Nghiên Cứu & Bình Luận
Ký hiệu học và giải cấu trúc
16:34 | 18/06/2021


JONATHAN CULLER

Ký hiệu học và giải cấu trúc
Ảnh: internet

Vào thời điểm khi mà ký hiệu học đang dần trở nên phổ biến ở Mỹ - như nó là chủ đề của các cuộc hội thảo, chuyên đề của các khóa giảng đại học và thậm chí là lĩnh vực mà mọi người trong các ngành học truyền thống khác nhau đang bắt đầu liên hệ nó với tác phẩm cũng như công việc của họ - cũng là thời điểm, có lẽ nói như vậy sẽ hợp hơn, khi mà ký hiệu học nhận thấy bản thân nó đang chịu sự tấn công, bị phê bình như một phiên bản mà nếu nói một cách chính xác thì đó là phiên bản của chủ nghĩa thực chứng khoa học, một khuynh hướng nếu nói đúng ra lại thiên về việc loại bỏ ký hiệu học. Dĩ nhiên, hầu hết các cuộc tấn công vào ký hiệu học xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn truyền thống, khi mà nó đang chạm trán với một môn học sở hữu những kỳ vọng khoa học tuyên bố sẽ xem xét các sản phẩm của tinh thần con người. Những tranh luận này có thể được phản bác theo nhiều cách khác nhau, tuy thế, tôi sẽ không thảo luận chúng ở đây. Tôi muốn quan tâm đến một phê bình cấp tiến hơn, cũng tập trung vào kỳ vọng khoa học của ký hiệu học - một phê bình buộc chúng ta phải chú ý đến, bởi vì, nói một cách chính xác, nó không phải là một phiên bản khác của chủ nghĩa nhân văn truyền thống. Người ta có thể trích dẫn các ví dụ khác nhau để chỉ lập trường này. Ví dụ mà tôi đưa ra ở đây là một ví dụ điển hình đến từ một trong số những người am hiểu rõ về nó cũng như là một trong số các nhà phê bình văn học chịu ảnh hưởng từ di sản châu Âu, tranh luận của J. Hillis Miller cho rằng:

“Một sự khác biệt rõ ràng có thể được rút ra [...] giữa những gì có thể được gọi là sự kết hợp giữa hai cách quan niệm, một bên là các nhà phê bình kiểu Socrates, mang tính lý thuyết hoặc cẩn thận, và một bên là các nhà phê bình kiểu Apollonius/Dionysus, mang tính bi kịch hoặc huyền bí. Các nhà phê bình kiểu Socrates là những người bị ru ngủ bởi sự hứa hẹn về một trật tự hợp lý của nghiên cứu văn học trên cơ sở của những tiến bộ vững chắc trong tri thức khoa học về ngôn ngữ. Họ có khả năng tự nói về mình như là “những nhà khoa học” và thống nhất nỗ lực tập thể của họ theo một số cách nói như “các khoa học nhân văn”. [...] Một nỗ lực như vậy được trình bày bởi một môn học được gọi là ký hiệu học [...]. Đối với hầu hết các nhà phê bình này, họ đều có chung sở thích hướng đến Socrates, điều mà Nietzsche đã định nghĩa là “niềm tin không thể lay chuyển qua đó tư duy, bằng việc sử dụng các mối mạch logic, có thể thâm nhập vào những vực thẳm sâu nhất của con người [...].” Những người thừa kế niềm tin kiểu Socrates sẽ tin vào khả năng của một phê bình lấy cảm hứng từ cấu trúc luận như là một hoạt động hữu lý và có thể hợp lý, cùng sự đồng thuận liên quan đến các nguyên tắc thủ pháp, các sự kiện được đem lại và các kết quả có thể đo lường được. Đây sẽ là một môn học đưa văn học ra ánh sáng trong một “chủ nghĩa thực chứng hạnh phúc” (1976: 335).”

Mặt khác, “các nhà phê bình huyền bí” không có niềm tin như vậy vào khả năng của các lý thuyết chung và có hệ thống, bởi vì họ phát hiện ra rằng một công việc cẩn thận thông qua các văn bản cụ thể, dù là văn học hay triết học, đều dẫn đến những nghịch lý không thể kiểm soát, các nan đề, mà dường như qua đó, chúng vốn dĩ cấu thành nên địa giới của chính sự biểu nghĩa.

Tôi trích dẫn lập luận này như một ví dụ về thái độ nhận thức đã tồn tại được gọi là “hậu cấu trúc luận” hay “giải cấu trúc”, nhưng tôi ít quan tâm đến lối giải thích riêng của Miller về tình huống này, như thể chủ yếu vẫn dựa trên các phạm trù tâm lý - theo đó, những người cổ xúy ký hiệu học “bị ru ngủ bởi sự hứa hẹn về trật tự hợp lý”?, rằng liệu chúng ta có thể có “một niềm tin không thể lay chuyển” thuộc về tư duy như thế hay không? Thay vào đó, tôi muốn hướng đến một lối diễn giải mạnh mẽ hơn về ngôn ngữ học và ký hiệu học mà các phát biểu như của Miller sau cùng đều phụ thuộc: cách đọc Saussure của Jacques Derrida trong Về văn tự học (De la grammatologie). Tôi muốn tập trung vào cách đọc này không chỉ vì tôi nghĩ Derrida đúng và rằng lập luận của ông nên được hiểu rõ hơn giữa các nhà ký hiệu học mà còn bởi vì tôi quan tâm đến những hàm ý của ký hiệu học từ cách đọc giải cấu trúc này.

Nhưng trước hết, tôi xin có đôi lời về dự án tổng quan của Derrida. Các bài viết của Derrida, các cách đọc của ông về các văn bản lý thuyết, là những khám phá về cái mà ông gọi là “ngôn tâm luận” (logocentrism) của nền văn hóa phương Tây. Đây là một chủ thuyết đặc trưng cho nền “siêu hình học hiện diện” (metaphysics of presence), qua đó các văn bản có thể được thể hiện dưới dạng đồng thời được xác nhận lẫn bị triệt hủy. Siêu hình học hiện diện - nền siêu hình học của chúng ta - xác định hữu thể như là sự hiện diện, trợ ứng cho tính ưu việt hữu thể học, ví dụ, cho cái được tư duy hiểu như là cái hiện diện cho ý thức. Qua cái tôi tư duy (cogito) của Descartes, ở đó, cái tôi được nhận định là nằm bên ngoài sự hoài nghi bởi vì nó hiện diện cho chính nó trong hành động tư duy, là một cái hoàn toàn có thực. Ngoài ra, quan niệm của chúng ta cho rằng có một thời khắc hiện diện (present instant) qua đó chúng ta có thể thực sự nắm bắt được ở đó nó là một cái tự đồng nhất và hiện diện cho chúng ta, và đó là thực tại của mọi thứ phụ thuộc vào sự sáng tạo của nó với sự hiện diện này của cái hiện diện: quá khứ là cái hiện diện từ trước và tương lai là cái hiện diện được dự đoán trước. Cuối cùng, có một quan niệm về ý nghĩa như là cái gì đó hiện diện cho ý thức của người nói đồng thời với phát ngôn: cái mà người nói “có trong tâm trí” khi anh ta nói ra.

Derrida quan tâm đến cách mà ở đó khuynh hướng ngôn tâm luận này “bị giải cấu trúc” trong các văn bản xác nhận nó. Để giải cấu trúc ngôn tâm luận là để cho thấy rằng cái được nắm bắt là chân lý của thế giới hoặc nền tảng của một nghiên cứu thực sự là một kiến tạo đã được ấn định và là cái bị mâu thuẫn thông qua các hệ quả của một nghiên cứu mà nó được tìm thấy. Điều này sẽ trở nên sáng rõ hơn khi chúng ta đi theo cách đọc của Derrida về Saussure. Theo Derrida, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (Cours de linguistique generale) và ký hiệu học nhìn chung cung cấp một nỗ lực thực sự, vì nó có thể được chứng tỏ qua việc chứa đựng một phê phán triệt để về ngôn tâm luận và siêu hình học hiện diện, tuy vẫn còn một sự xác nhận ngôn tâm luận và một sự dung hợp không thể gỡ ra được với nó. Chúng ta hãy làm rõ về hai khuynh hướng này như sau.

1. Phê phán ngôn tâm luận. Vì Saussure xác định ngôn ngữ như là một hệ thống các ký hiệu, nên ở đây vấn đề trung tâm trở thành vấn đề về bản chất và tính thống nhất của các ký hiệu cùng những cấu thành của chúng. Saussure, trong nghiên cứu của mình, tranh luận rằng các đơn vị ngôn ngữ không có các bản chất riêng biệt mà hoàn toàn được định nghĩa bằng các tương quan. Tuyên bố nổi tiếng của ông, “trong ngôn ngữ không có sự dị biệt, không có những thuật ngữ xác thực” (dans la langue il n’y a que des differences, sans termes positifs), là một nguyên lý hoàn toàn xung đột với ngôn tâm luận. Một mặt, nó cho rằng không hệ thống nào luôn hiện diện một cách đơn thuần và hoàn bị, vì không có thuật ngữ xác thực nào cùng sự dị biệt nào có thể hiện diện như thế. Do đó, thực tại của các đơn vị ngôn ngữ không thể phụ thuộc vào sự hiện diện của chúng xét như là sự hiện diện. Và, mặt khác, trong việc định nghĩa tính thống nhất dựa theo sự vắng mặt hơn là dựa theo sự hiện diện, nguyên lý ngôn ngữ và ký hiệu đề ra một cách khả vấn cái nguyên lý vốn dĩ làm viên đá tảng cho siêu hình học hiện diện.

2. Xác nhận ngôn tâm luận. Mặc dù Saussure đã nói rõ rằng âm thanh tự nó không thuộc về hệ thống ngôn ngữ, và mặc dù ông đã sử dụng ví dụ về viết để minh họa cho bản chất của các đơn vị ngôn ngữ, ông vẫn cứng rắn phủ nhận rằng viết là một đối tượng của nghiên cứu ngôn ngữ (“các hình thức được nói ra tự mình cấu thành nên đối tượng của nó”) và coi viết là một dạng ký sinh (parasitic form), sự biểu diễn của một sự biểu diễn. Điều này có vẻ như là một động thái tương đối ngây thơ, nhưng trên thực tế đã có rất nhiều thứ phát sinh từ nó. Với một sự hăng hái đầy năng lượng khi bày tỏ quan niệm của ông liên quan đến việc các nhà ngôn ngữ học có thể “rơi vào bẫy” như thế nào khi sa vào việc bàn về các hình thức được viết ra cùng cách làm thế nào viết có thể “chiếm đoạt vai trò” của nói lẫn thậm chí ảnh hưởng đến sự phát âm, qua đó Saussure cho thấy rằng có nhiều thứ bị đe dọa hơn là được sáng tỏ. Kể từ lúc Plato lên án sự viết trong Phaedrus, thảo luận về ngôn ngữ đã quy định một số đặc điểm của ngôn ngữ để viết và sau đó liệt nó vào vị trí phụ thuộc như thể ngược hẳn với một lời nói thuần túy. Nói một cách mô phạm hơn, nếu viết được đặt sang một bên như mang tính phụ thuộc và phái sinh, thì các giải thích về ngôn ngữ có thể được coi là chuẩn mực dành cho chính kinh nghiệm nghe hướng đến những cái được nói ra, ở đó hình thức và ý nghĩa dường như được đem lại một cách đồng thời và trong một sự biến hóa, thay vì, có thể nói như vậy, trong một hành động giải mã một dòng chữ bí ẩn. Sự kìm nén sự viết giảm thiểu đến mức thấp nhất bản chất khác biệt hoặc phân biệt của ngôn ngữ theo hướng có lợi cho sự hiện diện được giả định.

Đặc quyền của lời nói không chỉ là vấn đề quan trọng, mà còn gần như không thể giải thích được. Tại sao điều này lại như thế? Bởi vì phân tích ngôn ngữ, và mở rộng ra, phân tích ký hiệu, phụ thuộc vào khả thể của việc xác định các ký hiệu. Để xác định các ký hiệu (signs), người ta phải có khả năng xác định những cái được biểu đạt (signifieds), vì một chuỗi chỉ là một cái biểu đạt (signifier) nếu nó có tương quan với một khái niệm hoặc cái được biểu đạt. Chúng ta biết rằng từ “tiền đặt cược” (bet) và từ “thú cưng” (pet) là những cái biểu đạt khác nhau bởi vì mỗi từ có liên quan đến một cái được biểu đạt khác nhau. Và nếu chúng ta hỏi làm thế nào chúng ta biết điều này, tại thời điểm nào hoặc địa điểm nào sự liên kết này lại có được, câu trả lời cần đến một số hình thức hiện diện và cuối cùng sẽ đề cập đến thời điểm của lời nói: thời điểm phát ngôn khi cái biểu đạt dường như được đưa ra gắn với cái được biểu đạt vốn dĩ hiện diện trong nó hoặc nó thể hiện ra tại thời điểm đó. Thời điểm phát ngôn dường như thể hiện các thuật ngữ có tính khẳng định, được đem lại ở trong và về chính chúng, do đó để cung cấp một điểm khởi đầu cho phân tích về một hệ thống được xem xét chỉ bao gồm những sự dị biệt.

Vì khả thể của việc nắm bắt hoặc xác định những cái được biểu đạt là cần thiết cho dự án ký hiệu học, nên không có gì là ngẫu nhiên khi mà lý thuyết ký hiệu học sẽ tự thấy nó có liên quan đến thuyết âm vị (phonocentrism) và ngôn tâm luận (logocentrism). Đó không phải là một ngẫu nhiên cũng không phải là, tôi muốn nhấn mạnh, một sai sót. Hãy để tôi trích dẫn một đoạn từ Văn tự học:

“Đặc quyền của âm vị (phonè) không phụ thuộc vào một lựa chọn có thể bị bác bỏ được. Nó hồi đáp lại với thời khắc của sự sản tạo (chúng ta hãy nói về “đời sống” của “lịch sử” hoặc về “cái đang có-như là-mối quan hệ tự thân”). Hệ thống của lời nói được vang ra thành âm thanh (s’entendre parler) thông qua bản thể âm vị (phonic substance) - tự trình hiện như là cái không phải bên ngoài, không trần tục, và do đó, là cái biểu đạt không theo kinh nghiệm hoặc cái biểu đạt ngẫu nhiên - đã tất yếu thống trị lịch sử thế giới trong suốt hầu hết mọi thời đại, và thậm chí đã tạo ra ý niệm thế giới, ý niệm về nguồn gốc thế giới, nảy sinh từ sự khác biệt giữa cái thế giới và cái phi thế giới, bên ngoài và bên trong, lý tưởng và phi lý tưởng, phổ quát và không phổ quát, siêu nghiệm và thường nghiệm, v.v. (1976: 7-8).”

Đây là những tuyên bố khái quát. Chúng có thể trở nên dễ hiểu hơn nếu người ta lưu ý rằng những cái đối lập như bên ngoài/bên trong, siêu nghiệm/ thường nghiệm, v.v., phụ thuộc vào một điểm dị biệt, một đường phân chia biện biệt hai thuật ngữ và ra lệnh cho cái còn lại. Tuyên bố này cho rằng thời khắc của lời nói, ở đó cái biểu đạt và cái được biểu đạt dường như được đem lại cho nhau, trong đó bên trong và bên ngoài hoặc vật lý và tinh thần, theo đó, ở thời khắc ấy, được hợp nhất hoàn toàn, đóng vai trò như là điểm tham chiếu liên quan đến cái mà tất cả những sự phân biệt này được thiết định.

Vì đặc quyền của lời nói là cái cần thiết cho siêu hình học của chúng ta, Derrida không cho rằng Saussure đã sai lầm khi khẳng định tính ưu việt của lời nói và thiết lập phân tích ngôn ngữ dựa trên quan niệm tất yếu theo hướng ngôn tâm luận về ký hiệu. Ngược lại, các phân tích của Derrida về tính phổ hữu của ngôn tâm luận - thậm chí cả Georges Bataille, về cơ bản, cũng có thể được xem như là một người theo Kant - cho thấy phân tích đó tất yếu mang tính ngôn tâm luận: ngay cả những phê bình khắt khe nhất về ngôn tâm luận cũng không thể thoát khỏi nó vì các khái niệm mà họ phải sử dụng là một phần của hệ thống được giải cấu trúc. Tất nhiên, có nhiều cách khác nhau để chơi với hoặc để kháng lại hệ thống mà người ta không thể thoát ra, nhưng sẽ là một sai lầm khi cho rằng Derrida và giải cấu trúc đã cung cấp cho chúng ta một giải pháp thay thế cho ký hiệu học và ngôn tâm luận. Văn tự học (grammatology), Derrida đã nói, không phải là một môn học mới có thể thay thế cho một ký hiệu học ngôn tâm luận (logocentric semiology); đúng ra nó là tên gọi để chỉ một câu hỏi (1972: 22). Thật vậy, tác phẩm của Derrida liên quan đến một loạt những thao diễn chiến lược và những sự chuyển vị trong đó ông tiến hành sửa đổi các thuật ngữ của mình, tạo ra một chuỗi các toán tử có liên quan đến nhau nhưng không giống nhau - trì biệt, thay thế, dấu vết, màng trinh (hymen), cấy ghép (greffe), dược phẩm (pharmakon), phụ phẩm (parergon) - để ngăn chặn bất kỳ thuật ngữ nào của ông thoát khỏi việc trở thành “các khái niệm” của một khoa học mới.

Việc đọc Saussure của Derrida là một khám phá về sự tự giải cấu trúc của ký hiệu học. Thật vậy, trong cuộc phỏng vấn trong Positions có tên “Ký hiệu học và văn tự học” (Semiologie et grammatologie), ông đã xác định khoa học kép hay cách đọc kép của mình không phải với một phương thức diễn ngôn nằm ngoài hoặc ở bên ngoài ký hiệu học mà bằng với một thực hành đặc biệt ở trong ký hiệu học.

“Người ta có thể nói một cách tiên nghiệm rằng trong mọi mệnh đề ký hiệu học hay mọi hệ thống của các tiền giả định nghiên cứu siêu hình học sẽ cùng tồn tại với các mô típ phê phán nhờ bởi thực tế rằng xét đến một điểm nào đó chúng sống cùng một ngôn ngữ, hay đúng hơn là cùng một hệ thống ngôn ngữ. Văn tự học chắc chắn sẽ không phải là một môn khoa học khác, một môn học mới có nội dung mới hay một lĩnh vực mới và được phân định rõ ràng hơn với một lối thực nghiệm hoặc thực hành cẩn trọng về sự phân chia văn bản này (la pratique vigilante de ce partage textuel) (1972: 49-50).”

Tôi xin kết luận lại với ba vấn đề. Giải cấu trúc không phải, ít nhất là trong tác phẩm của Derrida và những nhà thực hành khéo léo nhất của nó, là một loại hình của “thuyết phi lý mới” (new irrationalism), như thỉnh thoảng nó vẫn được xem là như thế. Tuy nó cho thấy “những tính phi lý” trong các hệ thống và lý thuyết của chúng ta, nhưng bản thân nó là một sự theo đuổi chặt chẽ nhất về logic của văn bản, dẫu là một văn bản lý thuyết hay một văn bản văn học.

Các nan đề mà giải cấu trúc chỉ ra là những mâu thuẫn, những nghịch lý mà ký hiệu học không thể thoát ra được. Trong trường hợp này, lý thuyết ký hiệu sẽ khiến cho các nguyên tắc lý thuyết phải bị trấn áp để phân tích được diễn ra. Ký hiệu học không thể tiến hành giả định các thuật ngữ chính xác mà không bị lý thuyết của nó ngăn cấm. Nếu thảo luận thêm về điểm này sẽ dẫn chúng ta đến việc giáp mặt với những sự đối lập không thể kiểm soát được giữa ngôn ngữ và lời nói, hệ thống và sự biến, đồng đại và lịch đại, những điều vốn dĩ chẳng bao giờ có thể được nắm bắt cùng nhau ở trong một hệ thống nhất quán đơn biệt. Nói tóm lại, ký hiệu học không phải là một diễn ngôn nhất quán của một khoa học mà là của một văn bản.

Những gì mà giải cấu trúc khuyến cáo không phải là một sự thay đổi đường hướng qua việc sửa đổi một số sai sót sẽ biến nó thành “khoa học đích thực”, hay một sự thay đổi mục đích, qua một sự thay đổi từ ký hiệu học sang một môn văn tự học mới. Chẳng có lối thoát nào vượt ra khỏi tính văn bản (textuality); người ta chỉ có thể tham gia cùng nó với một sự thận trọng phê phán: “thực hành cẩn trọng về sự phân chia văn bản này.”  

Phạm Tấn Xuân Cao
dịch từ Semiotics and Deconstruction [Poetics Today, Vol. 1, No. 1/2, Special Issue: Literature, Interpretation, Communication (Autumn, 1979), pp. 137-141]   
(TCSH387/05-2021)

-------------------------
Tham khảo:


1. Derrida, Jacques (1976), Về văn tự học (Of Grammatology), Gayatri Spivak dịch Anh (Baltimore: JohnsHopkins).
2. Derrida, Jacques (1972) Positions (Paris: Minuit).
3. Miller, J. Hillis (1976) “Stevens’s Rock and Criticismas Cure,” The Georgia Review 30:2,330-405.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng