận trong lời nói đầu quyển Hà Nội - dấu xưa, phố cũ, anh chỉ là người ngoại đạo, kẻ ngụ cư, hay đơn giản hơn, anh chỉ là người yêu Hà Nội theo cách của mình. “Đừng đòi hỏi quá nhiều ở tôi, tôi không phải nhà viết sử Hà Nội, không phải nhà địa chí hay ẩm thực… tôi biết nhiều người làm việc đó giỏi hơn tôi. Tôi nhìn Hà Nội vừa xa, vừa gần” [3, tr.8].

Suy cho cùng, điều bạn đọc cần không phải là một cẩm nang du lịch Hà Nội, hay là một quyển sử tư liệu về Hà Nội khi tìm mua và đọc hai tác phẩm của Uông Triều. Họ cần một Hà Nội khác, mới, riêng tư của nhà văn gốc Quảng Ninh. Họ cần xem anh cảm nhận Hà Nội từ góc độ riêng của mình như thế nào, điểm nào có thể sẻ chia, điểm nào có thể phủ định hay phản biện. Đó cũng là sứ mệnh của nhà văn nói riêng lẫn văn chương nói chung. Văn chương không phải là bản sao chính xác của hiện thực, bản thân nó là một hiện thực được ảnh xạ qua góc nhìn cá nhân của nhà văn. Người ta tìm đến văn chương là để trải nghiệm cái riêng, cái hư cấu, cái suy tư, triết lý của người viết, không phải để tìm thông tin hay tìm sự thật, hiện thực. Một hiện thực hay sự thật tuyệt đối chính xác là không bao giờ tồn tại trong văn chương, cho dù văn chương luôn được khởi sinh mang bản chất của hiện thực.

Qua tạp văn của Uông Triều, hành trạng, cuộc đời, tình cảm của chủ thể trữ tình - đại diện trực tiếp cho nhà văn thể hiện khá rõ. Do đó, tạp văn của anh ít nhiều mang tính chất tự truyện hay hồi ký. “Điều thú vị nữa là tòa nhà này giống hệt tòa nhà của cơ quan tôi - Tạp chí Văn nghệ quân đội trên đường Lý Nam Đế, nhưng có quy mô lớn hơn” [3, tr.47]. Cái hay của nhà văn là anh không quá sa đà vào những trải nghiệm cá nhân, mà luôn biết tiết chế nhằm tôn lên hình ảnh Hà Nội so với hình tượng cá nhân mình.

Điểm thể hiện rõ nhất cho tính chủ quan trong lối viết tạp văn của Uông Triều, đó là anh cảm nhận Hà Nội từ mọi cơ quan cảm giác. Hà Nội do đó hiện ra không phải như một huyền thoại, một di tích lịch sử, mà đó là một Hà Nội chân thật, chủ quan. Uông Triều gần như sử dụng mọi cơ quan cảm giác thông thường của một con người để nhận định về Hà Nội: thính giác, khứu giác, thị giác, vị giác, xúc giác.

Vị giác có lẽ chiếm ưu thế rõ rệt nhất trong cách thức Uông Triều tiếp cận với Hà Nội, vì cả hai quyển tạp văn đã dành một dung lượng lớn những tiểu luận, hay những đoạn trong các tiểu luận viết về địa điểm ăn uống, thức quà ngon đặc sản, thói quen ăn uống của người Hà Nội. Vị giác luôn là cách thức tiếp cận trực quan, trực tiếp và cũng chủ quan nhất. Đọc cả hai quyển tạp văn, có lẽ điều đáng lưu ý bạn đọc là không nên tiếp cận khi trong tình trạng… bao tử rỗng không, bởi sẽ dễ dàng bị câu chữ của nhà văn làm cho khổ sở vì các món ngon vật lạ. Đặc biệt trong quyển Hà Nội - quán xá phố phường, bạn đọc sẽ được nhà văn mời thưởng thức những món ăn quyến rũ không thể chối từ như bánh rán, mắm tép chưng thịt, mì vằn thắn, nem, bún cá, bún ốc, lòng lợn, phở gà, kem, trà đá, cà phê... Nhiều đoạn viết về ẩm thực của Uông Triều xứng đáng là truyền nhân của Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng (Miếng ngon Hà Nội).

Điểm tôi chú ý đến cách Uông Triều tiếp cận ẩm thực Hà Nội, đó là anh không quá cao siêu, vận dụng triết lý âm dương ngũ hành gì phức tạp, mà chỉ kể về trải nghiệm cá nhân đối với những món ăn rất bình dân, quen thuộc, thậm chí là rất khó viết nên thơ. Nhiều món ăn mang hồn cốt Hà Nội được Uông Triều miêu tả sự thưởng thức đạt đến độ vi tế, đầy tính chất nghệ thuật trong thưởng lãm. Một lối viết về ẩm thực như là viết về nghệ thuật, chạm đến những chiều kích văn hóa như Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng từng đi trước. Thậm chí, bản lĩnh và gan dạ, Uông Triều từng dám phê phán cảm quan ẩm thực của Nguyễn Tuân về phở gà. “Cụ viết về phở bò và cũng tiện thể chê luôn phở gà… Nguyễn Tuân không sai nhưng không đúng hoàn toàn. Phở gà có những ưu điểm mà phở bò không có được… Loại gà ngon nhất làm phở là gà trống, hay gọi là gà cồ, cỡ từ 2 kg trở lên là chuẩn nhất. Thịt gà trống săn chắc, thơm, có lớp da vàng giòn và khách sành ăn thường yêu cầu thịt đùi vì đó là phần ngon nhất… Người chủ hàng thịt rất khéo, miếng thịt gà tuy nhỏ nhưng dính tí da nên vừa đẹp mắt vừa có vị béo, giòn” [4,tr.138].

Bên cạnh vị giác, thính giác là giác quan thường xuyên được Uông Triều sử dụng trong việc cảm nhận Hà Nội. Thanh âm của lò rèn tại Hàng Thiếc, tiếng rao đêm khuya của những người nghèo ngụ cư bán hàng rong (Thanh âm của phố) luôn vang vọng trong tâm thức nhà văn, dẫu khi anh đang ở Hà Nội, hay khi đi xa về cố hương, hoặc lên vùng cao dạy học.

Thị giác dĩ nhiên là giác quan được vận dụng nhiều bậc nhất, bởi nó là cửa ngõ của tâm hồn. Qua thị giác, Hà Nội hiện ra trong tâm thức của Uông Triều thật nhiều màu sắc, phồn hoa và đô hội, nhất là vào các lễ trung thu, giáng sinh, giao thừa, tại các con phố chuyên đồ chơi, lồng đèn như Hàng Mã, hoặc các con phố chuyên bán hoa cảnh hay lụa gấm như Hàng Đào, Hàng Lược… “Cả đường phố rực rỡ màu sắc, nhiều nhất là những màu kích thích thị giác như đỏ, vàng, da cam, xanh đậm… Con phố tưng bừng như trong một lễ hội lớn… Những mặt hàng ở phố luôn nhiều màu sắc, người đi mua sắm cũng diện đủ các loại trang phục, đặc biệt là lớp trẻ. Đi trong những dịp đó, thấy như chìm ngập trong một lễ hội hóa trang nhiều màu sắc, tiếng nói, tiếng cười…” (Phố màu) [3, tr.104]. Một không gian đậm chất lễ hội carnaval như ở phương Tây, mà đặc biệt là tại Mỹ La tinh.

Khứu giác dù ít được vận dụng hơn, song vẫn để lại nhiều dấu ấn đáng chú ý trong việc cảm nhận về hồn cốt Hà Nội. Mùi hoa sữa thơm thoang thoảng, có nơi nồng nặc, vị thuốc Bắc thơm nồng ở phố Lãn Ông (Mùi của thành phố) là những mùi đặc trưng của Hà Nội.

3. Đi tìm cấu trúc của lối viết

Đối diện với hai tác phẩm viết về Hà Nội của Uông Triều, điều đặt ra cho sự thông hiểu đó là nhà văn đã dùng những thủ pháp nghệ thuật, chất liệu ngôn ngữ đặc biệt nào để kiến tạo nên những cấu trúc văn xuôi đầy chất thơ.

Bút pháp tạp văn của Uông Triều không nặng về tính tuyên truyền, tính châm biếm xã hội hay bút chiến luận đàm. Nó là sự suy tư về chữ nghĩa, nhằm thể hiện những giá trị văn hóa, khát vọng bảo tồn cũng như đổi mới Hà Nội. Uông Triều viết tạp văn, tản văn, tùy bút là chưa nhiều, song cái thành công đáng ghi nhận của anh đó là xác định được rõ ràng giọng văn, đam mê và phong cách viết. Cả hai tập tạp văn của Uông Triều viết về Hà Nội rất đa dạng về hình thức, phong phú về chủ đề, đề tài. Nhưng thực chất đằng sau cái màu mè, đa dạng đầy những tạp âm đó của lối viết, là một cấu trúc ổn định vững chắc và khá nhất quán. Đi tìm một cấu trúc bề sâu cho tạp văn là không dễ, nếu không muốn nói là khá nan giải, nếu như ta so với thơ cổ điển (Thơ Đường Luật, thơ Xo nê, thơ Haiku). Tuy nhiên, lật giở những lớp mặt nạ hóa trang nhiều màu sắc, ta vẫn cơ may tìm ra cấu trúc bề sâu, thể hiện dụng ý rõ ràng, phong cách ổn định, có chủ ý của người viết. Đa phần những tiểu luận ngắn viết về địa danh của Hà Nội trong cả hai tác phẩm đều có những thành phần cơ bản như sau:

1. Những kỷ niệm, cảm xúc cá nhân của tác giả.

2. Những sự kiện lịch sử từng diễn ra tại địa điểm đó.

3. Những nhân vật lịch sử (chủ yếu là văn nhân, chính trị gia) từng cư trú (định cư hoặc tạm trú) tại địa điểm được đề cập.

4. Những địa chỉ có buôn bán mặt hàng, món ăn được đề cập.

5. Ý nghĩa tên đường, hành trạng, công lao, tiểu sử của yếu nhân lịch sử được chọn đặt tên đường, lịch sử hình thành tên đường, tên địa danh.

6. Những truyền thuyết, chuyện kỳ lạ, kỷ lục liên quan đến địa danh hay yếu nhân lịch sử được lựa chọn đặt cho địa danh đó.

7. Những suy ngẫm, triết lý về Hà Nội được tác giả rút ra qua địa danh, sự kiện, món ăn được trình bày ở trước.

Từ 7 thành phần trên, theo cách gọi của V.Propp là 7 motif, Uông Triều đã cấu trúc nên toàn bộ các tiểu luận in trong hai tác phẩm tạp văn viết về Hà Nội. Dĩ nhiên, ở mỗi tiểu luận cụ thể, thứ tự trình bày có thể khác đi, hoặc bớt đi hoặc thêm vào một vài thành phần, nhưng tổng thể chung thường xuất hiện cố hữu 7 thành phần như thế. Chiến lược viết và phong cách viết tạp văn của Uông Triều chỉ xoay quanh 7 thành phần nói trên, từ đó gia giảm, sắp đặt nên các tiểu luận khác nhau. Đa dạng, phức tạp về chủ đề, thông tin hay câu từ, nhưng lại đạt được sự thống nhất và đơn giản về mặt cấu trúc.

Thành phần 1 (những kỷ niệm, cảm xúc cá nhân tác giả) tôi đã phân tích ở mục 2 của tiểu luận, bởi đó là phần gắn với tính chủ quan trong tạp văn của Uông Triều. Thành phần tưởng chừng như ít quan trọng, khi viết về một địa danh tại Thủ đô theo kiểu văn xuôi phi hư cấu, hóa ra lại là thành phần quan trọng nhất. Nó làm nên cá tính, bản sắc của riêng Uông Triều trong lịch sử những tác phẩm viết về Hà Nội nói riêng và lịch sử tạp văn Việt Nam nói chung.

Ở đây, chỉ xin bàn đến sâu hơn những thành phần còn lại trong cấu trúc tạp văn của Uông Triều. Thành phần 2 và thành phần 3, đó là những danh nhân (từng sinh sống tại một địa điểm ở Hà Nội) cùng những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc từng diễn ra tại địa danh đang được đề cập đến vốn có ý nghĩa quan trọng trong cấu trúc chung. Cả hai thành phần này thể hiện khả năng bao quát tư liệu, phông văn hóa, bản lĩnh chính trị, cùng sự tỉ mỉ, chịu đọc của tác giả Uông Triều. Mặc dù khiêm tốn không nhận mình là nhà Hà Nội học, song có một thực tế khách quan là hai tác phẩm của Uông Triều là kết quả của sự tìm hiểu, sưu tầm tư liệu kỹ càng, cẩn thận. Có những tài liệu dễ tìm, sẵn có, song cũng có những tư liệu quý, nếu không dụng công thì sẽ không bao giờ tìm thấy. Điều này thể hiện ở sự xuất hiện dày đặc, dày dặn của cả hai thành phần 3 và 4 trong cấu trúc chung.

Về sự kiện lịch sử, nhà văn khéo lựa chọn những sự kiện thú vị, đắt giá mà ít người biết được, chứ không đưa ra những sự kiện quá phổ thông. Ví dụ, khi viết về công viên Thủ Lệ, Uông Triều cung cấp một sự kiện lịch sử: “Công viên được xây dựng từ năm 1975 đến 1977 thì xong và đón nhận những chim thú từ công viên Bách Thảo đưa sang. Có nhiều nhân vật nổi tiếng đã tặng quà cho Thủ Lệ. Đó là Chủ tịch Kim Nhật Thành của Triều Tiên từng tặng đôi sếu Nhật Bản, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng đôi trăn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng nai Viêng Chăn” [4, tr.35]. Cái hay của Uông Triều không nằm ở chỗ anh lựa chọn địa danh nào của Hà Nội, mà tài năng nằm ở chỗ ở bất kỳ địa điểm nào của Hà Nội, người đọc cũng cảm nhận được tại đấy trầm tích những câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Ví dụ, khi đề cập đến chùa Bồ Đề trong tiểu luận Ngôi chùa cổ ven sông Hồng, Uông Triều đã viết về sự kiện và nhân vật lịch sử là công chúa Ngọc Hân - phu nhân của vua Quang Trung. Sau khi chồng băng hà, công chúa cũng gửi nắm xương tàn lại mảnh đất Phú Xuân. Mẹ của nàng là bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền thương tiếc con gái lá ngọc cành vàng đã bí mật đem xương cốt người mất về an táng tại quê cũ (làng Nành, Phù Ninh, nay là Gia Lâm thuộc Hà Nội). Ngôi miếu thờ nàng tàn tạ theo năm tháng, may mắn được một ông tú cùng quê thương cảm mà tu bổ. Tuy thế, vật đổi sao dời, nhà Nguyễn lên thay thế Tây Sơn, ra sức trả thù những ân oán cũ. Do có kẻ xúi giục, tố cáo, nên mộ của công chúa Ngọc Hân bị quật lên ném xương cốt xuống sông. Địa điểm ném di cốt đấy chính là đền Gềnh, sát chùa Bồ Đề hiện nay.

Có thể thấy, những sự kiện và nhân vật lịch sử được Uông Triều lựa chọn đưa vào trong tạp văn về Hà Nội không chỉ đơn giản là bởi sự can dự vào các địa danh đang xét đến, mà ở ý nghĩa nhân văn, từ góc độ thân phận con người, hay ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Trường hợp bi kịch của Ngọc Hân tại đền Gềnh là một ví dụ tiêu biểu. Bên cạnh đó là những nhân vật lịch sử khác như Lê Chất trong Bách Thảo - tình yêu một thuở. Khi sửa sang vườn Bách Thảo, người ta bắt gặp ngôi mộ của ông. Lê Chất là danh tướng của triều Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ mất, chán nản trước cảnh “nồi da xáo thịt” ông bỏ sang phe nhà Nguyễn. Lê Chất lập nhiều công trạng và từng được vua cho cai quản các tỉnh miền Bắc. Do những kẻ tiểu nhân tị hiềm, mười năm sau khi mất, vua Minh Mạng vẫn xử tội ông bằng cách xóa hết công trạng, truy bắt vợ con, tịch thu tài sản. 32 năm sau, dưới triều Tự Đức, ông mới được minh oan và trả lại danh vị. Một vài dẫn chứng như thế, để cho thấy, Uông Triều chú ý đến chiều sâu nhân văn, thân phận con người của các vĩ nhân lịch sử, chứ không phải hành trạng hay công lao của họ.

Thành phần số 4 trong cấu trúc thể hiện độ sành sỏi, hiểu biết về ẩm thực Hà Nội. Chỉ một món ăn bình dân hay truyền thống, song Uông Triều luôn cung cấp cho chúng ta nhiều địa chỉ có thể thưởng thức. Mỗi địa chỉ có một phong cách riêng, ưu và nhược riêng mà chưa chắc danh tiếng đã đi liền với chất lượng. Cái hay của Uông Triều đó là anh chỉ ra được sự khác biệt về phong cách ẩm thực của mỗi quán, dù có chung mặt hàng kinh doanh. Một vài địa chỉ ẩm thực vỉa hè, ít nổi tiếng, song theo nhà văn là đáng để thưởng thức cũng điểm đáng chú ý trong các tạp văn. Nó thể hiện cho vốn sống đời thường phong phú, góc nhìn cá nhân của người viết. Uông Triều hiếm khi viết về những nhà hàng sang trọng, những địa danh quá nổi tiếng mà người đọc đã quen mặt đặt tên, anh thường giới thiệu với chúng ta những không gian bình dân.

Ví dụ, với món ăn dân giã là bún ốc (Vị quê bún ốc), nhà văn đã dẫn chúng ta đi từ những hàng bún ốc trong ngõ chợ Đồng Xuân - địa danh có lẽ phổ biến và nổi tiếng nhất của món này tại Hà Nội. Song nhà văn có quan điểm riêng: “nhưng thực ra mấy hàng ốc trong ngõ chợ này chất lượng cũng vừa phải. Nước dùng không thật đủ vị chua và đậm, ở một số hàng cho thêm chuối, đậu nhưng ăn vẫn không thấy độ đậm đà. Ốc thì hơi cứng, hoặc gọi là giòn như nhiều người mô tả nhưng thực ra ốc ngon phải đủ cả độ béo, giòn, mềm” [4, tr.151]. Sau đó, anh dẫn chúng ta qua quán bún ốc phố Hòe Nhai, với đặc trưng nước dùng đậm hơn, tuy ốc thì có hơi cứng và thường cho thêm cả thịt bò và giò. Tiếp nối, anh lại dẫn chúng ta đến hàng bún ốc ở Hàng Khoai, với nước dùng cay gắt, cho thêm đậu phụ và thịt bò nếu có yêu cầu, nhưng giá cả lại đắt đỏ. Cuối cùng, nhà văn mời chúng ta dùng bữa bún ốc tại phố Hai Bà Trưng, với anh là nơi lý tưởng nhất, ốc giòn, mềm, nước dùng không quá cay và có cho thêm sườn sụn. Tuy nhiên, nhược điểm của quán này đó là phong cách phục vụ đúng kiểu Hà Nội: “cái quán này vẫn mắc tính kiêu kỳ của đất Hà thành: quán chỉ mở cửa từ hai giờ chiều cho đến tối và tốc độ phục vụ lúc nào cũng rất từ từ” [4, tr.153]. Tất cả những món ăn khác trong hai quyển tạp văn về Hà Nội như bún cá, phở gà, kem, bánh rán, lòng lợn… đều được viết dưới motif đó. Tức là nhà văn liên tục mời chúng ta du hành qua nhiều địa điểm khác nhau, với những phong cách ẩm thực khác nhau và không quên ghi lại nhận định, cảm nhận cá nhân của mình.

Thành phần số 5 có lẽ là thành phần dễ nhất, song là tất yếu khi viết ký, tạp văn hay tùy bút về các địa danh. Các địa danh, đặc biệt là các tên đường, phố luôn được đặt tên dựa trên tên các danh nhân lịch sử, hoặc các sự kiện lịch sử. Khi nghiên cứu về địa danh đó, chúng ta tất yếu phải hiểu/biết cơ bản về nhân vật hay sự kiện lịch sử được chọn đặt tên. Dĩ nhiên, công bằng mà nói, những danh nhân hay sự kiện được lựa chọn đặt tên thông thường rất nổi tiếng. Thông tin và công trạng của họ nếu như chúng ta không biết sẵn, thì cũng vô cùng dễ dàng tìm kiếm trên nền tảng mạng internet. Điểm tôi xin nhấn mạnh ở thành phần này, đó là sự lựa chọn của Uông Triều. Không phải địa danh, tên đường nào cũng được anh lựa chọn để cung cấp thông tin về danh nhân được lựa chọn (để đặt tên). Thông thường, anh chỉ chọn những nhân vật lịch sử có lòng yêu nước, xả thân vì sự tồn vong của xã tắc, đặc biệt là có công lao với Hà Nội. Ví dụ, trong tiểu luận Đường xà cừ, Uông Triều viết về những con đường rợp bóng xanh mát loài cây có gốc gác xa xôi tận bên châu Phi. Khi đến đường Hoàng Diệu, nhà văn không quên nhắc nhở chúng ta về người Tổng đốc yêu nước, từng tuẫn tiết trước khi giặc tiến vào để tránh bị chúng bắt sống. Viết về Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương - những người có công lao đặc biệt với Hà Nội, dù thất bại và hy sinh song đều thể hiện ý chí quật cường của dân tộc trước ngoại xâm, Uông Triều dành ra rất nhiều tiểu luận để đề cập. Điều này thể hiện giới hạn của lối viết, khi cùng một nhân vật, một hành trạng, nhưng lại bị nhắc đến lặp lại trong nhiều tiểu luận khác nhau. Song có thể đó cũng là một dụng ý, khi nhà văn có thể lờ đi một vài danh nhân được đặt tên đường, để nhấn mạnh, lặp lại công trạng, tư tưởng, cuộc đời của một vài danh nhân khác.

Một vài tìm tòi về nhân vật được đặt tên đường khác lại gây thú vị, ngạc nhiên bởi kiến văn rộng của người viết tạp văn. Ví dụ, với đường Phan Huy Ích, nhà văn chỉ ra: “Phan Huy Ích có lẽ là nhân vật duy nhất ở nước Việt mà cả bố vợ, chính mình, anh rể, con, cháu đều được coi là những nhân vật lịch sử, được đặt tên đường” (Thăng trầm của một tên phố) [3, tr.73].

Uông Triều không chỉ có kiến thức về tên đường, tên địa danh Hà Nội, anh còn có đủ tri thức để phác họa nên một lịch sử hình thành địa danh, con đường đó trong lịch sử. Việc làm này khó hơn nhiều so với tra cứu hành trạng, công lao của một danh nhân nào đó. Ví dụ, trong tiểu luận Thăng trầm một tên phố, con đường Phan Huy Ích ngày nay ở Hà Nội đã được Uông Triều lật giở lại lịch sử đầy biến động. Khi mới hình thành, dưới thời Pháp thuộc, thực dân gọi đó là đường số 33 - một cách đặt tên khô khan duy lý thường thấy ở châu Âu. Năm 1931, dưới ách cai trị của thực dân Pháp, con đường được đổi tên thành Giám mục Deydier, dưới chủ trương lấy tên danh nhân người Pháp có nhiều công lao trong việc xâm lược/khai phá thuộc địa. Năm 1945, tên phố được đổi thành Lê Hữu Cảnh, với chủ trương mới của đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai. Đốc lý mới chủ trương xóa bỏ tên phố, đường có tên của những kẻ thực dân để thay bằng tên danh nhân thuần Việt. Lê Hữu Cảnh là một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng, bị thực dân hành quyết tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, trong thời tạm chiếm, phố Lê Hữu Cảnh được đổi thành phố Bùi Viện - một nhà ngoại giao có chủ trương canh tân đất nước. Năm 1964, phố Bùi Viện chính thức đổi tên thành Phan Huy Ích như ngày nay. Như vậy, Uông Triều chỉ bằng định danh của một con đường, đã dẫn dắt chúng ta đi qua bao thăng trầm lịch sử của Hà Nội. Hàng loạt những con đường, phố khác như Ngô Quyền (Bắc Bộ phủ trên phố Ngô Quyền), Điện Biên Phủ (Đỉnh cao Hà Nội), chợ Đồng Xuân (chợ Đồng Xuân), Hàng Chiếu (Thăng trầm phố Hàng Chiếu)… cũng đều được nhà văn viết theo cấu trúc lịch đại lịch sử như thế.

Tôi nghĩ, không nhiều người có được sự tìm tòi, vốn kiến thức sâu rộng như thế về các địa danh Hà Nội. Và dù tác giả rất khiêm tốn, chỉ cho rằng mình là kẻ ngụ cư tay mơ, song Uông Triều thực ra hoàn toàn có thể xứng đáng là một nhà Hà Nội học, theo cách của riêng anh. Một nhà Hà Nội học mang tính phi hàn lâm, nhà Hà Nội học của đường phố.

Thành phần số 6 là điểm tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh trong cấu trúc tạp văn của Uông Triều. Anh là một người thức thời và hiểu rõ tâm lý bạn đọc. Do đó, trong khi viết, nhà văn đã tính đến làm sao văn bản của mình không rơi vào cái bẫy của sự nhàm chán, hay sự sáo rỗng cũ mòn của những cuộc chạy đua vũ trang khoe khoang kiến thức sử liệu. Trong hoàn cảnh hậu hiện đại, với sự phổ cập hóa thông tin theo ngả mạng internet hóa, mọi sự phô diễn tri thức, tư liệu lịch sử đều trở nên lố bịch, làm màu hay khoe mẽ. Do đó, nhà văn cần thể hiện đẳng cấp của mình, cũng như giữ chân bạn đọc qua một cách thức khác. Uông Triều chọn cách dẫn dắt người đọc vào mê cung của những chuyện kỳ lạ, li kỳ, những huyền thoại và các kỷ lục.

Dày đặc trong các câu chuyện viết về về địa danh Hà Nội, không phải là những vấn đề chính trị, thời sự, cũng không phải chỉ là những sự kiện lịch sử khô khan xong xuôi, hoàn tất, mà là bộ trang phục sặc sỡ của những huyền thoại, những kỷ lục, những câu chuyện kỳ lạ. Ví dụ, khi đề cập đến chùa Mía (Thấp như chùa Mía), nhà văn Uông Triều cung cấp thông tin: “Đây là ngôi chùa từng được tôn vinh là chùa có nhiều tượng cổ nghệ thuật nhất nước với 287 pho tượng bao gồm cả tượng gỗ, tượng đất luyện” [3, tr.39]. Khi viết về đền Quán Thánh (Thần thiêng đền Quán Thánh), tác giả đề cập đến pho tượng huyền bí gây tranh cãi, đó là một pho tượng bằng đá trắng tạc một người đàn ông trùm khăn. Người thì xem đó là đại diện cho Trùm Trọng - người đúc tượng Trần Vũ. Kẻ khác lại xem đó là tượng thần Thổ Kỳ - thần cai quản long mạch. Hay có người xem đó là tổng công trình sư Vũ Công Chấn. Khi viết về Hồ Tây, nhà văn không quên kể về huyền thoại Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ cùng bức tượng rồng đá kỳ lạ thờ ông tại Bắc Ninh. Một bức tượng rồng đầu không bờm râu, tự cắn vào thân mình với vẻ đau đớn tột cùng…

Có thể nói, sự xuất hiện của những huyền thoại, truyền thuyết, chuyện lạ, kỷ lục trong tạp văn của Uông Triều khi viết về Hà Nội không chỉ đơn thuần là cuộc diễu hành của tri thức và vốn sống. Chính thành phần này đã tạo nên sự lôi cuốn, sức hấp dẫn khó chối từ đối với bạn đọc. Những tri thức ấy, đa phần không nằm trong những sử sách chính thống, hoặc nằm ngoài tư duy logic thông thường của đời sống. Tạp văn vốn là thể phi hư cấu, kể cả tản văn hay bút ký, hồi ký. Sức mạnh của hư cấu văn xuôi bị giảm trừ, song không hoàn toàn bị triệt tiêu. Thành phần số 6 là một sự bù khuyết vào hiệu quả cho những khoảng trống hư cấu trong tạp văn của Uông Triều.

Thành phần số 7 xuất hiện không nhiều, song lại làm nên sức mạnh tư tưởng chiều sâu cho tạp văn của Uông Triều. Những đoạn triết lý đúc rút từ hiện thực và lịch sử Hà Nội trong tạp văn Uông Triều không nhiều, một phần do đối tượng tiếp nhận, một phần khác do chính bản thân nhà văn không ưa lên gân. Song thi thoảng, trong một vài tiểu luận, Uông Triều cũng đặt ra những triết lý thâm trầm, sâu sắc. Viết về bức tượng nữ thần tự do (phiên bản tặng Việt Nam) (Cửa Nam có tượng nữ thần), nhà văn đã kể về số phận lịch sử của cuộc hội ngộ Đông - Tây. Bức tượng bằng đồng được đặt nhiều nơi tại Hà Nội, từ khi được chính quyền Pháp trao tặng. Song sau đó, tượng lại được nấu chảy ra nhằm đúc thành tượng Phật để tại chùa Ngũ Xá, sau khi Pháp thất thế rồi bị đánh đổ tại Việt Nam. “Như vậy là kết thúc một hành trình và bây giờ, trong pho tượng đồng nổi tiếng của văn hóa phương Đông đặt ở chùa Ngũ Xá có một phần tượng của văn hóa phương Tây ở trong. Câu chuyện tự thân nó đã toát lên nhiều tầng ý nghĩa đáng suy ngẫm” [3, tr.17].

Những tiểu luận khác khi viết về cảnh quan Hà Nội mỗi dịp lễ tết (Thành phố của dân ngụ cư?), nhà văn đã đặt ra vấn đề chủ thể làm nên hồn cốt, sinh thể cho Hà Nội là những người tỉnh lẻ nhập cư. Người Hà Nội gốc là một khái niệm mơ hồ, cũng như rất khó tìm thấy ở thời điểm đương đại. Cái nhìn giải trung tâm luận về khái niệm “người Hà Nội” này cho thấy một bản lĩnh văn hóa của nhà văn. Trong các tạp văn, Uông Triều có sự quan tâm, đồng cảm đến các thân phận bé mọn, bên lề của Hà Nội như những người bán hàng rong đêm, những chị lao công, những người đàn bà lang thang bên vỉa hè, những người nghèo bán trà đá…

Tạp văn của anh ngoài việc miêu tả hiện thực, còn cho thấy những vấn đề chiều sâu triết lý đằng sau hiện thực đó. Ví dụ, hiện trạng chùa chiền, đền miếu giờ nằm sâu trong ngõ ngách, hay được đưa lên tầng hai trong khi tầng một để kinh doanh hay làm trung tâm hành chính cho thấy mặt trái của đô thị hóa. Sức ép dân số, vấn đề lấn chiếm, vấn đề quy hoạch đô thị, nhận thức bảo toàn văn hóa… rõ ràng đang đặt ra những nan đề hóc búa cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tóm lại, chỉ trong một dung lượng cực hạn, Uông Triều đã dẫn dắt chúng ta lang thang trong chiều kích của thời gian lịch sử, lẫn trong chiều kích của không gian văn hóa Hà Nội. Điều hay ở anh là sự gợi cảm hứng, thúc giục chúng ta tự khám phá một Hà Nội cho riêng mình. Hẳn thế, nên những tiểu luận thường bỏ ngỏ, với nhiều khoảng trắng trong bình luận và cả trong kết thúc, đó là khi tác giả đã chết, và sự đồng sáng tạo của người đọc bắt đầu khởi đi.

Trường An, ngày 6 tháng 9 năm 2020
P.T.A   
(TCSH385/03-2021)

------------------------
Tài liệu tham khảo:

1. Lại Nguyên Ân (biên soạn) (1999), 150 thuật ngữ văn học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
2. Lê Bá Hán và… (chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
3. Uông Triều (2020), Hà Nội - dấu xưa, phố cũ, Nxb. Văn học và Sống, Hà Nội.
4. Uông Triều (2018), Hà Nội - quán xá phố phường, Nxb. Văn học và Sống, Hà Nội.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng