LÊ NHẬT KÝ
Sông Hương là đề tài hấp dẫn đối với nhiều nhà thơ Việt Nam. Ngay từ thời trung đại, sông Hương đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của không ít nhà nho - thi sĩ như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ...
Tiếp nối mạch cảm hứng đó, các thi sĩ ở nửa đầu thế kỉ XX đã sớm làm cho dòng thơ về sông Hương (gọi gọn là thơ sông Hương) trở nên có sắc vóc, đa vẻ khi họ “không bao giờ tự lặp lại mình”1 trong từng thi phẩm.
1. Thi sĩ thơ sông Hương chủ yếu là các cây bút Thơ Mới
1.1. Thời kì 1900 - 1945 có một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển nền văn học Việt Nam khi bắt đầu chịu ảnh hưởng của cuộc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây. Kết quả của cuộc tiếp xúc văn hóa đó là sự chuyển mình của nền văn học theo hướng hiện đại. Một thế hệ văn nhân thi sĩ mới ra đời, không ngừng đem đến cho công chúng những tác phẩm mới mẻ cả về thể loại lẫn nội dung cảm hứng. Lực lượng tác giả viết về sông Hương cũng không ngoài diễn tiến chung đó.
Theo quan sát của chúng tôi, số người làm thơ về đề tài sông Hương đã đông hơn, có thể phân thành ba nhóm như sau:
- Thứ nhất, đó là các cây bút có nhiều gắn bó với nền thơ trung đại. Nhóm này gồm có Tản Đà và Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh gọi họ là “người của hai thế kỷ”, “còn giữ được của thời trước cái cốt cách vững vàng” song vẫn “gần chúng tôi lắm”2. Tản Đà không có bài thơ nào viết riêng về sông Hương, chỉ có mấy câu sau đây trong bài Chơi Huế (1921): “Lại bao phố xá ngoài thành/ Trên cầu xe ngựa, ghe mành dưới sông/ Đông Ba, Gia Hội càng đông/ Nhịp cầu nhẹ bước xa trông càng tình/ Dòng sông trắng, lá cây xanh/ Xuân giang xuân thụ cho mình nhớ ai”. Ưng Bình Thúc Giạ Thị được biết đến rộng rãi hơn với những câu thơ chạnh lòng non nước: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…” (Chiều chiều trước bến Văn Lâu, 1937).
- Thứ hai, đó là các cây bút trưởng thành từ phong trào Thơ Mới. Nhóm này đông, gồm có Nguyễn Bính, Đông Hồ, Hàn Mặc Tử, Nam Trân và nhiều tên tuổi khác. Điểm nổi bật ở nhóm tác giả này là vừa trẻ tuổi đời, vừa rất tài năng. Họ có nhiều bài thơ hay về sông Hương, qua đó, góp phần gia tăng ảnh hưởng của phong trào Thơ Mới. Đến nay, những câu thơ, bài thơ của các thi sĩ Thơ Mới vẫn giữ được sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với bạn đọc, dù thị hiếu thẩm mỹ đã thay đổi khá nhiều: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay” (Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vỹ Dạ), “Bến sông thuyền ngủ lưa thưa/ Tiếng chuông Diệu Đế gió đưa lại gần” (Nam Trân, Tiếng chuông Diệu Đế), hay: “Cầu cong như chiếc lược ngà/ Sông dài mái tóc cung nga buông hờ” (Nguyễn Bính, Vài nét Huế)…
- Thứ ba, đó là nhà thơ Tố Hữu. Ông là nhà thơ trẻ tuổi theo lí tưởng cộng sản, tác giả bài thơ Tiếng hát sông Hương, viết năm 1938. Ngày trước, bài thơ này được phổ biến rộng rãi, thể hiện rõ cảm hứng lãng mạn cách mạng của ông với niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của người kỹ nữ: “Ngày mai, cô sẽ từ trong tới ngoài…”.
Như vậy, về mặt loại hình, tác giả thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX chủ yếu là các nhà thơ trưởng thành từ phong trào Thơ Mới. Họ được đào tạo từ nhà trường Pháp - Việt, tiếp nhận có hệ thống các giá trị văn chương lãng mạn phương Tây, đồng thời cũng có một nền tảng văn hóa dân tộc vững chắc. Tất cả những điều đó sẽ vừa chi phối, vừa đảm bảo làm nên thành công cho các thi sĩ trên hành trình sáng tạo thơ ca.
1.2. Dựa vào tiêu chí quê quán, chúng tôi thấy có rất ít nhà thơ xứ Huế viết về đề tài sông Hương. Phải chăng, sông Hương đẹp nên hấp dẫn các thi sĩ trong Nam ngoài Bắc nhiều hơn?
Về hoạt động trải nghiệm - sáng tác của các tác giả này, theo chúng tôi, có thể miêu tả thành hai nhóm như sau:
- Nhóm thứ nhất bao gồm những tác giả ngang qua Huế, đến Huế chơi một thời gian ngắn; gồm có Tản Đà, Văn Cao, Vũ Đình Liên và một vài tác giả Thơ Mới khác. Hầu hết, họ chỉ lưu lại một bài thơ về sông Hương: Tản Đà - Chơi Huế (1921), Đông Hồ - Trong đôi mắt Huế (1939), Văn Cao - Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (1940), Khổng Dương - Bến Vỹ Dạ (1943)… Trường hợp Nguyễn Bính có phần đặc biệt hơn khi ông lưu lại Huế lâu hơn (một năm) và có nhiều bài thơ về Cố đô nói chung và sông Hương nói riêng: Giời mưa ở Huế, Vài nét Huế, Thu rơi từng cánh, Một con sông lạnh…
- Nhóm thứ hai gồm những tác giả đến Huế học tập và làm việc, có Nam Trân, Tế Hanh, Bích Khê, Thái Can… Trong đó, tiêu biểu hơn cả là nhà thơ Nam Trân. Ông người Quảng Nam, ra Huế học tập rồi làm việc tại tòa Khâm sứ một thời gian khá dài. Năm 1939, ông xuất bản tập Huế Đẹp và Thơ, gồm 37 bài, xoay quanh cảm hứng về cảnh đẹp xứ Huế. Đó là kết quả của hành trình say mê khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và con người xứ Huế, đúng như ông viết: “Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo” (Đẹp và Thơ). Mặt khác, ông viết về sông Hương bằng tâm thế người trong cuộc, xem Huế như quê hương của mình. Trong bài thơ Núi Ngự sông Hương, ông dùng hai từ “Huế tôi” rất đỗi tự hào: “Huế tôi cảnh đẹp như mơ/ Đế đô là một bài thơ muôn vần”. Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đánh giá cao đóng góp này của tác giả Huế Đẹp và Thơ với văn chương Huế: “Thiết tưởng vị tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn nữa; lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ”3.
Tóm lại, thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX được sáng tác bởi các cây bút Thơ Mới, những vị khách của xứ Huế mộng mơ. Với đặc điểm về tác giả như vậy, thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX tất yếu sẽ mang vẻ đẹp của thơ lãng mạn, thể hiện ở cả nội dung cảm hứng lẫn phương thức trữ tình.
2. Cảm hứng chủ đạo là sông Hương đẹp mà buồn
2.1. Đặc điểm nổi bật của thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX là sự tập trung về mặt cảm hứng. Dù viết về vấn đề gì, tiếp cận đối tượng từ góc độ nào, các nhà thơ đều không ngoài mục đích khắc họa hình tượng sông Hương với hai phẩm chất nổi bật là Đẹp và Buồn. Hai phẩm chất này hầu như xuyên thấm vào nhau, hiện hữu trong nhau, làm nên hình ảnh sông Hương đẹp mà buồn trong ấn tượng chung của người đọc xưa nay. Trong số những thi phẩm mà chúng tôi sưu tập được, Trên sông Hương (1936) của Thái Can có lẽ là bài thơ trong trẻo nhất, miêu tả hình ảnh các em học sinh vui vẻ “đi đò qua sông Hương” sau mỗi buổi tan trường: “Sông Hương dòng phẳng lặng/ Xanh xanh nước thủy triều/ Qua sông đò sẵn đó/ Vui vẻ biết bao nhiêu”. Bài thơ gồm 17 khổ, không chỉ toàn niềm vui mà còn có nỗi buồn sông nước: “Dưới sông nhiều hiệp sĩ/ Gửi xác khinh công hầu” (khổ 7), “Kia kìa nhà thi sĩ/ Trên sông ngâm thơ sầu!” (khổ 9). Như vậy, sự xuất hiện của hai khổ kể trên ngoài việc mở rộng nội dung tác phẩm còn phản ánh đặc điểm sáng tạo của các thi sĩ nửa đầu thế kỉ XX.
Cảm hứng về sông Hương đẹp mà buồn vốn đã xuất hiện trong thơ ca thời trung đại, thường được biết đến qua hai câu thơ sau đây của Nguyễn Du: “Hương giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu” (Thu chí). Lưu ý điều này để thấy dấu ấn kế thừa và phát triển của các nhà thơ thời kì hiện đại hóa. Rõ ràng, với những lợi thế do hoàn cảnh xã hội, mối quan hệ tiếp xúc văn hóa Đông - Tây đưa lại, các thi sĩ (nhất là thi sĩ Thơ Mới) đã nâng lên thành cảm hứng chủ đạo, phù hợp với việc biểu đạt điệu hồn lãng mạn, đồng thời tạo sự khác biệt nhất định với thơ sông Hương thời trung đại cũng như từ sau năm 1945 trở lại đây.
2.2. Biểu hiện của nội dung cảm hứng sông Hương đẹp và/mà buồn trong thơ ca nửa đầu thế kỉ XX khá đa dạng, đậm nhạt ở từng thi phẩm cụ thể. Tuy vậy, có thể quy về hai mạch cảm hứng thể hiện các vẻ đẹp khác nhau của đối tượng trữ tình, là đẹp thơ mộng và đẹp mà buồn.
2.2.1. Trước hết, có khá nhiều câu thơ, bài thơ nói về vẻ đẹp thơ mộng của sông Hương. Đó là vẻ đẹp của sự hòa điệu giữa sông nước và con người, giữa tự nhiên và văn hóa. Trong bài Núi Ngự sông Hương, Nam Trân ví sông Hương là “cô gái mĩ miều” (Sông Hương cô gái mĩ miều). Bích Khê cũng có cái nhìn tương tự: “Dòng Hương in gái nguyên lành” (Huế đa tình). Trong cảm nhận của các thi sĩ là hiện thân của vẻ đẹp nữ tính, dịu dàng và quyến rũ, thơ mộng và huyền ảo, đúng như nhạc sĩ Trương Tuyết Mai sau này từng khẳng định là “không nơi nào có được”.
Ở nội dung này, người đọc có được niềm vui khi tìm thấy ở thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX những câu thơ, bài thơ miêu tả cảnh vật, con người xứ Huế thật đẹp, thật đáng yêu. Có thể kể đến thơ Nam Trân với hình ảnh chân thực về: “Mặt trời gay gay đỏ/ Nhuộm đỏ góc sông Hương” (Huế, ngày hè), hay cảnh nhà nhà ra sông Hương hóng gió: “Ba dịp cầu Trường Tiền/ Đứng dày người hóng mát/ Ngọn gió Thuận An lên/ Áo quần kêu sột soạt” (Huế, đêm hè). Nam Trân được yêu thích nhiều hơn cả chính là bài Đẹp và Thơ, miêu tả hình ảnh cô gái chèo thuyền như một vẻ đẹp đặc trưng của sông Hương: “Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng/ Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo/ Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết/ Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo”. Khổ thơ trên không chỉ có giá trị miêu tả mà còn thể hiện quan điểm sáng tác của nhà thơ Nam Trân nói riêng, các thi sĩ Thơ Mới nói chung. Bên cạnh Nam Trân, nhiều nhà thơ khác cũng rất thành công khi miêu tả vẻ đẹp thơ mộng, quyến rũ của sông Hương. Chúng tôi muốn nhắc đến Bích Khê với câu thơ: “Dòng Hương in gái nguyên lành/ Lá thuyền du khách thanh thanh tiếng đờn” (Huế đa tình), Hàn Mặc Tử: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay” (Đây thôn Vỹ Dạ), hay Khổng Dương: “Vàng chảy ra ngòi lấp lánh sông” (Bến Vỹ Dạ), và Tố Hữu: “Trên dòng Hương giang/ Em buông mái chèo/ Trời trong veo/ Nước trong veo…” (Tiếng hát sông Hương)…
2.2.2. Gây ấn tượng mạnh với người đọc hơn cả là những câu thơ, bài thơ viết về sông Hương mang vẻ đẹp buồn. Trong số 30 bài thơ sưu tầm được, chúng tôi thấy có 20 bài xuất hiện các từ “buồn”, “sầu”, hoặc gần nghĩa như “não nùng”, “u hoài”… Ở một số bài, các từ kể trên được lặp đi lặp lại nhiều lần, có tác dụng nhấn mạnh tính chất cảm xúc, phẩm chất của hình tượng thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX.
Cảm hứng đẹp mà buồn trong thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX thường được miêu tả qua hình ảnh người phụ nữ. Cụ thể, đó là hình ảnh cung nữ nhớ nhà trong thơ Nguyễn Bính: “Có người cung nữ họ Vương/ Lên lầu nhìn dải sông Hương nhớ nhà” (Thu rơi từng cánh), là em Tuệ trong thơ Thúc Tề: “Em buồn trông mòn mỏi/ Cánh nhạn bên sông Hương” (Em buồn), hay kĩ nữ với giọng hát sầu bi trong thơ Văn Cao: “Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi/ Từng canh trời điểm một sao rơi/ Tà tà trăng lặn hiu hiu gió/ Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi” (Một đêm đàn lạnh trên sông Huế). Ở Sóng bạc tình, Nam Trân khai thác câu chuyện “thiếu nữ vô danh khóc duyên tàn” bằng “bức thư tuyệt tình, lòng ai oán”. Với nhà thơ, đó là một câu chuyện thương tâm, không phải đơn lẻ nơi dòng Hương thủy này: “Tâm sự còn bao khúc não nùng”.
Trong tương quan chung, bài thơ Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu được viết theo một phong cách khác, tiếp cận đề tài sông Hương từ góc nhìn của một người cộng sản trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết đấu tranh xã hội. Tuy vậy, bài thơ vẫn có sự gần gũi nhất định với các bài thơ khác cùng chủ đề. Cụ thể, sau khi giới thiệu cho người đọc về vẻ đẹp sông Hương “Trời trong veo/ Nước trong veo” (đoạn đầu), nhà thơ chuyển sang miêu tả tâm sự của cô gái về cuộc sống ô nhục trên con thuyền rách nát: “Thuyền em rách nát/ Mà em chưa chồng/ Em đi với chiếc thuyền không/ Khi mô vô bến rời dòng dâm ô”. Toàn bộ tâm sự của cô gái là mong muốn một cuộc sống gia đình ấm êm, sớm thoát khỏi kiếp giang hồ trên sông nước. Có thể nói, trong sự sáng tạo độc lập ở một dòng riêng, nhà thơ Tố Hữu cũng đã khắc họa nên hình ảnh một sông Hương đẹp mà buồn, có giá trị nhất trong việc tố cáo xã hội đương thời.
Như vậy, sông Hương trong thơ nửa đầu thế kỉ XX không chỉ là “sông trăng” (Hàn Mặc Tử), là “cô gái mĩ miều” (Nam Trân) mà còn là “một dòng sông lạnh” (tên một bài thơ của Nguyễn Bính), một không gian lạnh (Văn Cao, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế). Việc khám phá ra những chiều kích không gian, tâm hồn như thế đã khiến cho hình ảnh sông Hương trở nên đa dạng hơn trong cảm nhận của người đọc. Nói cách khác, vẻ đẹp của sông Hương mang tính phức điệu, trong đó gam màu buồn có phần đậm nét hơn…
3. Thơ sông Hương giàu yếu tố thuật hứng
Khái niệm thuật hứng được dùng ở đây nhằm chỉ sự hứng thú bày tỏ tình cảm, nhận thức của nhà thơ trước thế giới tự nhiên và xã hội. Trong sự bày tỏ này, nhà thơ thường dựa vào việc tái hiện các sự kiện đời sống thông qua miêu tả thiên nhiên hoặc thuật lại những sự việc, tình huống cần thiết, có giá trị kiến tạo cảm xúc. Như vậy, thuật hứng là kể, tả một cách say mê, hướng vào phục vụ yêu cầu nghệ thuật trữ tình, làm cho cảm xúc thơ thăng hoa và kết tinh trong hình tượng nghệ thuật.
3.1. Đưa truyện vào thơ là một cách làm khá phổ biến ở các nhà thơ nửa đầu thế kỉ XX. Cụ thể, các yếu tố kể, tả xuất hiện tương đối đậm nét ở các bài như Trên sông Hương (Thái Can), Sóng bạc tình, Núi Ngự sông Hương (Nam Trân), Màu đỏ đang rung (Phạm Hầu), Chơi Huế (Tản Đà)… Lấy ví dụ bài Sóng bạc tình, chúng tôi thấy nhà thơ mở đầu tác phẩm bằng việc kể lại chuyện “khách du vớt được mảnh giấy nhỏ” trôi bềnh bồng trên dòng Hương. Từ sự việc này, nhà thơ tiếp tục thuật chuyện quá khứ nhằm giải thích về xuất xứ của bức thư tuyệt tình đẫm nước mắt ở trên: “Nửa năm về trước, một đêm thanh/ Sóng nước Hương giang dợn sóng tình/ Câu chuyện nước non thừa gắn bó/ Trước thuyền trăng bạc rọi đầu xanh”. Trên cơ sở thuật chuyện như vậy, nhà thơ bộc lộ cảm xúc bằng rất nhiều câu hỏi đầy trăn trở về duyên kiếp bạc bẽo của con người: “Duyên xưa sao khéo đượm đà/ Mà nay tình lại phôi pha cõi lòng?”, “Ai gieo thơ xuống mặt sông/ Phó cho gió đẩy với dòng nước đưa?/ Biết ai mà hỏi bây giờ?/ Dải Trường giang vẫn lờ đờ về đông…”. Bài thơ Trên sông Hương của Thái Can cũng là một liên hoàn về các lớp chuyện học sinh đi đò qua sông Hương. Cụ thể, đó là cảnh tan trường giữa khung cảnh mùa xuân êm đềm, hay khi mùa hè oi bức: “Tan học, cùng ra về/ Dắt tay, cười hả hê/ Áo quần xanh, đỏ, tím/ Phấp phới bên lề đường”; “Mùa hè, trời nóng nực/ Các em muốn rửa chân…”. Thơ ngũ ngôn nhịp ngắn, với lối kể, tả theo trình tự diễn biến sự việc như vừa thuật rất phù hợp với tâm lí người đọc, nhất là thiếu nhi.
3.2. Hình thức đối thoại, tự tình cũng được các tác giả sử dụng hiệu quả, góp phần làm nên thành công chung cho thơ sông Hương 1900 - 1945. Về đối thoại, tiêu biểu là bài Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu. Nếu ở đoạn hai là lời cô gái sông Hương kể lể nỗi niềm thân phận, đặc biệt đắn đót bi quan về khả năng giải thoát: “Khi mô vô bến rời dòng dâm ô?”, “Thuyền em rách nát còn lành được không?”, thì ở đoạn cuối là lời đáp của nhà thơ với một hứa hẹn về tương lai tươi sáng: “Răng không, cô gái trên sông/ Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài…”. Hình thức đối thoại vốn phổ biến trong loại hình văn chương tự sự, có chức năng tham gia khắc họa tính cách nhân vật, thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm. Trong thơ, cụ thể là Tiếng hát sông Hương, hình thức này vừa giúp bộc lộ thế giới nội tâm nhân vật, vừa truyền gửi thông điệp, niềm tin về cuộc sống thay đổi của nhà thơ. Với hình thức này, Tố Hữu đã tạo ra được sự khác biệt nhất định so với những tác giả còn lại trong hệ thống thơ về đề tài sông Hương nửa đầu thế kỉ XX.
Ở bài Đêm khuya tự tình với sông Hương, Hàn Mặc Tử lại chọn hình thức “tự tình”, giãi bày tâm sự qua hàng loạt câu hỏi tự vấn như: “Vì ai lắm nỗi chứa chan/ Hay còn đợi khách quá giang một lần?”, “Vì đâu nước chảy lững lờ/ Hay cho thế sự cuộc cờ chiêm bao?”… Bài thơ này của Hàn Mặc Tử khá gần gũi với Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Chinh phụ ngâm khúc (bản dịch)… không chỉ về hình thức song thất lục bát mà còn ở cách thức trữ tình giãi bày, tự vấn, trĩu một nỗi niềm hoài niệm quá khứ. Phải chăng hoài niệm trong bài thơ này có ẩn chứa tình cảm yêu nước của nhà thơ Hàn Mặc Tử? Suy đoán này một phần dựa trên mục đích sáng tác của tác giả: “Kính tặng cụ Phan Sào Nam”.
Tóm lại, thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX nằm trong hệ thống chung của thơ ca Việt Nam thời kì hiện đại hóa. Vì thế, hầu hết các tác phẩm đều được sáng tác theo nguyên tắc thẩm mỹ hiện đại. Mỗi một nhà thơ đều có ý thức tự mình tìm lối đi riêng nhằm tạo nên những thi phẩm độc đáo, hấp dẫn. Cố nhiên, thơ sông Hương nửa đầu thế kỉ XX không hoàn toàn thoát li thơ ca trung đại song diện mạo đã mới, trẻ trung và giàu cá tính sáng tạo hơn. Sự thay đổi như vậy không chỉ có ý nghĩa với thành tựu của dòng thơ viết về sông Hương mà còn với cả văn chương xứ Huế nói chung ở cả những chặng đường phát triển về sau.
L.N.K
(TCSH422/04-2024)
---------------------
1 Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ai đã đặt tên cho dòng sông, https://tuoitre.vn/ai-da-dat-ten-cho-dong-song-290231. htm, cập nhật ngày 29/11/2008.
2 Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (tái bản), Nxb. Văn học, Hà Nội, 2016.
3 Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Sđd.