Nghiên Cứu & Bình Luận
Nguyễn Huy Thiệp - Dòng sông đã chảy về trời
14:58 | 19/05/2021

HOÀNG NHẬT    

   Chảy đi sông ơi
   Băn khoăn làm gì?
   Rồi sông đãi hết
   Anh hùng còn chi?

Nguyễn Huy Thiệp - Dòng sông đã chảy về trời

Vào lúc 16 giờ 45 phút, ngày 20 tháng 3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội, sau một thời gian dài chiến đấu với những biến chứng sau lần ông bị đột quỵ. Ông được xem là nhà văn lớn nhất của văn học Việt Nam hiện đại, kể từ sau năm 1975. Trước hết, sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với nền nghệ thuật nước nhà, bởi cho đến nay, sau Nguyễn Huy Thiệp vẫn chưa có một nhà văn nào làm được những việc như ông đã làm, kiến tạo được một thế giới nghệ thuật như ông đã kiến tạo. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đã không khoan nhượng, chọc sâu vào những vết thương rồi nỗ lực chữa lành những vết thương ấy bằng tinh thần nhân bản của mình.

Qua con mắt các nhà phê bình khả tín như Đỗ Lai Thúy, Thụy Khuê, Mai Anh Tuấn, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Văn Thuấn, Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên… chúng ta thấy rằng từ trước đến nay, trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam hiếm có nhà văn nào chiếm được sự ngợi ca đến nhường ấy. Dĩ nhiên, vẫn có những người hạ bệ Nguyễn Huy Thiệp, nhưng với văn tài và văn cách của mình, Nguyễn Huy Thiệp ngày càng chinh phục được bạn đọc và tạo ra được một từ trường lớn, ảnh hướng sâu rộng đến tư tưởng và lối viết của các nhà văn cùng thời và các nhà văn về sau.

Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950 tại Thái Nguyên, quê ở huyện Thanh Trì, thủ đô Hà Nội. Tuổi thơ ông gắn liền với đồng bằng Bắc Bộ. Kể từ khi cầm bút cho đến khi xuất hiện chính thức trên văn đàn là một khoảng thời gian khá dài. Người ta cho rằng ông là một “bông hoa nở muộn” nhưng đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật. Nhưng bông hoa nở muộn này đã thai nghén trước đó rất nhiều bản thảo trên núi rừng âm u Tây Bắc. Sự thai nghén một cách âm thầm, bí mật và cam chịu đớn đau để chờ ngày nở rạng ở thủ đô. Cho đến năm 1986, khi ngọn gió đổi mới mở cửa đã chắp cánh cho văn tài Nguyễn Huy Thiệp rực cháy. “Gió nâng cánh Thiệp bao nhiêu thì Thiệp cũng tạo ra những cánh gió bấy nhiêu.”1 Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn (Tuần báo Văn nghệ tháng 5/1986) bằng những cơn gió lạ như: Muối của rừng, Nàng Sinh, Cô My. Từ đó ông liên tiếp xuất hiện với những tác phẩm tiểu biểu như: Những ngọn gió Hua Tát, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1989; Con gái thủy thần, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1993; Như những ngọn gió (tuyển tập), Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1995; Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết), Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1996; Thương cả cho đời bạc, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2000; Mưa Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2001; Tuổi hai mươi yêu dấu (tiểu thuyết), Nhà xuất bản E’ditions de l’Aube, 2002; Gạ tình lấy điểm (tiểu thuyết), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007...

Những thập niên gần đây, văn học Việt Nam đã du nhập các lý thuyết nghiên cứu nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại, và Nguyễn Huy Thiệp là một cánh đồng màu mỡ, khả tín để những lý thuyết nghiên cứu như Lý thuyết trò chơi, Liên văn bản, Phân Tâm học, Phê bình sinh thái, Lý thuyết diễn ngôn… được triển nở. Nếu xét trên quy mô thay đổi hệ hình, Nguyễn Huy Thiệp là một trường hợp tiêu biểu nhất để văn học Việt Nam sau 1975 chứng minh đã có sự dịch chuyển từ nhãn quan tiền hiện đại đến hiện đại/ hậu hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp là một “cú đột biến” (chữ của Đỗ Lai Thúy), thậm chí Nguyễn Khải, một nhà văn tức thời, cũng nhận định: “Sau Nguyễn Huy Thiệp, người ta không đọc như cũ được nữa”. Và chính nhà văn Nguyễn Khải cũng “ao ước” muốn đổi lấy văn nghiệp của mình để chỉ lấy “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp mà thôi. Nếu xét trên phạm vi văn học Việt Nam thời đổi mới, mở cửa, thì Nguyễn Huy Thiệp là một cột mốc để phân chia văn học trước và sau Nguyễn Huy Thiệp. Có thể thấy, trước Nguyễn Huy Thiệp, văn chương Việt Nam vẫn trượt đi trên từ trường của hào khí sử thi, hoặc hơn nữa là văn chương với lối viết hiện thực phê phán với những thái độ đôi khi ngợi ca, đôi khi phê phán đả kích nhưng không dám nhìn thẳng vào sự thật, không có một thái độ rạch ròi và cuối cùng rơi vào khoan nhượng. Ngược lại, Nguyễn Huy Thiệp lặn lội, chọc sâu vào những vùng cấm kị, phơi bày những đau đớn của thân phận con người, là người không mệt mỏi kêu gào cứu chuộc lương tri.

Từ Nguyễn Huy Thiệp, người ta nhận thấy chưa bao giờ văn học dám nhìn thẳng vào những ung nhọt xã hội như bây giờ. Khởi đi từ những Tướng về hưu, Không có Vua, Gạ tình lấy điểm… văn học đã mạnh mẽ gây hấn, phơi bày những ẩn khuất, những bi kịch của thời đại, đó là những sự phơi bày, lên án không khoan nhượng để con người dám nhìn vào sự thật, đối diện với sự thật, những sự thật trần trụi, nham hiểm, khốn cùng…

Không có vua là một truyện ngắn thể hiện sự dũng cảm của Nguyễn Huy Thiệp khi đi vào đề tài “cấm kị”. Sử dụng nhiều khẩu ngữ chua chát, sắc lạnh, hiềm khích. “Không có vua” là truyện ngắn tham vọng nhất của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng chưa bao giờ được hưởng một sự phân tích hữu hiệu. Có lẽ vì tham vọng của nó quá lớn, vượt hết tầm nhìn của mọi nhà diễn giải.”2 Đây là truyện ngắn tiêu biểu cho cách nhìn cuộc đời và cách viết (bút pháp) của Nguyễn Huy Thiệp. Sự tỉnh táo, sắc lạnh đến chua chát của ông khi nhìn sâu vào sự xuống cấp của đạo đức, bi kịch cá nhân và bi kịch gia đình đã tạo nên một “quả bom” trong văn học. Sự ngợi ca dành cho nó đi kèm với sự la ó là điều dễ hiểu. “Viết như thế cũng là một cách bắn súng lục vào quá khứ.”3 Nhưng với những tác phẩm chứa đựng sự gây hấn và bùng nổ thì những ý kiến trái chiều lại càng thêm chắp cánh cho chính tác phẩm ấy nới rộng biên giới của mình. Không có vua là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự xuống cấp đạo đức, sự giả tạo về nhân nghĩa, sự bất lực của giáo dục trước những bản tính bất trị…

Trong thời điểm viết Tướng về hưu văn đàn Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi từ trường ngợi ca, hào khí sử thi vẫn chiếm ngự, thì truyện ngắn này ra đời như một minh chứng cho luận điểm không thể đọc văn và viết văn như trước nữa. Câu chuyện về ông Thuấn, một người lính thắng trận trên chiến trường lại ngục ngã đớn đau bởi những trò lố trong gia đình trong thời kỳ đã hết binh đao. “Sao tôi cứ như lạc loài?”4 lời ông Thuấn cho thấy sự bất lực của ông.

Người đọc còn bắt gặp sự chua xót trong truyện ngắn Cún.5 Có lẽ đây là truyện ngắn đau đớn nhất nói về thân phận con người trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Đó là sự khát khao được làm người của Cún. Cún, nhân vật trong truyện là một kẻ tật nguyền, bị xã hội hắt hủi, khát khao được làm người của Cún được thể hiện bởi không gian ma quái của truyện, bởi không khí u ám tang thương trong bi kịch người và chó. Truyện với dung lượng vừa phải, nhưng sự dồn nén của tình tiết, sự cô đọng của hình ảnh được đẩy tới mức tối đa. Người đọc vừa đau đớn, vừa xót thương một phận người lam lũ như bao kiếp nhân sinh khác. Khép lại truyện ngắn là cái chết của Cún, “Cún đã chết. Cuộc đời thật ngắn ngủi, cuộc đời của kẻ chưa được thành người. Đấy là mùa đông năm 1944…”.

Nguyễn Huy Thiệp có lối viết đa dạng, tư tưởng và cách nghĩ chứa đựng nhiều ẩn số, bên cạnh những tác phẩm sắc lạnh thì những truyện ngắn như: Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Những ngọn gió Hua Tát… lại có không khí huyền thoại, giọng văn chùng hơn, ngôn ngữ nhiều chất thơ và thiên về thiên tính nữ. Những điều này chứng minh cho một tài năng độc đáo, một tài năng luôn biến hoạt và mê hoặc. Chưa dừng lại ở đó, những tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất phải kể đến là Kiếm sắc, Vàng Lửa, Phẩm tiết. Đây được xem là những dụ ngôn về lịch sử. Những truyện ngắn này cũng cho thấy tài năng và sự đa dạng của ông. Lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử, người viết đi đến giải thiêng và đưa ra những cách nhìn “không giống ai” của mình trước những vấn đề tưởng như đã an bài trong lịch sử. Ông gây hấn với những cách nhìn truyền thống đến nỗi có bạn đọc phải thốt lên: “Tôi nghĩ, đối với những nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhà văn chỉ được tái hiện hoặc hư cấu những chi tiết để giải thích nhân vật đó, chứ không được xuyên tạc họ”6.

Nhưng với sự gây hấn, đả kích… như Nguyễn Huy Thiệp đã làm thì chưa thể chứng tỏ được thế đứng của ông trên văn đàn Việt Nam, chưa thể trở thành một nhà văn được xiển dương và cả bài trừ ngay từ khi xuất hiện. Chưa đủ để bạn đọc thốt lên “Sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp tạo ra một lỗ thủng đối với văn đàn Việt.”7

Ẩn sau những ngôn từ chua chát, hận đời, ẩn sau vẽ dửng dưng, lạnh lùng, ẩn sau những bất cần, bế tắc của Nguyễn Huy Thiệp là những giá trị nhân bản lớn lao của con người, chính vì thế văn chương của ông mới là văn chương đích thực. Chảy đi sông ơi, Sang sông, Tâm hồn mẹ, Muối của rừng… lại là những truyện ngắn đầy chất thơ, giá trị nhân bản nằm ở câu chuyện của mỗi truyện và nằm ở âm hưởng đầy thi tính của mỗi tác phẩm. Ở đâu đó trong những trang văn của Nguyễn Huy Thiệp, là những giọt nước mắt của ông trước những phận người lầm than, những con người dường như bị gạt ra khỏi lề xã hội, đi vào trang viết của ông là những bảo chứng cho tính nhân đạo, nhân bản của một nhà văn đau đời và đau phận mình.

Có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là bậc thầy về truyện ngắn, nhưng bên cạnh đó, ông còn thử nghiệm trong các thể loại như: thơ, tiểu luận, kịch và tiểu thuyết. Thể loại nào ông cũng có những dấu ấn nhất định, bởi lối viết của ông vừa thống nhất vừa biến hóa khôn lường, khi trần trụi thì trần trụi vô cùng, khi trữ tình lại trữ tình thăm thẳm. Ông có sự đan xen không tì vết giữa hiện thực đời sống với không khí ma quái, huyền thoại, đó là những điều không dễ để có được ở những nhà văn cùng thời đại với ông.

Cho đến thời điểm này, có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn Việt Nam có số lượng tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới vào hàng bậc nhất, vì thế, thế giới của ông có một biên giới rộng lớn. Tướng về hưu đã dịch ra tiếng Pháp và đăng trên tạp chí Les Temps Moderness (tháng 3/1989), Un Général à la retraite (Tướng về hưu) được nhà xuất bản Editions de l’Aube ấn hành năm 1990. Ông nhận Huân chương Văn học nghệ thuật của chính phủ Pháp năm 2007. Năm 2008, Nguyễn Huy Thiệp được trao giải thưởng Nonino Risit d’Âur của Ý. Các tác phẩm của ông còn được dịch ra các thứ tiếng như Hà Lan, Anh, Đức, Ý, Thụy Điển.

Trả lời phỏng vấn báo Liberation, Nguyễn Huy Thiệp nói rằng ông sống như một con thú. Có lẽ đúng như vậy, với ông, văn chương và con người là một. Nguyễn Huy Thiệp có vốn sống và kiến văn dồi dào, qua thế giới của ông người ta thấy ông là một nhà văn từng trải. Những cọ xát giữa ông với cuộc đời trần trụi đã cho ông những cái nhìn thấu bản chất, ẩn dưới sự tinh vi sắc lạnh, ẩn dưới sự lạnh lùng đó là một tinh thần nhân bản lớn của một nhà văn thấu hiểu sự nhọc nhằn. Hầu hết những nhà văn lớn nói riêng và những tác gia nghệ thật nói chung họ đều phải đẩy một tảng đá lớn lên ngược non cao như huyền thoại Sisyphus. Tảng đá ấy có khi cuộc đời trao cho họ, họ không thể cự tuyệt, cũng có khi họ tự mang vác vào thân mình mà không chịu buông xuống. Với Nguyễn Huy Thiệp, có lẽ cả hai, đời trao cho ông tảng đá ấy và chính ông cũng tự mang tảng đá đớn đau cho đời mình.

Dĩ nhiên, không có nhà văn nào là toàn bích, Nguyễn Huy Thiệp cũng không ngoại lệ. Khi bước sang lĩnh vực tiểu thuyết, người ta thấy sự non tay của ông so với truyện ngắn. Ở những tiểu thuyết như Tuổi hai mươi yêu dấu, Gạ tình lấy điểm người ta nhận thấy sự “xuống sức” của Nguyễn Huy Thiệp. Kết cấu lỏng lẽo, nhân vật không cá tính, những xung đột vụn vặt, sự kéo dài văn bản tác phẩm không cần thiết… đã một thời làm người đọc thất vọng. Để phân trần, ông nói rằng: “Nghề văn là một nghề mệt nhọc. Nhà văn cũng phải có tiền để sống”8; nói thế để thấy, số phận của ông không khác lắm những nhân vật cùng khổ trong văn chương của ông.

Một nhà văn lớn phải là một tác giả xây dựng được diện mạo của lịch sử trong thời đại mình, người viết lịch sử bằng hình tượng, biểu tượng. Một nhà văn lớn phải là một nhà văn làm nên những dấu mốc để góp phần đổi thay về hệ hình sáng tác của một nền văn học. Một nhà văn lớn phải là một nhà văn luôn đứng về phe những người yếu thế, lắng nghe tiếng nói của họ, xây dựng họ thành những hình tượng mà hình tượng đó sẽ đóng đinh vào lịch sử. Một nhà văn lớn phải là một nhà văn có sự ảnh hưởng đến các nhà văn cùng thời, đồng thời trao truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo. Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp có đầy đủ những điều vừa nói. Thực tế, sau khi nhà văn họ Nguyễn xuất hiện trên văn đàn bằng những luồng gió mới, những luồng gió không mát mẻ, không dễ chịu, ngược lại đó là những luồng gió thách thức sự cảm thụ văn chương truyền thống trước đây, đó là luồng gió nóng và rát, một luồng gió của sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, mà ở đời, sự thật thì mất lòng. Vì thế Nguyễn Huy Thiệp không phải là được lòng tất cả. Những cuộc tranh luận nảy lửa9 kể từ khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đã tạo nên một đợt sóng lớn về quan niệm văn chương trong thời kỳ mở cửa.

Khi Nguyễn Huy Thiệp mất, người ta cho rằng ông đã để lại một khoảng trống lớn trong văn học Việt Nam. Thực tế, sau Nguyễn Huy Thiệp, những người trẻ hơn họ nhanh chóng tiếp xúc mới những chủ nghĩa, trào lưu mới của phương Tây du nhập vào nước ta, nhưng gần như không có một ngòi bút nào đủ rắn chắc để có thể làm được những điều như ông đã làm. Sự rắn chắc trong Nguyễn Huy Thiệp là sự rắn chắc của một người đã kinh qua những điều khủng khiếp nhất thể hiện trong văn chương của ông, vì thế văn chương của ông là văn chương hiện thực, một hiện thực trần trụi, kinh hoàng, một hiện thực không bóp méo, một hiện thực nhìn trực diện nhất từ người quan sát. Người quan sát thuật chuyện tỏ ra dửng dưng, lạnh lùng nhưng trái tim thì đang quặn thắt, đau đớn. Tất cả làm nên từ một kiểu dạng ngôn ngữ rất Nguyễn Huy Thiệp, một thứ ngôn ngữ ít khi hoa mỹ, nhiều đối thoại ngắn, câu văn ngắn, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ sinh hoạt chiếm ưu thế… Vì thế, ông có lẽ là nhà văn xoáy sâu nhất vào những vết thương của thực tại trong thời đại ông.

Nguyễn Huy Thiệp, dòng sông ấy đã về trời. Khi dòng sông ấy về trời, thế gian vẫn còn đó những muộn phiền, trầm luân. Người ta đang chờ đợi những dòng sông khác xuất hiện, đó sẽ là một sự chờ đợi dài lâu. Dòng sông ấy đã về trời, nhưng phù sa châu thổ vẫn còn ở lại, ở lại với thế gian lụy phiền cùng những âm hưởng buồn như lời hát của Trương Chi10 thuở nào còn vọng mãi:

Chào giúp một câu
Cho bớt nỗi sầu
Những mơ ước đâu cả rồi?
Những ước mơ say đắm khôn nguôi…


H.N
(TCSH386/04-2021)

-------------------------
1. “Một cuộc chạy tiếp sức: Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp”, in trong Bờ bên kia của viết, Đỗ lai Thúy, Nxb. Hội Nhà văn. 2016, tr79.
2. Xin xem http://nhilinhblog.blogspot.com/2016/05/khong-co-vua.html  
3. “Viết như thế cũng là một cách bắn súng lục vào quá khứ”, Nguyễn Thúy Ái, in trong Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên sưu tầm và tuyển chọn, Nxb. Văn hóa - Thông tin. 2001, tr 204.”
4. Trích từ truyện ngắn Tướng về hưu, in trong tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp những ngọn gió, Nxb. Văn học. 1999.  
5. Truyện ngắn này đã in trên Tạp chí Sông Hương số 37 năm 1989, về sau được in trong tập Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm, Nxb. Trẻ. 2015.
6. Xung quanh sáng tác Nguyễn Huy Thiệp, Hồng Diệu, in trong Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên sưu tầm và tuyển chọn, Nxb. Văn hóa - Thông tin. 2001, tr 450.”
7. Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một đời nghèo nhưng văn chương huy hoàng, Thiên Điểu, báo Tuổi trẻ, ngày 20/3/2021.
8. Dẫn theo Mai Anh Tuấn, “Nguyễn Huy Thiệp vẫn ở thì đang là” Báo Phụ Nữ, ngày 12/10/2010.
9. Về vấn đề này, bạn đọc có thể tìm đọc cuốn “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”, Phạm Xuân Nguyên sưu tầm và tuyển chọn, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2001. Đây có thể coi là cuốn sách tập hợp nhiều bài tranh luận nhất về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Những bài viết trong Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp là những bài viết có những quan điểm khác nhau về Nguyễn Huy Thiệp, từ đó đưa tới một chân dung về ông, một chân dung đa dạng, một cá tính phức tạp, một phong cách sống cũng như phong cách viết gây ra nhiều tranh luận.
10. Trương Chi in trong tập truyện Thương cả cho đời bạc của Nguyễn Huy Thiệp, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2000, trang 132-144.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng