Nghiên Cứu & Bình Luận
Thơ và đổi mới thơ
10:50 | 24/08/2009
TRẦN VĂN LÝAi sản xuất lốp cứ sản xuất lốp. Ai làm vỏ cứ làm vỏ. Ai làm gầm cứ làm gầm. Nơi nào sản xuất máy cứ sản xuất máy. Xong tất cả được chở đến một nơi để lắp ráp thành chiếc ô tô. Sự chuyên môn hoá đó trong dây chuyền sản xuất ở châu Âu thế kỷ trước (thế kỷ 20) đã khiến cho nhiều người mơ tưởng rằng: Có thể "sản xuất" được thơ và sự "mơ tưởng" ấy vẫn mãi mãi chỉ là mơ tưởng mà thôi!

Ngày nay những cỗ máy thông minh, những bộ óc điện tử đã làm việc thay cho con người ở nhiều lĩnh vực và con người cũng đang "mơ tưởng", thậm chí đang thí nghiệm để cho những "bộ óc điện tử thông minh" ấy làm thơ. Nhưng kết quả chỉ là những câu chữ ngơ ngẩn vô hồn, vô nghĩa mà thôi. Những con người "mơ tưởng" ấy họ đã không chịu nghe câu mà ai đó đã cảnh cáo họ từ lâu rằng: "Một bộ óc điện tử dù thông minh đến đâu đi chăng nữa cũng không thể biết được lúc nào nên khóc, lúc nào nên cười".

Ấy vậy mà đầu thế kỷ này nhà thơ Thạch Quỳ lại "phát hiện ra tính DUY NHẤT của thơ" ba bài thơ của ông (là những bài nào thì ông không nói) giống y hệt ba bài thơ của lớp các nhà thơ tiền chiến. Ông giải thích đại ý rằng:

Những bài thơ "kiểu ấy" khi làm hay được tới tuyệt đích các "cao nhân" sẽ gặp nhau, sẽ có cùng "một quả". Có nghĩa là như một phương trình toán học, nếu giải đúng sẽ có một nghiệm duy nhất mà thôi! Nếu đúng vậy người ta sẽ nạp các dữ kiện (kiểu các phương trình) cho máy vi tính và máy vi tính sẽ làm thơ thay các nhà thơ, nhà thơ Thạch Quy và ông Hà Văn Thuỳ người đồng ý với nhà thơ Thạch Quỳ về có tính duy nhất trong thơ sẽ không phải mất thì giờ làm thơ nữa, sẽ có khối thời gian để đi làm việc khác.

Tới đây xin được nói về phương Tây văn minh, nơi mà những người phương Đông hâm mộ, thậm chí có người còn thần thánh nó, tuyệt đối nó tới mức khi tranh luận với nhau họ thường dùng câu: "Phương Tây họ đã làm như vậy" để kết thúc cuộc tranh luận, để kéo phần phải về mình. Những người ấy họ quên một điều rằng:

Phương Tây cũng chỉ là một nửa của thế giới, nửa ấy có phần hơn song cũng có nhiều cái mà nửa phương Tây phải quay lại nhìn phương Đông, học phương Đông. Trong văn chương cũng vậy, không phải cứ cái gì của phương Tây đều là hay là đúng cả. Ví dụ họ (phương Tây) đã từng có cuộc tranh luận:

Cái lọ đựng nước quan trọng quyết định hay nước ở trong lọ là quan trọng là quyết định. Nghĩa là hình thức của thơ quan trọng, quyết định; hay nội dung của thơ là quan trọng, là quyết định. Những người tuyệt đối "cái lọ" nghĩa là tuyệt đối hoá phần hình thức của thơ, họ đã làm thành trường phái: "Chủ nghĩa hình thức ở Nga". Chủ nghĩa này đã có tiếng vang ở khắp châu Âu và ra ngoài cả châu Âu nữa.

Ngày nay, đa số mọi người đều hiểu rằng: Thơ là ý là tứ, là tình cảm của con người, được thể hiện bằng một hình thức thơ (thể loại thơ) nhất định. Nếu có tứ thơ ắt phải có hình thức biểu cảm thì người đọc mới hiểu, mới thấu được. Không có ý, có tứ thì cũng chẳng cần "hình thức" mà làm gì. Có nghĩa là hình thức và nội dung (lọ và nước) đều quan trọng, đều phải có, mới có thơ. Đề cập về những điều trên để đi tới việc tìm hiểu thơ và sự đổi mới thơ sẽ dễ dàng hơn.

Nếu đã gọi là sự đổi mới thơ có nghĩa là phải đổi mới cả về hình thức và nội dung thơ. Trước tiên xin nói phần nội dung:

Thơ là "cảm xúc" của con người trước thiên nhiên, vũ trụ, xã hội và con người được biểu cảm (thể hiện) bằng hình thức ngôn ngữ - chữ viết tối ưu nhất. Với "số chữ tối thiểu biểu hiện được số nghĩa tối đa". "Cảm xúc" phải hiểu theo nghĩa là những nhận biết (hiểu biết) và tình cảm của nhà thơ với những nhận biết ấy. Vậy đổi mới về nội dung có nghĩa là thơ phải phát hiện ra những cái mới, nhận biết ra những cái mới về thiên nhiên, vũ trụ, xã hội và con người rồi đặt trong góc độ “tình cảm" của nhà thơ. Sự phát hiện ấy cộng với tình cảm ấy là những điều mà trước đấy chưa ai biết, chưa ai nói. Tại sao đã nhấn mạnh đến sự NHẬN BIẾT (phát hiện) rồi mà lại còn phải đặt nó trong góc độ "tình cảm" của nhà thơ nữa? Là vì trong khoa học ai cũng nhận biết được 1 + 1 = 2 song trong thơ thì không hẳn là như vậy. Cùng là một bông hoa, mỗi người có góc độ quan sát khác nhau có mức độ yêu ghét khác nhau sẽ có những bài thơ khác nhau, thậm chí trái ngược nhau (điều này là sự bất lực của những bộ óc điện tử thông minh nhất). Thậm chí cùng một loài hoa nhưng ở những lứa tuổi khác nhau của một con người đã có những bài thơ (kết quả) khác nhau.

Xin được đề cập nốt phần đổi mới về hình thức thơ:

Có nhận biết (phát hiện về nội dung) mới rồi. Thậm chí cả mức độ tình cảm nữa cũng đã khác trước đây. Những điều ấy phải được thể hiện bằng một hình thức (thể loại thơ) nào đấy để cho người đọc hiểu được. Không những hiểu được mà còn phải xúc động nữa như các nhà thơ hằng mong muốn. Vậy nên sự tìm tòi hình thức mới, hay hơn, tối ưu hơn là ước mơ gần như "tự thân" này, đôi khi gần như "vô thức" này đã dẫn tới làm được nhưng bài thơ "tuyệt tác" mà đôi khi người ta thường nói là TRỜI CHO.

Những điều vừa nói tới có thể đi tới một kết luận rằng: Sự tìm tòi để đổi mới thơ (cả hình thức và nội dung) là sự vận động gần như "tự thân" của các nhà thơ ở mọi lứa tuổi chứ không phải là sự vận động chỉ riêng gì của các nhà thơ trẻ. Ở Việt Nam nhà thơ Tản Đà là người đầu tiên có công nhận thấy cần phải làm một cái gì đấy rồi mới đến lớp nhà thơ trẻ lúc bấy giờ như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư và những nhà thơ khác trong phong trào thơ mới. Tìm tòi để có những bài thơ tuyệt tác, thơ hay hơn những bài thơ trước. Nhưng có người tìm thấy và có người cả đời tìm mà vẫn không thấy lại là chuyện khác.

Những bài thơ "đổi mới" đến đâu đi chăng nữa cũng vẫn phải bảo đảm được một điều tối thượng của thơ, đó là đọc lên phải hiểu được, cảm được, gây được sự xúc động mãnh liệt cho người đọc qua đó thức tỉnh được người đọc hướng cõi lòng họ về phía CHÂN, THIÊN, MỸ. Chứ không phải là viết những bài thơ hình thức kỳ quái, nội dung tối mù, tắc tị rồi gào lên đấy là những bài thơ "mới" thì cũng chẳng ai tin đâu.

Gần đây có nhiều nhà thơ được gọi là lớp những NHÀ THƠ TRẺ ở Việt Nam, Thái Lan, Pháp và nhiều nước trên thế giới, muốn đoạn tuyệt với quá khứ (thơ truyền thống) thậm chí phá hết những cái cũ đi để xây những cái mới. Xin thưa với các nhà thơ lớp trẻ, những vĩ nhân của tương lai ấy rằng: Không ai đập phá nổi những giá trị đích thực của thơ truyền thống đâu. Có vị Hoàng đế Trung Hoa đã đốt hết sách đi còn không ăn thua gì nữa là mấy lời gào thét lạc lõng của một số nhà thơ "quá khích" hiện nay. Ai sẽ làm nổi cái việc là "bắt được" tất cả những người yêu thơ ở Việt Nam không yêu thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến. Trần Tế Xương, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính và Tố Hữu nữa? Không ai làm nổi đâu! Chỉ có điều tuy lòng người yêu thơ Việt Nam đã yêu thơ của các nhà thơ vừa kể ở trên rồi song vẫn còn rộng chỗ, rất rộng chỗ nữa để yêu những bài thơ "tuyệt tác" của lớp các nhà thơ trẻ hiện nay nếu họ viết được chứ các nhà thơ trẻ đừng lâm vào cảnh như một nhà thơ Thái Lan nói đại ý rằng: Các nhà thơ trẻ của nước Thái Lan chưa làm được việc gì ngoài việc PHÁ. Nói thế kể cũng phải, mà cũng lại chưa phải. Bởi vì dù ai có tài "phá" đến đâu đi chăng nữa, cũng không phá nổi những giá trị đích thực trong lĩnh vực tinh thần của loài người bởi vì những giá trị tinh thần ấy là giá trị PHI VẬT THỂ chứ đâu có phải là như cái bát ăn cơm hàng ngày mà giơ tay lên đập một cái là xong.

Xuân Giáp Thân
T.V.L
(184/06-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng