LÊ THỊ HƯỜNG
Trong Trò chuyện với vĩ nhân, nói về phẩm chất tính nam và tính nữ liên quan đến khái niệm lãnh thổ, quê hương, Osho, người được xem là bậc thầy tâm linh Ấn Độ, có cách lí giải thú vị.
Ông cho rằng “không có gì lạ khi nước Đức là quốc gia duy nhất tự gọi mảnh đất của mình là fatherland (quê cha)”. Theo Osho điều đó có lí do, fatherland mang “phẩm chất nam tính”, có phần hung bạo, phù hợp với một xứ sở đã từng có Hitler và luôn ca tụng vẻ đẹp của chiến binh. Còn mọi quốc gia trên thế giới đều gọi lãnh thổ của mình là motherland (đất mẹ), bản thân từ này đã mang phẩm chất nữ tính1. Mang tính âm, Đất là nguồn cội và nguồn sống, là Người mẹ của nhân loại. Đất liên quan đến văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của nhiều dân tộc. Đất sinh nở và tiêu diệt. Trong thực tế, tình yêu thương lẫn bi kịch đời người cũng từ đất mà ra. Chiến tranh - xâm phạm lãnh thổ, giành đất và những vùng đất chết. Hòa bình - bán đất, chiếm đất, li tán, tù tội cũng vì đất. Mặt khác, đất/ sinh thái luôn là vấn đề nóng bỏng ở bất kì thời đại nào.
Những lời nguyền về đất
Văn chương, dẫu viết về vấn đề gì, nhìn chung đều liên quan đến đất. Đã có biết bao tác phẩm viết về đất, nhưng phổ biến hơn cả, và là điểm gặp gỡ trong văn chương nhân loại là biểu tượng Đất - trú xứ - quê hương. Trong tiểu thuyết có tính chất phiêu lưu Nam tước trên cây, Italo Calvino đã tạo lập một tình huống giả định mang tính phúng dụ: cậu bé Cosimo 12 tuổi vì từ chối món súp ốc sên mà cậu cho là “tởm lợm” đã trèo lên cây và chọn rừng cây làm nhà, quyết tâm không chạm chân vào đất. Thông thường, văn học phiêu lưu gắn với việc khám phá những vùng đất mới. Ở đây, Calvino đã giải trung tâm, giải lãnh thổ. Cosimo đã rời bỏ mối liên kết với đất và kết nối với một lãnh thổ/ không gian khác trên cây. Trong mối tương thông giữa Đất - Trời, thế giới qua cái nhìn lộn ngược của cậu bé 12 tuổi trở nên rộng mở: “Từ trên một ngọn cây cao nhất, Cosimo… thả đầu mình xuống: ngôi vườn lộn ngược, thành rừng, một ngôi rừng không trực thuộc quả đất: một cõi nhân gian mới”. Ở “ngôi nhà xanh” này, cậu có sách vở, có tình yêu, có muôn ngàn âm thanh màu sắc của tự nhiên. Đặc biệt, cậu có hai thế giới, hai khoảng không gian, hai nơi chốn là Nhà. Cậu vẫn gắn bó với gia đình, với đồng loại nhưng chối từ Đất với lời thề “không chạm chân vào đất”. Những khoảng cách mà Cosimo luôn giữ với mặt đất cho đến cuối đời là một cách để phản ứng lại những đối xử khuôn mẫu cứng nhắc của gia đình, dòng tộc và để hòa mình vào một cuộc phiêu lưu giữa bạt ngàn xanh thẳm. Lời nguyền “chân không chạm đất” và cuộc sống trên cây trong tác phẩm của nhà văn Ý mang ẩn dụ kép. Ngoài Nam tước Cosimo còn có một cộng đồng người khác cư trú trên cây; đó là một nhóm quý tộc Tây Ban Nha vì chống chính quyền đã bị trừng phạt, “không được chạm chân lên đất của lãnh thổ, chỉ cần họ ngụ trên cây là hợp pháp”. Khác với lời thề “tự nguyện” của Cosimo (kể cả cái chết cũng không đưa Nam tước trở về mặt đất, một quả khinh khí cầu đã mang người đàn ông hấp hối khuất về phía biển), xa đất nhóm người Tây Ban Nha luôn mang tâm thức lưu đày. Bởi Đất là trú xứ, là quê hương, là nơi chốn đi về tất yếu. Nhớ Đất, thỉnh thoảng, một cụ già trong nhóm lưu vong “lấy tay gạt một cành cây, nhìn xuống sườn đồi”, “…để thấy hiện ra một mảnh đất khác”, để hy vọng rằng “…sẽ không bao giờ đụng phải chân trời, rằng mình có thể nhận ra một xứ sở dù có xa xôi cách mấy” (Nam tước trên cây).
Cùng motif lời nguyền không chạm chân vào đất, truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều mang bi kịch chối bỏ đất. Cô gái trong Mùa hoa cải bên sông thèm đặt hai chân trên bờ đất nên đã bước qua lời nguyền của người cha lòng đầy thù hận. Ông Lư thù hận nên “nguyền rủa” đất với nỗi đau đã thành thương tật khi không được chôn vợ trong lòng đất quê hương, chỉ có dòng sông (cũng là đất dưới lòng sông) ôm chứa con người. Ông xa đất cũng bởi quá yêu mảnh đất đời người, nhưng đau quá mà thành chối bỏ. Lời nguyền của người cha thật khốc liệt, nếu những đứa con để gót chân chạm vào mặt đất đôi bờ thì “trái tim sẽ biến thành trái tim quỷ”. Chỉ có Chinh, cô gái 17 tuổi, dịu dàng và mang âm vang của dòng sông là không chấp nhận cuộc sống nghiệt ngã này. Cô thèm đất. Mùa xuân, thảm hoa cải vàng tươi, xôn xao, bung nở trên bãi sông Bến Chùa náo nức vẫy gọi cô. Và tình yêu. Và một cuộc bước qua lời nguyền, “chúng mình sẽ đưa mẹ lên bờ. Chúng mình sẽ để mẹ yên nghỉ ở bãi sông này. Anh sẽ trồng nhiều hoa cải bên mộ mẹ”. Kết thúc tác phẩm mang tính bi kịch với motif lời đồn. Không ai biết cô gái sẽ về đâu trên con thuyền ngột ngạt với lời nguyền đeo bám dai dẳng. Nhưng khép lại câu chuyện đau buồn là tín hiệu mở với hình ảnh “trên mặt phù sa rụng lấm tấm những cánh hoa mỏng và từ đó kéo dài xuống bến sông là những dấu chân mỏng và nhỏ nhắn”. Là tiếng gọi của đất, trở về với đất? Là hóa giải lời nguyền dẫu cô gái phải trả giá cho nỗi thèm đất của mình? Là Mẹ Đất luôn bao dung, che chở cho con người.
Ở một phía khác, với một số nhà văn phương Nam, đất trở thành biểu tượng của quê hương. Trong số những nhà văn một đời sáng tác gắn liền với đất là Bình Nguyên Lộc. Văn ông mộc mạc, chân chất, biểu hiện một tấm lòng gắn bó với quê hương Nam bộ. Nhân vật của Bình Nguyên Lộc yêu mùi đất. Mùi đất trở thành biểu tượng cho những gì thiêng liêng nhất của quê hương. Với họ “nhớ nhà, nhớ xứ là nhớ mùi đất”. Trong truyện Phân nửa con người, người cha dặn dò đứa con: “Rồi ngày kia mày sẽ nghe rằng đất có hồn và hồn mày sẽ gần gũi với hồn đất”. Xa đất là khắc khoải; nỗi nhớ đất thành quay quắt, bởi “tình nhớ xứ, nhớ nhà gồm nhiều yếu tố, mà nỗi thèm mùi đất là một yếu tố quan trọng”; “Tao ghiền hửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa, tao ghiền hửi mùi lúa chín, tao ghiền mùi phân chuồng. Tao muốn hưởng mùi đất vài năm trước khi theo về với ông bà” (Thèm mùi đất). Với Võ Hồng, lòng yêu quê hương đất nước đã làm nên những trang văn trữ tình, chân chất và giàu cảm xúc. Là nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong văn học miền Nam, Võ Hồng sáng tác liên tục. Tác phẩm của ông luôn viết về đất và người. Những vùng đất mà Võ Hồng gắn bó đều trở thành những vùng thẩm mĩ. Trong sáng tác của Võ Hồng, đất, cánh đồng, dòng sông đều khúc xạ qua niềm hoài nhớ hương quê - “mùi nhựa cây, mùi hoa dại pha với mùi đất ẩm tạo thành một mùi thơm nồng, ngây ngất” (Bên đập Đồng Cháy). Võ Hồng ít viết về những xô bồ sinh tử, những ầm ào bom đạn, ông chỉ đi sâu vào tâm trạng của những mảnh đời chân chất, gắn bó với đất rồi xa quê, xa đất trong nỗi đau đớn tột cùng. Biết bao con người gắn với đồng, với đất rồi chiến tranh làm cho li tán. Trong truyện Tình yêu đất, đất và người, người và đất hòa quyện bền chặt. “Đất hóa tâm hồn”, đất thành máu thịt của lão Túc, “lão thương đất như thương con, như thương chính da thịt của mình”. Từ hai bàn tay trắng, lão phá hoang vùng gò đồi mồ mả thành rẻo đất ươm mầm xanh. Tâm trạng của một người không biết chữ, lần đầu tiên đặt bút kí lên mảnh giấy sở hữu quyền làm chủ được nhà văn miêu tả đầy xúc cảm. Câu trả lời cửa miệng của lão “ở dưới đất về” như một điệp khúc mang âm vang tự hào của một lão nông gần cuối cuộc đời mới được sờ vào đất. Lão thèm đất, khát đất, hạnh phúc, từ bi cũng vì đất và chết cũng chính trên mảnh đất của mình. Trong truyện Bên đập Đồng Cháy, ngòi bút nhà văn đầy nỗi niềm khi miêu tả tâm trạng của những người dân xa đất, xa quê, di tản do thời cuộc. Đó là tâm trạng của bà Năm Xự trước ngày tản cư, biết mang cái gì, bỏ lại cái gì? Đụn rơm. Những bụi ớt. Giàn mồng tơi. Tiếng con bìm bịp. Những đứa con trai nối tiếp nhau ngã xuống, đem chôn ở đầu núi “chẳng biết mặt nhìn ra Gành Ráng hay về An Khê”. Đập Đồng Cháy và tuổi thanh xuân, nơi bà rụt rè trong tình yêu thiếu nữ - “Tôi không còn đủ sức để chống chọi. Cho tôi an nghỉ. Tôi sẽ không về ở trên xóm, tôi sẽ về ở cái chòi tranh giữ bắp nhỏ trên doi đất này, nơi đó tôi đã gặp chồng tôi, ngày xưa.”; “Không, tôi không muốn đi đâu hết…, tôi muốn ngồi yên một chỗ, nằm yên một chỗ mà chết cũng được. Chết là gì? Nhắm một đời đi về trên đất và chết cũng chính trên mảnh đất đã chôn nhau cắt rốn của mình hai con mắt lại, nhẹ nhàng buông xuôi hai tay…”. Những con người một đời đi về trên đất và chết cũng chính trên mảnh đất của quê hương mình. Chết trong những hoài niệm đẹp. Triết lí về sống chết của nhà văn giản dị mà sâu sắc. Đất là quê hương. Vậy nên, về với đất là về với mẹ vĩ đại và bao dung. Dễ hiểu vì sao khi con người đã hóa hư vô vẫn muốn được chôn cất trên mảnh đất quê nhà. Địa táng vẫn là truyền thống, để con người trọn vẹn một vòng sinh tử, về lại nơi chôn nhau cắt rốn, để hóa cát bụi và hòa vào đất.
“…đến một ngày sẽ chẳng còn trái đất để sống nữa” (Aldo Leopold).
Trong Niên lịch miền gió cát của Aldo Leopold, từ khóa lặp lại nhiều lần là “đạo đức đất đai” (Đây là cuốn sách được Hiệp hội Nghiên cứu tự nhiên Mỹ bầu chọn là một trong những cuốn sách đáng trân trọng và chú ý nhất về chủ đề môi trường trong thế kỷ XX). Ông cho rằng: “Việc coi đất đai như một tổ hợp cộng đồng là một khái niệm cơ bản trong sinh thái học, nhưng việc coi đất đai như một thứ để yêu thương, trân trọng lại là một phần mở rộng của đạo đức.”2
Đạo đức sinh thái nhấn mạnh đến việc coi trọng, yêu thương, gắn bó với đất đai. Vì vậy, bán đất, bỏ đất dẫn đến bi kịch đổ vỡ tình người. Đất và khoảng cách giữa các thế hệ được đặt ra gay gắt trong văn học những năm gần đây, khi quá trình đô thị hóa, ngoài những mặt tích cực đã dẫn đến những hệ quả không lường. Nhiều tác phẩm đề cập mâu thuẫn giữa một “thế hệ giữ đất” và một “thế hệ bán đất”. Ở phương diện này, Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn gây ấn tượng. Phản ánh thiên nhiên cuộc sống của vùng đồng bằng Nam bộ, tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư không rời khỏi dòng sông, tuy vậy, vẻ bình yên hay cơn thịnh nộ của sông cũng không rời đất. Tiểu thuyết Sông là đất lở, nhà cửa cuốn trôi, cơn thịnh nộ của sông cũng là do con người phũ phàng với đất. Phụ đất là bi kịch. Từ cái nhìn môi sinh, con người là tội đồ khiến cho đất rùng mình lở lói thương tật. Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư cũng thèm đất với nỗi niềm riêng. Là những đứa nhỏ có tuổi thơ trên những chiếc xuồng “ngó lên bờ thắt ruột thèm muốn một khoảnh đất rộng chạy chơi, trồng cây ổi để leo trèo, thèm đào trùn bắt dế”, là những người đàn ông một đời bám lấy mảnh đất quê - “Cha rầu rầu ngó quanh những tòa lầu đã vây kín, nói tới chừng họ kéo vô lấy đất, có khi chúng ta còn không nhớ được tên mình”, là những con người nhỏ bé khẳng định mình chỉ nhờ đất, bởi “không có đất thì mình không là cái gì hết”; là bà nội cố gồng mình giữ đất trong vô vọng - “Họ lấy hết nắng sớm mai của mình, bà nội cằn nhằn, cướp đất không được thì cướp nắng, cũng độc địa như thường” (Đất). Dẫu khô khốc cằn cỗi nhưng nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư vẫn úp mặt vào cánh đồng mà sống, mà trải qua tuổi thơ còi cọc, tuổi trẻ tê liệt đam mê. Đất ban lộc cho con người, nên dẫu cô độc hoang hoải giữa những cánh đồng bất tận, dẫu thảm kịch gia đình có làm cho con người méo mó, bất thường thì cũng chính đất bồi đắp, vun vén lòng yêu thương (Cánh đồng bất tận). Trong cơn sang chấn tinh thần, con người thường tìm được trú xứ ở đất, ở thiên nhiên.
Hồn đất biểu hiện đậm đặc trong truyện ngắn Tiếng đất của Nguyễn Thị Kim Hòa. “Đất là thịt, là máu”, “là Mẹ”. Đất gắn với mọi thành viên của gia đình. Những đứa bé lần lượt lớn lên từ đất. Đứa con đầu tiên “bà đẻ rớt ngay trên đụn cát gần quạt gió. Chồng chạy xuống từ đám khói đốt ranh mịt mù ẵm thằng nhỏ lên, lắc lắc ba bốn lượt mà cát vẫn chưa rớt ra hết khỏi chân, khỏi lưng, khỏi cặp môi tí xíu mà bặp cứng ngắc như quyết giữ tới cùng những hột trắng như muối dính đầy trên mép, thằng này chắc giữ đất thần sầu lắm đây”. Đứa con thứ hai, “cả tuổi nhỏ của nó là những ngày lê la ngủ lăn lóc hết mọi góc đất quanh nhà, ngủ tràn cả xuống khu đất mả. Kể cả giấc mơ của đứa bé cũng là đất, là nhai đất, “là mùi đất. Hay là chính đất”. Đứa con út chưa đầy tuổi bò lia lịa về phía hai anh, “đầu gối ngập trong cát, chim lủng lẳng chấm cát, miệng cười hăng hắc”. Kể cả đứa nhỏ mồ côi bà cũng lượm được từ rẫy khoai lang, từ đất. Những đứa con sinh ra trong đất, lớn lên từ những giọt mồ hôi của đất đã phản bội đất, muốn bán miếng đất nơi quê cha đất tổ. “Không đứa con nào cùng bà giữ đất. Bà phải quỳ xuống thay các con bà mà ôm lấy đất. Bà là mẹ. Đất cũng là mẹ”. Đất ám ảnh trong những giấc mơ. Cơn cuồng nộ của đất vọng về “cay xè giấc ngủ bà”. Tiếng chao rền dội lên từ đất. Tiếng đất, mùi đất, hồn đất. Kim Hòa đã phủ lên đất chất kì bí, huyền hoặc để nhấn mạnh vấn đề nhân quả sinh thái và đặt ra những câu hỏi xót xa: “Sao chúng không một lần thử lắng nghe tiếng đất? Thời buổi này không ai nghe tiếng đất?” (Tiếng đất).
Chiến tranh, sự phát triển của đô thị thường tỉ lệ nghịch với đạo đức sinh thái. Nguy cơ “…đến một ngày sẽ chẳng còn trái đất để sống nữa” sẽ là hiện thực nếu con người coi thường tự nhiên, dẫn đến cái chết của Đất và sự đổ vỡ sinh thái. Chính vì vậy, khát vọng mang tinh thần nhân văn của văn học đương đại là kêu gọi, nhắc nhở mối quan hệ hài hòa giữa con người và đất/tự nhiên (một khi con người luôn coi mình là trung tâm). Khát vọng đó trở thành nguồn cảm hứng trong nhiều tác phẩm mang tinh thần đạo đức sinh thái của Hồ Anh Thái, Đỗ Phấn, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Bình Phương, v.v. Sương Nguyệt Minh thường viết về chiến tranh và thân phận con người. Truyện Sương Nguyệt Minh thường lặp lại cốt truyện truyền thống như chiến tranh - trao gửi - trở về - lỡ làng duyên phận; hoặc đô thị hóa nông thôn - tha hóa - cô đơn. Lối viết của Sương Nguyệt Minh không có nhiều bứt phá nhưng cái tình đối với Đất của nhà văn lúc nào cũng in dấu trên những trang văn. Nếu tiểu thuyết của Sương Nguyệt Minh đề cập một cách khốc liệt nguy cơ sinh thái thì truyện ngắn của ông thường thiên về cảm hứng đồng quê. Nhà văn thường nêu lên khoảng cách và mối quan hệ đối kháng giữa nông thôn và thành thị, ở đó Đất trở thành biểu tượng cho Mortheland, một trú xứ bình an. Mùi hương của đất lặp đi lặp lại làm nên chất trữ tình bàng bạc dẫu chiến tranh tàn khốc hay sự thay đổi khiến nông thôn mất dần hồn đất. Trong Người ở bến sông Châu, bi kịch của người phụ nữ lỡ làng sau chiến tranh gắn liền với đất trời. Mùa hoa gạo đỏ cháy lúc họ tiễn đưa nhau. Hoa gạo đỏ rắc đầy lối xuống sân trong ngày Mây trở về với một chân đã để lại ở chiến trường. “Con đường đầy dấu chân tròn in vào đất phù sa”. Và đêm sông Châu, “mùi hương cỏ mật lẫn vào mùi hương nồng nàn của đất phù sa dậy lên” cùng tiếng ru thao thiết “lẫn vào hơi thở sông nước trong đêm, hòa vào hương thơm của cây cỏ đất trời”. Trong truyện Ngày xưa, nơi đây là cửa rừng, trong ký ức còn nguyên vẹn của đứa con gái quê là một vùng rừng thơm mùi đất, mùi hương hoa dại, mùi cỏ nước. Và “Cửa rừng. Cửa rừng hun hút gió” (Ngày xưa, nơi đây là cửa rừng). Tiếng thở của rừng. Thung cỏ biếc. Hương thoảng dìu dịu lẫn mùi cỏ rược nồng nồng. Màu xanh biếc của trời, của đất đang phủ dần, phủ dần lên hoàng hôn, nhuộm xanh hoàng hôn. Thiên nhiên bình yên đã làm giảm bớt câu chuyện bi thương (Hoàng hôn màu cỏ biếc). Truyện ngắn Đi qua đồng chiều viết về khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Khoảng cách đó được nhà văn biểu hiện đơn giản mà ấn tượng qua hai điểm nhìn đối nghịch. Là tôi, cô gái lớn lên từ đồng... Mùi khói rơm mới lẫn mùi cào cào, muồm muỗm nướng thơm ngầy ngậy…”. Là chàng trai trở về làng với “mùi nước hoa đàn ông ngàn ngạt”, “quần bò, áo thun, trên ngực in hình con Kangaroo. Một mớ tóc xoăn xõa trên trán, mắt rất hoang dã như mắt cừu” cùng câu nói “chết tiệt” lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần - Người nhà quê hay nhỉ? Cảm xúc còn lại của đứa con gái quê khi chàng trai về phố không phải là những ngón tay đàn ông thành phố còn nóng trên da thịt mà là gió; gió gợi nỗi niềm khắc khoải về tình yêu, quê nhà, lẽ sống - “Gió thổi. Gió thổi miên man đi qua cánh đồng chiều”.
Văn chương viết về đất là những thông điệp mang tính nhân văn, nó giải cấu trúc quan niệm “nhân loại trung tâm” và xác lập văn hóa ứng xử với môi sinh. Tiếng gọi của đất vẫn là âm vọng tha thiết trong văn chương nhiều thời đại bất kể nhà văn viết về vấn đề gì.
L.T.H
(TCSH410/04-2023)
------------------------
1 Osho, Trò chuyện với vĩ nhân, Lâm Đặng Cam Thảo dịch, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.208
2 Aldo Leopold (2020), Niên lịch miền gió cát, Dương Mạnh Hùng dịch, Nxb. Lao động xã hội.