NGUYỄN THỊ ÁI THOA
Thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Trần Đăng Khoa có một vị trí khá đặc biệt trong việc làm nên thành tựu của văn học thiếu nhi thế kỷ XX.
Từ "Góc sân và khoảng trời" của riêng mình, Trần Đăng Khoa đã quan sát và phác họa nên bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên nông thôn và con người nông thôn Việt Nam trong chiến tranh. Tuy nhiên, điều làm nên thành công cho thơ anh không chỉ từ đề tài phản ánh mà còn từ các giá trị nghệ thuật. Hiện thực đời sống được chắt lọc và cảm nhận qua đôi mắt xanh non của một tâm hồn thơ trẻ, qua cái nhìn tinh tế, nhạy cảm của một thi nhân và đặc biệt là sự vận dụng sáng tạo những thủ pháp nghệ thuật của văn học dân gian khiến cho thơ Trần Đăng Khoa có sức hút vô cùng mạnh mẽ trong lòng độc giả.
Trước hết, thơ Trần Đăng Khoa mang đậm phong vị đồng dao trong việc xây dựng những hình ảnh nghệ thuật. Bằng tài quan sát của cậu bé lớn lên từ đồng ruộng, Trần Đăng Khoa đã tái hiện một nông thôn rất Việt Nam thông qua những hình ảnh dung dị, gần gũi và thân thuộc. Từ những hình ảnh thiên nhiên trữ tình như khu vườn, lũy tre, dòng sông, cánh đồng…, đến những sự vật mộc mạc, chân chất như chổi, nồi đồng, cái cối xay lúa, chiếc máy bơm…, đều được tác giả đưa vào thơ. Tất cả đều tự nhiên, tươi mới, cuốn hút mà không hề gượng ép. Để làm được điều này, ngoài trí thông minh và tài năng thiên bẩm, nhà thơ ít nhiều hấp thụ của đồng dao. Ở đây, nghệ thuật liệt kê được sử dụng nhằm kể vật, kể việc (có hay không có cốt truyện). Dạng bài thơ có cốt truyện, có đầu có cuối như Đánh tam cúc, Mẹ ốm, Nói với con gà mái có lời kể chậm rãi, dàn trải, thiết tha, chú trọng sự phát triển chuỗi hành động… Dạng kể một hiện tượng hay miêu tả sự vật, sự việc gắn với một đặc điểm tiêu biểu mà không có cốt truyện, theo nhà nghiên cứu Triều Nguyên, cứ “hai dòng thơ thể hiện một đơn vị nghĩa” (6, tr.17). Và cứ thế, trong một bài thơ, Khoa có thể kể, tả, đề cập đến nhiều loài vật, sự vật khác nhau (Ò…ó…o, Buổi sáng nhà em, Kể cho bé nghe, Mưa…):
Hay nói ầm ĩ
Là con vịt bầu
Hay hỏi đâu đâu
Là con chó vện
Hay chăng dây điện
Là con nhện con
Ăn no quay tròn
Là cối xay lúa
(Kể cho bé nghe)
- Sắp mưa
Sắp mưa
Những con mối bay ra
Mối trẻ bay cao
Mối già bay thấp
Gà con rối rít tìm nơi ẩn nấp
(Mưa)
Bên cạnh nghệ thuật liệt kê, nhân cách hóa cũng là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong đồng dao. Trần Đăng Khoa đặc biệt sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật này khi xây dựng hình ảnh nghệ thuật. Ta dễ dàng bắt gặp ở thơ Trần Đăng Khoa hình ảnh một cậu bé có thể lắng nghe, cảm nhận tâm hồn của cỏ cây, hoa lá, vạn vật xung quanh. Bởi, cậu bé ấy biết trân trọng và yêu quý tự nhiên, muốn giao hòa cùng tạo vật đất trời, muốn xem thế giới tự nhiên là bạn bè thân thiết. Bằng biện pháp nhân hóa, nhà thơ đã thổi hồn vào sự vật, hiện tượng, khiến chúng có tính cách, suy nghĩ, nói năng, hoạt động như con người. Lá trầu biết mở mắt, đàn chuối biết vỗ tay cười, tre biết chải tóc, mây chẳng khác nào cô thôn nữ đang ngắm dáng mình qua mặt nước trong ao:
- Chị tre chải tóc bên ao
Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương
(Buổi sáng nhà em)
Lá trầu được miêu tả như em bé đang say ngủ:
- Trầu ơi hãy tỉnh lại
Mở mắt xanh ra nào
Lá nào muốn cho tao
Thì mày chìa ra nhé
(Đánh thức trầu)
Sấm lại được xem như một ông khách lớn tuổi, vui tính:
- Sấm ghé xuống sân
Khanh khách cười
(Mưa)
Hàng bưởi như người mẹ hiền đang ra sức bảo vệ đàn con trước cơn thịnh nộ của đất trời:
Hàng bưởi đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn trọc lóc
(Mưa)
Cây dừa vừa như người lính kiên định, vừa có phong thái ung dung, tự tại của người nghệ sĩ:
Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi
(Cây dừa)
Thơ Trần Đăng Khoa đặc biệt ấn tượng với người đọc thông qua việc tiếp nhận có sáng tạo những hình tượng nghệ thuật từ dân gian. Ánh trăng, hạt gạo, con trâu… vốn là những hình ảnh quen thuộc gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, vui chơi của trẻ thơ và được nhắc đến nhiều trong những sáng tác dân gian. Khi bước vào thơ anh, chúng được nâng tầm lên thành những hình tượng nghệ thuật độc đáo và đầy sáng tạo. Trong Trăng sáng sân nhà em, ánh trăng hiện lên vô cùng quyến rũ. Ánh trăng chan hòa khắp nơi. Trời càng khuya, trăng càng sáng. Vẻ đẹp ấy lan tỏa cả không gian “soi rõ sân nhà em”, chiếm lĩnh cả thời gian, càng về khuya càng sáng “trăng khuya sáng hơn đèn”:
Ông trăng tròn sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn
Ơi ông trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Ở đây, qua cách gọi “ông trăng” và tín hiệu “trăng - đèn”, người đọc không khó để nhận ra ánh trăng quen thuộc trong bài đồng dao trẻ con hay hát:
- Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn
Cớ sao trăng phải chịu luồn đám mây?
- Ông trăng xuống nhà tôi chơi
Có nồi cơm nếp, có đệp bánh chưng…
- Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười…
Nhưng nếu trong đồng dao, trăng và đèn không ai chịu nhường ai thì trong thơ Trần Đăng Khoa, trăng hiện hữu với một tâm thế khác “Trăng khuya sáng hơn đèn”. Trước sự thức dậy của ánh trăng, cảnh vật như mờ đi, chìm đi. Hơn thế nữa, mọi vật đều lặng im, sững sờ đến bất động khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu của trăng. Dường như, trăng không chỉ đẹp vì có chú Cuội, có chị Hằng mà còn đẹp vì trăng đã chạm vào miền sâu thẳm của những ẩn ức tuổi thơ, gọi mời bao cảm xúc:
Hàng cây cau lặng đứng
Hàng cây chuối đứng im
Con chim quên không kêu
Con sâu quên không kêu
Chỉ có trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Cùng với trăng, hình tượng con trâu, hạt gạo trong thơ Trần Đăng Khoa vừa tiếp nhận từ văn học dân gian, vừa sáng bừng một sức sống mới. Các sáng tác dân gian nhắc nhiều đến trâu, người bạn thân thiết của người nông dân, bằng cái nhìn đồng cảm và chia sẻ:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cái cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
- Nghé ơi ta bảo nghé này
Nghé ăn cho béo, nghé cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.
Trong thơ Trần Đăng Khoa, hiện lên hình ảnh con trâu được đặc tả về ngoại hình: “Cái sừng nó vênh vênh/ Nó cao lớn lênh khênh/ Chân đi như đập đất”, vẫn gắn bó với ruộng đồng có “bờ mương xanh mướt cỏ”, uống “nước mương trong”, ăn cỏ gà, cỏ mật. Điều thú vị là việc cày ruộng của chú trâu trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ có sự hỗ trợ từ những chiếc máy bơm, những chiếc máy cày - tín hiệu của đời sống cơ khí hóa. Vì thế, con trâu đã trút bỏ được sự nhọc nhằn, nặng nề thường gặp trong văn học dân gian và trở nên lạc quan, hóm hỉnh, tươi vui như chính thế giới trẻ thơ đầy sôi động:
Trâu chỉ còn vui chơi
Hếch cái mũi trâu cười
Nhe cả hàm răng sún
(Con trâu lông mượt)
Tuy nhiên, dấu ấn đậm nét của thơ Trần Đăng Khoa phải kể đến sự khắc họa thành công hình tượng hạt gạo - người nông dân. Đây không phải là lần đầu tiên hạt gạo được khai thác những giá trị cao quý của nó. Ca dao, đồng dao đã nói nhiều, nói rất hay về hạt gạo/ bát cơm:
- Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
- Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Cho đầy bát cơm…
Với tư cách là chủ nhân làm ra hạt gạo, hơn ai hết, người nông dân thấm thía những cơ cực mà mình đã trải qua. Họ tìm đến các sáng tác dân gian không ngoài ước muốn được giãi bày, thấu hiểu. Ở nền nông nghiệp lúa nước phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên như ở nước ta, có thể nói mối quan hệ thời tiết - người nông dân - hạt gạo là mối quan hệ không thể tách rời. Đời sống áo cơm của họ là sự nối dài của bao âu lo, khắc khoải:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.
Kế thừa những thành quả từ quá khứ, thơ Trần Đăng Khoa là sự tái hiện có sáng tạo hình tượng hạt gạo và người nông dân. Hạt gạo có từ ngàn xưa, là hình ảnh cụ thể, gần gũi, thân thuộc trong đời sống hằng ngày của tác giả, của mọi người, là kết tinh của những giá trị văn hóa truyền thống (có vị phù sa, có hương sen thơm, có lời mẹ hát…). Hạt gạo được làm nên từ nỗi nhọc nhằn, vất vả, lam lũ của người nông dân. Trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam, gạo vốn là nguồn lương thực thiết yếu. Trong chiến tranh, gạo càng trở nên cần thiết. Để làm nên hạt gạo, người nông dân phải chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt (bão tháng Bảy, mưa tháng Ba…). Đặc sắc hơn cả là hình ảnh chịu thương chịu khó và đầy hy sinh của người mẹ:
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy
(Hạt gạo làng ta)
Không chỉ đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, người nông dân trong chiến tranh còn đối mặt với bom đạn khốc liệt của kẻ thù. Hạt gạo đã được làm ra trên vùng đất vốn bị bom đạn tàn phá và giày xéo (bom Mỹ trút lên mái nhà…). Nhưng dẫu có tàn bạo đến đâu, kẻ thù vẫn không hủy diệt được sự dũng cảm, kiên cường, chịu khó của người nông dân, không giết chết được khát vọng vươn lên và chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam (bát cơm mùa gặt, thơm hào giao thông).
Đến với Hạt gạo làng ta, người đọc bắt gặp một thế giới rất quen mà cũng rất lạ. Quen, vì hạt gạo trong thơ anh là hình ảnh hiện hữu trong đời sống thực, trong các sáng tác dân gian, lạ vì nó được nâng tầm thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo, giàu ý nghĩa biểu tượng và mang tính thời đại. Mối quan hệ thời tiết - người nông dân - hạt gạo - thời đại được nhà thơ khai thác tinh tế và hiệu quả.
Ngoài ra, hình tượng người bố, ông trời… cũng được khắc họa khá thú vị. Con người vốn hữu hạn và bé nhỏ trước tự nhiên, thế mà, chỉ qua những câu thơ ngắn ngủi cũng đủ để xây dựng nên chân dung và tâm thế của một người bố - người nông dân: dũng cảm, kiêu hùng, kiên định và bản lĩnh trước sự cuồng nộ từ tự nhiên. Tất cả xuất phát từ sức nén và sức gợi của điệp từ “đội”:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa
(Mưa)
Điệp từ “đội” khiến người đọc dễ dàng liên tưởng đến kỳ tích đội trời của vị thần trụ trời bước ra từ thế giới thần thoại xa xôi của dân tộc.
Hay cảnh ông trời kéo mây đen vần vũ lại được hình tượng hóa thành cảnh ra trận hùng tráng và đầy uy lực của Thánh Gióng trong thần thoại Thánh Gióng:
Ông trời
Mặc áo giáp đen Ra trận
(Mưa)
Bên cạnh đó, thơ Trần Đăng Khoa cũng cho thấy sự hiện diện ấn tượng của những câu đố dân gian. Trong giáo trình Văn học trẻ em, tác giả Lã Thị Bắc Lý cho rằng, từ một câu đố dân gian về quả dừa: “Chân không tới đất/ Cật không tới trời/ Lơ lửng nửa vời/ Mà đeo bụng nước” đã giúp Trần Đăng Khoa viết rất hay về cây dừa:
Ai mang nước ngọt, nước lành
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa
(Cây dừa)
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi còn phát hiện, ngoài hình ảnh cây dừa thì hình ảnh của những cây bưởi, quả na… trong thơ Trần Đăng Khoa có nhiều điểm tương đồng với cách miêu tả trong các câu đố vật, đố việc của dân gian. Cụ thể, đề cập đến cây bưởi, dân gian có câu đố: “Mẹ đầu trọc, con trọc đầu” thì trong thơ Trần Đăng Khoa, vẫn cây bưởi với dáng hình “trọc đầu” ấy nhưng mang sắc thái tinh nghịch, dí dỏm và có hồn hơn rất nhiều:
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lóc
(Mưa)
Quả na trong câu đố cũng biết mở mắt, nhưng đó là đôi mắt của người già:
Trẻ thì không mở mắt
Đến khi về già mới mở mắt trông
Xuất hiện hơn một lần, quả na trong thơ Trần Đăng Khoa luôn được bắt gặp trong trạng thái choàng tỉnh sau giấc ngủ say, đôi mắt tròn xoe như con trẻ:
Giục quả na
Mở mắt
Tròn xoe
(Ò…ó…o)
Cái na đã tỉnh giấc rồi
Đàn chuối đứng vỗ tay cười vui sao
(Buổi sáng nhà em)
Ở đây, cái hay, cái độc đáo trong thơ Trần Đăng Khoa bắt nguồn từ khả năng liên tưởng của nhà thơ. Và khởi nguồn cho những trường liên tưởng ấy chính là hệ thống hình ảnh nghệ thuật trong văn học dân gian. Từ ánh trăng, hạt gạo, con trâu… trong đồng dao, ca dao, từ thần trụ trời, Thánh Gióng trong thần thoại cho đến những cây dừa, cây bưởi, quả na… trong câu đố dân gian như được khoác thêm áo mới, sống động, cuốn hút nhưng cũng thật ý nhị, duyên dáng vô cùng. Qua đó cho thấy, sự tiếp nhận các chất liệu của văn học dân gian trong thơ Trần Đăng Khoa không chỉ là sự tái tạo đơn thuần, gợi lại hồi ức mà còn là quá trình sáng tạo, làm nên những kết hợp mới mẻ, bất ngờ.
Ngoài ra, xét về mặt thể thơ và kết cấu, thơ Trần Đăng Khoa cũng có tiếp nhận không nhỏ từ các sáng tác dân gian. Qua khảo sát, chỉ riêng trong tập thơ Góc sân và khoảng trời, chúng tôi phát hiện trong số 78 bài thơ của tập thơ thì có đến 33 bài viết theo thể lục bát, còn lại là thơ tự do, phổ biến nhất là thơ năm chữ (20 bài), thơ bốn chữ (8 bài). Thơ lục bát thì hầu hết là lục bát chính thể, tuân thủ nguyên tắc gieo vần truyền thống (Mẹ ốm, Đám ma bác giun, Cây dừa…). Thơ bốn chữ, năm chữ thì có cách gieo vần và ngắt nhịp giống đồng dao (2/2 hoặc 2/3), vần liền từng cặp là vần chân, bằng trắc luân phiên nhau (Kể cho bé nghe, Hạt gạo làng ta, Mặt bão, Đánh thức trầu…). Giọng điệu trong Góc sân và khoảng trời khá đa dạng, biến hóa linh hoạt. Thơ lục bát có nhạc điệu mượt mà, thiết tha, sâu lắng. Thể thơ 5 chữ khi thì diễn tả cảm xúc cô đọng, sâu lắng, khi khác lại thể hiện tâm trạng vui tươi như Nửa đêm thức giấc, Sao không về Vàng ơi, Trăng ơi từ đâu đến. Riêng thể thơ 4 chữ thì dùng để lể kể nhịp nhàng, thơ 2, 3 chữ phù hợp với những diễn biến dồn dập của sự vật, hiện tượng (Ò…ó…o, Mưa). Xét về kết cấu, tập thơ sử dụng kết cấu trùng điệp, một dạng kết cấu thường thấy ở đồng dao. Chẳng hạn như những bài đồng dao quen thuộc:
- Ăn một bát cơm
Nhớ người cày ruộng
Ăn đĩa rau muống
Nhớ người đào ao
- Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp…
Trong thơ Trần Đăng Khoa, Con bướm vàng, Hạt gạo làng ta, Khi mẹ vắng nhà, Trăng ơi từ đâu đến?, Thả diều,… là hàng loạt những bài thơ sử dụng hiệu quả và linh hoạt kết cấu này.
Nhìn chung, thơ Trần Đăng Khoa chịu ảnh hưởng của văn học dân gian khá rõ nét. Có thể khẳng định, gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ, ươm mầm cho tài năng và sáng tạo. Ở đó, nhà thơ sớm được tắm mình trong không khí thơ ca. Trần Đăng Khoa từng tâm sự, chính mẹ là người có vai trò rất lớn trong việc bồi đắp tri thức dân gian cho tâm hồn anh. Mẹ anh vốn thuộc rất nhiều truyện Nôm khuyết danh, vô số thành ngữ, tục ngữ và ca dao đến mức mỗi khi có việc gì đó bà lại dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao để nói. Anh chịu ảnh hưởng và hấp thụ từ mẹ rất nhiều. Thứ đến, bức tranh làng quê trở thành nguồn thi liệu dồi dào cho thơ anh. Những ngọn mùng tơi, cây dừa, đàn chuối, luống khoai, ánh trăng, dòng sông... được thâu tóm trong tầm mắt nhà thơ với một tình yêu tha thiết như máu thịt, sự sống của chính mình. Và tất cả điều đó kết hợp với cái nhìn tinh tế, nhạy cảm, sáng tạo của một thi nhân, Trần Đăng Khoa đã mang đến cho thi ca Việt Nam những bài thơ đậm chất mục đồng. Nói như tác giả Lã Thị Bắc Lý thì: “Thơ anh đến với tuổi thơ trước tiên bằng những cảm xúc chân thành, nhân ái. Thơ anh còn khơi dậy những rung động trong tâm hồn người lớn, làm cho họ được trở về với tuổi thơ, tìm gặp lại mình trong cái trong trẻo, cái tinh nguyên của những xúc cảm đối với thiên nhiên, với nghệ thuật” (4, tr.172). Chính âm hưởng dân gian đã góp phần tạo nên sức sống rất riêng, giọng điệu rất riêng trong thơ Trần Đăng Khoa, khiến cho Trần Đăng Khoa trở thành hiện tượng thơ đặc biệt nhất, thành công nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam.
N.T.A.T
(TCSH406/12-2022)
____________________
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (1997), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Trần Đăng Khoa (1996), Góc sân và khoảng trời, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội.
3. Trần Đăng Khoa (2016), Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, Nxb. Văn học, Hà Nội.
4. Lã Thị Bắc Lý (2005), Giáo trình Văn học trẻ em, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
5. Nguyễn Đăng Mạnh (1995), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
6. Triều Nguyên, Sự vận dụng đồng dao vào việc làm thơ, Tạp chí Sông Hương, 6/2008.
7. Nhiều tác giả (2012), Đồng dao cho bé, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.