PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU
Giai đoạn 1900 - 1945 là giai đoạn có “một thời đại mới trong thi ca” xuất hiện. Cùng với Sài Gòn và Hà Nội, xứ Huế ở thời điểm này trở thành một trong ba trung tâm báo chí, xuất bản của cả nước, nên không thể đứng ngoài hoặc không chịu tác động chi phối bởi những âm vang thời đại.
Đây là thời kỳ văn học cả nước nhanh chóng vận động theo một hướng mới, một quá trình mới, gắn bó với những biến động của lịch sử dân tộc và các nước trong khu vực, trong một xu thế tất yếu, khách quan: khát vọng và đòi hỏi canh tân đất nước. Đó cũng là quá trình văn học có sự hình thành và thay thế những thể loại mới, thể hiện tư tưởng dân chủ, tư duy duy lý/ khoa học, đề cao và ý thức một cách đầy đủ vai trò con người cá nhân, khuyến khích tài năng sáng tạo, thoát khỏi những mô thức có tính chất quy phạm của văn chương trung đại.
1. Bước chuyển từ thơ cũ sang thơ mới
Theo truyền thống, văn chương nước ta và nhiều nước phương Đông vẫn coi thơ là thể loại hàng đầu. Nhưng qua gần mười thế kỷ phát triển (từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX), câu thơ Việt vẫn quẩn quanh trong khuôn vàng thước ngọc có tính chất cổ điển của các thể thơ truyền thống như song thất, lục bát, Đường luật, gò bó trong những niêm, luật, đối, vần, điển cố, điển tích, sáo ngữ, giam chân các thi nhân “trong cái “lãnh thổ” hẹp hòi, ngột ngạt mà có thể đưa hồn người ta lên tận mây xanh, phảng phất trên những sự nôm na, phàm tục, vật chất hàng ngày”1. Trước khi có Tình già (Phụ nữ tân văn, 10/3/1932) của Phan Khôi, dấu hiệu bứt phá khỏi những ràng buộc của câu thơ cũ, đã xuất hiện khởi nguồn từ những trăn trở của học giả như Phạm Quỳnh (1892 - 1945), từ năm 1917, ông đã thức nhận được những hạn chế của lối thơ cũ và dự cảm về yêu cầu một sự đổi thay: “Người ta thường nói thơ là tiếng kêu tự con tim. Người Tàu định luật nghiêm cho nghề làm thơ thực là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy, cho nó hay hơn, trúng vần, trúng điệu hơn, nhưng cũng nhân đó mà làm mất đi cái giọng thiên nhiên đi vậy”2. Tiếp đến là những cuộc thử nghiệm trên sách báo như Dục minh tân (Lục tỉnh tân văn, 1907) của Phạm Công Thạnh, Hoa rụng (in trong Khối tình con, 1914) của Tản Đà, bản dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine Con ve và con kiến (Đông Dương tạp chí, số 40, năm 1914) của Nguyễn Văn Vĩnh, hoặc thơ văn yêu nước của các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải… Chính Phan Khôi cũng đã thừa nhận rằng: “Chẳng phải tôi là người thứ nhất làm việc nầy. Hơn mười năm trước Hà Nội cũng có một vị thanh niên làm việc ấy mà bị thất bại. Tôi lại dại gì lại đi theo cái dấu xe đã úp? Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ cũ của ta đã hết chỗ hay rồi, chẳng khác một đế đô mà vượng khí tiêu trầm, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi sẽ thất bại lần nữa, nhưng chúng tôi tin rằng sau nầy có người làm như tôi mà thành công”3. Có lẽ, Phan Khôi đã thành danh, trở thành người tiên phong cho phong trào thơ mới, nhờ vào niềm tin cường tráng và mãnh liệt vào xu thế tất yếu của thời đại/ lịch sử ấy.
Trong không khí chuyển động và bức thiết đòi hỏi có một cuộc đổi thay đó, ở Huế cũng xuất hiện các nhân sĩ trí thức, trong khi tiếp tục dòng chảy thơ truyền thống trung đại, đã bắt đầu có sự đổi mới về nội dung cảm xúc, đối tượng phản ánh, thái độ, tình cảm, tư tưởng đối với nhân sinh. Điều đó thể hiện rất rõ trong sáng tác của những tác giả hành chức bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ đầu thế kỷ như Đạm Phương (1881 - 1947), Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961), Thảo Am Nguyễn Khoa Vi (1885 - 1973)… Ưng Bình và Nguyễn Khoa Vi được biết đến chủ yếu với tư cách tác giả Hán Nôm, các ông có làm thơ chữ quốc ngữ, nhưng rất ít. Lạ nhất là đối với trường hợp Ưng Bình, một người đã từng đỗ đầu kỳ thi Ký lục ở trường Quốc học Huế (1909), làm quan đến chức Phủ doãn Thừa Thiên, hàm Thượng thư, tước Hiệp tá Đại học sĩ, đã từng tích cực hoạt động xã hội, được bầu làm Hội trưởng Hội truyền bá chữ quốc ngữ Trung kỳ (1939 - 1940), Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ (1940 - 1945), Chủ soái tao đàn Hương Bình thi xã (1943), gia sản có đến hơn 1000 bài thơ Hán Nôm, lại làm rất ít thơ quốc ngữ. Cái mầm mống/ sự sống “cựa quậy” đòi đổi mới trong thơ Ưng Bình chỉ mới bắt đầu từ nội dung: “đưa được nội dung hoàn toàn mới gắn với cuộc sống hằng ngày vào khuôn khổ câu thơ cũ một cách thanh thoát, không gượng ép”4, với cảm quan nghệ thuật nhân văn về cuộc sống những người lao khổ, khác với tầng lớp quan lại, hoàng tộc của ông: Câu chuyện người hành khất, Nước sông Hương sau trận lụt, Buổi chiều đi dạo ở bờ sông tức cảnh, Buổi đi chơi thuyền, Phủ doãn nghỉ hưu… Ngoài thơ, ông còn viết kịch, soạn tuồng, làm văn tế, viết ca Huế theo các làn điệu hò mái nhì, mái đẩy, một trong những bài thể hiện tâm trạng ưu tư về vận nước của ông, cho đến nay còn truyền tụng:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…
Sự vận động của cảm quan nghệ thuật chỉ có thể xuất hiện trên cơ sở sự thay đổi cách nhìn/ tư duy sáng tạo và cảm xúc thẩm mỹ. Thơ trung đại, cho dù dĩ ngôn chí, nhưng chủ yếu vẫn có tính hướng ngoại, thường mượn cảnh để tả tình, mượn cảnh quan bên ngoài để tỏ chí khí bên trong. Vì vậy, có cả một gia sản thơ ca mà trong đó chủ yếu là vịnh cảnh, vịnh sử, thông qua một qui luật thi pháp chủ yếu là đối câu, đối chữ, đối vận, đối nhịp, tạo nên thế đăng đối, quan phương, thể hiện rõ trong lối chơi chữ của các thi gia. Thơ của Đạm Phương nữ sử, người được coi là nhà tiểu thuyết nữ đầu tiên trong văn xuôi quốc ngữ, cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong số hơn bốn mươi bài thơ sưu tầm được của bà, nổi bật nhất là chùm thơ vịnh sử, một thể tài “thơ vịnh nhân vật lịch sử hoặc sự kiện, di tích có liên quan đến nhân vật lịch sử”5. Dễ nhận ra cái mới trong thơ Đạm Phương là ở cảm xúc của chủ thể và kiểu tư duy nghệ thuật, khi bà đã thổi hồn cốt của thời đại và cái nhìn mới đầy cảm thông của một người phụ nữ (giới phòng the trước đây không quan tâm gì đến việc tỏ chí khí) đối với các nhân vật lịch sử. Những năm đầu thế kỷ XX ở nước ta, là thời kỳ diễn ra “văn minh Âu hóa”, kèm với nó là sự xuống cấp đạo đức xã hội, với nhiều tệ nạn hoành hành. Xu hướng ca ngợi đạo đức nhằm giáo dục, thức tỉnh nhân tâm, thu hút nhiều người cầm bút. Với một lý tưởng thẩm mỹ sáng rõ, Đạm Phương tìm thấy trong thơ vịnh sử cách thức gửi gắm quan điểm và tâm trạng của mình. Các bài như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Vịnh cờ hoa lau… cũng câu thơ cũ truyền thống đó thôi, nhưng Đạm Phương đã chuyển tải được hết tinh thần, cốt cách của những nhân vật có thật trong lịch sử. Hoặc, ở một hướng khác, các bài Bà Mỵ Châu, Bà Mỵ Ê… với cái nhìn phát hiện mới mẻ, bà nói lên tiếng nói đồng cảm của một người phụ nữ đối với nhân vật lịch sử có số phận nghiệt ngã, rằng Mỵ Châu là nạn nhân của mưu cuộc binh đao, đáng thương hơn là đáng trách, rằng Mỵ Ê là người phụ nữ thủy chung, trung trinh, tiết nghĩa của đất Chiêm Thành, khi nhảy xuống sông tự vẫn để chống lại lệnh buộc nàng phải hầu hạ của vua Lý Thái Tông, vì chồng nàng là vua Chiêm thua trận Lạ Đẩu vừa bị xử chém:
Ơn vua nợ nước trả xong
Dám tiếc làm chi mảnh má hồng
Sau trước vẫn cam bề sống thác
Mất còn nỡ để thẹn non sông
Mây sầu lớp lớp bay về Bắc
Sóng thảm rùng rùng cuộn hướng Đông
Đợi phải chiếu rồng ban triện đến
Đã đành trọn tiết với vương công
(Đạm Phương, Bà Mỵ Ê)
Một điểm mới khác trong thơ Đạm Phương là bà không lấy các nhân vật, sự kiện, điển cố, điển tích liên quan đến lịch sử Trung Hoa như thường thấy ở các thi gia cùng thời, mà hầu hết là các nhân vật và sự kiện đều có thật trong lịch sử Việt Nam (ngay cả đối với người Chiêm Thành, ở thời bà, đã trở thành một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam) và đều là nhân vật phụ nữ: Bà Trưng, Bà Triệu, Mỵ Châu, Mỵ Ê… không chỉ đối với quá khứ lịch sử, mà ngay cả với những người cùng thời được bà ngợi ca, coi như những tấm gương soi sáng của thời đại, cũng đều là phụ nữ: Lời tạ ơn bà Trần Thị Thọ ở Nam Kỳ, An Truyền hiếu tử truyện, Thơ tiễn biệt chị Trần Thị Duyên,… Đạm Phương còn là người tiên phong, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh nữ quyền đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh đó đi vào thơ ca, cũng là sự vươn mình đổi mới về tinh thần, thái độ, cảm xúc, đối tượng phản ánh và lý tưởng thẩm mỹ.
Những biến động của thời đại lịch sử như đang phơi ra dưới nắng nóng của chế độ thuộc địa và phong kiến suy tàn, trong cơn bão dữ của tư tưởng phương Tây làm chao đảo mọi giềng mối xã hội, vì vậy hẳn nhiên, văn học không chỉ có sự thay đổi cảm xúc và tư duy sáng tạo, đối tượng phản ánh và nội dung mỹ cảm, mà còn khai phá, phát hiện mới về đề tài, chủ đề và nhất là cái tôi trữ tình được giải phóng, có điều kiện hít thở không khí của thời đại, trong sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, khu vực, trên cơ sở một thiết chế xã hội mới với sự ra đời của báo chí và đời sống thị dân. Thơ không còn tập trung vào vịnh cảnh, tả tình mà phổ tất cả những cung bậc tình cảm của mình vào mọi lĩnh vực đời sống của con người, trong đó có cả những người lao khổ, dưới đáy xã hội: “Năm nay được mười xu/ Chỉ phần năm lon gạo/ Đổ xô nước phập phòng/ Không đầy nửa om cháo/ Tưới không ướt dạ dày…”. (Ưng Bình, Câu chuyện người hành khất). Thơ không còn là thú chơi thanh tao của tầng lớp trên của xã hội, mà trở thành tiếng nói tình cảm của mọi tầng lớp xã hội. Ngay cả thơ yêu nước trước đây nằm trong phạm trù trung hiếu của Nho gia nay đã chuyển sang lý tưởng cao cả hy sinh vì dân, vì nước. Điều quan trọng hơn, đó là bước chuyển của bản thân chủ thể sáng tạo: từ những chí sĩ chuyển thành những thi sĩ, trong đó, bao hàm cả ý nghĩa mang tính chuyên nghiệp của thi nhân. Sáng tạo nghệ thuật trở thành một nghề, mang tính chuyên nghiệp, chỉ có thể có được trên cơ sở sự phát triển của báo chí, và đó cũng là quá trình chuyển đổi bậc thang giá trị của nghệ thuật, từ sản phẩm nhằm làm quà tặng chuyển sang sản phẩm có ý nghĩa hàng hóa, có thể đổi chác, bán mua.
Thơ mới ra đời trong bối cảnh như vậy. Các nhà thơ mới đòi giải phóng cá nhân, cùng với những cảm quan nghệ thuật về nội dung cảm xúc, mà trước tiên là hình thức câu chữ: “Bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích sáo ngữ, nghĩa là tóm tắt, đừng bắt chước cổ nhân một cách nô lệ. Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng”6. Sự thay đổi tư duy thơ, chứng tỏ có một thế giới tình cảm, tư tưởng mới nảy sinh trong lớp người trẻ tuổi lúc đó, sống trong môi trường Âu hóa và tiếp nhận các trào lưu văn học phương Tây. Người ta nhận ra rằng, đã đến lúc cáo chung, không phải của một trào lưu mà là của cả một thời đại thơ ca, với những qui định nghiệt ngã của nó chỉ tạo ra “các thợ thơ chứ không phải các thi nhân” (Phong Lê). Hoài Thanh, người có công tổng kết phong trào thơ mới, cho rằng, với lối thơ cũ “nhiều người chỉ học trong nửa tiếng đồng hồ là thuộc và có thể làm đúng niêm luật. Các báo hàng ngày vẫn đăng luôn bao nhiêu là thơ bát cú của nhiều thi sĩ chỉ học trong có mấy ngày mà “thành tài”. Chúng tôi dám quả quyết như vậy là vì từ khi có báo quốc ngữ đến nay chỉ vài mươi năm, ở mục Văn uyển các báo, thơ tám câu bảy chữ mọc ra không phải như hoa lan, hoa huệ, hoa hồng, mà như nấm”7. Tư duy thay đổi, tư tưởng, tình cảm, thị hiếu, sở thích cũng không thể giữ nguyên. Thời nào cũng vậy. Cuộc sống luôn vận động thay đổi, con người cũng phải đổi thay. Những người trẻ tuổi Tây học lúc bấy giờ “không thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận hờn nhất thiết như ngày xưa” (Hoài Thanh). Một trong những kiện tướng xuất sắc và nhiệt tình ủng hộ cả về lý thuyết rao giảng lẫn thực tiễn sáng tạo, của phong trào thời bấy giờ là Lưu Trọng Lư, trong bài diễn thuyết của mình tại Học hội Quy Nhơn (ngày 16/2/1934), đã vạch ra các cung bậc tình cảm của con người phong phú, sinh động hơn rất nhiều so với những cái khung mực thước của câu thơ sáu, bảy chữ: “Đối với chúng ta thì tình cảm có thiên hình vạn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoáng qua, cái tình thân thiết, cái tình ảo mộng, cái tình ngây thơ, cái tình già dặn, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu”8.
Con người cá nhân đã từng xuất hiện trong văn học trung đại, những tiếng nói về thân phận làm người từ thuở Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, nhưng ý thức về cá nhân chỉ mới xuất hiện ở Tự Lực văn đoàn và phong trào thơ mới. Một người có sức khỏe khác với một người có ý thức về việc giữ gìn và rèn luyện sức khỏe. Với văn học trung đại, cá nhân chỉ là những cá thể, là sự tồn tại, còn bây giờ là những cá tính, đặt trong mối quan hệ phổ biến, ràng buộc lẫn nhau. Chính vì vậy, văn học trung đại có nói đến cá nhân, với tư cách là những thân phận, nên khi chủ thể đi vào tác phẩm trở thành hình tượng tác giả chỉ là cái ta chung chung, na ná giống nhau. Bởi vì xã hội phong kiến phương Đông hàng mấy nghìn năm, cái tôi cá nhân không được ý thức, hầu như không có địa vị trong đời sống xã hội và đời sống văn học. Cá nhân bị hòa tan trong cái chung, trong cộng đồng, sống tuân theo những quy phạm như “tam cương ngũ thường”, “tam tòng tứ đức”, “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”, thể hiện tính phi ngã của ý thức hệ phong kiến trong văn chương nghệ thuật. Một số tác gia lớn như Nguyễn Du, Hồi Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… đã “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, đã có sự “vượt rào”, ít nhiều nói đến cái tôi (dĩ nhiên chỉ là cái tôi của phận người/ cõi người, chưa được ý thức một cách toàn vẹn) đều không được giai cấp phong kiến đề cao, thậm chí còn bị trừng trị. Văn học lãng mạn ra đời đã thổi một luồng gió mát mang theo cái tôi cá nhân, trên cơ sở hệ tư tưởng mới vừa được hình thành là tư tưởng tư sản, tác động quan trọng đến sự hình thành của nền văn hóa và văn học nước ta. Trong thế giới văn chương nghệ thuật, thi sĩ là người tiếp cận biên độ chủ quan nhanh nhất, sớm hình thành ý thức phát huy bản ngã, quyết liệt và tự do luyến ái, ngợi ca cuộc sống cá nhân trần thế, với tất cả vẻ đẹp quyến rũ có tính chất hưởng thụ của nó, mà Xuân Diệu đã từng hát ca tự xưng: “Tôi là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi” rồi lại có lúc thổi cảm xúc thành cao trào: “Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn (…) Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”. Cùng nỗi khat khao ấy, Huy Thông vươn cao đến khoảng không gian thênh thang:
Tôi muốn làm một con chim để cùng gió
Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng
Muốn uống vào trong buồng phổi đến vô cùng
Tất cả ánh sáng dưới vòm trời lồng lộng
Muốn có đôi cánh bay vô ngần to rộng
Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi
Cái tôi cá nhân được cá thể hóa đến mức cao độ, chi phối trong tất cả các phương thức biểu hiện, nhất là cái tôi cô đơn đầy kiêu hãnh: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (Xuân Diệu)…
Về hình thức, việc phá vỡ câu thơ cũ, hình thành câu thơ mới dẫn theo sự thay đổi về thể, vần, điệu, tứ thơ và cả ngôn ngữ, giọng điệu. Có thể nói, chưa bao giờ các thể thơ xuất hiện đa dạng, phong phú như lúc này, với những biến thể và bứt phá ngoạn mục, trên cơ sở tự do tung hoành trên trang giấy. Các thể thơ tự do không tính chữ. Câu thơ bảy chữ vẫn còn, nhưng không còn gói gọn trong tám câu, không đem những chữ có sẵn để lắp vào, với những niêm, luật, đối, rồi phá, thừa, luận, kết và đầy rẫy điển cố, điển tích mà là sự tự do tung phá tùy thuộc vào tâm trạng biểu hiện của tác giả. Điều đó dẫn đến sự thay đổi về vần, điệu và ngôn từ. Đồng thời, không hạn chế số chữ, số câu đã đặc biệt tạo điều kiện cho việc triển khai tứ thơ phát triển đến vô hạn định, có thể diễn tả mọi cung bậc tình cảm của con người.
2. Đội ngũ tác giả và tác phẩm
Từ những nhen nhúm và “cựa quậy” theo tầm nhìn có tính chất định hướng của các nhà thơ đầu thế kỷ (Ưng Bình, Đạm Phương, Nguyễn Khoa Vi…) đến sự định hình trong phong trào thơ mới, các nhà thơ xứ Huế phải vượt qua một chặng đường khá dài, trong đó, mở đầu là “một số bài thơ mới lãng mạn của Phan Văn Dật làm từ năm 1927 (Nàng con gái họ Dương, Bi xuân nương), một số bài khác của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Lan Sơn làm từ năm 1931, nhưng cho đến năm 1932, lúc Phụ nữ tân văn, Phong hóa dấy lên phong trào thơ mới họ mới đưa in”9. Sau Phan Văn Dật, đến Thanh Tịnh là người tham gia vào nhóm Tự Lực văn đoàn (1933), thành viên tích cực của tuần báo văn chương Phong hóa (1932) và Ngày nay (1936), là nơi cổ vũ cho một cuộc cách tân mạnh mẽ trong văn học những năm ba mươi của thế kỷ XX. Nói đến công cuộc đổi mới nền văn học dân tộc thời kỳ này, không chỉ có Tự Lực văn đoàn và báo Phong hóa, Ngày nay, mà còn có nhiều nhóm khác (ví như nhóm Tân dân của Vũ Đình Long), chủ trương nhiều tờ báo có vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa văn học như Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội báo, Tao đàn, Thanh nghị, Tri tân, Phổ thông bán nguyệt san… là sân chơi, là trường học, nơi góp phần đào tạo một đội ngũ thi nhân kiểu mới cho xứ Huế như Phan Văn Dật, Thanh Tịnh, Thu Hồng, Nguyễn Đình Thư, Mộng Huyền, Phan Thanh Phước, Thúc Tề….
Thành công của Thanh Tịnh (1917 - 1988) trước Cách mạng tháng Tám 1945 chủ yếu là văn xuôi, với những tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp văn chương của ông như các tập truyện ngắn Quê mẹ (1941), Chị và em (1942), Ngậm ngải tìm trầm (1943) và truyện dài Xuân và Sinh (1944). Nhưng ông đặt bước chân đầu tiên trên con đường văn chương là bài thơ được Hà Nội báo trao giải nhất (1933, cùng năm này ông tham gia làm thành viên của Tự Lực văn đoàn) và tác phẩm đầu tay về thơ là tập Hận chiến trường (1937).
Sinh ra và lớn lên ở Huế, học xong trung học ở trường dòng Pèlerin, Thanh Tịnh chịu ảnh hưởng môi trường văn hóa Huế thời đó, là các thể loại văn học dân gian trầm tích lâu đời ở nước non xứ Huế và các tác phẩm văn học của các tác giả Pháp như Alphonse Daudet, Anatole France, Guy de Maupassant (văn xuôi), Ronsard, Arvers, Macterlink (thơ)… vừa mới du nhập vào Việt Nam. Ông kinh qua nhiều nghề như dạy học ở các trường tư, làm hướng dẫn viên du lịch và cộng tác với các báo như Thần kinh tạp chí (Huế), Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Phong hóa, Ngày nay, Thanh nghị, Tri tân, Tinh hoa, Phụ nữ thời đàm (Hà Nội)… Năm 1945, tham gia cướp chính quyền, làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ, trong kháng chiến phụ trách đoàn kịch Chiến thắng của quân đội, sau ngày hòa bình, sáng lập và làm Chủ bút tạp chí Văn nghệ quân đội và công tác tại đây cho đến lúc nghỉ hưu. Cuộc đời bôn ba với tư cách người lính, nên tâm lực đầu tư cho thơ của ông rất hạn chế, thành công đáng ghi nhận là đóng góp cho phong trào thơ mới, góp phần làm vẻ vang cho văn đoàn Tự Lực một thời. Thanh Tịnh là người thuộc thế hệ Tây học, dấu vết của việc ảnh hưởng văn học Pháp của ông thời kỳ này thể hiện rất rõ qua bài Mòn mỏi (in trên Tinh hoa), ông phỏng theo truyện Barbe bleue của Charles Perrault (nhà văn, luật sư, nhà điêu khắc, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, 1628 - 1703), nhưng đã được thổi vào một không khí rất Á đông:
- Em ơi, nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ
- Xa nhìn bên cõi trời mây
Chị ơi, em thấy một cây liễu buồn
- Bên rừng em hãy lặng nhìn theo
Có phải chăng em ngựa xuống đèo
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi
Trên mình ngựa hí lạc vang reo
- Bên rừng ngọn gió rung cây
Chị ơi, con nhạn lạc bầy kêu sương
- Tên chị ai gieo giữa gió chiều
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu?
Trên dòng sông lặng em nhìn thử
Có phải chăng người của chị yêu?
- Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan,
Chị ơi, con sáo gọi ngàn bên sông…
Ô kìa! Bên cõi trời đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa
Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in?
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống,
Chỉ sợ trong sương bóng ngựa chìm
- Ngựa hồng đã đến bên hiên,
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên… vắng người
Cách đây ba phần tư thế kỷ, dưới cảm quan của nhà phê bình chủ quan, Hoài Thanh khi đọc Hận chiến trường của Thanh Tịnh, đã hình dung ra một “mặt hồ” nhưng không có bờ và nước cứ chảy tràn lan. “Những cảnh sắc in hình trên mặt nước vẫn thường thay đổi: có khi là một cây liễu rủ, cũng có khi là một lũy tre. Những khoảnh khắc dầu có khác, bao giờ cũng chỉ ngần ấy nước mà thôi. Có một lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu, nhưng khi người ta tới nơi, nó lại biến đâu mất. Thì ra một ảo ảnh”10. Gọi đó là “mấy vấn thơ có máu” nhưng thật ra chỉ là ảo ảnh, trái ngược với những hình tượng thơ mỏng manh/ tanh như tơ trời lơ lửng, đan níu không gian và thời gian dường như bất định, vít bầu trời thấp xuống sát đáy tâm hồn của tha nhân:
Còn nhớ hôm xưa độ tháng này
Cánh đồng xào xạc gió đùa cây
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Một đoạn tơ trời lững thững bay
Tơ trời theo gió vướng mình ta
Mối khác bên nàng nhẹ bỏ qua
Nghiêng nón nàng cười, đôi má thắm
Ta nhìn vơ vẩn áng mây xa
Tìm dấu hôm xưa giữa cánh đồng
Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông
Tơ trời lơ lửng vươn mình uốn
Đến nối duyên mình với… cõi không
(Tơ trời với tơ lòng)
Chất liệu mỹ cảm được chưng cất đậm đặc trong câu thơ bảy chữ, tạo nên sự mềm mại, dịu dàng như chính trạng thái tâm hồn của người đã kiến tạo nên không khí đẹp rực rỡ của miền Quê mẹ, đúng như nhận xét tài hoa của Thạch Lam, rằng bài thơ nào hay của Thanh Tịnh đều có yếu tố tự sự, truyện ngắn nào hay của ông đều có chất thơ.
Ngoài Tản Đà, người mở đầu cho quan niệm “có văn có ích, có văn chơi” được các tác giả Thi nhân Việt Nam “cung chiêu anh hồn”, trong số 46 tác giả được “bầu” vào cuốn “tự điển thơ” này có 7 tác giả nữ, thì xứ Huế có hai người là Mộng Huyền và Thu Hồng đều sinh năm 1919. Nếu với Thu Hồng, cảm xúc cứ chảy tràn ra bên ngoài một cách rộn rã với thiên nhiên hoa lá: “Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước bước/ Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay” (Tơ lòng với đẹp), thì Mộng Huyền lại kín như bưng. Cho đến nay, ta chỉ biết thi nhân sinh ra ở Huế, học tú tài ở Hà Nội, có thơ đăng trên hai tờ báo ở Huế thời bấy giờ là Tràng an và Sông Hương, tác giả của tập bản thảo Rung động (chưa in), đến tên thật cũng giấu như trong chú thích của Hoài Thanh đã ghi: “Thi sĩ yêu cầu chúng tôi đừng để tên thật của người”11. Thiên nhiên đã ban tặng cho con người xứ Huế sự trầm lặng, kín đáo nhưng không thiếu dáng vẻ đài các, cao sang. Dường như cỏ cây, sông nước nơi đây không chỉ ủ men mà còn khóa kín tâm hồn người Huế, rồi đem chìa khóa giấu kỹ dưới đáy sông Hương. Khó ai tự nhận mình là hiểu hết những tâm hồn Huế, cho dù người đó sinh ra và lớn lên tại Huế. Nên nói đến văn hóa Huế là tìm đến những nguồn mạch chảy lặn vào bên trong, chứ không phô diễn ra bên ngoài như nhiều nơi khác. Thơ Mộng Huyền được Hoài Thanh ví như một “hơi gió hiền hòa”, “yểu điệu và buồn buồn”, “nhẹ nhàng, âm thầm và e lệ”, do đó “đừng nói to, đừng bước nặng, hãy lắng hồn ta lại để đón lấy hồn người”! Điều này thể hiện rõ lập trường quan điểm của một nhà phê bình chủ quan khi lấy hồn mình để hiểu hồn người và cũng chỉ đem áp những ý nghĩ chủ quan của chủ thể, mới thấy hết vẻ đẹp trong nỗi buồn hiu hắt trong tâm hồn của thi nhân:
Hôm nay trở lại vườn xưa
Nén tim rộn rã ngăn ngừa nhớ thương
Cỏ lan mặt đất bên đường
Cành cây nghiêng gửi mùi hương bay rồi
Hình em còn ở hồn tôi
Sầu em lẩn quất bồi hồi đâu đây…
Rào xiêu, hoa héo, cây gầy
Em từ trần vội một ngày năm xưa
Vườn hoang, nhà vắng, cây thưa
Lòng tôi sầu tủi đã vừa mấy xuân!
Ngày kia tôi sẽ từ trần
Vườn hoang liêu lại mấy lần hoang liêu…
(Vườn hoang)
Nguyễn Đình Thư, sinh năm 1917 tại Phước Yên, Quảng Điền, tác giả của tập bản thảo Hương màu, cũng đem nỗi buồn của hồn mình phủ lên cảnh vật, trong một đêm trăng lạnh, có con bướm vẽ cành, một chút tình thoáng qua, một buổi chia ly hoặc nỗi lòng người bị tình phụ (Đến chiều, Sang ngang, Tống biệt, Vương tình, Thiệt thà…). Đó là nỗi buồn một mình, buồn không nước mắt, buồn âm thầm, lặng lẽ, thấm thía vô cùng, không biết ngỏ cùng ai, đành thác theo trăng gió mênh mông: “Không biết hôm nay trăng nhớ ai/ Mà buồn đưa lạnh suốt đêm ngày/ Trông chừng quạnh quẽ mênh mông quá/ Như trải u hoài muôn dặm khơi”. Nguyễn Đình Thư cũng gửi tình qua cảnh, cũng sở đắc và khá thành công với thể thơ lục bát truyền thống, nhưng cái mới trong thơ ông chính là ở nội dung mỹ cảm:
Lòng tôi như chiếc thuyền nan
Tình cô như khách sang ngang một chiều
Thu nào quá đỗi cô liêu
Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn
Qua rồi thôn cách bến sương
Phất phơ áo nhạt mất đường lau không
Vô tình đâu biết trên sông
Có người ngang lái còn trông dõi mình
(Sang ngang)
Không chỉ Nguyễn Đình Thư và Mộng Huyền, mà ở Huế thời này có cả Phan Thanh Phước, tác giả của tập bản thảo Vương hương, cũng chú trọng đến thể thơ lục bát. Nét đặc trưng biểu hiện trong thơ ông là có sự giằng co, tranh chấp giữa phần xác và phần hồn, kéo gần ông với các nhà tượng trưng trong trường thơ Bình Định (Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên…) thiên về cảm giác, khi ngồi ngắm người yêu ngủ mà hình dung được rằng “Đời vắng xa, xa hết những chua cay/ Còn em đẹp mềm thơm và ngon ngọt”. Và, cũng như nhiều nhà thơ của nước non xứ Huế thời bây giờ, luôn lấy trăng làm đối tượng, làm cái cớ để ướm đo cảm xúc, làm nơi để dẫn dắt nội dung mỹ cảm, Phan Thanh Phước cũng không là ngoại lệ:
Canh trăng sương dẫn phiền về
Buồn thao thức đọng bốn bề nghiêm lâu
Sân mê ngậm bóng cây cầu
Liễu nghiêng tóc rũ trước lầu gió se
Địch rầu giọng kéo lê thê
Thơ ai khuya lạnh ngã đề tương tư
Nến hao lệ ứa từ từ
Ngẩn ngơ tự gối nàng như mất hồn
(Đêm Tần)
Đối với nhà thơ liệt sĩ Thúc Tề, người từng có thơ in trên các báo như Văn học tạp chí, Mai, Dân quyền, chủ bút tuần báo Đông Dương, tham gia kháng chiến chống Pháp và đã hy sinh năm 1946, cũng có một vầng trăng của riêng mình, một vầng trăng thấm đẫm âm thanh, màu sắc, hương vị và cả địa danh của trăng Huế:
Một đêm mờ lạnh ánh gương phai
Suốt giải sông Hương nước thở dài
Xào xạc sóng buồn khua bãi sậy
Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai
Mây xám xây thành trên núi Bắc
Nhạc mềm chới với giữa sương đêm
Trăng mờ mơ ngủ lim dim gật
Ẻo lả nằm trên ngọn trúc mềm
Dịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma
Biến mất vì nghe giục tiếng gà
Trăng tỉnh giấc mơ, lười biếng dậy
Động lòng lệ liễu, giọt sương sa
Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước
Ngập tràn sông trắng gợi bâng khuâng
Hương trăng quấn quít hơi sương ướt
Ngân dội lời tình điệu hát xuân
(Trăng mơ)
Chỉ đọc tựa đề các bài thơ, cũng dễ nhận ra thiên nhiên, sông nước, trăng gió, mây phủ kinh thành xứ thần kinh: Trăng mơ, Bâng khuâng, Rung động, Hương màu, Vương hương, Sóng thơ,… Không chỉ đối với những người sinh ra, lớn lên ở Huế mới tri nhận được những thấm đẫm hương thơm của cỏ cây, hoa lá nơi đây, mà đối với cả những người ở nơi khác đến, đều chấm ngòi bút của mình vào nước sông Hương để cho những câu thơ chảy tràn cảm xúc: Lưu Trọng Lư với Tiếng thu (1939), Nam Trân với Huế, Đẹp và thơ (1939), Phạm Hầu với các bài thơ trên in Tao đàn như Vọng hải đài, Vọng lâu, Chiều buồn… Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, con trai của Thượng thư Phạm Liệu, một trong “ngũ phụng tề phi”, từng học Quốc học Huế và trường Mỹ thuật Hà Nội, Phạm Hầu chỉ có 24 năm đi ngang qua cõi đời (1920 - 1944), mà phần lớn tâm sức đã dành cho nghệ thuật hội họa, nhưng chỉ một phần nhỏ dành cho thơ ca, ông cũng đã để lại “hồn thơ là một cái gì rất mong manh, có khi chỉ một tí cũng đủ làm tiêu tan hết” (Hoài Thanh), khắc khoải nỗi cô đơn, chới với, bất trắc đến hoang mang của kiếp người:
Chẳng biết trong lòng ghi những ai?
Thềm son từng dội gót vân hài
Hỡi ôi! Người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân vọng hải đài
Cơn gió nào lên có một chiều
Ai ngờ thổi tạt mối tình kiêu
Tháng ngày đi rước tương tư lại
Làm rã chân thành sắp sửa xiêu
Trống trải trên đài du khách qua
Mây ngày vơ vẩn, gió đêm là
Muôn đời e hãy còn vương vấn
Một sắc không bờ trên biển xa
Lòng xiêu xiêu, hồn nức hương mai
Rạng đông về thức giấc hoa nhài
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?
(Vọng hải đài)
Nói đến Huế là nói cái đẹp, cái thơ mộng đã trầm lắng vào thơ ca nhạc họa. Những gì làm nên diện mạo cho thơ Huế giai đoạn này không chỉ là việc gửi tình qua cảnh, hoặc ca ngợi tự do luyến ái, mà cao hơn là thân phận của kiếp người được ý thức và biểu hiện một cách cặn kẽ, tinh tế như chính thế giới tâm hồn đa sầu đa cảm và đa mang một cách đài các, cao sang của đất đế đô một thời ngự trị. Bên cạnh sự lặng lờ trôi của dòng sông Hương mềm mại, uốn quanh thành phố, cũng đã bắt đầu xuất hiện tiếng nói phản kháng đối lập với chính quyền thực dân phong kiến, thức tỉnh lòng người kêu gọi đấu tranh, chống lại sự cai trị của nhà cầm quyền đương thời, kiến tạo nên dòng thơ ca yêu nước và cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mà người đã từng bước khẳng định để trở thành “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng” của cả nước là Tố Hữu.
Có sự phát triển liền mạch giữa thơ ca yêu nước trên đất này, từ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, đến những cổ động cho phong trào cách mạng của Nguyễn Chí Diểu, Lâm Mộng Quang… hoặc những bài như Đêm khuya tự tình với sông Hương của Hàn Mặc Tử (viết tặng Phan Bội Châu), Xuân lên đường của Thúc Tề… Đó cũng chính là quá trình chuyển động của đời sống thơ ca, mà trước hết là từ các chủ thể sáng tạo, biến các chí sĩ thành các thi sĩ, rồi lại chuyển các thi sĩ trở thành các nhà thơ - chiến sĩ, đó là những bước đi có ý nghĩa lịch sử, gắn liền với số phận của dân tộc trong một cuộc cách mạng có ý nghĩa đổi đời.
3. Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu
3.1. Những tác giả người Huế
Phan Văn Dật (1907 - 1987), quê gốc ở làng Đạo Đầu, Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng sinh ra ở làng Phú Xuân, nay là phường Phú Hội, thành phố Huế, trong một gia đình có mối quan hệ họ ngoại với hoàng tộc, ông là cháu nội bốn đời của bà An Trường công chúa, con vua Minh Mạng (1791 - 1840). Lúc nhỏ, học chữ Hán, lớn lên ông theo học chữ quốc ngữ, tốt nghiệp bằng Thành chung (lớp 9) Trường Quốc Học Huế (1927), vào làm Thư ký ngạch trước bạ tại Đà Nẵng rồi chuyển ra Huế. Từ đó, ông vừa làm công chức, vừa dạy học ở các Trường Đồng Khánh, Quốc Học Huế. Năm 1951, làm Chủ sự trước bạ Huế, được cử đi tu nghiệp ở trường Trước bạ Quốc gia Lyon, Pháp, đến 1952 trở về. Từ đó, đến năm 1976 là giảng viên Viện Hán học, Đại học Văn khoa và Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Là người có thiên hướng văn chương từ nhỏ, 6 tuổi Phan Văn Dật đã dành dụm tiền mua sách báo, 14 tuổi có thơ in báo khắp ba miền như các báo Thực nghiệp dân báo, Nam Phong tạp chí, Khuyến học (Hà Nội), Thần kinh tạp chí, Tràng an (Huế), Rạng đông (Sài Gòn)… Cuộc đời cầm bút hơn hai phần ba thế kỷ của ông, ngoài tiểu thuyết Diễm Dương trang (1935), ông chỉ cho in một tập thơ là Bâng khuâng (1936) và tập bản thảo Những ngày vàng lụa, tập hợp những bài thơ ông sáng tác từ sau 1936, được in rải rác các báo và các tập tuyển.
Phan Văn Dật là nhà thơ đa sầu, đa cảm mang đậm tâm tình hoài cổ, mộng mơ. Mọi biến đổi dữ dội trong đời sống chính trị xã hội của đất nước, dường như không mảy may tác động vào tâm hồn ông. Chỉ riêng cái tên của tác phẩm như Bâng khuâng, Những ngày vàng lụa, cũng đủ nói lên nỗi ám ảnh của tác giả về quá khứ, hay nói cách khác, những ngày sinh ra và lớn lên trong phủ công chúa, đã ghi lại dấu ấn quan trọng và chi phối hồn thơ ông. Đặc biệt, tên các bài thơ trong tập như Về lối cũ, Ngày lụt năm ấy, Nhớ mong, Ngậm ngùi, Tiếc rẻ, Tình suông, Dáng dấp, Phút chia tay, Tiễn đưa… càng khẳng định hồn thơ hoài cổ của ông, như chính những câu làm đề từ cho tập Bâng khuâng ông viết:
Đời tôi những phút thương buồn giận
Những phút nồng yêu hớn hở mầng
Lẽo đẽo mỗi lần tôi tưởng lại
Mỗi lần đều để tôi bâng khuâng
Khác với nhiều thi nhân xứ Huế cùng thời, Phan Văn Dật ít tả cảnh mà thiên về tả tình, cái tình hoài niệm ấy thường gửi qua một câu chuyện tự sự. Ở ông không có sự cháy lên như Xuân Diệu mà cũng không phải là sự gợi lại những mối tình mộc mạc, thôn dã kiểu Nguyễn Bính, mà là thứ tình cảm tiếc nuối, nhân hậu, hướng về những gì đã qua đi không trở lại, như một đôi vệt sáng le lói còn đọng lại mãi trong tâm hồn. Có thể thấy rõ, Phan Văn Dật là người có tâm hồn thuộc về quá khứ. Ông là người đứng ở đường biên giữa cũ và mới, tuy sớm tiếp thu văn học cổ Trung Quốc và chịu ảnh hưởng văn học cổ điển Pháp, cũng như có tiếp nhận ít nhiều tư tưởng tự do dân chủ phương Tây, nhưng ông vẫn cột chặt ngòi bút của mình theo đạo đức truyền thống, song không quá cổ hủ, đồng thời cũng không buông thả, phóng túng. Tư tưởng đó thể hiện trong cảm quan hiện thực: ông nhìn nhận cái hôm nay bằng con mắt của người hôm qua. Ông nhìn cuộc đời đổi thay, nhưng bản thân mình không dám tham gia vào cuộc đổi thay đó.
Như đã nói, Phan Văn Dật làm thơ trước khi có phong trào thơ mới xuất hiện (1932). Cả ba bài thơ trong tập Bâng khuâng được Hoài Thanh tuyển vào Thi nhân Việt Nam đều được ông sáng tác từ năm 1927 (Tiễn đưa, Bi xuân nương, Nàng con gái họ Dương) và về thi pháp, ông vẫn trung thành với các thể thơ truyền thống như thất ngôn, ngũ ngôn, Đường luật, lục bát và song thất lục bát. Nghĩa là, ông vẫn một mực theo lối thơ cũ truyền thống, không dám bước qua ngưỡng cửa thênh thang của thể thơ phá cách, thơ tự do, nhưng cái mới của ông, chính là ở nội dung mỹ cảm, ví như ở bài lục bát Nàng con gái họ Dương sau đây:
Năm xưa ta lại chốn này
Hồ thu nước mới chau mày với thu
Nàng Dương mười bốn hái dâu
Hoa non đâu đã biết sầu vì thu
Năm sau ta đến chốn này
Nàng Dương tóc đã đến ngày cài trâm
Chiều xuân hoen hoẻn trăng rằm
Con ong lén gởi thơ thầm ngoài hiên
Qua năm ta lại chốn này
Ngựa xe chen bước dấu giày in sân
Phòng khuê cửa đóng mấy tầng
Chim xanh mỏi cánh mấy lần về không
Rồi năm ta lại chốn này
Nàng Dương mở cửa suốt ngày đợi tin
Thềm ba khách vắng rêu in
Cành hoa năm ngoái ai vin năm này?
Năm nay ta lại chốn này
Lầu không chim vắng, chim bay đằng nào?
Hỏi người có biết tăm hao
Láng giềng rằng có cô nào đâu đây!
Ngay cả về nội dung đề tài, thơ Phan Văn Dật cũng ít nhiều níu giữ truyền thống, ở cái phần tốt đẹp nhất trong đời sống tinh thần dân tộc: “Giữa luồng không khí mới thúc giục người ta thoát ly gia đình, Phan Văn Dật đã dám ca tụng cái tình cha con, anh em; sách của người, người đề tặng song thân, tưởng ngày nay cũng là điều ít có”12. Thơ ông không mượt mà, lãng mạn, không rực rỡ, lung linh, không réo rắt, hùng tráng, không làm người đọc bồi hồi ngây ngất, nhưng vẫn có sức vẫy gọi người đọc, bởi chất tinh tế, nhạy cảm, quyến luyến từ bên trong câu chữ, thôi thúc và lôi cuốn tâm hồn người đọc với một niềm đam mê khó cưỡng, ngay cả đối với lớp người đọc trẻ tuổi sau này. Từ năm 1968, trở về sau cho đến cuối đời, người ta không thấy có thơ Phan Văn Dật xuất hiện trên báo chí ở các đô thị miền Nam nữa. Đó là một trong những khúc quanh của cuộc đời, buộc nhà thơ phải im hơi lặng tiếng, nhưng ông vẫn giữ một tấm lòng trong sạch đối với văn chương, một tình yêu quê hương đất nước, một nhân cách trí thức toàn vẹn với sự thanh cao, đài các của xứ sở quê ông.
Thu Hồng, quê làng Thần Phù, Hương Thủy, nhưng sinh ra ở Đà Nẵng và học ở đây hết bậc tiểu học rồi ra học trung học ở Trường Đồng Khánh Huế. Tác phẩm đã xuất bản là tập Sóng thơ (1940). Mấy nghìn năm phong kiến, người phụ nữ học để biết chữ đã khó, làm được thơ hay càng khó hơn, nhất là trong chốn “dinh lũy” của thành trì phong kiến. Viết về nhà thơ nữ xuất thân từ hoàng phái có tên đầy đủ là Tôn Nữ Thu Hồng này, Hoài Thanh viết: “Ở xứ này, nói đến những thiếu nữ làm thơ người ta thường mỉm cười. Hình như thơ là một cái gì to chuyện lắm. Thu Hồng đã tránh được cái mỉm cười mai mỉa ấy vì người rất bình dị, rất hồn nhiên, không lúc nào ra vẻ muốn làm cho to chuyện”13. Thế giới nghệ thuật trong Sóng thơ là sự trải lòng của cô nữ sinh Đồng Khánh với cỏ cây, non nước một cách dịu dàng (Êm đềm, Mảnh hồn thơ, Tơ lòng với đẹp…), với giọng điệu trẻ trung nhí nhảnh, không quá hiện sinh một cách gấp gáp như Xuân Diệu “nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ!” mà là “muốn sống hoài trong thời thơ ấu” như Hoài Thanh đã từng dẫn chứng:
Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu
Chớ len vào sớm quá, tội em mà!
Em nghe như thời ấy vẫn còn xa
Em chầm chậm để để mong còn xa mãi
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua
Một giọng điệu nghệ thuật luôn xuất phát từ một quan niệm nghệ thuật tương ứng, rồi từ quan niệm nghệ thuật sẽ làm nảy sinh những quy luật hình thức, tức là hệ thống thi pháp nhất định nhằm thể hiện thế giới tâm hồn thành câu, thành chữ. Trong thế giới tâm hồn của cô nữ sinh trong trắng, hồn nhiên cứ muốn mình là đứa trẻ nhí nhảnh, lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, kể cả lúc làm thơ cũng cứ thả cho niềm vui tung tăng trên trang giấy trắng, ngập tràn vây chặt tâm hồn khi mới đứng trước ngưỡng cửa của tình yêu, đến nỗi cô không giải thích nỗi cảm xúc của mình, cô “Chỉ biết hôm xưa một buổi chiều/ Cùng người trò chuyện chẳng bao nhiêu/ Người đi, tôi thấy sao mong nhớ/ Và cảm quanh mình nỗi tịch liêu”. Hóa ra, con người ta không dễ gì chỉ dừng mãi ở hoa, dù không muốn cũng đến lúc hoa phải trở thành trái, cũng như sau niềm vui có lúc cũng giăng mắc nỗi buồn, không ai có thể cưỡng lại được. Hãy nghe nữ thi sĩ của chúng ta thuở ấy quan niệm về thơ, về nghệ thuật luôn gắn với niềm vui, “hoàn toàn vui”, mà đúng thôi, nghệ thuật mà chỉ có nỗi buồn, thì ai tìm đến nghệ thuật làm chi, nhưng cuộc sống vốn thế, có niềm vui thì liền theo đó là nỗi buồn, “có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai”:
Em muốn thơ em hoàn toàn vui
Đừng sầu lá rụng, khóc hoa rơi
Đừng than thở, tiếc ngày qua chóng
Ước nguyện đành không đạt nguyện rồi
Ô hay! Đâu thoát khỏi triền miên
Hồn lặng trong mê, ý dậy phiền
Đời ít khi vui, hoài cảm xúc
Thương sen lẫn lộn sống trên bùn!
Cho nên nhiều lúc, muốn thơ cười
Chợt nghĩ quanh mà bút bỗng rơi!
Ôm mảnh hồn thơ, dường oán hận
Em dùng thổn thức, dãi nên lời
(Mảnh hồn thơ)
Trong thơ Thu Hồng không chỉ bắt gặp cảm xúc “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu” của Xuân Diệu, mà còn nhiều vương tơ với người đồng hương Thanh Tịnh, khi Thanh Tịnh có Tơ trời với tơ lòng, thì Thu Hồng dường như nối dài thêm ra Tơ lòng với đẹp, nhưng cả hai đều không hề có sự lặp lại, mà được nâng cấp theo một hướng khác, thể hiện sự trong trẻo, hồn nhiên, dịu dàng đầy nữ tính. Ở những bài thơ thể hiện cảm xúc trước thiên nhiên, sông nước của xứ Huế của bà, cũng gần với âm hưởng của người phát hiện ra Huế, Đẹp và thơ là thi sĩ Nam Trân, như những bức tranh chấm phá, màu sắc và đường nét chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng cũng thể hiện được nét tinh tế, linh hoạt và quý phái đầy nữ tính của một tâm hồn Huế:
Đêm. Trăng rạng rỡ soi
Thuyền ai thong thả trôi
Đàn hát chảy theo nước
Không gian bỗng nô cười!
Về mặt thi pháp, phải thừa nhận rằng, ở ngay thời buổi thơ mới vừa định hình, Thu Hồng là cây bút trẻ hết sức năng động, linh hoạt. Bà đã vận dụng nhiều thể thơ, trong đó có cả truyền thống và hiện đại, như thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ, tám chữ… đều đem lại những thành công nhất định, khẳng định tính ưu việt của thơ mới trong tiến trình hiện đại hóa thơ ca và quá trình lịch sử văn chương của dân tộc.
Tố Hữu với Từ ấy: Tố Hữu (1920 - 2002), tên thật là Nguyễn Kim Thành, người làng Phù Lai, Quảng Thọ, Quảng Điền, học trường Quốc học, sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 17 tuổi (1937), cũng là năm ông bắt đầu sự nghiệp thơ ca. Từ đó, con đường thơ và con đường cách mạng của ông trở nên song hành: tham gia Thành ủy Huế, bị bắt đi tù qua các nhà lao Huế, Lao Bảo, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Đăkglei, vượt ngục về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế 1945, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng… Là tác giả của nhiều tập thơ gắn liền với lịch sử cách mạng của dân tộc như Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Việt Nam máu và hoa (1977), Một tiếng đờn (1992)… nhưng quan trọng nhất vẫn là tập thơ đầu tay Từ ấy, được sáng tác từ trong phong trào Thanh niên Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), được công bố trên các báo chí công khai, mở đầu cho dòng thơ ca cách mạng theo quan điểm của tư tưởng marxisme và đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tố Hữu đến với thơ ca vào cuối những năm ba mươi của thế kỷ XX, sau đội ngũ các nhà nho chí sĩ bỗng trở nên lạc lõng trước thời cuộc, trong sự bước tiếp của một thế hệ làm thơ yêu nước mới, như Sóng Hồng (Tin tưởng, Là thi sĩ), Xuân Thủy (Không giam nỗi trí óc, Trong nhà tù), Lê Đức Thọ (Xuân chiến sĩ), Hoàng Văn Thụ (Gửi bạn), Trần Huy Liệu (Qua thăm gốc ổi, Khách chiến bại với nàng xuân nữ), Trần Minh Tước (Hội nghị thuế, Những giấc mơ trong ngục), Trần Mai Ninh (Nhớ máu, Tình sông núi)… Sáng tác của họ thể hiện tư tưởng của chủ nghĩa yêu nước trên lập trường tiểu tư sản (những năm 1920) rồi sau đó là vô sản (những năm 1930). Về hình thức, họ chưa có điều kiện và thời gian gọt dũa theo phong trào thơ mới, mà chủ yếu là các thể thơ truyền thống, bởi tuy họ có tiếp thu Tây học nhưng phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của Hán học. So với phong trào thơ mới, dòng thơ cách mạng có sự gần gũi nhiều hơn với dòng thơ của các chí sĩ đầu thế kỷ. Thế nhưng, trong số họ, không phải tất cả đều xa lạ với cái mới, đều “bảo thủ” trước sự phát triển của hình thức nghệ thuật của phong trào thơ mới, tiêu biểu là trường hợp Tố Hữu. Trong bài tựa viết cho tập Từ ấy (tái bản năm 1959), Đặng Thai Mai cho rằng: “Người của thời đại, Tố Hữu không thể không đọc, không thưởng thức thơ mới trong phần thành công của nó… không thể không tiếp thu ít nhiều ảnh hưởng của các nhà thi sĩ đồng thời”14. Xuân Diệu cũng đã từng chỉ ra một cách xác đáng rằng: “Tố Hữu đã dùng những yếu tố của phong trào thơ lãng mạn đang thịnh hành đương thời, đem vào thơ của mình và diễn đạt cái tinh thần cách mạng lối mới, cách mạng vô sản… cái phong cách lãng mạn kia, tức là cảm xúc đầy rẫy, đồng thời với việc cá thể hóa”. Điểm khác biệt giữa thơ mới và Từ ấy là thế giới quan và nhân sinh quan của chủ thể sáng tạo. Điều đó không đối lập với việc sử dụng đầy rẫy cảm xúc và cá thể hóa trong phương thức điển hình. Trong Câu chuyện về thơ, chính Tố Hữu cũng đã từng thừa nhận rằng: “Tôi cũng thích nhạc điệu và hơi thơ của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận… Trong tâm hồn các anh lúc đó, tôi tìm thấy những nỗi băn khoăn, đau buồn của những người cùng thế hệ, đòi hỏi tự do, ước mơ hạnh phúc, tuy các anh chưa tìm thấy lối ra, và nhiều khi rơi vào chán nản”15. Vì vậy, khác với các nhà thơ cách mạng khác, với Từ ấy, Tố Hữu đã đưa thơ ca cách mạng phát triển đến một cấp độ mới đáng ghi nhận, đó là sự thống nhất giữa cái mới trong nội dung tư tưởng và cái mới của hình thức nghệ thuật. Giáo sư Phong Lê có lý khi đề ra khái niệm này: “Từ ấy là thơ mới, nhưng không phải là thơ mới lãng mạn mà là thơ mới cách mạng”16.
Từ ấy là sự tập hợp những bài thơ Tố Hữu làm trong khoảng gần mười năm (1937 - 1946), cũng là thời gian tác giả có tuổi đời từ mười bảy đến hai mươi sáu, và chàng trai mười bảy tuổi bắt đầu bằng những cảm xúc phơi phới dưới ánh ban mai:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Tập thơ được chia thành ba phần: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng. Máu lửa được viết vào khoảng 1937 - 1939, thời kỳ nổ ra cuộc đấu tranh dân chủ, tác giả đã đồng cảm với những người lao khổ, đứng về phía các dân tộc bị áp bức, căm hờn và lên án lối sống xa hoa ích kỷ, bóc lột của giai cấp thống trị, thể hiện nhân sinh quan cách mạng, lập trường và chủ nghĩa lạc quan, tin tưởng vào xu thế chiến thắng tất yếu của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và cả cách mạng thế giới dưới ánh sáng của tư tưởng marxisme. Tinh thần chung của cả phần này là sự giác ngộ lý tưởng của một thanh niên trong tiến trình vận động cách mạng và vận động để hình thành một nền thơ ca mới, thơ ca cách mạng.
Xiềng xích là sừng sững chân dung một người chiến sĩ trẻ trước sự tra tấn tù đày, giam cầm hết nhà tù này đến nơi lưu đày khác: các lao Thừa Thiên (1939 - 1940), Lao Bảo (1940 - 1941), Quy Nhơn (1941 - 1942), đến các vùng rừng thiêng nước độc như “Đường lên xứ lạ Kontum/ Đường lên Đaksut, Đakpao/ Đường lên đỉnh núi Đaklay/ Phất phơ gió lạnh, sương đầy vắng chim”… thật khó nói hết nỗi gian truân vất vả mà người tù trẻ tuổi phải chịu đựng và trải qua trong hơn ba năm bị giam cầm trong ngục tù đế quốc, vẫn giữ vững tấm lòng kiên trung và chí khí chiến đấu, luôn tự dặn lòng mình: “Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối”. Xiềng xích là thơ của người chiến sĩ dặn lòng quyết không bao giờ nản chí khuất phục trước quân thù. Đồng thời, cùng với sự tự nhắc nhở mình và thắp lửa trong lòng đồng đội, đồng chí, thơ ông lúc này vẫn là thơ tranh đấu, thơ hành động, thơ kêu gọi, đoàn kết mọi người vì một lý tưởng sáng rực rỡ trong tương lai:
Quyết chiến đấu! Nào ta liên hiệp lại
Hỡi tù nhân khốn nạn của bần cùng
Ngày mai đây tất cả sẽ là chung
Tất cả sẽ là vui và ánh sáng!
Phần Giải phóng chỉ có mười mấy bài, tác giả làm từ khi vượt ngục Đăkglei về với đồng bằng, làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, rồi cùng nhân dân cướp chính quyền… nội dung tư tưởng và âm hưởng trữ tình khác hẳn với những phần thơ trước. Ở đây, sự biến đổi rất rõ cả về nội dung mỹ cảm và thi pháp biểu hiện, kéo gần ông hơn với các nhà thơ mới, mặc dù về nhân sinh quan, thế giới quan và vũ trụ quan vẫn còn trong tư thế lưỡng đối. Trên đường thoát ly chiến đấu, nhà thơ - chiến sĩ đã bắt đầu nhìn thấy viễn cảnh tương lai với tầm nhìn xa rộng: “Chân trời lui mãi lan lan rộng/ Hy vọng tràn lên đồng mênh mông”. Tình yêu giai cấp, lòng yêu nước, sự tin tưởng đối với nhân dân và cách mạng, bấy nhiêu đề tài đã được thể hiện trong những thể thơ, những hình tượng thơ mới mẽ, sáng lung linh, thông qua ngôn ngữ, lời nói giản dị, gần gũi và gắn bó với nhân dân, trong sự yêu thương, đùm bọc:
Tháng ngày chát cổ cơm khoai sắn
Rách rưới lều che tạm gió sương
Hiểu nhau rồi, hiểu lắm bạn ơi !...
Đặng Thai Mai từng ví Từ ấy là “bó hoa lửa lộng lẫy, nồng nàn” kết tinh của một cuộc cách mạng vĩ đại, làm thay đổi số phận dân tộc, tiến trình lịch sử của đất nước và cả tiến trình hiện đại hóa của thơ ca, trong đó có sự giao thoa giữa thơ ca yêu nước của các chí sĩ và thơ ca yêu nước cách mạng, giữa thơ mới lãng mạn và thơ mới cách mạng, giữa chân dung chủ thể là người thi sĩ và chiến sĩ cách mạng. Từ ấy không phải là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu, nó chỉ là con mưa đầu mùa nhưng nung nấu và ươm đầy những tia chớp.
3.2. Những tác giả đến Huế, viết về Huế
Nam Trân (1907 - 1967), tên thật là Nguyễn Học Sỹ, quê làng Phú Thứ Thượng, Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam. Thuở nhỏ, học chữ Hán, lớn lên ra học trường Quốc học Huế, rồi học trường Bưởi (trường Bảo hộ) Hà Nội. Tốt nghiệp tú tài, về làm Tham tá tòa Khâm sứ Huế, rồi được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ lại, đồng thời viết cho các báo Tràng an, Sông Hương, Phong hóa, Nam Phong tạp chí, Văn học tạp chí… Tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác ở Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam, Chánh văn phòng Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu Năm, Chủ tịch Hội Văn nghệ kháng chiến Liên khu Năm. Sau 1954, tập kết ra Bắc, làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I (1957). Năm 1959, chuyển sang Viện Văn học, phụ trách tiểu ban dịch tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời của ông, ngoài thơ dịch chữ Hán (Thơ Đường, Thơ Tống, Kinh thi…), ông chỉ có một tập thơ duy nhất ra đời tại xứ Huế, lại là người phát hiện ra Huế, Đẹp và thơ trong văn học hiện đại.
Làm nên tên tuổi Nam Trân chỉ vỏn vẹn 50 bài thơ viết về cảnh vật và con người xứ Huế, được công bố rải rác trên các báo như Nam Phong tạp chí, Văn học tạp chí, Phong hóa… sau đó mới được tập hợp thành Huế, Đẹp và thơ (1939). Ra đời trong không khí u buồn và cô đơn của phong trào thơ mới, nhưng Huế, Đẹp và thơ đã vượt ra khỏi vòng sinh quyển của thơ mới, bao phủ lên mình dáng vẻ nên thơ, man mác và lộng lẫy một cách thanh cao. Thậm chí, có lúc còn Giận khúc Nam ai coi đó chỉ là những khúc quan hoài, kể lể về cuộc đời kỹ nữ, mà hãy mạnh mẽ lên, “Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác/ Hãy đứng lên, nhạc sĩ, với tôi, đi (…) Hãy đứng dậy! Vút chiếc cầm ảo não!/ Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng/ Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân/ Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão”. Cảm quan nghệ thuật của Nam Trân ở bài này, tiến rất gần với nhân sinh quan của thơ mới cách mạng.
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có thống kê và so sánh việc tả cảnh Huế trong thơ giữa Nam Trân với Thu Hồng và Quỳnh Dao, có dẫn theo hai câu đắc địa của Quỳnh Dao, rằng: “Một hàng tôn nữ cười nghiêng nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu”, cuối cùng cũng để kết luận lại rằng: “Nhưng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vơ vẩn”17. Thơ Nam Trân, mỗi bài đều có đường nét, màu sắc như một bức tranh nhỏ, đặt cạnh nhau như một bức tranh liên hoàn về diện mạo xửa xưa của xứ Huế, trong đó, dĩ nhiên còn có những đường xuyên qua ngang dọc như những đường gân trên chiếc lá, chứa đựng mật ngọt của một chút tình, cũng tự nhiên và xanh tươi như cây lá. Điều này thể hiện ngay trong nét họa đầu tiên Đẹp và thơ (còn có tiêu đề phụ là Cô gái Kim Luông):
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo
Thuyền qua đến bến, cô lui lại
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo
Đăm đăm mắt mỏi vì chèo
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng
Biết không? Cô hỡi, biết không
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!
Có lẽ, cũng từ Nam Trân cái đẳng thức Huế - Đẹp - Thơ được xác lập, không chỉ có tính thống nhất mà còn có ý nghĩa đồng đẳng, đồng nhất với nhau. Về thi luật, Nam Trân là người vận dụng các thể thơ một cách tự nhiên và linh hoạt, sáu câu trên là sáu câu thất ngôn chỉ để tả cảnh, nhưng vẫn có sợi tình, bốn câu dưới là bốn câu lục bát nhằm để tả tình, để thấy sự xao động của “sóng lòng” nhưng vẫn in hình trên khung cảnh “quấy nước trong veo giữa dòng”. Cái hay ở Nam Trân là mỗi cảm xúc, mỗi sự kiện, mỗi hoàn cảnh đều tạo ra một âm điệu tương ứng. Vì vậy, trong mỗi bài thơ số câu thơ luôn thay đổi, trong mỗi câu thơ số chữ đều luôn biến hóa theo từng cung bậc cảm xúc. Phải cảm nhận được cảnh Huế đến mức nào mới tự do xuôi ngược, quẫy đạp trong không gian tự nhiên đến thế, đồng thời, thi nhân còn cảm thức thời gian như một sợi tơ vương níu giữ và pha màu cho bức tranh sinh hoạt đời sống Huế, đêm hè thêm tinh tế:
Trời nóng băm bốn độ
Đèn, sao khắp đế đô
Mặt trăng vàng, trỏn trẻn
Nấp sau nhánh phượng khô
Ba nhịp cầu Tràng Tiền
Đứng dày người hóng mát
Ngọn gió Thuận An lên
Áo quần kêu sột sạt
Đủng đỉnh chiếc thuyền nan
Qua, lại bến sông Hương…
Tiếng đờn chen tiếng hát
Thánh thót điệu Nam Bường
Hai tay xách hai vịm
Một vài mụ le te,
Tiếng non rao lảnh lói:
Chốc chốc: “Ai ăn chè?”
Sinh hoạt ban đêm của Huế xưa là vậy, còn Huế, ngày hè thì đường sá ít người đi, chỉ có tiếng ve và chú nài ngồi trên đầu voi phe phẩy chiếc quạt tre, nhìn ra xa thấy “Huế phượng, như giọt huyết/ Rỏ xuống phủ lề đường/ Mặt trời gay gay đỏ/ Nhuộm đỏ góc sông Hương”. Sự thay đổi của thời gian vật chất làm thay đổi hình tượng thời gian và không gian nghệ thuật, những yếu tố tổ hợp trong tâm tưởng con người và tất nhiên, dẫn đến sự thay đổi thi pháp biểu hiện. Thời gian có khi chỉ là một khoảnh khắc Trước chùa Thiên Mụ, nhưng cũng có khi kéo dài cả một Mùa đông. Khung cảnh mùa hè được biểu hiện qua câu thơ năm chữ, nhịp hai, ba với dư âm nóng bức, chuyển sang Mùa đông, câu thơ bất định từ một đến năm chữ, se lạnh như rơi rụng trước khoảng không mênh mông:
Lá bàng
Như lá vàng
Rụng
Ôi! Đìu hiu
Cảnh chiều
Đông!
Ruộng ngập: mênh mông
Nước phẳng
Cò bay, yên lặng
Quanh đồng
Thi tứ viển vông
Thần tưởng tượng
Như đàn cò đói lượn
Đồng không
Như vậy, khác với các nhà thơ mới, Nam Trân không biểu hiện tình yêu lãng mạn, nỗi cô đơn của phận người trước những ngang trái của cuộc đời, mà chỉ nhằm miêu tả thiên nhiên, lồng trong thời gian của các mùa trong năm, nhằm khẳng định cái tôi chủ thể của con người trước không gian bao la của vũ trụ. Về các yếu tố hình thức như thể thơ, câu thơ, tứ thơ và vần điệu được ông ướm thử, đắn đo kỹ lưỡng và làm chủ được cảm xúc của mình. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ ghi nhận đóng góp của ông đối với xứ Huế nói chung, thơ Huế nói riêng, như Hoài Thanh đã từng nhắc tới: “Thiết tưởng vì tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào cao quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ” (Sđd, tr.181).
Lưu Trọng Lư và Tiếng thu: Lưu Trọng Lư (1911 - 1991), quê làng Cao Lao Hạ, Bắc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Thuở nhỏ, học ở quê, rồi vào học Trường Quốc Học Huế, đến năm thứ ba, bỏ học ra Hà Nội dạy học tư, rồi chuyển sang nghề làm báo, viết văn. Là người ủng hộ nhiệt thành và trở thành một trong những chủ soái của phong trào thơ mới trước 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, tham gia Hội Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên và trong kháng chiến chống Pháp hoạt động văn nghệ ở Bình Trị Thiên. Sau 1954, ra Hà Nội công tác tại Bộ Văn hóa. Từng là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu, Tổng biên tập tạp chí Sân khấu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 2).
Trước cách mạng, Lưu Trọng Lư đã có đến 29 tác phẩm văn xuôi viết về Huế và năm 22 tuổi (1933), đã in tác phẩm Người sơn nhân, trong đó có 3 truyện ngắn và 10 bài thơ, nhưng tập thơ ghi dấu ấn quan trọng nhất trong cuộc đời sáng tạo của ông là tập Tiếng thu (1939), ông sáng tác trong thời gian ở Hà Nội, Hội An, mà chủ yếu là ở Huế. Hình tượng “con nai vàng” không chỉ trở thành hình tượng tiêu biểu cho thơ ông, mà còn trở thành biểu tượng cho văn hóa thơ mới, thể hiện trạng thái thoát ly thực tại của cái tôi chủ thể, cũng là trạng thái tinh thần của một bộ phận không nhỏ trong giới trí thức trẻ đương thời:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
(Tiếng thu)
Thơ Lưu Trọng Lư là sự phản quang yếu ớt và hết sức mờ nhạt của thế giới hiện thực, tất cả những âm thanh, hình ảnh của cuộc đời thực được khúc xạ vào một thế giới mộng ảo của một tâm hồn đa sầu, đa cảm, đa mang của một tầng lớp thanh niên tiểu tư sản thời bấy giờ, thất vọng trước thời cuộc, không lối thoát, gửi hồn mình vào những câu thơ mỏng mảnh khói sương. Phan Cự Đệ đã từng chỉ ra sự bế tắc, dẫn đến con đường đến với thơ văn của Lưu Trọng Lư rằng, khi học đến năm thứ ba Trường Quốc Học, Lưu Trọng Lư đã chán nản bỏ học để “đến ở nhà Phan Bội Châu. Rồi ông cùng Hoài Thanh đến thăm nhà nho Võ Liêm Sơn trong một nếp nhà tranh tối om gần cửa Đông Ba, ngâm ngợi những câu thơ tuyệt vọng trong Cô lâu mộng. Vẫn thấy đất trời tối tăm mù mịt, Lưu Trọng Lư bỏ ra Hà Nội thì nghe tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại. Người thanh niên đó bắt đầu cảm thấy “chán nản về những sự chính trị ồn ào” (Một cuộc cải cách về thi ca, in trong Người sơn nhân, Ngân sơn tùng thư xuất bản, Huế 1933). Gặp một tình yêu không may mắn cộng thêm vào nữa (Tình điên), thế là ông bỏ nhà đi tu. Nhà tu hành trai trẻ ấy mang cả Đốt (Dostoievski) vào chùa để đọc, chắc lòng đời hãy còn nặng lắm. Tên cáo già Sogny nghĩ ông là cộng sản, bắt bỏ vào nhà lao. Thế là đã nương náu cửa Thiền mà đế quốc vẫn không để cho yên. Từ đấy, Lưu Trọng Lư đi vào con đường thơ văn”18. Nhưng như đã nói, văn chương đối với ông chỉ là cõi mộng, thành ra, chán nản trước hiện thực cuộc đời, ông trốn chạy vào văn chương là trốn chạy vào cõi mộng: “Mộng! Đó mới là quê hương của Lư.” (Hoài Thanh).
Hơn ai hết, Lưu Trọng Lư đúng là người mang bản chất thi nhân. Ông giao tiếp với tất cả mọi yếu tố của đời sống, hoa nở, hoa tàn, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy, màu nắng mới trước hiên nhà… đều là thế giới thật của đời sống mà con người có thể tri nhận được, nhưng thông qua lăng kính chủ quan của tâm hồn thi nhân đều phủ màu sương khói, trong đó có cả những ý niệm về không gian, thời gian hằn sâu trong tâm tưởng. Những âm thanh, màu sắc, bức tranh đời sống như Tiếng thu, Điệu huyền, Thú đau thương, Thơ sầu rụng, Xuân về, Một mùa đông, Chiều cổ, Còn chi nữa, Tình điên, Giang hồ… mới nghe qua tiêu đề, có thể hình dung sự thật cuộc đời hiển hiện, nhưng khi dẫm vào câu, chữ mới thấy cũng chỉ là mộng ảo. Một trong những bài thơ hàm ngôn gần với cuộc đời thật nhất, là ký ức tự sự về người mẹ thuở xưa, cũng là một trong những bài thơ hay nhất của ông, là bài Nắng mới:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa
Được tôn vinh là một trong những chủ soái của phong trào thơ mới, Lưu Trọng Lư là người đưa thơ mới định hình không chỉ về nội dung tư tưởng mà còn cả về hình thức biểu hiện. Ông tung hoành với hầu hết các thể thơ, với câu thơ tự do, gieo vần, giữ nhịp một cách lão luyện. Dường như trong thế giới tâm hồn ông, câu chữ đã có sẵn, chỉ cần cảm xúc tuôn tràn, ông lôi từng câu, từng chữ trưng ra thành hàng, thành lối là thành chỉnh thể của một thế giới nghệ thuật. Đặc sắc nhất trong thơ ông là sự giàu có về nhịp điệu, khiến cho những hình tượng thơ có sức sống lâu bền trong lòng nhiều thế hệ người đọc, đồng thời, có thể nhân lên, sinh thành cuộc đời thứ hai, cũng trường tồn bền vững không kém trong loại hình nghệ thuật âm nhạc. Những bài như Thơ sầu rụng, Còn chi nữa hoặc Tiếng thu sẽ có sức sống vững bền hơn trong những vòm cong âm thanh thênh thang nhịp điệu.
Hàn Mặc Tử với Gái quê: Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) tên thật là Nguyễn Trọng Trí, quê làng Thanh Tân, Phong An, Phong Điền, Thừa Thiên. Sinh ra ở Lệ Mỹ, thành phố Đồng Hới, trong một gia đình công giáo nghèo, sau đó theo gia đình vào cư trú tại Quy Nhơn. Ông ra học trường dòng Pellerin ở Huế mấy năm, rồi về học tiếp ở Quy Nhơn, bỏ học vào làm công chức Sở Đạc điền Quy nhơn, rồi vào Sài Gòn làm báo. Với bút danh Lệ Thanh, ông sáng tác thơ Đường xuất sắc, sau đó chuyển sang sáng tác thơ mới, lấy bút hiệu là Hàn Mặc Tử. Khi còn sống, ông chỉ mới in tập Gái quê (1936), đã đưa tên tuổi của ông nổi bật trong phong trào thơ mới. Đây thôn Vỹ Dạ là một thi phẩm độc đáo và xuất sắc, gắn liền tên tuổi của ông với đất trời xứ Huế:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Tóm lại, thành tựu thơ ca xứ Huế giai đoạn 1900 - 1945, chủ yếu là thành tựu của thơ mới. Đó cũng là thời điểm diễn ra nhiều quá trình, như có sự thay đổi về tư duy sáng tạo, sự đổi mới cả nội dung lẫn hình thức của thơ và cả của chủ thể sáng tạo, đưa đến sự thành công và khẳng định vị thế của thơ mới trong tiến trình hiện đại hóa văn học thế kỷ XX. Trong đó, đáng ghi nhận là sự phát triển đông đảo về đội ngũ, sự hội tụ và lan tỏa để Huế trở thành một trong ba trung tâm của cả nước, sau Hà Nội và Sài Gòn. Nói đến văn chương xứ Huế, không thể không nói đến thơ và nói đến thơ Huế, không thể không quan tâm đến giai đoạn hưng thịnh thời này.
P.P.U.C
(TCSH394/12-2021)
--------------------------------------------
1. Lưu Trọng Lư, “Bức thư ngỏ cùng Phan Khôi tiên sinh sau khi đọc bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, Phụ nữ tân văn số 153, tháng 6/1932.
2. Phạm Quỳnh, “Bàn về thơ Nôm”, tạp chí Nam Phong, số 5, tháng 11/1917.
3. Phan Khôi, “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, Phụ nữ tân văn số 122 ngày 10.3.1932.
4. Trần Mạnh Thường, Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2008, tr.2379.
5. Bùi Duy Tân, Thể thơ vịnh sử - một thể tài đặc trưng trong văn học trung đại, in trong Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb. Giáo dục, 2007, tr.514.
6. Báo Phong hóa, số 14, ra ngày 22/9/1932.
7. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học tái bản 1994, tr.21.
8. Lưu Trọng Lư, “Phong trào thơ mới”, Tiểu thuyết thứ Bảy, số 27, ra ngày 01/12/1934.
9. Phan Cự Đệ (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.19.
10. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Sđd, tr.83.
11. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Sđd, tr.83.
12. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Sđd, tr.83.
13. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Sđd, tr.170.
14. Đặng Thai Mai, Dẫn theo Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr.76
15. Tố Hữu, Dẫn theo Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX, Sđd, tr.274.
16. Phong Lê, Phác thảo văn học Việt Nam hiện đại (thế kỷ XX), Nxb. Tri thức, 2013, tr.120.
17. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Sđd, tr.180.
18. Phan Cự Đệ (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Sđd, tr.21.