Nghiên Cứu & Bình Luận
Nguyễn Phi Khanh và bài thơ "Hóa thành Thần Chung"
15:25 | 19/03/2024

LÊ NGUYỄN LƯU

Sợi xích chằng buộc mối tơ duyên giữa công chúa Huyền Trân và quốc vương Chế Mân năm 1306 đã đưa vào bản đồ Đại Việt một vùng sông núi thuộc hai châu Ô Rí (1), nhà Trần đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa, thường gọi chung Thuận Hóa.

Nguyễn Phi Khanh và bài thơ "Hóa thành Thần Chung"
Ảnh: tư liệu

Đây là nơi địa đầu giới tuyến suốt từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV, đã phải chịu nhiều phen khói lửa, cho nên các triều đại đều xem như trọng trấn, cử những văn thần võ tướng lừng danh vào kinh lược, chẳng hạn Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Hoàng Hối Khanh, Đặng Tất, Lê Khôi, Lê Chuyết... Đặc biệt Hồ Quý Ly rất quan tâm về phương Nam; ngoài việc xây dựng Tây Đô, ông còn dốc sức khai thác Thuận Hóa với ý đồ lập một hậu cứ vững chắc để nếu thất bại ở miền Bắc thì rút vào cố thủ.(2)

Trải qua thời gian dài, bàn tay cần cù của nông dân đã dần dần tạo nên vẻ phong quang cho vùng đất mới, và non nước Thuận Hóa cũng đã đi vào thơ ca của dân tộc. Chúng tôi xin giới thiệu một trong rất ít bài thơ sớm nhất làm cách đây khoảng sáu trăm năm, bài (Hóa thành Thần Chung) (Chuông sớm ở Thành Hóa) của Nguyễn Phi Khanh, vì có vấn đề cần bàn lại. Bài ấy như sau:

Viễn viễn tòng tăng tự
Sơ sơ lạc khách bồng
Triều sinh thiên địa hiểu
Nguyệt bạch hựu giang không.

Dịch xuôi: (Tiếng chuông) từ ngôi chùa xa xa văng vẳng lọt vào mái thuyền người xa xứ. Nước dâng lên, trời đất sáng rạng; vầng trăng vằng vặc lại thêm mặt sông mênh mông.

Tạm dịch thơ:

Thăm thẳm chùa đâu đó
Chuông ngân lọt mái bồng
Nước dâng trời đất rạng
Trăng tỏ dãi đầy sông.

Tên Hóa thành, trên Nam phong tạp chí số 145 tháng 4-1927, Đinh Văn Chấp dịch là Thành Huế, còn sách Thơ văn Lý Trần (3) thì chú "chưa rõ nơi nào". Dĩ nhiên thành Hóa không phải là thành Huế, dịch như Đinh Văn Chấp dễ khiến người ta lầm thành Hóa ngày xưa ở gần biển và thành Huế ở trung lưu sông Hương vẫn tồn tại đến bây giờ. Lại có người (?) cho rằng thành Hóa trong bài thơ trên là ở một ngọn núi gần Hoàng Giang thuộc phủ Thiên Trường, nơi phát tích của Hoàng tộc nhà Trần. Nguyễn Phi Khanh quả có lần đến vùng này và để lại bài thơ Hoàng Giang dạ vũ (mưa đêm ở sông Hoàng). Nhưng điều đó chưa đủ để kết luận thành Hóa ở Hoàng Giang. Vậy, Hóa thành chính xác ở đâu? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nên xem lại tiểu sử của nhà thơ.

Nguyễn Phi Khanh vốn tên Ứng Long, gốc ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc (nay huyện Chí Linh tỉnh Hải Hưng), sinh tại xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc trấn Sơn Nam thượng (nay huyện Thường Tín tỉnh Hà Sơn Bình). Thời trẻ, ông ở Thăng Long dạy cô Trần Thị Thái, con gái quan tư đồ Trần Nguyên Đán thuộc tôn thất nhà Trần. Hai thầy trò đem lòng yêu nhau. Cô Thái mang thai, kết quả mối tình vụng trộm; ông sợ hãi bỏ trốn. Trần Nguyên Đán biết chuyện, sai người tìm về khuyên bảo, cho sum vầy gia thất. Ít lâu sau, cô Thái sinh con đầu lòng là Nguyễn Trãi, rồi Ứng Long đi thi, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Dần năm 1374, khoảng 20 tuổi(4). Khoa này có 50 người trúng cử, trong đó có trạng nguyên Đào Sư Tích, bảng nhãn Lê Hiến Phủ, thám hoa Trần Đình Thâm(5).

Vì cớ ông là bình dân mà lấy vợ hoàng tộc, thượng hoàng Nghệ Tông không cho làm quan, mãi đến triều Hồ mới được bổ dụng. Ông đổi tên Phi Khanh, từ chức học sĩ viện Hàn lâm thăng dần lên đến tu nghiệp Quốc tử giám. Khi giặc Minh xâm lược (1407), ông bị bắt đưa sang Kim Lăng. Theo gia phổ tại xã Nhị Khê, ông mất ở Kim Lăng năm 1428, thọ 73 tuổi (như vậy thì ông sinh năm 1355). Không rõ ông có kịp thấy sự nghiệp vẻ vang của con chăng?

Nguyễn Phi Khanh để lại một tập thơ được chép trong c Trai thi tập dưới nhan đề Nhị Khê thi tập. Trong đó, qua một số bài, ông than thở về nỗi "tấm thân hồ hải" lênh đênh nơi góc bể chân trời, làm kẻ lữ hành nơi thôn xa xóm quạnh. Những bài này được sáng tác vào thời gian nào? Dĩ nhiên ông không thể đi lang thang như thế trước khi ngồi dạy học tại nhà quan tư đồ, và còn bé và phải "dùi mài kinh sử"; cũng không thể lưu lạc dưới đời Hồ sau năm 1402, vì đã làm quan tại kinh đô. Lại sau khi thi đỗ, tuy không được xuất sĩ, nhưng ông cũng đã có nơi nương tựa, thưởng theo hầu bố vợ, làm thơ thú ứng hoặc tại Thăng Long, hoặc về Côn Sơn, Trần Nguyên Đán mất (1390), ông đem vợ con về Nhị Khê, và có đi đó đi đây ít nhất trong mười năm (theo câu "Hồ hải thập niên tình” trong bài Hoàng Giang dạ vũ). Nhưng ông không thể đi xa, chỉ loanh quanh ở đồng bằng sông Hồng để thỉnh thoảng về nhà chăm sóc con cái và làm nhiều bài thơ thôn cư (ở nơi làng xóm).

Chỉ khi trốn tránh gia pháp nhà quan tư đồ do mối tình vụng trộm, mang tội chết như chơi, chàng trai chưa đầy hai mươi tuổi mới cần phải đi biệt xứ, mai danh ẩn tích để không ai tìm bắt lại được. Trong tình hình hiểm nghèo ấy, làm sao ông dám về ngay Thiên Trường, thang mộc ấp của nhà Trần! Cho nên, lênh đênh trên thuyền, ông đi dần vào Nam, để rồi đặt chân đến Hóa Châu và làm thơ vịnh. Một số bài trong Nh Khê thi tập được sáng tác ngay trên thuyền, hẳn cũng ra đời trong chuyến đào tẩu này.

Ngay bản thân bài Hóa thành thần chung, tuy hình ảnh miêu tả không lấy gì cụ thể lắm như đặc trưng chung của loại thơ Đường luật, nhưng nét chính cũng là cảnh sông nước mênh mông mường tượng cảnh Hóa thành mà sau này Dương Văn An miêu tả năm 1553 trong sách Ô châu cận lục: “Sông Cái Kim Trà rót vào phía nam, đập lớn chằm to ước nghìn vạn khoảnh. Các dòng nước bọc cả bốn bề, giữa có một tòa thành trăm dặm sừng sững như đám mây dài...” Đọc những dòng này, chúng ta quả thấy phù hợp với câu thơ:

Triều sinh thiên địa hiểu
Nguyệt bạch hựu giang không.

Ngồi trên thuyền giữa vùng sông nước bao la ấy, Nguyễn Phi Khanh nghe văng vẳng những tiếng chuông từ xa, chẳng khác gì Trương Kế đời Đường ở bến Phong Kiều:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyn.

Tản Đà dịch:

Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Chúng ta dễ dàng nghĩ rằng những tiếng chuông ngân nga ấy xuất phát từ chùa Sùng Hóa bên kia sông, ở xã Triêm An phía tây nam Hóa Thành. Đây là quê hương của Đặng Tất (? - 1409) và con là Đặng Dung (? - 1413), những danh nhân đời Hồ và hậu Trần, nay còn ngôi đền thờ biển ngạch ghi "Đặng quốc công từ". Ngôi chùa Sùng Hóa trải qua hàng trăm năm tồn tại, Dương Văn An cũng có nhắc tới trong Ô châu cận lục, đến cuối thế kỷ XVI thì đổ nát hoang tàn, Nguyễn Hoàng cho trùng kiến năm 1602, bấy giờ cùng "tề danh" với chùa Thiên Mụ (trùng hưng năm 1601).

Như vậy, chúng ta có cơ sở để tin chắc rằng Nguyễn Phi Khanh đã có lần đặt chân đến Thuận Hóa trong thời gian trốn bỏ nhà Trần Nguyên Đán vì cái tội "phạm thượng", khoảng 1372-1374. Một anh học trò hèn mà dám tư tình với cô gái lá ngọc cành vàng! Thành Hóa châu ở Ngã ba Sình chính là đối tượng ông miêu tả trong bài thơ Hóa thành thần chung, chứ không có một Hóa thành nào khác.

L.N.L
(TCSH57/09&10-1993)

--------------------------
(1) Một số sách quốc ngữ phiên âm là chữ Lí. Chúng tôi nghĩ phải đọc Rí mới đúng, vì thư tịch cổ viết với chữ Lí kèm bộ khẩu theo lối nôm. Nếu là Lí thì thêm bộ khẩu làm gì cho phiền phức (tiếng Hán không có âm đầu R).
(2) Để xây đựng căn cứ miền Nam, Hồ Quý Ly một mặt cử các võ tướng hoặc các nhà khoa bảng vào trấn thủ (trong đó có vị là khai canh làng xóm ở Thuận Hoá như Đỗ Tử Trừng, Hoàng Hồi Khanh...), một mặt đẩy mạnh cuộc Nam tiến, chiếm thêm đất Chăm-Pa. Quả nhiên về sau, mặt trận miền Bắc vỡ, cha con họ Hồ trốn vào Nam và bị bắt ở Nghệ An.
(3) Tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, Tr. 473.
(4) Ở đây có một nghi vấn. Nếu Nguyễn Phi Khanh đỗ tiến sĩ năm 1374 thì Nguyễn Trãi sinh trước đó ít lâu chứ không phải năm 1380 như các sách thường ghi. Còn như nếu Nguyễn Trãi sinh năm 1380 thì Nguyễn Phi Khanh phải thi đỗ năm 1381, là năm sử chép có một khoa thái học sinh. Chúng tôi cho rằng Nguyễn Trãi sinh khoảng 1373-1374.
(5) Tên những vị này được chép trong ĐVSKTT, VSTGCM. Sách Nguyễn Trãi toàn tập (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, Tr. 12) dựa vào gia phả tại làng Nhị Khê, nói Nguyễn Phi Khanh đỗ đệ nhất giáp đệ nhị danh tức bảng nhãn, chắc không đúng.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng