Nghiên Cứu & Bình Luận
Về hai bài thơ viết về núi Ngự của vua Minh Mạng và Miên Thẩm
14:21 | 27/10/2023

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Thơ viết về núi Ngự Bình của vua Thiệu Trị “Bình lãnh đăng cao”, một trong 20 bài thơ trong Thần kinh nhị thập cảnh, được nhà vua sáng tác năm 1843, cho khắc bia và tôn trí trong nhà bia ở chân núi Ngự.

Về hai bài thơ viết về núi Ngự của vua Minh Mạng và Miên Thẩm

Vua Minh Mạng và Tùng Thiện công Miên Thẩm cũng có thơ viết về núi Ngự Bình, không khắc bia nhưng tình ý rất độc đáo. Để hiểu thêm cái hay cái đẹp của bài thơ “Bình lãnh đăng cao” (1843), cần tiếp cận bài thơ “Ngự Bình sơn” của vua Minh Mạng (1839) và bài thơ “Ngự Bình sơn đăng cao” của Miên Thẩm (1866).

Khi vua Minh Mạng đã củng cố và phát triển Đại Nam khá thành công, cùng đoàn tùy tùng lên chơi núi Ngự Bình, nhà vua đã từng biết ngọn núi có vai trò quan trọng đối với kinh thành, dưới góc độ phong thủy, vì thế nhà vua hạ bút hai câu đề bài thơ “御屏山”(Ngự Bình sơn) (Núi Ngự bình) trong tâm cảm hào sảng: 當闕巍巍列翠屏,藏風納水衛京城 (Đương khuyết nguy nguy liệt thúy bình, Tàng phong nạp thủy vệ Kinh thành) (Trước cung lồng lộng núi Ngự xanh/ Nước thu gió giữ hộ Kinh thành).

Vài chục năm sau, hoàng tử thứ mười của vua Minh Mạng là Miên Thẩm, vào độ ngũ tuần, sau cuộc loạn Đoàn Trưng (1866) với nhiều u uất trong lòng, lên núi Ngự Bình, cũng biết núi Ngự Bình làm án cho kinh thành, khí lành ngút mây, thi ông đã vào hai câu đề bài thơ 御 屏山登髙(Ngự Bình sơn đăng cao) (Leo cao núi Ngự Bình) trĩu nặng nỗi niềm: 御屏秀氣壅雲閒, 杓杖挍鞋拂晓攀(Ngự Bình tú khí ủng vân gian, Tiêu trượng hiệu hài phất hiểu phan) (Khí lành núi Ngự ngút mây trời, Sửa giày chống gậy leo sớm mai). Miên Thẩm thừa biết vua anh Thiệu Trị từng kết bài thơ “Bình lãnh đăng cao” với câu “ 雲開瑞氣靄晴嵐”(Vân khai thụy khí ái tình lam.) (Mây tan trời quang đãng khí lành ngùn ngụt bay lên); thi ông lấy ý này để vào câu đề như một dấu hỏi lớn. Đó là lý do nhà thơ sớm leo núi Ngự Bình để “kiểm chứng” vậy.

Trong tâm cảm hạnh phúc của vị hoàng đế, trị vì đất nước Đại Nam vào thời thịnh trị, bao người được hưởng phúc, cho nên nhìn hoa núi như tranh vẽ, nhất là những cây thông đẹp mê hồn khó tả: 山花似易丹清染, 松樹應難筆墨成(Sơn hoa tự dị đan thanh nhiễm, Tùng thụ ưng nan bút mặc thành) (Hoa núi đỏ xanh như tranh vẽ, Thông đẹp mê người bút khó phô). Trước núi Ngự Bình có gò Trĩ với dòng khe Nam chảy qua chân gò, cư dân làng An Cựu trồng dâu nuôi tằm. Lại có trảng Dưa với đất cát pha, trồng rau màu… thế nên quanh núi Ngự Bình đầy những thảm thực vật với màu xanh của lá và màu đỏ của quả dâu như tranh vẽ. Còn sườn núi lại trồng thông thành rừng xanh thẳm làm mê mẩn nhà thơ…

Miên Thẩm đứng trên núi Ngự, nhìn gò Trĩ với nhà trệt của dân xen lẫn lầu gác nhà quan, chẳng hạn phủ đệ của các vị tôn thất của phòng Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền ở làng An Cựu và dân chúng đa phần là tá điền làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm. Thi ông thấy dưới chân núi Thiên Thai ngoại (Long sơn, Chung sơn) rất sầm uất với chợ An Cựu (nay ở Nhà văn hóa Trung tâm), Nam trường đình (nay là khách sạn Pháp),… và thi ông không khỏi u hoài. Thi ông không thể quên được những ngày dân tình sôi sục bất mãn với những việc làm thất nhân tâm của triều đình Tự Đức: 万戶楼臺明雉疊, 一时森作憶龍山 (Vạn hộ lâu đài minh trĩ điệp, Nhất thời sâm tá ức Long san) (Gò Trĩ vạn nhà chen lầu gác/ Núi Rồng sầm uất chợt u hoài). Miên Thẩm làm sao quên được ở chân núi Đông Sơn có ngôi chùa Long Quang, nơi học Phật đồng thời luyện võ, kiểu chùa Thiếu Lâm, do sư Phật Thanh - Huyền Khê khai sơn; nơi con rể Đoàn Trưng lập “Đông Sơn thi tửu hội”, nơi người tri kỷ là sư Nguyễn Văn Quí trụ trì và Phật tử đa phần là tá điền canh tác ruộng chùa, ruộng sở hữu bởi các quan là hậu duệ phủ Dận Quốc công. Thế mà giờ đây đã điêu tàn, hoang phế, thi ông rất buồn và rất nhớ những người thân bị nạn. Tâm sự u hoài được thi ông gửi gắm trong bài “Phế trạch hành”, “Quỷ khốc hành”.

Vua Minh Mạng ắt từng đọc Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, trong đó họ Lê từng tóm tắt về phong thủy Phú Xuân: “Dinh Phú Xuân có năm lần hổ thủy [nước về phía hữu] ôm đằng trước: một là nguồn Hữu-trạch chảy xuống là sông Phú-xuân, hai là sông nhỏ An-nông, ba là nguồn Hưng-bình chảy vào đầm Hà-trung, bốn là nguồn Phúc-âu chảy qua Cao-đôi mà vào phá Hà-trung, năm là nước từ đèo Mệt-mỏi chảy xuống đèo Cảnh-dương. Có ba lần long sa [cát ở bên tả] nhăn bên tả: một là phố Thanh-hà ở bên tả sông cầu Lạc-nô, hai là các xã Hồng-phước Thuận-hòa ở bên tả thượng lưu sông con ngã ba Sềnh, ba là các xã Bình-trị Thai-dương ở bên tả hạ lưu phá Tam-giang thẳng đến cửa Eo” (tr.113). Khi đứng trên Ngự Bình nhà vua nhớ lại phong thủy Phú Xuân phát vương phát đế cho dòng họ Nguyễn hàng trăm năm nên hạ bút: “內抱重河佳氣聚/ 外週疊 嶂瑞光呈”(Nội bão trùng hà giai khí tụ/ Ngoại chu điệp chướng thụy quang trình) (Trong ôm nhiều sông gom khí tốt/ Ngoài chập chùng sa-ngọc long lanh). Chữ chướng ở đây không chỉ núi mà chỉ sa (cồn cát) theo phong thủy, nhờ thế mới phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh.

Vua Minh Mạng nhớ lại cát địa của kinh thành Phú Xuân với niềm tự hào, còn mấy chục năm sau con ngài đang sống những ngày hoàng tộc triều Nguyễn mất đoàn kết, đất nước đã mất lục tỉnh, triều đình vì vua Tự Đức không con mà làm những điều thất đức. Cư dân gò Trĩ làng An Cựu oán thán. Miên Thẩm vào hai câu luận: “ 紅搜門健斩兒女/綠酒扶衰爽鬢 顔” (Hồng sưu môn kiện trảm nhi nữ/ Lục tửu phù suy sảng mấn nhan).

Vua Minh Mạng lấy núi Ngự Bình với sắc xanh bao phủ làm biểu tượng đất nước trường tồn, núi sừng sững ở trời Nam như trụ cột chống đỡ non sông nghìn thuở vững bền, nhà vua vào hai câu kết: “蒼 蒼黛色年年在/ 屹立南天 舉頂擎”(Thương thương đại sắc niên niên tại/ Ngất lập Nam thiên cử đỉnh kình) (Quanh năm bao phủ xanh xanh thẳm/ Vững cột Trời Nam dựng cao xanh).

Còn vị hoàng tử thứ mười của vua Minh Mạng cảm khái về những nghĩa sĩ năm nào, mối hận vẫn tràn đầy, trên mặt cồn gò phía trước vẫn còn rải rác gươm cùn kiếm rỉ, dấu tích của những ngày nổi dậy, không may bị thua, rút về căn cứ Long Quang; cuối cùng bị bắt và bị hành hình tập thể. Miên Thẩm hạ bút viết hai câu kết:  “烈士算年多感慨/誰兮硗缺剑光嗯” (Liệt sĩ toán niên đa cảm khái/ Thùy a khao khuyết kiếm quang ân) (Bao năm nghĩa sĩ còn căm hận/ Đất khô ánh kiếm hừ chôn ai?). Nỗi lòng u uất này, Miên Thẩm đã trải đầy đủ hơn trong bài “Cổ chiến trường hành”.

御屏山

當闕巍巍列翠屏,
藏風納水衛京城.
山花似易丹清染,
松樹應難筆墨成’
內抱重河佳氣聚/
外週疊嶂瑞光呈
蒼 蒼黛色年年在/
屹立南天舉頂擎.

Phiên âm:

Ngự Bình sơn

Đương khuyết nguy nguy liệt thúy bình,
Tàng phong nạp thủy vệ Kinh thành
Sơn hoa tự dị đan thanh nhiễm,
Tùng thụ ưng nan bút mặc thành
Nội bão trùng hà giai khí tụ
Ngoại chu điệp chướng thụy quang trình
Thương thương đại sắc niên niên tại
Ngất lập Nam thiên cử đỉnh kình.

Dịch thơ:

Núi Ngự Bình

Trước cung lồng lộng núi Ngự xanh,
Nước thu gió giữ hộ Kinh thành.
Hoa núi đỏ xanh như tranh vẽ,
Thông đẹp mê người bút khó phô.
Trong ôm nhiều sông gom khí tốt
Ngoài chập chùng sa-ngọc long lanh.
Quanh năm bao phủ xanh xanh thẳm,
Vững cột Trời Nam dựng cao xanh

 

御屏山登髙

御屏秀氣壅雲閒,
杓杖挍鞋拂晓攀
万戶楼臺明雉疊,
一时森作憶龍山
紅搜門健斩兒女,
綠酒扶衰爽鬢顔.
烈士算年多感慨,
誰兮硗缺剑光嗯.

Phiên âm:

Ngự Bình sơn đăng cao

Ngự Bình tú khí ủng vân gian,
Tiêu trượng hiệu hài phất hiểu phan
Vạn hộ lâu đài minh trĩ điệp,
Nhất thời sâm tá ức Long san
Hồng sưu môn kiện trảm nhi nữ,
Lục tửu phù suy sảng mấn nhan.
Liệt sĩ toán niên đa cảm khái,
Thùy a khao khuyết kiếm quang ân.

Dịch thơ:

Leo cao núi Ngự Bình

Khí lành núi Ngự ngút mây trời,
Sửa giày chống gậy leo sớm mai.
Gò Trĩ vạn nhà chen lầu gác
Núi Rồng sầm uất chợt u hoài.
Tìm thuốc bổ chặt đầu bé gái,
Rượu hồi dương uống mặt đỏ au.
Bao năm nghĩa sĩ còn căm hận,
Đất khô ánh kiếm hừ chôn ai?

Thay lời kết

Tiếp cận bài “Bình lãnh đăng cao” và hai bài thơ, bài “Ngự Bình sơn” và bài “Ngự Bình sơn đăng cao” rút ra một nhận định thú vị. Về hình thức thì cả ba bài theo thể Đường luật thất ngôn bát cú với niêm luật chặt chẽ, không có gì mới. Nhưng tình ý của ba bài thơ rất đỗi chân thật, phản ánh đúng thời thế của chốn kinh sư nói riêng và đất nước Đại Nam nói chung trong giai đoạn từ 1843 đến 1866. Vua Minh Mạng viết bài thơ trong tâm cảm mừng vui về sự lớn mạnh của Đại Nam, nhờ sự hộ trì lớn lao của thiên địa (phong thủy), nhà vua lờ đi yếu tố “nhân hòa”. Thật vậy, hoàng tộc nhà Nguyễn sau năm 1774 tan đàn xẻ nghé, đa phần thương vong nhưng rồi nhờ phong thủy nhà Nguyễn đã trở lại cựu đô, làm nên nghiệp đế, rực rỡ nhất là khi ngài kế thống. Vua Thiệu Trị khi viết “Bình lãnh đăng cao”, mượn cớ hồi ức về vua cha từng giá lâm núi Ngự, đã hạ bớt yếu tố phong thủy, khi chỉ nói về “khí lành”, để nâng yếu tố “nhân” trong công cuộc củng cố đất nước, hàm ý đề cao vua cha nói riêng và liệt thánh nói chung. Còn Miên Thẩm lên núi Ngự Bình trong tâm cảm của một quốc thúc chứng kiến hoàng tộc chia rẽ, một phần Đại Nam đã mất vào tay giặc, kinh thành mới xảy ra loạn lạc, máu đổ đầu rơi, oán thán khắp nơi,… nên viết bài thơ nói lên hoài nghi sự hộ trì của thiên địa, đến nỗi không còn “nhân hòa”. Chỉ hơn hai mươi năm, quang cảnh núi Ngự không thay đổi lắm nhưng lòng người đã chuyển biến ghê gớm; từ “hồ hởi phấn khởi” trong vua Minh Mạng, chuyển qua “tự hào, biết ơn” tiên đế trong vua Thiệu Trị, phát triển thành ngọn trào u uất trong Tùng Thiện công. Tình huống này rất đúng với đúc kết của thi hào Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”,… Thơ hay dở thì quả có nhiều quan điểm của các nhà phê bình. Khi cảm thụ ba bài thơ nêu trên, thiên về nội dung thì thấy cả ba bài là tuyệt cú; và quả Vương Trọng chí lý khi viết: “Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận”.

T.V.Đ
(TCSH50SDB/09-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ sen (06/10/2023)