PHONG LÊ
Lực lượng chủ công trong đội ngũ viết hôm nay, theo tôi nghĩ và mong đợi, đó phải là thế hệ viết sinh ra trước sau thời điểm 1990. Sớm hơn một ít, đó là năm 1986 - năm khởi động công cuộc Đổi mới. Muộn hơn một chút, đó là năm 1995 - năm Việt Nam thoát khỏi thế cấm vận và gia nhập ASEAN.
Có thể tìm thấy khát vọng đi tìm cái riêng là ráo riết nhất ở lớp người này. Lớp người đến nay nhìn chung ở vào tuổi ngoài 20 cho đến trên 30 dưới 40, là lứa tuổi có tiềm năng và hoàn cảnh tốt nhất cho việc thực hiện các khát vọng; và nhìn vào lịch sử, thì chính đó là lứa tuổi đã làm nên các mùa màng lớn, như mùa văn học 1930 - 1945 trước yêu cầu hiện đại hóa văn học, trong tư cách là các kiện tướng của phong trào Thơ mới, của văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực...; hoặc mùa 1960 - 1975 trước yêu cầu giải phóng và thống nhất Tổ quốc, trong tư cách nhà văn - chiến sĩ...
Việc thực hiện được cái riêng của thế hệ, và của cá nhân từng người viết là yêu cầu chính đáng và cần thiết để đưa lại một diện mạo mới cho văn học qua các thời kỳ.
Rõ ràng cái vốn căn bản đầu tiên để chúng ta hy vọng và trông đợi ở một thế hệ viết - đó là sức trẻ, là tuổi trẻ. Không có một cuộc cách mạng nào trong lịch sử, kể cả cách mạng văn học mà không được thực hiện bởi một lực lượng trẻ. Ở cuộc chuyển động lần thứ nhất, thời 1930 - 1945, người nhiều tuổi nhất là Ngô Tất Tố (sinh 1893), viết Tắt đèn ở tuổi 45, và Khái Hưng (sinh 1896) viết Hồn bướm mơ tiên ở tuổi 37; cả hai rất hiếm hoi đã vượt được áp lực tuổi tác để đứng ở hàng đầu hai trào lưu hiện thực và lãng mạn; còn tất cả, hoặc hầu hết những người viết khác đều thực hiện được khát vọng văn chương của mình ở tuổi 20 đến 30; trong đó những tên tuổi sáng giá như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính... đều ở tuổi ngoài 20 hoặc ngót 30.
Mấy thế hệ viết sau 1945, cũng đã đến được hoặc đạt đỉnh cao sáng tạo của mình ở tuổi 20 đến 30, như Trần Đăng, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu..., trong mở đầu và kết thúc văn học chống Pháp, rồi gối sang thời chống Mỹ như Hữu Mai, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Anh Đức...; tiếp đến là lứa 20 văn học chống Mỹ gối sang thời Đổi mới như Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Đỗ Chu, Lê Lựu, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Duy, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh...
Trở lại hơn 30 năm qua, tính từ sau 1990, đời sống văn học chúng ta vẫn có sự xuất hiện đều, và càng về sau càng nhiều những tên tuổi mới. Nhưng dường như tất cả họ vẫn chưa hội được thành một đội ngũ, trong một cuộc hành trình không lẫn vào nhau, nhưng cũng không quay lưng với nhau; với cái gọi là “cá tính sáng tạo” thật sự, được xác định bằng chính nội lực bản thân, mà không cần gây “sốc”; được chấp nhận không phải chỉ ở một vài cây bút phê bình hoặc nhà văn cấp tiến mà là số đông người đọc, tôi tin không phải tất cả đều bảo thủ…
Xét theo lịch sử thì 30 năm qua, đó là một thay đổi hiếm có, hoặc chưa từng có. Để từ chiến tranh (những hơn 30 năm) chuyển sang hòa bình (hơn 45 năm). Từ đất nước bị chia cắt (hơn 20 năm) đến đất nước thống nhất (hơn 45 năm). Từ giao lưu hẹp đến giao lưu rộng... Những chuyển động như thế phải nói là rất lớn. Lớn và cũng có tầm một cuộc chuyển giao tựa như chuyển giao từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, đưa đất nước từ trạng thái phong bế, lạc hậu vào một cuộc Canh tân. Lớn như Cách mạng tháng Tám 1945 làm thay đổi chế độ. Tiếp tục thành quả của Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, Đổi mới, rồi Hội nhập - đó là một cuộc lên đường mới của dân tộc để rút ngắn những so le lịch sử giữa dân tộc và thời đại.
Để có đủ tiềm lực và hành trang cho một chuyển đổi mang tính cách mạng như thế, văn học, cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác, kể cả kinh tế, chính trị, cần đến những lực lượng trẻ; mà nói trẻ là nói đến những thế hệ trên dưới tuổi 30, thậm chí là trong ngoài 20. Chứ không thể là 60 - hoặc hơn, thậm chí 50, hoặc 40.
35 năm trong sự nghiệp Đổi mới, 45 năm sau khi kết thúc chiến tranh, tính đến thời điểm 2022 lịch sử này - đó là một thời gian không ngắn, nếu so với các chu kỳ biến động của đời sống và sinh hoạt văn học Việt Nam thế kỷ XX… 35 năm và 45 năm - đó là sự đồng hành của bốn (hoặc năm) thế hệ viết; và thế hệ tiếp nối, thế hệ có trách nhiệm nhận sự chuyển giao, trong mở đầu thế kỷ XXI này, có khác với tất cả các thế hệ trước, gần như không phải chịu một sức ép nào của truyền thống, của lịch sử, mà chỉ chịu một sức ép lớn nhất và duy nhất là sức ép của thời đại, trong một cuộc hội nhập mà dân tộc gần như không thể tránh, nếu không nói là phải dũng cảm đón nhận trong tư thế chủ động, để khỏi bị đẩy ra khỏi “đường ray của con tàu phát triển”.
Cần một cách nhìn như thế để chúng ta có đòi hỏi cao đối với một thế hệ viết mới - thế hệ tuổi 20 đến 30; và để không ngạc nhiên trước những gì rồi sẽ diễn ra - tôi hy vọng thế, như đã diễn ra trong ba thập niên đầu thế kỷ XX, nếu lấy con mắt Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh mà nhìn Nguyễn Ái Quốc; nếu lấy con mắt Nguyễn Khuyến, Tú Xương mà nhìn Hồ Biểu Chánh, Tản Đà; nếu lấy con mắt Tản Đà và Hoàng Ngọc Phách mà nhìn Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tuân, Nam Cao... Còn hơn một sự thay thế, đó còn là một đứt gẫy tự nguyện, không hề gây tiếc nuối hoặc đau đớn. Bởi phải một thế hệ trẻ, hoặc rất trẻ, vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, lại vừa là chủ thể của hoàn cảnh, với bản lĩnh cá nhân và sức mạnh của đội ngũ, mới mong đưa đời sống văn học vào một bước ngoặt, mang tính cách mạng, như đã từng diễn ra trong 15 năm - từ 1930 đến 1945; và đang tiếp tục được đón đợi, với quy mô và tầm vóc chắc chắn là còn lớn hơn gấp nhiều lần vào đầu thế kỷ XXI, sau 35 năm đất nước trong Đổi mới và Hội nhập.
*
Nhận diện đặc trưng về nội dung và nghệ thuật trong sáng tạo của các thế hệ viết ở lứa tuổi từ ngoài 20 đến trước sau 30, trên những thông tin ít ỏi mà tôi được biết tôi thấy có những dấu hiệu chung như sau:
1. Nổi lên vai trò cá nhân thay cho cộng đồng, do sự ráo riết đi tìm những khác biệt thay cho tương đồng. Dị ứng với cái chung, cái giống nhau. Mối quan tâm này chi phối mọi cách thức tìm kiếm trong nội dung và nghệ thuật thể hiện.
2. Xuất hiện những nhân vật mới thay cho hệ thống nhân vật cũ đã quá quen thuộc trong nhiều chục năm chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội như Công Nông Binh; Con người mới - Cuộc sống mới; những tấm gương tiên tiến thuộc Người thực Việc thực (để ca ngợi, xưng tụng, nêu gương)…; và những nhân vật tiêu cực trong bộ phận lãnh đạo thoái hóa, cao nhất chỉ đến cấp huyện (để phê phán). Còn bây giờ nhân vật mới, đó là các thế hệ trẻ trước những băn khoăn về tình yêu và tình dục, lẽ sống, khát vọng cá nhân, con đường lập nghiệp, và các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, hoặc siêu nhiên và… vũ trụ…
Họ kể chuyện về chính mình, đi sâu vào bản thân mình, và tìm được sự hưởng ứng của thế hệ. Sách của họ được in ra với “con số đáng mơ” và được tiêu thụ rất nhanh, qua những cái tên gần đây nhất như Anh Khang, Phan Ý Yên, Jun Phạm, Minh Đức, Diệu Ái, Nguyễn Duy Quyền, Hạnh Nguyên, Nguyễn Phong Việt… Con số do Công ty văn hóa Phương Nam cung cấp: Tổng lượng phát hành 5 cuốn của Anh Khang đến nay là 540.000 bản, 3 cuốn của Phan Ý Yên là 200.000 bản, 3 cuốn của Jun Phạm là 250.000 bản([1])…
Hạnh Nguyên, sinh 1995, trong Say - quyển sách được Giải Phát hiện mới của Giải Sách hay 2016, có thế giới nhân vật “là những người trẻ cô đơn, khép kín và vô định, lọt thỏm giữa vụ trụ rộng lớn của cõi người”. Hạnh Nguyên viết từ tuổi 17 - cái tuổi mọi điều buồn vui đều có thể trở thành một “vấn đề”. “Nguyên viết cho cô, nhưng cũng là cho tuổi 17 đầy hoang hoải của bất kỳ cô cậu nhóc nào”… Điều cần lưu ý là tất cả những tên tuổi đã nêu trên trong số rất, rất nhiều tên tuổi viết trẻ khác, có dễ đến hàng trăm, xuất hiện từ nhiều năm trước đây, số lớn ở phía Nam, đều không có gì liên quan đến Hội Nhà văn Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước đã có thâm niên trên 60 năm, với trên dưới 1000 hội viên, không kể những người đã mất, tính cho đến nay; và với tuổi thọ bình quân có lẽ phải trên 60, hoặc gần 70!([2]). Tôi nghĩ vậy, bởi người được phân công phụ trách đội ngũ viết văn trẻ trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ này là nhà thơ Hữu Việt đến nay cũng đã gần tuổi 60 rồi.
3. Chức năng giải trí trội lên, đứng ở hàng đầu thay cho nhận thức, và giáo dục; cả hai giờ đây rất ít có vai trò vì đã có các phương tiện khác thay thế.
Nhận thức: Các phương tiện thông tin, truyền thông giải quyết ngay tại chỗ và bất cứ lúc nào.
Giáo dục: Trả về cho gia đình, nhà trường cùng bộ máy công quyền phải sao cho trong sạch gương mẫu gắn với việc thực thi hiến pháp, pháp luật.
Đáng tiếc là cả ba khu vực này còn rất nhiều khiếm khuyết, bất cập, thậm chí còn chưa ra khỏi những suy thoái cục bộ.
4. Thay vì các thứ tính như tính Đảng, tính giai cấp, tính Nhân dân (với cách hiểu nhiều thiên lệch và bất cập trước đây), bây giờ là sự nổi lên cá tính trong đối ứng với tính dân tộc và tính nhân loại.
5. Ít quan tâm, và do vậy mà khó nhận ra những vấn đề nóng bỏng gây nhức nhối cho xã hội, cũng là dấu hiệu đáng lưu ý khi chức năng nhận thức xã hội được khoán trắng cho báo chí, truyền thông.
*
Là người viết và cũng là người đọc thuộc thế hệ sống trọn vẹn trong 3 cuộc chiến chống xâm lược, và chống đói nghèo suốt hơn nửa thế kỷ, tính từ sau 1945 cho đến hết thập niên 1990, tôi rất mong mỏi có những đổi thay lớn trong tương lai văn học nghệ thuật nước nhà đang chuyển sang vai các thế hệ trẻ - là sản phẩm và là chủ thể của hiện thực mới hôm nay, của chính cái thời chúng ta đang sống hôm nay. Được đồng hành với họ, được chứng kiến sự xuất hiện và thay thế của họ cũng đã là hạnh phúc lớn!
Là người đọc và người viết của thế kỷ XX, tôi ít có cơ hội để tiếp xúc với các thế hệ viết hôm nay, nên chỉ có thể nêu một số nhận xét sơ bộ về mấy dấu hiệu chung làm nên đặc trưng của đội ngũ mà chưa thể và cũng không nên có ý kiến gì đánh giá để khen chê. Chỉ có cảm tưởng qua 5 dấu hiệu đã nêu mà làm nên một thay đổi, hoặc thay thế, hoặc đứt gẫy tự nhiên với các thế hệ làm nên gương mặt thế kỷ XX - qua 3 mùa màng lớn, trong đó ở mùa đầu (1930 - 1945) có một chuyển ngôi hoặc đứt gẫy ở thập niên 1920; và hai mùa sau (1945 - 1975 và 1980 - 1995) là một đồng hành và tiếp nối.
Gần đây, may mắn được đọc bài viết Người viết trẻ tự vẽ những đường bay của nhà phê bình - nhà thơ Hoàng Đăng Khoa, sinh năm 1977, hiện công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đăng trên Tạp chí Sông Hương số Đặc biệt 43, tháng 12/2021. Bài viết giúp tôi được biết một Danh sách các tác giả trẻ ở tuổi trên dưới 30, đúng như mong mỏi của tôi.
Danh sách 1 gồm 13 người, với năm sinh và tác phẩm:
Minh Mooh (sinh năm 1986) viết Hạt hòa bình; Đinh Phương (sinh năm 1989) viết Nhụy khúc, Chuyến tàu nhật thực và Nắng Thổ Tang; Nguyễn Dương Quỳnh (sinh năm 1990) viết Thăm thẳm mùa hè; Nhật Phi (sinh năm 1991) viết Người ngủ thuê; Phạm Bá Diệp (sinh năm 1991) viết Urem người đang mơ; Thành Châu (sinh năm 1991) viết Hỏa Dực; Đức Anh (sinh năm 1993) viết Tường lửa, Thiên thần mù sương và Đảo bạo bệnh; Hoàng Yến (sinh năm 1993) viết Săn mộ, Thông thiên la thành và Thượng Dương; Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994) viết Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ; Đặng Hằng (sinh năm 1995) viết Nhân gian nằm nghiêng; Phạm Giai Quỳnh (sinh năm 1997) viết Trăng trong cõi; Nguyễn Bình (sinh năm 2001) viết Cuộc chiến với hành tinh Fantom; Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) viết Người Sao Chổi: cuộc chiến vòng quanh thế giới…
Cùng với lời bình của Hoàng Đăng Khoa, đặt ở đầu: “... Đành rằng văn chương không thể đóng cửa trước những vang động của đời, nhưng nhà văn nếu cần ăng ten đủ thích nhạy thì không nhất thiết phải thực hành những chuyến “thực tế sáng tác” cưỡi ngựa xem hoa hời hợt vô bổ”… Và ở cuối, sau khi điểm 19 tên sách của 13 tác giả đã nêu, để thấy “họ biết đi thực tế sáng tác” ở đâu, khi mà cái gọi là “hiện thực” trong các truyện dài, tiểu thuyết của họ đều hoặc là “hiện thực ngoài hiện thực” hoặc là hiện thực ở thì tương lai, hoặc là “hiện thực” thuộc về thời đại đã lùi xa - thời đại mà họ chưa được sinh ra?”
Danh sách 2 gồm 15 người “với trữ lượng chữ vạm vỡ”, những tay bút “đa năng” “nhiều trong một”:
Văn Thành Lê (sinh năm 1986): nhà văn, nhà phê bình; Đào Lê Na (sinh năm 1986): nhà phê bình, nhà văn; Nguyễn Thị Thúy Hạnh (sinh năm 1987): nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình; Hà Hương Sơn (sinh năm 1986): nhà thơ, nhà văn; Lữ Mai (sinh năm 1988): nhà thơ, nhà văn; Nguyễn Thị Kim Nhung (sinh năm 1990): nhà thơ, nhà văn; Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1991): nhà thơ, dịch giả, nhà văn; Meggie Phạm/ Phạm Phú Uyên Châu (sinh năm 1991): nhà văn, nhà phê bình; Hiền Trang (sinh năm 1993): nhà văn, nhà phê bình, dịch giả; Phan Đức Lộc (sinh năm 1995): nhà văn, nhà thơ; Phạm Thu Hà (sinh năm 1996): nhà văn, dịch giả; Nguyễn Đình Minh Khuê (sinh năm 1996): nhà phê bình, nhà văn; Lê Quang Trạng (sinh năm 1996): nhà văn, nhà thơ; Vĩnh Thông (sinh năm 1996): nhà văn, nhà thơ; Hương Giang (sinh năm 1997): nhà thơ - nhà phê bình.
Cuối bài, có thêm 2 tác giả là Nhung Nhung (sinh năm 1991) và Hoàng Thúy (sinh năm 1992).
Chắc chắn là còn nhiều chục tên tuổi khác chưa được dẫn ở đây. Nhưng chỉ với 30 tác giả, cùng với 8 tác giả tôi đã dẫn ở phần trên sẽ là 38 người. 38 tác giả nếu thực sự là những tài năng, có được số bạn đọc lớn, không chỉ gây được sự chú ý mà còn tạo được ấn tượng khiến người đọc không thể bỏ qua thì đó là cả một đội ngũ đáng tin cậy. Một đội ngũ xứng đáng đóng vai trò chủ công để thay thế cho các thế hệ làm nên gương mặt văn chương thế kỷ XX, qua ba mùa gặt lớn - 1930 - 1945, 1945 - 1975 và 1980 - 1995 như tôi đã nói trên.
Tôi đặt hy vọng nhiều vào sự thay thế, hoặc chuyển ngôi này - như một biểu tượng của sự phát triển, thuận theo quy luật. Và như vậy là có sự gặp nhau giữa hai thập niên đầu thế kỷ XX và XXI, khi thời cuộc chuyển sang một quỹ đạo mới, một bước ngoặt mới, như một thay thế, thậm chí là đứt gẫy mà không gây nên xáo trộn hoặc xúc động gì lớn trong tất cả mọi lực lượng còn viết hoặc đã ngừng viết.
Được đồng hành với nhau là niềm vui. Thay thế nhau, hoặc đứt gẫy cũng là niềm vui, có khi còn vui hơn cho sự đổi thay, sự vượt lên, sự trưởng thành của một nền văn học, qua các bước ngoặt lịch sử - ít nhất là hai bước ngoặt như chúng ta được biết, được chứng kiến, được sống ở hai đầu thế kỷ XX và XXI, sau 1000 năm văn học viết trung đại gần như đứng yên một chỗ mà vẫn có hai đỉnh cao vòi vọi là Bình Ngô đại cáo và Truyện Kiều bất hủ.
P.L
(TCSH398/04-2022)
[1] Tuổi trẻ; số 16/2/2017.
[2] Theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại; Nxb. Hội Nhà văn, 2020, có danh sách 1586 người, trong đó hơn 600 người đã qua đời.