Nghiên Cứu & Bình Luận
Chữ nghĩa Truyện Kiều
15:02 | 16/12/2022

ĐINH VĂN TUẤN

Như mọi người đều biết, nguyên tác Truyện Kiều (bản thảo cuối hay bản khắc in [nếu có] trước khi tác giả qua đời) của Nguyễn Du (1765 - 1820) coi như tuyệt tích, hiện nay chỉ còn lại các truyền bản qua từng thời kỳ.

Chữ nghĩa Truyện Kiều
Ảnh: internet

Bản Kiều chữ Nôm cổ nhất hiện còn là Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳 do nhà in Liễu Văn Đường khắc in năm 1866 (LVĐ.1866). Các ấn bản, bản chép tay sau năm 1866 đến nay dĩ nhiên “tam sao thất bản” rất nhiều vì sự nhuận sắc của nhiều nhà in, nhà biên soạn, người sao chép. Bản thân chữ Nôm vốn chưa được điển chế nên rất phức tạp nên có những từ cổ thời Nguyễn Du ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 đối với người hiện đại là xa lạ, khó hiểu và đôi khi là những nghi vấn gây nhiều băn khoăn, tranh cãi cho các nhà biên khảo xưa nay.

Bài viết này chỉ đưa ra một số trường hợp tiêu biểu của chữ Nôm và từ  cổ trong Truyện Kiều1 dù trước đây đã được nhiều nhà biên khảo phiên âm và chú giải nhưng cho đến nay vẫn chưa được nhất trí về ngữ âm hay ngữ nghĩa. Người viết chỉ đề nghị những cách đọc hiểu chữ Nôm theo chủ quan và tri thức hạn hẹp của mình với hy vọng phục nguyên được ngữ âm và cố gắng làm sáng tỏ những từ cổ thời Nguyễn Du.

1. Câu 14: Vương Quan là  nối dòng nho gia.

, chữ: Nhiều nhà chú giải Truyện Kiều cho chữ tự (tên tự). Theo phong tục xưa, tên tự được đặt trong lễ Gia Quan (đội mũ) khi người con trai đến tuổi hai mươi nhưng xét Vương Quan là em của Thúy Kiều đang ở tuổi “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (Cập kê: từ 15 tuổi con gái cài trâm, có thể lấy chồng)2, quá lắm mới chỉ 13 tuổi nên chưa thể có tên “tự”. Trong nguyên tác (bản gốc Nguyễn Du dùng để chuyển thể) Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳3 (Nguyên truyện) đã cho biết tên tự của Vương Quan là Hải Vọng chứ không phải là “Vương Quan”. Lê Văn Hòe4 đã từng hoài nghi về chữ  chữ này nhưng không có lời giải. Nguyễn Vinh Quang đã cố gắng đọc hiểu lại chữ  và đề nghị: “đọc Nôm là TRỰ. TRỰ ngoài nghĩa là tiền còn có một nghĩa nữa là “đứa, thằng” vẫn còn được người Huế sử dụng”5. Đọc hiểu như vậy tuy cũng tạm phù hợp ngữ nghĩa nhưng có lẽ Nguyễn Vinh Quang đã vô tình hạ thấp tài làm thơ của Nguyễn Du vì về âm hưởng, thanh nặng (.) và phụ âm đầu “tr” của “trự” ngâm đọc không thuận, hay bằng thanh ngã (~) và phụ âm đầu “ch” của “chữ”. Hơn nữa, Nguyễn Du có cha là người Hà Tĩnh nhưng lại có mẹ quê ở Bắc Ninh gốc miền Bắc, Nguyễn Du được sinh ra tại Thăng Long, đến năm 13 tuổi Nguyễn Du mồ côi cha mẹ, nên về sống khá lâu dài với anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản ở tỉnh Sơn Tây miền Bắc. Vợ của Nguyễn Du quê ở Thái Bình (miền Bắc), lẽ tự nhiên, Nguyễn Du sẽ ăn nói và viết theo tiếng miền Bắc khi sáng tác Truyện Kiều. Còn “trự” là một thổ âm Huế chắc Nguyễn Du không dùng vì thiếu thanh nhã, không phổ biến, nhất   là khi viết về con trai “nối dòng Nho gia” của Vương Viên ngoại là Vương Quan. Trong các tự điển, tự vị Quốc ngữ xưa thì “trự” chỉ có nghĩa là “đồng tiền” không có nghĩa là đại từ (đứa, thằng). “Trự” cũng không hề thấy xuất hiện trong các văn thơ chữ Nôm xưa. Do đó TRỰ rất khó có khả năng được Nguyễn Du dùng vào Truyện Kiều.

Đào Duy Anh6 đã hiểu chữ tên không phải tên tự hay biểu tự nhưng ông không lý giải rõ ràng. Theo chúng tôi, nên hiểu “chữ” là cách gọi tắt của chữ Hán hay chữ Nho, đây là cách nói dân gian như nói ai đó “hay chữ”, thích “nói chữ”. Ở đây nên hiểu “chữ” là tên chữ Hán (nhân danh 人 名 ) của một người khi mới sinh ra, được ghi trong gia phả. Vậy ở câu 14, “Vương Quan là chữ”: tên chữ Hán là họ Vương tên Quan. Lưu ý là ở câu 1530: Con quan Lại bộ, tên là Hoạn thư, Nguyễn Du đã dùng “tên” nhưng ở câu 14 do vần điệu Lục bát nên Nguyễn Du mới dùng “chữ” thay cho “tên”, còn ở chỗ khác Nguyễn Du viết rõ họ và tên như câu 148: Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh hay câu 2172: Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.

2. Câu 20: Khuôn trăng đầy đặn  nở nang

湼 , nét ngài: Lông mày phái đẹp; chỉ người con gái đẹp (đôi khi cũng chỉ chân mày đẹp của đàn ông). Theo Hán Điển (Zdic.net), 蛾眉: 美人细长而弯曲的眉毛, 如蚕蛾的触鬓, 故称为 蛾眉 (Mày ngài: lông mày của người con gái đẹp dài thanh mảnh, cong như râu con ngài tằm còn gọi là 娥 眉 ). Nét ngài nở nang: nhiều nhà chú giải cho đây là kiểu chân mày rậm hay như con tằm nằm (眉若卧蠶), nhưng hiểu như vậy là quá thô thiển vì làm xấu đi vẻ đẹp thanh nhã, cao trọng của Thúy Vân như Nguyễn Du đã diễn tả ở các câu 18-17: Mai cốt cách tuyết tinh thần, Một người một vẻ mười phân vẹn mười; câu 19: Vân xem trang trọng khác vời; câu 21-21: Hoa cười ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da. Như vậy cần phải hiểu theo hướng khác, theo chúng tôi Nét ngài nở nang là chỉ dáng vẻ chân mày mọc hướng lên (xa đôi mắt), thanh, hơi dài và cong trông rất thanh thoát và đẹp7. Ở câu 1213: Khi khóe hạnh lúc nét ngài, “nét ngài” ở đây chỉ dáng vẻ lông mày phái nữ. Chỉ hạng gái làng chơi tỏ vẻ nhíu mày làm nũng để động lòng khách. Liên quan đến “ngài” ở câu 927: Bên thì mấy ả mày ngài, “mày ngài” ở đây chỉ hạng gái làng chơi có nhan sắc hay trang điểm phấn son (tô vẽ chân mày). Nhưng ở câu 2167: Râu hùm hàm én mày ngài, “mày ngài” ở đây lại tả đôi lông mày ngài (đôi chân mày đẹp, thanh tú) không phải là mày ngài ở câu 927: Bên thì mấy ả mày ngài (chỉ hạng gái trang điểm phấn son). Từ Hải râu như cọp, hàm như chim én là tướng mạo của võ tướng nhưng lại có “mày ngài” là tướng mạo văn nhân, nghệ sĩ. Khuất Nguyên đã từng tả mình có mày ngài (蛾眉) trong Ly Tao: 眾女疾余之蛾眉兮8 (bọn phụ nữ ghen ta có mày ngài). Nguyên truyện tả Từ Hải là bậc anh hùng tinh thông lược thao, thiếu thời từng học tập khoa cử nhưng không đỗ đạt. Có thể ý Nguyễn Du muốn tả về một người văn võ song toàn, ở câu 2174: Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo cũng cho thấy Từ Hải là võ tướng nhưng cũng là thuộc hạng văn nhân nghệ sĩ (gươm, đàn).

3. Câu 32: Nghề riêng ăn đứt 胡琹 một trương

胡琹, Hồ cầm: Thường chỉ loại đàn dùng cần vĩ kéo, cọ xát dây đàn để phát ra âm thanh của tộc người Hồ (rợ phương bắc Trung Hoa). Nhưng ở Truyện Kiều, Hồ cầm có thể hiểu là đàn Tỳ bà (có 4 dây đàn) dùng các ngón tay bấm phím và gảy dây. Lưu Hi đời Hán Triệu đã viết trong Thích danh: 批 把 以 出胡中  (Đàn Tỳ bà (批把=琵琶) xuất xứ từ tộc Hồ) cho nên Tỳ bà được gọi là Hồ cầm. Đời Tần có loại đàn Tỳ bà gọi là “Tần Tỳ bà” có 4 dây đàn, thùng đàn tròn sau biến thể thành Nguyệt cầm (cũng có 4 dây, thùng đàn tròn) hay còn gọi là đàn Nguyễn, Nguyễn Cầm vì lấy tên của người chế tác đàn là Nguyễn Hàm đời Đông Tấn trong Trúc Lâm thất hiền. Nguyên truyện chỉ đề cập Thúy Kiều gảy đàn “Hồ cầm” ở mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên Truyện Kiều của Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều còn giỏi chơi đàn Nguyệt cầm (cầm trăng, cầm nguyệt) là đàn có 4 dây, dùng ngón tay bấm phím và gảy dây như các câu, c.467: Hiên sau treo sẵn cầm trăng; c.640: Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ; c.472: Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương; c.2570: Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay. C.3197: Phím đàn dìu dặt tay tiên. Như vậy chắc chắn không thể là đàn Hồ cầm (Tỳ bà) loại cần vĩ kéo dây. Trong bài thơ Long thành cầm giả ca (龍城琴者歌) Nguyễn Du viết về cô Cầm là người rất giỏi chơi đàn Nguyễn cầm (獨善阮琴), ở bài Tiểu dẫn, Nguyễn Du cho biết người đó ở trong đội nữ nhạc ở cung vua Lê, là một người rất giỏi chơi đàn Nguyễn cầm (其人獨以阮琴聲擅場) nổi tiếng ở thành Thăng Long. Như thế, ở thời đại Nguyễn Du, có thể Nguyễn Du đã hiểu Hồ cầm là Tần Tỳ bà tức là Nguyễn cầm hay Nguyệt cầm (Cầm trăng). Lưu ý, cùng thời Nguyễn Du có Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) trong Vũ trung tùy bút9, tác giả đã nói về một cây đàn nguyệt (gảy dây) đang được ưa chuộng là đàn Hồ cầm đời cổ, còn gọi là Nguyễn cầm mà người sáng chế là Nguyễn Hàm đời Tấn, còn trong Nhật Dụng Thường Đàm10, Phạm Đình Hổ đã cho biết Hồ cầm và Nguyệt cầm là đàn tứ huyền (đàn 4 dây). Cách đây hơn nửa thế kỷ, Trần Văn Khê trong bài viết Kiều đánh cây đàn gì? cũng đã từng nêu giả thuyết: “cái cầm trăng của Kim Trọng và cái hồ cầm của Thúy Kiều có lẽ chỉ là một nhạc khí: cây đàn hình dáng như mặt trăng, gốc gác Trung hoa, tên là nguyệt cầm, hồ cầm hay nguyễn cầm, thứ đàn mà ngày nay ta gọi là đàn xến”11.

4. Câu 77: Sắm xanh 攝梓車珠

攝 梓 車 珠 , nếp tử xe châu: quan tài bằng gỗ tử và xe tang có rèm  hạt châu (dành cho người giàu sang, quý phái). Thường được hiểu là vị khách viễn phương mua quan tài và thuê xe tang chôn cất Đạm Tiên một cách trang trọng, chu đáo (Nguyên truyện cũng viết vậy). Chúng tôi hiểu khác, ở 2 câu trước đó, c.71: Buồng không lạnh ngắt như tờ; c.72: Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh cho thấy Nguyễn Du đã có dụng ý khác Nguyên truyện khi cho người khách viễn phương đã xuất hiện sau khi nàng Đạm Tiên đã được chôn cất khá lâu rồi (buồng không, rêu mờ xanh) và chắc là chôn một cách sơ sài (không áo quan, không xe tang). Vậy lúc đó thi hài đã nằm trong lòng đất rồi cần gì lo sắm áo quan gỗ tử, xe tang rèm hạt châu? Theo chúng tôi, nên hiểu “nếp tử, xe châu” chỉ là vàng mã bằng giấy mà người viễn khách đã đến mộ Đạm Tiên dùng để đốt viếng an ủi vong linh nàng. Liên hệ đến câu sau c.78:  燶 một nắm mặc dầu cỏ hoa, hai chữ 燶 đa số các nhà biên khảo đọc hiểu là vùi nông nhưng nếu vậy càng không hợp tình hợp lý, mâu thuẫn vì nếu đã cho người khách viễn phương vì ái mộ, thương tiếc nàng Đạm Tiên đến độ không tiếc tiền sắm áo quan gỗ tử, xe tang rèm hạt châu nhưng sao lại hờ hững, vô tâm đem “vùi nông một nấm”! Chúng tôi đọc hiểu khác, LVĐ.1866 khắc in chữ có thanh phù bội và bộ thổ (biểu ý về đất, tro bụi) sẽ đọc là BỤI và 燶 có thanh phù nông và bộ hỏa (biểu ý về lửa, sức nóng) sẽ đọc là NỒNG, vậy燶 nên đọc là “bụi nồng”, như thế sẽ hợp tình cảnh hơn: Sau khi đốt vàng mã xong sẽ còn lại một 捻 NẮM (chứ không phải là nấm) tro bụi nồng cháy mặc cho cỏ hoa ở gần đấy bị héo rụi đi vì sức nóng. Ý thơ trở nên rất bi thương!

5. Câu 365: Sông Tương một dải 農滁

農 滁 , nông sờ: Đa số các nhà chú giải Truyện Kiều đều hiểu theo nghĩa (sông) cạn trơ ra nhưng thật ra lại không hợp với dòng sông Tương rộng lớn. Còn nếu vận dụng thi ca để cho rằng “nông sờ” hàm ý dòng sông “nông cạn” không sâu bằng tình cảm, lòng dạ nhớ thương thì câu thơ có vẻ gượng ép, vụng về không xứng với tài làm thơ của Nguyễn Du. Huình Tịnh Paulus Của đọc là nung sừ và giải nghĩa: minh mông, mịt mù. Sông Tương một dãy nung sừ12. Có thể nung sừ cũng là nông sờ? Hiện không có chứng cứ nào trong các tài liệu xưa. Theo chúng tôi, không nên hiểu nông = cạn nhưng cần phải hiểu “nông” trái với “sâu” theo nghĩa bề mặt gần với tầm mắt nhìn từ trên xuống, chẳng hạn như nói vùng đất nông là trái với vùng đất sâu trũng, do đó có thể hiểu mực (bề mặt) nước sông dâng cao gần sát bờ (không phải mực nước thấp sâu gần đáy) với nghĩa là “nông”. Vậy nông sờ nên hiểu là nước (sông) dâng đầy sờ sờ ra đó. Sông Tương một dải nông sờ: Một dải sông Tương dâng đầy hiện ra ngay trước mắt.

6. Câu 1384: Càng vẻ ngọc, càng lồng màu sen

Chữ 吹 thường được các nhà phiên âm Truyện Kiều đọc là xôi, sôi nhưng tiếng Việt xưa nay không thấy tài liệu nào ghi nhận. 吹 theo Huình Tịnh Paulus Của là xuê: khoe khoang, vẻ vang, xinh tốt; còn J.F.M Genibrel13, Xuê: Xuê vẻ ngọc: vẻ xinh đẹp, duyên dáng như ngọc. Trương Vĩnh Ký14  phiên là “xuê”. E. Nordemann15 đã phiên là “suê”, còn tự điển Hội Khai Trí Tiến Đức16 đã ghi nhận Xuê: xinh, tốt: Ăn mặc cho xuê. Chúng tôi chọn âm “xuê” cho phù hợp tiếng Việt thời Nguyễn Du: Càng xuê vẻ ngọc, càng lồng màu sen.

7. Câu 1709: Buồm cao lèo thẳng cánh

LVĐ.1866 khắc chữ 耑 có âm Hán Việt là xuyên nhưng 耑 còn là dị thể của 專 (dùng thông với 專 ) có âm là chuyên. Hầu như mọi bản Kiều cổ đều là chữ 耑 trừ bản Nôm Đoạn trường tân thanh do Kiều Oánh Mậu biên soạn, khắc in năm 1902 đã khắc chữ 遄 . Trương Vĩnh Ký đọc là “xiên” (theo âm xuyên 耑), E. Nordemann phiên là “chuyền” (theo âm chuyên 耑=專). Nguyễn Văn Vĩnh17 đọc là thuyền (không biết đã dựa theo bản Nôm nào?) ngoài ra thường được các nhà biên khảo Truyện Kiều như Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn… phiên là suyền; Bùi Khánh Diễn, Tản Đà, Lê Văn Hòe, Nguyễn Quảng Tuân đọc là xuyền, có lẽ đều dựa vào chữ 遄 (thuyên (suyền): nhanh chóng) trong bản Nôm Kiều Oánh Mậu 1902. Dựa vào bản Nôm LVĐ.1866 (bản Nôm đáng tin cậy, xưa nhất còn lại) khắc 耑, chúng tôi sẽ đọc chuyên 耑 (=專) là chuyền (như Nordemann) và định nghĩa là cánh buồm theo gió thổi (ám chỉ con thuyền) cứ chuyền nhanh đi hết nơi này đến nơi khác. Nghĩa này hợp với câu sau “Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang”. Vậy sẽ là: Buồm cao lèo thẳng cánh chuyền.

8. Câu 2174: Gươm nửa gánh non sông một chèo

弹, đàn: Nhiều nhà chú giải Truyện Kiều trước đây đều hiểu dễ dãi là do thuận vần nên Nguyễn Du đổi từ cung (vũ khí) ra đàn (nhạc cụ) vì dựa theo thơ của Hoàng Sào đời Đường: “半肩弓劍憑天縱, 一棹江山盡地維” (Nửa vai cung kiếm, tung hoành trời đất, Một mái chèo, đi khắp cả giang sơn). Nhưng Nguyễn Thạch Giang có lẽ là người đầu tiên phủ nhận cách hiểu này vì cho đàn trong gươm đàn không phải là cây đàn (nhạc cụ) nhưng là “một loại cung, bắn đạn tròn đi rất xa”18. Cách hiểu này của Nguyễn Thạch Giang rất gượng ép, bất thường nên sau không được các nhà Kiều học đồng thuận. Thực ra, ngày xưa “gươm đàn” (琴劍) đã được sử dụng trong Hán văn ở Trung Quốc và Việt Nam với nghĩa là vật tùy thân của bậc quân tử, văn võ song toàn; văn nhân tài hoa, nghệ sĩ. Tiết Năng đời Đường trong bài 送馮溫往河外 (Đưa tiễn Phùng Ôn đi Hà Ngoại) có câu: “琴劍事行裝” (Hành trang (của huynh) là đàn và gươm). Trong bài thơ 和海翁段阮俊甲寅奉命入富春京登程留別北城諸友之作  (Hoạ vần bài thơ “Năm Giáp Dần (1794) vâng mệnh vào kinh đô Phú Xuân, lúc lên đường đề thơ từ biệt các bạn ở Bắc thành” của Hải Ông Đoàn Nguyễn Tuấn) Nguyễn Du từng dùng gươm đàn  (琴劍) trong câu: “琴劍相隨上玉京”19 (Mang theo gươm đàn lên đường vào kinh thành). Lưu ý bài nguyên tác của Đoàn Nguyễn Tuấn chỉ có đàn sách (琴書) không có gươm đàn 琴 劍 chứng tỏ cách dùng “gươm đàn” là phong cách, thi pháp của Nguyễn Du. Nguyễn Du cho Từ Hải mang theo cả gươm và đàn như khẳng định thêm cho câu: “Râu hùm hàm én mày ngài”, để chỉ Từ Hải là bậc anh hùng văn võ song toàn và cũng là hạng văn nhân nghệ sĩ.

9. Câu 2926: Về sau chẳng biết 雲夢 làm sao

雲夢, vân mồng: Trương Vĩnh Ký giải nghĩa vân mồng là “nông nổi” (Huình Tịnh Paulus Của giải nghĩa “nông nổi” là cớ sự, cách thế). Bùi Khánh Diễn đọc là “vân mòng” và cho là tục ngữ Bắc kỳ nghĩa là tăm hơi mờ mịt20, Nguyễn Văn Vĩnh đọc là “vân mồng” cũng cho nghĩa là tin tức, sau đó nhiều nhà chú giải Truyện Kiều đều giải nghĩa là “tin tức”. Tuy nhiên nghĩa lý vân mồng (mòng) là “tin tức” chưa thấy có trong tự điển, tự vị xưa nào. Trong Thúy Kiều truyện tường chú21, Chiêm Vân Thị đã cho 雲夢 là tin tức (消息) và đã chú thích 雲夢 (vân mòng) từ văn vọng 闻望 chuyển âm ra (即闻望二字轉音). Tuy nhiên lý giải này đáng ngờ, thiếu thuyết phục vì vọng 望 có thể được chuyển âm là mòng (đúng âm là mong là nghĩa của vọng 望 ) nhưng khó lý giải văn 闻 chuyển âm thành vân 雲 được. Hơn nữa 闻望 nghĩa Hán là danh vọng, thanh danh chứ không liên quan đến tin tức. Gần đây An Chi22 cũng dựa vào Chiêm Vân Thị để biện luận, suy diễn tùy tiện: “Vân là âm thư tịch của văn [闻]” nhưng chúng tôi không thấy “thư tịch” Hán nào cho 闻 có âm vân (雲) cả, hơn nữa An Chi còn cố gượng ép, vô căn cứ khi cho văn vọng “chỉ đơn giản có nghĩa gốc là “nghe ngóng” và mọi đối tượng của sự nghe ngóng thì đều là “tin tức”.

Dựa theo cách diễn ý của Nguyễn Du trong Truyện Kiều như “hạc nội mây ngàn”; “mây bay hạc lánh”: chim hạc ẩn mình ở đồng nội không biết tung tích ra sao; mây bay trên dãy núi không biết về nơi đâu nên chúng tôi thấy có thể hiểu “vân mồng” như sau: “vân” 雲  là mây bay không biết về đâu còn 夢 không lấy âm “mòng” (biến âm của mong) nhưng là âm “mồng” (biến âm của mộng dùng để hợp âm điệu thơ Lục bát) là giấc mộng không thể biết sẽ ra sao và vân mồng sẽ được chuyển nghĩa là tình hình, diễn biến (tin tức) không thể biết được sẽ như thế nào. Vậy sẽ là: Về sau chẳng biết vân mồng làm sao: tình hình, tin tức (Kiều, Từ Hải) chẳng biết về sau ra làm sao.

Đ.V.T
(TCSH405/11-2022)

 

-----------------------

1 Chúng tôi chỉ dựa vào bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện do nhà Tàng bản Liễu Văn Đường khắc in năm 1866 (không dùng dị bản) để dẫn ra những chữ Nôm, từ ngữ cổ cần đọc hiểu lại trong bài viết này. Bản Nôm này dựa theo nguồn: http://www.nomfoundation.org/nom-project/tale-of-kieu/tale-of-kieu-version-1866?uiLang=en

2 Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 (Nguyên truyện, bản gốc Nguyễn Du dựa vào để chuyển thể sang thơ Lục bát) cho biết hai chị em Thúy Kiều là thiếu nữ còn nhỏ, đang ở độ tuổi gần đến tuổi cập kê ( 年 俱 妙 齡 ) đúng như Nguyễn Du đã tả: Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê (gần đến tuổi 15 có thể lấy chồng).

3 Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân (dịch), Nxb. Thế Giới, 2021. Tham khảo thêm Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳, Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳, nguồn: https://ctext.org/library.pl?if=gb&file=92786&page=1

4 Lê Văn Hòe (1953), Truyện Kiều chú giải, Nxb. Quốc học Thư xã. Hà Nội.

5 Nguyễn Vinh Quang (Fountain Valley, CA) - Some remarks on the phonetic transcription of Nôm characters in Truyện Kiều texts [Một vài nhận xét trong việc phiên âm Truyện Kiều], Nguồn: http:// nomfoundation.org/Conf2006/Nguyen_Vinh_Quang.pdf

6 Đào Duy Anh (1965), Từ điển Truyện Kiều, Nxb. KHXH, 1974.

7 Theo Nhân tướng học, mày ngài là dáng mày có lông mày mọc hướng lên, thanh, hơi dài và cong trông rất thanh thoát và đẹp. Phụ nữ tướng mày ngài có tính cách trung thực, thẳng tính, biết phân biệt phải trái, giữ chữ tín. Họ rất giỏi nhìn nhận, phán đoán các vấn đề. Họ hay gặp may mắn trong cuộc sống. Tướng mày ngài mà kết hợp lông mày mọc xa mắt cho biết người này có tầm nhìn xa trông rộng, hay gặp được người giúp đỡ những lúc khó khăn. Tính tình cởi mở, bao dung, nhân từ nên xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Trong công việc họ cực kỳ linh hoạt và nhạy bén. (Nguồn: Nhân tướng https://nhantuong.info/tuong-mat/tuong-long-may/may-ngai-la-gi- van-menh-tuong-may-ngai/). Nhìn chung đây đúng là tính cách, số phận của Thúy Vân trong Truyện Kiều: người đẹp trang trọng; đoan trang; thẳng tính (chị cũng nực cười; dư nước mắt khóc người đời xưa; Một nhà để chị riêng oan một mình); nhận định đúng (hồng nhan tự nghìn xưa; điều bạc mệnh có chừa ai đâu); duyên may (Gặp cơn bình địa ba đào; Vậy đem duyên chị buộc vào cho em)…

8 屈原,離騷, nguồn: https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=489395.

9 Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Đông Châu - Nguyễn Hữu Tiến dịch, Nxb. Trẻ, 1989.

10 Trần Trọng Dương, Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt - Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2016.

11 Tạp chí Bách Khoa thời đại số 209, Kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du, ngày 15/9/1965.

12 Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II, Sài Gòn 1895 - 1896, Nxb. Trẻ, tái bản, 1998.

13 J.F.M Génibrel, Dictionnaire Annamite - Français, Deuxième édition, Tân Định, Saigon 1898, nguồn sách phổ biến từ books.google.com.

14 Trương Vĩnh Ký, Poème Kim Vân Kiều truyện, Sai gon 1875 (Bản sao chụp do Nguyễn Vinh Quang cung cấp).

15 Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳, Nouvelle histoire de Kim, Vân, et Kiều (Poème populaire annamite) / trans. par Edmond Nordemann (H. : Mạc-đình-Tư, 1911, 4e éd.)

16 Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968.

17 Kim Vân Kiều, Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra quốc-ngữ có chú dẫn các điển tích, Nxb. Ích Ký, 1923, In lần thứ bảy.

18 Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Du - Truyện Kiều (Tái bản có bổ sung và sửa chữa), Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976.

19 Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán (2015), Nguyễn Du - Toàn tập, Tập 2, Thơ chữ Hán, Nxb. Văn Học.

20 Bùi Khánh Diễn, Kim Vân Kiều chú thích, Hà Nội, 192

21 翠翹傳詳註, 䀡雲氏註訂, 卷下, Thuý Kiều truyện tường chú, Chiêm Vân Thị chú đính, Quyển hạ. Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn 1967.

22 An Chi (2020), Nguyễn Du - Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872, Phiên âm, chú giải và thảo luận, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng