HOÀNG THỤY ANH
Dấu ấn, cá tính của nhà văn thể hiện rất rõ trong cách xử lý cốt truyện, khai thác tâm lý nhân vật, sử dụng ngôn ngữ, xây dựng hình tượng,… Và tất cả những yếu tố này còn ít nhiều bị ảnh hưởng, khu biệt bởi đặc trưng văn hóa nơi nhà văn sinh ra.
Niê Thanh Mai không ngoại lệ. Đọc chị, dễ thấy bản sắc văn hóa Tây Nguyên được liên kết chặt chẽ trong cái nhìn đậm tính nữ. Tập truyện “Phía nào sương thôi rơi”1 đã minh xác tính văn hóa đặc thù riêng khác đồng thời khẳng định những đóng góp của chị đối với văn học dân tộc thiểu số nói riêng và đời sống văn học nước nhà nói chung.
Mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc, độc đáo, đậm dấu ấn vùng, miền. Chất liệu cuộc sống và con người Tây Nguyên như phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng, nhà ở, ẩm thực, trang phục, cảnh sắc thiên nhiên,... đều có mặt trong truyện của chị: chiếc gùi mây, bếp lửa giữa nhà, cầu thang 7 bậc, rượu cần trong ché, canh cà đắng, lá bép xào, thịt trâu gác bếp, giã gạo dưới gầm sàn, dệt vải, tục bắt chồng,… Vẻ đẹp khỏe khoắn, mặn mòi, tươi trẻ của người Tây Nguyên được chị tô đậm qua những hình ảnh: người con gái với làn da màu nâu nâu, mắt to, buồn mênh mang, bắp tay bắp chân rắn chắc và thơm ngát mùi hoa rừng; đàn ông với khuôn mặt sáng sủa, vồng ngực săn chắc, bắp tay bắp chân cuồn cuộn vạm vỡ,… Những cách nói đậm hơi thở của núi rừng, mộc mạc, chân chất và lối ví von so sánh gần gũi, quen thuộc, vốn là cá tính riêng, tư duy riêng của người Tây Nguyên cũng được chị đưa vào vừa phải, hợp lý trong các truyện: “Giá như cầm được cái sào mà chọc. Vác được cái cây mà đuổi…” [tr.7]; “cái nhìn giận dữ, phừng phừng như lửa” [tr.6], “lay lắt lớn lên như cây dây leo bám vào cổ thụ lớn lên từng ngày” [tr.12], “Cay như thể vừa cắm mặt giã xong cối ớt xanh” [tr.13], “Lòng Dung chùng xuống như sợi chỉ căng trên khung dệt không đều” [tr.116]. Bản sắc đặc thù của văn hóa không chỉ được lồng ghép vào lối sống, nếp ăn nếp nghĩ chân thật, rạch ròi phải trái, hồn nhiên như cỏ cây của con người Tây Nguyên, mà còn thông qua hình ảnh những người phụ nữ. Theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ trong truyện của chị vẫn giữ vai trò chủ động, thể hiện sự ảnh hưởng của mình đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của gia đình và của cộng đồng. Sự chủ động trong việc kiếm tìm tình yêu, bắt chồng; quyết đoán mọi việc trong gia đình; và sự chăm chỉ, đảm đang, giàu lòng vị tha, hy sinh của người phụ nữ đã phản ánh rõ nét văn hóa mẫu hệ của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Vì vậy, nhìn vào tính cách, số phận cũng như vị thế, vai trò những người phụ nữ trong truyện của chị sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về đặc trưng văn hóa mẫu hệ khó trộn lẫn của đồng bào Tây Nguyên.
Điểm nhìn trần thuật trong tập truyện của Niê Thanh Mai chủ yếu xoay theo hai dạng. Dạng thức trần thuật ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến xuất hiện ở các truyện như “Làng của cha tôi”, “Sớm mai thoang thoảng”, “Hôm qua trời lất phất mưa”, “Cây thằn lằn lá xanh”, “Trời bảng lảng sương”, “Đêm dài hun hút”,… Dạng thức trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên trong xuất hiện ở các truyện như “Gió thổi thì buốt sống lưng”, “Phía nào sương thôi rơi”, “Hoa giấy bao giờ thôi rực rỡ”, “Thương anh bằng núi bằng sông”,… Điểm chung của hai dạng trần thuật này là người kể chuyện thường đứng ở điểm nhìn nữ giới, do nhân vật nữ trong truyện đảm nhiệm vai kể hoặc trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn nữ giới. Niê Thanh Mai tạo ra người kể chuyện, chị là người có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa tác phẩm với bạn đọc, là người bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình trong tác phẩm, nên điểm nhìn của chị hẳn nhiên có sự chi phối đến người kể chuyện. Do thế, tiếng nói, góc nhìn của chị ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn đề tài, nội dung của tập truyện. Đề tài của chị chủ yếu nói về tình yêu, hôn nhân, những bất ổn trong đời sống gia đình. Trong đó, nổi bật nhất là số phận người phụ nữ ở hai vùng miền khác nhau: miền núi và miền xuôi. Họ đều có cuộc đời éo le, truân chuyên, bi kịch. Họ chấp nhận mọi đắng cay, tủi cực, chiến đấu đến cùng với số phận bằng niềm tin bất diệt vào tình yêu, bổn phận và lẽ sống riêng của họ. Din thiệt thòi khi Y Siên không thèm để ý đến mình, chỉ thích cô gái ở buôn Lum, nhưng cô vẫn cam chịu mọi nỗi buồn, chờ đợi, tìm mọi cách để Y Siên hiểu tiếng lòng của mình (Thương anh bằng núi bằng sông). Nếu không đi cùng với người mình yêu, mình chọn, họ chọn giải pháp ở giá, xin làm con nuôi trong gia đình người từ chối mình như người đàn bà trong “Làng của cha tôi”. Nếu người đàn ông phụ bạc, họ vẫn là người con dâu của gia đình như H’Dương trong “Gió thổi thì buốt sống lưng”. Không phải họ bế tắc, không tìm ra lối thoát, mà bởi ý thức về bổn phận và trách nhiệm trong họ quá lớn. Sự cam chịu, bao dung, chờ đợi, hy sinh của họ cũng là con đường, là giải pháp để họ đấu tranh, đòi quyền được yêu thương với người mà họ muốn đi cùng đến suốt cuộc đời. Trong truyện của chị, vẫn có những người phụ nữ nổi loạn, bứt phá khỏi rào cản định kiến và của chính bản thân họ. Phen về làm dâu chứ không bắt chồng, chồng chết, chị cũng đến với người khác, dù rằng mọi cố gắng của chị chưa vượt qua được rào cản của các hủ tục, nhưng ít ra, đó cũng là khoảnh khắc để chị được là chính mình, được quyền bộc lộ nỗi niềm yêu thương (Mật đắng). Kiểu người phụ nữ ngoại tình như nàng trong “Ngày mùa đông khép lại”, người phụ nữ không chịu nổi cực khổ đã dứt khoát từ bỏ tổ ấm gia đình chạy theo tiếng gọi vật chất như mí H’Di trong “Gió thổi thì buốt sống lưng”,... xét ở góc độ nhất định, phần nào đó cho thấy sự trỗi dậy ý thức về giới. Ý thức về giới đã cho nàng thấy được giá trị quan trọng của đời sống gia đình. Ý thức về giới cho H’Di hiểu được cái giá phải trả khi từ bỏ gia đình. Tính lưỡng cực mà Niê Thanh Mai đặt ra, làm tròn bổn phận và giải phóng cực hạn, cho thấy quan niệm về tình yêu và hôn nhân của các nhân vật nữ rất mới mẻ và tiến bộ, họ không chấp nhận, yên phận trước những luật lệ hà khắc, cũ kỹ, họ muốn thực hiện quyền được là chính mình, được sống đúng với cái tôi của mình. Đó là mí, một người phụ nữ hết lòng thương yêu con dâu, bất chấp những thêu dệt lạc hậu của bà con trong “Mật đắng”. Đó là mí, đã cởi bỏ những định kiến để đứa con của mình được sống với tình yêu và hạnh phúc mà bấy lâu nay nó luôn mong mỏi trong “Đừng uống rượu trước hiên nhà”. Đó là mí, người rất mực yêu thương con dù mình không đứt ruột đẻ ra trong truyện “Phía nào sương thôi rơi”. Đặt người phụ nữ trong mối quan hệ gia đình, soi chiếu họ bằng cái nhìn cùng giới, chị đã tạo nên những trang văn giàu cảm xúc, đậm chất nữ tính, vừa gìn giữ, bảo lưu tính nhân văn, vừa phá vỡ khuôn mẫu cứng nhắc của chế độ mẫu hệ, vừa cho thấy sự xâm nhập của lối sống mới đối với người miền núi.
Chất thơ trong văn của Niê Thanh Mai cũng là điểm thể hiện bản sắc phái nữ. Nhan đề của tập truyện “Phía nào sương thôi rơi”, hoặc nhan đề các truyện lẻ như “Gió thổi thì buốt sống lưng”, “Ngày mùa đông khép lại”, “Sớm mai thoang thoảng”, “Hoa giấy bao giờ thôi rực rỡ”,… gợi sự nhẹ nhàng, mềm mại nhưng vẫn cảm giác có chút gì đó mong manh, dễ vỡ. Sự phối hợp ăn ý giữa nhan đề với những đoạn văn giàu tính trữ tình, với dấu ba chấm (…) đầy dư ba nằm ở cuối mỗi truyện luôn tạo những hấp dẫn đối với người đọc, đưa người đọc đến với vị thế mới, phát huy vai trò tưởng tượng, dự đoán câu chuyện, số phận của nhân vật: “Mùa đông chưa kết thúc thì xuân đâu đó chớm chạm cửa còn gì/ Rồi thì mầm non sẽ nảy cây. Rồi thì sẽ xanh um. Rồi thì…” [tr.24]; “Hết mùa rau cần rồi mà sao xuống đến ruộng vẫn thấy lá cần chấp chới” [tr.45]; “Trời đang sáng dần từ phía ấy. Thể nào hôm nay trời cũng nắng rát cháy như mọi khi” [tr.157],… Những khoảng lặng tâm hồn, những triết lý về đời sống được chị khai thác qua nhịp điệu, sức sống của thiên nhiên, của vạn vật theo đó cũng mở ra miên man. Kiểu kết thúc thế này không chỉ đưa đến sự lãng mạn, bay bổng cho tác phẩm mà còn khai thác triệt để vai trò, biểu tượng của thiên nhiên, mượn thiên nhiên ẩn dụ, truyền tải nội tâm của con người. Và cũng nhờ đó, những nỗi đau, bi kịch của con người được giải quyết một cách nhẹ nhàng, theo quy luật của cuộc sống, đau để lớn, đau để thấy được giá trị của tình yêu, của hạnh phúc.
Truyện của Niê Thanh Mai thường chỉ chọn một lát cắt ngắn trong cuộc đời của nhân vật. Chị chú ý đến tình huống tạo nên tính cách hoặc bước ngoặt số phận của nhân vật. Cho nên, cốt truyện của “Phía nào sương thôi rơi” thường theo mạch tuyến tính, khá giản đơn. Thời gian quá khứ trong truyện của chị cũng ít hơn thời gian thực tại. Sự đảo chiều thời gian chưa thực sự linh hoạt, chú trọng. Nhưng cái mà chị muốn quyến rũ độc giả là sự chuyển biến trong thế giới nội tâm của nhân vật, đặc biệt là nhật vật nữ. Từ những trắc trở trong tình yêu, hôn nhân, chị chỉ ra những thay đổi đang diễn ra trong tâm lý của người phụ nữ, đó là sự giằng co giữa tập tục lạc hậu và tư tưởng tiên tiến, giữa khoan dung và ghen tuông, ích kỉ và vị tha,… thông qua những sinh hoạt đời thường, thông qua những mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Sự phụ bạc của người đàn ông như là điểm nhấn để chị làm rõ hơn sự cam chịu và lòng thủy chung của người phụ nữ. Họ vẫn dành một sự thứ tha, chờ đợi người đàn ông nhận ra lỗi lầm mà quay về. Đến nước cuối cùng, khi sự hàn gắn không có kết quả, họ mới chấp nhận bỏ cuộc (Sớm mai thoảng hương). Người đàn ông chung thủy lại là điểm nhìn để chị khúc xạ qua cuộc đời của những người đàn bà ngoại tình, chạy theo sự giàu có như H’Sương trong “Như là nắng sớm mai”, H’Di trong “Gió thổi thì buốt sống lưng”. Những đớn đau cho người phụ nữ nhận ra giá trị của cuộc sống gia đình, sự ấm áp, yêu thương của gia đình bao giờ cũng bền vững hơn những rạo rực chóng vánh tức thời, hơn sự sung túc mà họ đánh đổi. H’Di có được cuộc sống giàu có nhưng H’Di không bao giờ lấy lại được tình cảm mẫu tử mà cô đã đánh mất. Không gian truyện của chị vì vậy đa phần hẹp, nhỏ, chủ yếu xoay quanh ngôi nhà, khu vườn. Mà ngôi nhà, khu vườn là nơi ghi dấu bao nhiêu ký ức vui buồn, là điểm tựa khi gặp phải khó khăn, trở ngại, là nơi kéo con người lại gần bên nhau, nên, không gian này hoàn toàn phù hợp với tâm lý của nữ giới. Đó là không gian thực hiện bổn phận và nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ.
Trong “Phía nào sương thôi rơi”, chị có nhiều nỗ lực làm mới cốt truyện, tạo thêm sự khác lạ, hấp dẫn khi lý giải số phận người phụ nữ. Có hai truyện, “Trời bảng lảng sương” và “Đêm dài hun hút”, sử dụng yếu tố kỳ ảo, tâm linh đan xen với câu chuyện của tình yêu trai gái và tình cảm gia đình. Việc sử dụng yếu tố ngoài cốt truyện hoặc để các nhân vật lắng lòng trong những trăn trở, tìm lời giải đáp số phận của mình ở cuối mỗi truyện cũng góp phần gia tăng chất triết lý, tạo sức nặng cho “Phía nào sương thôi rơi”. Cách sống, suy nghĩ của giới trẻ về tình yêu và hôn nhân cũng được chị khai thác, dẫu vấn đề đặt ra chưa đủ sức nặng, còn nhạt nhưng người đọc đã thấy được sự chuyển dịch, biến đổi đang âm thầm tác động đến con người và vùng đất Tây Nguyên.
Có thể nói, vấn đề căn tính văn hóa của người Tây Nguyên và ý thức phái tính trong “Phía nào sương thôi rơi” được Niê Thanh Mai phối hợp khéo léo, khá ăn ý, từ bi kịch xác lập tiếng nói bản ngã, từ lối viết nữ thể hiện quan niệm nhân sinh và thẩm mỹ. Sau Y Điêng, Hlinh Niê, Kim Nhất, tiếng nói của Niê Thanh Mai đã và đang khẳng định bản sắc, cá tính và không ngừng nỗ lực trong hành trình nhập cuộc.
H.T.A
(SHSDB41/06-2021)
-------------------
1. Niê Thanh Mai, Phía nào sương thôi rơi, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2021.