HỒ THẾ HÀ
Lịch sử hình thành và phát triển một vùng đất, đặc biệt là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa thì việc nhận diện chúng phải dựa trên các sự kiện, các bước ngoặt hào hùng và bi tráng thông qua các trang sử ký hoặc qua các hiện vật, di chỉ của khảo cổ học, dân tộc học hoặc qua âm nhạc, mỹ thuật, qua các nhân vật lịch sử...
Điều đó, dĩ nhiên là cần và đúng nhưng chưa đủ, bởi toàn bộ khách thể tự nhiên và xã hội không thể nào hiện hữu đầy đủ qua các loại hình nghệ thuật và các khoa học nói trên. Vậy, có cách gì để con người thời sau hiểu một cách đầy đủ về ký ức tập thể - “vô thức tập thể” của tiền nhân, của cộng đồng dân cư quá khứ của mình? Có lẽ loại hình thái ý thức xã hội có thể đáp ứng nhu cầu ấy một cách khả dĩ, không gì khác ngoài văn học - một loại hình dùng chất liệu ngôn từ để phản ánh đời sống muôn màu, muôn vẻ bằng hình tượng nghệ thuật cũng đa dạng, phong phú theo một nguyên tắc khái quát hóa, cụ thể hoá riêng. Aristote - nhà mỹ học vĩ đại phương Tây thời cổ đại đã viết trong Nghệ thuật thi ca (Nxb. Văn học, Hà Nội, 1999, tr.45) một luận điểm rất sâu sắc rằng: “Nhiệm vụ của nhà thơ không phải ở chỗ nói về sự việc đã thực sự xảy ra, mà là nói về cái có thể xảy ra theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên. Chính thế, nhà sử học và nhà thơ khác nhau không phải ở chỗ một người thì dùng cách luật, còn người kia không dùng: Có thể đem trước tác của Hérodote đổi thành văn vần, nhưng trước sau chúng vẫn là lịch sử, có vần hay không vần cũng vậy; họ khác nhau ở chỗ: nhà sử học nói về những điều đã xảy ra thực sự, còn nhà thơ thì nói về những gì có thể xảy ra. Vậy thi ca có ý vị triết học và nghiêm chỉnh hơn lịch sử, vì thơ ca nói về cái chung, mà lịch sử lại nói về cái cá biệt (cũng có thể hiểu là: thơ ca nói về cái gì đó có tính nhất quán, còn lịch sử chỉ chồng chất những sự việc lẻ tẻ).”
Vậy, một vấn đề cần khẳng định ở đây là, khi tìm hiểu lịch sử của một vùng đất, người ta nhất thiết phải tìm đến văn học - loại hình thái ý thức - thẩm mỹ có thể giúp ta hình dung và liên tưởng theo quy luật của nhận thức và tình cảm một cách đầy đủ, sinh động cuộc sống bằng những lớp hình tượng - ngôn từ - tư tưởng mà tác phẩm mang lại. Văn học (trong đó, có thơ ca) là tấm gương phản chiếu thời đại và con người một cách cụ thể thông qua lăng kính chủ quan của tác giả, tạo ra một thế giới hiện thực - tinh thần cụ thể, độc đáo, có thể nối liền quá khứ với hiện tại và hiện tại với tương lai.
Với những lập luận sơ lược như trên, chúng tôi muốn nói đến một công việc cụ thể của chúng tôi là nhận diện thơ Huế (cũng một cách sơ lược) trong mạch nguồn thơ Việt. Quả là Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế có bề dày truyền thống văn hóa, đặc biệt là thi ca - loại hình nghệ thuật có mặt sớm nhất và đã để lại những trang đời, trang thơ lấp lánh lời giải đáp về những vấn đề nhân sinh, thế sự của chính con người và vùng đất này. Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế đã hội tụ được nhiều nhân tài, trí thức của cả nước, tạo ra sự tích hợp văn hóa độc đáo mà văn thơ của họ đã trở thành sức mạnh tinh thần vô giá cho đến ngày nay.
Hiện thực lịch sử thăng trầm và bi tráng của Huế từ truyền thống đến hiện đại đều đi vào thơ một cách chân thực, sinh động. Tất cả đều kết tinh dưới góc nhìn lịch sử - xã hội -văn hóa và góc nhìn tâm thức - tâm linh - triết lý. Vì vậy mà thơ Huế toát lên chất thâm trầm, huyền hoặc, nặng sâu tình đời, tình người. Chúng có sức tỏa phát vàvẫy gọi sự đồng cảm, sẻ chia của người đọc một cách sâu sắc. Rõ ràng là chính vùng đất tạo ra thơ và đến lượt mình, thơ lại tôn vinh, làm cao sang và bổ sung những giá trị cao đẹp còn tiềm ẩn của vùng đất ấy. Thiên nhiên, con người và những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Huế đã đi vào thơ vang ngân, kỳ diệu, thánh thiện... Tâm hồn Huế, tính cách Huế, qua thơ được hiện lên một cách lung linh, đánh thức bao suy tư, liên tưởng và tình cảm nhân bản cao đẹp trong lòng người tiếp nhận.
Thơ Huế thời hiện đại và đương đại chuyển biến và tích hợp hệ hình thi pháp thơ thế giới để hiện đại hóa tiến trình thơ qua các giai đoạn, có phá và thay, tạo nên thi pháp riêng: đa dạng về thể loại, linh hoạt về tư duy, đan xen về hệ hình thơ, biểu hiện thành các trạng thái của cái tôi trữ tình hiện đại: cái tôi cá nhân cá thể, cái tôi công dân - chính trị, cái tôi sử thi - dân tộc, cái tôi đời tư - thế sự, cái tôi tâm linh - huyền ảo tương quan với từng kiểu quan niệm nghệ thuật về con người trong từng giai đoạn, giàu biến hóa trên cơ sở ngữ điệu ngôn từ tiếng Việt hiện đại, mang đặc trưng trữ tình điệu nói (chữ dùng của GS. Trần Đình Sử).
Căn cứ vào những gì còn lưu lại trên hiện vật, thư tịch, thì những bài thơ vịnh sơn thủy về vùng đất Thuận Hóa sớm nhất là của Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tôn, Dương Văn An, Lê Quý Đôn... Rồi bắc qua các thời kỳ, các giai đoạn nối tiếp cho đến thời hiện đại, Huế có bao nhiêu thi nhân đến đây và họ đều để lại những bài thơ bất hủ về con người và thiên nhiên Huế.
Quay về với điểm nhìn hiện tại đang tiếp diễn, ai cũng thừa nhận có một Huế thơ - thơ Huế trong dòng chảy thi ca dân tộc. Thơ Huế chính là sự gặp gỡ, thăng hoa bao tiềm năng sáng tạo độc đáo do sự gặp gỡ các hằng số văn hóa - thi ca và hằng số tâm lý - thi ca một cách kỳ diệu của biết bao thi sĩ tài danh.
Cùng nhiều trung tâm văn hóa lớn của cả nước như Thăng Long - Hà Nội, Sài Gòn..., Huế hiển minh một khả năng, một quy luật văn chương có tính độc đáo riêng. Đó là khả năng nội sinh, tạo sinh thi ca trong lòng văn hóa Huế và khả năng “ngoại sinh”, hội tụ các thành tố văn hóa - thi ca của các miền khác mang đến Huế thông qua các chủ thể văn hóa, chủ thể sáng tạo độc sáng. Điều đó, chứng tỏ Huế chính là kết quả của quá trình vẫy gọi và tỏa phát từ trường thi ca Huế mạnh mẽ, tạo thành một dòng chảy thi ca Huế trong mạch nguồn thơ Việt cho đến ngày nay, không có sự đứt nối, gián đoạn. Thời kỳ nào, giai đoạn nào, Huế cũng sản sinh và hội tụ nhiều thế hệ nhà thơ đồng hành tài danh với những thi giới mới mẻ, thăng hoa về chất, phong phú về số lượng, đa dạng về hệ hình, phức hợp về hình tượng và đa thanh về ngôn từ.
Chỉ tính riêng từ Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975) đến nay, khi Hội văn nghệ Thừa Thiên Huế được thành lập và Tạp chí Sông Hương ra đời, có hàng ngàn tác giả với hàng vạn tác phẩm thơ được đăng tải trên tạp chí sang trọng này để sau đó, họ trở thành nhà thơ chuyên nghiệp và tác phẩm của họ trở thành “thi ca chi bảo” của cả nền thơ hiện đại Việt Nam. Có thể nói, Huế là nơi tích hợp giá trị thi ca kỳ diệu, là nơi vẫy gọi hồn người, hồn thơ, là nơi hội tụ thi ca bốn phương và tỏa phát năng lượng thi ca của mình đến các vùng đất khác. Sự tích hợp và tỏa phát ấy càng chứng tỏ qua các sáng tác của các nhà thơ Huế và các nhà thơ xứ khác đến Huế. Và Tạp chí Sông Hương là nơi lưu giữ bền vững những giá trị đó qua “con mắt xanh” của các nhà biên tập thơ tài năng.
Nói đến mạch nguồn thơ Huế, chúng ta không thể không khẳng định sự hiện hữu tiếp nối và bổ sung thơ hay về Huế và các tác giả của chúng qua các cuộc thi thơ được tổ chức rộng rãi trong cả nước. Cụ thể là Cuộc thi thơ năm 1996 do Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức và Cuộc thi thơ năm 2001 - 2003 do Tạp chí Sông Hương phát động. Và đầu năm 2010, Cuộc thi Thơ Lục bát do Tạp chí Sông Hương phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức; một số tác giả ở Huế đã đạt giải.
Những cuộc thi thơ trên Sông Hương có quy mô lớn trong phạm vi cả nước, được đông đảo các thế hệ nhà thơ chuyên nghiệp và các tác giả trẻ mọi miền gửi đến tham gia với số lượng lớn về tác phẩm và đa dạng về thi pháp thơ, về phương thức thể hiện. Điều quan trọng là qua kết quả các cuộc thi thơ này, Huế đã có công phát hiện, đóng góp cho nền thơ hiện đại Việt Nam những gương mặt thi ca mới và những tài năng thi ca bổ sung xứng danh. Ví như ở Cuộc thi thơ năm 1996, Ban chung khảo đã phát hiện những gương mặt thơ sáng giá như: Nguyễn Quốc Việt, Hồ Trường An, Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Ngọc Phú, Lương Ngọc An, Đoàn Mạnh Phương… bên cạnh các gương mặt thơ trẻ mà về sau đã thành những tác giả tiêu biểu nối tiếp cho nền thơ Việt hiện đại và đương đại như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Lê Tấn Quỳnh… Đến Cuộc thi thơ năm 2001 - 2003, tính chất và hiệu quả kết tinh và lan tỏa khác xa với Cuộc thi thơ năm 1996. Ban giám khảo đã không dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó khăn để bình chọn thơ và những gương mặt thi ca tiêu biểu, xuất sắc để trao giải. Dù vậy, cuối cùng, các tác giả xứng đáng nhận giải cũng đã xuất hiện. Bên cạnh các tác giả đạt giải lần trước như Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải…, xuất hiện thêm những gương mặt thơ trẻ/ mới đầy cá tính sáng tạo, khát khao đổi mới như: Lê Mỹ Ý, Hải Trung, Trần Thị Thu Huề, Thục Linh, Vũ Thị Huyền, Nguyễn Hữu Hồng Minh… Có thể nói rằng đây là cuộc thi có ý nghĩa lớn của Tạp chí Sông Hương vì nó mở ra những thách thức và đối thoại mới về những vấn đề có liên quan đến quy luật sáng tạo thi ca, quá trình hiện đại hóa thi pháp, tạo ra cái nhìn nghệ thuật khác cũng như tầm đón nhận mới của độc giả đương đại. Đồng thời, nó cũng đặt ra tính dân chủ tối đa, nhận thức tối đa và đạo đức tối đa cho cả chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận trong việc xây dựng một nền văn học tiên tiến, hội nhập, nhưng phải đậm đà bản sắc dân tộc, đề cao quốc hồn, quốc túy, bên cạnh tinh hoa và tinh túy, kết tinh tính nhân văn cao đẹp để thi ca luôn là lĩnh vực tiền trạm của tâm hồn một cách triết mỹ và nghệ thuật.
Để tiếp tục tạo ra chất lượng và giá trị thi ca mới viết về Huế, năm nay, Tạp chí Sông Hương phát động Cuộc thi thơ với chủ đề “Thơ Huế 2023”. Mục đích của Cuộc thi nhằm tuyên truyền và góp phần quảng bá văn hóa, di sản Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Và như trong Thể lệ có ghi: Thông qua cuộc thi góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người và vùng đất giàu văn hóa, tiềm năng Thừa Thiên Huế; khẳng định, tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa, di sản và con người Huế tới bạn bè trong nước và quốc tế; mong muốn có những tác phẩm chất lượng, kích thích sáng tạo văn học nghệ thuật, phát hiện và bồi dưỡng những tác giả mới.
Sau khi Cuộc thi được phát động, Tạp chí vui mừng nhận được sự hưởng ứng tham gia gửi bài của hàng trăm tác giả trong cả nước viết về Huế/ cho Huế. Đây là một tín hiệu tốt đẹp, chứng tỏ rằng thi ca vẫn đi bên cạnh cuộc đời và lòng yêu thi ca của mọi người vẫn mãnh liệt, thôi thúc họ cầm bút vì mục tiêu cao đẹp mà cuộc thi đề ra. Sông Hương đã nhận được nhiều tác phẩm/ chùm tác phẩm của nhiều tác giả gửi đến dự thi ngay từ điểm xuất phát. Dù quá sớm để nói về cuộc thi, nhưng để phát đi một số tín hiệu cần thiết, trên cơ sở các tác giả có bài dự thi in trên Sông Hương, bước đầu chúng tôi có những nhận xét phóng lướt như sau:
- Về đối tượng dự thi:
Có nhiều tác giả đang sinh sống và hoạt động văn học ở Huế. Bên cạnh đó, có sự tham gia của nhiều tác giả chuyên nghiệp trong cả nước với nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ. Các cây bút nữ, tuy chưa nhiều, nhưng về sau có nhiều gương mặt mới tham gia với chất thơ và hồn thơ lạ, giàu thiên tính nữ.
- Về chủ đề, đề tài:
Do chủ đề cuộc thi hướng đến Thơ Huế 2023 nên các tác giả đều tập trung vào đề tài Huế xưa và Huế nay, nhưng được cụ thể hóa thành các chủ đề thiên nhiên, cảnh vật, những danh lam, thắng cảnh, di tích và trầm tích mang tính địa - văn hóa khá rõ. Có đối tượng đã thành cổ mẫu, thành “vô thức tập thể” được các tác giả phát hiện, triết luận bằng cái nhìn thực chứng hiện đại, có những nhân vật văn hóa, lịch sử gắn với triều Nguyễn được đánh giá mới, theo tinh thần đối thoại, hầu chuyện với tiền nhân để tìm ra chân lý, “ôn cố tri tân” nhằm thông diễn nhiều nội hàm bất ngờ và mới lạ.
- Về bút pháp và thi pháp:
Tư duy song song, đối lập cũng được tăng cường nhằm bộc lộ tâm thức hiện sinh, làm cho hình tượng cái tôi tác giả hiện lên đa phân, đa tính chất. Đáng chú ý là đa số các tác giả đã hướng chú ý của mình vào việc chiếm lĩnh hiện thực và cắt nghĩa hiện thực theo tinh thần hiện đại, có thấp thoáng yếu tố và tâm thức hậu hiện đại nhằm thể hiện cái Mới, cái Khác cho thơ. Cảm hứng, linh cảm, ấn tượng, trực giác, cấu tứ… có chủ ý, nhưng vẫn còn nằm ở hệ hình tiền hiện đại và hiện đại, chưa lấn sang hệ hình hậu hiện đại, tâm thức hậu hiện đại.
Điểm mạnh của thơ dự thi giai đoạn đầu này là việc truy tìm bản thể ở đối tượng và sau đó lắng nghe lòng mình là thi pháp song hành để tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. Có nghĩa là các tác giả đã nỗ lực huy động tất cả các khả năng vốn có của mình để thỏa mãn “cơn khát thẩm mỹ” và “cơn khát trí tuệ” ở chính tác giả và chính người đọc qua từng tác phẩm viết về Huế.
- Về tính chất nghệ thuật và điểm nhìn nghệ thuật:
Tính văn hóa, triết mỹ bên cạnh tính hiện thực, lịch sử đan xen đã làm cho hình tượng tác phẩm tăng thêm hàm lượng nghệ thuật.
Quan tâm tối đa mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái hiện đại Huế. Các quan hệ bản chất và quan hệ tương tác giữa con người và thiên nhiên Huế, môi sinh Huế được đặt ra một cách khẩn thiết; từ đó cắt nghĩa mối quan hệ sinh thái tự nhiên và sinh thái văn hóa tinh thần, đạo đức một cách cụ thể, thiết thực.
- Về diễn ngôn nghệ thuật:
Các tác giả tỏ ra quan tâm và đổi mới nghệ thuật diễn ngôn. Họ ưu tiên cho ngôn ngữ ý tượng kết hợp song hành với ngôn ngữ suy cảm, triết luận. Các nhà thơ đều quan tâm khai thác ngôn từ theo trục lựa chọn để tạo sinh nghĩa đa dạng. Bên cạnh đó, một số nhà thơ trẻ nghiêng về thể hiện ngôn ngữ thơ theo trục kết hợp để thuận lợi trong việc phản ánh hiện thực bằng thể thơ tự do, thơ văn xuôi như nhà thi học R. Jakobson yêu cầu để đem lại sự tương hợp cao giữa ngôn từ, hình tượng và ý tưởng hấp dẫn, tạo ra sự đa thanh và phức điệu cho thơ.
- Về thể loại:
Thơ dự thi Tạp chí Sông Hương hiện đang thể hiện đa dạng về thể loại từ các thể thơ cách luật đến thể thơ tự do, nhưng nhiều nhất là thể tự do. Đây là thể dễ vận dụng để phản ánh đời sống một cách phóng túng và hiệu quả, phù hợp với khuynh hướng thơ trẻ hiện nay.
- Về sự tiếp nhận của người đọc:
Nhìn chung, thơ dự thi trên Tạp chí Sông Hương ở các số khởi đầu đã đem lại hiệu ứng tiếp nhận tốt trong người đọc. Tầm đón nhận hiện đại của người đọc, nhất là người đọc đồng sáng tạo đã tạo nên tín hiệu giá trị mới mẻ ở mỗi chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Điều này, Ban Tổ chức còn chờ đợi và hy vọng nhiều ở những tác phẩm dự thi “Thơ Huế 2023” trên Tạp chí Sông Hương ở các chặng tiếp theo cho đến khi khép lại cuộc thi. Mối quan hệ bộ ba giữa Tác giả - Tác phẩm - Độc giả qua thơ dự thi lần này khởi đầu đã tạo được hiệu ứng tốt đẹp.
*
Từ những tìm hiểu trên, qua Cuộc thi “Thơ Huế 2023” trên Tạp chí Sông Hương lần này, chúng ta có cơ sở để hy vọng “bình chọn được những tác phẩm hay”, qua đó, “phát hiện những tài năng văn học mới, xác lập được những giá trị thi pháp và hệ hình văn học bổ sung cho văn chương một vùng đất”. Chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi kết quả cuối cùng của Cuộc thi.
H.T.H
(TCSH49SDB/06-2023)