Nghiên Cứu & Bình Luận
Trịnh Công Sơn và những con đường
08:28 | 06/08/2009
TÔ VĨNH HÀ Huế đang trở lạnh với "mưa vẫn mưa bay" giăng mờ như hư ảo những gương mặt người xuôi ngược trên con đường tôi đi. Tôi giật mình vì một tà áo trắng vừa trôi qua. Dáng đi êm nhẹ với cánh dù mỏng manh như hơi nghiêng xuống cùng nỗi cô đơn. Những nhọc nhằn của tuổi mơ chưa đến nỗi làm bờ vai trĩu mệt nhưng cũng đủ tạo nên một "giọt chiều trên lá(1), cam chịu và chờ đợi nỗi niềm nào đó hiu hắt như những hạt mưa...
Trịnh Công Sơn và những con đường
Ảnh: tcs.nhacso.net

Đã rất nhiều lần tôi đứng ở sân trường để ngắm những chiều mưa. Đường phố trong mưa như một dòng sông nhỏ, với đôi bờ là những hàng cây và hè phố thờ ơ. Những tà áo nữ sinh giống hệt những con thuyền, cứ bị dòng sông đời xô đi, cuốn đi đến nơi nào đó; hối hả mà thầm lặng trong đam mê vô vọng của kiếp người. Đã không ít lần tôi ngạc nhiên vì bất lực với chính mình. Tại sao cũng tà áo trắng ấy; cũng là đi và trôi trong một chiều mưa như thế, nhưng chẳng nơi nào làm tôi bâng khuâng, chẳng nơi nào làm tôi dứt day nhiều đến thế trước tà áo trắng - và mưa, và chiều của Huế?

Tôi tìm câu trả lời từ sự im lìm đầy kiêu hãnh của rừng thông trên núi Ngự. Tôi đắm mình hàng giờ trước cái kiên nhẫn đầy trắc ẩn của dòng Hương. "Trí giả nhạo thuỷ" bởi cứ tưởng rằng "thệ giả như tư phù"(2). Nhưng chẳng bao giờ bậc trí giả nhìn thấy những sóng ngầm nhức nhối của tuyệt vọng giãi bày. Bất lực, tôi lắng nghe những giọng nói nhỏ nhẹ xung quanh tôi để may ra tìm thấy câu trả lời. Không một ai chỉ cho tôi thấy cái cần biết; nhưng qua giọng nói của... Huế, tôi mơ hồ hiểu từng âm tiết, từng ngữ điệu là những hạt sợi làm cho tà áo dài Huế nhẹ hơn, mềm mượt hơn. Tôi nhìn ngắm những con người với những bước chân chầm chậm, thi thoảng còn chậm hơn là những ánh mắt rụt tè mà sự tự tin nằm ẩn trong tim. "Đêm từng đêm bay về"(3), tôi thả đời tôi ra phố, chợt nhận hiểu rằng thành phố thật buồn bởi ngủ chìm sớm quá, "thành phố hoang vu"...(4)

Rồi đến một ngày câu trả lời có thật bất ngờ: tôi nghe thấy lời mách bảo dịu dàng từ những tiếng thì thầm nhẹ như hơi thở của tình yêu trong lời ca của Trịnh. Những bài ca của Anh sao có nhiều đến thế những con đường. Anh không chỉ cho tôi thấy những con đường anh đi là đường phố nào, ở thành phố nào nhưng tôi tin chắc chính ở đây - nơi có giọng nói, Dòng Hương, Núi Ngự... đều là những con đường đưa Anh đến với đời, đến với sự bất tử của tâm hồn Huế, Hồn Việt. Những lời ca của Anh mượt mà hơn cả tà áo dài xứ Huế - bởi cái lung linh ảo tuyệt, cái mộng mị muôn đời của tà áo Huế đã trở thành một phần xương thịt của Anh. Nói đúng ra, Trịnh sẽ không còn là Trịnh nữa một khi ta cắt Huế khỏi trái tim Anh. Chất triết lý giản dị mà sâu sắc của Anh được chắt chiu từ vị thơm cực độ của gừng cay để làm nên cái rượi mát dịu lành của từng con hến; từ vị chát bùi của vả, từ vị chua của khế, vị đắng ngọt mặn mà của chuối hột xanh cùng cái sắc - mềm đến xé lòng của chén mắm nêm...

Trịnh Công Sơn thường tự ví mình như một người sinh ra phải kiếp lang thang. Có phải vì thế mà Anh hát và viết luôn trong sự ám ảnh từ vô thức (unconscious) bởi những con đường, bởi những lần ĐI. Chữ đi xuất hiện thường xuyên và, dĩ nhiên nó phải gắn với những con đường. Chỉ riêng trong bài "Một Cõi Đi Về", từ này được nhắc đi nhắc lại đến 7 lần. 7 là số tầng của địa ngục, số tầng của Thiên đường; số nốt nhạc, số ngày trong tuần, số tận cùng của đời - "hú ba hồn bảy vía"; số duy triết của kiếp người: "ba chìm bảy nổi". Đức Phật (Budha) đã từng ĐI 7 bước trước khi ngộ (Prajnãn). Cầu vồng trước khi "chết" đã lung linh 7 sắc...

Sự ngẫu nhiên (?) của Một cõi đi về chỉ có thể cho ta biết Trịnh đã yêu vô cùng Những Con Đường. Dù có "Hát trên những xác người" Trịnh vẫn hiểu "con đường quanh co" trước lúc mỗi người tìm thấy thân xác của chính mình. Ở giữa rừng xa, đồng vắng Trịnh vẫn "nhớ phố nhớ phường"(5). Không ít lần chàng - mà không trai - si tình họ Trịnh "còn một mình trên phố"(6) thấy "phố xa lạ"(7) ngỡ tưởng "bàn chân qua phố thấy người"(8) nhưng thật ra "ngoài kia không còn nắng mềm, ngoài kia ai còn biết tên"(9). Anh đã có "những con đường lứa đôi"(10); Anh đã từng hiểu "Ngoài phố mùa Đông, đôi môi em là đốm lửa hồng"(11), nhưng Trịnh cũng hiểu rõ "đường nào dìu ta đi đến cơn say"...(12)

Những con đường trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn không chỉ là nỗi niềm, không chỉ là một khát vọng mà còn hơn thế nữa, đó là tình yêu đau đáu và da diết đến quặn lòng của Anh đối với Quê Hương mà tôi cứ tin chắc rằng Huế mãi là phần lớn nhất của trái tim thiên tài nhưng chát lắm những xót xa của Anh. Tên Anh, tôi nghĩ, mỗi ngày đều được "khắc" trên những con đường bởi ai đó đang vừa đi vừa thì thầm những câu ca của Anh; hoặc giả quán cà phê bên đường đang dùng những cái máy hát vô tri, cô độc "khắc" mãi tên Anh.

Tôi là một người được sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Tôi đã từng bị kiểm điểm vì hát "Diễm Xưa" trong những ngày máu lửa nhất của chiến tranh. Hồi nhỏ tôi chỉ nghêu ngao mà chẳng hiểu một chút nào cái day dứt tuyệt vời của Trịnh. Vào Huế, tôi đứng từ xa để thầm ước ao được chiêm ngưỡng Anh, được chạm vào bàn tay tài năng của Anh dù chỉ một lần. Lúc tôi có thể có "quyền" gặp và có quyền "nhìn" (với rất nhiều mặc cảm) những "cây đa, cây đề" của Làng Văn Huế thì Trịnh Công Sơn đã không còn ở Huế nữa.

Nói cách khác, tôi đã từng thấy Trịnh nhưng chưa được GẶP Anh bao giờ. Đó là một nỗi đau thực sự của đời tôi. Giá như tôi có chỉ một chút mạnh dạn thôi, của thế hệ sau này, thì tôi đã không xót xa nhiều đến thế khi nghe tin Trịnh mất, ngày đầu tiên của tháng Tư. Anh ra đi trong ngày mà tất cả mọi người đều có quyền dối trá. Nhưng những giọt nước mắt của một nữ sinh viên (Văn K25 - ĐHKH Huế) đã cho tôi hiểu không bao giờ có sự dối trá trong trái tim người. Đó là tiếng khóc nghẹn ngào, đau đớn của một cô gái người Đà Nẵng.

Gần 3 năm đã trôi qua, nhiều lần tôi ước ao có một con đường - dù nhỏ và ngắn như cuộc đời của Trịnh - để cho tôi có thể đi và đến, với một nỗi niềm, với một phần không thể thiếu của trái tim tôi, nhưng điều mơ tưởng đó vẫn là không thể. Tôi biết Trịnh dù là một Cánh chim cô đơn những vẫn "Đêm từng đêm bay về, quê hương là nỗi nhớ; yêu càng yêu quê nhà, nhọc nhằn trong nắng mưa"(13). Thật tủi tê khi Trịnh viết những dòng chữ ấy. Anh cũng viết thêm rằng "đời nhẹ như lá khô". Trịnh Công Sơn không phải là người đi "rêu rao đời mình"(14) nhưng chắc chắn Anh là một trong những người hiểu rõ cái gì làm nên vẻ đẹp Huế. Tôi tin Trịnh đã nhiều lần đi trong mưa Huế, lầm lũi và cô đơn, nhìn và thấy, đau và khát... Nếu không thế Trịnh làm sao có thể hát "Ru em đầu cơn gió. Em hong tóc bên hồ. Khi sen hồng mới nở. Nụ hồng ôi thơm quá... Ru em hài nhung gấm. Ru em gót sen hồng. Ru bay tà áo rộng. Ru trên đường em đến. Trăm năm vẫn quay về..."(15) Tất cả những điệp khúc năm chữ đó chỉ để nói về con đường - Huế mà Anh đã đi.

Một tên đường cho Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ, cũng có thể là ước mơ của không ít người. Tà áo Huế sẽ đẹp hơn nhiều khi lăn xuống và, bay ngang - chậm trong tiếng nhạc Trịnh; trong những món ăn của  Huế và của Trịnh; trong cái suy tư mà rạng rỡ của mọi du khách nào muốn tìm để hiểu Trịnh. Trịnh là một nét văn hoá phi vật thể mà ta cảm nhận thật rõ ràng. Trịnh là một phần không thể thiếu được của Huế. Đừng chậm trễ để Trịnh Công Sơn nơi xa kia cứ mãi phải tin rằng "cuộc đời đâu biết thế". Đừng để trái tim đã ngừng đập của Anh không có chỗ cho "Tim lăn trên đường mòn"...

Huế, 13-11-2003
T.V.H
(183/05-04)


______________

1 Chiều trên quê hương tôi.
2 Khổng Tử: Bậc trí giả vui thích khi (ngắm) nhìn dòng nước chảy vì nước cứ mãi trôi đi giống như cuộc đời này cứ mãi mãi trôi đi.
3 Cánh chim cô đơn.
4 Cát bụi tình xa.
5 Hành hương trên đồi cao.
6 Chiều một mình qua phố.
7 Bên đời hiu quạn
h.
8 Có một dòng sông đã qua đời.
9 Chiều một mình qua phố.
10 Chiều trên quê hương tôi.
11 Ru đời đi nhé.
12 Bên đời hiu quạnh.
13 Cánh chim cô đơn.
14 Ru đời đi nhé.
15 Ru tình.

Các bài mới
Các bài đã đăng