Nghiên Cứu & Bình Luận
Vài mẹo về tiểu thuyết dài (tiếp theo) *
14:35 | 15/12/2023

PHAN NGỌC

  Tặng các nhà tiểu thuyết trẻ

Vài mẹo về tiểu thuyết dài (tiếp theo) *
Học giả Phan Ngọc - Ảnh: tư liệu

Mẹo 2: Xét con người trong cả quá trình.

Trong chuyện kể dân gian, trong cổ tích, trong tuồng, nhân vật được trình bày nhiều khi rất cụ thể, sinh động, hấp dẫn, nhưng phần lớn có một điểm không thể tránh khỏi: các nhân vật ấy không có quá trình. Tức là những con người ấy trước sau không thay đổi. Ai trung thì trung từ đầu chí cuối, ai nịnh thì nịnh từ đầu chí cuối, ai xấc xược thì xấc xược từ đầu chí cuối, ai ngu dại thì ngu dại từ đầu chí cuối. Tự thân cách trình bày này là rất có giá trị. Nó cho phép ta nhận diện không lầm lẫn nhân vật, để căn cứ vào đó mà dự đoán về phản ứng của anh ta trong những tình huống anh ta bắt gặp, và chính cách dự đoán của chúng ta phù hợp với sự thực làm ta thích. Hứng thú cách trình bày đem đến là ở chỗ nó làm ta hài lòng về tài xét đoán của chính mình. Ta đột nhiên thấy mình sáng suốt, thông minh. Trong truyện nôm, trừ Truyện Kiều cũng có tình trạng ấy. Đọc tác phẩm ấy không ai cảm thấy "tức anh ách".

Chuyện dài của ta có tình trạng này. Tôi không bàn về giá trị tư tưởng của tác phẩm. Chuyện tư tưởng là chuyện của các nhà giáo dục. Tôi nhìn thao tác nghệ thuật để làm sao cho tác phẩm lôi cuốn độc giả hôm nay. Cách trình bày không có quá trình thực tế không làm người ta say mê được lâu. Tại sao? Vì nhân vật không có vấn đề, không nêu lên vấn đề gì với thời đại cả. Vấn đề là gì? Chỉ cái gì có hai giải pháp có thể lựa chọn, trong đó việc chọn khả năng này hay khả năng kia đều có lý do, trong đó tôi chọn giải pháp này, anh chọn giải pháp kia đều có cơ sở, lúc đó việc chọn của anh hay của tôi mới thành vấn đề. Bởi vì tôi chưa chắc đã tán thành cách chọn của anh, và ngược lại dĩ nhiên anh có quyền không tán thành cách chọn của tôi. Như vậy khi đọc một tác phẩm, người đọc đứng trước nhiều sự lựa chọn. Nhân vật lựa chọn là một chuyện. Cách lựa chọn của anh ta có chỗ nào đấy giải thích được, nhưng cũng có chỗ nào đấy chưa giải thích ổn, mà theo anh có thể làm khác đi. Ở Châu Âu loại nhân vật ấy ra đời với hoàng từ Hăm-lét. Ở Việt Nam loại nhân vật này ra đời với nàng Kiều. Ở Trung Quốc loại nhân vật này ra đời rất sớm. Ta đã bắt gặp nó trong Tam quc chí diễn nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển văn học Đông Nam Á. Ai không tin điều này, xin đọc quyển Literary Migrations của nhà Hán học Pháp Claudine Salmon (International Culture Publishing Corporation, 1987) trong đó nói đến vai trò của tiểu thuyết Trung Quốc trong việc góp phần xây dựng các nền văn học Thái Lan, Inđônêxia, Miến Điện, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản... từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Để cho câu chuyện thành giản dị, về tiểu thuyết Trung Quốc tôi sẽ nói những tác phẩm hết sức quen thuộc và giải thích tại sao nó lại có sức mạnh lôi cuốn đến như vậy. Trong bài này tôi chưa nói đến tiểu thuyết châu Âu hiện đại. Tôi chỉ nói đến tiểu thuyết Tàu. Bởi vì, có những thành tựu về kỹ thuật đã có trong Tam quốc chí diễn nghĩa, Tây du ký, Thủy hử mà ta chưa biết tận dụng.

Con người của tiểu thuyết mới phải có quá trình. Tức là trong cuộc đời anh ta, có những chuyện làm ta tức anh ách, nhưng xét kỹ đó là do cả quá trình quy định anh ta như thế, và anh ta phải cứ như thế để trung thành với quá trình, dù cho việc làm của anh ta có nhiều chỗ làm ta khó chịu. Đọc Thủy hử, chắc chắn ta bắt gặp những đoạn của Lâm Xung, Tống Giang làm bạn khó chịu, bạn phải kêu lên: Ngu quá! Tại sao hai người này không lên Lương Sơn Bạc ngay. Nhưng Lâm Xung, Tống Giang là những người theo truyền thống tôn sùng nhà vua, kiếm công danh bằng con đường phục vụ triều đình. Họ không thể nào phản bội quá trình đào tạo của họ. Cho nên chỉ khi nào mọi tin tưởng của họ vào giá trị của triều đình bị tan vỡ, họ mới có thể lên Lương Sơn Bạc được. Trái lại, dân Lý Quỳ xuất thân từ dân nghèo tứ cố vô thân thì sự chống đối của họ là hiển nhiên. Chính vì tác phẩm làm bạn tức anh ách cho nên bạn không thể rời bỏ tác phẩm được. Cũng vậy, trong Tam quốc chí diễn nghĩa, nhân vật Tào Tháo chỗ này làm bạn thích, chỗ kia làm bạn ghét, nhưng dù ghét hay thích, đây vẫn là một nhân vật cực kỳ hấp dẫn. Tào Tháo lúc đầu chính là một nhân vật trung thần, vác gươm đi giết Đổng Trác, nhưng sau lại trở thành một Đổng Trác. Không có gì chứng minh vai trò to lớn của hoàn cảnh bằng sự tha hóa này. Quá trình là cái như vậy: nó thay đổi hành vi của ta mà chính ta cũng không tự hiểu được. Đọc Tam quốc chí diễn nghĩa, các nhân vật Lưu Bị, Trương Phi, Quan Vũ đều có những việc làm làm ta khó chịu nhưng chính sức hấp dẫn của tác phẩm lại là ở đấy. Tác phẩm trở thành một bài toán đố, trong đó lời giải vượt lên khỏi lời giải thông thường của ta.

Trở lại câu chuyện tiểu thuyết hiện đại của ta. Nói rằng có quá trình, tức là nói rằng người bần cố nông, người trí thức, người thuộc tầng lớp thị dân theo Đảng đều có những quá trình khác nhau và đều trải qua những thể nghiệm khác nhau trong khi thực hiện lý tưởng của mình. Lý tưởng thì chỉ có một: giải phóng đất nước, đem lại giàu có, hạnh phúc cho những người lao động. Nhưng mỗi người lý giải nó một cách khác nhau. Do đó, trong quá trình trưởng thành mỗi người có những cách giải quyết khác nhau. Ngay khi người ta làm đúng, thì trong một hành động nhìn bên ngoài là thống nhất, nhìn bên trong vẫn có những điểm khác nhau. Tôi có đọc một quyển tiểu thuyết nói đến một tướng cướp trở thành một người cách mạng. Tôi rất thích tác phẩm này đến mức trong một thời gian tôi lấy tên anh ta để tự gọi mình. Nhưng tác phẩm không đem đến cho tôi sự thích thú mà tôi mong đợi. Lẽ ra một tướng cướp Bình Xuyên phải có một quá trình riêng chi phối toàn bộ cuộc đời anh ta sau khi vào cách mạng. Anh ta sẽ có những kiểu ứng xử khác một người trí thức, hay khác mọi người khác. Đằng này cái quá trình của anh ta bị mất hẳn, chẳng cách nào tìm thấy dấu vết một tướng cướp Bình Xuyên sau khi anh ta theo cách mạng nữa. Tôi chờ đợi một nhân vật của "Sông Đông êm đềm" mà không bắt gặp. Thà tác giả không phải là một người thông thạo thực tế Nam Bộ thì nói làm gì. Tôi thừa biết tác giả thông thạo, một người mà cả đế quốc Pháp, Mỹ không đe dọa nổi lại nhát gan trước sự thực của văn học. Thực là khó hiểu.

Tình hình thực tế là thế. Khi Mác, En-ghen nói: Giai cấp vô sản theo cách mạng chỉ mất xiềng xích, trái lại được cả thế giới, là nói với giai cấp vô sản châu Âu. Trái lại, nhân dân Việt Nam theo Đảng, giành được chính quyền, độc lập, thống nhất cho đất nước chưa phải là có được tất cả: Anh ta còn đứng trước vô số khó khăn để đổi mới cái đất nước nghèo nàn lạc hậu thành một nước tiến bộ, giàu có. Chính điều này giải thích tại sao nhiều người trong cách mạng thì anh dũng, mà sau khi đã trở thành những người chủ của đất nước thì lại sa ngã khá dễ dàng. Điều này sẽ bàn ở mục "Chuyn từ chê sang trách". Ngay khi ta làm đúng, thực tế ta chỉ làm đúng theo điều lý tưởng cách mạng dạy bảo ta. Nhưng hiểu cái lý tưởng ấy cho triệt để thì ta vẫn chưa hiểu. Cho nên mới có sự sa ngã mà chúng ta bắt gặp trước tình trạng tham ô, vi phạm đạo đức xã hội chủ nghĩa hiện nay. Trong việc này lối trình bày sự việc không có quá trình phải nhận phần trách nhiệm của nó.

Tôi không biết các bạn theo cách mạng nhờ sự giáo dục như thế nào. Còn tôi thì nhớ rằng mọi cái khổ đều là do đế quốc và phong kiến gây nên. Giải phóng được đất nước khỏi đế quốc và phong kiến thì lập tức đất nước sung sướng. Ở đây có cái sức lôi cuốn của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng. Nhưng chủ nghĩa lãng mạn cách mạng này không đúng với thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng không lãng mạn. Bác dạy chúng ta phải làm đầy tớ nhân dân lao động suốt đời, phải lấy quyền lợi của nhân dân lao động làm mục tiêu phấn đấu suốt đời. Và cả đời con cháu, chúng ta cũng phải làm như vậy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào con người cũng phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Nếu không thế không phải là người. Vậy, anh lấy căn cứ gì để làm cha mẹ dân sau khi cách mạng thắng lợi? Không phải tự thân thành phần giai cấp có thể đem đến cho ta đạo đức cách mạng một cách vĩnh viễn được. Giai cấp nào thì cũng không có quyền tự hào trước nhiệm vụ cách mạng. Giai cấp vô sản cũng thế.

Tiểu thuyết ta vì không xét đến thành phần thứ ba, lại nhìn cách mạng một cách lãng mạn, nên thực tế không nhìn thực tế như nó tồn tại, trái lại làm ta hiểu thực tế quá đơn giản. Tính chất đơn giản này có thể thông cảm trong giai đoạn đấu tranh độc lập. Nhưng sang giai đoạn xây dựng đất nước phồn vinh thì nó gây cản trở.

Nói rằng nhân vật có quá trình phát triển, không phải là nói đến những con kỳ nhông, mà nói đến những con người. Con người vẫn duy trì cái làm thành tính cách của nó. Chính những lúc con người có những hành vi ngó bên ngoài thành vấn đề mới nêu bật được tính chất thống nhất của tính cách. Tính cách của các nhân vật trong Tam quc chí diễn nghĩa, Thủy hử... là không thay đổi. Cũng vậy, khi một người đã quyết tâm đi con đường cách mạng thì anh ta có thể làm một số việc chưa thực ăn khớp với điều mà tính cách đòi hỏi ở anh ta. Nhưng anh ta sẽ trở lại với tính cách mình. Và khi trở lại, anh ta sẽ có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Thực tế sức lôi cuốn của những người cộng sản từ xưa đến nay là ở đấy, không phải ở bạo lực, quyền lợi, kinh tế. Đây là điều Mác chưa nói đến, vì học thuyết Mác trước sau là một học thuyết kinh tế.

Khi nói có quá trình, tức là có quá trình từ hai phía: từ phía những người cách mạng và từ phía những người chưa theo hay chống lại cách mạng. Người cách mạng lôi cuốn cả toàn dân trong đó không thiếu những người chống cách mạng, bằng cái gì? Sự thực cho biết không phải bởi quyền lực hay bởi quyền lợi kinh tế. Mà ở chỗ những người cách mạng hy sinh hơn ai hết cho quyền lợi nhân dân lao động, cho tổ quốc. Trên cơ sở đó mọi thành kiến bị xóa bỏ, nhân dân theo cách mạng. Những người cách mạng có còn không, có còn đủ dũng khí không. Đó là điều phải bàn đến trước tiên khi nói đến một văn học cách mạng.

Một người dù có những sai sót nào đấy trong cuộc đời, cũng có những mặt đáng quý. Bởi vì bất chấp quan điểm chính trị, người Việt Nam là người Việt Nam. Còn là người Việt Nam thì còn yêu nước còn nghĩ đến cha mẹ, con cái, còn hiểu trách nhiệm của mình với dân tộc. Sự khác nhau về xu hướng chính trị không phải ghê gớm lắm như người ta hình dung. Nhất là ở vào giai đoạn trong đó nhất thiết phải tính đến những yêu cầu mới của thế giới mới. Vậy, mỗi người đều có cái quá trình khách quan để đi đến một sự thông cảm chung. Tôi rất thích những tác phẩm như "Ông c vấn", "Con đường thiên lý". Kẻ đối thù của ta, khác nhau về chính kiến nhưng là người Việt Nam. Còn là người Việt Nam thì trên cái chung đó còn có cơ sở để đoàn kết. Không có gì tai hại hơn cho văn học là thái độ chủ quan, tự mãn. Một thí dụ: Văn học Trung Quốc vĩ đại như vậy với cả Đông Nam Á, trong cái giai đoạn chủ quan chẳng tạo nên được một tác phẩm nào có sức thu hút thế giới. Đó là một bài học mà chúng ta bắt buộc phải suy nghĩ. Con người Mácxit phải là con người thực hiện. Thực tiễn văn học Trung Quốc là như thế. Chúng ta cứ việc ca ngợi cái chúng ta tưởng tượng, nhưng thực tế vẫn là thực tế.

Đó là điểm thứ hai. Trong tác phẩm tiểu thuyết, không thể xuất phát từ con người giai cấp. Con người là con người trước khi là thuộc giai cấp gì. Cũng như con chim là con chim trước khi là con chim nuôi trong lồng hay con chim sống ngoài trời. Cây cam là cây cam trước khi nó là cây cam Xã Đoài hay cây cam nào cũng thế. Mác nói "con người là một tổng hòa những quan hệ xã hội" nhưng Mác không liều lĩnh đến nỗi nói "con người chỉ là tổng hòa...". Vì ở con người có cả quá trình thống nhất từ khi là vượn đến giờ, có lịch sử chung, xã hội chung và một nền văn hóa chung. Chả lẽ những chuyện hiển nhiên như thế lại là chuyện bịa đặt? Chả lẽ người vô sản được dệt bằng những chất liệu riêng, loài người chưa biết đến?

Mẹo 3: Con người Việt Nam.

Nội dung của tiểu thuyết dài Việt Nam muốn thu hút cả thế giới chỉ có thể là con người Việt Nam. Tức là không phải con người Trung Quốc, con người phương Tây. Mà con người Việt Nam hôm nay, với tất cả những ưu khuyết điểm của nó, với suy nghĩ, cảm xúc của chính nó. Tôi có nói tiểu thuyết, kịch Việt Nam gần đây giới thiệu những ông tây An Nam. Câu nói sẽ làm mọi người tức giận, nhưng nhiệm vụ nhà khoa học là chấp nhận sự tức giận, miễn là sau đó có sự đổi mới làm khoa học đất nước thoát khỏi lạc hậu, nghèo nàn. Chưa bao giờ khoa học là kẹo cả.

Trước hết phải thấy cái thứ động vật mang tên người Việt Nam nó phi thường như thế nào. Nếu không sẽ uổng mất một kiếp người. Con người Việt Nam có những đặc tính nói là kỳ quặc cũng được, nói là vô song cũng không ngoa.

Nó nhảy xuống đồng bằng Bắc Bộ vào thời đồ đồng, khi đất nước toàn là sình lầy, ở Đông Nam Á không một dân tộc người nào dám xuống. Xuống để làm gì? Để quai đê, lấn biển, đắp đập, ngăn sông đào mương tháo nước. Và nó đã giành được cả một đồng bằng để sống. Cái đồng bằng ấy, nó đã kéo từ đáy biển lên. Đồng bằng ấy là sản phẩm nó sáng tạo ra vào cái thời kỳ kỹ thuật cực thấp. Nó không bao giờ khoanh tay chờ trời. Nó tạo ra đất nước bằng bàn tay của chính nó. Tạo ra đất nước, tất nhiên nó không để ai thống trị đất nước. Tức là nó chống bất kỳ đạo quân xâm lược nào. Để làm điều đó, tinh thần anh dũng không đủ, mà phải cực kỳ thông minh sáng tạo, kiên nhẫn, nhất là biết dừng lại, biết tự hạn chế. Không phải ngẫu nhiên mà trên đất nước này bản tuyên ngôn đầu tiên về dân tộc tự quyết của loài người đã ra đời trong Bình Ngô đại cáo. Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc ấy, và chỉ dân tộc ấy thôi mới đánh bại mọi đạo quân xâm lược, dù là ghê gớm như dân Mông Cổ, dù là đông đảo như quân Minh, dù là hùng mạnh như đế quốc Mỹ. Dưới đáy lòng mỗi người Việt Nam, bất chấp giai cấp, tầng lớp, sống ở đâu quá khứ như thế nào, có một Trần Bình Trọng.

Con người Việt Nam ấy không sống cho mình, mà cho những người khác, cho đồng bào của nó. Người ta nói nó bị Hán hoá bởi Khổng giáo. Không phải nó chỉ bị Hán hóa. Nó còn bị Pháp hóa, Mỹ hóa, Liên Xô hóa, và còn hóa theo nhiều cách khác nữa. Nhưng điều quan trọng là mọi sự tiếp thu càng làm cho bản sắc của nó phong phú lên mà không thay đổi đặc tính của nó được. Để cho gọn, tôi chỉ nói đến hai ảnh hưởng: ảnh hưởng của Khổng giáo và ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác.

Khổng giáo không nói đến Tổ quốc. Những quan hệ mà Khổng giáo nêu lên là những quan hệ giữa người với người, trực tiếp, không thông qua một môi giới trung gian nào hết. Con người tự xưng là quân tử trong cách ứng xử với một người khác tuân theo những nguyên lý: hiếu với cha mẹ, trung với vua, nhân nghĩa với mọi người, nhằm mục đích duy trì một trật tự được xem là mẫu mực gọi là Lễ. Trong cách ứng xử ấy anh ta biểu lộ sự sáng suốt gọi là trí. Cái gọi là nước ở thời Khổng Tử chẳng qua là phần đất phong, tức là vật sở hữu của một con người, một dòng họ. Như Hàn Phi Tử nói: "Người ta nói nước Tề mất không phải là nói đất và thành của nó đã mất mà nói họ Lữ không cai trị mà họ Điền chuyên quyền" (Cô phẫn). Chính vì vậy, Khổng Tử và các người tài thời Xuân Thu Chiến Quốc sớm Sở tối Tần mà không biết ngượng: ai dùng thì theo, và theo thì sẵn sàng đem quân về đánh lại cái nước đã sinh ra mình. Nước đối với người Trung Quốc là đất sở hữu của dòng họ nhà vua. Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều là những tên đại diện cho dòng họ, không có cái tên nước khách quan. Còn Trung Quốc, tên này có từ thời Hàn Phi thì chỉ cái nước ở giữa, tự nó không phải là tên. Ở Việt Nam tên nước tách khỏi tên triều đại. Mọi khái niệm mà ta tưởng là của Nho giáo thực ra đối với người Việt Nam đều được xét thông qua sự tồn tại của đất nước và nhân dân Việt Nam. Về hiếu có đại hiếu là hiếu với bà mẹ đất nước. Nguyễn Trãi khẳng định: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Không có cái đạo đức chung chung đơn thuần giữa cá nhân với cá nhân. Nguyễn Trãi nói: Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược/ Có nhân, có trí có anh hùng. Nhân, trí, anh hùng là vì quyền lợi nhân dân.

Chính vì người Việt Nam xét giá trị của con người trước hết ở quyền lợi của đất nước, ở bổn phận đối với nhân dân, cho nên đó là một đất nước không chấp nhận sự nô lệ. Khi ở dưới ách xâm lược, người Việt chỉ sống thoi thóp, luôn luôn tìm cách nổi dậy: đó là thái độ chung của mọi tầng lớp. Đó là một nhân dân không bạo lực nào đè bẹp nổi, không một lợi ích vật chất nào mua chuộc nổi. Bất cứ ai, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi đất nước bị nô dịch, cũng ngóng đợi thời cơ. Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời tháng 2 thì ngày 12 tháng 9 là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chẳng có sức mạnh tuyên truyền nào làm được điều kì lạ ấy. Những người đã ngã gục trước súng đạn thực dân thực tình chưa biết chủ nghĩa cộng sản. Cái họ biết là một con đường mới.

Cái mới Đảng Cộng sản Đông Dương đưa đến, chắc chắn không phải là tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, ý chí gang thép. Cái đó đã có sẵn. Có ba cái mới: Một là chỉ có thể giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc trong quan hệ với cả thế giới, đứng về phía giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức. Hai là chính quần chúng lao động nghèo khổ mới là lực lượng chính, quyết định sự thắng lợi, chứ không phải trí thức, quan lại, nhân sĩ. Ba là phải xây dựng một xã hội phục vụ quyền lợi của quần chúng lao động. Đó là ba cái mới lịch sử Việt Nam chưa hề biết đến. Và bởi vì người Việt Nam nhìn mọi cái vì quyền lợi của đất nước, của nhân dân, cho nên đây là một sự đổi mới triệt để. Con người Việt Nam được giải phóng.

Nhưng con người Việt Nam là con người Việt Nam. Anh ta sống giữa nhiều quan hệ mà anh ta phải thực hiện đầy đủ: quan hệ với cha mẹ, với vợ con, với anh em, với tổ quốc, với đồng chí. Anh ta có quan hệ với quê hương, bà con, làng xóm, truyền thống lịch sử. Anh ta có một gia tài phải giữ gìn: gia tài tinh thần đã đào tạo anh ta thành con người hôm nay, gia tài vật chất đã nuôi sống anh ta đến giờ. Anh ta có vô số trách nhiệm. Do đó, anh ta không cô đơn. Con người cô đơn vì không thấy trách nhiệm. Anh ta không phải là người khổ hạnh, nhưng sức mạnh của xác thịt không tác dụng đến anh ta được bao nhiêu, bởi vì anh ta ra đời ở một đất nước hết chống thiên tai lại chống ngoại xâm, hết lo cho mình lại lo cho gia đình, mọi người. Và vì được tôi luyện trong cái môi trường này nên anh ta hiểu giá trị của cuộc sống chân chính, cuộc sống đẹp mà cha mẹ, chung quanh anh ta đã dạy cho anh ta.

Con người Việt Nam ấy ở đâu? Văn học nghệ thuật và các phương tiện nghe nhìn có chú ý đến anh ta không? Xem sách báo, phim ảnh người, ta có cảm tưởng như là cái xấu đã thắng. Còn lâu.

Chúng ta trải qua những chuyện ngược đời. Có một giai đoạn trong văn học chỉ thấy những con người thánh thiện. Thực tình con người thánh thiện ấy không có, bởi vì ai mà chẳng có những hạn chế, những khuyết điểm: miễn là cái lòng của anh ta thực sự lo cho đất nước, thì những sai lầm phạm phải do trình độ, thành kiến, học vấn... sẽ được khắc phục. Quan Vũ trong Tam Quc chí đầy những khuyết điểm. Rồi đến một giai đoạn ngược lại, chỉ thấy toàn lưu manh, lưu manh về mọi phương diện. Xã hội Việt Nam vẫn tồn tại đấy chứ! Ngay trong cuộc đổi mới này, bao nhiêu là điều đáng ca ngợi: một nước khác, lâm vào hoàn cảnh này loay hoay còn chán. Đây là biệt tài Việt Nam. Không ai thích nghi với cái mới nhanh như người Việt Nam. Có những xáo trộn, nhưng đó là tất yếu. Có tình trạng tham ô lãng phí. Đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nhân dân sẽ khắc phục được tình trạng này.

Có một giai đoạn chế độ mới được hình dung là thánh thiện. Ai nói đến một thiếu sót, đến tham ô, lãng phí lập tức bị xếp vào tay sai của tư sản phản cách mạng. Thế rồi, bỗng nhiên chính những người hôm qua lên án bọn phản cách mạng này, hôm nay lại chán nản, làm như tình hình chết đến nơi. Chính tình trạng tham ô hôm nay là con đẻ của lối lãng mạn cách mạng hôm trước. Cách mạng hay đến đâu thì cũng do con người làm ra. Và cách mạng nào cũng không loại trừ được mọi cái xấu. Cho nên đây có hiện tượng sai sót là chuyện dễ hiểu. Chẳng có cuộc cách mạng nào loại trừ hết được nạn tham ô. Muốn chống lại, phải có một nhân dân cảnh giác, sáng suốt, hiểu sức mạnh và quyền lợi của mình. Văn học thực tế đã góp phần tạo nên tình trạng chủ quan. Vậy nó phải làm gì trong giai đoạn mới. Tôi sẽ nói đến điều đó trong mẹo "Chuyển từ chê sang trách".

Văn học và nhất là tiểu thuyết dài phải nêu bật con người Việt Nam đích thực. Cuộc đời mỗi người cán bộ còn sống được đến ngày nay chính là nhờ nhân dân đùm bọc. Những tấm gương quên mình cho cách mạng, cho nhân dân, cho nghĩa vụ thực ra ai cũng biết. Những con người như vậy hiện có khắp nơi. Chính họ, chính lớp người này chứ không phải ai sẽ là chỗ dựa cho cách mạng. "Những con người tử tế". Không phải đến ngày nay mới có những con người như thế. Không phải lịch sử loài người bắt đầu với chủ nghĩa cộng sản, còn trước đó chưa phải là người. Vậy con người cứ tiếp tục là chính mình. Con người của mọi thành phần. Không phải chỉ có người nghèo mới tốt. Con người tốt hay xấu không liên quan tới thành phần, tài sản, học vấn. Nó liên quan tới trách nhiệm trước nhân dân. Về khoản này khỏi lo. Nhân dân Việt Nam biết giữ khí tiết của mình. Nếu như đế quốc và phong kiến không làm hỏng được nó, thì ta có quyền yên tâm trước tương lai.

Chúng ta đã bước vào thời đại nghe nhìn. Nghệ thuật nghe nhìn phải giới thiệu con người Việt Nam như nó tồn tại. Thực tình những con người ấy không thông thạo cho lắm về những học thuyết, về chủ nghĩa xã hội. Nhưng mặc dầu về mặt này họ có kém, về mặt dũng cảm quên mình lo cho hạnh phúc của nhân dân, mà trước hết là hạnh phúc của nhân dân lao động thì họ không kém đâu. Kinh nghiệm của hai cuộc kháng chiến là thế. Họ không nói giỏi, nhưng cái gì họ thấy đúng thì họ quyết tâm làm cho kỳ được. Trong những hoàn cảnh mà một tộc người khác chưa chắc đã dám nghĩ đến. Ta không cần lãng mạn hóa những con người ấy. Chỉ việc trình bày họ như trong thực tế là đã cuốn hút thế giới. Một thí dụ: những bà mẹ Việt Nam. Một thí dụ thứ hai, những con người trong hoàn cảnh mở cửa tìm mọi cách để đổi mới nền kinh tế. Bao nhiêu là trở lực! Trở lực từ bên ngoài, trở lực do tình trạng hiểu biết rất hạn chế của họ. Họ có thể phạm sai lầm. Nhưng có một điểm họ không thể phạm sai lầm là họ nhất thiết phải làm cho đất nước và nhân dân phải thống nhất độc lập và tự do. Những con người nghèo khổ không khuất phục nổi, giàu sang không quyến rũ nổi. Không có những con người ấy không có đất nước Việt Nam hôm nay, và đất nước Việt Nam sẽ không trụ lại được trước vô vàn thử thách mấy ngàn năm nay và trước những thử thách trước mắt.

Thế giới đang bị nhiễm độc. Những nước gọi là hậu công nghiệp cũng không thoát khỏi sự nhiễm độc ấy. Nền văn hóa chân chính của loài người, nền văn hóa xây dựng trên tình thương, sự hiểu nhau, sự quan tâm tới quyền sống của mọi người, sự sống yên ổn trên cùng một hành tinh trong đó môi trường không bị đe dọa, việc chống lại bệnh Sida về tinh thần và về cơ chế, nạn ma tuý dưới mọi hình thức... Đó là những điều cả thế giới quan tâm. Đó là những vấn đề thời sự hôm nay. Hy vọng tiểu thuyết Việt Nam sẽ đưa ra những câu trả lời, cũng có giá trị như câu trả lời mà Việt Nam đã nêu lên với nhân loại. Câu trả lời của lương tri thế kỷ. Người Việt Nam có cách trả lời của mình. Hy vọng cách trả lời này sẽ xứng đáng với lịch sử của nó.

(còn nữa)

P.N
(TCSH55/05&6-1993)

-------------------
(*) Xin đọc từ số 1.93 TCSH Xuân Quí Dậu. Do điều kiện liên lạc với tác giả khó khăn, bài này TCSH in cách quãng mất một kỳ.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ sen (06/10/2023)