PHAN NGỌC
Tặng các nhà tiểu thuyết trẻ
Tôi không phải nhà phê bình văn học. Nhưng tôi ham đọc tiểu thuyết. Có quyển tiểu thuyết nào nổi tiếng thế giới là tôi tìm đọc, thường là trong nguyên bản.
Mục đích giản dị: xem thử mình có hiểu nổi cái mà người ta cho là hay không. Tôi trình bày dưới đây những suy nghĩ của anh chàng mọt sách. Tôi chỉ nhằm những mục tiêu thấp bé: sao cho sách các bạn trẻ bán chạy, sao cho thế giới hiểu rằng người Việt không những cầm súng giỏi mà cầm bút cũng cừ, sao cho đời sống nhà văn no đủ. Tôi bàn chuyện marketing.
Về truyện ngắn tôi yên tâm. Tôi không phải con người nịnh hót để kiếm sống. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng truyện ngắn Việt Nam ngang tầm thế giới. Các bạn nghèo không phải do lỗi các bạn, mà do chỗ Việt Nam thiếu một đội ngũ phiên dịch cự phách. Lại thiếu quảng cáo bởi vì vào thời đại này không có quảng cáo làm sao có thể sống nổi? Chuyện đó bàn sau. Tôi muốn bàn đến vấn đề làm tôi đau đầu: tại sao tiểu thuyết dài Việt Nam lại yếu?
Người ta hay đưa ra ba lý do để giải thích: một là lập trường tư tưởng, hai là trình độ thâm nhập cuộc sống, vốn sống, ba là học vấn nhà văn Việt Nam thấp hơn thế giới. Theo tôi: nói thế là không đúng. Về điểm một, các bạn có quyền tự hào thuộc vào thế hệ những người đổi mạng để giành lấy thống nhất độc lập cho Tổ quốc. Không thể nói nhà văn Việt Nam thua nhà văn thế giới về điểm này được. Về điểm hai cũng vậy: ai lăn lộn với cuộc sống bằng chúng ta? Mỗi người Việt Nam đều có một vốn sống cực kỳ phong phú. Cái nước có thời kỳ mang thêm tên là "nước Nam yên ổn" trong 48 năm qua lại chính là nơi trải qua nhiều thay đổi nhất thế giới. Kết quả: vốn sống của con người tăng lên với một tốc độ kỷ lục. Còn học vấn? Cho đi rằng nhà văn Việt Nam kém nhà văn thế giới về khoa học, kỹ thuật, nhưng điểm quyết định về thành công trong văn học lại không phải ở đấy mà ở những băn khoăn về bản thân cuộc sống, về con đường sống cho mình và cho người khác. Tôi không tin về điểm này nhà văn Việt Nam lại thua người ta.
Theo tôi, cái yếu của tiểu thuyết dài Việt Nam là ở chiêu thức. Công lực thì lớn nhưng chiêu thức thì yếu. Mà cái khó là ở công lực, không ở chiêu thức. Tôi xin lỗi đã dùng hai thuật ngữ của "chưởng". Vì nhìn văn học theo góc độ marketing, tôi không thể bỏ qua bất cứ chiêu thức nào có thể lôi cuốn hàng triệu con người. Theo tôi, văn học ở thời đại này có thể lôi cuốn hàng triệu con người, có thể chuyển thành phim hàng chục tập để làm giàu đất nước và giới thiệu cái đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, giá trị của đất nước Hồ Chí Minh. Tôi biết làm thế sẽ bị chê bai, nhưng điều tôi cần không phải là tôi được hay mất cái gì mà đất nước tôi đứng vững trong giai đoạn hậu công nghiệp. Do đó, tôi sẽ nói đến tám mẹo. Các mẹo này không mảy may làm tổn hại đến những quan niệm về hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà trái lại sẽ phát huy đầy đủ nhiệt tình cách mạng của nhà văn. Xin lỗi các nhà lý luận nếu như tôi không nói đến tự do tư tưởng, cá tính sáng tạo và mọi thuật ngữ. Tôi là anh thao tác luận không phải là anh tinh thần luận. Tự thân thao tác, chiêu thức là trung hòa về hệ tư tưởng. Việc giáo dục đã có Đảng lo, tôi chỉ lo sao cho các tư tưởng tốt đẹp hình thức hóa được để mang đô la về. Tôi không nói chuyện với lớp văn sĩ lớn tuổi mà nói với các bạn trẻ vì tuổi trẻ chấp nhận sự thay đổi. Tôi bàn kinh nghiệm làm ăn. Về điểm này các bạn phạm một số sai lầm do chỗ bỏ qua di sản phương Đông. Các bạn xem các phim viđêô của Đài Loan, Hồng Kông rồi chứ? Có những cuốn phim mang về hàng triệu đô la, đánh bại phim Mỹ. Tại sao nó ăn khách? Tôi ngồi xem bàng hoàng. Bỏ qua mặt tư tưởng, chỉ xét mặt thao tác, thì thấy người ta tiếp thu truyền thống tự sự của Tư Mã Thiên, Tam Quốc Chí, Thủy Hử... Còn phim ảnh Việt Nam, tiểu thuyết Việt Nam là những ông Tây An nam. Mà cái công lực phương Đông thì các bạn có sẵn, hết sức phong phú. Văn sĩ, nhà khoa học Việt Nam là anh chàng A-la-đanh đứng trước kho báu nhưng quên mất câu "Vừng ơi mở cửa!". Tôi xin nói chuyện khó nghe. Nhưng khoa học không phải là kẹo mà là thuốc đắng. Xin phép đi ngay vào mẹo.
Mẹo một: Xin bỏ lối phân đôi: Tiểu thuyết Việt Nam cho đến nay là tiểu thuyết phân đôi. Tất cả dàn thành thế trận địch / ta hay nói theo lối các em nhỏ: bên ta / bên nó. Các em bé, con của các bạn: nhìn thấy bất cứ cái gì thì hỏi ngay các bạn: bên ta hay bên nó? đấy là tâm lý trẻ thơ. Cái gì muốn lôi cuốn tuổi ấu thơ cũng đều phải tách ra thành hai: bên ta / bên nó. Cổ tích, huyền thoại là xây dựng theo mẹo này. Các bạn sẽ bác lại tôi bảo: chuyện ngắn nổi tiếng thế giới chỉ có phân hai, kịch cũng thế mà vẫn hay là tại sao? Tôi xin thưa: kịch là kịch; truyện ngắn là truyện ngắn; truyện dài là truyện dài: ba phạm trù khác nhau. Tôi rất thích tính thao tác trong định nghĩa về sự khác nhau giữa kịch với tiểu thuyết của anh Vi Huyền Đắc mà anh Nguyễn Đình Nghi kể lại cho tôi nghe "Ta có cái bánh chưng. Kịch là một nhát cắt giữa cái bánh chưng. Còn tiểu thuyết là lần lượt bóc cái bánh chưng ra". Cái hay của kịch và truyện ngắn là chỉ bằng một lát cắt ta có một khái niệm cần yếu (pertinent). Do đó, truyện ngắn và kịch hay không phải ở cái tự nó nói lên mà cái người ta thêm vào, ở sức gợi mở. Một truyện ngắn mà cái kết không gợi mở được điều gì, không đẩy người xem vào những suy nghĩ rộng lớn hơn thì chắc chắn là dở. Còn tiểu thuyết dài lôi cuốn bằng bản thân nội dung. Cho đến nay, chưa có một hình thức nghệ thuật nào chứa đựng nổi một dung lượng bao la bằng tiểu thuyết dài. Nhưng khi người ta phân đôi thì lập tức cái dung lượng ấy bị bóp méo, cắt cụt, trở thành nghèo đi.
Một câu chuyện tình nếu chỉ có một anh Dũng và một chị Loan thôi thì kéo dài quá 200 trang sẽ hụt hơi nhưng nếu có Dũng 1, Dũng 2, Dũng 3. Rồi lại có Loan 1, Loan 2, Loan 3. Mà anh Dũng 1 thích chị Loan 3, trong đó chị Loan 3 lại thích ông Dũng 2 thì kéo dài mấy cũng được. Một cuốn phim nếu chỉ có hai phe Tôn Sĩ Nghị - Chiêu Thống / Quang Trung thì làm được như "Thăng Long đệ nhất kiếm" là đã được lắm rồi. Nhưng nếu thêm một nhóm thứ ba chỗ này thích vua Lê, chỗ kia thích ông Quang Trung, nhóm ấy bị phân hóa rồi chao đảo chạy từ bên này sang bên kia và ngược lại thì có dàn ra 10 tập cũng vẫn ăn khách. Rồi cảnh theo Chiêu Thống cũng chao đảo... Và cứ thế. Tôi rất sợ các thuật ngữ "hiện thực", "mỹ học" v.v... Nhưng trong thực tế là đúng thế. Một bên đế quốc, một bên Đảng. Cái đó chịu rồi. Chẳng bao giờ đế quốc có thể đế quốc hóa được Đảng và ngược lại cũng chẳng bao giờ Đảng có thể cộng sản hóa được đế quốc. Nhưng nếu trình bày tiểu thuyết phân đôi như thế thì cách nào kéo dài mà hấp dẫn mãi được? Còn một số cực kỳ đông đảo thích Đảng không thích đế quốc, nhưng có nhiều băn khoăn đối với Đảng và nhiều lo sợ đối với đế quốc. Nhóm này đã chao đảo, phân hóa, khi theo bên này, lúc sang bên kia. Và cứ thế bản thân sự thực cho thấy thế nào là đúng, thế nào là sai. Làm thế chẳng mất tính tư tưởng chút nào mà lại kéo được đô la về. Sao mà các bạn nhát gan thế?
Sao các bạn không "đọc" Tam Quốc Chí? Đây là một bằng chứng hiển nhiên cho thấy cái lý thuyết "tam phân" lôi cuốn người ta như thế nào. Cơ sở của nó là sự xuất hiện ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Ba nước ấy đều có ba nhân vật kiệt xuất Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Chu Du. Rồi mọi âm mưu xuất hiện: liên kết, chia rẽ, tấn công, hòa hiếu... Âm mưu nào cũng phải tính đến hai đối tượng. Một nhân vật cự phách chết đi, tình hình có lao đao một lát nhưng một nhân vật mới lại xuất hiện để thay thế. Khi một trong ba nước bị tiêu diệt thì câu chuyện xem là kết thúc, không cách nào kéo dài mà lôi cuốn được nữa. Thủy Hử thực chất là quá trình phân hóa của nhóm thứ ba. Mỗi người tùy theo gia đình, học vấn, hoàn cảnh, tình thế riêng đều lên Lương Sơn Bạc, nhưng đều lên theo những cách khác nhau. Tôi nghĩ nếu ta chấp nhận cách lý giải ấy thì không thể nào thiếu những "Sông Đông êm đềm", những "Chiến tranh và hòa bình" được.
Viết tiểu thuyết cũng như đánh giặc, vấn đề là phải thắng. Việc gì phải đánh theo lối người ta? Nếu Trần Hưng Đạo vác ngựa Việt Nam ra chọi với ngựa Mông Cổ thì dù người Việt có anh dũng đến đâu, ta cũng thua. Ta thắng Pháp, Mỹ bằng lối đánh của ta. Vậy ta cũng phải thắng trong tiểu thuyết dài bằng lối đánh Việt Nam. Đằng sau một biện pháp nghệ thuật là một bề dày về văn hóa. Có một bề dày của Văn hóa Việt Nam mà tiểu thuyết phải tận dụng. Lối phân đôi có thể thành công ở một xã hội chia ra hai tuyến rạch ròi. Nhưng xã hội Việt Nam không có tình trạng ấy. Một Thành Thái, một Duy Tân vẫn có thể bỏ ngai vàng chống thực dân. Một Hồ Đắc Điềm vẫn chung thủy với Cách mạng dù đã từng là tổng đốc; rể một ông tổng đốc và con một ông thượng thư đầu triều. Đó là cái kỳ diệu của cách mạng Việt Nam. Theo nhị phân là cắt đứt cái kì diệu của cách mạng, khuôn thực tế vào cái khung cứng nhắc của siêu hình học. Chính tôi nghe chú Điềm nói: "Một người họ Hồ Đắc không đào ngũ". Đấy là lời tuyên ngôn của họ Hồ Đắc, một trong ba họ lớn nhất Huế, có nhiều quan nhất với cái biển kiêu hãnh của nhà thờ "Toàn gia vô bạch đinh" (Tất cả họ không có ai là dân chân trắng). Đảng đã giành được trái tim của nhân dân trước khi giành chính quyền. Một anh bạn học của tôi, sau này làm quan ba trong ngụy quyền gặp tôi năm 1955 ở Sài Gòn khi hai người ở hai chiến tuyến (tôi là sĩ quan bộ Tổng tư lệnh): "Tại sao sau Điện Biên Phủ không đánh dấn đi? Bọn mình đang rục rịch nổi dậy". Tiểu thuyết dài Việt Nam chỉ có thể chinh phục được thế giới bằng nhân cách Việt Nam cũng như Việt Nam đã đánh bại đế quốc bằng nhân cách ấy.
Tại sao ta lại bỏ chỗ mạnh của ta chạy theo chỗ mạnh của phương Tây là xác thịt, cô đơn và tội ác? Tôi thú nhận có máu nhà Nho, lại thêm thời gian học ở trường Thiên Chúa giáo, rồi vì mê Kant mà đọc Kinh Phật. Tôi có thể là một thứ Khốt-ta-bít. Nhưng các bạn ơi, các bạn vác xác thịt, tội ác và cô đơn vào đây thì làm sao lôi cuốn thế giới được? Khoản này cũng như cái khoản ngựa Mông Cổ; người ta hơn các bạn nhiều và không bao giờ các bạn đuổi kịp người ta đâu. Sự say mê xác thịt là xuất phát từ văn hóa Hy-La, được nâng lên thành võ khí thời Phục Hưng để chống lại nhà thờ Thiên Chúa giáo. Nỗi cô đơn là hậu quả tất yếu của một xã hội chỉ biết có cá nhân. Còn tội ác trong nghệ thuật phương Tây bao giờ cũng chỉ nhằm một mục đích là giành lấy của cải mà không bao giờ là để giành lấy quyền lực. Vì sao? Vì quyền lực ở họ là vật luân chuyển hôm nay người này được, ngày mai người khác được. Chỉ có tài sản là ổn định, ở Việt Nam thì khác. Cái xấu xảy ra, trừ trường hợp bọn lưu manh, là để giành lấy quyền lực. Vì quyền lực là cái ổn định, tự nó đưa đến tài sản mà không phải cố gắng gì hết. Còn tài sản thì lập tức biến mất khi quyền lực tan đi nên không hơi đâu mất công vì cái bong bóng xà phòng.
Trở lại câu chuyện tiểu thuyết dài. Khi các bạn đưa các pha "ngày xưa" cho là tự nhiên chủ nghĩa, là phi đạo đức thực tế các bạn đã làm một việc hữu ích để cho các cụ già Khốt-ta-bít nhận thức được cái thực tế mới. Nhưng nếu sa đà vào chuyện này thì sẽ chẳng lôi cuốn được lâu. Bởi vì, Việt Nam đâu chỉ có những đau khổ chung của thế giới? Nó có những đau khổ riêng. Mà những đau khổ này một cá nhân đơn độc không thể chống lại. Cần có sự chung lưng đấu cật của cả một dân tộc để sau khi thoát khỏi nô lệ, trở thành đất nước dân chủ, phồn vinh. Cái sức mạnh để dẫn tới điều kỳ diệu này chắc chắn không thể lấy ở xác thịt người đàn bà, tội ác, cô đơn. Nó phải lấy ở cái vốn nhân cách của đất nước, cái vốn chỉ mới hôm qua thôi đã làm được những việc kinh thiên động địa. Chúng ta sẽ là con em cha anh chúng ta hay là những đứa con phóng đãng trong Kinh Thánh?
Khi chúng ta phân đôi thì cái thu hút người đọc sẽ không phải là tình thương mà là thù hận, không phải là đạo đức Hồ Chí Minh mà là giáo điều sách vở. Phải viết như thế mới là hiện thực ư? Đó là hiện thực của ba mươi năm binh lửa sao? Tôi biết người ta sẽ dẫn ra vô số câu để bảo vệ cái gọi là chân lý. Mời các vị lý luận gia nhìn các nghĩa trang: Đó là câu trả lời hùng hồn hơn mọi lý luận. Những người nằm dưới mộ sẽ trả lời họ thuộc đủ mọi thành phần gia đình, đủ mọi tôn giáo, đủ mọi tầng lớp. Quá khứ họ hết sức khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở đây, đều chết cho mục tiêu của Đảng: Tầng lớp thứ ba có lỗi gì mà bị gạt khỏi văn học? Phải gạt ra như vậy thì mới có tính Đảng, mới có giá trị giáo dục sao? Theo tôi thì trái lại: Các bạn có thừa thực tế để hiểu sự thực.
Nói phân ba là nói có thể phân bốn, phân năm. Bởi vì cái phần thứ ba kia có thể tách đôi, tách ba. Trong cái hàng ngũ này luôn luôn có mâu thuẫn, đối lập, chỗ này chia rẽ, chỗ kia hợp nhất. Khi làm như vậy không phải chúng ta biến thực tế thành giáo điều mà chính là đưa ra cái thực tế vĩ đại có khả năng thu hút thế giới gấp vạn lần xác thịt, tội ác và cô đơn.
Đó là mẹo một.
(Còn nữa)
P.N
(TCSH53/01&2-1993)