NGUYỄN HỮU PHÚC
Tại cuộc thi Sách hay năm 2020, do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách hay và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức, bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu đã đạt giải thưởng ở hạng mục Sách văn học. Hội đồng trao giải Sách hay 2020 nhận xét: “Dưới ngòi bút đã thật chín muồi của Trần Thùy Mai, chúng ta không chỉ có được chân dung đậm nét về một người đàn bà đặc sắc và hết sức độc đáo của lịch sử, mà còn cả một bức tranh triều chính và chừng nào đó cả một xã hội thật sinh động” (Thất Sơn, 2020). Điểm đặc sắc của bộ tiểu thuyết trường thiên này không chỉ được viết bởi văn phong tinh tế, thuần Việt, cốt truyện đậm chất điện ảnh, sinh động mà đây còn là dạng “cung đấu” đầu tiên kể về lịch sử nhà Nguyễn trong suốt 30 năm đầu lập quốc.
Đánh giá một cách khái quát, tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu đã tái hiện một cách sinh động với các nhân vật lịch sử được khắc họa rất sắc nét và các sự kiện lịch sử hiện ra rất chân thực. Mặc dù, nội dung tiểu thuyết kể câu chuyện dài về cuộc đời một trong những bà hoàng lừng danh trong lịch sử, đó là bà Phạm Thị Hằng, sau trở thành Từ Dụ thái hậu - bậc mẫu nghi thiên hạ. Dõi theo từng câu chuyện của Phạm Thị Hằng lúc bước đầu vào làm dâu xứ Huế cho đến khi đạt được quyền lực chốn hậu cung, tiểu thuyết gia tô đậm những người phụ nữ khát khao quyền lực, khuynh loát triều đình. Hay nói cách khác, từ nhân vật Phạm Thị Hằng, Trần Thùy Mai đã chạm đến những tương quan quyền lực, những thân phận, những cuộc tranh đấu trong không gian chốn hậu cung.
1. Tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu và sự cách tân trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam
Trong dòng chảy văn học Việt Nam, tiểu thuyết lịch sử đóng một vai trò quan trọng, không những giúp con người được sống lại thời đại quá khứ, mà còn thể hiện tài năng sáng tạo và dấu ấn của các nhà văn. Với nội dung viết về đề tài lịch sử, trong đó, các nhân vật được hư cấu vào trong các sự kiện lịch sử hoặc đóng vai trò chứng nhân, và có quan hệ qua lại với các nhân vật lịch sử (Nguyễn Thùy Minh, 2009: 13). Do đó, một người khi viết tiểu thuyết lịch sử bắt buộc phải tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng lịch sử, tuy nhiên, nhà văn có thể thêm bớt nhưng không được làm thay đổi bản chất của sự kiện, mà có đề cập trong tác phẩm văn học. Vì những sự kiện và chi tiết thiếu chính xác có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch và những suy diễn mang tính cá nhân, chủ quan, dễ làm cho người đọc hiểu sai về bản chất lịch sử.
Rõ ràng, tiểu thuyết lịch sử góp phần đề cao sự sáng tạo của nhà văn và các tiểu thuyết gia, vì thông qua việc hư cấu các sự kiện, nhân vật lịch sử, sẽ dễ dàng tạo nên những ấn tượng đối với người đọc. Đây cũng chính là điểm đặc biệt, độc đáo của văn học khi viết về chủ đề lịch sử mà hoàn toàn không mang tính cứng nhắc, khô khan, ngược lại, lịch sử đến với nhiều người một cách tự nhiên, vô cùng mềm mại và uyển chuyển.
Trong diễn trình lịch sử văn học Việt Nam, thời điểm sau năm 1986, nền văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng có sự vận động và đổi mới nhất định. Chính những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng cùng những tương tác đa chiều của các nền văn hóa trong thời kì toàn cầu hóa đã tạo nên những tiền đề quan trọng để nhà văn khai phóng ý tưởng, sáng tạo trong bút pháp. Chính những nhân tố này đã tô điểm nên bức tranh đa chiều, sinh động của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, mở ra một chân trời mới cho diễn giải lịch sử, làm xuất hiện nhiều khuynh hướng, cảm thức cùng với những lối viết khác biệt, mà ngày nay được sử dụng với một khái niệm đó là sự “cách tân” trong văn học.
Sự thay đổi về quan niệm lịch sử đã kéo theo những biến đổi của tiểu thuyết lịch sử khi nhà văn, tiểu thuyết gia có những cách nhìn nhận, đối thoại đánh giá mang tính khách quan hơn, sâu rộng và thẩm mĩ hơn. Như vậy, những hiện thực lịch sử không chỉ thu gọn trong những sự kiện, nhân vật, con số mà còn qua cái nhìn ngưỡng vọng, đồng cảm với những số phận con người đặt trong hoàn cảnh lịch sử đó. Đến nay, đã có rất nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử đã tạo nên sự hấp dẫn, sự quan tâm, bàn luận, đánh giá của độc giả như Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý (Hoàng Quốc Hải), Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng (Bùi Anh Tấn), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Trần Khánh Dư (Lưu Sơn Minh), Đức Thánh Trần (Trần Thanh Cảnh), và đặc biệt là bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu.
Dày gần 900 trang với 69 chương, Trần Thùy Mai đã khắc họa thành công nhân vật Phạm Thị Hằng, từ một cô tiểu thư xinh đẹp từ vùng đất Gò Công theo cha ra Huế và trở thành dâu nhà Nguyễn, trải qua bao thăng trầm bể dâu để rồi vươn lên nắm quyền lực cao nhất trong chốn hậu cung. Lần theo từng bước chân của cô tiểu thư họ Phạm xinh đẹp, thông minh và nhân hậu đã chứng kiến biết bao số phận đầy nước mắt, đau thương, nghiệt ngã sau bức tường thành cung cấm. Chính những mưu mô thủ đoạn đầy tàn độc ở chốn hậu cung đôi khi làm khuynh đảo cả triều chính, gây ra những cái chết đầy oan trái, oái ăm, những tiếng nhơ khó rửa. Dòng họ Lê Văn Duyệt bị tru di, Phạm Đăng Hưng bị thất sủng, Tống Thị Quyên bị dìm chết, Mỹ Đường điên dại vì mang án thông dâm với mẹ ruột,… tất cả đều liên quan đến những âm mưu, thủ đoạn của những con người tham vọng quyền lực. Qua những chi tiết này, Trần Thùy Mai đã xây dựng được hình ảnh một con người Nhị phi Trần Thị Đang thông minh, sắc sảo, rất giỏi chính sự cũng như đọc thấu tâm lí người, nhưng vì tham vọng quyền lực, bà đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào để loại trừ đối phương khỏi cuộc chơi danh vị ở hoàng cung. Và đó cũng là biểu hiện của yếu tố “nữ quyền” và cũng nhờ vào yếu tố này mà Trần Thùy Mai đã phần nào hóa giải lịch sử.
Bên cạnh những cách tân về dung lượng, cốt truyện, Trần Thùy Mai đưa ra thêm những hình thức trần thuật mới được tập trung ở một số phương diện cơ bản như nghệ thuật tổ chức điểm nhìn, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ gia tăng lượng thông tin và cá thể hóa cao độ. Trong tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu, người đọc có thể nhận thấy sự phong phú của các điểm nhìn trần thuật và các điểm nhìn ấy đều có sự dịch chuyển một cách linh hoạt, sáng tạo trong việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật ở ngôi kể thứ ba. Từ góc kể này, Trần Thùy Mai đã khéo léo soi chiếu vào nhân vật ở nhiều góc độ khác nhau nhằm bộc lộ những trạng thái tâm lí phức tạp. Đồng thời cũng phơi bày những vùng khuất lấp trong thế giới nội tâm của nhân vật, đó cũng chính là cái tài của nữ nhà văn khi biết xử lí vị trí kể chuyện.
Mặt khác, thông qua các bút pháp tả thực và đứng ở góc độ ngôi kể thứ ba, Trần Thùy Mai đã dựng lại bức chân dung của các vị vua nhà Nguyễn và phần nào mang lại cái nhìn khách quan hơn về lịch sử nhà Nguyễn. Trong các bài học lịch sử ở trường phổ thông, cái nhìn về triều Nguyễn, về vua Gia Long là hoàn toàn khác so với tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu, với những cái án định sẵn từ rất lâu về tội “cõng rắn cắn gà nhà”, là ngụy triều,… Trong tác phẩm của mình, vua Gia Long là một con người rất thủy chung với những quần thần vào sinh ra tử với mình. Hay vụ án loạn luân của hai mẹ con Anh Duệ vương phi Tống Thị Lan - Mỹ Đường, vụ án tự ải Hồng Bảo và nghi án tình cảm giữa Trương Đăng Quế và Từ Dụ thái hậu đã lần lượt được Trần Thùy Mai vén mở những bức màn bí ẩn.
Có thể nói, trong bước chuyển mình của nền văn học đương đại Việt Nam, tiểu thuyết lịch sử đang có những cách tân lớn. Với sự ý thức về vai trò của chủ thể sáng tạo trên nền của yếu tố lịch sử kết hợp với hư cấu đã tạo điều kiện cho nữ nhà văn được thể nghiệm và cách tân nghệ thuật, mà Từ Dụ thái hậu là một ví dụ điển hình. Đó cũng chính là biệt tài của Trần Thùy Mai và nét đặc sắc của Từ Dụ thái hậu khi khơi gợi đến tận cùng những cung bậc cảm xúc của con người. Đánh giá về tác phẩm, nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Việt Nga có nhận xét như sau: Thành công nhất của Trần Thùy Mai trong tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu không phải là việc “viết lại sử bằng văn” dù có viết một cách sinh động, say mê, tỉ mỉ và trung thực mà là khám phá, tạo dựng, hư cấu những điều không có hoặc không được ghi trong sử sách. Chính chỗ khuyết thiếu, ảo mờ đó là mảnh đất cho sáng tạo văn chương”… là “cái mốc của sự phát triển tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” (Nguyễn Thị Việt Nga, 2020).
2. Chốn hậu cung - chất nền cho yếu tố cung đấu
Với cốt truyện xoay quanh những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong chốn hậu cung, chính trường nhà Nguyễn hiện lên một cách vô cùng sinh động dưới ngòi bút sắc sảo của nữ nhà văn. Và chốn hậu cung cũng là cái nền để nhà văn Trần Thùy Mai kể về những số phận, cuộc đời thấm đẫm nhiều sự đau khổ, tang thương, ai oán của những người phụ nữ luôn khao khát sự hạnh phúc và tham vọng quyền lực. Sự dấn thân vào chốn cung cấm bắt đầu “chỉ là thị nữ, phụ trách công việc hàng ngày tại một ban nào đó, như quét tước, giặt giũ, chăm sóc cây cối, phục vụ bếp núc… May mắn người nào lọt vào mắt xanh của nhà vua thì được gọi đến, hưởng ân sủng chốc lát hay lâu dài, rồi sẽ được “cất nhắc”, tích ban danh vị kèm bổng lộc” (Lê Nguyễn Lưu & Nguyễn Công Trí, 2020: 15).
Dưới thời Gia Long, hệ thống Cung giai được quy định như sau: Tam phi gồm: Quý phi, Lương phi, Kính phi; Tam tu gồm: Tu nghi, Tu dung, Tu viên; Cửu tần gồm: Quý tần, Hiền tần, Trang tần, Đức tần, Thục tần, Huệ tần, Lệ tần, An tần, Hòa tần; Tam chiêu gồm: Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viên; Tam sung gồm: Sung nghi, Sung dung, Sung viên; Lục chức gồm: Tiệp dư, Dung hoa, Nghi nhân, Tài nhân, Linh nhân, Lương nhân. Đến thời Minh Mạng, nhà vua lại sửa đổi quy chế, đặt chín bậc nội cung như sau: “Trên hết là Hoàng Quý phi, rồi đến bậc nhất (Quý phi, Hiền phi, Thần phi), bậc nhì (Đức phi, Thục phi, Huệ phi), bậc ba (Quý tần, Hiền tần, Trang tần), bậc tư (Đức tần, Thục tần, Huệ tần), bậc năm (Lệ tần, An tần, Hòa tần), bậc sáu (Tiệp dư), bậc bảy (Quý nhân), bậc tám (Mỹ nhân), bậc chín (Tài nhân), còn lại là tạp lưu, nói chung là cung nữ”. (Lê Nguyễn Lưu & Nguyễn Công Trí, 2020: 9-10).
Từ việc phân chia các bậc trong nội cung mang tính hệ thống như vậy thì rõ ràng, số nữ giới trong chốn hậu cung là rất lớn, vì thế, họ luôn phải tìm mọi cách để được lọt vào mắt xanh của nhà vua hoặc loại các cung nữ còn lại để khỏi ảnh hưởng đến vị trí của mình. Do đó mà những cuộc tranh đấu giữa các phi tần khiến cuộc sống trong chốn hậu cung trở thành cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt, bi kịch, oan khuất. Và cũng vì thế mà con đường được vua sủng ái ngày một xa hơn và mức độ cuộc chiến ngày mỗi căng thẳng hơn.
Đọc câu chuyện đời sống cung cấm trong Từ Dụ thái hậu, người đọc có cảm giác sợ hơn là thích những âm mưu đầy nước mắt và máu bởi những mưu đồ do các thế lực đấu đá nhau sắp đặt sẵn, và đều lấy đi những dòng nước mắt hay sự cảm thông, sẻ chia của độc giả đối với những cung nữ xấu số bị mưu hại hay bị đày vào chốn lãnh cung. Còn những người tốt số có thể vươn lên ở một vị trí nhất định, có tiền tài, có danh vị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phi tần, cung nữ đó sẽ trở thành “cái gai” trong mắt của những người khác và họ sẽ bị thanh trừ không biết khi nào. Đây rõ ràng như một chốn ngục tù đã giam giữ cuộc sống tự do, sự hạnh phúc của những con người “hồng nhan bạc phận”.
Một trong những phi tần nổi tiếng với sự thông minh, luôn nung nấu nắm quyền lực trong tay, và tàn ác với những thủ đoạn cực kì tàn độc là Nhị phi Trần Thị Đang. Chính vua Minh Mạng còn sợ mẹ mình bởi nhận thấy bà can đảm, khôn ngoan và “lúc nào cũng xem quyền lực là trò chơi đầy đam mê”. Có thể nói, bằng tài trí của mình, Nhị phi Trần Thị Đang đã đưa con trai và cháu nội là hai vị vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị liên tục được lên ngôi hoàng đế. Phương thức mà bà đạt được điều này hoàn toàn nhờ vào sự mưu trí hơn người khi biết kết giao với những người có uy tín trong hoàng cung, thuyết phục nhà vua đương thời về tính hợp lí của người được nối ngôi, và vì vậy mà Nhị phi đã từng bước loại các “đối thủ” khác một cách dễ dàng.
Để đạt được mục đích và tham vọng quyền lực, biết bao số phận mỹ nữ bị định đoạt bởi sự độc ác, chuyên quyền của Nhị phi. Trong số này trước hết phải kể đến Tam phi Ngọc Bình do được vua Gia Long hết mực yêu thương, sủng ái nên bà đã tìm cách loại Ngọc Bình ra khỏi chốn hoàng cung. Để thực hiện âm mưu này, Nhị phi đã chính trị hóa từ chiếc bánh lá gai để nhằm nhắc lại mối thù với nhà Tây Sơn: “Bọn Ngụy Tây Sơn lấy danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh, từ trong Bình Định ra đây cướp kinh thành của các chúa Nguyễn ta, đem theo cái thứ bánh ni. Cái bánh ni lẽ ra cũng phải chịu tru diệt với bọn loạn thần tặc tử mới đúng! Sao lại dám ngang nhiên chường ra trước mặt rồng?” (Trần Thùy Mai, 2020: 21). Chưa dừng lại ở đây, Nhị phi còn khiến nhiều công thần, danh sĩ, những người thuộc hoàng tộc phải rơi vào cảnh đổ máu, nhà tan, đó là dòng họ Lê Văn Duyệt bị tru di, Phạm Đăng Hưng bị thất sủng, Tống Thị Quyên bị dìm chết, Mỹ Đường mang án loạn luân, hay nghi án tình cảm giữa Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng,… Đây hoàn toàn là sản phẩm của những âm mưu, thủ đoạn của những con người tham vọng quyền lực và xem đây là thú vui tiêu khiển của mình. Như vậy, Từ Dụ thái hậu là một bức tranh đa chiều về lịch sử chốn hậu cung và nói chính xác hơn là lịch sử của những cuộc cung đấu mà phần thắng luôn thuộc về Nhị phi Trần Thị Đang.
Ngoài nhân vật trung tâm là Nhị phi Trần Thị Đang, Trần Thùy Mai còn đề cập thêm một số con người khác cũng có sự ham muốn quyền lực, trong số đó phải nói đến Đinh Cam Lộ và Bình Thái phu nhân. Để tạo thế lực cho riêng mình, họ đã tìm cách liên kết với một số người uy tín trong triều đình. Bình Thái phu nhân có lần nói với Đinh Cam Lộ rằng: “Đừng nói là ngoài triều đình đàn ông phải có cánh có phe, trong phủ phòng cũng vậy, đàn bà cũng có bè có phái, nâng đỡ nhau, loại trừ nhau, mới sống được.” (Trần Thùy Mai, 2020: 208).
Bức tranh đời sống cung cấm phức tạp, khốc liệt trong Từ Dụ thái hậukhông chỉ dừng lại ở những mảng màu về sự tham vọng và khuynh loát triều chính của Nhị phi mà còn thể hiện ở thời gian hết sủng ái các phi tần, mỹ nữ. Điển hình như Quý nhân - Thục tần Nguyễn Thị Bảo, ban đầu rất được vua Minh Mạng yêu chiều đến mức các cung nữ phải ghen tị: “Vậy là hoàng thượng cưng người mới lắm đó, chứ bọn mình mà nhấp nhổm vậy thì chết với ngài”. (Trần Thùy Mai, 2020: 209). Tuy nhiên, không bao lâu thì Nguyễn Thị Bảo cũng trở thành người lạc lõng bởi người đến sau là Tài nhân Lê Thị Ái vì đẹp hơn và biết lấy lòng nhà vua hơn. Đứng trước thực trạng này, Nguyễn Thị Bảo đã nghẹn ngào khi tâm sự với Phạm Thị Hằng rằng: “Hằng ơi, ta cũng buồn chứ. Nhưng từ lâu ta biết, trước sau cũng có ngày này… Lâu nay sở dĩ người còn sủng ái ta chỉ vì chưa có ai trẻ đẹp hơn thay thế thôi! Nay người ấy đã tới, thời gian của ta đã hết.” (Trần Thùy Mai, 2020: 396).
Tiếp nối với bức tranh, Trần Thùy Mai đã dùng những nét bút để hướng độc giả dõi theo kĩ cuộc sống trong chốn hậu cung đầy đau xót qua những hình ảnh phi tần từ lúc tiến cung cho đến khi vua băng hà, chưa lần nào được vào hầu vua. Đối với những cung nữ, phi tần được tuyển vào cung chưa lâu và chưa phong tước vị mà họ lỡ chết thì sẽ không được chết trong cung. Vì theo quy định: “Xưa nay đàn bà trong cung, tước vị từ Tiệp dư trở lên mới được nhắm mắt lìa đời trong hoàng thành. Nay phủ thiếp hầu hạ hoàng trưởng tử chưa lâu, tước vị chưa có gì, theo lệ thì lúc lâm chung phải đưa ra Bình An Đường chờ chết.” (Trần Thùy Mai, 2020: 373).
Với chi tiết “phế trưởng lập thứ” diễn ra dưới thời vua Gia Long và thời Thiệu Trị, Trần Thùy Mai đã đẩy nhanh và mạnh hơn nữa sự kịch tính bởi những cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực trong chốn hậu cung triều Nguyễn. Theo quy định truyền ngôi, con trai trưởng hoặc cháu đích tôn thuộc dòng trưởng sẽ nối ngôi sau khi vua băng hà. Đọc những mẫu chuyện kể lịch sử và xác thực hơn là Nguyễn Phúc tộc thế phả thì ai đều cũng biết hoàng tôn Đán là con trai của hoàng tử Cảnh, cháu đích tôn của vua Gia Long. Hẳn nhiên, hoàng tử Cảnh sẽ được nối ngôi sau khi vua Gia Long mất, nhưng do đoản mệnh nên quyền nối ngôi vẫn phải thuộc dòng trưởng, cho nên hoàng tử Đán lên ngôi mới hợp tình hợp lí. Tuy nhiên, bằng sự toan tính và khéo léo, Nhị phi đã giành quyền làm vua cho hoàng tử Đảm và trở thành hoàng đế Minh Mạng - vị vua thứ hai của nhà Nguyễn. Và để trừ hậu họa và xác lập quyền thống trị vững chắc của chi phái mình, vua Minh Mạng đã đặt ra bài Đế hệ thi (Thơ cho dòng chính được làm vua) và mười bài Phiên hệ thi (cho dòng dõi của những người con trai còn lại của vua Gia Long).
Đến thời Thiệu Trị, việc “phế trưởng lập thứ” lại được tái diễn lại lần nữa, gắn liền với sự kiện hoàng tử Hồng Nhậm được chọn là người kế vị. Tuy hoàng tử Hồng Bảo là người được sinh ra trước, nhưng vua Thiệu Trị lại chọn Hồng Nhậm nối ngôi và ngay trong lễ đăng quang, “Hồng Bảo ngã vật ra trên chiếu, miệng thổ huyết” (Trần Thùy Mai, 2020: 380). Sau đó, Hồng Bảo đã âm mưu để tìm cách giành lại ngôi báu, nhưng kế hoạch bị thất bại và phải chịu cảnh giam ngục.
Có thể nói, yếu tố “cung đấu” dường như là mạch nguồn để tạo nên những cảm xúc thăng hoa cùng sự sáng tạo đến mức tuyệt diệu của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Chính sự tranh giành quyền lực cùng những âm mưu, thủ đoạn để nhằm thỏa mãn điều đó là chất nền tạo nên tính hấp dẫn của tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu. Đó cũng là đặc điểm của tiểu thuyết “cung đấu” với hai mặt đối nghịch nhưng lại có sự bổ trợ lẫn nhau, với một bên là những con người đầy ắp những mưu toan trong chốn hậu cung, còn bên kia là những con người có trái tim, bao dung và đức hạnh.
3. Kết luận
Là một nhà văn chuyên nghiệp, Trần Thùy Mai đã mang đến cho độc giả một quyển tiểu thuyết có góc nhìn khoa học và chân thực hơn về lịch sử triều Nguyễn, thậm chí là sống động, đầy đủ hơn so với chính sử. Cũng viết về chủ đề lịch sử như những nhà văn đương thời nhưng ở Trần Thùy Mai lại có nhiều điểm khác biệt, nhà văn không những chỉ tập trung tái hiện các sự kiện mà chủ yếu đề cập đến không gian chốn hậu cung, khơi mở và chạm vào những tấn bi kịch của những con người sống tại đây. Dưới góc độ “cung đấu”, Trần Thùy Mai đã dẫn dắt người đọc có nhiều trải nghiệm với các cung bậc cảm xúc khác nhau, đặt trong mối quan hệ đa chiều. Đây là một sự bứt phá ngoạn mục về thể loại tiểu thuyết lịch sử, mà sự cách tân một cách linh hoạt, mềm mại, uyển chuyển đã góp phần làm nên sự thành công và hấp dẫn của Từ Dụ thái hậu từ trang đầu cho đến cuối quyển tiểu thuyết. Với lối viết nhẹ nhàng, giàu triết lý, và những cách tân trong nội dung, cốt truyện, ngôi kể, phương thức trần thuật đã tạo nên chiều sâu cho tác phẩm và mang đến những điều mới mẻ trong diễn trình phát triển của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam.
Qua tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu, những hình ảnh về vùng đất và con người Huế, đặc biệt văn hóa Huế được Trần Thùy Mai khắc họa và phác thảo rất chân thực, sinh động. Có thể nói, trong dòng chảy văn chương xứ Huế nói riêng, Từ Dụ thái hậu là một tác phẩm để lại một dấu ấn quan trọng, là một trong những minh chứng rõ nét về sự hiện đại hóa văn học Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XXI.
N.H.P
(TCSH407/01-2023)
____________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Nguyễn Lưu, Nguyễn Công Trí, “Tổ chức Nội cung triều Nguyễn”, Tập 1, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 8, 2020.
2. Trần Thùy Mai, Từ Dụ thái hậu, quyển thượng, Nxb. Phụ nữ, 2020.
3. Trần Thùy Mai, Từ Dụ thái hậu, quyển hạ, Nxb. Phụ nữ, 2020.
4. Nguyễn Thùy Minh, Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn từ góc độ loại hình thể loại (qua việc khảo sát một số tác phẩm những năm gần đây), Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.
5. Nguyễn Thị Việt Nga, Về tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” của Trần Thùy Mai, 2020; truy cập tại địa chỉ: “https://vanvn.vn, ngày 19/12/2021.
6. Tiểu Vũ, Giải Sách hay 2020: Tiểu thuyết ‘Từ Dụ thái hậu’và nhà văn Trần Thùy Mai được vinh danh, truy cập tại địa chỉ: https://nguoidothi.net.vn, ngày 17/12/2021.
7. Thất Sơn, Từ Dụ thái hậu đạt giải Sách hay 2020, truy cập tại địa chỉ: https://vnexpress.net; ngày 19/12/2021.