Nghiên Cứu & Bình Luận
“Tiếng lòng” của Phan Bội Châu đối với các cô hồn
15:26 | 31/07/2009
TRẦN ANH VINHÂm vang của những sự kiện xẩy ra năm Ất Dậu (1885) không những vẫn còn đọng trong tâm trí người dân núi Ngự mà còn được ghi lại trong một số tác phẩm. Bài vè “Thất thủ Kinh đô” do cụ Mới đi kể rong hàng mấy chục năm ròng là một tác phẩm văn học dân gian, được nhiều người biết và ngưỡng mộ. Riêng Phan Bội Châu có viết hai bài:+ Kỷ niệm ngày 23 tháng Năm ở Huế (Thơ)+ Văn tế cô hồn ngày 23 tháng Năm ở Kinh thành Huế.
“Tiếng lòng” của Phan Bội Châu đối với các cô hồn
Phan Bội Châu (Ảnh: chungta.com)

Văn tế cô hồn ngày 23 tháng Năm ở Kinh thành Huế” là một trong hai mươi sáu (1 trong 26) bài văn tế của Phan Bội Châu viết trong thời kỳ bị giặc Pháp giam lỏng ở Bến Ngự (1926-1940).

Cũng như một số trường hợp khác, bài văn tế này Phan Bội Châu viết theo yêu cầu của các giới đồng bào và thổn thức của nhà chí sĩ. Cho nên, vấn đề đặt ra cho tác giả là phải cất lên được “tấm lòng” của trăm họ và hoà vào đó là “tiếng lòng” của nhà văn đối với các cô hồn.

Ở Sào Nam, bất luận viết về một đề tài gì, một tác phẩm dù lớn hoặc nhỏ, tính mục đích của nhà văn đều ghi dấu ấn rất đậm nét. Dù nói về việc gì, phản ánh một cái gì, hay bộc lộ một tâm sự gì... cuối cùng cũng qui tụ lại vấn đề trung tâm của thời đại là: Nước mất, dân tộc bị gông xiềng nô lệ, cho nên phải cứu nước, cứu dân.

Đối với Phan Bội Châu, thời kỳ bị giam lỏng ở Huế, muốn thực hiện được điều đó thì khá dễ dàng về mặt tài năng chủ quan; nhưng lại rất khó khăn về hoàn cảnh. Bởi vì có sự theo dõi chặt chẽ của lũ mật thám chó săn xung quanh Cụ. Chính vì vậy mà tác giả phải nói quanh co, phải dùng hình tượng bóng gió để lọt qua được những cặp mắt cú vọ và lưỡi kéo kiểm duyệt của Xô-nhi (Sogny), tên mật thám khét tiếng thời đó. Mặt khác, phải đặt tác phẩm Phan Bội Châu trong thời đại - lịch sử để phẩm bình. Có như vậy ta mới lý giải được những thành công và thiếu sót của tác phẩm, cũng như tài năng và hạn chế của nhà văn.

Nhận thức như vậy để ta cùng gạt đi những lớp vỏ che đậy, những hạn chế tất yếu do hoàn cảnh lịch sử và hạn chế về thế giới quan và nhân sinh quan của nhà văn.

Thí dụ:
- “…Sống chết đã đành là số mệnh…
- “…Kẻ phúc dày, duyên tốt, nhởn nhơ lộc nước ơn vua…
- “…Thương mấy cụ khiên sơn nón dấu, nặng nợ cơm vua, áo chúa…” v.v…

Phần còn lại chủ yếu, cái cốt lõi của bài tế là nói về người đã khuất - ở đây là những cô hồn; và tình cảm xót thương của tác giả và người đang sống.

Cô hồn không phải những bóng ma xa lạ mà chính là “các vị bà con ta xưa”. Họ là những người dân của một đất nước độc lập, vốn có Tổ quốc, quê hương”

- Xứ Huế riêng nhà,
Trời Nam chung bóng…
Không thua kém gì các sắc tộc da vàng khác:

- “Mày mặt cũng trong hoàng chủng…
Họ sống bằng hai bàn tay lao động:
“Kẻ tay làm hàm nhai, hớn hở cá sông, thóc ruộng…”
ấm no trên đất nước Việt thân yêu và giàu lúa gạo, sản phẩm:
“Non nước ấy, một triêng hai thúng”.

Họ là con cháu của một dân tộc hiền lành, có truyền thống hoà bình và hữu nghị:
“Cha ông vẫn chẳng gì tội ác…
“Càn khôn chung tất thảy chở che…

Nói về cô hồn nhưng chính là Phan Bội Châu nói về dân tộc. Ông khẳng định truyền thống lao động và chiến đấu, truyền thống đoàn kết để dựng nước và giữ nước; khẳng định quyền bất khả xâm phạm về Tổ quốc giang sơn và quyền sống của con người Việt Nam.

Khơi dậy điều đó, không chỉ nhằm mục đích thức tỉnh, giáo dục lòng yêu nước cho người sống mà còn là lời phán xét của nhà chí sĩ, lời buộc tội kẻ đã gây ra cảnh máu xương:

“Trời sao ác nghiệt…!”
Trời ở đây chính là bọn cướp nước da trắng.

Với tài năng điêu luyện của một bậc thầy trong thể phú – văn tế, Phan Bội Châu đã tái hiện cảnh chạy giặc, sự chết chóc thê thảm do lũ giặc “cờ trắng” gây nên.

Từ việc khắc hoạ hình ảnh:
“Lố nhố trẻ dìu già, ông nách cháu, chân còn đi… đầu chốc lìa vai”.
đến nghệ thuật đối trong câu biền ngẫu:
“Oan uổng quá mấy ông trên võng…sống chẳng trọn đời;
Tội tình thay lũ bé trong nôi…chết đà trắng bụng”.
Cảnh chết chóc diễn ra trong thanh âm thật não nùng:
“Lao nhao con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt…xương đà chất đống”

Tiếng kêu khóc hoà trong tiếng:
“…Trống giục, loa dồn…
“…lộn nhộn tiếng kèn pha tiếng trống”

Sự việc đã được cụ thể hoá bằng nghệ thuật hình tượng và thanh âm, và đã xảy ra trong một không gian nhất định từ:
“Thành cửa Nam qua cửa Bắc…
với sự chính xác của thời gian:
“Đêm hai mươi ba (23) ngày tháng Năm;
lúc:
“Canh ba tới canh năm…
và khi:
“Trời vừa tốt sáng…
đến:
“Ngày đà quá trưa…

Sức truyền của bài văn tế không những do ở tính chân thực của sự kiện, ở miêu tả, mà còn do ở tấm lòng tác giả. Tình cảm xót thương của nhà chí sĩ xuyên suốt tửng câu văn, đọng lại từng hình ảnh:

“Oan uổng quá, mấy ông trên võng…
“Tội tình thay, lũ bé trong nôi…”
và trào cả ra đầu ngọn bút:
…”Khách văn tự não nùng tình điếu đổ, gió sầu thấp thoáng dưới lầu thành;
“Chủ giang san chan chứa mối thương tâm, giọt lệ lan man trên lớp sóng…”
Tiếng gọi hồn trong phần kết thúc bài tế nhuộm đầy màu sắc thần bí và thật não nề, vang dội vào không gian. Và hồi âm của nó lại là “tiếng lòng” của Ông già Bến Ngự.

…“Đau đớn sau càng đau đớn trước, tình nhất sinh nhất tử, sơ khác gì thân;
…“Nếm lấy hơi xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào, thác xem như sống.”

“Nếm lấy lòng” là sự giao cảm giữa người còn kẻ mất; là lời nguyền phát ra từ con tim người nghệ sĩ - chiến sĩ suốt đời ôm ấp và chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

“Văn tế cô hồn…” có buồn đau:
“Khúc tình chung khôn giọt đậm giọt phai…”
nhưng vẫn tin tưởng:
“…thác xem như sống, ước ao chí thành năng động…”
và giàu tính chiến đấu, tố cáo kẻ thù:
“Trời sao ác nghiệt!”

gọi hồn người chết, khí linh (thiêng) của núi sông phù hộ, tiếp sức cho người sống đấu tranh cho khát vọng sống còn của đất nước quê hương:
“Hỡi tinh linh các đấng, phù tài cho Tổ quốc trường tồn
và:       
“…ước ao chí thành năng động.”
Văn tế tất có cái bi ai. Song văn tế của Sào Nam vừa có cái bi, cái hùng… và cả cái lạc.

Chính vì vậy mà hàng năm, vào ngày tháng trên, hầu khắp các ngã ba, ngã tư trong Hoàng thành Huế và các vùng phụ cận đều đốt khói hương, vàng mã, cúng cho người xấu số. Trên đường Mai Thúc Loan gần cửa Đông Ba (Huế) “Miếu âm hồn” vẫn còn đó, lễ “Tế cô hồn…” lại diễn ra. Trước cỗ bàn bày biện theo tục lệ, trong khói toả hương trầm, bài “Văn tế cô hồn…” của nhà chí sĩ lại khắc đậm vào lòng người… Và ta nghe như có tiếng vọng giục giã của một lời thề: Oán thù này phải trả!!!

Huế, hè năm 2009
T.A.V
(245/07-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng