BÙI NHƯ HẢI
1. Trong thời kỳ hội nhập hóa toàn cầu về mọi mặt như hiện nay, thì quá trình hội nhập, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia trên thế giới luôn góp một phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, từng bước kiến tạo nên một “thế giới phẳng”. Trong bối cảnh chung đó, việc hợp tác, giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài là hết sức quan trọng, có ý nghĩa rất thiết thực, giúp cho độc giả quốc tế có nhiều cơ hội làm quen, tiếp xúc và thấu hiểu về văn hóa và con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng, vị trí, vai trò, ý nghĩa của văn hóa trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra Đề cương văn hóa Việt Nam vào năm 1943 đã tạo ra một luồng sinh khí mới, trở thành tuyên ngôn, cương lĩnh, phương châm, quan điểm, mục tiêu để cùng với chính trị, kinh tế giúp dân tộc, nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng đã/đang đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Ý nghĩa to lớn đó cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài phát biểu ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội ngày 24 tháng 11 năm 2021 rằng: “Việt Nam là một đất nước có hơn 4 ngàn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của Dân tộc, làm nên hồn cốt của Dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại,…”.
Văn học - một bộ phận của ngoại giao văn hóa, là tiếng nói tâm hồn, là cầu nối văn hóa để các quốc gia trên thế giới sống hòa bình, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa, bắt đầu từ con người, vì con người,... Nhận thức sâu sắc được vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng, giá trị, ý nghĩa của văn học trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay của đất nước nên việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một phần rất quan trọng trong những hoạt động mang tầm chiến lược ngoại giao đa diện đặc biệt, tạo nên một luồng sinh khí mới, không chỉ vì lợi ích riêng của Việt Nam mà còn đáp ứng được nguyện vọng của độc giả quốc tế trong việc tìm hiểu văn học Việt Nam một cách nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn.
2. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian vừa qua đã có nhiều hoạt động tích cực cả bề rộng lẫn chiều sâu, đem lại nhiều tín hiệu khởi sắc, những bước tiến dài. Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan thơ quốc tế, Hội thảo quốc tế Việt Nam - Liên Bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa, Hội thảo Văn học Việt - Mỹ,… được tổ chức chính là “điểm sáng” về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, đã mở ra một con đường hội nhập văn học Việt Nam với văn chương thế giới ngày càng nhiều hơn, rộng rãi hơn. Ngoài các nước truyền thống lâu nay như Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh,… còn có các nước Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Lào, Tây Ban Nha, Malaysia, Colombia, Hungary, Italia, Cộng hòa Séc, Bỉ, Hy Lạp, Thụy Điển,… đã góp phần khắc phục, lấy lại sự hài hòa tình trạng “nhập siêu” văn hóa, văn học của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam, các đơn vị xuất bản liên kết với đại diện các hiệp hội văn học của các quốc gia để dịch và giới thiệu các tác phẩm có giá trị của nền văn học Việt Nam từ cổ điển đến đương đại, hầu mong hiện diện, đến gần hơn với bạn đọc trên toàn thế giới như thơ văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,…; các thi tập, thi phẩm của Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung,…; chùm tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh; tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du; Nhật ký Đặng Thùy Trâm; tiểu thuyết Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng, tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương; tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu; Oxford thương yêu, Chờ em đến San Francisco, Nhắm mắt thấy Paris, Cung đường vàng nắng, Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ của Dương Thụy; tuyển tập thơ, văn 10 thế kỷ văn học Việt Nam, tuyển tập thơ Việt Nam Sông núi trên vai; tập thơ Phía bên kia sự im lặng của Mai Quỳnh Nam; tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại Một loài chim trên sóng; tuyển tập của Nguyễn Huy Thiệp,… Và cũng đã đạt được rất nhiều các giải thưởng quốc tế như: Thơ Mai Văn Phấn đạt giải thưởng Văn học Cikada của Thụy Điển năm 2017; tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dịch sang tiếng Hàn đạt giải thưởng Văn học châu Á lần thứ hai được tổ chức tại Gwangju, Hàn Quốc năm 2018; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được dịch sang tiếng Đức đạt giải thưởng Literaturpreis năm 2018 do Litprom, Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC international Literary, Hàn Quốc năm 2018 nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế,… Không chỉ bạn đọc quốc tế, mà còn những người Việt Nam sống/sinh ra ở nước ngoài cũng được đọc tác phẩm văn học Việt Nam để hiểu biết thêm, sâu sắc hơn về quê hương, đất nước của mình, và đó không chỉ là văn hóa, giá trị nghệ thuật mà còn là sự sẻ chia những câu chuyện ân nghĩa cuộc đời của người dân sống trong nước. Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã từng ghi nhận những thành tựu trong việc dịch thuật và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới trong hơn hai mươi năm qua kể từ Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ nhất: “Gần 20 năm đã trôi qua, kể từ Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ nhất năm 2002 đã có nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và được đón nhận một cách trân trọng. Trong đó có nhiều tác phẩm được tặng thưởng tại các Hội chợ sách quốc tế hoặc của nhà xuất bản, các tổ chức văn học quốc gia”. Góp phần đem lại thành tựu đã đạt được trong việc dịch và giao lưu, quảng bá văn hóa, văn học Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua cũng phải ghi nhận sự đóng góp tích cực của các nhà hoạt động ngoại giao, các tùy viên văn hóa, nhân viên ở các Đại sứ quán Việt Nam đã chủ động tìm mọi cách, chủ yếu theo con đường “ngoại giao văn hóa” để giới thiệu những tác phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa và văn học nói riêng in đậm đặc trưng văn hóa Việt Nam với độc giả nước ngoài. Nhà văn Okky Madasari - người Indonesia đã từng khẳng định: “Quảng bá sách nên là một phần trong công tác ngoại giao ở các đại sứ quán của chúng ta trên thế giới. Sách có thể ảnh hưởng tới mọi người, giống như những tác phẩm sáng tạo khác, có thể được xem như một phần trong nỗ lực của chúng ta để củng cố sức mạnh mềm của quốc gia, theo đó nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước”.
Không chỉ có văn học, mà các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,… cũng đã được dịch và xuất bản ở một số quốc gia. Một số tạp chí văn học lớn của thế giới dành riêng cả số đặc biệt về văn học Việt Nam. Một số trường đại học lớn trên thế giới đã biên soạn giáo trình về văn học Việt Nam để giảng dạy và đồng thời cũng đã sưu tập rất nhiều sách văn học, văn hóa Việt Nam đưa vào thư viện để sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đọc, làm tư liệu.
Song song cùng với các hoạt động dịch thuật, xuất bản và giới thiệu, quảng bá văn học, hàng năm Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học,… cũng đã tổ chức, gặp mặt, trao đổi giữa các phái đoàn thăm và viết về đất nước, con người của nhau, điển hình như phái đoàn cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam sang giao lưu theo chương trình làm việc của Trung tâm William Joiner đã/đang thực hiện rất có hiệu quả, phục vụ nhu cầu của công chúng Mỹ trong việc tìm hiểu văn hóa và con người Việt Nam qua tác phẩm văn học, đem đến niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác vững bền giữa hai nước Việt - Mỹ.
3. Việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian qua đã “ra khơi”, có những tín hiệu, những tiến bộ, tiến triển tích cực, đạt được những thành tựu nhất định, phù hợp với xu thế, với con đường quảng bá văn học của các nước trên thế giới. Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng đã từng khẳng định: “Ngày nay, văn học Việt Nam từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng. Đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thơ ca thế giới”. Tuy nhiên, nhìn tổng thể việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay vẫn còn rất ít ỏi, rất khiêm tốn, chưa thật sự tương xứng với những giá trị của nền văn học Việt Nam do công tác quảng bá chưa được thực hiện một cách bài bản, không có tính hệ thống, chủ yếu vẫn thông qua con đường tiểu ngạch, lẻ tẻ, bằng các mối quan hệ cá nhân, chưa phải là những hoạt động mang tính Nhà nước, thiếu sự chủ động, thiếu một chiến lược, chiến dịch truyền bá xứng tầm, xuất sắc. Chính sự xuất hiện nhỏ giọt của các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản trên thế giới hiện nay nên phần lớn độc giả quốc tế vẫn còn khá xa lạ, mơ hồ về văn học Việt Nam. Để các dân tộc, quốc gia trên thế giới có một cái nhìn toàn diện, đúng đắn, sâu sắc hơn về diện mạo của văn học Việt Nam, về văn hóa và con người Việt Nam thì việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài rất cần một cơ chế, một lộ trình, một chính sách, chiến lược cụ thể lâu dài, một giải pháp hữu hiệu, một kế hoạch tổng thể, rõ rệt và dài hạn. Cụ thể như: dịch và giới thiệu, quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài cần được làm theo con đường ngoại giao chính thống, nằm trong những dự án giao lưu văn hóa cấp quốc gia, bởi nếu tập trung vào các hoạt động dịch thuật qua con đường ngoại giao, văn hóa thì mới xác lập được gương mặt của nền văn học Việt Nam trên bản đồ của văn học thế giới; có những chính sách để tôn vinh văn học và quảng bá những giá trị văn học Việt Nam ra với thế giới thông qua tổ chức các Hội chợ sách quốc tế, tổ chức đại hội dành cho các dịch giả trong nước và quy tụ những dịch giả đã dịch văn học Việt Nam trên toàn thế giới về dự và giới thiệu những tác phẩm văn học tiêu biểu, và tạo điều kiện để các nhà văn đang sống ở nước ngoài hướng về quê hương, Tổ quốc, góp phần xây dựng nền văn học nước nhà; phải thành lập Viện Sách Quốc gia để các dịch giả nước ngoài có điều kiện thâm nhập môi trường, cảnh quan văn hóa Việt Nam, Viện Dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam; chủ động tham gia các giải thưởng quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hoạt động của Hội Nhà văn Á - Phi - Mỹ Latinh,…; hoạt động dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam cần phải trở thành một chủ trương lớn và được triển khai trên cơ sở chiến lược quốc gia về quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra với thế giới chứ không thể coi đó là trách nhiệm riêng của Hội Nhà văn Việt Nam; cần chiến lược dài hơi của nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan phối hợp như: Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nguồn kinh phí xã hội hóa từ các tập thể, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các mạnh thường quân,… trong đó, Hội Nhà văn Việt Nam là cơ quan chủ lực, chủ trì, hợp tác, huy động, kết nối giữa các tổ chức, cá nhân; cần quan tâm đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia khác nhau, chú trọng đến việc tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị đích thực, cung cấp thông tin, kiến thức về văn học Việt Nam ra nước ngoài một cách hiệu quả bằng các hình thức tương tác, giao lưu sinh động,…
Con đường ngắn nhất để dân tộc Việt Nam quảng bá về hình ảnh của đất nước và con người, đồng thời kết nối giữa các dân tộc, quốc gia với nhau chính là con đường văn hóa, văn học nghệ thuật. Sẽ là kỳ vọng cho những quyết định có tính đột phá, một tầm chiến lược xứng tầm để nhằm kiến tạo, thúc đẩy văn hóa, văn học Việt Nam phát triển, hội nhập sâu/ rộng, trở thành như một phần của văn hóa, văn chương thế giới, thật sự xứng tầm với một dân tộc đã trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị chung về bức tranh văn hóa, văn học rộng lớn chung của nhân loại.
B.N.H
(TCSH48SDB/03-2023)